Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia


11/9/2014 7:45:24 AMVATICAN. Sáng ngày 8-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tráng sinh thuộc Phong trào Hướng đạo Công Giáo Italia, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành này ở Italia.
PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-1.jpg
 Trong bài huấn dụ, ĐTC phân tích nguyên ngữ của phong trào ”Scoutisme” là ”hướng đạo” và ngài khuyến khích các thành viên phong trào này hướng đạo trong gia đình, trong thiên nhiên và trong thành thị. Ví dụ về việc hướng đạo trong thiên nhiên, ngài nói:

”Thời đại chúng ta ngày nay không thể không chú ý đến vấn đề môi sinh, là điều sinh tử đối với sự sống còn của con người, và không thể thu hẹp vấn đề này như một vấn đề hoàn toàn chính trị mà thôi. Môi sinh học có một chiều kích luân lý liên hệ tơi mọi người, vì thế không ai được phép lơ là. Trong tư cách là môn đệ Chúa Kitô, chúng có có thêm một lý do nữa để liên kết với mọi người thiện chí trong việc bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, môi trường. Thực vậy, thiên nhiên là một món quà Đấng Tạo Hóa đã ủy thác vào tay chúng ta. Toàn thể thiên nhiên xung quanh cũng là điều đã được Thiên Chúa dựng nên như chúng ta, cùng với chúng ta, và trong một vận mệnh chung, hướng đến việc tìm thấy nơi Thiên Chúa sự viên mãn và cùng đích.. Sống gần gũi với thiên nhiên, như anh chị em đang làm, không những bao hàm sự tôn trọng thiên nhiên, nhưng còn dấn thân cụ thể để loại trừ những phung phí của một xã hội có xu hướng gạt bỏ những vật dùng còn dùng được và có thể tặng cho người đang cần”.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích các tráng sinh hướng đạo Công Giáo sống giữa lòng xã hội như men làm dậy bột, đóng góp chân thành cho việc thực thi công ích và vui mừng đề nghị cho tha nhân các giá trị Tin Mừng.

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-2.jpg

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-3.jpg



PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-4.jpg

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-5.jpg

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-6.jpg

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-7.jpg

PopeFrancis-ItalianAdultScoutingAssociation-8.jpg


 
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 06811.2014/ SD 8-11-2014)
http://conggiao.info/news/809/25473/duc-thanh-cha-tiep-kien-phong-trao-huong-dao-cong-giao-italia.aspx
------------------------------------------
Xin chia sẻ Thông Tin này đến với Phong trào Hướng Đạo Sinh Việt Nam đang được phục hồi nhanh chóng và lớn mạnh sau nhiều thập niên bị ngưng trệ vì yếu tố chính trị.
MTC

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Thánh Stêphanô Théodore CUENOT (THỂ) Thánh Tổ Phụ Giáo Phận Kon Tum





  Như một Phaolô ngày xưa .

  Cuộc đời thánh giám mục Cuênot (Thể) với 32 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam, 26 năm trong chức giám mục, gắn liền với những trang sử đẹp nhất, giữa một giai đoạn khó khăn nhất thời bách hại. Nhiệt tâm truyền giáo của Ngài như ngon thủy triều dâng tràn đến mọi người mọi nơi. Với tài đức khéo léo, Ngài đã đào tạo một đội ngũ linh mục xuất sắc và hàng ngàn thày giảng, nữ tu hăng say. Với châm ngôn:”Để tín hữu vững tin, phải đào tạo những tông đồ truyền giáo”, nên dù cho bao linh mục, tu sĩ, giáo dân của ngài bị tàn sát , địa phận Đàng Trong của ngài vẫn phát triển mạnh mẽ, đủ sức tách làm bốn địa phận. Số linh mục , tu sĩ, tân tòng gia tăng nhanh mỗi năm, sẽ mãi mãi là bằng chứng của nhiệt tâm và tài tổ chức của ngài.
  Stephano Théodore Cuênot sinh ngày 08-2-1802 tại Sous Réamont thuộc Bélieu, nước Pháp. Lớn lên cậu vào chủng viện Besancon, và thụ phong linh mục 24-9-1825. Tuy thế, hoài bảo chính của tân linh mục là đi truyền giáo. Năm 1828, cha Cuênot xin gia nhập Hội Thừa Sai Paris, và năm sau được cử đến Việt Nam. Ngày 31-5-1829, cha đến Kẻ Vĩnh, dịa phận Đàng Ngoài . Ngày 24-7 cha vào miền Nam.
   Mới đầu cha được gởi đến Lái Thiêu để học thêm tiếng Việt, đồng thời dạy các chủng sinh ở đó. Bốn năm dạy ở chủng viện, tuy là thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để cha hiểu nhiều về phong hóa địa phương, gắn bó với các cộng tác viên tương lai. Năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc, triệt hạ các nhà thờ, tập trung các thừa sai và bắt các tín hữu phải bỏ đạo. Vì mới lần đầu va chạm với bách hại, các tín hữu khi đó chưa dám chứa chấp các vị thừa sai. Đức cha Tabert Từ liền quyết định đưa các vị di tản qua Thái Lan. Cha Thể phụ trách phụ trách việc di tản 15 chủng sinh. Sau hơn một tháng rưởi hành trình vất vả,đoàn người đã đến Thái Lan và đươc vua Thái tiếp đón nồng nhiệt.
    Thời gian đó, Thái Lan và Việt Nam đang có chiến tranh, nên vua Thái muốn nhờ các vị thừa sai kêu gọi dân công giáo chống lại vua Minh Mạng. Dĩ nhiên Đức cha Tabert Từ không thể nào chấp nhận, ngài cương quyết từ chối. Điều đó làm Thái Hoàng nổi giận và thay đổi cách cư xử. Nhà vua ra lệnh bắt giam ba linh mục và các chủng sinh Vệt Nam. May nhờ tài ăn nói thuyết phục của cha Thể, vua mới nương tay và cho họ đến ẩn náu tại chủng viện Pénang ( Mã Lai ) năm 1834. Cha nói :
   “Bằng mọi giá phải lo cho họ. Như tôi ( một thừa sai) chết, người ta có thể gửi người khác thay thế chậm lắm là một năm. Một linh mục, chủng sinh Việt nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế được”.
  Cũng năm đó , vì không ủng hộ Thái Lan đánh Việt Nam, Đức Cha Tabert Từ lại phải chạy đến Singapor.


