Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

TĨNH TÂM THIẾU NHI HÈ 2011 (ĐỢT 3)




"GIỮ ĐẠO HAY SỐNG ĐẠO?" : TÂM THƯ THỨ 2 CỦA LM CHÂN TÍN GỬI CÁC BẠN TRẺ.

 
20.07.2011
                                                                                                Linh mục Chân Tín, CSsR
LTCG (20.07.2011) - Sài Gòn – Tâm thư thứ hai của linh mục Chân Tín gửi các bạn trẻ.
Bạn trẻ thân mến,
Tuần trước, tôi đã tâm sự với các bạn về hai chân lý căn bản của Kitô giáo: Thiên Chúa tạo thành vũ trụ và Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Xác tín về hai chân lý đó, các bạn sẽ bảo vệ đức tin của mình, khi các bạn ở trường trung học và đại học, các bạn bị các thầy cô giáo tuân lệnh đảng CSVN nhồi sọ về chủ nghĩa vô thần duy vật và phủ nhận niềm tin về Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Lần này, tôi lại muốn tâm sự với các bạn về vấn đề giữ đạo và sống đạo, vì đây là vấn đề quan trọng. Người Công Giáo hay quan tâm đến vấn đề giữ đạo hơn sống đạo. Giữ đạo là lo “giữ lề luật và lễ bái”, tức là giữ lề luật một cách máy móc, mà không sống đạo, tức là không mến Chúa yêu người.
Ta hãy nhìn vào cách xử trí của Chúa Giêsu đối với việc giữ đạo kỹ càng của những người Pharisêu.
Chúa Giêsu đã đề cập đến thái độ tự hào về sự giữ đạo của những người Pharisêu, trong câu chuyện người Pharisêu lên đền thờ cầu nguyện, tự hào cho mình là người công chính mà khinh chê người khác: Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao người khác trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Và Chúa Giêsu kết luận: người pharisêu này trở về nhà không được công chính hóa, tức là không được Chúa chúc lành (Luca 18,9-14). Không ai giữ đạo kỹ hơn mấy người pharisêu. Thế nhưng Chúa Giêsu nghiêm khắc và gay gắt với họ: Khốn cho các ngươi, kinh sư và pharisêu giả hình, các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài các người có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,27-28).
Vì sao Chúa Giêsu đụng độ với những người kinh sư và Pharisêu? Vì họ biến đạo thành một mớ lề luật đạo.
Những người kinh sư và Pharisêu chỉ thấy luật lệ, ngoài ra không thấy gì cả. Họ không thấy có con người, con người trong những thực tế thương tâm của con người. Do đó, họ chống đối Chúa Giêsu, khi Chúa chữa bệnh trong ngày hưu lễ tức là ngày người Do thái, theo luật đạo, không được làm việc. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày hưu lễ, tức là phạm luật. Và do đó, họ tìm cách giết Người.
Thánh Máccô kể: Đức Giêsu vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày sabat không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh chỗi dậy, ra giữa đây”. Rồi Ngài nói với họ: “Ngày sabat, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ, vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra và tay trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Chúa Giêsu” (Mc 3,1-6).
Những người kinh sư và Pharisêu mù quáng vì óc vụ luật. Họ không biết chia vui sẻ buồn với con người. Họ thần tượng lề luật, đến mức muốn giết con người, giết Chúa Giêsu, để giữ lề luật. Họ có cái ảo tưởng giữ lề luật với bất cứ giá nào, để bảo vệ trật tự. Thiên Chúa ban lề luật để xây dựng cho con người. Lề luật chỉ là những bảng chỉ đường cho con người biết mến Chúa yêu người, chứ không phải là những khối nặng để đè nát những vui, những buồn, những lo âu, những bệnh tật, khổ đau của con người. Những người kinh sư và Pharisêu tôn trọng lề luật hơn con người. Họ bảo vệ một thứ trật tự giết chết con người. Trật tự đó là một bạo động phi nhân.
Tương quan giữa con người và Thiên Chúa là tương quan tình nghĩa. Những người kinh sư và Pharisêu không biết yêu là gì. Họ thờ Thiên Chúa như một người nô lệ, một người tôi tớ làm công, để được thưởng công. Họ không biết yêu, vì họ không biết Thiên Chúa là Tình yêu. Giới luật Chúa nặng về tình thương đối với con người. Phải có tinh thần lề luật từ bên trong. Chúa Giêsu trọng tình thương đối với con người hơn là lễ bái. Chúa Giêsu cho ta thấy tinh thần sống đạo, tức là sống tình thương, hơn là giữ đạo, hơn cả lễ bái: Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Chúa không đề cập đến lề luật nào cả, vì tình thương con người thể hiện sự hoàn tất Lề luật.
Trong ngày phán xét chung cuộc của nhân loại, Chúa Giêsu không đề cập đến lề luật lễ bái nào để thưởng phạt, nhưng Ngài nói đến tình thương của con người đối với con người:
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên Ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ đức vua sẽ phán cùng những người bên phải rằng: “Nào những người Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu? Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Rồi Người phán cùng những người ở bên trái: “Quân bị nguồn rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho ác quỉ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã không thăm viếng”. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ đã thấy Chúa đói khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù mà không phục vụ Chúa đâu? Bấy giờ, Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi, để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25.31-46).
Các bạn trẻ thân mến,
Với những hàng trên đây, tôi mong rằng các bạn sẽ sống đạo, sống tình thương Chúa và con người hơn là giữ đạo một cách máy móc như người Pharisêu. Và như thế, các bạn sẽ được Chúa Giêsu chúc lành.
Lm. Chân Tín
Nguồn: VRNs