10-11 - Nhân ngày Giáo Hội mừng lễ Thánh LÊÔ CẢ, Giáo Hoàng (440-461), kính mời Quý vị & các bạn ôn lại một trang sử của Giáo hội về các công đức của Đức Giáo Hoàng LÊÔ I đã để lại vô cùng lớn lao và quan trọng cho Giáo Hội, đặc biệt chính Ngài đã thành công trong việc ngăn chặn ATTILA, Vị tướng quân rợ Hung Nô, với biệt danh "ROI TRỜI" - FLÉAU DE DIEU - nổi tiếng xâm lăng Châu Âu và đang vây hãm nhằm tàn phá kinh thành RÔMA, nơi đặt ngai tòa giáo hoàng của Giáo hội Công giáo.
Thánh Giáo Hoàng LÊÔ I (440-461)
Nguồn: http://www.honnho.org/20080815/498
........................................................
ATTILA, vị tướng quân Hung Nô có biệt danh "Roi Trời (Fléau de Dieu)" xâm chiếm Châu Âu.
Attila, được một tu sĩ xứ Gaule gắn cho biệt hiệu “chết tên” luôn, là “Roi Trời”, quả là một trong những nhân vật lạ lùng nhất thời đại và có thể nhất thế giới nữa. Rất thông minh, một sự thông minh chính trị và ngoại giao hơn là quân sự, có thuật dùng người, biết khủng bố nhưng cũng biết khoan dung, quảng đại, kính trọng sự can đảm của người khác và quyền bính tinh thần, can đảm và mê tín, sống hết sức giản di trong một triều đình đầy vải vóc Ba Tư, đồ thêu Trung Quốc, sống khắc khổ hàng tháng, rồi thình lình thoải mái nơi tam cung lục viện là nơi mà ông đã sinh ra ít lắm cũng 60 hoàng tử!
Nguyên là con tin ở triều đình Đế Quốc Lamã, mặc dù còn trẻ, ông đã không để mình bị lây nhiễm khỏi thói hư tật xấu nhưng biết đánh giá sự yếu đuối và tìm ra những chỗ rạn nứt, ông học tiếng Latinh và nói thông thạo nhưng vẫn với giọng rợ Hồ, dĩ nhiên!
Năm 435, ông lên ngôi và làm đảo ngược tất cả chính sách Hung Nô. Các lãnh tụ Hung Nô phục vụ Lamã, bị coi là đào ngũ và đóng đinh, tạo ra giữa Đế Quốc và ông một sa mạc băng giá cách ba ngày đường để nền văn minh thối nát đừng hủ hoá dân ông! Rồi ông dùng vũ lực liên minh với các bộ lạc vàng và trắng trong lãnh thổ của ông, chuẩn bị thiết lập tại Âu Châu một Đế Quốc Á Châu thay thế Đế Quốc Lamã và từ đó chinh phục thế giới.
Năm 450, ông tấn công Đế Quốc Tây Phương với chiêu bài khá khôi hài: ngày xưa, một công chúa hoàng gia tên là Hônôria, 20 tuổi hoặc là hơi “mát”, hoặc là đã chán cảnh suy thoái ở triều đình, bị hình ảnh của ông hấp dẫn đã gửi cho ông một bức thư tình, lâm li thống thiết, mùi mẫn, xin kết hôn với ông kèm theo một chiếc nhẫn! Hồi đó Attila không trả lời. Bây giờ (năm 450) ông mới làm ra vẻ si tình nàng công chúa xa xăm, đòi triều đình Ravenna cho ông bàn tay người đẹp, với lại của hồi môn là … nửa Đế Quốc Tây Phương! Một mặt triều đình Ravenna vội vàng gả chồng cho nàng công chúa “mát” Hônôria si tình, một mặt dùng hết lời lẽ ngoại giao từ chối khéo người hùng Hung Nô. Và Attilia tấn công xứ Gaule vào năm sau (451).
Về cuộc tấn công của rợ Hung Nô vào xứ Gaule ta khó biết cho chính xác, vì người đương thời cho rằng nó trầm trọng hơn những cuộc xâm lược của người Nhật Nhĩ Man trước kia vô cùng, nên họ thường thổi phồng những cuộc tàn phá của “Roi Trời” kia lên! Trong nhiều hạnh các thánh, vì muốn đấng thánh ta cũng dây mình vào trong biến cố lịch sử này, nhiều tác giả đã cho quân Hung Nô có mặt ở những nơi thực sự chúng chẳng hề đặt chân tới, như Trêvia, Langres, Arras… Cần nhớ rằng: thảm kịch này cũng ngắn thôi: cuối tháng 3 (451) Attila vượt sông Rhin, hết mùa hè là rợ Hồ đã cuốn cờ mất tiêu. Về số quân cũng vậy, người ta phóng đại lên: 500, 600 ngàn kị binh với biển người đàn bà trẻ con đi theo, đường xá thời đó làm sao tiếp vận một khối người khủng lồ như thế? Nhưng dù sao, cuộc tiến công của quân mọi rợ hẩu lốn đủ mọi thứ bộ lạc, dưới quyền chỉ huy của Hung Nô vẫn là một nguy cơ trầm trọng đối với xứ Gaule. Thành Metz thất thủ đúng lễ Phục Sinh, 7/4/451. Trong khi Attila vây thành Orleans thì một đối thủ đáng nể xuất hiện và ngăn hắn lại.
Đối thủ đó là Aetius, tục gọi “Người Lamã cuối cùng”. Ông ta là con người Nhật Nhĩ Man, từng là chỉ huy trưởng kị binh và công tước Phi Châu, và một bà quí tộc Latinh. Trong số các nhân vât mọi rợ Aetius là người có kiến thức sâu xa nhất, vì hồi còn trẻ, ông từng bị bắt làm con tin ở triều đình Alaric, rồi triều đình Hung Nô. Ông phục vụ thái hậu Galla Placidia và Hoàng đế Valentinianô III, có nhiều chức tước cao trọng. Aetius là đối thủ duy nhất cũng cỡ Attila. Ông đến Ý vào tháng 5 với một ít binh đoàn, tập họp các bộ lạc mọi rợ, tạo thành mặt trận thống nhất da Trắng chống da Vàng. Ngày 23/6/451, lúc Orleans kiệt sức, sắp mở cửa thành cho quân da Vàng thì Aetius tới cửa thành, tổ chức phản công. Rợ Hồ đang cướp phá, hoảng hốt chạy về phía Champagne. Binh đội Lamã bèn rượt theo. Cuối tháng 8 xảy ra trận quyết định gần Troyes. Suốt một ngày, Á–Âu đương đầu. Rợ Hồ bắn cung, binh đội Tây Phương chống lại bằng phương pháp cổ truyền của Lamã. Hôm sau, Attila bỏ đi. Văn minh Tây Phương được cứu vãn. Trận đánh này là một biến cố đảo lộn định mạng thế giới.
Năm 452, Attila trở lại tấn công nước Ý, nhưng sau một lời hứa triều cống, ông bỏ đi. Attila bây giờ già rồi không còn tự tin nữa. Ít lâu sau, hắn chết trong đêm … tân hôn! Vì gần 70 tuổi hắn còn “chôm” một thiếu nữ Nhật Nhĩ Man, đẹp kỳ diệu: người ta thấy ông nằm trên giường cưới, máu chảy ra miệng và mũi tùm lum. Và chính lúc đó, Hoàng đế Valentinianô tự tay ám sát Aetius: không bao giờ Hoàng Đế có thể tha cho ông cái tội cứu Đế Quốc!
Việc rợ Hung Nô xâm lăng Tây Phương đem lai kết quả cụ thể là quyết định tụ họp các sức mạnh của Tây Phương lại. Trong hành động quyết định số phận Tây Phương này, vai trò Giáo Hội rất lớn:
Giám Mục Aignan thành Orleans đã đến Arles thông báo tình hình với Aetius và ông đã tiến quân về Orleans…
Avitô, Hoàng đế tương lai, Giám Mục tương lai, đã thương thuyết đem quân Tây Gốt gia nhập liên minh.
Người ta có cảm tưởng rằng sau lưng Aetius và binh đội của ông, là sức mạnh của Giáo Hội. Nhiều giai thoại cho thấy Attia bị các thánh chặn lại.
Thánh Loupus, Giám Mục Troyes khiến Attia quyết định không cướp thành này.
Giám Mục Aignan thành Orleans là linh hồn của cuộc tự vệ, có giá trị tiêu biểu.
Thánh nữ Gênêviêva: cô bé chăn chiên đầy Đức tin mà thánh Germanô thành Auxerre đã gặp, người nữ tu anh hùng, ở “mũi tàu” “đảo của thành” (Paris) đã đương đầu với sự hốt hoảng của người đời và từ chối bỏ mặc thành của người Paris cho rợ Hồ: “Đàn ông cứ việc bỏ trốn, nếu họ muốn, nếu họ không còn khả năng chiến đấu nữa, chúng tôi, phụ nữ, chúng tôi sẽ cầu nguyện thật nhiều, sao cho Thiên Chúa nghe lời chúng tôi cầu xin!” và Attila đã không hề tấn công Paris. Về sau, trong suốt cuộc đời dài lâu của người , người là vị lãnh đạo tinh thần của thành Lutêcia. Chính bà đã cho xây một nhà thờ kính thánh Đêni và khi về già, bà đã không do dự đi tìm lương thực cho đồng bào của bà đang bị nạn đói đe doạ, bà là bạn của vua Clovis và hoàng hậu Clotilda, cả một đời bình an, hầu như lu mờ trước giai thoại chói ngời ánh sáng năm 451: Giáo Hội đẩy lui quân mọi rợ bằng lời cầu nguyện, không phải là một hình ảnh vẽ vời mà là một chân lý lịch sử.
Tranh vẽ mô tả ĐGH. LÊÔ I ngăn chặn Attila mưu toan tàn phá kinh thành Rôma
9. Thánh Lêô Cả và Giáo Hoàng Chế - Đức Lêô Cả và Attila
Tháng 8/452, Attila trở lại Tây Phương. Lần này ông tiến công nước Ý, quét sạch Bắc Ý, phân tán dân chúng (vì thế người Vênêtô mới tị nạn qua các đảo và mới nảy sinh ra thành Vênêzia) phá hải cảng Aquilê. Trriều đình sợ quá bỏ Ravenna rút về Rôma. Người ta không còn tin vào Aetius nữa. Hết hi vọng! Trong khi đó, các cố vấn da trắng của kẻ xâm lược là Oreste, người Lamã và Onégèse người Hylạp, thúc đẩy Attila tiến công Rôma. Gần tới Rôma (ở Minciô) Attila thấy, trong một đám mây bụi vàng, một đám rước kỳ lạ đang tiến lên. Các linh mục Kitô giáo mặc áo lễ, các tu sĩ mặc áo dòng, một đám đông phó tế và ca đoàn mang thánh giá, cớ phướn, lắc các bình hương vàng lóng lánh dưới ánh mặt trời, chầm chậm tiến đến đón ông trong tiếng hát thánh thi và thánh vịnh trầm bổng, đối đáp. Giữa đám rước là một cụ già, râu bạc ngồi trên lưng ngựa cầu nguyện. Attila phóng ngựa về phía dòng sông, cho ngựa bước xuống sông và dừng lại trên một cồn cát. Đoàn đại biểu kỳ lạ đợi ở bờ sông bên kia. Attila hét to hỏi cụ già: “Tên ông là gì? –Lêô Giáo Hoàng”. Tiếng hát ngừng bặt. Attila do dự, rồi lại cho ngựa bước xuống nước, tới bờ sông. Và Đức Giáo Hoàng đến trước mặt ông… Đó là hình ảnh đầy sức thu hút, đập mạnh vào trí tưởng tượng của dân chúng, tóm tắt–hơi ngắn–sự nghiệp thánh Lêô Cả Giáo Hoàng (440–461).
Tranh vẽ mô tả đạo quân Hung Nô của Attila đối diện với ĐGH. Lêô I và đã lui quân
Trong khi mọi hi vọng đều tiêu tan, Hoàng đế Valentinianô III đã trao cho Đức Lêô sứ mạng điều đình, mong ngăn chặn cuộc xâm lăng da vàng. Người của Thiên Chúa đã thành công: Attila rút quân, đổi lấy việc triều cống. Người ta không biết Đức Lêô đã lấy lý lẽ gì để thuyết phục Attila mê tín? Người có nhắc lại số phận thê thảm của Alaric, sau khi xúc phạm đến Thành không? Người đương thời bảo rằng: năm ngoái Đức Giám Mục Loupus (sói) đã thành công ở Troyes, năm nay uy tín của Đức Giáo Hoàng Lêô (Sư Tử) thành Rôma cũng không kém! Thực tế không ai biết được cuộc đối thoại giữa hai nhân vật ấy bao giờ. Chỉ biết, sau khi hoàn thành sứ mạng trao phó, Đức Lêô trở lại gặp Hoàng đế Valentinianô III, người đã nói: “Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cứu chúng ta khỏi cảnh nguy khốn lớn”. Nhưng huyền thoại lại muốn rằng, trong khi Đức Lêô nói với Attila thì ông ta thấy sau lưng người một người mặc áo trắng như một linh mục cầm gươm doạ ông. Có người bảo nhân vật ấy là một thiên sứ, người khác nói là thánh Phêrô, người khác nữa lại cho là thánh Phaolô. Huyền thoại này người đương thời hoàn toàn không hay biết, nó chỉ xuất hiện vào thế kỷ IX–X và đến thế kỷ XIII được Giacôbê đệ Vôraginô ghi vào Huyền Thoại Vàng. Chính huyền thoại này đã cảm hứng Raphaêlô vẽ bức hoạ nổi tiếng ở Vaticanô.
Giai thoại này có tầm quan trọng to lớn vì nó phi bác lời rêu rao của lương dân cho rằng chính việc phế bỏ các lễ nghi cổ truyền là nguyên nhân các thất bại của Đế Quốc. Lý lẽ này bị thánh Âu Tinh bác bỏ trong Thành Trì Thiên Chúa, còn Đức Lêô bằng hành động. Một cách gián tiếp Attila đã đóng góp, có khi còn hơn bất cứ nhân vật lịch sử nào, vào việc tạo ra một nhân tố chính trị quan trọng là Đức Giáo Hoàng: vua thành Rôma.
Các Giáo Hoàng Đầu Thế Kỷ V
Ngai Giáo Hoàng Lamã, ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã công nhận tính ưu việt vì truyền thống cổ xưa nối liền nguồn gốc của nó với thánh Phêrô. Từ năm 106, thánh I-Nhã thành Antiôkia đã nói đến với một sự cung kính đặc biệt. Tông Toà ngày càng ý thức thượng quyền của mình về các vấn đề kỷ luật và tín lý, đã biến Rôma thành thủ đô thế giới Kitô giáo. Những tiến bộ trong bốn thế kỷ đầu của Giáo Hoàng chỉ là những nhân vật mờ nhạt trong lịch sử mà thôi. Vào giờ phút nghiêm trọng, đầu thế kỷ V, lúc mà nền văn minh trượt xuống vực thẳm, ngai Giáo Hoàng đã trở nên rất quan trọng. Thánh Ambrôsiô viết: “Phêrô ở đâu, Giáo Hội ở đó” và thánh Âu Tinh: “Rôma lên tiếng, vấn đề đã xong”.
Giáo Hội, sức đề kháng duy nhất đã có lãnh tụ. Đây là danh sách các vị trước Đức Lêô trong thế kỷ V:
-Thánh Anastasiô I (398–401).
-Thánh Innôcentê I (401–418), vị Giáo Hoàng đã dám bảo vệ thánh Gioan Kim Khẩu, chống các bạo chúa Byzancia, đã thử hoà giải Alaric và Hônoriô để ngăn thảm họa, đã đương đầu với bè rối Pêlagiô.
-Thánh Zôzimô (417–418).
-Nguỵ Giáo Hoàng Eulaliô.
-Thánh Bônafaciô I (419–422).
-Thánh Cêlestinô I (422–432) ý thức rất cao vai trò của người, người đã truyền xác nhận một cách long trọng quyền khiếu nại của tất cả mọi tín hữu với Rôma, cử thánh Patriciô đi Tin Mừng hoá xứ Ai Nhĩ Lan, kết án Nestoriô, bất chấp Hoàng đế Đông Phương ThêôđônôsôII.
-Thánh Sixtô III (432–440) đã trang hoàng lộng lẫy Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.
-Thánh Lêô Cả (440–461)
Thánh Lêô Cả Giáo Hoàng
Vị tân Giáo hoàng được tấn phong ngày 29 tháng 9 năm 440. Trước trách nhiệm chất đầy, Ngài đã cầu nguyện:
“ |
Lạy Chúa, có sự cân xứng nào giữa gánh nặng Chúa trao và sự yếu hèn của con, giữa sự cất nhắc và sự hư không của con?
| ” |
—Giáo hoàng Lêô I
|
“ |
Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.
| ” |
—Giáo hoàng Lêô I
|
Thánh Lêô sinh tại Toscana nhưng đã đến Rôma rất sớm, người gọi “Kinh Thành Muôn Thuở” là “Tổ Quốc của ta”. Do dòng dõi, do nền giáo dục của người, Đức Lêô đúng là người Lamã. Nhập hàng giáo sĩ rất sớm, nhờ nhân đức, thông minh và cá tính, người đã tạo được uy tín rất nhanh. Khi còn là thầy “cầm đèn” (Trợ Đăng), người đã được Đức Sixtô III–vị Giáo Hoàng tương lai, trao phó một sứ mạng tin cẩn bên cạnh thánh Âu Tinh. Năm 430 là Tổng Phó Tế Rôma, người nổi tiếng đến nỗi tu sĩ Cassianô thành Marseille gọi người là “món trang sức của Giáo Hội Lamã và của thừa tác vụ thánh”, nhiều nhân vật hàng đầu vẫn đều đặn thư từ với người. Chính người là đấng đã báo động với giáo quyền chống lại tư tưởng của Giulianô thành Eclanô, kẻ nối tiếp bè rối Pêlagiô: Là cố vấn các Giáo Hoàng Cêlestinô I và Sixtô III, nhiều lần người được cử đi sứ về ngoại giao và tôn giáo. Người đang đi sứ tại Gaule thì Đức Giáo Hoàng Sixtô III qua đời và mặc dù vắng mặt, thầy Tổng Phó Tế Lêô được các tín hữu Lamã bầu lên kế vị. Lễ tấn tôn được cử hành ngày 29/9/440. lúc đó người khoảng 40–50 tuổi.
Tình thế lúc đó rất quan trọng.
Ở Tây Phương, Valentinianô III chỉ là một thanh niên 20 tuổi, chỉ có sức mạnh để hưởng lạc, việc triều chính trao vào tay mẹ là Galla Placidia, là người có phẩm chất trang nghiêm của một vị lãnh đạo nhưng lại có thần kinh bất ổn của một người đàn bà, và để đương đầu với quân mọi rợ từ 35 năm nay đã xâm nhập Đế Quốc chỉ trông vào nghị lực của tướng Aetius mà triều đình vẫn nghi ngờ,
Ở Đông Phương Thêôđôsô III bảo vệ lạc giáo.
Thánh Lêô có một ý thức rất cao về sứ mạng đã trao phó cho người. Đó là sự nghiệp của vị thủ Lãnh các Tông Đồ mà người phải theo đuổi. Đầu óc người rõ ràng, chính xác, có phương pháp, có khả năng tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp mhất. Cá tính người kiên cường, bình an, quảng đại, bác ái, tất cả dựa trên đức khiêm nhường. Người nói: “Đừng phán đoán sản nghiệp trên sự bất xứng của kẻ thừa kế”.
Cũng như nhiều lãnh tụ Kitô giáo trước người, Đức Lêô cảm thấy nguy cho Giáo Hội nếu để số phận mình gắn liền với số phận của thế giới bị đe doạ và trước mặt thế quyền, người khẳng định quyền bính của Giáo Hội Đức Kitô.
Ảnh hưởng chính trị của người rất lớn:
-Galla Placidia nghe lời người.
-Valentinianô III kính trọng người nhưng hơi gờm! Khi người ta tới tìm người xin người đi hương thuyết với Attila, người đã do dự, e rằng vượt khỏi vai trò mình.
-Đối với Thêôđôsô II, người nói bằng một giọng trất quả quyết.
-Marcianô là bạn người.
-Khi Hoàng đế Lêô I ho he. Đức Giáo Hoàng không ngần ngại dùng quyền của mình để mà nắm ông ta lại một cách cương quyết.
Trong Giáo Hội, vai trò của người càng lớn. Ở Rôma người thường ra khỏi điện Latêranô, để lo đến những cảnh khốn cùng công cộng, dựng lại những đổ nát, đào bới các Hang Toại Đạo, phân phát thóc lúa khi có nạn đói. Ở Ý, người lo hàng ngàn việc: đòi các ứng viên Giám Mục phải có đủ điều kiện, quản trị tài sản Giáo Hội, định ngày Rửa Tội, quan hệ với người mọi rợ.
Tại các tỉnh xa, người ta vẫn thấy ảnh hưởng của người. Một số Giám Mục hơi độc lập tự do quá liền được người mời–hơi cứng–trở lại trật tự, ổn định chỗ ngồi, như thánh Hilarô thành Arles, Giám Mục thành Thessalônica…; Thượng phụ Constantinôpôli tỏ ra có những tham vọng khả dĩ đe doạ thượng quyền Lamã liền bị Đức Lêô phản đối, dù vị này dựa hơi một công đồng và vào Hoàng đế của mình. Người rất cương quyết với các Bè Rối, chống đối không biết mệt. Không một vấn đề lớn nhỏ nào liên quan đến Giáo Hội mà Người không xem xét. – Thí dụ: người đã can thiệp vào việc mừng lễ Phục Sinh, bị lộn xộn trở lại, công đồng Nicêa đã chấm dứt cuộc tranh chấp về việc này bằng cách kết án vĩnh viễn những người chủ trương mừng lễ Phục Sinh chung với lễ Vượt Qua của người Do Thái ngày 14 tháng Nisan và đã ấn định lễ này vào Chúa Nhật sau trăng tròn tháng Ba (dương lịch). Giáo phận Alexanđria được phân công phụ trách ghi nhận quyết định này. Giữa thế kỷ V, đó đây người ta bắt đầu hoài nghi về cách tính toán của người Alexanđria. Thánh Lêô đã cắt đứt việc này bằng cách giữ nguyên các quyết định và cách tính toán của người Alexanđria. Bằng những hoạt động có tính cách phổ quát như vậy, thánh Lêô đã đảm bảo vĩnh viễn ý tưởng về thượng quyền của Tông Toà, người là “Người Tổ Chức Giáo Hoàng Chế Lịch Sử”. Trong một bức thư đề ngày 10/ 8/446 gửi các Giám Mục Phi Châu, người viết: “Rôma ban những lời giải đáp cho các trường hợp mà người ta trình lên, những lời giải đáp ấy là những phán quyết…”. Ngôn ngữ của Bề Trên lần đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo người ta được nghe!
Sự nghiệp Văn Học của thánh Lêô rất lớn.
Ngày nay người ta còn thích đọc các bài giảng của người ít nữa là một phần. Thư từ gồm 173 bức đầy các chi tiết quan trọng về việc cai trị Giáo Hội và các vấn đề Kitô giáo thời đại. Các tác phẩm dù thiếu cơ sở triết học và văn hoá (người không biết tiếng Hylạp) nhưng rất hay, như Quyển gửi Flavianô quan trọng về tín lý. Có lẽ do ảnh hưởng của người, người ta đã soạn thảo cuốn Sách Lễ đầu tiên, sách này vào thế kỷ sau được soạn thảo lại nhiều ít nhưng vẫn được gọi là Sách Các Phép của thánh Lêô.
Năm 455, rợ Vandale đổ bộ lên nước Ý và chiếm Rôma. Hoàn toàn vô chính phủ. Valentinianô, đến phiên ông ta bị giết bởi tay người phục thù cho Aetius. Pêtrôniô Maximô lên thay thế cũng bị nhân dân phẫn nộ, băm vằm! Duy có Đức Lêô đương đầu, đứng mũi chịu sào! Nhờ lời người khẩn khoản, Gensêricô không đốt Thành, không tra tấn dân chúng, nhưng người không thể cản được 14 ngày cướp phá…
Ngày 10/11/461, vị đại Giáo Hoàng qua đời. Người ta chôn người tại tiền đường Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô.
Năm 668, Đức Sergiô I dựng bia mộ người, đã viết: “Người vẫn còn canh thức, kẻo chó sói hằng luôn rình rập, xông vào cắn xé đoàn chiên”.
Người ta thường bảo: người là vị Giáo Hoàng của Thế Giới cũ, nhưng người cũng là vị Giáo Hoàng Cứu Vãn nhờ nghị lực và Đức Tin, người đã cứu được những gì còn có thể cứu được và chuẩn bị Giáo Hội cho những cố gắng của ngày mai.
------------------------------------------------------------
Thánh Lêô Cả, Giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh 10/11
Thánh Lêô Cả, Giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh (400-461)
Thánh Lêô Cả có lẽ sinh tại Etrurie nước Ý khoảng năm 400. Ngài là phụ tá của giáo đoàn Rôma. Ðó là một chức vụ quan trọng đại diện Ðức Thánh Cha trong các công việc tài chính... Tháng 8 năm 440, ngài được cử lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiệu là Lêô I.
Công việc chính của ngài là lo tẩy trừ các đồi phong bại tục trong Giáo Hội. Ngài để ý đến việc gìn giữ Giáo Hội khi những lầm lạc do các bè rối đem lại, nhất là lạc giáo Nestoriô và Eutyches có khuynh hướng muốn tách biệt nhân tính ra khỏi Thiên tính của Chúa Giêsu và gán cho Ngài hai ngôi vị. Ðể chấm dứt các hậu quả tai hại do các bè rối gây nên, ngài đã triệu tập công đồng năm 451 tại Chalcédoine với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục. Nhờ đức khôn ngoan, tài ngoại giao và ảnh hưởng lớn lao của ngài đối với các hoàng đế, công đồng đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Ngài có tài hùng biện và ngoại giao đặc biệt, có thể thuyết phục được những người hung dữ. Ðiển hình là tháng 8 năm 452, Attila chúa rợ Hung (Huns) dẫn quân xâm chiếm Âu Châu, gieo rắc kinh hoàng cho mọi người. Attila kéo quân về Rôma, cả kinh thành run sợ. Nhưng nhờ có Chúa và nhờ tài đức, ngài đã khắc phục được vị tướng đó rút quân trở lại theo đường cũ. Năm 455, lại có Gensérie nổi lên đốt phá, hãm hiếp và tàn sát dân lành, chính nhờ ngài mà loạn quân không còn gieo tai họa nữa.
Thêm vào đó, ngài còn lo chấn hưng tinh thần đạo đức của giáo dân đã sa sút. Các bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng luôn bao hàm nhiều tính chất thần học. Ngài cũng đã viết nhiều sách vở để bênh vực Giáo Hội, chống lại tà thuyết.
Ngài chết ngày 10/11/461, sau gần 22 năm điều khiển Giáo Hội.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
-----------------------------------
Bài đọc thêm:
Đêm động phòng khủng khiếp của bạo chúa Hung Nô
Attila, với biệt danh "Roi Trời"
Hoàng đế Attila của Hung Nô là một trong những mối hiểm họa đáng sợ của cả Đế quốc Đông La Mã và Tây La Mã. Ông đã chinh phạt bán đảo Balkan đến tận Pháp, thậm chí có lần suýt nữa tiến chiếm kinh thành Constantinopolis.
Dưới thời mình, hoàng đế Attila gây dựng một đế chế Hung Nô hùng mạnh với lý tưởng tận diệt: “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa". Được nhắc đến với biệt danh "tai họa của trời”, ông chỉ huy cả một đạo quân thiện chiến nhất trong lịch sử, chinh phạt từ Bắc chí Nam, thôn tính hầu hết châu Á vào năm những 450.
Thế nhưng, trong lúc đang ở đỉnh cao của danh vọng và chiến tích, ông đã phải vĩnh biệt cõi đời ngay trên long sàng vào chính đêm động phòng hoa chúc. Người đời lắc đầu luyến tiếc cho một số phận oanh liệt không nằm xuống nơi trận tiền mà chết giữa chốn thâm cung.
Tranh vẽ thế kỷ 14 mô phỏng quân Hung nô tấn công một thành trì tại Châu Âu
Kẻ hủy diệt trên chiến trận
Đó chính là mỹ danh mà thần dân Hung Nô tôn kính đặt cho người chủ của mình – Hoàng đế Attila. Trong mắt dân chúng, ông được gọi là thiền vu, tức người trị vì, đấng tối cao, tương đương với thiên tử của người Hán. Thế nhưng, với những kẻ bên kia chiến tuyến, ông là nỗi khiếp sợ, là mầm mống của chiến tranh, chinh phạt và giết chóc. Người châu Âu gọi ông là Attila Rợ Hung, và mang biệt hiệu là "Ngọn roi của Thượng đế" hay "tai họa của trời".
Người Hung Nô là tên gọi dành cho các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á, nói chung sinh sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay. Từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người Hung Nô đã kiểm soát một đế chế rộng lớn trên thảo nguyên, kéo dài về phía Tây tới khu vực Kavkaz (Caucasus).
Hoàng đế Attila, đế quốc Hung Nô 434-453
Theo những tài liệu còn ghi chép lại, Attila làm vị vua tối cao của Đế quốc Hung Nô từ năm 434 đến năm 453. Đối với bộ lạc du cư này, ông là niềm tự hào, và là người anh hùng đã tạo dựng một đế chế của người Hung trải dài từ Đức đến sông Ural, rồi từ sông Danube tới biển Baltic. Đối với nền văn minh phương Tây, ông là hiện thân của một kẻ tham lam và tàn bạo bậc nhất.
Trong thời kỳ đó, ông là một trong những mối hiểm họa đáng sợ của cả Đế quốc Đông La Mã và Tây La Mã. Ông đã chinh phạt bán đảo Balkan đến tận Pháp. Thậm chí có lần ông còn suýt nữa tiến chiếm kinh thành Constantinopolis của người Đông La Mã. Tuy nhiên, một cơn dịch bệnh khủng khiếp đã ngăn trở bước chân của ông.
Hoàng đế Attila qua hình dung của hậu thế.
Trên đường vó ngựa chinh phạt, ông đã cướp bóc, và tàn sát rất nhiều người. Đội quân của ông sẵn sàng giết chết tất cả mọi thứ trên đường mình đi để có thể mang lại thắng lợi là đất đai, lương thực nhằm mở mang đế chế của mình. Những cuộc thanh trừng của ông khiến cho bao kẻ nước mất nhà tan, phải sống một cuộc đời nô lệ phục vụ cho quân đội của vị vua tàn bạo. Người đời vẫn truyền tụng câu nói thể hiện tư tưởng tận diệt của Hoàng đế Attila: “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa”.
Theo hình dung và miêu tả về thiền vu Attila thì vị vua này nổi danh là một người cao lớn dũng mãnh, luôn khoác trên mình bộ áo giáp cùng cây giáo xông pha trận mạc. Cưỡi trên mình con ngựa khỏe nhất đoàn binh, Attila thét ra lửa, hô ra khói khiến cho nhiều kẻ thù kinh hồn bạt vía.
Có thể nói, dưới thời của Attila, sức mạnh Hung Nô lên tới đỉnh cao. Vị thủ lĩnh tối cao đã xây dựng một đội kỵ binh với hàng nghìn con ngựa, hàng nghìn chiến binh và những vũ khí, khiên, giáp sắt đầy đủ nhất có thể. Kỵ binh Hung Nô trở thành một trong những đạo quân thiện chiến nhất trong lịch sử binh nghiệp của nhân loại.
"Ngã ngựa" chốn phòng the
Người đời thường nói: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Như bất cứ ông vua nào khác trong thời kỳ đó, Attila là một người anh hùng ham mê cái đẹp. Ông có một thiên tình sử lâm ly với 7 người vợ. Sáu người vợ trước đều sinh cho Attila những đứa con chung. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng thu nạp cho mình những người vợ tiếp theo. Đối với hoàng đế này, có thêm vợ con cũng giống như việc mở mang thêm lãnh thổ của mình, là minh chứng cho sức mạnh cả trên chiến trận và trong dòng tộc.
Thế nhưng, sự đời thật tréo ngoe. Theo những tài liệu lưu lại trong sử sách, vị hoàng đế lẫm liệt trên sa trường đã chết vì chảy máu cam trong tiệc cưới của chính mình. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng cho đến hàng trăm năm sau người ta vẫn không thể lý giải tại sao ông lại "ngã ngựa" trong lúc "lâm trận" như vậy.
Câu chuyện được bắt đầu vào năm 453, khi Attila đã cưới Ildico, công chúa xinh đẹp người German. Ildico nổi tiếng khắp cả một vùng với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Cô là mục tiêu của rất nhiều ông vua, bạo chúa trên khắp các lãnh thổ trên thế giới. Đến tuổi cập kê, cô vẫn chưa chịu ưng ai, nhưng cha cô đã quyết định dùng con gái của mình làm lá bài phục vụ cho sự nghiệp chính trị của mình. Sau khoảng thời gian thỏa hiệp, cha của Ildico đã lựa chọn gả nàng cho bạo chúa đế quốc Hung Nô vốn đang lẫy lừng khắp thế giới hồi đó.
Không nằm ngoài dự đoán, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Attila đã bị mê hoặc bởi vẻ quyến rũ đến mê người và chút man dại của người con gái đến từ xứ sở German. Vẻ đẹp vô song đó càng được phát huy trong ngày cưới của Attila và Ildico. Người ta trang điểm cho Ildico thật xinh đẹp, lộng lẫy tưởng chừng như không có ai có thể sánh được. Ông vua đến từ xứ sở Hung Nô sung sướng không còn gì có thể tả trên đời. Vị hoàng đế mặt sắt từng sát phạt từ Bắc chí Nam cũng phải ngây ngất trước sắc đẹp của hôn thê đang tuổi xuân thì.
Thế là hôm đó, ông quyết định say tới bến. Hơi rượu ngây ngất khiến vị vua khét tiếng không kiềm chế nổi mình. Thông thường, Attila ăn uống rất ít trong các bữa tiệc lớn. Tuy nhiên, vì quá hạnh phúc và tự hào, Attila đã tuyên bố cho tất cả mọi người một đêm thật no say trong yến tiệc và những lời chúc tụng liên tục vang lên khiến cho vị vua Hung Nô say mềm.
Attila lảo đảo đi khắp nơi cùng mọi người nâng chén chúc mừng đám cưới của mình. Vì quá say nên ông cũng không để ý rằng nhiều lúc trong bữa tiệc, ông đã bị chảy máu cam. Tuy nhiên, Attila không để tâm lắm và cho rằng đó là điều không quan trọng. Niềm vui đã lấn át tất cả mọi thứ.
Yến tiệc tan khi đã rất khuya. Những thân hình vạm vỡ say mềm lê lết tìm đường về chốn nghỉ. Attila cũng dìu Ildico trở về phòng tân hôn. Trong căn phòng được trang trí diêm dúa với ánh nến mờ ảo, Attila như chìm trong hoan lạc. Không chờ được lâu hơn, Attila đã lao ngay vào Ildico và tận hưởng chiến thắng của mình, còn hơn cả niềm vui của những lần thắng trận.
Sau cuộc mây mưa mặn nồng thắm thiết, vì quá mệt nên cả hai lăn ra ngủ. Và không ai biết rằng, ngay trong đêm động phòng ấy, Attila đã kết thúc cuộc đời một chiến binh anh hùng của mình. Sáng hôm sau, người nhà tỉnh dậy vì nghe thấy những tiếng la hét của cô dâu từ phòng của Attila. Mọi người cùng đổ xô chạy đến, Attila nằm chết trên một vũng máu. Tất cả đều hét lên trước hình ảnh đang bày ra trước mắt.
Nhiều giả thiết đã được đưa ra sau đó. Một số người cho rằng, ông đã quá sức trong cuộc giao hoan nên bị đột tử. Một số khác lại nghi ngờ, vị hôn thê của ông đã tước đi mạng sống của ông để phục vụ cho mưu đồ chính trị của cha mình. Tuy nhiên, các khám nghiệm sau đó chỉ ra rằng, trong đêm hôm đó, hoàng đế bị chảy máu cam nhiều lần nhưng quá say không hề ý thức được. Máu cứ thế chảy ra và cuối cùng thì Attila chết ngộp trong vũng máu của chính mình.
Có nhiều lời đồn đoán xung quanh cái chết của Attila. Có giả thiết cho rằng Attila đã chết vì một âm mưu được sắp đặt trước. Nhưng nguyên nhân được tin tưởng nhất chính là vì Attila đã quá sức trong đêm tân hôn, trong khi trước đó, ông đã bị chảy máu cam và uống rượu rất nhiều. Một vị hoàng đế uy danh khắp thế giới cuối cùng đã phải chết trên giường trong chính đêm tân hôn của mình.
P.V
Nguồn:http://www.baomoi.com/Dem-dong-phong-khung-khiep-cua-bao-chua-Hung-No/c/12496247.epi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét