Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15) - Suy Niệm CN III TN / B 21-1-2018


 Mc 1,14-20
 
A. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hai sự việc Chúa đã làm vào lúc khởi sự cuộc đời công khai của Người.
 
1. Tuyên bố về nội dung sứ vụ của Ngài nơi trần thế.
 
2. Gọi 4 môn đệ đầu tiên.
 
Nếu chỉ nhìn một cách thoáng qua thì xem ra như hai sự việc này chẳng có liên hệ gì với nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì chúng ta sẽ thấy chúng có liên hệ rất mật thiết
 
B. Nếu nghiên cứu Tin Mừng mừng một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta sẽ thấy Chúa xuất hiện không như một chuyên viên làm phép lạ.
 
Những phép lạ được ghi lại trong Tin Mừng của Marcô rất ít nhưng những người được thụ hưởng phép lạ của Chúa thì Marcô nói tới một con số rất nhiều.
 
Mục đích quan trọng nhất và chính yếu nhất trong cuộc đời của Chúa là loan báo cho con người một Tin mừng. Và Tin Mừng này có một nội dung rất rõ rệt đó là Nước Trời, nước Thiên Chúa.
 
Với bài Tin Mừng ngày hôm nay Chúa nói: "Nước trời đã gần đến"(Mc 3,2)
 
Vào khoảng giữa cuộc đời công khai của Chúa thì Chúa lại bảo: "Nước Trời đang ở giữa anh em"(Lc 17,19)
 
Trong Luca cuối đoạn 17 Chúa lại khẳng định: "Nước Trời ở trong lòng anh em" (Lc 17,21)
 
Tại sao lại có sự khác biệt trong ba lời loan báo như thế?.
 
Rõ rệt là Chúa muốn nói đến những kết quả mà lời rao giảng của Chúa đã đạt được. Những người được nghe rao giảng đã dần dần hiểu ra rằng Nước Trời mà Chúa rao giảng không phải là một nước theo kiểu của trần thế mà là một thực tại cao cả hơn, siêu việt hơn. Nước đó sẽ đem lại cho con người công lý, sự an bình - tình thương - và hy vọng...nếu con người trở thành công dân trong nước ấy.
 
* Nhưng để trở thành một người công dân của Nước Trời thì con người phải làm gì?. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra 2 con đường: Sám hối và tin vào Tin Mừng.
 
+ Sám hối là gì thì trong suốt mùa vọng vừa qua, chúng ta đã nghe Gioan Tẩy giả nói.
 
- Sám hối đơn thuần không phải chỉ là một tác động đau lòng ăn năn về những lỗi lầm tội lỗi của mình. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì việc sám hối mới chỉ là một hành vi có tính cách tiêu cực. Sám hối như thế chưa phải là sám hối của Tin Mừng.
 
- Sám hối theo tinh thần của Tin Mừng còn phải là một cuộc quay trở về với Thiên Chúa. Tin Mừng dùng chữ metaloia - một sự trở về sau khi đã bỏ ra đi giống như người con hoang đàng trong Tin Mừng của Luca 15.
 
+ Thêm vào đó hay xa hơn thế là Tin vào Chúa.
 
- Tin không chỉ là một hành vi chấp nhận một mớ những chân lý của Chúa. Tin như thế chưa phải là tin đích thực.
 
- Tin còn phải là một cái gì hơn nữa. Tin là đi theo Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ I bảo:"Tin là liều mạng theo Chúa"
 
Con đường theo Chúa không phải là dễ dàng. Chúa Giêsu đã diễn tả con đường khó khăn này bằng một khẳng định làm cho nhiều người cảm thấy phải sợ: "Ai muốn theo Tôi mà không từ bỏ cha mẹ, nhà cửa, vợ con và cả mạng sống mình thì không xứng đáng là môn đệ của Tôi".(Lc 14,26) Đòi hỏi gắt gao thật. Một cách nào đó nó cho chúng ta thấy tích cách nghiêm chỉnh của vấn đề.
 
+ Chúng ta cứ nhìn vào cuộc đời của 4 môn đệ đầu tiên của Chúa chúng ta sẽ thấy điều đó.
 
- 4 môn đệ mà Tin Mừng hôm nay kể tên là những môn đệ đặc biệt. Ngoại trừ Anrê, còn thì ba người kia là Phêrô, Gioan và Giacôbê là 3 môn đệ có thể nói là "ruột" của Chúa. Ba người này gần gũi Chúa một cách đặc biệt. Chúa cũng tỏ ra ưu ái cách riêng với bộ ba này.
 
- Thế nhưng thử hỏi con đường theo Chúa đối với họ có dễ dàng hay không?
 
Tin Mừng cho chúng ta thấy con đường theo Chúa thực không dễ dàng chút nào cả. Có rất nhiều trường hợp Chúa buồn với bộ ba này.
 
Lúc đầu khi mới theo Chúa, cái chất "người" trong họ còn rất cao. Chúa phải rất vất vả lắm mới cải tạo được họ. Đôi khi Chúa cũng cảm thấy buồn vì họ.
 
 * Gioan và Giacôbê thì Chúa gán cho họ cái biệt danh là "con của sấm sét".
 
  * Còn Phêrô thì có lần Chúa đã rủa là "Đồ Satan".
 
- Con đường Chúa chinh phục những con người này quả là một quá trình nhọc mệt và vất vả. Có lần Chúa đã phải than:"không biết Thầy còn phải ở với chúng con cho đến bao giờ nữa?"(Mt 17,17)
 
- Bằng việc kêu gọi họ Chúa đã làm cho các môn đệ của Chúa dần dần biết lìa xa đầu óc trần thế. Nghiên cứu Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
 
- Rồi bằng cuộc sống cũng như lời dạy nhất là bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài đã làm cho họ thuộc hẳn về Ngài để cuối cùng họ đã liều mạng vì Ngài, dám chết cho Ngài.
 
Như vậy chúng ta thấy con đường mà các môn đệ của Chúa đi vào để trở thành những công dân ưu tú của Nước trời, làm tông đồ của Chúa không phải là con đường nào xa lạ. Đó cũng là con đường có tên là sám hối và tin vào Chúa. Các Tông đồ đã xoay lưng lại với danh - lợi - thú của trần gian để tìm đến với Chúa, quay về với Chúa. Và sau khi đã quay về với Chúa, họ đã để cho Chúa biến đổi cuộc đời của họ, làm cho họ trở nên những con người mới - những con của Thiên Chúa. Và bằng đời sống dấn thân quảng đại với niềm tin yêu vô hạn vào Chúa, họ đã trở thành những chứng nhân sống động cho Ngài....và họ đã được lịch sử ca ngợi là những con người "đã làm thay đổi cả lịch sử nhân loại và làm cho bộ mặt của địa cầu đẹp hơn".


 
C. Vâng kính thưa anh chị em,
 
Đó là câu chuyện của ngày xưa...nhưng xưa không có nghĩa là nó chỉ còn tồn tại như một kỷ niệm mà như một tấm gương cho hậu thế. Giáo Hội đã rất có lý khi nói rằng: "Các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội". Đây không phải là một nền tảng bằng đá, bằng bê tông cốt sắt mà là bằng cuộc đời và sự nghiệp các Ngài để lại. Cuộc đời của các tông đồ của Chúa Giêsu vẫn còn là tấm gương cho những thế hệ tiếp theo, mai sau và mãi mãi. Cuộc đời các Ngài vẫn còn là tấm gương cho chúng ta. Các Ngài đã cho chúng ta biết thế nào là hy sinh, thế nào là quên mình, thế nào là từ bỏ, thế nào là tin, thế nào là một cuộc đời có ý nghĩa. Các Ngài cũng dạy cho chúng ta biết làm cách nào để "cướp" được Nước trời. Đó chính biết liều mạng để đi theo Chúa.
 
Vào một buổi chiều năm 1953 các ký giả và một số nhân viên chính phủ tụ tập nhau lại tại một nhà ga xe lửa ở Chicago để chào mừng người vừa được giải thưởng Hòa bình Nobel năm đó trở về quê quán của mình.
 
Người vừa xuống khỏi xe là một người đàn ông to lớn, tóc ngắn, chòm râu cắt rất gọn ghẽ.
 
Các máy hình chớp liên hồi. Còn các nhân vật cao cấp của thành phố thì  mở rộng vòng tay chuẩn bị  đón chào người con yêu quí của quê hương.
 
Người được giải Nobel đưa tay chào mọi người và rồi ngay lâp tức ông đưa mắt hướng về hướng bên phải của  sân ga. Sau đó ông xin kiếu mọi người vài phút rồi đi thẳng về hướng đó. Mọi người đều nghĩ là chắc ông để quên một cái gì chăng.
 
Ông băng qua đám đông đi thẳng đến chỗ một người đàn bà lớn tuổi đang khệ nệ với hai cái "valises" nặng hai bên. Ông giơ tay đỡ lấy một cái, mỉm cười với bà và dẫn bà ra một chiếc xe búyt gần đó. Sau khi giúp người đàn bà lên xe xong, ông chúc bà thượng lộ bình an. Rồi quay lại với những người đang chờ chào đón ông, ông  nói với họ: "Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị phải chờ đợi"
 
Người mà tôi vừa nói đó là Bác sĩ Albert Schweitzer, một nhà truyền giáo nổi tiếng đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những người nghèo tại Phi châu. Chính vì những phục vụ vô vị lợi và cao cả của ông mà ủy ban Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm đó cho Ông.
Chứng kiến cử chỉ bình thường nhưng cũng rất cao thượng đó, một người trong ban tổ chức lễ đón tiếp đã nói với các ký giả như thế này "Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi".
-------------------------- 
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180115/41295
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét