Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:
"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN LÀNH
(Lc 10, 25-37)
1. Để trả lời câu Chúa Giêsu hỏi: “trong lề luật đã chép như thế nào?”, người luật sĩ trích dẫn đoạn đầu kinh Shéma hay lời tuyên xưng đức tin mà người Do thái mỗi ngày phải đọc hai lần: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn ngươi” (Đnl 6,5). Và ông thêm: “và yêu thương cận nhân như chính mình” (Lv 19,18), là câu không có trong kinh Shéma cổ truyền. Cách chú giải này chắc chắn không có trái với lề luật, vì Cựu ước đã minh nhiên dạy phải yêu thương tha nhân, dù họ không phải là người Do thái (Lv 19,34; Đnl 10,9). Tuy nhiên, các thày Rabbi không theo lối chú giải đó, vì họ chỉ thương yêu anh em đồng chủng thôi. Thực ra, trong Cựu ước không có liên kết hai giới luật này, như người luật sĩ đã làm, và đây là một trong những nét đặc sắc của Chúa Giêsu, người đầu tiên đã liên kết hai giới đó, bằng cách đơn giản hóa khoản luật của Cựu ước. Vậy phải chăng nhà luật sĩ chất vấn Chúa Giêsu là một trong những người Do thái đạo đức đã trung thành sống tinh thần lề luật, thay vì sống theo lối ích kỷ hạn hẹp của các thày rabbi? Điều này không chắc vì nhà luật sĩ tra vấn Chúa Giêsu để “thử” Ngài (c.25) và tranh luận với Ngài. Có lẽ nên coi nhà luật sĩ là người đã nhiều lần nghe Chúa Giêsu dạy về tính cách bác ái huynh đệ, nên bây giờ khi trả lời Chúa Giêsu ông đã tạm thời nói theo quan điểm của Ngài. Và khi thấy câu trả lời của mình chấp nhận, ông đã muốn chất vấn và làm Chúa Giêsu lúng túng khi xin Ngài định nghĩa tha nhân là ai. Quả thực, câu hỏi này đã gây nhiều khó khăn và tranh luận trong giới rabbi.
2. Nhiều giáo phụ và các tác giả hiện đại đã hiểu dụ ngôn người Samaritano nhân lành theo hai cách khác nhau. Các giáo phụ xem đây là một dụ ngôn biểu trưng, nghĩa là một mạc khải các bí nhiệm của Nước Trời. Theo lối chú giải này, người Samaritano là hình ảnh Đức Kitô, người bị kẻ cướp bóc lột là biểu trưng cho giáo hội. Đối lại, tất cả các nhà chú giải hiện đại (trừ Hoskyns, Van den Eynde và có lẽ cả Daniélou nữa) đã hiểu dụ ngôn này theo nghĩa tự nguyện, như là một ví dụ cụ thể để giúp hiểu một chân lý tổng quát. Chúng ta đứng trước hai lối chú giải khác nhau, một có tính cách thần bí, một có tính cách luân lý.
Vì thời gian và khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi không thể dứt khoát phê bình hai lối chú giải này, vì lối nào cũng có nhiều đặc điểm độc đáo riêng. Tuy nhiên chúng tôi theo lối chú giải hiện đại vì hai lý do. Trước hết, theo giáo huấn giáo hội thường dạy, kể từ thông điệp Divine Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII, các nhà chú giải trước hết phải cố công khám phá và xác định... Nghĩa tự nguyện (le sens littéral) (Ds 2293) của Thánh kinh. Trong trường hợp chúng ta đang gặp, dựa theo mạch văn của dụ ngôn, chắc chắn nghĩa tự nguyện là nghĩa luân lý mà khoa chú giải hiện đại đã khám phá. Thứ hai, dụ ngôn không có nghĩa thần bí, ít nhất là trong nghĩa nguyên thủy của nó. Thực vậy, dụ ngôn không đưa ra một chi tiết nào trích từ Cựu ước nói lên ý nghĩa biểu trưng cả. Bằng chứng là các giáo phụ đã chú giải rất khác nhau khía cạnh ẩn dụ của dụ ngôn. Tuy nhiên chớ kết luận là khi giảng dạy ta không thỉnh thoảng ẩn dụ hóa dụ ngôn trong một giới hạn nào đó. Nhưng giảng thuyết là một chuyện, chú giải là một chuyện khác: nếu khoa chú giải là cơ sở của giảng thuyết, thì giảng thuyết cũng có thể vượt lên trên khoa chú giải tùy trường hợp đặc biệt, cụ thể của phụng vụ. Mutatis mutandis, những nhận xét vừa nói có thể áp dụng cách tổng quát cho nhiều trang phúc âm, mà không cần xác định từng trường hợp một đâu là mối liên hệ giữa khoa chú giải hiện đại và lối chú giải của các giáo phụ.
3. Dụ ngôn có nhiều điểm đơn giản. Trên đường vắng vẻ, một người vô danh, không ai biết chức vụ địa vị, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo của y, bị rơi vào tay bọn cướp bóc lột và gây trọng thương. Thày tư tế và trợ tế Lêvi lần lượt đi qua nhưng đã không thèm ngó ngàng gì đến y. Tình cờ người Samaritanô đến, trông thấy y và động lòng thương săn sóc giúp đỡ y. Chúa Giêsu kết luận: “Theo ông nghĩ ai trong ba người đó là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp? ” (c.36)
Thoạt nhìn, câu hỏi của Chúa Giêsu không đáp ứng câu người luật sĩ hỏi: “Ai là cận nhân của tôi?”. Qua đó ông muốn hiểu: “Ai là đối tượng của đức ái mà luật dạy: người đồng hương, đồng đạo, người lương dân, người ngoại kiều cư ngụ tại Israel? Tôi phải yêu ai mới gọi là giữ lề luật?” Dù Chúa Giêsu trả lời cách nào, người luật sĩ cũng có thể hoặc nhân danh lề luật hoặc một truyền thống đã có, bắt bẻ Ngài, vì người ta không thể lưu tâm hay giúp đỡ một người ô uế, thờ ngẫu tượng. Phần Chúa Giêsu không những không định nghĩa cận nhân là gì, nhưng dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng đưa ra một vấn nạn mới: phải cư xử thế nào mới gọi là cư xử trong tình anh em? Ai trong ba người bộ hành đã xự thế trong tình anh em, ai đã thành người cận nhân (gegonenai) của kẻ vô danh.
Nhiều nhà phê bình cho rằng cuộc đối thoại với nhà luật sĩ (cc.25-28) và dụ ngôn (cc.30-37) ngay từ đầu là 2 tài liệu độc lập. Có lẽ Lc đã dùng cuộc đối thoại với nhà luật sĩ như là lời dẫn nhập vào dụ ngôn, nối kết bằng câu 29 “ai là cận nhân của tôi” Nhiều nhà phê bình khác trả lời rằng dụ ngôn đã trả lời câu hỏi cách trung thực: cận nhân là mọi người đang trong cảnh túng thiếu. Nói như thế là đúng nhưng không phải là nghĩa câu hỏi cuối cùng của Chúa Giêsu: ai trong ba người bộ hành đã tỏ ra mình là cận nhân của người xấu số?
Hình như điều mâu thuẫn ngoại tại này sẽ biến mất, nếu một đàng ta chú ý đến thực tại sống động hơn là mặt chữ, và đàng khác nếu ta bỏ qua lối lý luận khô khan của người Hy lạp và phương tây để hiểu não trạng tình tiết phương đông đầy bí ngữ, dụ ngôn và ngạn ngữ. Do đó, đừng quá chú ý đến ý nghĩa của một chữ hay một câu mà phải nhận ra điều hình ảnh gợi lên, và đoán ngay ra tư tưởng thầm kín của người đối thoại.
Trước tiên cần ưu ý điểm này: “dụ ngôn” người Samatritanô không phải là một so sánh, một lý chứng nhằm giúp xác tín, nhưng là một ví dụ, nghĩa là một trường hợp cụ thể, cá biệt nhằm làm sáng tỏ học thuyết là ví dụ đưa ra làm kiểu mẫu cho đời sống tôn giáo hay luân lý ta phải bắt chước noi theo.
Đúng ra, nhà luật sĩ, với thiện ý hay ác ý - đã đến hỏi điều các ông phải làm để sống đời đời. Mất mặt vì chính ông phải trả lời câu hỏi mình nêu lên, ông muốn tranh luận về lý thuyết, nhưng Chúa Giêsu đã lèo lái câu chuyện theo ý Ngài. Ngài đã chú ý đến câu hỏi của nhà luật sĩ, vì Ngài luôn quan tâm đến việc cứu rỗi các linh hồn. Giống như trường hợp tha tội cho người đàn bà tội lỗi, Ngài đã tìm cách đánh thức tâm hồn ông Simon trước giá trị của lòng biết ơn (7,36-50); ở đây cũng vậy, Ngài ban cho nhà luật sĩ ánh sáng sự sống, chứ không phải một câu định nghĩa chuyên môn. Vì điều cốt yếu không phải là biết ai là cận nhân, nhưng là bác ái hành động giúp kẻ khác, dù họ là ai mặc lòng (2 câu 37 và 36 đều nói đến động từ làm, hành động (pôieô). Vì thế, dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng của Chúa Giêsu thực sự đã trả lời câu hỏi đầu tiên của nhà luật sĩ: “Tôi phải làm gì để sống đời đời?”
Cũng không chắc câu hỏi tis estis mou plêsion (c.29) có nghĩa: “Ai là cận nhân của tôi?”. Vì plêsion là một trạng từ và không có mạo từ đi trước như ở câu 27. Sự khác biệt về hình thức tạo nên sự khác biệt về ý nghĩa. Nếu hiểu là “Ai là cận nhân của tôi” hoặc “đối với tôi cụ thể mà nói, ai là một cận nhân?”, phải thú nhận rằng dụ ngôn đã trả lời vấn nạn luân lý trên bình diện thực tiễn: người Samaritanô là người duy nhất đã cảm thấy và tỏ ra mình là cận nhân của kẻ xấu số; do đó, chính tình yêu làm ta thành cận nhân; nhờ tình yêu ta thành anh em của mọi người, dù họ gần hay xa ta, về phương diện máu mủ, quốc tịch, tôn giáo... Chúa Giêsu “không trả lời”, nhưng đã “lèo lái” cuộc đối thoại, theo ý hướng ban đầu: để sự sống đời đời, phải... yêu tha nhân như chính mình (c.27). Trong lúc nhà luật sĩ muốn hiểu rõ từ ngữ “tha nhân”, Chúa Giêsu xác định từ ngữ “yêu”, như Ngài đã làm trong dụ ngôn ở đồng bằng (chương 6). Là tiên tri của giao ước mới, Ngài xác định ý nghĩa âgâpê (tình yêu) mà Thiên Chúa đòi buộc. Chứng cớ cho thấy đó là thực tại đề cập đến, và tha nhân định nghĩa bằng các phạm trù pháp lý, chứng cớ ấy là: nhà luật sĩ đã chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu (c.37), khi mà ông có thể bắt bẻ Ngài đã không trả lời đúng câu hỏi.
Do đó, phải công nhân không những trình thuật này đồng nhất mà còn là một trong các giáo huấn cô đọng nhất của phúc âm về tình bác ái Chúa Giêsu mời ta suy nghĩ: “Theo ông, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c.36). Thực ra trong ba người, chỉ có người Samaritanô là có liên hệ. Thày tư tế và thày trợ tế Lêvi, đại diện hàng giáo phẩm Do thái, nhắc đến để nói lên sự đối nghịch giữa óc vị luật của Cựu ước với tinh thần của Tân ước. Họ có lý do tránh né người bị thương tích và biện minh việc họ từ chối giúp đỡ người vô danh đang gặp hiểm nguy. Là nạn nhân của bọn cướp, người này có thể bị Thiên Chúa phạt, nên phải vui lòng cam chịu (Giop 6,14.21; 7,8; 16,11); đến gần người đó có thể mắc tội ô uế theo lề luật và do đó không thể cử hành các nghi lễ tế tự (x.Ds 19,11.14). Dĩ nhiên, thái độ của hai nhà tư tế là một thái độ hờ hững, nhưng thật ngạc nhiên không thấy Chúa Giêsu chê trách phàn nàn họ gì cả. Chính Chúa Giêsu đã chấp hành tốt luật bác ái trước khi giảng về bác ái.
4. Thật có ý nghĩa, khi Chúa Giêsu chọn người Samaritanô trong dụ ngôn nói về tình bác ái huynh đệ. Dù là người lạc giáo, người ngoại quốc không biết gì về lề luật như nhà luật sĩ, không có phẩm cách tế tự như thày tư tế và trợ tế Lêvi, ông đã tỏ ra là người thật nhân bản và đạo đức. Đã chấp hành tốt hai giới luật lớn của Cựu ước và của Thiên Chúa sau này nói về tình bác ái. Trong ba khách bộ hành ông là khuôn mặt người Do thái đích thật. Hơn nữa, trong bài giảng ở đồng bằng, Chúa Giêsu đã đòi các môn đệ Ngài đừng hạn hẹp tình yêu của họ trong phạm vi bà con quen biết. Nhưng nhờ yêu thương tất cả mọi người, mà người Kitô hữu khác với “người tội lỗi” (Lc 6,32-34) và trở thành (hay tỏ ra) là Con Đấng tối cao. Và này, người Samaritanô khi giúp một kẻ vô danh trở thành kiểu mẫu của tình bác ái đích thực. Phải chăng ngoài tôn giáo chính thức, cũng có thể có người con đích thực của Thiên Chúa, mà Chúa Cứu thế đến tập họp lại (Gio 11,52)? Chính với một người nữ xứ Samaria, mà Chúa Giêsu đã mạc khải việc tế tự trong tinh thần và chân lý, gạt bỏ mọi phân biệt chủng tộc và nghi lễ (Gio 4,23-24). Phải chăng tình bác ái đã tạo nên việc thờ phượng đẹp lòng Chúa Cha? Quả thực, văn mạch dụ ngôn dạy rằng chính bác ái mới chiếm hữu sự sống vĩnh cửu (cc.25.28.37), và đó cũng là học thuyết mà thánh Phaolô và thánh Gioan hết sức nhấn mạnh.
KẾT LUẬN
Để thay thế một vấn nạn có thể gây ra nhiều tranh luận về các loại cận nhân khác nhau, Chúa Giêsu đã chất vấn về các thực tại sống động. Nhà luật sĩ không thể chạy trốn bài học trước mắt: ai lâm cảnh thiếu thốn đều có quyền đòi yêu thương, thể hiện bằng hành động. Họ là cận nhân của ta, và ngược lại ta là cận nhân của họ. Cũng như người Samaritanô nhân hậu đã cảm thông yêu thương người không thân thích, không có người đồng bào, đồng đạo; không gì có thể ngăn cản tình yêu của ông đối với tha nhân.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Cách cư xử của người Samaritanô nói lên một đức ái hoàn hảo bộc phát và nhanh nhẹn. Dù đã biết luật bác ái huynh đệ, người ký lục cũng hỏi Chúa Giêsu về trường độ của tình yêu. Ông chỉ yêu và vì trong giới hạn luật buộc. Còn người Samaritanô yêu, dù không biết khoản luật đó, cũng như không biết đối tượng tình yêu của mình.
2. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đòi người ta đừng chỉ yêu vì đã yêu. Người Samaritanô, không là người đầu tiên yêu thương mà tình yêu của ông còn là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu hiến dâng trọn vẹn... Cho nên đừng phân biệt trong nhân loại ai là người ta có thể yêu mến, nhưng hãy bắt đầu yêu, với tình yêu phổ quát.
3. Đối nghịch với sự từ chối dấn thân của người đi trước lòng bác ái của người Samaritanô có tính cách cá vị, tích cực và thiết thực. Ông đã bỏ dở cuộc hành trình, để băng bó người bị thương và trang trải mọi phí tổn. Không những ông đã quảng đại đem tiền bạc ra giúp đỡ, mà chính ông đã dấn thân phục vụ người anh em.
4. Dụ ngôn còn nói lên điều này: đức ái bao hàm lòng cảm thông và thương xót. Người Samaritanô có thể đoán kẻ bị thương trên đường Giêrusalem về Giêricô là một người Do thái, nghĩa là một kẻ thù không đội trời chung. Thế mà này không ông đã giúp đỡ, mà còn cảm động khi thấy anh ta bị ngược đãi như vậy! Đó là điểm Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn cả: liền sau khi thấy người bị thương, ông đã động lòng thương. Đây là tình cảm tinh tuyền, chân thật khiến ông đã “đối xử đẹp”, khác với thày tư tế và trợ tế Lêvi.
5. Yêu mến Thiên Chúa trong nhà thờ chưa đủ (thày tư tế và thày Lêvi trong dụ ngôn vừa rồi rời Giêrusalem, là nơi họ đã chu toàn bổn phận tế tự trong đền thờ, nhưng hình như họ chưa sống đạo), nếu không yêu mến Ngài trên đường đi và trong người anh em (thày tư tế, thày Lêvi, người công giáo ngoan đạo ngày hôm nay, đã làm ngơ tránh xa, trong khi người Samaritanô - người tin lành hay Phật tử - dừng lại chăm sóc người khốn khổ). Tế tự, mà không yêu tha nhân, đối với Thiên Chúa là một điều ghê tởm đáng ghét, như các tiên tri đã dạy.
6. Đức Kitô đã là người Samaritanô tốt lành đối với chúng ta. Ngài đã rời bỏ Giêrusalem thiên quốc để đến băng bó và chữa lành các vết thương mà tội lỗi và sự chết gây ra cho nhân loại. Đoạn Ngài ra đi, để nhân loại trong quán trọ là giáo hội Ngài. Bây giờ đến lượt chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ người Samaritanô nhân lành bên cạnh tất cả ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ băng bó các vết thương của họ (nghèo nàn, chết chóc, đau yếu, cô đơn...) chính với chúng ta mà Chúa Giêsu ban huấn lệnh cấp bách này: “hãy đi và làm như thế”. Nếu luôn nghe tiếng Ngài, chúng ta “sẽ sự sống đời đời” (c. 25)
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường