Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

HÀNH ĐỘNG THEO TÌNH YÊU - CN VI PHỤC SINH Năm C 26-5-2019



 Chúa Nhật tuần trước, Phúc âm kể về những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phúc âm tuần này tiếp nối những lời tâm huyết ấy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các môn đệ và ban bình an cho các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Sự hiện diện của người vắng mặt. Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những người yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Sau khi Phục sinh khải hoàn, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại. Chúa hiện diện trong những ai yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy”. Chúa hiện diện trong những ai thực hành và giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Ngài hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Ngài: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".


 
1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy
 
Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ đi theo và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến, không đi theo thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Chúa ta sống trong Ngài: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài "Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).
 
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói : Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20).


 
2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”
 
Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần : "Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy". Lời trọng tâm của chương 13 và 14 là: "Chúng con hãy yêu thương nhau”. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa. Ai không có đặc trưng ấy thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.
 
Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí, thể hiện nơi những việc làm cụ thể là yêu thương nhau.
 
Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy,Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".



Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?.

Vị tu sĩ đáp : có chứ.

Người thanh niên hỏi : Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được?

Vị tu sĩ đáp : Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.

Người thanh niên hỏi : nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?

Vị tu sĩ đáp : Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.

Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi : Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.

Vị tu sĩ đáp : Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.

Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.
 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Hãy gieo yêu thương – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền - CN V PHUC SINH năm C



Tục ngữ có câu “có gieo có gặt” nhưng thành quả gặt hái tùy thuộc vào loại giống mà chúng ta gieo trồng. Vì “gieo gì gặt ấy”. Gieo yêu thương sẽ gặt trong hân hoan và hạnh phúc. Gieo bất công và hận thù sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông”. Đó chính là quy luật của cuộc sống. Quy luật của tạo hóa luôn đòi sự công bằng cho con người trong cõi nhân sinh.
Có một người đàn ông cao niên, nhưng lại rất giàu có. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà nên bảo chồng phải đưa bố đi nơi khác ở. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nơi rẻ tiền nhất.
Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi được một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nổi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha già. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “con ơi, cha không khóc vì con đưa cha vào nhà dưỡng lão dành cho những người già nua tàn tạ. Cha khóc vì nhớ lại cách đây bốn mươi năm, Cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ gieo gì gặt ấy thôi”.
Thực vậy, “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Những gì chúng ta nhận được từ trong cuộc đời này hôm nay và mai sau, hoàn toàn tùy thuộc vào những điều chúng ta đã gieo vãi, vun trồng.
Cùng một môi trường nhưng có người có nhiều bạn bè, và ngược lại có người lại rất nhiều kẻ thù. Có người được yêu thương, giúp đỡ. Có người chỉ nhận được sự khinh bỉ, dửng dưng xem thường. Có người được hàng xóm làng giềng bao bọc. Có người bị anh em loại trừ. Tại sao lại có nghịch lý như vậy? Thưa, đó không phải là nghịch lý mà là lẽ công bằng mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “quả báo”, là hậu quả do chính chúng ta đã gieo trồng trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy ra đi gieo vãi yêu thương. Chúa cầu mong chúng ta sẽ sinh hoa kết trái. Chính Chúa đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống yêu thương. Chúng ta được lớn lên trong tình thương của Chúa. Chúng ta được sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúa còn tuyển chọn chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Chúa còn làm tất cả để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã quên cả chính mình để chúng ta được sống. Chúng ta đã lãnh nhận tình yêu thương của Chúa. Dù rằng chúng ta chẳng có công lênh gì. Dù rằng chúng ta không xứng đáng. Thế mà Chúa vẫn cho chúng ta được ở mãi trong tình yêu của Chúa. Chúa chỉ cầu mong chúng ta: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu là tiếp tục gieo vãi hạt giống yêu thương của Chúa đến cho muôn người. Hãy thực hành tình yêu của Chúa cho anh chị em chung quanh chúng ta.
Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương mà không có toan tính, hay pha chút ích kỷ nhỏ nhen? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà dám quên mình? Có lẽ có, nhưng rất ít.
Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi các gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ bởi chỉ lo cho bản thân. Nét nổi trội của xã hội hôm nay không phải là những nghĩa cử yêu thương cao đẹp mà là bạo lực từ gia đình đến học đường. Ở nơi đâu cũng có bạo lực. Thành phần nào cũng có thể là nạn nhân của bạo lực. Có mấy ai đã tự vấn lương tâm để xem mình đã sống yêu thương cho anh chị em mình như thế nào hay chưa? Có mấy ai đã dám nói lời xin lỗi với gia đình, với cộng đoàn, vì mình mà gia đình, cộng đoàn đang có những xào xáo, bất đồng ý kiến, đố kỵ, ghen tương? Có mấy ai đã thực sự dấn thân xây dựng hòa bình khởi đầu bằng những nghĩa cử bao dung, độ lương với tha nhân?

Nhân loại hôm nay, rất biết ơn những con người biết xây dựng hòa bình từ yêu thương. Năm 1963, tại Washington, 200.000 người lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hòa bình nói chuyện:”Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”. Ước mơ của ông đã thành hiện thực khi mà cả dân tộc Mỹ chọn một người da đen lên vị trí số 1 của nước Mỹ, đó chính là Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ước gì mỗi người chúng ta cũng gieo vãi những niềm mơ ước của yêu thương, của tình hiệp nhất cho anh em của mình. Ước gì những ước mơ hòa bình phải được thực hiện ngay từ chính bản thân mỗi người chúng ta khi chúng ta biết nói những lời yêu thương, biết sống trong tình yêu thương tha thứ và vị tha. 
Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để biết đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần thế hôm nay. Amen.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Đức Giêsu – Mục tử đầy lòng thương xót - Chúa Nhật IV Phục Sinh C



Phúc Âm: Ga 10, 27-30
"Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một".
Ðó là lời Chúa.

Đức Giêsu – Mục tử đầy lòng thương xót - Chúa Nhật IV Phục Sinh C - Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Nói đến mục tử và đàn chiên, hẳn người Công Giáo không còn cảm thấy xa lạ về khái niệm và cách gọi. Tuy nhiên, để hiểu và biết cách thấu đáo, có lẽ chưa được chính xác, thiết thực cả về vai trò mục tử lẫn bổn phận của con chiên! Vì thế, Giáo Hội mỗi năm một lần, dành riêng Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, để mời gọi mọi thành phần ý thức về sứ vụ của mình trong vai trò và nhiệm vụ riêng biệt, ngõ hầu làm toát lên những nét tiêu biểu của vai trò mục tử và đàn chiên.
Để làm sáng tỏ bản chất thiêng thánh, chúng ta cần khởi đi và bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, vị Mục Tử Tối Cao, nhất là vai trò, sứ vụ Mục Tử nơi Thầy Giêsu.
1. Thiên Chúa là Mục Tử của dân Người
Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành, đầy lòng thương xót được khởi đi từ thời Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa luôn chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ dân của Người. Thánh Vịnh 23 đã thốt lên niền vinh dự và an tâm khi được Thiên Chúa bảo vệ: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đen. Tôi cũng không hề lo sợ” (x. Tv 23,1-6). Qua sự cảm nghiệm trên, tác giả Thánh Vịnh cho thấy: Giavê Thiên Chúa trở thành Mục Tử của dân Israel, Người yêu thương và chăn dắt dân của Người.
Hình ảnh và sứ mạng của người mục tử cũng được trao phó cho các vị lãnh đạo thời bấy giờ, để họ thay quyền Thiên Chúa, lo quản trị, nhắc nhở và nêu gương sáng cho dân.
Tuy nhiên, thật đáng buồn vì các mục tử thời đó đã làm cho dân phải đau đớn vì họ không sống đúng vai trò của mình! Điều này đã được Tiên tri Ezekiel quở trách thật nặng nề: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (x. Ez 34,2-4.9-10.23).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã trở thành hiện thân Mục Tử mà Cựu Ước đã tiên báo. Nhưng về cung cách thì hoàn toàn khác. Vì thế, chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (x. Ga 10, 27); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10), chứ không như những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không đoái hoài đến đàn chiên đã được trao phó.
Quả thật, suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Qua sự hiến dâng như thế, Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (x. Ga 10,28).
Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Đức Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng dạ nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.
Kết thúc cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.

2. Sứ vụ, vai trò của các mục tử trong Giáo Hội
Khi nói đến vai trò mục tử trong Giáo Hội, chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục, linh mục, phó tế... Các ngài được lãnh nhận sứ vụ này ngang qua Giáo Hội, để ra đi thi hành bổn phận mà Thầy Giêsu đã làm khi xưa.
Sứ mạng ấy chính là quyền lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa. Tuy nhiên, gương sáng và sự dấn thân sống hết mình vì đàn chiên là điều được đề cao đến nỗi nếu không có chiều kích này, thì việc lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa trở nên một thể chế thuần tục không hơn không kém!
Khi đề cập đến sứ vụ mục tử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: các mục tử ngày nay không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”; và “phải mang mùi chiên đó vào mình”. Thật vậy, nếu không “ngửi” và mang “mùi” của chiên nơi mình, có lẽ ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chỉ cách nhau gang tấc! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ; cư xử phân loại; sống theo hiệu ứng đám đông; hay chỉ biết chăm chút mũ mão cân đai cho chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình sang trọng hay những buổi lễ hội... Khi lựa chọn như thế, ấy là lúc những mục tử đang có xu hướng “ngoại tình” với những “mục đích rẻ tiền” mà quên đi sứ vụ cao trọng, nếu không muốn nói là phản bội hay xúc phạm đến người nghèo và sứ vụ!
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng đau buồn này chính là không tin phục và chẳng sống theo mẫu gương Thầy Giêsu; luôn để cho lòng tự mãn, kiêu căng, vụ lợi, ích kỷ, hèn nhát, thiếu tình thương chỉ đạo, nên chỉ biết lo cho bản thân mà không màng chi đến sứ vụ!

Nếu là mục tử thuộc về Thầy Giêsu, noi gương Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì lòng dạ các ngài sẽ không yên khi còn đó biết bao con người khắc khoải, đói khát, bần cùng, tội lỗi... đang ngày đêm kêu van thống thiết, để chỉ mong sao những bước chân của những mục tử dám đi ra “bên lề”, tiến vào những vùng “ngoại biên” để cứu giúp họ, ngõ hầu những con chiên đen đủi, bất hạnh này được bàn tay nhân ái của những mục tử nhân lành chạm vào tâm hồn họ, để tâm hồn chiên lạc và khổ đau được nóng và sáng lên nhờ cảm nghiệm được sự an bình thư thái...
Làm được điều đó, các vị mục tử mới thực sự là người thay mặt Chúa để trả lời và mang lại cho con người hôm nay niềm hy vọng mà xã hội trần thế không làm được.

3. Kitô Hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa
Còn với chúng ta, trong ngày lễ hôm nay, mỗi người hãy thực sự nhìn lại tư cách chiên của mình, để thấy được tình trạng tâm hồn trong tương quan với Vị Mục Tử Giêsu, Đấng mà chúng ta thật vinh dự khi được trở thành con chiên của Ngài ngày lãnh Bí tích Rửa Tội.
Vì thế, với tư cách là thành phần trong đàn chiên của Chúa, điều kiện tiên quyết, đó là phải tin tưởng và phó thác cuộc đời, vận mệnh, hiện tại và  tương lai cho Vị Mục Tử Tối Cao, để được núp dưới cây gậy mục tử nhân lành của Ngài.
Thứ đến là: lắng nghe Lời của Ngài, để: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta" (Ga 10,27), ngõ hầu Lời Chúa trở thành nguồn suối mát, đồng cỏ xanh nuôi sống tâm hồn chúng ta.
Tiếp theo là đi theo, gắn bó mật thiết như hình với bóng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tâm tư, hành động, lời nói.
Cuối cùng, sống chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em, nhất là ngang qua nghĩa cử, lòng nhân ái của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho các chủ chăn trong Giáo Hội hôm nay biết phản chiếu lòng thương xót của Chúa cách trung thực. Xin cho chúng con trở thành con chiên ngoan hiền để tận hưởng nguồn hoan lạc của đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mắt dưới bóng cánh và cây gậy mục tử của Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Sứ mạng phục vụ – Cố Lm Hồng Phúc - CN III PHỤC SINH năm C

