Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

13-7 Kính Thánh Hen-ri-cô - Thông điệp & Tính thời sự


1. Tiểu sử – Phụng vụ
Henri II là quận công Bavière và hoàng đế nước Đức, qua đời ngày 13 tháng Bảy năm 1024 tại Bamberg (Đức quốc), được phong thánh năm 1146. Hồi ức cho thấy ngài là một vị hoàng đế siêu vời, với đường lối chính trị đôi khi tạo ra những phản ứng quan trọng, thậm chí gặp cả chống đối của phía Giáo Hội. Chẳng hạn ngài đã liên minh với các dân ngoại, như dân Liutizes và dân Redars, để chống lại vị quận công công giáo và sau này sẽ là Boleslas I vua nước Ba Lan đang tìm cách hợp nhất các dân gốc Slaves ở phương Tây. Ngài sinh tại Bavière năm 973, là con của Henri I biệt danh Hay Gây Hấn và là anh của bốn người em, trong đó Bruno sau này là giám mục Augsbourg, Gisêla sẽ kết hôn với Stêphanô nước Hungari và Brigitte về sau là viện mẫu Saint Paul ở Ratisbonnes. Henri được giáo huấn đạo hạnh hầu hết là trong các tu viện, được Thánh Wolfgang dạy dỗ (vị tu sĩ gốc Einsiedeln sau này sẽ là giám mục ở Ratisbonne và là tông đồ truyền giáo ở Hungari), Henri quyết tâm bảo vệ Giáo Hội và đã cộng tác chặt chẽ với nhiều tu viện trong việc cải tạo kỷ luật hàng giáo sĩ.
Được bầu làm quận công Bavière, Henri tháp tùng vua Othon III sang Italia năm 996 để trấn áp cuộc nổi dậy của dân Roma chống lại Đức Giáo Hoàng. Người kết hôn với một phụ nữ đạo đức tên là Cunégonde ở Luxembourg (được phong thánh năm 1200). Sau bảy năm cai quản lãnh thổ quận công và sau khi Othon III qua đời, Henri được chọn kế vị ngai hoàng đế. Lễ đội vương miện được cử hành ở Mayence năm 1007, rồi ở Đền Thờ Thánh Phêrô do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô VIII, năm 1014. Nhân dịp này, đây là lần đầu tiên ở Tây phương, Ngài nhận được quả địa cầu hoàng đế, trên có chiếc vương miện và cây thập tự.
Henri hầu như suốt đời chỉ giao tranh. Trước hết là để trấn áp những cuộc nổi dậy trong đế quốc rộng lớn của Ngài vốn gồm phần lớn nước Đức, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo và miền Bắc Ý. Sau đó là đương đầu với Boleslas, quận công Ba Lan. Sau nhiều cuộc chiến chinh chỉ đưa lại chán chường, năm 1018, Henri ký một hòa ước công nhận thực tế sự độc lập của nước Ba Lan. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô VIII triệu sang Italia; tại đây, năm 1021, cùng với Đức Giáo Hoàng, và với sự đồng ý của vua nước Pháp là Robert biệt danh Đạo Đức, Ngài đã giúp hoàn tất công cuộc cải tổ Giáo Hội. Trở về Đức, Ngài qua đời ở tuổi năm mươi mốt tại hoàng cung ở Grona; theo yêu cầu của Ngài, thi hài được chôn trong Nhà thờ Chánh Tòa Gottingen đã được Ngài xây cất.
2. Thông điệp và tính thời sự
Theo lời nguyện của ngày, Chúa “đã ban cho Thánh Henri tràn đầy Ơn của Người để thánh nhân biết quản cai vương quốc mình”. Thực vậy, đứng đầu một phần đế quốc bao la của Charlemagne đầy lộn xộn và chia rẽ, Henri đã thu phục được các vương hầu phản loạn thuộc các tỉnh miền Bắc trước khi xuôi Nam tới Italia để được phong vương năm 1004 ở Pavie. Mặc dầu bận bịu các cuộc chiến chinh, Ngài luôn lưu tâm đến các quyền lợi của Giáo Hội bằng cách tham dự các công đồng miền và lựa chọn những giám mục đạo đức. Ngài cũng cộng tác với các tu viện như Cluny, núi Cassin, Camaldoli để cải tổ giáo sĩ, lắng nghe ý kiến các vị đạo đức như Thánh Odilon ở Cluny và Chân Phước Richard de Saint Vanne. Trong bài diễn từ đọc tại đại công đồng Thionville lần I (1003), Ngài đã trách cứ các giám mục quá nhu nhược trước những đám cưới hỏi loạn luân, và năm 1023, Ngài đã hỗ trợ cuộc cải cách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô VIII trong việc thải hồi các linh mục và lên án việc mua bán chức thánh.
Thánh Henri cũng xây dựng nhiều đại giáo đường, cải tạo nhiều nhà thờ, lập thêm các tòa giám mục, chẳng hạn Tòa Giám Mục Bamberg, phục hồi Tòa Giám Mục Merseburg và cải cách tu viện Saint Maximin ở Trèves. Ngài là một vị hoàng đế thánh thiện luôn nêu gương tận tụy với Chúa và với Giáo Hội trong một giai đoạn đầy nhiễu nhương. Ngài cũng biểu lộ một lòng trung thành lạ lùng, một sự xả kỷ trọn vẹn cho bổn phận đối với đất nước, trong một lương tâm ngay thẳng và đạo đức. Phụng vụ Bài đọc trích từ bức thư thiết lập Tòa Giám Mục Bamberg in trong một cuốn Tiểu sử do một tác giả thời cổ viết: “Thánh Kinh dạy chúng ta những lời cứu rỗi, đã nhắc nhở và cảnh báo chúng ta điều này rằng: ... vinh quang hiện thời chỉ chóng qua và vô bổ, nếu trong khi chiếm hữu nó, chúng ta quên nghĩ tới quê Trời vĩnh cửu”. Vậy nên, trong lời nguyện của ngày, chúng ta cầu nguyện thế này:“Lạy Chúa, ... nhờ lời cầu khẩn của Người, xin dạy chúng con biết dẫu ở giữa những chuyển biến của thế giới, chúng con vẫn hướng về Chúa với tâm hồn đơn sơ”.
Enzo Lodi
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét