Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn nói về chính sách tôn giáo ở Việt Nam



ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Chính sách tôn giáo chỉ khiến người ta sợ hãi

image001Thông cáo báo chí sau cuộc họp vòng 4 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Toà Thánh diễn ra ngày 13 và 14-6 tại Vatican viết, Việt Nam nhấn mạnh “việc tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng, cũng như không ngừng khuyến khích các tôn giáo khác nhau, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, tích cực tham gia công cuộc xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội”.
 Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trước cuộc họp, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo phận TP.HCM trình bày một quan điểm khác. Theo ngài, các chính sách tôn giáo của chính phủ “làm cho người ta cảm thấy sợ hãi, nghi ngại và bất mãn”.
 Đức Hồng y Mẫn cho biết chính quyền tuyên bố rằng các chính sách tôn giáo của họ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, nhưng “họ cai trị đất nước bằng bản năng tự vệ và chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thay vì bằng con tim, lòng trí, lòng nhân, lòng đạo của con người”.
 Ngài nêu ví dụ việc tổ chức Đại hội Khoáng đại lần thứ 10 của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái. Nhiều viên chức tới chúc mừng ngài đã tổ chức tốt đẹp đại hội. Ngài nói với họ rằng việc chính quyền yêu cầu gửi danh sách các tham dự viên cùng thư mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi cấp visa đã làm cho nhiều hồng y, giám mục châu Á e sợ vì các nước khác không đòi hỏi những thủ tục ấy, nhất là khi đón tiếp các lãnh đạo Giáo Hội.
 Ngài thêm rằng các hoạt động tôn giáo đều bị kiểm soát chặt chẽ. “Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người. Thật không công bằng khi nhà nước lấy cái quyền này rồi lại đi ban phát lại cho người dân.”
 Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, cho biết chính quyền yêu cầu gửi bản danh sách các ứng viên linh mục trước lễ phong chức cho họ và cả tên giám mục phong chức. Tuy nhiên, ngài từ chối cung cấp tên giám mục vì giám mục có thể bị ngăn cản.
 “Việc phong chức là của Giáo Hội, không phải của nhà nước, vì thế chúng tôi không xin phép nhà nước”, Cha Thành, người bị cấm xuất cảnh từ năm 2011, giải thích. Ngài nói thêm nhà chức trách cũng yêu cầu ngài không phong chức cho một số linh mục nhưng ngài cũng từ chối.
 Việc từ chối này có thể phải trả giá vì các linh mục có thể bị ngăn cản không cho thực hiện công việc mục vụ.
 Trước đây, nhiều linh mục ở các giáo phận miền bắc đã chịu chức mà không có sự cho phép của nhà nước, buộc phải theo học các khoá bồi dưỡng thần học 2 năm để được chịu chức lần hai.
 Tình hình này cũng không có vẻ sáng sủa trong tương lai gần. Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng hồi tháng 5 nói rằng Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 cần phải được sửa đổi để “bắt kịp những thay đổi nhanh chóng trong xã hội”.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo chỉ được phép tham gia các hoạt động nhân đạo và giáo dục mầm non trong giới hạn nào đó. Các nhà quan sát lo ngại việc sửa đổi luật sẽ hạn chế thêm phạm vi các hoạt động của Giáo Hội.
 Đức Hồng y Mẫn cũng nhắc lại quan điểm nói rằng chính quyền sợ các nhóm tôn giáo lấy bớt ảnh hưởng của họ vì thế họ tiếp tục thắt chặt kiểm soát sự tham gia của tôn giáo trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục.
 “Đầu năm nay, Thủ tướng có hứa sẽ cứu xét, giải quyết ước nguyện của Giáo hội Công giáo muốn tham gia phục vụ nhân dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế” – Đức Hồng y Mẫn nói và cười lớn – “nhưng ông thủ tướng không nói là khi nào”.
 Theo ngài, tình hình cũng không phải là hết hy vọng hoàn toàn. Ngài tin là trong những năm qua chính quyền nhận thấy rằng tín đồ tôn giáo, nhất là Công giáo, muốn phục vụ công ích và xây dựng một xã hội thân thiện và nhân bản, chứ không có ý tranh chấp quyền lực với họ.
 Kết quả là có được một số tiến bộ trong chừng mực nào đó.
 Đức Hồng y Mẫn cũng lưu ý rằng mặc dù các sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn nhưng ngày càng có nhiều người đang tìm đến với tôn giáo như một cách giải thoát khỏi xã hội bị lấn át bởi chủ nghĩa vô thần, đạo đức xuống cấp, chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ và tham nhũng.
 Chỉ riêng 200 nhà thờ ở TP. HCM luôn đầy ắp người Công giáo tham dự các nghi lễ là một minh chứng rõ ràng.
Nguồn: UCANews
NGUỒN : EMTY.ORG
GPKONTUM (27.06.2013) KONTUM

Thị trấn Lộ Đức gánh trận lũ tồi tệ nhất trong 100 năm qua


Ben McPartland cho The Local, Pháp 

Hang đá, nhà nguyện và hồ chữa bệnh bị hư hại nặng

Hôm thứ năm, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sẽ công bố tình trạng thiên tai ở phía tây nam đất nước sau khi trận lũ điên cuồng tàn phá khu vực và ngang qua Thị trấn Lộ Đức làm thiệt hại nặng nề địa điểm hành hương Công giáo nổi tiếng.

Chỉ có Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không bị thiệt hại.

Hang đá nổi tiếng bị chìm dưới nước bùn trong khi nhà nguyện và các hồ nước mà nhiều người tin rằng có sức mạnh chữa bệnh chỉ còn lại là đống đổ nát khi hàng triệu khối nước lũ hoành hành qua thị trấn.

Chỉ 6 tháng trước, thị trấn cũng bị lũ lụt tương tự tấn công gây thiệt hại lên hơn 1 triệu euro.

Với lượng tuyết tan chảy thêm vào nước lũ khiến dòng sông Gave de Pau bị vỡ bờ, trận lũ dồn dập trong tuần này thậm chí phá hoại nhiều hơn tháng 10 vừa qua.

Thị trưởng của Lộ Đức, Jean-Pierre Artiganav, nói đến ảnh hưởng của lũ đến thị trấn và mô tả trận lụt là một "thảm hoạ kinh tế".

"Ưu tiên của chúng tôi là nối lại liên lạc với Thị trấn Lộ Đức xem những gì còn tồn tại. Nhưng chúng tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp và tái thiết mạng lưới thông tin liên lạc."

Những trận mưa lớn tiếp tục diễn ra cho thấy mực nước vẫn ở mức cao vào hôm thứ Năm.

Có hàng triệu khách hành hương đến Lộ Đức mỗi năm, điều này có nghĩa nền kinh tế thành phố gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại du lịch.

Tuy nhiên, khu vực thánh thiêng nổi tiếng mà Giáo hội Công giáo công nhận 68 phép lạ có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn từ thảm hoạ và sẽ đóng cửa trong tương lai gần.
Nguồn: UCANews

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Mô hình Nhà thờ Đức Bà Paris làm bằng 298.000 que diêm


Mô hình Nhà thờ Đức Bà Paris làm từ 298.000 que diêm của Patrick Acton
Ông Patrick Acton, người Anh, đã dành 10 năm để sáng tạo mô hình Nhà thờ Đức Bà Paris thu nhỏ, thật nguy nga. Công trình của ông được ghép từ 298.000 que diêm, 55 lít keo gỗ và 2.000 chiếc tăm.

Tổng cộng thời gian ông Patrick Acton hoàn thành tác phẩm là 2.000 giờ. Kiệt tác tuyệt đẹp từ diêm này có chiều dài 2,3m và cao 1,5m. Mỗi que diêm được xếp lần lượt để tạo nên cấu trúc đặc trưng của kiến trúc Paris cổ, vốn được xem là hình mẫu hoàn hảo nhất cho kiến trúc Gothic trên thế giới.

Niềm đam mê của ông Patrick được bắt đầu từ năm 1977 khi ông hoàn thành một mô hình nhà thờ thu nhỏ ở địa phương bằng 500 que diêm. Trong 10 năm miệt mài nghiên cứu cách làm mô hình thu nhỏ, ông đã mất tới 8 năm chỉ cho việc sưu tầm vật liệu.

Năm nay, ông được 59 tuổi, chia sẻ: “Tôi yêu thích kiến trúc từ nhỏ, đặc biệt là Gothic kể từ ngày tôi còn là cậu bé ở trường tiểu học. Tôi đã đặt ra mục tiêu làm nên công trình này cách đây 10 năm, nhưng gặp khó khăn trong việc xây dựng kết cấu bởi kiến trúc của Nhà thờ Đức Bà rất phức tạp.”

Hiện tại, ông Patrick Acton đang có kế hoạch từ bỏ công việc của chuyên gia tư vấn vì phải để dành toàn thời gian cho các mô hình bằng diêm mà ông yêu thích. Mỗi tác phẩm của ông bán được hàng trăm ngàn Bảng Anh. 
PvP sưu tầm

Cảm ơn Trời


praying-hands-giving-thanks-for-travel-Thanksgiving-120x80VRNs (24.06.2013)- Sài Gòn-
CẢM ƠN TRỜI
Cảm ơn Trời đã để tôi sống nghèo thê thảm
Nhờ đó tôi mới biết cảm thương người nghèo nàn
Cảm ơn Trời đã để tôi bị hàm oan
Nhờ đó tôi mới cảm thông người bị xét xử
Cảm ơn Trời đã để tôi bị người ta ghét bỏ
Nhờ đó tôi mới thấy cảm thương những người cô đơn
Cảm ơn Trời đã để tôi bình thường nhất trong những người bình thường
Nhờ đó tôi mới cảm nhận thế nào là mơ ước
Cảm ơn Trời đã để tôi bị thua thiệt
Nhờ đó tôi mới biết khao khát vươn lên
Cảm ơn Trời đã để tôi không hiểu thấu những điều cao siêu hơn
Nhờ đó tôi mới không sa vào hố kiêu ngạo
Cảm ơn Trời đã để tôi biết phân biệt thực, ảo
Nhờ đó tôi mới cảm nhận cuộc sống vô thường
Cảm ơn Trời đã để tôi tha phương
Nhờ đó tôi mới có thể hòa đồng với người xa, kẻ lạ
Cảm ơn Trời đã để tôi mồ côi cả Cha lẫn Mẹ
Nhờ đó tôi mới biết trân quý tình cảm gia đình
Cảm ơn Trời đã để tôi “lạc loài” giữa cuộc đời loanh quanh
Nhờ đó tôi mới cảm nhận thế nào là bóc lột, áp bức
Cảm ơn Trời đã để tôi không giống ai hết
Nhờ đó tôi mới hiểu đừng bắt chước, cứ là chính mình
Cảm ơn Trời đã để tôi không may mắn như bạn bè, thua chị, kém anh
Nhờ đó tôi mới cảm nhận cảm giác của người bị hại
Cảm ơn Trời đã để tôi có những lần thất bại
Nhờ đó tôi mới cảm nhận chút hạnh phúc khi thành công
Tất cả là bất đẳng thức, bất thường mà bình thường
Tôi cố gắng vẽ bức-tranh-cuộc-đời-tôi bằng nét-cọ-số-phận
Trông lên thấy mình chẳng bằng ai, vô duyên và lận đận
Nhưng khi nhìn xuống, thấy còn bao người khổ đau
Họ không thấy niềm vui ở đâu
Không thể có – dù họ vẫn khao khát sống thanh thản!
TRẦM THIÊN THU

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Có đọc tên Giám mục danh dự (emeritus, nghỉ hưu) trong Kinh nguyện Thánh Thể không?

Đền Thờ Thánh Phêrô, Vatican

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và Giáo sư Phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Trong bài trả lời về việc không nêu danh tánh của Giáo hoàng sau khi ngài nghỉ hưu, cha có nói điều gì đó về việc không nêu danh tánh của một giám mục nghỉ hưu. Trong giáo phận nơi tôi phục vụ, sau khi vị giám mục nghỉ hưu, chúng tôi tiếp tục nêu danh tánh ngài trong Kinh nguyện Thánh Thể là "giám mục danh dự, bishop emeritus,... của chúng con", sau tên của vị giám mục đương nhiệm. Ngay cả vị giám mục đương nhiệm cũng đọc như thế. Thưa cha, có quy tắc nào về điều này không? Chúng tôi có sai lầm khi đọc "cùng với đức giám mục... giáo phận chúng con, và đức giám mục danh dự (emeritus)... của chúng con" trong Kinh nguyện Thánh Thể không?" - Một độc giả

Đáp: Trong thực tế, việc đọc như thế là không đúng. Trong phần trả lời ngày 24-11-2009, chúng tôi đã trích dẫn một bài về đề tài này rồi. Bài viết đã được đăng bằng tiếng Ý trong tờ Notitiae, cơ quan thông tin chính thức của Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích: "Về việc nêu danh tánh đức giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể" (Notitiae 45 (2009) 308-320). Mặc dù đây là một bài nghiên cứu, chứ không phải là một sắc lệnh chính thức, bài viết đã tập hợp tất cả các tài liệu hướng dẫn chính thức về đề tài trên.

Bài báo này nói rõ rằng chỉ có giám mục giáo phận đương nhiệm mới được nêu tên trong Kinh nguyện Thánh Thể. Có thể nêu thêm danh tánh vị giám mục phụ tá, nếu chỉ có một vị mà thôi. Nếu không, các vị được nhắc đến một cách tập thể, chứ không nêu danh tánh.

Lý do cho sự phân biệt này là rằng việc nêu danh tánh giám mục không phải là một vấn đề lịch sự hoặc kính trọng, nhưng là một vấn đề hiệp thông Giáo Hội. Trong Lễ Quy Rôma, chúng ta không chỉ cầu nguyện "cho", nhưng cầu nguyện "cùng với" Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục. Nói cách khác, việc cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng và Giám mục địa phương hiệp nhất cộng đoàn địa phương với Giáo Hội hoàn vũ, và biểu hiện Giáo Hội trong việc cử hành đặc biệt này.

Một độc giả Ireland hỏi liệu chúng ta có thể dùng danh hiệu, tước hiệu, hoặc tên riêng trong việc nêu danh tánh giáo hoàng và giám mục không. Độc giả này nhắc đến một bài báo bằng tiếng Pháp trong tờ Notitiae 1970, vốn lập luận ủng hộ việc có thể dịch tiếng Latinh thành “cùng với Giám mục Smith của chúng con”. 

Độc giả này nhìn nhận rằng bài báo là một nghiên cứu không có lập trường chính thức. Trong thực tế, người ta nhận thấy rằng đề nghị này đã không bao giờ được thực hiện bởi bất kỳ bản dịch chính thức nào.

Tôi tin rằng các nguyên tắc dịch thuật, mà bài báo chủ trương, đã được thay thế bởi các nguyên tắc trong Huấn thị Liturgiam Authenticam của Toà Thánh, vốn đòi hỏi một bản dịch theo nguyên văn. Bản dịch mới bằng tiếng Anh mới cũng đòi hỏi như thế. Ở Ireland, trên nguyên tắc người ta có thể nêu “cùng với Tiến sĩ McCoy, Giám mục của chúng con", nhưng việc này sẽ là rất khó khăn ở Mỹ và các nước nói tiếng Anh khác, vì các nơi này không sử dụng các tước hiệu như vậy.

Do đó, tập tục chung là rằng khi nêu danh tánh đức giáo hoàng và giám mục, người ta chỉ nêu tên mà thôi. Chữ số tương ứng với giáo hoàng đương kim cũng không được đọc. Chẳng hạn, phải đọc “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô” hoặc “Đức Giáo hoàng Bênêđíctô”, chứ không đọc “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II” hoặc “Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI”.

Cuối cùng, một độc giả đảo Malta hỏi: "Sau một số kinh nguyện, như chuỗi Mân Côi, Đàng Thánh Giá..., chúng tôi thường cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng để được một ơn đại xá, theo văn kiện về ân xá của Toà Thánh. Thế thì trong thời gian Toà Thánh trống ngôi, chúng tôi có thể cầu nguyện theo ý ai để được ơn đại xá?"

Chắc chắn là không có việc ngưng ơn đại xá trong thời gian Toà Thánh trống ngôi. Bởi vì việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng là một yêu cầu để có ơn đại xá, người ta có thể cho rằng các việc cầu nguyện này vẫn được thực hiện, mặc dù người cầu nguyện biết rằng mình đang cơ bản phó thác lời cầu nguyện cho sự quan phòng của Chúa, để áp dụng nó như mình mong ước. (Zenit.org 26-2-2013)
Nguyễn Trọng Đa

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Có cung điệu dễ hát cho bài ca Tin Mừng không?


Ca Đoàn GX. Tân Hương, Kon Tum

5/13/2013 10:28:43 AMGiải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: "Tôi không có khả năng phân biệt chính xác các nốt nhạc khác nhau, nhưng rất thích hát bài Tin Mừng, ít là cho lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Liệu có phiên bản âm nhạc rất đơn giản nào cho các giáo sĩ trong tình hình không may của tôi hay không? Nếu không, chúng tôi sẽ tạo một sự sám hối nặng nề cho cộng đoàn vào một thời điểm không phù hợp trong niên lịch phụng vụ" - Một linh mục 
Đáp: Trên nguyên tắc, tất cả các bài hát Tin Mừng phải là khá đơn giản. Trong thực tế Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cấm phó tế hát các giai điệu thánh vịnh phức tạp và khá tự do, và giới hạn họ vào các cung điệu đơn giản của bài Tin Mừng, như vậy là không được phô trương trong phụng vụ. Ngài nói rằng ca viên phục vụ bàn thờ sẽ làm Thiên Chúa tức giận bằng thói quen của mình, mặc dù người ấy (ca viên) mê hoặc mọi người với các giai điệu trầm bổng của mình.

Tuy nhiên, nếu một người không có khả năng làm chủ ngay cả các bài hát đơn giản, tốt hơn nên đề nghị sự giúp đỡ của một giáo sĩ khác, hoặc kiềm chế không nên gây sự khó chịu và đau khổ. Thật là đáng tiếc nếu mọi người đều nói rằng vị linh mục đã hết sức cố gắng trong mọi ý nghĩa của từ ngữ.

Liên quan đến điều này, một độc giả ở Melbourne, Úc, hỏi về hát Alleluia: "Khi tôi lớn lên, tôi nhớ cả cộng đoàn đều hát hoặc đọc Alleluia (hoặc thánh ca Mùa Chay), người đọc hoặc ca viên sẽ đọc hoặc hát câu quy định (hoặc đôi khi cả ca đoàn cùng hát) và sau đó tất cả mọi người sẽ hát hoặc đọc Alleluia một lần nữa. Việc thực hành mới, vốn hiện nay dường như là một qui định ít hay nhiều được chấp nhận ở hầu hết các giáo xứ, là toàn cộng đoàn hát hay đọc cả câu qui định và Alleluia. Tôi cảm thấy không hoàn toàn thoải mái với việc thực hành này, và tôi miễn cưỡng tham gia câu hát, nhưng tôi không chắc chắn liệu sự miễn cưỡng của tôi là đặt nhầm chỗ không. Tôi hiểu rằng Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM, số 62, “Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát Alleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát”) cho biết rằng câu riêng được dành cho một ca viên hay ca đoàn, và tôi cho rằng, bằng cách nói mở rộng, nó là dành cho người đọc hoặc người hát Thánh vịnh đọc. Tôi quá thận trọng và bối rối về điều này chăng? Liệu tôi chỉ hiểu nghĩa đen khi đọc Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma chăng, hoặc là sự lựa chọn được mô tả ở trên được nói trong một tài liệu nào mà tôi không biết chăng?"

Đáp: Tôi xin nói rằng cả hai hình thức là hoàn toàn chấp nhận được, phù hợp với khả năng của cộng đoàn để hát. Nếu cộng đoàn có khả năng hát toàn câu, thì nên làm như vậy. Nếu cộng đoàn chỉ có khả năng hát câu Alleluia, nhưng một ca viên có thể hát câu qui định, thì toàn cộng đoàn đọc câu ấy thì tốt hơn.

Nói cách khác, giải pháp cho phép hát là được ưa thích hơn.

Các câu alleluia của nhạc bình ca dành cho lễ trọng là rất phức tạp, được sáng tác cho toàn ca đoàn (hay cộng đoàn Dòng tu) hát, do đó việc hát toàn bộ Alleluia là chắc chắn bắt nguồn từ truyền thống.

Các alleluia này vẫn có thể dùng được, nhưng đòi hỏi ca đoàn hoặc cộng đoàn tập dượt kỹ để hát cho tốt.


 (Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 7-5-2013)