Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Đà Lạt “2 KHÔNG” – Ân ban của Tạo Hóa

Posted on 17.07.2013

02326-120x80VRNs (17.07.2013) - Lâm Đồng – Khi nói đến Đà Lạt, mọi người thường hay nghĩ đến những vườn hoa với khí hậu trong lành mát mẻ, với sự lãng mạn mộng mơ của Thung Lũng Tình Yêu, với những triền đồi thông xanh ngát thẳng đứng, những mặt nước bình yên phẳng lặng của Hồ Xuân Hương hay Hồ Than Thở, tất cả cùng tạo nên một bức tranh thiên nhiên núi rừng cao nguyên vừa hùng vĩ, vừa mềm mại thanh thoát với màu xanh đất trời.
Tuy nhiên, khi đặt chân lên vùng đất cao nguyên này, chúng tôi còn được biết đến Đà Lạt không chỉ là thành phố của thiên nhiên với khí hậu ôn đới mà còn biết đến như là thành phố của “2 không”. Trái ngược với các thành phố du lịch khác, người ta thường chọn những cái “có” để mô tả về thành phố du lịch của mình, thì Đà lạt ngàn hoa ngoài những cái “có” lại còn giới thiệu cho mọi người những cái “không” rất riêng của mình: không đèn giao thông và không máy điều hoà.
Không đèn xanh, đèn đỏ, không cảnh sát giao thông đứng đường mà người dân nơi đây vẫn gọi thành phố của mình một cách trìu mến là thành phố không đèn đỏ. Đây là một điều kì lạ và hiếm có trong bối cảnh Việt Nam đang bị khủng hoảng về giao thông đô thị hiện nay. Hiếm có! Vì từ Bắc chí Nam không có một thành phố nào mà lại không có đèn giao thông, ngay cả những vùng xa xôi hẻo lánh như tại Côn Đảo, Sapa hay Lạng Sơn…
Kì lạ vì tuy không có bất cứ một tín hiệu chỉ dẫn giao thông nào nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân Đà Lạt lại rất cao, rất ít những vụ tắc đường kẹt xe hay những tai nạn giao thông nghiêm trọng như tại các thành phố lớn chằng chịt các bảng chỉ dẫn, đèn giao thông khác.
Bác Long (60 tuổi) hành nghề lái xe taxi cho chúng tôi biết trong suốt hơn 10 năm lái taxi tại thành phố này, bác chưa bao giờ thấy một tai nạn hay một sự sự ùn tắc giao thông nào vì lý do không có đèn giao thông. Có người nói, vì thành phố này ít người, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít, nên đương nhiên là như vậy thôi. Nhưng câu chuyện “hai con dê qua cầu” mà chúng tôi được học từ nhỏ là một dẫn chứng cụ thể. Chỉ cần hai người mà không có ý thức nhường nhịn nhau thì tai nạn vẫn cứ xảy ra. Có thể nói, Đà Lạt không có đèn giao thông có nghĩa là trình độ nhận thức của người dân rất cao, nhất là ý thức tham gia giao thông mà ý thức này xuất phát từ lòng nhân ái và tôn trọng lẫn nhau, không coi thường pháp luật, coi thường mạng sống người khác cũng như của chính mình.
Tọa lạc trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, Thiên Chúa đã ban tặng cho Đà Lạt những thứ mà không nơi nào có được, đó là khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng thông bạt ngàn, thác nước hùng vĩ và muôn ngàn loài hoa về đây hội tụ. Nhiệt độ trung bình vào khoảng từ 15-25oC, nên ở đây không cần máy điều hoà nhiệt độ. Phải nói thêm rằng, điều hoà nhiệt độ là “con dao hai lưỡi” với môi trường, không thể phủ nhận những tiện ích mà máy điều hoà nhiệt độ mang lại cho đời sống sinh hoạt của con người, nhưng với môi trường thiên nhiên thì là một sự huỷ diệt thật sự. Máy điều hoà nhiệt độ có thể gây tác hại xấu đến bầu khí quyển, là nguyên nhân làm nhiệt độ trái đất nóng lên. Các máy điều hòa nhiệt độ hoạt động với các chất lỏng gây lạnh, chất lỏng này có khả năng làm tăng nhiệt độ gấp 2.000 lần so với CO2- loại khí thải nhà kính được biết đến nhiều nhất như tác nhân gây thay đổi nhiệt độ môi trường. Ngay tại Pháp, chính phủ đã yêu cầu không được sử dụng máy điều hoà nhiệt độ tại những nơi mà có nhiệt độ không quá 26oC.
Môi trường trong lành, thời tiết mát mẻ, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên là những yếu tố giúp cho con người Đà Lạt có một lối sống giản dị, tiết kiệm và thân thiệnvới con người cũng như với môi trường. Ở Đà Lạt hiếm thấy những toà cao ốc kiểu trọc trời, trừ một vài khách sạn cao cấp chỉ khi tổ chức những hội nghị lớn, nhiều người thì mới phải dùng điều hoà nhưng cũng rất hạn chế. Cùng với lối sống giản dị, tiết kiệm việc không sử dụng máy điều hoà nhiệt độ đã làm cho Đà Lạt có thể duy trì và phát triển bền vững môi trường một cách tốt nhất.
Cái “không” mà Đà Lạt “có” không phải là sản phẩm do tự con người sáng tạo ra, nhưng là do tự công trình của tạo hoá, của Thiên Chúa. Cái “có” của Thiên Chúa ban tặng cho Đà Lạt là một môi trường thiên nhiên trong lành, thời tiết khí hậu ôn đới mát mẻ, con người hiếu hoà nhẹ nhàng và thân thiện. Cái “ có” của Thiên Chúa là nền tảng cho cái “không”của Đà Lạt: không sử dụng máy điều hoà và không sử dụng đèn giao thông.
Với một khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm từ 15-250C thì có cần thiết phải sử dụng điều hoà nhiệt độ, vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm môi trường. Hay như Đà Lạt với một địa hình nhiều dốc và quanh co, thêm vào đó là con người ở đây vốn dĩ nhân ái, thân thiện, tôn trọng mọi người và chính mình, thì đèn tín hiệu giao thông không những không giúp được trật tự ổn định mà còn gây trở ngại cho việc lưu thông. Có người giải thích rằng rất nhiều đầu nút giao thông tại Đà Lạt lại là điểm quy tụ của nhiều con dốc đổ về, cho nên nếu đặt đèn giao thông thì có thể sẽ gây ra những tai nạn không đáng có. Như vậy mới thấy những biện pháp trật tự hữu hiệu ở nơi này thì không luôn luôn phù hợp hay hiệu quả với nơi khác. Vậy mà vẫn có những ai đó cứ muốn tất cả mọi nơi phải giống nhau, phải nhuộm mỗi một màu (!)
Thật vậy, cái “không” của Đà Lạt chính là ân huệ của Thiên Chúa ban tặng cho vùng đất này. Khi biết nhận ra và cộng tác với ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự ràng buộc bởi lề luật của thế gian, khỏi sự lệ thuộc vào vật chất. Và khi ấy chúng ta được trở thành con cái thật của Thiên Chúa trong tự do và yêu thương. Theo quan điểm của người viết, người Đà Lạt đang được nếm trải cuộc sống làm con Thiên Chúa đích thực ngang qua những ưu đãi thiên nhiên mà Thiên Chúa đã ban tặng cho vùng đất này.
Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay cho thấy, lượng người di dân đổ về Đà Lạt ngày càng nhiều. Có thể thấy được một tình trạng lộn xộn bon chen dần xuất hiện tại các khu trung tâm của thành phố Đà Lạt. Các công trình thi nhau mọc lên xây mới không theo quy hoạch, đã phá vỡ bố cục của tổng thể chung, rừng thông đang nhường chỗ cho các dự án, rừng nội ô và các vùng phụ cận bị tàn phá để lập vườn, làm nhà. Theo quy hoạch, diện tích Đà Lạt sẽ được mở rộng gấp 9 lần diện tích hiện nay. Nhưng liệu với sự “phình to” này, Đà Lạt có còn giữ được bản sắc riêng của mình.
Theo GSTS-kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), có thể nói việc vận hành một thành phố như thế này quả là chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi, cái khó hơn cả là chữ “rộng” này dường như không chỉ là một vòng tròn nới rộng bán kính. Nó còn chứa trong đó chiều cao của núi, chiều sâu của kiến thức quản lý và cả nhiều chiều khác nữa về cách sống, về quá khứ và tương lai… Nhiều nhà tư vấn cho quy hoạch chung Tp Đà Lạt phân vân: Vấn đề đặc điểm khí hậu rất quan trọng vì đó là bản sắc của Đà Lạt, mà điều này rất mong manh. Nhóm hồ trong cánh rừng được xác định là cốt lõi và đặc tính của Đà Lạt bây giờ đã bị bao phủ bởi vô vàn nhà kính màu trắng. Phát triển nông nghiệp đang làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên và môi trường, do đó phải nghiên cứu chuyển thành một loại hình nông nghiệp đô thị. Các mảng xanh và không gian mở chưa kết nối được thành không gian cảnh quan. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong thời gian qua đang là một thách thức, khi khu vực lịch sử của Đà Lạt đã đạt đến ngưỡng sức chịu tải.
Con người dường như không muốn dừng lại với những gì mình có. Lòng tham không đáy của những nhà lãnh đạo có quyền nhưng thiếu hiểu biết, chỉ vì lợi nhuận của tổ chức hay cá nhân mình mà huỷ hoại đi những gì mà Thiên Chúa đã ưu đãi cho vùng đất cao nguyên này. Thật vậy, người xưa có câu: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong” nghĩa là thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất. Rồi đây Đà Lạt mất hay còn ?
Chen Fang

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Ý nghĩa hình tượng 3 chú khỉ (không nghe,không thấy,không nói)

Tượng 3 chú khỉ

Thoạt đầu, khi mới nhìn bức tượng này có lẽ ai cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó 3 không :  nghĩa là “không nhìn, không nghe và không nói”. 
Với 3 hình tượng đó có không ít người suy ra rằng : hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh và họ mặc nhiên bàng quan theo thuyết “Mackeno”. (= mặc kệ nó! )

Nhưng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi và nhiều nhũng nhương này, nếu cứ an phận như vậy thì xã hội sẽ đi đến đâu, tình người nữa cũng sẽ về đâu? 
Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế cả cuộc đời , thì thử hỏi cuộc sống có còn gì là thi vị nữa không? …

Thực ra ,nguồn gốc xuất xứ của bức tượng, và ẩn ý che dấu đằng sau ba chữ “không” kia mà người xưa muốn truyền lại cho con cháu có nhiều 
ý nghĩa sâu xa : Nguồn gốc của bức tượng này bắt nguồn từ Ấn độ từ vài ngàn năm trước. 
Lúc đầu, đó là bức tượng về một vị thần – Thần Vajrakilaya , là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng.
Nhằm để răn dạy con người ( mà dân chúng Ấn Độ đa số là Phật tử )với ý khuyên là : không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. 

Tư tưởng 3 không theo các nhà tu Phật giáo đi qua nước Tàu không rõ vào thời kỳ nào ?
Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ tám đời nhà Đường (Tang Dynasty, có bài viết là năm 838), một thiền sư người Nhật  trong chuyến Phật sự ở Trung hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này. 

Tại Nhật, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng 8 bức khác nhau) có tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Kikazaru và Iwazaru : bịt tai, bịt mắt, bịt miệng,  bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỷ 17.

ngôi chùa ở việt nam,chùa

3 con khỉ,không nghe,không thấy,không nói
 
Vì từ “zaru” gần âm với “saru” nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý này. 
Con che mắt tên là mizaru nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu” . Con bịt miệng là iwazaru nghĩa là “tôi không nói điều xấu”. Con bịt tai là kikazaru – “tôi không nghe những điều xấu”. 
Điều này cũng mang tư tưởng của Khổng Tử, khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đã đáp:“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy). 

Người Nhật còn có thâm ý sâu xa hơn nhiều, họ muốn:
            *  Bịt mắt để dùng TÂM mà nhìn . 
            *  Bịt  tai để dùng TÂM mà nghe .
            *  Bịt miệng để dùng TÂM  mà nói .

Khi TÂM ở trạng thái "Tịnh" , không bị quấy rầy bởi những điều xấu , thì từ TÂM mới phát sinh những điều "Thiện" ,
" dùng cái TÂM thiện, TÂM đẹp .... mà nói " 
Ngăn ngừa  : những lời nói không tốt , làm đau khổ người khác , những lời nói làm chết người.
Đây là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật, lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Mong rằng những ai đang có món quà này trên bàn làm việc sẽ càng yêu quý và trân trọng nó hơn.