Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

"Đức Mẹ hồn xác lên trời" trong hội họa


Hình ảnh Đức Mẹ Maria trong hội họa nhiều vô số kể, tuy nhiên, hầu hết đều đi kèm với hình ảnh Chúa Hài Đồng hay với biểu tượng về Công cuộc Cứu chuộc của Chúa Giêsu, và thường xuất hiện như một biểu tượng của “lòng mẹ”, của “tình mẫu tử”. Dường như chỉ trong chủ đề "Truyền tin", chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời", và chủ đề "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội" mới có những ngoại lệ, và mang những ý nghĩa đặc biệt.
Chủ đề "Truyền tin" xuất hiện trong hội họa khá sớm. Theo các sử gia nghệ thuật, Icon Byzantium đầu tiên thể hiện chủ đề này ra đời vào khoảng thế kỷ thứ IV. Còn chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" và chủ đề "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội" thì mãi đến thế kỷ XV mới xuất hiện. Lý do của sự muộn màng này, có lẽ, mọi người Công giáo đã biết rõ (ở đây tôi không nhắc lại).
Theo nhiều sử gia nghệ thuật, bức tranh đầu tiên có chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" chính là một tác phẩm khổ nhỏ (30.3 x 45.7 cm) vẽ bằng tempera (bột màu pha lòng trắng trứng) trên nền gỗ dát vàng của Sano di Pietro (1406-1481) sáng tác trong khoảng thời gian từ 1447-1452, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Lindenau, Altenburg. Dưới đây là ảnh tác phẩm:

"Đức Mẹ hồn xác lên trời", tempera trên gỗ dát vàng, vẽ năm 1447-1452, của  Sano di Pietro
Tuy được xem là tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật Gothic phương Tây, gần với tự nhiên và giàu tính trang trí, nhưng tác phẩm này của Sano di Pietro vẫn còn mang đậm dấu ấn ảnh hưởng ngôn ngữ biểu tượng phương Đông của nghệ thuật Byzantium. Cần phải biết điều này mới có thể "giải mã" thông điệp của tác phẩm. Ngày nay, khi xem tác phẩm này, chúng ta dễ có cảm tưởng họa sĩ đang vẽ cảnh các thiên thần đang xuống đón Đức Mẹ về trời. Và, cái "vật thể" có hình ô-van mà Đức Mẹ đang ngồi trong đó, có vẻ như là một "phương tiện" di chuyển đặc biệt...! Thực ra, đây là một biểu tượng cách điệu từ hình ảnh trái hạnh nhân. Trong nền văn hóa Do Thái (ảnh hưởng sang văn hóa Ý) cây hạnh nhân là biểu tượng của sự sống, và trái hạnh nhân là biểu tượng của tình yêu, của sự kiên trinh. Liên hệ từ biểu tượng này, chúng ta dễ hiểu, không phải tác giả đang thể hiện hình ảnh Đức Mẹ lên trời, mà đang thể hiện tình cảm tôn vinh Đức Mẹ ở ý nghĩa gắn liền với sự sống trường tồn, với tình yêu cao cả và bất diệt...- một tình cảm vượt qua sự sống-chết và các giới hạn trần tục...
Từ thời Phục hưng, hình ảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ, và từ đó, rất nhiều kiệt tác đã ra đời. Theo nhiều nhà phê bình nghệ thuật, và một số nhà thần học, sự lên ngôi của chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời" không thuần túy chỉ là sự lên ngôi của một niềm tin tôn giáo, mà còn đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn Phục hưng - hình ảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời trở thành nguồn an ủi và hy vọng lớn lao của con người...
Trong rất nhiều kiệt tác thể hiện chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời", trước hết, có lẽ phải kể đến tác phẩm của Titian (1488/1490 – 1576) vẽ trong khoảng thời gian từ 1516-1518. 
"Đức Mẹ hồn xác lên trời", sơn dầu trên gỗ, khổ 690 x 360cm, vẽ năm 1516-1518, của Titian 
Ngày 19 tháng 5 năm 1518, Titian lắp đặt tác phẩm "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của mình lên tường chính gian Thánh Vương cung Thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari, ở Venice, và ngày này đã được xem là một sự kiện trọng đại, đi vào sử sách của thành phố này. Bức tranh ngay tức khắc nhận được sự chú ý, tưởng thưởng của các tầng lớp công chúng. Đặc biệt, theo các sử gia nghệ thuật, sự hoành tráng và vẻ quyến rũ của nó, đã gần như ngay tức khắc xác lập niềm tin nơi mọi người về tín điều "Đức Mẹ hồn xác lên trời"- một chủ đề vẫn còn gây tranh cãi trong bản thân Giáo hội Công giáo đương thời...

Vương cung Thánh đường  Santa Maria Gloriosa dei Frari, ở Venice với tác phẩm "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của Titian
Đã có rất nhiều nhà phê bình viết về tác phẩm của Titian, chủ yếu xoay quanh vấn đề Titian đã xử lý bố cục và phối màu tác phẩm xuất sắc như thế nào để hòa nhập tác phẩm vào không gian kiến trúc Gothic của Vương cung Thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari, và tạo nên cảm giác hoành tráng... Đây là một đề tài khá thú vị, nhưng sẽ rất dài dòng, nên tôi sẽ quay lại vào dịp khác. Ở đây, tôi chỉ dừng lại ở ghi chú: Trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, tác phẩm này của Titian được xem là biểu tượng ngợi ca hồn nhiên về Đức Mẹ trong hình ảnh Người huy hoàng về trời dưới sự đón nhận của Thiên Chúa... Và, thành công của tác phẩm, đã được xem là nguồn khích lệ để bao nhiêu họa sĩ khác lao vào chủ đề "Đức Mẹ hồn xác lên trời"...
Sau tác phẩm của Titian, "Đức Mẹ hồn xác lên trời" của Rubens (1577 - 1640) vẽ năm 1620, hiện đang được đặt tại bảo tàng Kunsthistorisches, Vienna, cũng được xem là một tác phẩm bất hủ về chủ đề này…
 






















































"Đức Mẹ hồn xác lên trời", 1620, sơn dầu trên vải, khổ 458 x 297 cm, của Rubens
Tuy nhiên, nổi tiếng nhất, có lẽ là tác phẩm dưới đây của Murillo (1617-1682)



























"Đức Mẹ hồn xác lên trời", 1680, sơn dầu trên vải, khổ 195 x 145 cm, của Bartolomé Esteban Murillo (1617-1682), The Hermitage, St. Petersburg
Nổi tiếng nhất - hiểu theo nghĩa được công chúng đón nhận rộng rãi nhất – có lẽ do sự dung dị của tác phẩm và sự dịu dàng, thanh thoát nơi bản thân hình ảnh Đức Mẹ Maria... 
Nhân thể, xin lưu ý, Murillo cũng là họa sĩ vẽ rất nhiều tranh về chủ đề “Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”. Dưới đây là ba tác phẩm tiêu biểu của ông về chủ đề này:



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1645-1655, sơn dầu trên vải, khổ 235 x 196 cm, The Hermitage, St. Petersburg



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, 1665-1670, sơn dầu trên vải, khổ 206 x 144 cm, Museo del Prado, Madrid



























“Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, c. 1678, sơn dầu trên vải, khổ 274 x 190 cm, Museo del Prado, Madrid

Rất nhiều người, trong đó có tôi trước đây, đã nhầm lẫn những bức tranh này là tranh thể hiện chủ đề “Đức Mẹ hồn xác lên trời”! Chúng có vẻ giống nhau quá!
Để phân biệt, xin lưu ý vài chi tiết:
Thứ nhất, hình ảnh Đức Mẹ trong tranh “Đức Mẹ hồn xác lên trời”, thường có dáng dấp như vươn lên đón nhận hồng ân từ Thiên Chúa, còn trong tranh “Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội”, Người như thu mình lại trong dáng dấp một trinh nữ khiêm cung…
Thứ hai, trong tranh chủ đề “Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội”, dưới chân Đức Mẹ, thường, có hình ảnh một vầng trăng khuyết. Đây là hình ảnh nhằm minh họa lời trong sách “Khải huyền” của Thánh Gioan: “Rồi có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người phụ nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao." (Kh 12, 1)(*).
Nguyên Hưng
(*) Theo các nhà Chú giải học (hermeneutics):
- “Áo mặt trời”: được bao bọc bởi Thiên Chúa (Thiên Chúa là ánh sáng).
- “Chân đạp mặt trăng”: “mặt trăng”, trong văn hóa Tây phương là biểu tượng cho người nữ (Tiếng Latinh phân biệt mặt trăng “Luna” giống cái; mặt trời “Sol” giống đực. Tiếng Pháp cũng có phân biệt tương tự: mặt trăng “la Lune”, giống cái; mặt trời “le Soleil“, giống đực.). Như vậy “Chân đạp mặt trăng” có ý nghĩa của một sự vượt qua, sự đứng bên trên thân phận người nữ bình thường (vốn mắc tội Tổ tông)…
- “Đầu đội triều thiên 12 sao”: Đức Mẹ được tôn vinh bởi Giáo hội (“đội triều thiên”: sự tôn vinh; “số 12” tượng trưng cho Giáo hội).