Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

ĐTC. PHANXICÔ: Hãy là con cái của sự sáng - VRNs


VRNs (28.10.2014) -Sài Gòn- theo news.va-
 Trong thánh lễ sáng thứ hai, 27.10, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cần thực hành việc kiểm điểm lương tâm để giúp chúng ta nhận ra mình là những Kitô hữu ở lại trong sự sáng hay trong bóng tối hoặc đang mang màu xám xịt.
1Suy gẫm dựa vào bài đọc thứ I, trích từ ​​Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, ĐTC nói rằng con người sẽ bị đánh giá dựa vào những ngôn từ họ dùng. Thánh tông đồ mời gọi các Kitô hữu hãy trở nên như con cái của sự sáng, chứ đừng ở lại trong bóng tối, Thánh Phaolô đưa ra “một bài giáo lý về việc dùng ngôn từ”.
ĐTC nói rằng có các loại  ngôn từ cho ta thấy mình đang lưu lại trong bóng tối:
ĐTC đặt những câu hỏi để giúp mỗi người nhận ra các loại ngôn từ này là: “Những lời đạo đức giả mà ta dùng? Đó là loại ngôn từ được lượm chỗ này một tí, chộp nơi kia một chút rồi sử dụng để thích nghi cho tất cả mọi người. Cuối cùng đó chỉ là những lời ngớ ngẩn, không có chất lượng, trống rỗng. Lời nói phát ra cách thô tục, tầm thường, hoặc rất thế gian? Đó là những lời thô tục, cợt nhả, nhảm nhí? Những kiểu nói như thế làm cho chúng ta không còn là con cái sự sáng, không có Chúa Thánh Thần, không có Đức Giêsu, không có những lời của Tin Mừng … Đó là lối nói bàn về những chuyện: thô tục, dâm ô, thế gian, trống rỗng và đạo đức giả”.
Ảnh minh họa

ĐTC đặt câu hỏi: Vậy những lời nào thánh Tông đồ khuyên chúng ta dùng để trở nên con cái sự sáng?
“Thánh Phaolô nói : “Hãy bắt chước Thiên Chúa, bước đi trong tình yêu, bước đi trong sự nhân từ; bước đi trong sự hiền lành. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy có lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô. Và như thế chúng ta là con cái của sự sáng”.
“Có những Kitô hữu phản chiếu sự sáng, họ đầy ánh sáng. Đó là những tâm hồn tìm kiếm để phục vụ Chúa trong ánh sáng” và “có những Kitô hữu ở lại trong bóng tối” đó là người có “một cuộc sống tội lỗi, một cuộc sống xa Chúa” và là người sử dụng các kiểu ngôn từ trên kia, những loại ngôn từ “thuộc về tội lỗi”. Nhưng cũng có một nhóm Kitô hữu thứ ba, đó là “không phải ánh sáng cũng không phải bóng tối”, mà là màu xám.
Ảnh minh họa
“Các Kitô hữu màu xám là dạng không có Chúa, cũng không theo ma quỷ. Họ thuộc dạng hâm hẩm. Họ không phải là ánh sáng cũng không phải bóng tối. Và Thiên Chúa không thích những loại người như thế. Trong sách Khải Huyền, Thiên Chúa nói với các Kitô hữu màu xám này rằng: “Ngươi không nóng cũng không lạnh. Hoặc là ngươi nóng hoặc ngươi lạnh. Nhưng bởi vì ngươi hâm hẩm, ta muốn nôn mửa ngươi ra.” Chúa đã dùng những từ rất mạnh đối với các Kitô hữu mang màu sắc xám xịt này. ‘Tôi là một Kitô hữu, nhưng không là Ki-tô hữu chính danh. Những điều họ làm, họ nói nhiều khi gây ra gương mù nặng nề tai hại, vì cuối cùng đời sống của họ chỉ là phản chứng. Nó gây ra những điều tiêu cực”.
ĐTC kết luận bài giảng như sau: Đừng để chúng ta bị lôi kéo vào những lời trống rỗng. Chúng ta nghe rất nhiều lời, có những lời hoa mỹ nhưng toàn trống rỗng, không ý nghĩa. Thay vào đó, chúng ta hãy hành xử như những con cái sự sáng. Ngày hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ và tự chất vấn mình: Tôi có là một Kitô hữu ở trong sự sáng không? Hay là Kitô hữu ở lại  trong bóng tối? Tôi có phải là một Kitô hữu mang màu sắc xám xịt,  hâm hẩm không? Tự vấn như thế, chúng ta mới có thể tiến lên trên hành trình gặp gỡ Thiên Chúa”.
Hoàng Minh
http://chuacuuthenews.wordpress.com/2014/10/28/dtc-hay-la-con-cai-cua-su-sang/#more-42669

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

18/10: Mừng Kính Thánh sử Luca, Tác giả Sách Tin Mừng thứ ba & Sách Tông Đồ Công Vụ


Ngày 18/10:
Thánh LUCA, thánh sử
Theo các nhà Kinh Thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta hai tác phẩm: một là cuốn Tin Mừng thứ ba và hai là sách Tông Đồ Công Vụ.
Qua các tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lòng ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Qua những truyện như: Người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành... chúng ta thấy đuợc phần nào chủ ý của thánh nhân khi ngài muốn trình bày cho chúng ta thấy một cách cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa. 
Thánh Sử Luca, mừng kính ngày 18/10 - "Theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”. 
Tin Mừng thánh Luca cũng là Tin Mừng về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mắt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Chúa chịu phép rửa, trước khi khi chọn môn đệ, trước khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn Giệtsimani và cả trên thánh giá. 
Tin Mừng của ngài là Tin Mừng cho những người bị áp bức. Không Tin Mừng nào làm cho chúng ta có thể thấy được một sự lưu tâm đáng yêu mà Chúa dành cho những người thu thuế và tội lỗi như trong Tin Mừng thánh Luca: Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất.. một người nữ ngoại tình, một người thu thuế thống hối, một tên trộm ăn năn… Không một Tin Mừng nào diễn tả được tấm lòng tha thiết của Chúa dành cho những người bơ vơ nghèo đói cho bằng dưới ngòi bút điêu luyện của Luca.
Thánh Sử Luca, mừng kính ngày 18/10
Tin mừng của thánh Luca là Tin Mừng của niềm vui vì ngay từ đầu, và bàng bạc trong Tin Mừng của ngài, có rất nhiều chỗ nói về niềm vui như loan báo tin vui cho Zacharia, truyền tin cho Maria. Những niềm vui liên tục khi Thánh Gioan chào đời, lúc Chúa giáng sinh...Những niềm vui trong chương 15 khi tìm thấy con chiên lạc, tìm được đồng tiền mất, gặp lại người con hoang và niềm vui nân hoan của các tông đồ khi trở lại Giêrusalem. Ðúng như Harnack đã nói: "Có những nét vui tươi, can trường và chiến thắng âm vang trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của Thánh Luca từ trang đầu cho tới trang chót."
Thánh Sử Luca, mừng kính ngày 18/10
Tin Mừng của thánh Luca còn được gọi là Tin Mừng của những người phụ nữ  bởi vì không Tin Mừng nào vai trò của người phụ nữ được nhắc tới với một lòng kính trọng như Tin Mừng của thánh Luca. Những câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt như những chị em phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giêsu và tông đồ đoàn chỉ có thể tìm thấy trong Tin Mừng của thánh Luca.
Sau hết, khi trình bày, thánh Luca như cố ý cho chúng ta thấy những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa cũng như để đuợc gia nhập Nước Trời. Những điều kiện đó là đức tin, lòng khiêm nhường, thống hối, dám chấp nhận những khó khăn, biết sống bác ái và kiên trung trong đau khổ.

Cũng như Tin Mừng, cuốn Tông Đồ Công Vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống truyền giáo của các tông đồ và đời sống của Giáo Hội lúc sơ khai. Đây cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách Công vụ chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động đuợc bùng phát lên từ sự nhận biết Thiên Chúa của các tín hữu đầu tiên, và rồi kết quả sau đó là một cuộc sống được định hướng bằng tình bác ái chân thực, bằng tinh thần hy sinh xả kỷ, cũng như bằng bầu khí cầu nguyện, bằng sự hiệp nhất cao độ, lòng hợp lòng, với một đức tin, và một tình yêu duy nhất để hình thành nên những cộng đoàn thánh thiện giữa các tông đồ và những người tin Chúa của Giáo hội sơ khai.
Thánh Sử Luca, mừng kính ngày 18/10
Mặc dầu lịch sử không cho chúng ta những tài liệu chính xác về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng: thánh Luca thuộc gia đình nề nếp và giàu sang tại Antiokia. Khi còn bé, Ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề lương y. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Troa giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe và sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, Ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh Thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giao lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang thánh Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề lương y. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philipphê. Từ đây thánh Luca cùng đi giang đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người Lamã bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô, và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của Ngài nữa.
Thánh Sử Luca, mừng kính ngày 18/10
Đọc Tin Mừng thứ ba và Công vụ tông đồ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất nghệ thuật trong việc bố cục câu chuyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình, chẳng hạn dụ ngôn người con người phung phá và câu chuyện hai người du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy. 
Hơn thế, thánh Luca còn là một người rất sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Tin Mừng cũng như trong các dụ ngôn những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với điạ vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chữ trọn hảo địa vị Cứu thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi. Chúa tự hiến mình trên thập giá để tẩy xóa mọi tội trần và thông ban ơn sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một sự hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu thế của Chúa như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến Tin Mừng cứu thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng Ngài giảng đạo tại đâu và chết như thế nào thì theo một tài liệu tìm thấy ở Constantinople, thánh Luca đã giảng đạo tại Achaie và Beotie. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài thực hành cuốn chú giải Tin Mừng thánh Matthêô, Thánh Hiêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Tin Mừng thứ ba tại Achaie và Beotie, sau cùng thánh Gaudence de Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Andrê tại Patras một tỉnh nhỏ thuộc vùng Achaie.
Ngày nay thánh Luca là quan thầy của các lương y và bác sĩ. Ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung Đức Mẹ đầu tiên mà nay chúng ta quen gọi là ảnh “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính lễ thánh Luca vào ngày 18.10 mỗi năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như người để chúng ta đem tin lành cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
----------------------------------------------------------------------
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20141013/28019
-----------------------------------------------------------------------
Mừng Kính Thánh Sử Luca, 18-10

Thánh Sử Luca, Bổn Mạng Cha Cố Luca Bùi Thủ, nguyên Chính xứ Tân Hương, Kontum và là Đấng sáng lập Ca Đoàn Luca, Tân Hương, Kon Tum
-----
Kính chúc mừng Bổn Mạng Cha Luca Nguyễn Văn Mạnh, Chính xứ Kon Rơ Bang, GP. Kon Tum
Chúc mừng Bổn Mạng & Sinh Nhật lần thứ 12 của Ca Đoàn Luca, GX. Tân Hương Kon Tum
Ca Đoàn Luca 
Giáo xứ Tân Hương, GP. Kon Tum
kỷ niệm Bổn Mạng & Sinh Nhật lần thứ 12
18-10-2002 & 18-10-2014
---------------------------------
Nguyện xin Chúa ban cho Cha cố Luca Bùi Thủ vui hưởng phúc trường sinh thanh nhàn bên Chúa đến muôn đời.
Kính chúc mừng Cha Luca Nguyễn Văn Mạnh, OP, Chính xứ Kon Rơ Bang! Nguyện xin Chúa ban nhiều hồng ân cao quý giúp Cha luôn khang an xác hồn để phục vụ Chúa và Giáo xứ Kon Rơ Bang ngày càng thăng tiến hơn!
Xin chúc mừng Bổn Mạng & Sinh Nhật lần thứ 12 của Ca Đoàn Luca, GX. Tân Hương, Kon Tum luôn dồi dào sức khỏe và nhiệt thành phục vụ Chúa tận tình mọi nơi mọi lúc!

Kon Tum 17-10-2014
P. Mai Tự Cường, Kon Tum


17-10 - MỪNG KÍNH THÁNH INHAXIÔ THÀNH ANTIÔKIA, GM. TỬ ĐẠO

Thánh INHAXIÔ Thành ANTIÔKIA, GM. TỬ ĐẠO

Phúc Âm:                                                                              Ga 12, 24-26
"Nếu hạt lúa mì thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
   Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha Thầy sẽ tôn vinh nó".
  Ðó là lời Chúa.

Thánh Inhaxiô Thành Antiokia, Giám Mục, Tử Đạo

     Người ta nghĩ rằng: Thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: ngài là đứa trẻ đưa 5 chiếc bánh và 2 con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị Thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi Thánh Giám mục Evôda qua đời. Suốt 40 năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.

     15 năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ông coi việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng năm 107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có Giám mục Inhaxiô đã không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe doạ và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.

     Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này, Thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết 7 bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:

- Trên đất liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính đâu.

     Ở Smyrna, Thánh Inhaxiô đã gặp Thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của Thánh Gioan như Thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh. Tại đây, Thánh Inhaxiô có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo Hội tới thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, ngài đã viết thư khuyên nhủ họ:

- Hãy tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.

     Các thư của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân Đức Giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của ngài không được nên cớ để các bạn suồng sã với ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi ngài.

     Với dân Trallianô (Tralliens), ngài viết: “Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu”.



      Nhưng ngài sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du khách đi Italia, ngài khẩn khoản: “Các bạn không thể trao tặng cho tôi một bằng chứng quý mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức Giám mục Smyrna bên Tây phương đã được, để ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.

     Tốt hơn, hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô...

     Ngài còn viết thêm: Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha.

Thánh nhân còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo Hội và những sai lầm nguy hại.


Thánh Inhaxiô vui lòng đón nhận phúc tử đạo ( 2 con sư tử xé nát ăn thịt Thánh nhân)

     Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày Thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lặp lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương ngài lại được đưa về Roma.

 

Suy Niệm:

      Sứ mạng hàng đầu của người kitô hữu là làm ngôn sứ, là sống và làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô. Điều này vẫn luôn là một thách đố cho người Kitô hữu dù ở bất cứ thời đại nào. Quả vậy, người ngôn sứ dám công bố “trên mái nhà” những đòi hỏi của Tin Mừng luôn có nguy cơ bị bách hại.

      Lịch sử Giáo hội đã chứng minh cho thấy: con đường theo Chúa Kitô không phải lúc nào cũng phẳng lặng, êm ả, nhưng lắm khi cũng đầy những sóng gió, chông gai, và cả xương máu nữa.
http://www.cuocdoidanghien.com/index.php?option=com_content&view=article&id=903&lang=vi
------------------------------------------------------------------------
17-10 - GHVN MỪNG KÍNH THÁNH ISIDÔRÔ GAGELIN (KÍNH), Lm. MEP,TỬ ĐẠO (Trong danh sách 117 thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong ngày 19-6-1988 tại RÔMA)
 Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), Sinh năm 1799 tại Montperreux, Besancon, Pháp, Linh mục Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 17/10.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
118 Thánh Tử Đạo VN
Mừng Lễ hai Thánh Tử Đạo INHAXIÔ Thành ANTIÔKIA và Thánh Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), Tử đạo Việt Nam, Khấn xin các Ngài chuyển lời cầu cùng Chúa thương ban cho mọi giáo dân Nước Việt tràn đầy tâm tình yêu mến tôn thờ Thiên Chúa và lòng nhiệt thành noi gương các Ngài luôn biết quên mình, sẵn sàng hy sinh dấn thân phục vụ Chúa trong mọi hoàn cảnh thuận lợi cũng như không thuận lợi, để mọi người VN nhận biết Chúa là Thiên Chúa độc nhất, chân thật, nhân từ và là Cha chung của hết mọi người. A men.


Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo 2014 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


ĐGH. Phanxicô mời gọi mọi người "RA ĐI" phục vụ công cuộc truyền giáo khắp nơi
10/10/2014 11:35:47 PMCác môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác.
PopeFrancis-CoatofArms.jpg
Anh chị em thân mến,

Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”. Ngày Thế giới Truyền giáo là giờ phút đặc biệt để các tín hữu trên khắp các châu lục dấn mình cầu nguyện và có những hành vi liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Một cuộc biều dương ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến đang ban phát sự khôn ngoan và sức mạnh cho những ai vâng theo hành động của Người. Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo. Niềm vui này của Chúa Giêsu và các môn đệ truyền giáo là lý do để tôi đề nghị một biểu tượng Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (xem 10,21-23).



1. Tác giả Tin Mừng kể lại cho chúng ta rằng Chúa sai 72 môn đệ từng hai người một đi vào các thành thị và làng mạc loan báo Nước Thiên Chúa đã gần, và chuẩn bị cho dân gặp Chúa Giêsu. Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng này, các môn đệ trở về lòng ngập tràn niềm vui: niềm vui là một chủ đề nổi bật của kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên và khó quên này. Nhưng Thầy chí thánh nói với họ: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...” Rồi Ngài quay sang các môn đệ và bảo riêng các ông, “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!” (Lc 10,20-21.23).

Luca trình bày ba cảnh. Đức Giêsu trước tiên nói với các môn đệ, sau đó nói với Chúa Cha, rồi lại nói với các môn đệ. Đức Giêsu muốn chia sẻ cho các môn đệ niềm vui của Ngài, một niềm vui khác hẳn và lớn hơn bất cứ niềm vui nào họ đã trải nghiệm trước kia.



2. Các môn đệ tràn trề niềm vui, phấn khích vì họ có quyền năng giải thoát người ta khỏi ma quỷ. Nhưng Đức Giêsu cảnh giác họ đừng quá mừng vì quyền năng họ đã nhận được, nhưng mừng vì tình thương họ nhận được, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúa cho các môn đệ trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, nhưng cũng cho họ khả năng chia sẻ tình thương ấy. Và trải nghiệm này là một lý do để Đức Giêsu biểu lộ tâm tình tạ ơn và niềm vui trong lòng Ngài. Luca nhìn niềm hoan lạc này trong ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi: “Được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng”, Ngài nhìn lên Chúa Cha và chúc tụng Người. Giờ phút vui mừng sâu xa này phát sinh từ mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng che giấu những điều này đối với những người tài trí khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). Thiên Chúa vừa che giấu vừa mặc khải, và trong lời kinh chúc tụng này, sự mặc khải của Người nổi bật lên. Thiên Chúa đã mặc khải và che giấu điều gì? Các mầu nhiệm Nước Chúa, sự tỏ lộ quyền làm Chúa của Đức Giêsu và chiến thắng Satan.

Thiên Chúa đã giấu điều này với những kẻ quá tự mãn và những kẻ tự phụ rằng đã biết mọi sự rồi. Họ bị thói tự mãn làm cho mù, và không còn dành chỗ nào cho Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng tới những người đương thời của Chúa Giêsu mà Ngài không ngừng cảnh cáo, nhưng đây cũng là mối nguy luôn luôn rình rập chúng ta. Về phần mình, những “kẻ bé mọn” là những người khiêm nhường, những người đơn sơ, những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người không có tiếng nói, những người nhọc mệt và gánh nặng, họ được Chúa Giêsu tuyên bố là “những người có phúc”. Chúng ta dễ dàng nghĩ tới Đức Maria, Thánh Giuse, các ngư phủ xứ Galilêa và các môn đệ được Chúa Giêsu gọi khi Ngài đi rao giảng.



3. “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10,21). Chúng ta phải hiểu những lời này của Chúa Giêsu là diễn tả niềm hoan hỉ trong tâm hồn Ngài. Chữ “đẹp ý” mô tả kế hoạch cứu độ và nhân từ của Chúa Cha đối với loài người. Chính lòng nhân từ này của Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu hoan hỉ, vì Chúa Cha muốn yêu thương loài người bằng cùng một tình yêu Người dành cho Con của mình. Luca đồng thời cũng ám chỉ một niềm hoan hỉ tương tự nơi Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,thần trí tôi hớn hở vui mừngvì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Đây là Tin Mừng đem ơn cứu độ. Mang trong lòng mình Đức Giêsu, người rao giảng Tin Mừng tuyệt vời, Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, và hoan hỉ trong Thánh Thần, Mẹ đã xướng lên bài Magnificat. Khi thấy các tông đồ mừng rỡ vì đã thành công trong sứ mạng, Đức Giêsu hoan hỉ trong Thánh Thần và dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Niềm vui trong cả hai trường hợp này là niềm vui vì ơn cứu độ, vì tình thương của Chúa Cha đối với Con của Người được ban xuống cho chúng ta, và nhờ Chúa Thánh Thần niềm vui ấy được đổ đầy lòng chúng ta và cho chúng ta chia sẻ sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Chúa Cha là nguồn mạch niềm vui. Chúa Con là sự tỏ lộ niềm vui và Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát niềm vui. Tác giả Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta biết rằng, ngay sau khi ca tụng Cha, Đức Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Evangelii Gaudium, 1).

Đức Trinh Nữ Maria có một trải nghiệm độc nhất vô nhị về sự gặp gỡ này với Chúa Giêsu, vì thế Mẹ đã trở thành “causa nostrae laetitiae” (“nguyên nhân niềm vui của chúng ta”). Về phần các môn đệ, họ được Chúa Giêsu gọi đi theo Ngài và được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng (xem Mc 3,14), vì thế họ tràn ngập niềm vui. Tại sao chúng ta không cùng đi vào dòng thác của niềm vui này?



4. “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ” (Evangelii Gaudium, 2). Nhân loại rất cần nắm lấy ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến. Các môn đệ ngài là những người để cho mình được xâm chiếm bởi tình yêu của Chúa Giêsu và được đóng dấu bởi ngọn lửa say mê Nước Thiên Chúa và nhiệt tình rao giảng niềm vui của Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng. Là những người chịu trách nhiệm chính về việc rao giảng này, các Giám mục có nhiệm vụ cổ vũ sự hợp nhất của Giáo hội địa phương trong nỗ lực truyền giáo của mình. Họ được mời gọi nhìn nhận rằng niềm vui của việc thông truyền Đức Giêsu Kitô được biểu hiện trong mối quan tâm loan báo về Ngài tại những vùng đất xa xôi nhất, cũng như không ngừng vươn ra những vùng ngoại vi của giáo phận mình, ở đó có biết bao người nghèo đang mong đợi sứ điệp này.

Nhiều vùng trên thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và tu sĩ. Nguyên nhân thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ lan toả trong các cộng đoàn không có niềm phấn khởi khiến các cộng đoàn này không thể có sức hấp dẫn. Niềm vui của Tin Mừng  phát sinh từ việc gặp gỡ Đức Kitô và việc chia sẻ với người nghèo. Vì lý do này, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm hãy sống một đời sống huynh đệ đậm đà, đặt nền trên tình yêu đối với Đức Kitô và quan tâm tới các nhu cầu của những người yếu thế nhất. Ở đâu có niềm vui, sự phấn khởi và ước muốn đem Đức Kitô đến với người khác, ở đấy sẽ phát sinh nhiều ơn gọi đích thực. Trong số các ơn gọi này, chúng ta không được quên các ơn gọi truyền giáo. Ngày càng có một ý thức gia tăng về căn tính và sứ mạng của tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, cũng như một sự nhìn nhận rằng họ được gọi để gánh vác một vai trò ngày càng tăng trong việc truyền bá Tin Mừng. Do đó cần cống hiến cho họ một sự đào tạo thích hợp để hoạt động tông đồ đạt hiệu quả.

5. “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Ngày Thế giới Truyền giáo cũng là dịp để làm bùng cháy lên ước muốn và nghĩa vụ tinh thần của việc hân hoan tham gia vào sứ mạng ad gentes. Các cá nhân đóng góp tiền bạc là một dấu chỉ của sự hiến dâng, trước là cho Chúa và rồi cho đồng loại; bằng cách này, sự đóng góp của cải vật chất có thể là một phương tiện để loan báo Tin Mừng cho nhân loại dựa trên tình thương.



Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Thế giới Truyền giáo này, tâm tư tôi hướng về tất cả các Giáo hội địa phương. Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Tôi kêu gọi anh chị em, như thể đang làm một cuộc hành hương nội tâm, hãy nhớ lại “mối tình đầu” mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để sưởi ấm lòng anh chị em, không phải vì tiếc nuối quá khứ, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, mẫu gương loan báo Tin Mừng một cách khiêm nhường và vui vẻ, chúng ta cầu xin cho Hội Thánh trở nên một mái nhà niềm nở tiếp đón, một người mẹ cho mọi dân tộc và nguồn suối tái sinh cho thế giới chúng ta.

Vatican, 8 tháng 6, 2014, Đại lễ Hiện Xuống
PHANXICÔ


Bản tiếng Việt của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / HĐGM Việt Nam
(WHĐ 10.10.2014)
http://conggiao.info/news/1662/25043/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-giao-2014.aspx