Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

VÌ XƯA TA ĐÓI - Suy niệm Lời Chúa CN 34 TN - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ 26-11-2017







Hôm ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

34 Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.

37 bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” 40Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

41 Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”.

44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. 46 Thế là họ sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.



 Suy Niệm

TÊRÊSA Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này.
 Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ.
 Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương,
 mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.
 Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.
 Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.
 “Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người,
 dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa.”

Ðoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay,
 vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua,
 có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển.
 Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân,
 tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh.
 Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.
 Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa
 dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài,
 mà họ không hề hay biết.
 Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc.
 Ngài ở trong những người cùng khốn.
 Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát,
 khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù
 mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.

Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người,
 qua những người hèn kém đáng thương nhất.
 Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.
 Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa
 để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.
 Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi.
 Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích.
 Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.
 Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích,
 nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
 Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta
 như vị vua giả trang làm người hành khất.
 Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên
 khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.
 “Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu.”
 Tội lớn nhất là tội thiếu sót: không làm điều phải làm.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay
 xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài.
 Những người mù chữ, những trẻ em đường phố,
 những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương,
 những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ,
 những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê,
 những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.
 Phải làm một việc gì đó cụ thể
 để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.
 Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó
 để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ,
 vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.



Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
 nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
 nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
 nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
 thì thế giới này sẽ đổi khác,
 Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men nhỏ.
 Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
 thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm
 về sự dữ trên địa cầu:
 có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
 nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
 chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
 giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
 nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
 dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
 Chúng con sợ Chúa đến làm phiền lòng chúng con,
 và không cho chúng con được yên ổn.
 Ước gì một tỉ người công giáo
 chịu để Chúa chi phối đời mình
 và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
 Như thế vũ trụ này
 trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

LÀM CHỨNG - SUY NIỆM CN 33 TN A - MỪNG TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


Làm Chứng

Hôm nay Giáo Hội cho phép chúng ta mừng kính chung toàn thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây thực là một ngày giỗ tổ làm cho mọi tâm hồn con dân đất Việt phấn khởi vui mừng. Chúng ta đều biết từ khi đạo Chúa chính thức bắt rễ vào đất nước chúng ta cho đến cuối thế kỷ XIX, nghĩa là từ khoảng năm 1638 đến năm 1886, gần 300 năm, lịch sử Giáo Hội Việt Nam là cả một cuộc tử đạo kéo dài gần như liên tục năm này qua năm khác, không mấy khi ngừng, mà nếu có ngừng thì chỉ tạm ngừng để chuẩn bị tiến sang một giai đoạn chịu bách hại khác dữ dội hơn và đẫm máu hơn.
Trong suốt ba thế kỷ bị bách hại, tính ra có trên 130 ngàn anh hùng tử đạo, và như thế nước Việt Nam chúng ta, tuy nhỏ hẹp và nghèo khổ nhưng rất hào hùng. Nước nhỏ hẹp nhưng danh tiếng vang lừng quốc tế. Chúng ta đã đóng góp cho gia sản của Giáo Hội một sự nghiệp đức tin to lớn. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 117 vị được phong chân phước. Và ngày 19.06.1988, cả 117 vị này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn lên bậc hiển thánh. Các ngài được suy tôn hiển thánh để cho toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài. Đồng thời để cho chúng ta, những người Công giáo Việt Nam, là con cháu các ngài, biết nối gót cha ông, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành với Chúa, với Giáo Hội, với Tin Mừng giữa lòng dân tộc.


Các vị tử đạo cũng là những con người mang thân xác giòn mỏng như chúng ta, cũng biết rung cảm, cũng biết ham sống sợ chết như chúng ta. Nhưng giờ phút hy sinh đến, các ngài sẵn sàng tiến lên dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Do đó cái chết của các ngài có một ý hướng nhất định: các ngài là những nhân chứng cho đạo Chúa. Đúng thế, danh từ “Tử Đạo” có nghĩa là kẻ làm chứng, và dùng đau khổ, tử hình để bảo đảm cho lời chứng. Mỗi vị tử đạo chết bằng nhiều hình khổ khác nhau, nhưng tất cả các ngài đều hiên ngang dùng lời nói và mạng sống mình để giảng đạo, bênh vực chân lý và tuyên xưng đức tin. Tóm lại, tất cả các ngài đều là những nhân chứng bằng chính đời sống của mình. Và cái chết của các ngài là một câu trả lời hùng hồn, quyết liệt cho những ai còn nghi ngờ tôn giáo của các ngài.


Người ta thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta là con cháu các vị tử đạo, chúng ta được thừa hưởng một di sản đức tin phong phú, được chiêm ngưỡng một Giáo Hội phát triển tốt đẹp như ngày nay, chúng ta không thể quên đó là kết quả của những dòng máu cha ông đã đổ ra. Bởi vậy, chúng ta phải tưởng niệm đến công lao to lớn của tiền nhân mà đáp đền cho xứng đáng và ra công phát huy di sản quí báu cha ông đã để lại. Nhưng nếu chỉ có những cảm tình hân hoan phấn khởi và biết ơn mà thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải chú ý lắng nghe tiếng gọi tha thiết của dòng máu tử đạo và khám phá ra những bài học cao quí để áp dụng vào đời sống. Vậy máu tử đạo nói gì với chúng ta?
Trước hết, máu tử đạo nói lên niềm tin mãnh liệt, sâu xa và lòng trung thành sắt son của cha ông đối với đạo thánh Chúa. Đức tin đã thấm nhập và đâm rễ sâu vào tâm hồn các ngài đến nỗi không một sức mạnh trần gian nào có thể lay chuyển được. Đối với các vị tử đạo, đức tin là một cái gì cao quí vô cùng, phải bảo vệ bằng mọi giá. Dầu bị đe dọa, tra tấn với muôn khổ hình dã man ghê rợn, dầu phải đổ đến giọt máu cuối cùng, các ngài cũng cam chịu, miễn sao bảo tồn được đức tin nguyên vẹn.
Đàng khác, được hấp thụ tinh thần nho giáo, các ngài đặt chữ “trung” lên trên hết. Không những trung thành với vua chúa trần gian, với quê hương tổ quốc, mà nhất là trung thành với vua chúa trên các vua, chúa trên các chúa, trung thành với quê hương tổ quốc siêu nhiên là Giáo Hội. Đó là tấm gương sán lạn cha ông để lại cho chúng ta.
Thứ hai, máu tử đạo cũng nói lên đức hy sinh can đảm phi thường của tiền nhân. Người ta ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ham sống sợ chết. Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thướng vượt mọi trở lực, dầu khó khăn đến đâu, để duy trì đức tin. Ai kể được những khổ hình dã man các ngài đã phải chịu: kìm kẹp, xiềng xích, voi giày, thiêu sinh, trầm hà, trảm quyết, lăng trì, bá đao… Nhưng các ngài can đảm chịu đựng, các ngài đã thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ, và thắng chính mình.


Các vị tử đạo đã chết để nêu cao lòng hiếu trung. Các ngài đã từ bỏ tất cả, nhận lấy cái chết, không chút oán giận những kẻ giết mình. Các ngài đã hy sinh đời sống để theo một tôn giáo, minh chứng cho mọi người biết tôn giáo đó là từ trời ban xuống và đạo Chúa Kitô là đạo thật. Các ngài chết nhưng luôn sống trong ký ức chúng ta. Các ngài là những hạt giống tốt đã được gieo để đem lại hoa trái phong phú cho chúng ta. Chúng ta đang thừa hưởng gia sản của các ngài, chúng ta hãy sống tốt đẹp, xứng đáng với những hy sinh của các ngài.
Chúng ta hãy nhớ rằng: tử đạo là một ân huệ đặc biệt Chúa ban cho ai tùy ý Ngài muốn, nhưng nỗ lực làm chứng cho Chúa thì không dành riêng cho ai cả. Là Kitô hữu là có nhiệm vụ làm chứng: làm chứng bằng lời nói, bằng hành động và bằng cả cuộc đời cụ thể của mình. Nói rõ hơn, cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo là sống bác ái yêu thương. Chúng ta cần phải thuyết phục những người chưa có đạo, những người không hiểu về chính nghĩa của đạo chúng ta bằng cách sống trọn vẹn, quyết liệt, dứt khoát tinh thần bác ái yêu thương đối với nhau và đối với những người chung quanh.

Chân Phước Anrê Phú Yên

Tử Đạo hay Sống Đạo?

Nếu như anh chị chúng ta là những người giàu có và thành công trên đường đời, hẳn chúng ta sẽ lấy làm hãnh diện. Nếu cha mẹ chúng ta là những người tốt lành và thánh thiện, hẳn chúng ta cũng sẽ rất lấy làm hãnh diện. Cũng thế, hôm nay khi mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta càng phải hãnh diện hơn nữa vì các ngài những bậc cha ông của chúng ta đã lấy mạng sống cùng với những giọt máu đào để làm chứng cho Chúa.
Thực vậy, Giáo Hội Việt Nam đã góp phần vào tiến trình chung của Hội Thánh Công giáo những trang sử hào hùng và dũng cảm.
Bên Âu Châu, thời kỳ đen tốt nhất Giáo Hội đã phải trải qua chính là thời kỳ Giáo Hội còn phôi thai, trải dài từ cuối thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ tư, từ triều Nêron đến triều Maximinus. Suốt trong khoảng thời gian này, Giáo Hội đã bị bắt bớ và cấm cách. Biết bao nhiêu người đã chết hay đã ngã gục trên pháp trường. Những người muốn sống sót đều phải chui rúc dưới những hang, được gọi là hang toại đạo., hiện nay vẫn còn tìm thấy tại Roma. Các sử gia đã gọi đó là thời kỳ Giáo Hội sống dưới hầm. Nhưng sau cùng, Giáo Hội đã chiến thắng với biến cố hoàng đế Constantinô trở lại và ngọn cờ thập giá được tung bay trên toàn đế quốc La mã.


