Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

CHIA SẺ LỜI CHÚA: ĐÁP CA CN III MÙA VỌNG A

ĐÁP CA CN III MÙA VỌNG A 15-12-2013
CHÚA CỨU ĐỘ ( THÁNH VỊNH 145)


Trích từ Tập " Hành Trang Lên Đường" đã được Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Giáo phận Kon Tum chấp thuận "IMPRIMATUR", ấn ký ngày 06-12-2007.
Phêrô Mai Tự Cường,
Kon Tum, Việt Nam

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

"Đức Mẹ hồn xác lên trời" trong hội họa


Hình ảnh Đức Mẹ Maria trong hội họa nhiều vô số kể, tuy nhiên, hầu hết đều đi kèm với hình ảnh Chúa Hài Đồng hay với biểu tượng về Công cuộc Cứu chuộc của Chúa Giêsu, và thường xuất hiện như một biểu tượng của “lòng mẹ”, của “tình mẫu tử”. Dường như chỉ trong chủ đề "Truyền tin", chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời", và chủ đề "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội" mới có những ngoại lệ, và mang những ý nghĩa đặc biệt.
Chủ đề "Truyền tin" xuất hiện trong hội họa khá sớm. Theo các sử gia nghệ thuật, Icon Byzantium đầu tiên thể hiện chủ đề này ra đời vào khoảng thế kỷ thứ IV. Còn chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" và chủ đề "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội" thì mãi đến thế kỷ XV mới xuất hiện. Lý do của sự muộn màng này, có lẽ, mọi người Công giáo đã biết rõ (ở đây tôi không nhắc lại).
Theo nhiều sử gia nghệ thuật, bức tranh đầu tiên có chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" chính là một tác phẩm khổ nhỏ (30.3 x 45.7 cm) vẽ bằng tempera (bột màu pha lòng trắng trứng) trên nền gỗ dát vàng của Sano di Pietro (1406-1481) sáng tác trong khoảng thời gian từ 1447-1452, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lindenau, Altenburg. Dưới đây là ảnh tác phẩm:

"Đức Mẹ hồn xác lên trời", tempera trên gỗ dát vàng, vẽ năm 1447-1452, của  Sano di Pietro
Tuy được xem là tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Gothic phương Tây, gần với tự nhiên và giàu tính trang trí, nhưng tác phẩm này của Sano di Pietro vẫn còn mang đậm dấu ấn ảnh hưởng ngôn ngữ biểu tượng phương Đông của nghệ thuật Byzantium. Cần phải biết điều này mới có thể "giải mã" thông điệp của tác phẩm. Ngày nay, khi xem tác phẩm này, chúng ta dễ có cảm tưởng họa sĩ đang vẽ cảnh các thiên thần đang xuống đón Đức Mẹ về trời. Và, cái "vật thể" có hình ô-van mà Đức Mẹ đang ngồi trong đó, có vẻ như là một "phương tiện" di chuyển đặc biệt...! Thực ra, đây là một biểu tượng cách điệu từ hình ảnh trái hạnh nhân. Trong nền văn hóa Do Thái (ảnh hưởng sang văn hóa Ý) cây hạnh nhân là biểu tượng của sự sống, và trái hạnh nhân là biểu tượng của tình yêu, của sự kiên trinh. Liên hệ từ biểu tượng này, chúng ta dễ hiểu, không phải tác giả đang thể hiện hình ảnh Đức Mẹ lên trời, mà đang thể hiện tình cảm tôn vinh Đức Mẹ ở ý nghĩa gắn liền với sự sống trường tồn, với tình yêu cao cả và bất diệt...- một tình cảm vượt qua sự sống-chết và các giới hạn trần tục...
Từ thời Phục hưng, hình ảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ, và từ đó, rất nhiều kiệt tác đã ra đời. Theo nhiều nhà phê bình nghệ thuật, và một số nhà thần học, sự lên ngôi của chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" không thuần túy chỉ là sự lên ngôi của một niềm tin tôn giáo, mà còn đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng - hình ảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời trở thành nguồn an ủi và hy vọng lớn lao của con người...
Trong rất nhiều kiệt tác thể hiện chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời", trước hết, có lẽ phải kể đến tác phẩm của Titian (1488/1490 – 1576) vẽ trong khoảng thời gian từ 1516-1518. 
"Đức Mẹ hồn xác lên trời", sơn dầu trên gỗ, khổ 690 x 360cm, vẽ năm 1516-1518, của Titian 
Ngày 19 tháng 5 năm 1518, Titian lắp đặt tác phẩm "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của mình lên tường chính gian Thánh Vương cung Thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari, ở Venice, và ngày này đã được xem là một sự kiện trọng đại, đi vào sử sách của thành phố này. Bức tranh ngay tức khắc nhận được sự chú ý, tưởng thưởng của các tầng lớp công chúng. Đặc biệt, theo các sử gia nghệ thuật, sự hoành tráng và vẻ quyến rũ của nó, đã gần như ngay tức khắc xác lập niềm tin nơi mọi người về tín điều "Đức Mẹ hồn xác lên trời"- một chủ đề vẫn còn gây tranh cãi trong bản thân Giáo hội Công giáo đương thời...

Vương cung Thánh đường  Santa Maria Gloriosa dei Frari, ở Venice với tác phẩm "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của Titian
Đã có rất nhiều nhà phê bình viết về tác phẩm của Titian, chủ yếu xoay quanh vấn đề Titian đã xử lý bố cục và phối màu tác phẩm xuất sắc như thế nào để hòa nhập tác phẩm vào không gian kiến trúc Gothic của Vương cung Thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari, và tạo nên cảm giác hoành tráng... Đây là một đề tài khá thú vị, nhưng sẽ rất dài dòng, nên tôi sẽ quay lại vào dịp khác. Ở đây, tôi chỉ dừng lại ở ghi chú: Trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, tác phẩm này của Titian được xem là biểu tượng ngợi ca hồn nhiên về Đức Mẹ trong hình ảnh Người huy hoàng về trời dưới sự đón nhận của Thiên Chúa... Và, thành công của tác phẩm, đã được xem là nguồn khích lệ để bao nhiêu họa sĩ khác lao vào chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời"...
Sau tác phẩm của Titian, "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của Rubens (1577 - 1640) vẽ năm 1620, hiện đang được đặt tại bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, cũng được xem là một tác phẩm bất hủ về chủ đề này…
 






















































"Đức Mẹ hồn xác lên trời", 1620, sơn dầu trên vải, khổ 458 x 297 cm, của Rubens
Tuy nhiên, nổi tiếng nhất, có lẽ là tác phẩm dưới đây của Murillo (1617-1682)



























"Đức Mẹ hồn xác lên trời", 1680, sơn dầu trên vải, khổ 195 x 145 cm, của Bartolomé Esteban Murillo (1617-1682), The Hermitage, St. Petersburg
Nổi tiếng nhất - hiểu theo nghĩa được công chúng đón nhận rộng rãi nhất – có lẽ do sự dung dị của tác phẩm và sự dịu dàng, thanh thoát nơi bản thân hình ảnh Đức Mẹ Maria... 
Nhân thể, xin lưu ý, Murillo cũng là họa sĩ vẽ rất nhiều tranh về chủ đề “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”. Dưới đây là ba tác phẩm tiêu biểu của ông về chủ đề này:



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1645-1655, sơn dầu trên vải, khổ 235 x 196 cm, The Hermitage, St. Petersburg



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1665-1670, sơn dầu trên vải, khổ 206 x 144 cm, Museo del Prado, Madrid



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, c. 1678, sơn dầu trên vải, khổ 274 x 190 cm, Museo del Prado, Madrid

