Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Anphongsô – vị thánh chạnh lòng thương - Lễ kính 01/8

LỄ THÁNH ANPHONGSÔ, ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG CHÚA CỨU THẾ
TA BIẾT THẾ GIAN RỒI, VĨNH BIỆT… ( 1723 ).


Một thanh niên tuấn tú 16 tuổi đời. Một luật sư danh tiếng khắp Napoli thời Anphongsô lớn lên. Một trạng sư bách chiến bách thắng. Một người con yêu quí của ông bà Don Giuseppe de Liguori và Donna Catarina Anna Cavalieri. Alphongsô là niềm tự hào, vinh dự và hy vọng của ông bà Don Giuseppe de Liguori và Anna Cavalieri. Anphongsô luôn là ước mơ độc nhất của ông Don Giuseppe de Liguori để con ông được thăng tiến địa vị trong xã hội và làm vinh danh cho gia đình  De Liguori.
Cuộc đời vẫn xoay chuyển, vần xoay…nhưng đời con người đâu có dừng tại chỗ, cái không ngờ, luôn là cái ngờ…Giữa lúc đang sống trên tột đỉnh của vinh quang. Anphongsô đã cảm thấy thế nào là cuộc đời, thế nào là sự xấu hổ, thế nào là thất bại…


MỘT CON TRẺ ĐƯỢC LÀM CON CHÚA:
 Lật giở tiểu sử của Thánh Anphongsô do Cha Rey-Mermet viết, ta đọc thấy như sau:” …tại nhà thờ Santa Maria dei Vergini dâng kính Đức Thánh Mẫu, ở Napoli Ý, một sổ bộ rửa tội, trong đó, trang 127 có ghi những dòng chữ sau:
“ Ngày 29/9/1696, thứ bảy, Alfonso Maria Antonio Giovanni Francesco Cosmo Damiano Michel Angelo Gasparo de Liguori, con của vợ chồng Don Giuseppe de Liguori và Donna Catarina Anna Cavalieri, đã được rửa tội do tay cha sở là tôi, Giuseppe del Mastro. Em bé được đỡ đầu( trên giếng rửa tội )bởi bà Gratia Porpora; em sinh ngày 27 cùng tháng hồi 13 giờ” ( 13 giờ hồi đó tức 7 giờ sáng bây giờ ).
 Và ta thấy bên lề trang sổ bộ rửa tội ấy, một dòng chữ ngoại lịch được chú kèm:” phong Á thánh tháng 9 năm 1816 ,“”phong hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839.
Thêm vào đó, một nét bút khác viết : “ Được tuyên dương Tiến sĩ Hội Thánh ngày 23/3/1871. Đến đây, nếu còn chỗ, người ta sẽ viết câu chót này: “ được tuyên bố là quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý này 26/4/1950 “.
Bằng ấy để đánh dấu một ngày sinh đáng ghi: 29/9/1696, và một cái chết đáng nhớ: 01/8/1787. Chết buổi sáng, lúc chuông truyền tin đổ, sau cuộc đời dài 90 năm, 10 tháng và 01 ngày. Phủ tròn gần một thế kỷ mà người ta gọi là “ Thế Kỷ Ánh Sáng “.
Con người ấy chắc chắn đã làm nên lịch sử như một cỗ xe rực lửa. Con người ấy chắc chắn đã làm nên lịch sử ( Thánh Anphongsô Rey-Mermet Viễn Thụ trang 19-20)


MỘT CON NGƯỜI ĐÃ ĐI VÀO THẾ KỶ ÁNH SÁNG, ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ CON NGƯỜI:
 Được sinh ra trong một gia đình thế giá thế Kỷ Ánh Sáng. Cha mẹ đều là người có thế giá, có uy quyền trong triều đình Napoli. Anphongsô đã đi vào đời với tất cả ước mơ của con người. Cha mẹ nào lại không mong ước cho con cái mình thành đạt, cho con cái mình được trọng vọng. Cha của Anphongsô cứ đinh ninh Anphongsô rồi sẽ nối gót, kế thừa cha trong sự nghiệp binh bị. .Anphongsô lại là một cậu bé hết sức thông minh, hết sức khôn ngoan. Cậu học giỏi, nhưng lại có rất nhiều tài năng: cầm, kỳ, thi, họa. Người ta vẫn không ngoa khi đánh giá Anphongsô là con người tài đức song toàn. Cha mẹ của Anphongsô hết sức kỳ vọng vào cậu. Và ông bà không hãnh diện sao được khi Anphongsô tỏ ra hết sức nổi bật trong mọi lãnh vực. Ông bà Don Giuseppe de Liguori ước mơ cho Anphongsô sẽ có người vợ đẹp, để sinh sản ra những đứa con ngoan, học hành giỏi giang. Ông bà De Liguori ước vọng như thế quả chẳng có gì là quá đáng. Anphongsô đã đi vào đời, đã đi vào lịch sử con người và chính Người đã làm nên lịch sử đời mình khi mới có 16 tuổi đời, đã giật được hai mảnh bằng tiến sĩ luật đạo và đời. Anphongsô đã khoác vào mình bộ áo luật sư dài, rộng thênh thang vì vóc dáng cậu còn quá trẻ. Thanh bảo kiếm đeo bên mình càng làm Anphongsô kiên định trong địa vị của mình. Thanh bảo kiếm ấy chứng tỏ Người thuộc dòng dõi quí tộc, thế giá trong thế Kỷ Ánh Sáng. Bao nhiêu vụ kiện, bao nhiêu cuộc biện hộ của Anphongsô cho các thân chủ đều mang lại chiến thắng. Giữa lúc, Anphongsô đang hăng say với chiến thắng, giữa lúc Anphongsô tưởng rằng mọi sự cứ như vậy, giữa lúc Anphong tỏ ra bách chiến bách thắng thì…


MỘT VỤ KIỆN BỊ THUA KHIẾN ANPHONGSÔ TỪ BỎ TẤT CẢ:
 Một vụ kiện tầm cỡ. Chưa từng có đến nay. Liên quan đến những hoàng thân quốc thích, những bá tước quận công. Một lãnh địa và những số tiền nợ, lãnh địa Amatrice, rộng bằng cả một tỉnh lẻ. Với những con số 150.000 ducats, 4.000 ducats v.v…
Nữ công tước Victoria di Montefeltro della Rovere, vợ góa của công tước Ferdinando II de Medicis, thuộc dòng dõi một sĩ quan làm công thần của Hoàng đế Charles Quint, bà là bên nguyên. Họ chọn luật sư Maggiochi biện hộ.
Bên bị là công tước Philipo Orsini, ông này còn một món nợ lớn chưa đòi được, song người ta đã làm giấy tờ cầm thế cho ông lãnh địa Amatrice, “ với quyền thụ hưởng, ông và các kẻ thừa kế ông; không ai được phép dính dáng vào, bao lâu ông chưa hết nợ nần”. Luật sư Alfonso biện hộ cho bên bị ( Thánh Anphongsô, Rey-Mermet Viễn Thụ trang 65 ).
Anphongsô còn trẻ, các lập luận như đinh đóng cột. Người lại thông minh, nhanh nhảu và trẻ trung. Ai cũng hoan hô sự lập luận vững chắc của Người. Ai cũng tin tưởng Người sẽ chiến thắng như bao vụ kiện khác. Nhưng con đường của Chúa thật diệu kỳ. Giữa lúc Phaolô đang hăng say bắt bớ các môn đồ, bắt bớ Giáo Hội, bắt bớ các Kitô hữu để nhốt vào tù. Giữa lúc Phaolô tưởng rằng mình chiến thắng thì Chúa đánh ông ngã ngựa. Phaolô thất bại, Phaolô chiến bại rõ ràng.” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? “. Đường của Chúa thật diệu kỳ…Tâm Tư của Chúa không ai có thể dò thấu…Anphongsô cũng thế với những lời biện bác khúc triết, với những lập luận sắc bén. Anphongsô có ngờ đâu…Đường của Chúa quá diệu vợi. Một sai lầm, một quên sót nhỏ nhất đã làm cho Anphongsô thua kiện :”…Sắc diện đỏ lên vì tức giận, xấu hổ cho chiếc áo pháp đình khoác trên vai, Alphongsô không còn nghe gì nữa, cả tiếng an ủi được thốt ra bởi vị chủ tịch tối cao Caravita; anh cúi đầu, đi thẳng ra ngoài một mạch.
Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi…vĩnh biệt pháp đình ( Thánh Anphongsô, Rey-Mermet,
Viễn Thụ trang 67 ).
Anphongsô đã hiểu thế nào là thất bại. Anphongsô thua kiện để Thiên Chúa được thắng kiện. Đó là cái nghịch lý của cuộc đời mà Anphongsô đang trải qua .Anphongsô đã bỏ tất cả. Giờ đây chỉ còn Chúa và các bệnh nhân.
Tiếng vọng của Thiên Chúa luôn thôi thúc Anphongsô:” Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta “.
Anphongsô đã tỉnh giấc mơ, đã hoàn hồn sau một cơn đau khổ khủng khiếp và rồi:” Một hôm tại nhà thờ Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, quỳ dưới chân bức tượng, Anphongsô đã nói:” Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân ! Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa. Chức tước và của cải gia đình con, con xin dâng làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa con và cho Mẹ Maria…
Anh rút gươm ra, đặt dưới chân Mẹ bồng con:
Hôm đó là ngày 29/8/1723, ngày đứa con quay về với Cha nhân hậu (Thánh Anphong Rey-Mermet, Viễn thụ trang 69-70.


CÁI KỲ DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI:
 Thánh Anphongsô đã như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:” Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình. Lời thánh Kinh” Hãy đi, bán hết những gì con có. Đem cho kẻ khó. Và sau đó đến đây theo Thầy”( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ). Lời của Chúa nói với người thanh niên giầu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của  Người rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa…
Thánh Anphongsô đã chọn và Người đã nhất định dành tất cả cho Chúa…

Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội (đang bị tạm chiếm)

DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐƯỢC KHAI SINH:
 Năm 1732, tại thị trấn Scala ( trong vương quốc Napoli ), thánh Anphongsô Maria đệ  Liguori, vì động lòng thương cảm những người nghèo khó, nhất là đám nông dân chiếm phần đa số trong miền, đã thành lập Dòng Chúa Cứu Chuộc, để đi theo chính Đấng Cứu Thế rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.
“ Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”. 9 Lc 4, 18 )
Thánh Anphongsô và các tu sĩ của Ngài, sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, đã nỗ lực đáp ứng cácc nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo thời đó, bằng các kỳ Đại Phúc thừa sai, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc, theo gương thánh Phaolô đã làm( Cv 15, 36 ) ( Hiến Pháp và Quy Luật Dòng Chúa Cứu Thế trang 11 ).
Dòng Chúa Cứu Thế từ ngày thành lập cho đến  nay, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Chúa vẫn gìn giữ, ủp ấp để rồi Dòng Thánh vẫn luôn vươn lên, tiếp tục rao giảng Nước Thiên Chúa và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, đặc biệt những người bơ vơ, tất bạt.
Linh mục Giuse  Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Ngày 22-7-2005
---------------------------------------------------------------------------------

Anphongsô – vị thánh chạnh lòng thương


Thánh Anphongsô có nhiều họa ảnh, thế nhưng, chắc có lẽ họa ảnh để lại nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ nhất có lẽ là họa ảnh có ánh mắt chạnh thương như ánh mắt chạnh thương trong họa ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cũng dễ hiểu, có lẽ từ cái hồn, cái lòng, cái sống của Giêsu đã truyền, đã chảy, đã thấm vào cuộc đời của Anphongsô để rồi cả đời Anphongsô đã rập đời mình theo khuôn mẫu đời Giêsu.


Đang sống trên đỉnh vinh quang của cuộc đời, chỉ mới 16 tuổi đời thôi nhưng Anphongsô đã nắm 2 bằng đạo và đời về Luật. Con đường tương lai, con đường vinh quang, con đường sáng lạn đang vẽ ra trước mắt cuộc đời của Anphongsô. Thế nhưng, chẳng ai học được chữ ngờ ngay cả Anphongsô.
Vụ kiện mà Anphongsô đang đối diện tưởng chừng nắm chắc trong tay phần thắng nhưng rồi lại vụt mất khỏi tay Anphongsô. Và, từ ngày đó, cuộc đời Anphongsô đã thay đổi.
Đứng về phía công lý, đứng về sự thật nhưng “sự thật” theo kiểu người đời đã bẻ gãy sự thật của Anphongsô.
Anphongsô đã như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:” Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình. Lời thánh Kinh” Hãy đi, bán hết những gì con có. Đem cho kẻ khó. Và sau đó đến đây theo Thầy”( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ). Lời của Chúa nói với người thanh niên giàu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của Người rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa…
Lòng chạnh thương của Chúa Giêsu đã đi vào lòng của Anphongsô để rồi cả cuộc đời, sau biến cố ngã ngựa cho đến khi nhắm mắt lìa đời, Anphongsô chỉ sống chạnh thương và chạnh thương.
Lần mò, tìm đến với những con người bị xã hội và cả Giáo Hội nữa đẩy ra bên lề. Anphongsô phải chấp nhận những sự hiểu lầm, sự khinh khi và cả sự loại trừ ngay từ phía Giáo Hội. Nhưng, tiếng Chúa gọi, lòng chạnh thương thôi thúc Anphongsô để có những nguyện đường về đêm.
Thánh Anphongsô đã luôn sống với những gì mà Ngài đã thề hứa với Thiên Chúa. Thánh nhân đã sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình để rồi Ngài không bỏ phí bất cứ một giây phút nào trong cuộc đời. Thật sự, để sống tâm tình như Cha Thánh Anphongsô không phải là chuyện đơn giản.
Ta thấy suốt cuộc đời của Ngài là một cuộc chiến không ngừng. Ngài làm việc không biết mệt mỏi. Ngay từ lúc làm linh mục, Ngài đã miệt mài, chuyên chăm làm việc. Tất cả cho các linh hồn, tất cả cho những người nghèo khó, bơ vơ…Ngài dạy học các lớp học về đêm cho kẻ chăn dê, chăn cừu, những kẻ khốn cùng đầu đường xó chợ. Ngài cử hành thánh lễ, ban các bí tích, đi thăm người nghèo, người đau ốm bệnh tật.
Ngoài việc đạo đức cho giáo dân trên toà giảng, cha thánh Anphongsô còn đem lại an bình cho bao tâm hồn trong toà giải tội. Chính ngài đã nói: “Một linh hồn càng đi sâu vào nết xấu và càng bị giây tội lỗi trói buộc, thì càng phải cố gắng nhẫn nại đem họ ra khỏi nanh vuốt ma quỷ, và đặt họ vào cánh tay nhân lành của Chúa”.
Chính ý tưởng đó, cha thánh Anphongsô đã dùng làm kim chỉ nam cho hành động của ngài mỗi lần gặp một tội nhân muốn hối cải. Thái độ nhân từ của một người cha hằng thương yêu con cái tội lỗi của ngài, đã lôi cuốn không biết bao nhiêu người thuộc mọi giới, mọi giai cấp trong xã hội đến với ngài, để rồi nhờ ngài, họ sẽ quyết tâm chừa tội và sống một đời sống giáo hữu hoàn hảo. Riêng đối với giới lao động, ngài tổ chức cho họ những lớp giáo lý ban tối. Nhiều linh mục tận tâm và nhiều giáo hữu sốt sắng đã vui lòng cộng tác với cha để giúp đỡ những người lao động đó. Chẳng bao lâu, từ một vài nhóm nhỏ đã nẩy nở ra được hơn tám mươi tổ học tập, mà mỗi tổ gồm chừng một trăm ba mươi đến một trăm rưởi học viên. Ai nấy đều đua nhau học tập để được sống đời sống công giáo xứng đáng.
Với lòng chạnh thương sẵn có trong mình, cha thánh Anphongsô muốn ôm ấp mọi linh hồn trên thế giới, và vì thế, đã có lần ngài định đi truyền giáo ở các nước phương xa. Thế nhưng, khi đó, một đàng vì cha linh hướng của ngài không tán thành ý định ấy, đàng khác chị dòng Maria Cêlêsta Costarôsa được Chúa soi sáng, đã quyết chắc với cha là Chúa muốn cha lập một hội dòng thừa sai, để giúp đỡ các linh hồn không được giảng dạy đạo lý.
Với những lời lẽ ấy, cha thánh Anphongsô rất sợ hãi. Ngài bắt đầu ăn chay cầu nguyện để được biết ý Chúa, và cuối cùng ngài biết thánh ý Chúa muốn ngài đảm nhiệm công việc nặng nề đó. Nhưng việc lập một dòng mới của ngài ngay từ đầu đã vấp phải nhiều khó khăn. Rất nhiều người phản đối, và hầu hết các bạn hữu đã bỏ không cộng rác với cha nữa.
Với tài viết lách, Ngài đã viết sách không ngơi nghỉ. Chỉ nhìn vào các pho sách Ngài để lại, không ai có thể tưởng tượng nổi sức làm việc của Ngài bền bỉ đến thế nào và trí óc của Ngài thông minh đến mực nào.
Và rồi đến khi lập dòng, Ngài lập Dòng với bao khó khăn từ mọi phía, Ngài kiên trì cầu nguyện và chấp nhận mọi khó khăn như ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời Ngài.
Trên Tòa Giám Mục, Ngài điều khiển địa phận, lo cho Dòng và viết sách. Ngài làm việc cả ngày từ sáng sớm đến tận khuya. Thời gian ngủ nghỉ đối với Ngài chẳng còn là bao nữa vì tận tụy với công việc. Chắc có lẽ thánh Anphongsô thấm thía lời của thánh Phaolô tông đồ: ” Không làm việc thì đừng ăn”. Và có lẽ Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa : “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như cha Ta”. Lời Chúa, tâm tư của Chúa đã chạm lòng chạnh thương của Anphongsô để rồi Ngài luôn thực hiện thánh ý Chúa trong cuộc đời của Ngài.
Nhìn lại cuộc đời cha thánh Anphongsô, ta thấy cuộc đời không như là mơ và cũng không như người ta tưởng. Những năm cuối cùng cuộc đời là những năm ngài phải chịu thử thách rất nhiều: nào là bị bách hại, chịu sỉ nhục, nào là bị cám dỗ, bị lo âu…
Bi đát nhất là Ngài đã bị chính anh em trong dòng do Ngài sáng lập gạt ra khỏi dòng. Nhưng đứng trước nghịch cảnh bi đát đó, thánh Anphongsô vẫn một lòng thương, một lòng yêu thương anh em của mình.
Lòng chạnh thương, điểm son của cuộc đời cha thánh Anphongsô là ở chỗ đó. Dù thế nào đi chăng nữa nhưng vẫn thương yêu và thương cho đến cùng như Thầy Chí Thánh Giêsu.
Bất cứ thời đại nào, không gian nào, hoàn cảnh nào … ai ai cũng cần đến lòng thương xót, lòng chạnh thương của Chúa. Cần ! Đơn giản và dễ hiểu vì con người vẫn mang trong mình thân phận của kẻ hèn mọn, người yếu đuối.

Lòng Thương Xót Chúa
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đang chuẩn bị mở năm Thánh Lòng Thương Xót để diễn tả lòng chạnh thương của Chúa Giêsu. Lòng chạnh thương của Chúa Giêsu đã được các thánh nhân, trong đó có cha Thánh Anphongsô cũng như nhiều vị thánh nữa đã đi theo chọn lựa, đi theo lòng chạnh thương đặc biệt thương những con người bị bỏ rơi.
Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những khuôn mặt có lòng chạnh thương như cha thánh Anphongsô. Ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa thêm ơn trên các tu sĩ linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế để các tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chuyển tải, chia sẻ lòng chạnh thương của Chúa đến với mọi người, cách riêng những người bị bỏ rơi như Cha Thánh Anphongsô đã từng chạnh thương và chia sẻ.
http://www.chuacuuthe.com/2015/07/anphongso-vi-thanh-chanh-long-thuong/
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thành Lập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam năm 1925


Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội 1925

Dòng Chúa Cứu Thế do thánh Alphonsô Maria De Liguori thành lập ngày 09 tháng 11 năm 1732, tại đồi Scala, nước Italia ngày nay. Ngày 30.11.1925, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ba thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Tỉnh Dòng thánh Anna ở Quebec, Canada đã đến Việt Nam. Suốt 85 năm hiện diện với cộng đồng các sắc tộc Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu theo Đức Kitô Cứu Thế loan báo tin mừng cho người bị bỏ rơi hơn cả.
1. DCCT VN: Thời cha Hubert Cousineau (1925-1930)   – 2. DCCT VN: Thời cha Edmond Dionne (1930 – 1947) – 3. DCCT VN: Thời cha Alphonse Tremblay (1947-1952) – 4. DCCT VN: Thời cha Louis Roy (1952-1956) – 5. DCCT VN: Thời cha Alphonse Tremblay lần thứ hai (1956-1959) - DCCT Hà Nội: Một quá khứ vàng son (1926-1954) – DCCT Hà Nội: một quá khứ vàng son 1926 – 1954… (tiếp theo) – DCCT Hà Nội: một quá khứ đau thương, mất mát 1954-1987 – Hồi ký một bạn tù của cha GB Nguyễn Văn Vàng, DCCT – 6. DCCT Việt Nam: Thời cha Jean-Marie Labonté (1959-1961)7. DCCT Việt Nam: Thời cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm (1961-1964) – 8. DCCT Việt Nam: Thời cha PX Trần Tử Nhãn (1964-1968) – 9. DCCT Việt Nam: Thời cha Bênêđíctô Hoàng Quang Lượng (1968-1969) – 10. DCCT Việt Nam: Thời cha Henri Bạch Văn Lộc (1969 – 1975) – 11. DCCT Việt Nam: Thời cha Leo Lê Trung Nghĩa (1975-1981) – 12. DCCT Việt Nam: Thời cha Giuse Trần Ngọc Thao (1981-1993) – 13. DCCT Việt Nam: Thời cha Giuse Cao Đình Trị (1993-2002)
Năm 1923, Ðức Giám Mục thừa sai Henri Lecroart S.J. được phái sang bán đảo Ðông Dương với tư cách Khâm Sai Kinh Lý của Toà Thánh. Nhận thấy Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội truyền giáo đầy triển vọng, với những cộng đoàn tín hữu sốt sắng, ơn gọi tu sĩ và linh mục dồi dào, nhưng đồng thời cũng lại là những cộng đoàn còn thiếu chiều sâu đức tin, thiếu chiều sâu đời sống nội tâm và thiếu sự sinh động tông đồ., Ðức Khâm Sai đã đề nghị Toà Thánh lưu tâm thiết lập các cơ cấu và đơn vị đảm trách việc tổ chức các kỳ đại phúc cho giới bình dân và các cuộc tĩnh tâm, cấm phòng cho hàng giáo sĩ và các tu sĩ.
Ngày 20-06-1924, trong phiên họp cứu xét báo cáo đúc kết kỳ kinh lược của Ðức Cha Henri Lecroart S.J, các thành viên Thánh Bộ Truyền Giáo đã đề nghị Ðức Hồng Y Van Rossum C.Ss.R., Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, vận động Dòng Chúa Cứu Thế thiết lập Nhà Dòng tại Ðông Dương.
Ngày 09-11-1924, Ðức Hồng Y Van Rossum liên lạc với cha Patrick Murray, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế, và đề nghị trao việc lập Dòng tại Ðông Dương cho Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré, Canada. Cha Bề Trên Tổng Quyền và Hội Ðồng Cố Vấn Trung Ương đã chấp thuận đề nghị của Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo. Sau đó, cha Bề Trên Tổng Quyền yết kiến Ðức Thánh Cha Pi-ô XI để xin ngài chuẩn y.
Ngày 19-11-1924, mười ngày sau khi Ðức Hồng Y Van Rossum đề nghị với cha Patrick Murray, cha Thomas Pintal, Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Sainte-Anne-de-Beaupré, đã trả lời với cha Bề Trên Tổng Quyền và Hội Ðồng Cố Vấn Trung Ương rằng Tỉnh Dòng Sainte-Anne hân hoan chấp nhận đảm trách nhiệm vụ thiết lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam.
Nhà thờ ĐMHCG / DCCT. Thái Hà Hà Nội
Ngày 14-10-1925, ba vị thừa sai tiên khởi rời quê hương Canada, lên đường sang Ðông Dương thực hiện nhiệm vụ cao cả. Ðó là :
Linh mục Hubert Cousineau (1890-1964)
Linh mục Eugène Larouche (1892-1978)
Tu sĩ Thomas St-Pierre (1883-1961).
Ngày 30-11-1925, ba vị đến Huế, được Ðức Giám Mục Allys tiếp đón nồng hậu.
Từ đó, Dòng Chúa Cứu Thế bắt đầu hiện diện tại Việt Nam.
Cha Michael Brehl, bề trên tổng quyền DCCT
Cho đến nay Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có 281 thành viên, trong đó 173 linh mục, 2 phó tế vĩnh viễn, 9 phó tế chuyển tiếp, 30 trợ sĩ, và 63 tu sĩ đang được đào tạo triết học và thần học. Các cộng đoàn có mặt và hoạt động từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc chí Nam, với các ưu tiên mục vụ cụ thể bao gồm các việc Loan báo Tin Mừng, Đại phúc, Chăm lo cho các nạn nhân của xã hội hiện đại, Nỗ lực cho công lý và hoà bình, và Truyền thông xã hội.
Hiện nay, Cha John Michael Brehl là bề trên tổng quyền của Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới, trụ sở đặt tại Roma.
Curia, Generalis CSsR,
Via Merulana 31, I-00185, Roma, Italia.
Telephone: (39) 06 49 490-1
Email: seg.gen@cssr.com
Website chính: http://www.cssr.com
Website linh đạo: http://www.copiosa.com
Email riêng của cha tổng quyền: MikeBrehl@aol.com

Và tại Việt Nam, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành là bề trên Giám Tỉnh, trụ sở đặt tại Sài Gòn.
Cha Vincent Phạm Trung Thành, bề trên giám tỉnh DCCT VN
38 Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, TpHCM, Việt Nam
Điện thoại: (+84-8) 39316322-105
Email: dcctvn@gmail.com
Các website chính:
http://chuacuuthe.com
http://www.trungtammucvudcct.com
http://www.nhasachducme.com
http://www.ducme.tv
TRUYỀN THÔNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM –
VIETNAMESE REDEMPTORISTS’ NEWS – VRNs

http://www.chuacuuthe.com/about/
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
HOẠT ĐỘNG CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ TẠI TÂY NGUYÊN - VIỆT NAM

Khai mạc năm thánh Mẹ HCG ở Plei Chuet


Plei Chuet – Sáng ngày 9/7/2015 đã diễn ra thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nhà thờ Plei Chuet do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách.
Tham dự thánh lễ có cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Giuse Nguyễn Ngọc Bích cùng với 30 linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phanxico, Dòng Ngôi Lời và một số cha xứ các vùng lân cận. Thánh lễ cũng có sự hiện diện đông đảo của các tu sĩ nam nữ và khoảng 4 ngàn anh chị em dân tộc J’rai.
Mặc dù trời mưa tầm tã, nhưng trước thánh lễ, anh chị em dân tộc J’rai vẫn tổ chức rước kiệu, cung nghinh Đức Mẹ xung quanh nhà thờ. Sau cuộc rước, cộng đoàn sốt sắng làm giờ hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lời kinh nguyện hoà quyện với lời ca tiếng hát ca tụng Đức Mẹ trong tiếng cồng chiêng làm nên nét đặc sắc linh thánh của núi rừng Tây Nguyên.
Thánh lễ khai mạc năm thánh bắt đầu với việc cha Giám tỉnh công bố thư của Cha Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế về việc khai mở năm thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Trong bài giảng, cha Giám tỉnh nhấn mạnh vị trí của Đức Mẹ trong đời sống người tín hữu Công Giáo. Cha Giám tỉnh cũng nhắc đến lai lịch linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và vai trò của Mẹ trong sứ vụ thừa sai của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Kết thúc bài giảng, cha Giám tỉnh mời gọi mọi người noi gương người môn đệ Chúa thương mến đón Đức Mẹ về nhà mình, về với chính tâm hồn mình để trong cuộc sống vui buồn mỗi ngày mỗi người luôn vững bước trong đức tin vì có Mẹ đồng hành, chở che, giữ gìn.
Thánh lễ kết thúc với việc cha Giám tỉnh công bố sắc lệnh của Toà ân giải tối cao thay mặt Đức Thánh Cha cho phép Dòng Chúa Cứu Thế khai mở Năm thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với những ân xá đi kèm nhân dịp kỷ niệm 150 năm Dòng được Đức Pio IX trao phó cho linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với mệnh lệnh: Hãy làm cho thế giới biết Mẹ!
Sau khi lãnh nhận phép lành toàn xá, cộng đoàn đông đảo hơn 4 ngàn anh chị em J’rai chia sẻ niềm vui ngày đại lễ với Nhà Dòng bằng những tấm bánh đơn sơ, bé nhỏ.
Ngày trọng lễ đã kết thúc, nhưng mọi người vẫn lưu luyến như không muốn giã từ ngôi thánh đường thân thương theo kiến trúc Nhà Rông giữa núi rừng Tây Nguyên của họ.
CTV truyền thông DCCT
http://www.chuacuuthe.com/2015/07/khai-mac-nam-thanh-me-hcg-o-plei-chuet
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

CHA MẸ TUYỆT VỜI: THÁNH GIOAKIM và THÁNH ANNA, song thân của ĐỨC MARIA, 26/7


THÁNH GIO-A-KIM và THÁNH ANNA,
 song thân của ĐỨC MARIA, ngày 26/7
Mt 13, 1-9
CHA MẸ TUYỆT VỜI

Cây thấy xanh tươi chưa chắc là đã tốt, nhưng phải là cây cho sinh nhiều hoa trái xinh tươi. Mẹ Maria là hoa trái quí hóa, tuyệt vời của ông bà thánh Gioakim và Anna…Dù rằng Tin Mừng không ghi lại điều gì về cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thánh truyền đã đề cập đến vai trò của hai ông bà Gioakim và Anna. Ta đi ngược dòng lịch sử cứu độ để hiểu hơn vai trò của thánh Gioakim và thánh Anna. Thánh Gioakim và thánh Anna có thể là cầu nối giữa Cựu Ước và Tân ước, giữa Israen cũ và Israen mới. Hai vị thánh này đã được Thiên Chúa tuyển chọn, chúc phúc và ban nhiều ân huệ quí giá, qua đó, các Ngài sinh ra Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Đức Giêsu…

Thánh Nữ ANNA, Thân mẫu Đức MARIA, Mẹ Chúa Giêsu
Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến người gieo giống. Gieo giống là dấu hiệu của hy vọng. Nước Trời như mầm non đang chồi lên từ mặt đất khắp đó đây mà hạt giống ở dưới đất ta đâu có thấy được chúng, ta đâu có nghe được tiếng khi chúng đang tí tách vươn mình lên khỏi đất. Đức Hồng y Etchaygaray đã nói một câu rất chí lý:” Người ta dễ nghe tiếng cây đổ, nhưng có hàng triệu triệu hạt mầm đang tí tách vươn mình khỏi đất, nào ta có nghe được tiếng kêu. Thánh Gioakim và thánh Anna là những cây tươi tốt, đã từng là những hạt giống tốt xinh, đã hiện diện ở cuộc đời này và sinh ra hoa trái rất tốt tươi là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Con Thiên Chúa. Quả thực, chính hạt giống là hai thánh Gioakim và Anna đã chịu thối  đi trong lòng đất, nên đã sinh ra hoa trái xinh tươi là Đức Giêsu Kitô.

Thánh Gioakim, Thân phụ Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu
Thánh Gioakim tượng trưng cho người gia trưởng mẫu mực đạo đức, thánh thiện và luôn sẵn sàng bảo vệ, nâng đỡ bà thánh Anna, còn bà thánh Anna được tôn sùng như mẫu gương của các bà mẹ, đồng thời Hội Thánh tặng cho bà danh hiệu Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Sách ngụy thư của thánh Giacôbê có ghi: “ Hai ông bà đã già mà không có con, đây là một thử thách lớn lao của hai ông bà, nhưng cuối cùng thiên thần Chúa đã hiện ra loan báo cho hai ông bà một tin vui mừng: bà sẽ thụ thai và sinh ra Đức Trinh Nữ Maria và hai ông bà đã dâng Đức Mẹ trong đền thờ cho Thiên Chúa “.

Thánh Nữ ANNA, Thân mẫu Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu
Hội Thánh đã chọn ngày 26/7 hằng năm kính nhớ hai thánh Gio-a-kim và Anna. Lòng sùng hai vị thánh này đã có từ cổ xưa và ngày nay đã lan tràn khắp thế giới.
“Lạy thánh Gioakim và thánh Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các Ngài, vì nhờ các Ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hóa Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa “ ( lời cầu của thánh Đamascênô ).
Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chước hai thánh Gioakim và thánh Anna luôn hết lòng tôn vinh tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
---------------------------------------------
http://www.simonhoadalat.com/suyniem/suyniem/CacThanh/July26.
htm
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------------------------------
26-7: Mừng Lễ kính Thánh Joachim & Thánh Anna, Song thân Đức Trinh Nữ Maria, Bổn mạng của nhiều vị tu sĩ và giáo dân cùng các bạn hữu.
Nguyện xin hai Thánh Joachim & Anna chuyển cầu cùng Chúa ban muôn phúc lành hồn xác giúp mọi người cũng được nên thánh qua việc thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
MTC


Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

25/7 - Tâm Thư Giacôbê Tông Đồ - Trầm Thiên Thu

(25-7) TamThu GiacobeNgày 25 tháng Bảy hàng năm, Giáo Hội mừng kính Thánh Giacôbê (tiếng Aram: Yaʕqov, tiếng Hy Lạp: Ιάκωβος). Thánh nhân sinh trưởng tại Bétsaiđa (Galiê), là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, là anh ruột của Thánh Gioan, là một trong mười hai môn đệ của Chúa Giêsu, được coi là tác giả của Thư Thánh Giacôbê. Ông được gọi là Giacôbê Tiền (trước) để phân biệt với Giacôbê Hậu (sau), con của ông Anphê. Thánh Giacôbê Tiền qua đời năm 44 (sau công nguyên), là bổn mạng của nước Tây Ban Nha.
Thư của Thánh Giacôbê ngắn gọn, gồm 5 chương, nhưng chứa đầy các lời khuyên khôn ngoan. Thư này cho thấy Thánh Giacôbê là người sống đơn giản và thực tế – nhưng không hề thực dụng.
Mở đầu bức thư, Thánh Giacôbê viết đơn giản và rạch ròi: “Tôi là Giacôbê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khoẻ!” (Gc 1:1).
Vui Mừng Trong Đau Khổ
Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn (Gc 1:2).
Niềm vui có trong những thử thách của cuộc đời. Chính những thử thách đó củng cố đức tin của chúng ta. Xoay xở những nỗi khó khăn bằng nụ cười sẽ làm chúng ta vững mạnh về tinh thần. Hãy đứng vững trong những nghịch cảnh để có thể được lãnh nhận triều thiên sự sống!
Đức Tin Cần Hành Động
Mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi thì sinh ra cái chết (Gc 2:14-15). Đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2:17 và 26).
Đời sống Kitô hữu phải được sống bằng cả lời nói và hành động. Thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta rằng đức tin và hành động phải song hành, có cái này mà thiếu cái kia thì chúng ta sẽ không thể vững bước đi trong cuộc đời này.
Chậm Nói và Chậm Giận
Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa”(Gc 1:19-20).
Tâm hồn của chúng ta được người ta nhận biết qua lời nói của chúng ta. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, nhất là khi chúng ta tức giận. Thật vậy, tiền nhân đã khuyên nhủ: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cẩn thận là khôn ngoan, Thiên Chúa đã “cài đặt” đức khôn ngoan trong lòng chúng ta để chúng ta hành động theo Lời Chúa. Đừng để cái miệng nhanh hơn hành động, hãy như con ngựa cần được tra hàm thiếc.
Đừng Thiên Tư Tây Vị
Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói “Đứng đó!” hoặc “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!” thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? (Gc 2:1-4).
Thiên tư (thiên vị) dẫn tới thành kiến với người khác, tạo nên sự chia rẽ. Người thiên tư chỉ tôn trọng người khác dựa trên vật chất và địa vị xã hội, tức là coi trọng bề ngoài. Kitô hữu không thể sống theo kiểu đó. Là Kitô hữu thì phải thật lòng yêu thương nhau và luôn coi trọng người khác, vì họ cũng là con cái của Thiên Chúa tối cao.
Đức Khôn Ngoan
Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính (Gc 3:17-18).
Chúng ta biết rằng có sự khôn ngoan trần tục và sự khôn ngoan đích thực. Sự khôn ngoan đích thực là đức khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Sự khôn ngoan đích thực được thể hiện qua cách chúng ta đối xử với tha nhân.
Kiêu Ngạo và Khiêm Nhường
Ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên (Gc 4:6-10).
Thói kiêu ngạo là tham vọng đầy ích kỷ luôn có trong chúng ta. Nó như kẻ thù, lúc nào cũng rình rập để ra tay làm điều ác. Ông bà Nguyên tổ chỉ vì kiêu ngạo mà nghe lời xúi dại của ma quỷ. Tính kiêu ngạo là nguyên nhân chính gây ra những cuộc xung đột, cãi nhau, ẩu đả, chiến tranh,… Vì kiêu ngạo mà người ta luôn đề cao mình, tự cho mình là “số dzách”, lòng tự ái nổi dậy, tìm cách đè bẹp người khác. Khi chúng ta khiêm nhường và vâng phục, Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi vấn đề cho chúng ta.
Cầu Nguyện Khi Đau Khổ
Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ (Gc 5:13-15).
Cầu nguyện và chúc tụng là cách giúp chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa khi chúng ta có các động lực bất chính. Hãy dành thời gian thực hiện điều này trong mọi tình huống để chúng ta được vững mạnh nhờ ân sủng siêu nhiên và đủ sức vượt qua mọi trở ngại trong hành trình cuộc sống.
Thú Tội và Cầu Nguyện
Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực (Gc 5:16).
Hãy giãi bày tâm sự hoặc nỗi lòng mình với người nào đó đáng tin cậy. Đừng đầu hàng số phận và hãy cố gắng vượt qua chính mình. Hãy làm sáng tỏ vấn đề, như người ta vẫn nói là “ba mặt, một lời”. Đừng bao giờ suy diễn theo ý chủ quan của riêng mình.
Lạy Thánh Giacôbê Tông Đồ, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU
---------------------------------
Nguồn: http://longchuathuongxot.vn/v2/tam-thu-giacobe-tong-do/
--------------------------------
25/7/2015 - MỪNG LỄ THÁNH GIA CÔ BÊ TÔNG ĐỒ(TIỀN)
TẠI GIÁO PHẬN KON TUM
Mừng Lễ Thánh Giacôbê Tông Đồ (25-7), Bổn mạng Cha Giacôbê Trần Tấn Việt, Cha sở Giáo xứ Kon Jơ Dreh, kiêm Phó Trưởng Ban Caritas Giáo Phận Kon Tum, 
Nguyện xin Chúa ban cho Cha Giacôbê Việt, Quý Thầy Hoàng, Phương được tràn đầy ơn thánh Chúa và dồi dào sức khỏe để phục vụ Giáo hội ngày càng thăng tiến hơn trên miền Tây nguyên này. MTC