  Hoa tiêu giữa sóng gió .
    Tuy sống cách xa nghìn dặm, Đức cha, cha Thể và các vị thừa sai vẫn hướng tâm hồn về Giáo Hội Việt Nam đang lâm cảnh máu chảy đầu rơi, vừa thương xót vừa thán phục, các ngài tìm cách trở lại miền đất truyền giáo này. Năm 1835, Đức Cha Tabert có quyết định mới. Khi thấy trên mảnh đất Lạc Hồng chỉ còn hai thừa sai và 10 linh mục Việt Nam, Đức cha liền đáp tàu sang Pénang, truyền chức Giám mục cho cha Thể, chọn làm phụ tá mình, và cử vị tân Giám muc cấp tốc trở về địa phận.
   Trở lại Việt Nam trong những ngày bách hại khốc liệt, sự hiện diện của Đức cha Thể quả là niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu. Đặt trụ sở ở Gò Thị, tỉnh Bình Định, Đức cha thấy mình không thể đi thăm hết các họ đạo được, Ngài liền viết thư luân lưu gửi đến khắp nơi để cổ võ tinh thần đạo đức của giáo hữu. Từ nay tất cả các biến cố trong địa phận: Những cuộc càn quét của quân lính, những chứng nhân bị bắt giam, những cuộc tử đạo, cho đến những thành quả tông đồ, đều được người cha chung địa phận cảm thông, viết thư khen ngợi, ủy lạo hay khích lệ. Nhờ đó, các linh mục và giáo hữu đều thấy thêm can đảm.
   Việc Đức cha bận tâm nhất là sĩ số các linh mục phục vụ. Ngoài hai linh mục đã theo ngài về từ Thái Lan, năm 1835, Đức cha truyền chức cho 10 thày giảng. Năm sau, Ngài xin Hội Thừa Sai thêm được sáu linh mục. Là người sáng suốt nhìn xa trông rộng , Đức cha cho tái lập hai chủng viện , một ở Huế trao cho cha Candalh Kim và một ở miền Nam trao cho cha Lefebre Nghĩa. Đồng thời Đức cha cũng gọi các nữ tu Mến Thánh Giá trước đây đã phải phân tán về gia đình ( 250 dì) trở lại sống chung và hoạt động trong 18 nhà phước.
   Ngày 31-7-1840, Đức cha Tabert Từ qua đời tại Calcuta ( Ấn Độ ), Đức cha Thể chính thức làm đại diện Tông tòa. Năm sau ngài tổ chức lể tấn phong cho tân Giám mục Lefebre làm phụ tá. Lợi dụng tình hình lắng dịu hơn, ngài tổ chức Công Đồng Gò Thị ( 1841) gồm ba thừa sai và 13 linh mục Việt trong địa phận. Công đồng dưới sự điều khiển của Đức cha Thể, đã đưa ra những nguyên tắc sáng suốt để đào tạo một lớp linh mục bản xứ đông đảo và nhiệt thành. Nếu việc mở chủng viện khó khăn, mổi thừa sai có trách nhiệm dạy sáu bảy em, rồi gửi qua Pénang học bảy năm. Họ sẽ về Việt Nam thụ phong linh mục và làm việc. Cách tổ chức ấy trong thực tế đã cung cấp cho địa phận Đàng Trong một số khá đông linh mục thông thái và đạo đức.
Tượng Đức Thánh GM Tử đạo Stéphanô Cuénot (Thể), Thánh Tổ phụ & Đấng sáng lập Giáo phận Kon Tum, bên cạnh Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Kon Tum

   Vị chủ chăn nhiều tài năng và sáng kiến
   Dù hoàn cảnh khó khăn, Đức cha vẫn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và nhân đức cho hàng giáo sĩ, mổi năm ngài gửi cho các linh mục những bài học hỏi về tín lý, luân lý. Các cha sẽ viết bài rồi nộp trong kỳ tĩnh tâm hàng năm. Sau đó chính Đức cha đọc, sửa bài và gửi thư nhắn nhủ cho từng linh mục. Đối với giáo hữu, Đức cha chủ trương rằng “ Phương pháp tốt nhất để đức tin của giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo”. Thực vậy, nhờ giải thích cho người khác về giáo lý, các giáo hữu ngày càng xác tín hơn về niềm tin của mình. Hơn nữa, họ tự thấy nghĩa vụ làm gương cho anh em tân tòng về đời sống đạo và tinh thần can đảm giữ vững đức tin.
   Đối với những giáo hữu vì sợ hãi đã xuất giáo, đạp lên Thánh Giá, Đức Cha sẵn lòng thay mặt Chúa tha thứ. Nhưng ngài xin họ nhận một điều kiện là hứa giúp cho một lương dân theo đạo Công Giáo. Bên cạnh đó, hàng năm Đức Cha làm thống kê báo tin xứ đạo nào có nhiều tân tòng hơn, khiến các xứ thi đua làm việc tông đồ. Đăc biệt phải nói đến lòng can đảm của các nữ tu Mến Thánh Giá. Các chị chia nhau, cứ hai người một, đi hết các làng mạc, phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội cho trẻ em sắp chết. Nếu năm 1835, khi Đức cha mới về nước (Việt Nam), số trẻ em ngoại giáo được rửa tội 133 em, thì năm 1841 là 1800 em và năm 1843 là 8.273 em. Năm 1844, số trẻ em gia đình Công Giáo được rửa tội là 5.056 thì số người lớn trở lại và rửa tội là 1.007, nghĩa là một phần năm .
   Nhiều giáo hữu sẵn sàng bỏ tiền bạc, công sức nuôi dùm trẻ em những người quá nghèo, chỉ với điều kiện là cho em gia nhập đạo. Lòng bác ái sâu xa ấy quả là bài giảng hùng hồn về sức sống của Giáo Hội. Nhiều người thiện chí, và đôi khi cha mẹ các em cũng xin trở lại vì những bài giảng sống này.
   Một công trình lớn lao khác của Đức cha Thể là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền Thượng du, đặc biệt là dân tộc Bahnar, Chính Đức Cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em thượng nhận được Ánh Sáng Tin Mừng.
   Những thành công lớn lao của Đức Cha đã được Tòa Thánh công nhận, năm 1844 khi phân chia địa phận Đàng Trong thành hai địa phận Đông ( Qui Nhơn) và Tây (Saigon). Tiếp theo đến năm 1850 lại chia làm bốn là Nam Vang, Saigon, Bắc(Huế) và Qui Nhơn. Từ đây Đức Cha Thể chỉ coi sóc địa phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình bách hại mới gay gắt hơn nhiều .
Tượng Thánh Stéphanô Cuénot (Thể)&Nhà thờ Chính tòa Kon Tum

   Lòng Kính Mến Đức Mẹ
  Trong 10 năm liền , nhờ sự che chở của các tín hữu và các nữ tu Mến Thánh Giá, Đức Cha và các linh mục thoát khỏi các cuộc truy lùng. Thế nhưng các ngài phải thay đổi chổ ở liên tục, nhiều đêm ngủ ngoài trời “đếm sao” có lúc phải vào rừng sâu hay đầm lầy, chịu đói chịu khát, chịu khí hậu thất thường và nhiều lần suýt chết trong khi thăm viếng bệnh nhân hay giải tội cho người hấp hối. Thế mà trong thời gian này, Đức Cha duy trì thường xuyên mối liên lạc với Tòa Thánh. Đặc biệt khi được hỏi về  tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, Ngài đã trao đổi với các linh mục trong địa phận, rồi gửi thư bày tỏ lòng kính mến Đức Maria của dân Việt cho Tòa Thánh. Cuối thư Đức cha viết :
  “Xin Đức Thánh Cha cho con được hiệp thông trong lời cầu nguyện cùng với tất cả các giám mục khác trong ngày Đức Thánh Cha long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội “


     Tượng Thánh GM. Tử đạo Stéphanô Cuénot (Thể)

Tù Tội Vì Rao Giảng Tin Mừng
   Năm 1861 , chếu chỉ “phân sáp” của vua Tự Đức làm Giáo Hội Việt Nam một phen điêu đứng. Đức Cha Thể đã khuyên các thừa sai trong địa phận di tản vào Saigon, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ: “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đở niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi”.
   Từ tháng 10, Đức Cha phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24-10-1861, ngài đang ẩn ở nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu thì quân lính bao vây nhà bà…
   Đức Cha và hai chú giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng vừa dâng lể xong chưa kip cất giấu đổ lễ. Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy  đạo trưởng Tây dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu bị đánh đòn 17 roi. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức Cha và hai chú giúp lễ khát khô cả cổ. Vả lại vì quân lính chẳng bỏ đi, nếu chưa bắt được Đức Cha, nên ngài tự ra nộp mình. Vừa thấy ngài, quân lính chồm tới trói chân tay ngài lại như một con thú. Nhưng viên chỉ huy nhân đạo hơn, cho cởi trói và mời ngài ngồi chiếu nói chuyện với ông ta.
     Hôm sau , Đức Cha bị nhốt trong cũi đưa về tỉnh. Hai chú giúp lễ, bà Lựu và hai người lân cận cũng mang gông giải đi ( sau này tất cả cùng bị xử tử tháng 12). Bà Lựu vừa cho con bú vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối trao lại cho bà ngoại. Tháng 10 năm đó, miền trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức Cha cũng bị ngập nước, do đó, khi đến nhà giam thì Đức Cha lâm trọng bệnh. Chứng kiết lị làm sức khỏe ngài càng đuối dần, vì thế, ngài chỉ phải ra tòa một lần.
   Quan hỏi :
-    Tại sao ông sang nước tôi ?
-    Thưa ,để giảng đạo Thiên Chúa.
-    Ông ở đây bao lâu rồi ?
-    Ba mươi bốn năm.
-    Ông đã ở những đâu ?
-    Thưa, trước hết là Bình Định rồ Phú Yên, Bình Thuận và lại trở về Bình Định.
-    Ông biết gì về chiến tranh không ?
-    Thưa không biết gì cả. Tôi đến đây chỉ để giảng đạo, khi nơi này khi nơi khác thế thôi. Quan hành hạ thế nào tôi cũng đành chịu, chứ tin tức chiến tranh tôi hoàn toàn không biết gì cả.

Linh mục đoàn Giáo Phận Kon Tum về dự Tĩnh Tâm từ 03 đến 08-11-2014 tại Tòa Giám Mục Kon Tum

 Trở về với chiếc cũi của mình, cơn bệnh khắc nghiệt chỉ trong vòng ba tuần lễ đã làm Đức cha kiệt sức và thở hơi thở cuối cùng ngày 14-11-1861, kết thúc 32 năm truyền giáo không một ngày bình an.
    Hôm sau, ngày Đức Cha qua đời, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Thấy Ngài đã từ trần, quan trấn thủ Bình Định không cho chém nữa, truyền đem đi chôn, những tín hữu đang bị tù xin phép mua cho Đức Cha một áo quan xứng đáng, nhưng trấn thủ không chấp thuận. Nhưng sau đó, triều đình lại gửi ra một bản án mới ghi thế này:
   “Tây dương đạo trưởng Thể đã lẩn lút trong nước ta 40 năm nay. Y đã giảng đạo và lừa dối dân chúng . Bị bắt và tra hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải chém đầu y bêu lên giữa chợ nhưng vì y đã chết trong tù, ta truyền phải quăng xác y xuống sông “
    Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn thủ cho đào mồ Đức Cha lên , để liệng thi hài Đức Cha xuống sông .
     Mặc dù Đức Cha Cuenot (Thể) không đổ máu vì Đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn ngàn nỗi truân chuyên ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội đã tôn kính Đức Cha với tước hiệu tử đạo .
    Ngày 02-5-1909 Đức Piô X nêu danh Đức Cha Stephano Théodore Cuenot (Thể) đứng đầu danh sách 20 vị tử đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc Chân Phước.
    Ngày 19-06-1988 Đức Gioan-Phaolo II đã phong Ngài lên bậc Hiển Thánh .

     (Ghi lại từ quyển Thiên Hùng Sử , 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam
        Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ. giữ bản quyền)
                                                                                

 JB Kim Thông
GLV Kon Tum

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano của Rôma


11/2/2014 2:24:17 PMCũng như năm ngoái, buổi chiều ngày 1 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano của Rôma
PopeFrancis-01Nov2014-2.jpg

Trong bài giảng ứng khẩu Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư rút ra từ bài đọc thứ nhất trích từ sách Khải Huyền. Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba hình ảnh. Đầu tiên là hình ảnh bốn vị thiên sứ cảnh báo chống lại sự tàn phá của Trái Đất. Ngài nói rằng có một ngạn ngữ nằm trong trái tim của tất cả chúng ta: "chúng tôi có thể hủy diệt thế giới tàn khốc hơn". Thực vậy, con người có khả năng tàn phá thế giới này hơn các thiên sứ: "tàn phá cuộc sống, văn hóa, các giá trị, và niềm hy vọng". 

"Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa biết bao để chúng ta có thể liên kết với tình yêu của Ngài mà ngăn chặn sự phá hủy kỳ công sáng tạo điên rồ này". 

Đức Thánh Cha sau đó đề cập đám đông không đếm nổi những con người đề cập đến trong bài đọc. Ngài so sánh các vị với những người bị lãng quên và vứt bỏ trong cuộc sống này. "Có vẻ như những người dân, các trẻ em đói khát và bệnh tật không được tính đến. Họ dường như là những sinh vật khác, không phải loài người. Đám đông cơ man những con người này đứng trước mặt Thiên Chúa ". 

Ngài khích lệ chúng ta nghĩ đến các vị thánh chúng ta không biết đến, là "những người đến từ cơn đại nạn ở nhiều nơi trên thế giới, những người đã được Chúa thánh hóa thông qua những hoạn nạn". 

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến hình ảnh thứ ba là Thiên Chúa: “Chúng ta là con cái Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Nhưng chúng ta hy vọng chúng ta sẽ nên giống như Người. Chúng ta hy vọng Chúa sẽ thương xót dân Người”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng "để hành trình về với Chúa Cha, trong thế giới đầy những tàn phá của chiến tranh, của hoạn nạn, chúng ta phải hành động theo các mối phúc thật. Đó là con đường sẽ cứu chúng ta. Tuy con đường này sẽ dẫn chúng ta đến với những khó khăn và bách hại, nhưng chỉ có con đường này sẽ dẫn chúng ta tiến về phía trước.” 

"Những người đi tiếp trên con đường của các mối phúc thật sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và nên thánh". 

Nghĩa trang rộng lớn Verano được hình thành từ gia đình Verani là một gia đình thế giá trong thời Đế quốc La Mã. Nơi đây đã là một nghĩa trang kể từ thời kỳ này. Kiến trúc sư Ý Giuseppe Valadier đã tạo nên những nét hùng vĩ và đầy ấn tượng của nghĩa trang này. 

Nghĩa trang Verano đã được thánh hiến vào năm 1835 và các công trình vẫn được tiếp tục xây dựng nơi đó trong suốt triều đại giáo hoàng Gregôriô thứ 16 và Piô 9 dưới sự giám sát của Virginius, và Ernestus Immanuel là người đã thiết kế một mái che bốn mặt lớn tại lối vào. 

Tuy nhiên mái che này đã bị lực lượng Đồng Minh thả bom nhầm vào năm 1943 và công việc phục hồi sau đó đã được thực hiện như ta có thể thấy ngày hôm nay khi vào nghĩa trang này với ba lối vào lớn và bốn bức tượng đá cẩm thạch hùng vĩ mô tả việc chiêm niệm, hy vọng, lòng bác ái và sự im lặng. 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc tới vụ đánh bom nghĩa trang Verano và vùng lân cận San Lorenzo của Rôma trong bài giảng của ngài khi lên án sự tàn phá các kỳ công sáng tạo, sự sống và các nền văn hóa đang diễn ra trong thế giới ngày nay và cầu xin Chúa giúp đỡ ngăn chặn cơn sốt điên dại hướng tới sự hủy diệt này. 

Điều thú vị là nghĩa trang cũng có một đài tưởng niệm những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
PopeFrancis-01Nov2014-3.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-4.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-5.jpg PopeFrancis-01Nov2014-6.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-7.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-8.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-9.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-10.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-11.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-12.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-13.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-14.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-15.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-16.jpg

PopeFrancis-01Nov2014-17.jpg


Đặng Tự Do
http://conggiao.info/news/809/25382/duc-thanh-cha-phanxico-cu-hanh-le-cac-thanh-nam-nu-tai-nghia-trang-verano-cua-roma.aspx
-----------------------------------------------------
Xin cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo Hội dâng lời cầu xin Lòng Thương Xót Chúa cho mọi tín hữu đã ly trần đều được an nghỉ vui hưởng phúc trường sinh trong Nước Chúa! A men
P. Mai Tự Cường (MTC)