Rất nhiều người, trong đó có tôi trước đây, đã nhầm lẫn những bức tranh này là tranh thể hiện chủ đề “Đức Mẹ hồn xác lên trời”! Chúng có vẻ giống nhau quá!
Để phân biệt, xin lưu ý vài chi tiết:
Thứ nhất, hình ảnh Đức Mẹ trong tranh “Đức Mẹ hồn xác lên trời”, thường có dáng dấp như vươn lên đón nhận hồng ân từ Thiên Chúa, còn trong tranh “Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội”, Người như thu mình lại trong dáng dấp một trinh nữ khiêm cung…
Thứ hai, trong tranh chủ đề “Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội”, dưới chân Đức Mẹ, thường, có hình ảnh một vầng trăng khuyết. Đây là hình ảnh nhằm minh họa lời trong sách “Khải huyền” của Thánh Gioan: “Rồi có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao." (Kh 12, 1)(*).
Nguyên Hưng
(*) Theo các nhà Chú giải học (hermeneutics):
- “Áo mặt trời”: được bao bọc bởi Thiên Chúa (Thiên Chúa là ánh sáng).
- “Chân đạp mặt trăng”: “mặt trăng”, trong văn hóa Tây phương là biểu tượng cho người nữ (Tiếng Latinh phân biệt mặt trăng “Luna” giống cái; mặt trời “Sol” giống đực. Tiếng Pháp cũng có phân biệt tương tự: mặt trăng “la Lune”, giống cái; mặt trời “le Soleil“, giống đực.). Như vậy “Chân đạp mặt trăng” có ý nghĩa của một sự vượt qua, sự đứng bên trên thân phận người nữ bình thường (vốn mắc tội Tổ tông)…
- “Đầu đội triều thiên 12 sao”: Đức Mẹ được tôn vinh bởi Giáo hội (“đội triều thiên”: sự tôn vinh; “số 12” tượng trưng cho Giáo hội).

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Đà Lạt “2 KHÔNG” – Ân ban của Tạo Hóa

Posted on 17.07.2013

02326-120x80VRNs (17.07.2013) - Lâm Đồng – Khi nói đến Đà Lạt, mọi người thường hay nghĩ đến những vườn hoa với khí hậu trong lành mát mẻ, với sự lãng mạn mộng mơ của Thung Lũng Tình Yêu, với những triền đồi thông xanh ngát thẳng đứng, những mặt nước bình yên phẳng lặng của Hồ Xuân Hương hay Hồ Than Thở, tất cả cùng tạo nên một bức tranh thiên nhiên núi rừng cao nguyên vừa hùng vĩ, vừa mềm mại thanh thoát với màu xanh đất trời.
Tuy nhiên, khi đặt chân lên vùng đất cao nguyên này, chúng tôi còn được biết đến Đà Lạt không chỉ là thành phố của thiên nhiên với khí hậu ôn đới mà còn biết đến như là thành phố của “2 không”. Trái ngược với các thành phố du lịch khác, người ta thường chọn những cái “có” để mô tả về thành phố du lịch của mình, thì Đà lạt ngàn hoa ngoài những cái “có” lại còn giới thiệu cho mọi người những cái “không” rất riêng của mình: không đèn giao thông và không máy điều hoà.
Không đèn xanh, đèn đỏ, không cảnh sát giao thông đứng đường mà người dân nơi đây vẫn gọi thành phố của mình một cách trìu mến là thành phố không đèn đỏ. Đây là một điều kì lạ và hiếm có trong bối cảnh Việt Nam đang bị khủng hoảng về giao thông đô thị hiện nay. Hiếm có! Vì từ Bắc chí Nam không có một thành phố nào mà lại không có đèn giao thông, ngay cả những vùng xa xôi hẻo lánh như tại Côn Đảo, Sapa hay Lạng Sơn…
Kì lạ vì tuy không có bất cứ một tín hiệu chỉ dẫn giao thông nào nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân Đà Lạt lại rất cao, rất ít những vụ tắc đường kẹt xe hay những tai nạn giao thông nghiêm trọng như tại các thành phố lớn chằng chịt các bảng chỉ dẫn, đèn giao thông khác.
Bác Long (60 tuổi) hành nghề lái xe taxi cho chúng tôi biết trong suốt hơn 10 năm lái taxi tại thành phố này, bác chưa bao giờ thấy một tai nạn hay một sự sự ùn tắc giao thông nào vì lý do không có đèn giao thông. Có người nói, vì thành phố này ít người, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít, nên đương nhiên là như vậy thôi. Nhưng câu chuyện “hai con dê qua cầu” mà chúng tôi được học từ nhỏ là một dẫn chứng cụ thể. Chỉ cần hai người mà không có ý thức nhường nhịn nhau thì tai nạn vẫn cứ xảy ra. Có thể nói, Đà Lạt không có đèn giao thông có nghĩa là trình độ nhận thức của người dân rất cao, nhất là ý thức tham gia giao thông mà ý thức này xuất phát từ lòng nhân ái và tôn trọng lẫn nhau, không coi thường pháp luật, coi thường mạng sống người khác cũng như của chính mình.
Tọa lạc trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, Thiên Chúa đã ban tặng cho Đà Lạt những thứ mà không nơi nào có được, đó là khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng thông bạt ngàn, thác nước hùng vĩ và muôn ngàn loài hoa về đây hội tụ. Nhiệt độ trung bình vào khoảng từ 15-25oC, nên ở đây không cần máy điều hoà nhiệt độ. Phải nói thêm rằng, điều hoà nhiệt độ là “con dao hai lưỡi” với môi trường, không thể phủ nhận những tiện ích mà máy điều hoà nhiệt độ mang lại cho đời sống sinh hoạt của con người, nhưng với môi trường thiên nhiên thì là một sự huỷ diệt thật sự. Máy điều hoà nhiệt độ có thể gây tác hại xấu đến bầu khí quyển, là nguyên nhân làm nhiệt độ trái đất nóng lên. Các máy điều hòa nhiệt độ hoạt động với các chất lỏng gây lạnh, chất lỏng này có khả năng làm tăng nhiệt độ gấp 2.000 lần so với CO2- loại khí thải nhà kính được biết đến nhiều nhất như tác nhân gây thay đổi nhiệt độ môi trường. Ngay tại Pháp, chính phủ đã yêu cầu không được sử dụng máy điều hoà nhiệt độ tại những nơi mà có nhiệt độ không quá 26oC.
Môi trường trong lành, thời tiết mát mẻ, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên là những yếu tố giúp cho con người Đà Lạt có một lối sống giản dị, tiết kiệm và thân thiệnvới con người cũng như với môi trường. Ở Đà Lạt hiếm thấy những toà cao ốc kiểu trọc trời, trừ một vài khách sạn cao cấp chỉ khi tổ chức những hội nghị lớn, nhiều người thì mới phải dùng điều hoà nhưng cũng rất hạn chế. Cùng với lối sống giản dị, tiết kiệm việc không sử dụng máy điều hoà nhiệt độ đã làm cho Đà Lạt có thể duy trì và phát triển bền vững môi trường một cách tốt nhất.
Cái “không” mà Đà Lạt “có” không phải là sản phẩm do tự con người sáng tạo ra, nhưng là do tự công trình của tạo hoá, của Thiên Chúa. Cái “có” của Thiên Chúa ban tặng cho Đà Lạt là một môi trường thiên nhiên trong lành, thời tiết khí hậu ôn đới mát mẻ, con người hiếu hoà nhẹ nhàng và thân thiện. Cái “ có” của Thiên Chúa là nền tảng cho cái “không”của Đà Lạt: không sử dụng máy điều hoà và không sử dụng đèn giao thông.
Với một khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm từ 15-250C thì có cần thiết phải sử dụng điều hoà nhiệt độ, vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm môi trường. Hay như Đà Lạt với một địa hình nhiều dốc và quanh co, thêm vào đó là con người ở đây vốn dĩ nhân ái, thân thiện, tôn trọng mọi người và chính mình, thì đèn tín hiệu giao thông không những không giúp được trật tự ổn định mà còn gây trở ngại cho việc lưu thông. Có người giải thích rằng rất nhiều đầu nút giao thông tại Đà Lạt lại là điểm quy tụ của nhiều con dốc đổ về, cho nên nếu đặt đèn giao thông thì có thể sẽ gây ra những tai nạn không đáng có. Như vậy mới thấy những biện pháp trật tự hữu hiệu ở nơi này thì không luôn luôn phù hợp hay hiệu quả với nơi khác. Vậy mà vẫn có những ai đó cứ muốn tất cả mọi nơi phải giống nhau, phải nhuộm mỗi một màu (!)
Thật vậy, cái “không” của Đà Lạt chính là ân huệ của Thiên Chúa ban tặng cho vùng đất này. Khi biết nhận ra và cộng tác với ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi lề luật của thế gian, khỏi sự lệ thuộc vào vật chất. Và khi ấy chúng ta được trở thành con cái thật của Thiên Chúa trong tự do và yêu thương. Theo quan điểm của người viết, người Đà Lạt đang được nếm trải cuộc sống làm con Thiên Chúa đích thực ngang qua những ưu đãi thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng cho vùng đất này.
Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay cho thấy, lượng người di dân đổ về Đà Lạt ngày càng nhiều. Có thể thấy được một tình trạng lộn xộn bon chen dần xuất hiện tại các khu trung tâm của thành phố Đà Lạt. Các công trình thi nhau mọc lên xây mới không theo quy hoạch, đã phá vỡ bố cục của tổng thể chung, rừng thông đang nhường chỗ cho các dự án, rừng nội ô và các vùng phụ cận bị tàn phá để lập vườn, làm nhà. Theo quy hoạch, diện tích Đà Lạt sẽ được mở rộng gấp 9 lần diện tích hiện nay. Nhưng liệu với sự “phình to” này, Đà Lạt có còn giữ được bản sắc riêng của mình.
Theo GSTS-kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), có thể nói việc vận hành một thành phố như thế này quả là chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi, cái khó hơn cả là chữ “rộng” này dường như không chỉ là một vòng tròn nới rộng bán kính. Nó còn chứa trong đó chiều cao của núi, chiều sâu của kiến thức quản lý và cả nhiều chiều khác nữa về cách sống, về quá khứ và tương lai… Nhiều nhà tư vấn cho quy hoạch chung Tp Đà Lạt phân vân: Vấn đề đặc điểm khí hậu rất quan trọng vì đó là bản sắc của Đà Lạt, mà điều này rất mong manh. Nhóm hồ trong cánh rừng được xác định là cốt lõi và đặc tính của Đà Lạt bây giờ đã bị bao phủ bởi vô vàn nhà kính màu trắng. Phát triển nông nghiệp đang làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên và môi trường, do đó phải nghiên cứu chuyển thành một loại hình nông nghiệp đô thị. Các mảng xanh và không gian mở chưa kết nối được thành không gian cảnh quan. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong thời gian qua đang là một thách thức, khi khu vực lịch sử của Đà Lạt đã đạt đến ngưỡng sức chịu tải.
Con người dường như không muốn dừng lại với những gì mình có. Lòng tham không đáy của những nhà lãnh đạo có quyền nhưng thiếu hiểu biết, chỉ vì lợi nhuận của tổ chức hay cá nhân mình mà huỷ hoại đi những gì mà Thiên Chúa đã ưu đãi cho vùng đất cao nguyên này. Thật vậy, người xưa có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” nghĩa là thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất. Rồi đây Đà Lạt mất hay còn ?
Chen Fang

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Ý nghĩa hình tượng 3 chú khỉ (không nghe,không thấy,không nói)

Tượng 3 chú khỉ

Thoạt đầu, khi mới nhìn bức tượng này có lẽ ai cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó 3 không :  nghĩa là “không nhìn, không nghe và không nói”. 
Với 3 hình tượng đó có không ít người suy ra rằng : hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh và họ mặc nhiên bàng quan theo thuyết “Mackeno”. (= mặc kệ nó! )

Nhưng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi và nhiều nhũng nhương này, nếu cứ an phận như vậy thì xã hội sẽ đi đến đâu, tình người nữa cũng sẽ về đâu? 
Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế cả cuộc đời , thì thử hỏi cuộc sống có còn gì là thi vị nữa không? …

Thực ra ,nguồn gốc xuất xứ của bức tượng, và ẩn ý che dấu đằng sau ba chữ “không” kia mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu có nhiều 
ý nghĩa sâu xa : Nguồn gốc của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. 
Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần – Thần Vajrakilaya , là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng.
Nhằm để răn dạy con người ( mà dân chúng Ấn Độ đa số là Phật tử )với ý khuyên là : không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. 

Tư tưởng 3 không theo các nhà tu Phật giáo đi qua nước Tàu không rõ vào thời kỳ nào ?
Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ tám đời nhà Đường (Tang Dynasty, có bài viết là năm 838), một thiền sư người Nhật  trong chuyến Phật sự ở Trung hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này. 

Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng 8 bức khác nhau) có tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Kikazaru và Iwazaru : bịt tai, bịt mắt, bịt miệng,  bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỷ 17.

ngôi chùa ở việt nam,chùa

3 con khỉ,không nghe,không thấy,không nói
 
Vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. 
Con che mắt tên là mizaru nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu” . Con bịt miệng là iwazaru nghĩa là “tôi không nói điều xấu”. Con bịt tai là kikazaru – “tôi không nghe những điều xấu”. 
Điều này cũng mang tư tưởng của Khổng Tử, khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp:“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy). 

Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều, họ muốn:
            *  Bịt mắt để dùng TÂM mà nhìn . 
            *  Bịt  tai để dùng TÂM mà nghe .
            *  Bịt miệng để dùng TÂM  mà nói .

Khi TÂM ở trạng thái "Tịnh" , không bị quấy rầy bởi những điều xấu , thì từ TÂM mới phát sinh những điều "Thiện" ,
" dùng cái TÂM thiện, TÂM đẹp .... mà nói " 
Ngăn ngừa  : những lời nói không tốt , làm đau khổ người khác , những lời nói làm chết người.
Đây là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật, lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Mong rằng những ai đang có món quà này trên bàn làm việc sẽ càng yêu quý và trân trọng nó hơn.

 


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn nói về chính sách tôn giáo ở Việt Nam



ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Chính sách tôn giáo chỉ khiến người ta sợ hãi

image001Thông cáo báo chí sau cuộc họp vòng 4 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Toà Thánh diễn ra ngày 13 và 14-6 tại Vatican viết, Việt Nam nhấn mạnh “việc tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng, cũng như không ngừng khuyến khích các tôn giáo khác nhau, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, tích cực tham gia công cuộc xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội”.
 Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trước cuộc họp, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo phận TP.HCM trình bày một quan điểm khác. Theo ngài, các chính sách tôn giáo của chính phủ “làm cho người ta cảm thấy sợ hãi, nghi ngại và bất mãn”.
 Đức Hồng y Mẫn cho biết chính quyền tuyên bố rằng các chính sách tôn giáo của họ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, nhưng “họ cai trị đất nước bằng bản năng tự vệ và chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thay vì bằng con tim, lòng trí, lòng nhân, lòng đạo của con người”.
 Ngài nêu ví dụ việc tổ chức Đại hội Khoáng đại lần thứ 10 của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái. Nhiều viên chức tới chúc mừng ngài đã tổ chức tốt đẹp đại hội. Ngài nói với họ rằng việc chính quyền yêu cầu gửi danh sách các tham dự viên cùng thư mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi cấp visa đã làm cho nhiều hồng y, giám mục châu Á e sợ vì các nước khác không đòi hỏi những thủ tục ấy, nhất là khi đón tiếp các lãnh đạo Giáo Hội.
 Ngài thêm rằng các hoạt động tôn giáo đều bị kiểm soát chặt chẽ. “Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người. Thật không công bằng khi nhà nước lấy cái quyền này rồi lại đi ban phát lại cho người dân.”
 Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, cho biết chính quyền yêu cầu gửi bản danh sách các ứng viên linh mục trước lễ phong chức cho họ và cả tên giám mục phong chức. Tuy nhiên, ngài từ chối cung cấp tên giám mục vì giám mục có thể bị ngăn cản.
 “Việc phong chức là của Giáo Hội, không phải của nhà nước, vì thế chúng tôi không xin phép nhà nước”, Cha Thành, người bị cấm xuất cảnh từ năm 2011, giải thích. Ngài nói thêm nhà chức trách cũng yêu cầu ngài không phong chức cho một số linh mục nhưng ngài cũng từ chối.
 Việc từ chối này có thể phải trả giá vì các linh mục có thể bị ngăn cản không cho thực hiện công việc mục vụ.
 Trước đây, nhiều linh mục ở các giáo phận miền bắc đã chịu chức mà không có sự cho phép của nhà nước, buộc phải theo học các khoá bồi dưỡng thần học 2 năm để được chịu chức lần hai.
 Tình hình này cũng không có vẻ sáng sủa trong tương lai gần. Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng hồi tháng 5 nói rằng Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 cần phải được sửa đổi để “bắt kịp những thay đổi nhanh chóng trong xã hội”.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo chỉ được phép tham gia các hoạt động nhân đạo và giáo dục mầm non trong giới hạn nào đó. Các nhà quan sát lo ngại việc sửa đổi luật sẽ hạn chế thêm phạm vi các hoạt động của Giáo Hội.
 Đức Hồng y Mẫn cũng nhắc lại quan điểm nói rằng chính quyền sợ các nhóm tôn giáo lấy bớt ảnh hưởng của họ vì thế họ tiếp tục thắt chặt kiểm soát sự tham gia của tôn giáo trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục.
 “Đầu năm nay, Thủ tướng có hứa sẽ cứu xét, giải quyết ước nguyện của Giáo hội Công giáo muốn tham gia phục vụ nhân dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế” – Đức Hồng y Mẫn nói và cười lớn – “nhưng ông thủ tướng không nói là khi nào”.
 Theo ngài, tình hình cũng không phải là hết hy vọng hoàn toàn. Ngài tin là trong những năm qua chính quyền nhận thấy rằng tín đồ tôn giáo, nhất là Công giáo, muốn phục vụ công ích và xây dựng một xã hội thân thiện và nhân bản, chứ không có ý tranh chấp quyền lực với họ.
 Kết quả là có được một số tiến bộ trong chừng mực nào đó.
 Đức Hồng y Mẫn cũng lưu ý rằng mặc dù các sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn nhưng ngày càng có nhiều người đang tìm đến với tôn giáo như một cách giải thoát khỏi xã hội bị lấn át bởi chủ nghĩa vô thần, đạo đức xuống cấp, chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ và tham nhũng.
 Chỉ riêng 200 nhà thờ ở TP. HCM luôn đầy ắp người Công giáo tham dự các nghi lễ là một minh chứng rõ ràng.
Nguồn: UCANews
NGUỒN : EMTY.ORG
GPKONTUM (27.06.2013) KONTUM