Nếu so sánh, chúng ta thấy Giáo Hội Việt Nam cũng có những điểm thật giống với Giáo Hội Rôma. Đó là ngay sau khi hạt giống Tin mừng được gieo vãi trên đất nước này, thì lập tức giông bão đã nổi lên. Từ thời vua Lê chúa Trịnh cho tới những triều đại nhà Nguyễn, trải dài gần ba trăm năm. Trong suốt thời gian này, biết bao nhiêu người đã bị nhà tan cửa nát, phải di tản vào những nơi rừng thiêng nước độc, như các giáo dân vùng La Vang, Quảng Trị. Biết bao nhiêu người đã phải chịu những cực hình khủng khiếp. Trong số đó, có 117 vị đã được nâng lên hàng hiển thánh. Ai cũng tưởng rằng ngọn lửa Phúc âm sẽ bị dập tắt. Thế nhưng, máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã lớn lên và trưởng thành trên nền móng vững chắc ấy, xứng đáng được gọi là trưởng nữ của các Giáo Hội tại Á châu.


Tuy nhiên, hãnh diện mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải noi gương bắt chước các ngài, bởi vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Đừng vì một con sâu mà làm rầu nồi canh, đừng vì cuộc sống tội lỗi của chúng ta mà làm nhơ bẩn khuôn mặt Giáo Hội Việt Nam. Hãy sống thế nào để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng tử đạo.
Hồi còn bé, tôi rất thích đọc hạnh các thánh tử đạo và thầm mong một ngày nào đó, tôi cũng đưa cổ cho lý hình chém một nhát và thế là nghiễm nhiên trở thành thánh tử đạo. Thế nhưng, lớn lên tôi mới nghiệm ra rằng: mơ ước như vậy chỉ là một sự hão huyền, bởi vì không phải thời buổi nào cũng có những cấm cách. Hơn thế nữa, hành động chịu chết vì đạo là một hành động cao cả và tuyệt vời nhất, như lời Chúa Giêsu đã xác quyết:
- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Hành động cao cả và tuyệt vời này phải là kết quả của những tháng ngày sống niềm tin yêu và thấm nhuần đạo đức. Không phải một sớm một chiều mà một thằng quỷ có thể trở nên một vị thánh. Không phải hễ có bắt bớ là mọi người đều có thể tử đạo, bởi vì sống sao chết vậy, cây xiêu chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy.
Kinh nghiệm cho hay mổi khi có những khó khăn xảy ra, thì rất nhiều kẻ đã trở cờ, chối bỏ Chúa. Họ chối bỏ Chúa chỉ vì chén cơm manh áo, họ chối bỏ Chúa chỉ vì một chút địa vị xã hội, họ chối bỏ Chúa chỉ vì muốn chạy theo những dục vọng thấp hèn. Thế nhưng, lý do chính yếu, là như phần chìm của tảng băng, đó là họ đã không thực sự sống đạo, đã không thực sự sống niềm tin của mình. Cũng giống như khi xây nhà, nếu không đổ nền đổ móng cho vững chắc, thì chẳng bao lâu căn nhà sẽ bị sụp đổ.


Vì thế, chúng ta nên hiểu tử đạo theo một nghĩa rộng, đó là làm chứng cho Chúa. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương của chúng ta. Đó chính là cái nền tảng vững chắc để xây dựng tòa nhà đức tin. Chính trong ý nghĩa này mà Mẹ Maria đã được gọi là Nữ vương các thánh tử đạo, mặc dù Mẹ đã không đổ máu để làm chứng cho đức tin của mình.
Hãy tập sống tinh thần tử đạo bằng cách thực hiện những điều tốt lành, bởi vì mỗi khi hành động như vậy là chúng ta đã tuyên xưng niềm tin của chúng ta. Hơn thế nữa, mỗi hy sinh chúng ta chịu trong khi phục vụ và giúp đỡ người khác sẽ là như một giọt máu tử đạo chúng ta đổ ra từng giây và từng phút để làm chứng cho Chúa.
Hãy sống đạo, sống niềm tin của mình. Nếu cha ông chúng ta đã tuyên xưng niềm tin bằng cái chết anh hùng, thì khi sống đạo, chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin của chúng ta bằng chính cuộc sống ngập tràn tình bác ái yêu thương của chúng ta.
Nguồn: http://baoconggiao.net/index.php/phung-vu-loi-chua/cac-bai-suy-niem-le-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-321.html#_Toc466442505
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------------- 
MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM,
BỔN MẠNG CA ĐOÀN MINH QUÝ,
GIÁO XỨ PHƯƠNG NGHĨA, GIÁO PHẬN KON TUM!
Chúa Nhật 33 TN A 19-11-2017 
VIDEO THÁNH CA:
(Xin bấm để nghe)

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Khôn ngoan tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến! Mt 25,1-13 - Lời Chúa CN XXXII TN A 12-11-2017


11/11/2017 7:22:25 AM
HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A (Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)


I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 25,1-13

(1) Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. (2) Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. (3) Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. (4) Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. (5) Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.(6) Nửa đêm có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi !” (7) Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. (8) Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi !” (9) Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn. (10) Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. (11) Sau cùng, mấy trinh nữa kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài ! Mở cửa cho chúng tôi với !”. (12) Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô !”. (13) Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.



2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế để phán xét và mở Tiệc cưới Nước Trời. Chỉ những người khôn biết luôn tỉnh thức và trong tư thế sẵn sàng mới được vào dự. Còn những người dại không thực hành tình mến Chúa yêu người, sẽ bị lọai ra bên ngòai. Đức Ki-tô sẽ đến bất ngờ vào giờ chết của mỗi người hay trong ngày tận thế chung cả nhân lọai. Do đó, mọi tín hữu cần luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn dầu đèn là ơn thánh để bất cứ khi nào Chúa đến, họ cũng được vào tham dự bữa tiệc vui với Người



3. CHÚ THÍCH: 
- C 1-2: + Mười cô trinh nữ:
 Trinh nữ là các thiếu nữ chưa chồng. + Cầm đèn của mình ra đón chú rể: Dụ ngôn dựa theo phong tục cưới xin của dân Do thái thời Đức Giê-su. Việc cưới xin thường diễn ra vào ban đêm. Mấy hôm trước ngày cưới, hai bên đàng trai đàng gái đặt tiệc riêng đãi bà con bạn bè của mình. Rồi đến chính ngày cưới, hai họ nhập lại chung để ăn uống tại bên họ nhà trai. Nghi thức quan trọng nhất trong đêm rước dâu như sau: Chập tối, chàng rể cùng các phù rể cầm đuốc lên đường đến nhà đàng gái. Khi đó cô dâu và các cô phù dâu có bổn phận sửa soạn đèn chờ họ đàng trai. Khi chàng rể đến đón dâu, đám rước sẽ khởi hành đi về nhà trai và nhập bàn tiệc. Các cô phù dâu phải mang theo bình dầu và cầm đèn cháy sáng đứng chung quanh cô dâu chú rể trong nghi thức khai mạc tiệc cưới. 
- C 3-4: + Năm cô dại:
 Dại vì không biết tiên liệu nên đã không đem bình dầu theo, hoặc có đem mà không đủ dùng, nên khi chàng rể đến thì đèn đã bị tắt. Là người có nhiệm vụ phải đi đón chú rể, nhưng các cô lại không quan tâm chu toàn bổn phận của mình. Các cô dại này ám chỉ những kẻ không có đức tin hay các tín hữu lười biếng dự lễ cầu nguyện và không sống theo Lời Chúa, nên sẽ không đủ điều kiện được vào thiên đàng đời sau. + Năm cô khôn: Khôn vì biết tiên liệu nhìn xa, nên mang theo đủ dầu đi đón chàng rể giữa lúc đêm khuya. Đây là những tín hữu biết xây nhà đức tin trên nền đá vững chắc nhờ lắng nghe và thực hành Lời Chúa (x. Mt 7,24). Họ có nếp sống đạo đức và được dồi dào ân sủng của Chúa, luôn sống đức tin bằng thực thi đức cây và đức mến. Họ sẽ xứng đáng được Chúa đón nhận vào thiên đàng trong giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung của nhân lọai.
- C 5-6: + Vì chàng rể đến chậm:
 Chàng rể là Đức Ki-tô sẽ đến bất ngờ vào giờ chết mỗi cá nhân hay ngày tận thế chung để phán xét. + Nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả: Thiếp đi và ngủ diễn tả sự “thức lâu chầu mỏi !”. Tuy vậy các cô khôn vẫn có thể ra đón Chúa đến bất ngờ vì luôn chuẩn bị dầu đèn đầy bình. Cũng vậy, người công chính sẽ trong tư thế sẵn sàng nhờ năng lãnh các phép bí tích và thực hành giới răn mến Chúa yêu người. + Nửa đêm: Là thời gian nối tiếp giữa ngày hôm trước với ngày hôm sau, ám chỉ giờ chết là sự chuyển tiếp từ cuộc sống trần gian sang cuộc sống đời sau. Ngòai ra nửa đêm còn là lúc người ta dễ ngủ say và mất cảnh giác nhất. + Kìa chú rể, hãy ra đón đi: Chú rể ám chỉ Chúa Ki-tô sẽ đến trong giờ chết của mỗi chúng ta hay đến với chung với nhân loại trong ngày tận thế.
- C 7-9: + Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị:
 Tới giờ chết các cô dại mới ý thức về sự dại khờ của mình thì đã quá muộn. + Các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn: Vì khi đó chẳng thể cậy nhờ ai khác giúp đỡ cho mình được nữa. 
- C 10-11: + Chính khi họ đi mua dầu là lúc chú rể đến:
 Đừng đợi tới giờ chết mới hồi tâm sám hối thì không còn kịp. Ta cần luôn sống theo ý Chúa ngay khi còn sống. + Những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới: Những người luôn sống kết hiệp với Chúa thì sẽ ở trong tư thế sẵn sàng ra đón Đức Ki-tô bất cứ khi nào. + Và cửa đóng lại: Giờ chết là lúc chấm dứt số phận mỗi người. Những ai được vào dự tiệc cưới sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Còn những kẻ bên ngoài sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời. + Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi: Lời cầu xin này nhắc lại lời Đức Giê-su: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa ! Là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Cũng như trong dụ ngôn “Tiệc cưới”, Những ai cố tình chống lại Thiên Chúa, hoặc không tin và không sống giới răn bác ái yêu thương sẽ bị loại khỏi thiên đàng đời sau (x. Mt 22,13).
- C 12: + Tôi không biết các cô:
 Giờ chết là giờ phán xét công thẳng và những ai cố tình không tin vào Chúa Giê-su sẽ không được hưởng ơn cứu độ của Người. + Vậy anh em hãy canh thức: Đây là chủ đích của Đức Giê-su khi dạy dụ ngôn này. + Vì anh em không biết ngày nào, giờ nào: Không biết giờ Chúa sẽ kêu gọi là giờ chết sẽ đến vào lúc nào. Chính thái độ tỉnh thức sẵn sàng sẽ giúp người ta sống trong ơn nghĩa Chúa và làm các việc lành ngay khi đang còn sống.



4. CÂU HỎI:


1) Mười cô trinh nữ được phân biệt ra hai loại khôn và dại là do yếu tố nào ? 2) Chi tiết các cô trinh nữ không được vào dự tiệc cưới Nước Trời nhằm dạy chúng ta bài học gì về đức tin ?



II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

2. CÂU CHUYỆN:

1) KẾ SÁCH KHÔN LANH CỦA MA QUỶ :

Một ngày kia quỉ vương tập họp lũ quỷ lại để cùng nhau bàn kế sách cám dỗ loài người phạm tội. Quỷ vương đặt vấn đề như sau: “Chúng ta cần làm gì để cám dỗ loài người phạm tội và cũng bị phạt hỏa ngục đời đời với chúng ta?”

Một con quỷ già phát biểu: “Chúng ta hãy xí gạt loài người là: không có Thiên Chúa, cũng chẳng có thiên đàng hay hỏa ngục ở đời sau gì cả. Chết đi là hết!”

Quỉ vương nói : “Ta e rằng kế sách đó của ngươi không ổn. Vì loài người có trí khôn, chúng biết suy luận nên dễ dàng biết có Thiên Chúa, và 4 sự sau là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục”. Sau đó, một con quỉ nhỏ liền hiến kế: "Chúng ta hãy nói với chúng: có Thiên Chúa, có thiên đàng thưởng kẻ lành và hỏa ngục phạt kẻ dữ. Nhưng còn lâu mình mới chết. Hãy cứ ăn chơi hưởng thụ thỏa thích đi. Đợi đến khi bệnh nặng gần chết, sẽ hồi tâm sám hối cũng không muộn".

Nghe xong, quỷ vương liền đứng dậy vỗ tay khen ngợi: “Đúng, thằng này nói đúng. Nếu dùng kế sách này thì chắc nước hỏa ngục của chúng ta sẽ có thêm rất nhiều thành viên mới. Vì loài người đâu biết rằng: cái chết sẽ đến “Vào lúc chúng không ngờ, vào giờ chúng không biết”.

2) CÁI CHẾT THƯỜNG ĐẾN BẤT NGỜ: 

Cách đây  hơn 1900 năm, núi lửa Vésuve đã phun trào ở  Italia. Khi núi lửa ngưng phun, thành phố Pompéi đã bị chôn vùi dưới lớp phún thạch dầy tới gần 6 mét. Thành phố vẫn giữ nguyên dạng như thế mãi cho đến gần đây, khi các nhà khảo cổ đến khai quật lên.

Các nhà khảo cổ đều ngạc nhiên về những điều họ mới khám phá ra: Phún thạch đã làm đông cứng mọi người trong thành phố trong tư thế họ đang có khi cơn đại họa đổ ập xuống. Thân thể của người chết bị lớp phún thạch bao bọc và da thịt bị thối rữa chỉ còn lại những bộ xương giữa lớp tro cứng. Người ta chỉ cần đổ dung dịch thạch cao vào những lỗ hổng là có thể khôi phục lại tư thế các nạn nhân khi chết : Một thiếu phụ đang ôm chặt đứa con nhỏ trong vòng tay; Một anh lính gác người Rôma chết trong tư thế đứng thẳng tại một trạm gác, trên người còn đeo một thanh kiếm. Anh lính chứng tỏ vẫn đang chu toàn nhiệm vụ cho tới khi chết... Nhưng bên cạnh đó cũng có những người chết khi đang ngồi ở bàn nhậu, có người chết khi đang đánh lộn nhau, đang nhảy nhót vui chơi trong các hộp đêm…

3) CẦN CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT NGAY TỪ HÔM NAY:

Có một ông nhà giàu nọ đầy quyền thế danh vọng đã bị bệnh đột quỵ và qua đời. Mọi gia nhân đều tỏ ra ngạc nhiên về cái chết bất ngờ của ông chủ và xì xầm bàn tán với nhau. Người quản gia nói với các gia nhân khác rằng : “Theo các chú nghĩ thì bây giờ ông chủ chúng ta sẽ đi về đâu?”

Họ đáp: “Thì ông ấy sẽ về Nước Trời chứ còn đi đâu nữa”.

Người quản gia nói: “Không đâu. Tôi chắc ông chủ sẽ không đi về nước trời đâu”.

Mọi người đều ngạc nhiên hỏi: “Làm sao bác biết ông chủ không đi về trời ?”

Người quản gia trả lời: “Thường thì trước khi đi xa, ông chủ thường nói với tôi về nơi mình sắp đến và yêu cầu tôi giúp chuẩn bị hành lý mang theo. Còn Nước Trời ở đâu mà sao tôi không bao giờ thấy ông chủ đề cập sẽ đi đến đó, cũng không thấy ông chuẩn bị hành lý nào cả. Như vậy làm sao ông có thể đi đến Nước Trời được!”

4) CHUẨN BỊ ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA BẤT NGỜ ĐẾN THĂM:

Một buổi sáng nọ, người ta thấy bác thợ đóng giày thức dậy từ rất sớm. Sau khi dọn dẹp cửa hàng sạch sẽ ngăn nắp, bác vào phòng khách ngồi đợi đón vị khách quý là Chúa Giê-su, mà đêm qua bác đã nằm mơ gặp gỡ Người và Người hứa sẽ đến thăm bác vào ngày hôm nay. Đột nhiên có tiếng gõ cửa gấp. Bác thợ giày vui sướng vì không ngờ Chúa lại đến thăm bác ngay từ lúc sáng sớm như vậy. Nhưng khi cửa mở thì người đứng ngòai cửa không phải là Chúa Giê-su, mà là ông phát thư quen thuộc. Mặt ông ta bị tím tái do vừa đi trong thời tiết băng giá. Bác liền mở rộng cửa đón ông phát thư vào nhà ngồi bên lò sưởi ấm áp. Rồi bác đi pha một bình trà nóng mời ông uống. Sau khi tiễn người đưa thư, bác thợ giày tiếp tục ngồi chờ. Nhìn qua khung kính cửa sổ, bác thấy một bé gái khoảng 7 tuổi đang đứng khóc ngoài hè. Bác ra mở cửa kêu em vào nhà hỏi chuyện. Em cho biết đã đi vào rừng từ sáng sớm để kiếm ít củi về nấu nước xông giải cảm cho mẹ của em. Vì trời mưa tuyết trắng xóa khiến em không nhận ra đường về nhà đành đứng trước nhà bác. Nghe vậy, bác thợ giày vội viết vài chữ dán ngòai cửa báo cho Chúa Giê-su biết mình vắng nhà đến chiều, để đưa cô bé kia về nhà. Khi tìm thấy căn nhà của em và thấy mẹ em đang bị cảm lạnh run rẩy nằm trên giường, bác vội đi mời bác sĩ gần đó đến thăm bệnh và cho toa, rồi bác đích thân đi mua thuốc cho người bệnh. Khi bệnh nhân đã tương đối hồi phục, bác mới trở về nhà thì đã quá nửa đêm. Bác chẳng thiết gì đến ăn uống, nằm vật ra giường ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, một lần nữa bác lại nằm mơ được gặp Chúa Giê-su. Người vui vẻ nói với bác: “Ta cám ơn con hôm nay đã đón Ta vào nhà để sưởi ấm khi Ta bị lạnh cóng. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà, đã chăm sóc giúp ta mau chóng bình phục. Vì mỗi khi con phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật… là con đã phục vụ cho chính Ta đó” (x. Mt 25,40-42).

5) CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN BẰNG VIỆC CHU TOÀN CÁC VIỆC BỔN PHẬN:

Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: “Nếu ngay bây giờ chúng con biết mình sắp chết trong một giờ nữa. Vậy chúng con sẽ làm gì?”. Một em trả lời: “Em sẽ vào nhà thờ cầu nguyện với Chúa thật sốt sắng”. Một em khác cho biết: “Em sẽ dọn mình xưng tội để được ơn chết lành…”. Riêng cậu bé Lu-y Gông-gia-ga trả lời: “Riêng em vẫn tiếp tục cuộc chơi, vì em đã luôn chuẩn bị sẵn sàng”. Câu trả lời này là đúng đắn nhất: Không phải cứ đợi đến lúc gần chết mới chuẩn bị thì đã muộn, vì chúng ta không biết Chúa sẽ đến vào giờ phút nào. Tốt nhất hãy tập thành thói quen dâng ngày mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc. Rồi trong ngày hãy luôn chu toàn các việc bổn phận, và sẵn sàng thưa khi được Chúa gọi vào giờ sau hết: “Lạy Chúa. Này con đây”.



3. SUY NIỆM:

Nội dung Tin Mừng tóm lại trong ba điểm chính như sau: Một là phải khôn ngoan để tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa đến. Hai là chàng rể Giê-su sẽ đến bất ngờ vào lúc ta không ngờ. Ba là mỗi người cần chuẩn bị sẵn dầu đèn để cùng chàng rể Giê-su vào dự tiệc cưới Nước Trời đời đời.

1) Cần khôn ngoan tỉnh thức đón chờ Chúa Ki-tô lại đến:

Chúa Ki-tô chắc chắn sẽ đến vào giờ chết của mỗi người và đến chung với nhân loại vào ngày tân thế. Năm cô trinh nữ khôn ngoan đã thể hiện sự khôn ngoan qua việc vừa chuẩn bị cây đèn đức tin, lại vừa mang theo bình dầu ân sủng, nên đã sẵn sàng cầm đèn cháy sáng đức ái ra đón Chúa Ki-tô. Năm cô khờ dại do nghĩ chàng rể còn lâu mới đến, nên đã không chuẩn bị sẵn bình dầu kèm theo cây đèn đức tin, nên đã bịchàng rể Giê-su từ chối cho vào dự tiệc Nước Trời: “Tôi bảo thật các cô, Tôi không biết các cô" (Mt 25,12).

Câu chuyện ngụ ngôn “Con Ve và Con Kiến” dạy chúng ta phải chuẩn bị cho giờ chết chắc chắn sẽ đến: Con ve suốt ngày chỉ lo vui chơi ca hát mà không nghĩ đến việc phải “tích cốc phòng cơ”. Còn con kiến, luôn chăm chỉ kiếm mồi và tha về đầy tổ, chuẩn bị cho những ngày sắp tới.

Mùa hè qua mau và mùa đông đã đến, mặt đất đều chìm trong tấm màn trắng băng tuyết. Các sinh vật đều tìm nơi trú ẩn để tránh giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt. Những con kiến đã về tổ nghỉ ngơi mà không cần phải lo lắng, vì chúng đã chuẩn bị sẵn thức ăn cho cả mùa đông. Còn các con ve bị lâm vào hoàn cảnh vừa bị lạnh lại vừa bị đói. Do thời gian qua chúng chỉ sống theo sở thích mà không chuẩn bị cho tương lai, nên giờ đây đành chấp nhận hoàn cảnh khó khăn.

2) Cái chết sẽ đến bất ngờ:

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị cho giờ chết. Câu hỏi được đặt ra là: “Nếu bạn chỉ còn một ngày cuối cùng để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy:

* 57% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình của mình.

* 42% các ông được hỏi cho biết họ cũng muốn sống ngày cuối cùng đó với vợ con.

* chỉ có 12% các bà và 26% các ông thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè trong ngày cuối cùng của cuộc sống.

Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy tâm trạng chung của mọi người khi đứng trước cái chết là sợ sự cô đơn. Cái chết là một cuộc ra đi đơn độc, phải chia tay vĩnh viễn với những người thân yêu. Nếu chúng ta cũng được phỏng vấn như vậy thì chúng ta sẽ trả lời làm gì trước khi chết ?

3) “Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào !”:

Tỉnh thức không phải là không ngủ. Tất cả các cô trinh nữ đều thiếp ngủ, thế nhưng các cô khôn ngoan ngủ mà vẫn luôn sẵn sàng. Sự sẵn sàng được chứng tỏ qua việc chu toàn công việc bổn phận. Như vậy tỉnh thức không phải chỉ là năng dự lễ, đọc kinh cầu nguyện mà thôi, nhưng còn là học và sống Lời Chúa. Tỉnh thức là noi gương Đức Ma-ri-a: “Luôn ghi nhớ những sự kiện xảy ra và suy đi nghĩ lại trong lòng”, để khám phá ra thánh ý Thiên Chúa muốn và mau mắn “xin vâng”.

Chẳng ai biết được giờ chết của mình. Do đó chúng ta phải canh thức luôn. Chỉ những ai không ở lì trong tội và biết hồi tâm sám hối mới là kẻ canh thức thực sự. Đừng để khi bất ngờ Chúa đến, mà thấy chúng ta đang lơ là nhiệm vụ, đang ham mê cờ bạc rượu chè, chích hút sì ke ma túy hay đang đam mê hưởng các lạc thú bất chính…

4) Cần chuẩn bị giờ chết như thế nào ?

- Hãy sống tốt ngay từng phút giây hiện tại:

Biết sống từng giây phút của hiện tại của đời mình một cách đầy đủ ý nghĩa, chính là cách chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống bất ngờ xẩy ra. Đó là cách giữ cho chiếc đèn đức tin của chúng ta lúc nào cũng có dầu ân sủng và luôn cháy sáng đức ái.

Không nghĩ tới cái chết không phải là cách trốn tránh khỏi bị chết cách hữu hiệu:

 Chết là một chuyện buồn và đáng sợ. Vì thế nhiều người không dám nghĩ tới sự chết. Họ giống như con đà điểu sợ người thợ săn nên vùi đầu xuống dưới lớp cát để khỏi nhìn thấy. Nhưng việc chúi đầu vào dưới cát cũng không thể ngăn cản được bước chân người thợ săn đến gần. Cũng thế, việc không dám nghĩ tới cái chết cũng không giúp cho người ta tránh khỏi bị chết.

- Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào:

Tỉnh thức không phải là không ngủ... Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ. Nhưng người khôn là ngủ trong tư thế sẵn sàng để bất cứ lúc nào Chúa đến cũng sẵn sàng ra đón Chúa.

Tỉnh thức không phải là lúc nào cũng đọc Lời Chúa, nhưng là làm thế nào để Lời Chúa chi phối mọi suy nghĩ nói năng và hành động của mình.

- Điều cần là hãy chuẩn bị bằng việc năng hồi tâm sám hối mỗi buổi tối và chu toàn việc bổn phận hằng ngày : Càng chuẩn bị cho giờ chết thì ta lại càng cảm thấy tâm hồn bình an khi cái chết đến gần. Nếu đã thực sự sẵn sàng, thì ta sẽ cảm thấy vui mừng và mong cho giờ chết mau đến.

4. THẢO LUẬN:

1) Dầu chúng ta cần chuẩn bị cho cây đèn đức tin là gì ? 2) Ánh sáng phát ra từ cây đèn đức tin là lọai ánh sáng nào ? 3) Hôm nay tôi phải làm gì để chứng tỏ mình là người khôn luôn chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa đến ?



5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nếu ngày mai Chúa đến gọi con về thì chắc con sẽ vô cùng lúng túng. Con lúng túng vì đến giờ này con vẫn chưa chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng được Chúa trao khi con chịu phép rửa tội và thêm sức ! Cây đèn đức tin của con hiện vẫn đang thiếu dầu ân sủng, nên con chưa thể chiếu tỏa ánh sáng tình thương của Chúa, chưa chiếu soi cho anh em lương dân nhận biết ánh sáng Tin mừng để họ cũng tin thờ và yêu mến Chúa như con.

- LẠY CHÚA. Xin cho con mỗi tối biết dành ít phút kiểm điểm cây đèn đức tin của mình để kịp khắc phục sửa chữa các sai sót khuyết điểm. Xin cho con mỗi ngày làm ít nhất một việc tốt để giúp người ngòai nhận biết Chúa đang hiện diện trong con, hầu sau này họ cũng được tham dự bàn tiệc Nước Trời với con. Xin cho con thực hành theo lời của một người cha trước khi chết đã trăn trối với đứa con trai thân yêu của mình như sau: “Con ơi, ngày con sinh ra, đôi mắt con vừa nhìn thấy ánh sáng, mọi người đều vui cười với con, nhưng con lại khóc. Con hãy sống thế nào, để một ngày kia, đến giờ sau hết, mọi người đều tràn lệ mà con lại có thể mỉm cười” (Guy de Larigandie).

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH -  HHTM
----------------------- 
Nguồn: http://conggiao.info/khon-ngoan-tinh-thuc-va-san-sang-don-chua-den-d-43251
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------------- 
Video: MƯỜI TRINH NỮ - Linh Giang