Sau tuần lễ Vượt Qua và Phục Sinh, các Tông đồ lại đi làm, trở về với cuộc sống thường nhật. Họ lui về Galilêa, chuẩn bị thuyền bè để ra khơi đánh cá. Sau một tuần lễ nghỉ, nói đến việc đi làm thật chán ngấy. Nhất là đã có bao nhiêu biến cố xảy ra, vừa vui, vừa buồn, vừa hồi hộp. Phêrô nói với các bạn một câu cụt ngủn: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông uể oải trả lời: “Chúng tôi đi với”. Họ không đi đánh cá thì không biết làm gì. Mà không làm gì thì không có ăn!

Đời sống lam lũ làm ăn chiếm cả thời giờ của chúng ta, làm hùng hục, làm hai ba “job”, làm như…trâu, nên mới có danh từ “đi cày”. Vì thế, nhiều khi chúng ta quên cả Chúa, không nhận ra Chúa như các Tông đồ sáng hôm nay. Sau một đêm thức trắng mà không bắt được một con cá nào, họ chèo thuyền về bến. Chúa Giêsu hiện ra hỏi họ một câu đầy thân tình: “Này, các con có gì ăn không?”. Các ông không nhận ra Chúa và vì mệt nhọc, bực bội, nên trả lời khô khan rằng không có.

Vậy, nhận định thứ nhất là Chúa hằng ở với chúng ta trong mọi cảnh huống cuộc đời. Nhất là lúc buồn rầu chán nản thất bại, nhưng chúng ta không hay biết. Bà Thánh Catharina bị cám dỗ về đức tin rất nặng. Hôm sau, được Chúa hiện ra, Bà hỏi Chúa với vẻ hờn dỗi: “Lạy Chúa, khi con đau khổ chiến đấu, thì Chúa ở đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Ta ở trong lòng con”.
Ta không nhận ra Chúa vì thiếu điều kiện. Trong 7 ngư phủ trở về, chỉ có một mình Gioan nhận ra, vì –theo Phúc Âm- Ông là đồ đệ Chúa yêu thương. Yêu là tần số đặc biệt để bắt được tiếng Chúa.
Nhận định thứ hai, qua bài Phúc Âm, là vai trò của Phêrô. Phêrô là một người lãnh đạo. Ông quyết định đi đánh cá, thả lưới bên hữu thuyền, theo lời người khách lạ chập chờn trong màn sương sớm, và bắt được 153 cá lớn mà lưới không rách…
Giáo hội gồm nhiều thành phần, nhiều sắc tộc, trải bao cuộc sóng gió ba đào vẫn không nao núng. Và, sau phép lạ vừa nói, Gioan tường thuật ngay câu chuyện Chúa chọn Phêrô để “cai trị đoàn chiên mẹ và đoàn chiên con”; một sứ mạng phục vụ hơn là cai quản, dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất là yêu mến. “Hỡi Simon, con Gioan, con có yêu mến Thầy không?” “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” – “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy” (Gio 21, 16-17).
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa lúc vui, cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như lúc thất bại, thành công không tự mãn, thất bại không nản lòng. Tất cả mọi việc con xin dâng cho Chúa, phần thắng lợi để tôn vinh Chúa, phần thiếu sót con xin nhận lãnh để đền tội lỗi của con, nhưng “mọi sự đều là ơn của Chúa”
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường