Khi đánh giá về con người và sự việc ngoài ánh sáng của giác quan ta cần phải có ánh sáng tâm linh soi chiếu để cảm thấu được một phần nào đó về con người và sự việc, vạn vật quanh ta.
Mc 10, 46-52
ĐÔI MẮT MÙ - TÂM HỒN SÁNG
M. Bảo Hạnh
Người ta thường ví “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” vì nó giúp ta nhìn thấy và tiếp xúc được với cảnh vật, với đất trời và với mọi người quanh ta. Nếu chúng ta không có đôi mắt sáng, chắc chắn chúng ta sẽ không nhìn thấy gì ngoài việc lắng nghe và cảm nhận bằng tâm hồn. Nhưng, cũng chính cái nhìn của con mắt thể xác nếu không được ánh sáng tâm linh sôi chiếu, đôi lúc có thể làm cho tha nhân rơi vào cảnh bi đát trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần kết hợp ánh sáng của mắt thường với ánh sáng của mắt tâm hồn - mắt đức tin để có cái nhìn chuẩn mực hơn trước tha nhân và muôn loài muôn vật.
Thật vậy, Lời Chúa hôm nay khai mở cho chúng ta biết về cái nhìn bằng đức tin đó. Thánh sử Marcô tường thật rằng: Chúa Giêsu chữa lành một người mù ở thành Giêrikhô bởi vì anh ta có niềm tin mãnh liệt về Người. Anh mù này mặc dù bị mù lòa nhưng lại có con mắt tâm hồn rất sáng về đức tin. Anh ta “Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi !”. Anh ta nhận ra Chúa Giêsu, anh ta tin vào Người và đã được chữa lành: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Anh ta được chữa lành không phải là do công kia việc nọ, nhưng vì anh ta có mắt tâm hồn sáng, anh ta nhận ra Chúa Giêsu, tin vào Người và đức tin của anh ta đã cứu chữa anh.
Đôi mắt mù nhưng tâm hồn sáng
Không ai trong chúng ta có tâm hưởng rằng mình bị mù thì tốt hơn là sáng mắt. Vì mắt là cánh cửa của cuộc đời; cánh cửa mở cuộc đời chúng ta luôn tươi sáng, còn cánh cửa đóng cuộc đời chúng ta sẽ sống trong bóng tối của đêm đen. Thật vậy, một khi mắt chúng ta bị mù lòa, chắc chắn ta sẽ khổ sở, buồn phiền pha lẫn với tiếc nuối. Khổ vì không biết đường đi lối về, tiếc vì không ngắm được cảnh sắc đất trời, và buồn vì bị người đời xa lánh và có thể làm cho con người đi vào ngõ cụt của cuộc đời, đặc biệt là những người không cảm nhận được ánh sáng bên trong tâm hồn mình. Vì thế, những ai bị bệnh mù lòa họ luôn có sự khao khát được nhìn thấy, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trời đất.
Anh mù trong bài Tin mừng hôm nay cũng vậy; anh ta khao khát được thấy, được cảm nghiệm cuộc đời bằng đôi mắt sáng. Và khi vừa nghe Chúa Giêsu đi ngang qua, với con mắt đức tin, anh ta đã đứng lên và cầu xin: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”, và anh ta đã được Chúa chữa lành.
Điều kiện ở đây là “đức tin”: anh ta bị mù lòa nhưng có tâm hồn sáng, sáng về đức tin, và anh ta được Chúa chữa lành là vì lòng tin của anh đã cứu chữa anh ta. Anh ta bị mù lòa từ lúc nào, Tin Mừng không hề cho ta biết nhưng có thể anh ta bị mù từ thuở bé, vì Tin Mừng có đề cập đến anh mù này với cái tên Bartimê con ông Timê, hành nghề ăn xin ở chốn đông người, hẳn anh ta đã bị mù từ rất lâu. Như vậy, anh ta là một kẻ nghèo khổ, một kẻ khố rách áo ôm, một kẻ bị người đời khinh dể và đứng ngoài rìa xã hội. Nhưng, anh ta lại có tâm hồn rất sáng; dầu anh ta mới chỉ nghe danh Chúa Giêsu qua tiếng đồn xôn xao của dân chúng và dù chưa từng nhìn thấy Người bao giờ. Song, với con mắt tâm hồn, ánh sáng tâm linh đã khơi dậy niềm tin trong con người anh ta, anh ta đã bạo dạn lớn tiếng hô lên : “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi !”. Bao nhiêu con mắt sáng từ đám đông trầm trồ nhìn vào anh ta với thái độ khó chịu và giận dữ. Họ tìm cách ngăn cản và cấm không cho anh ta kêu danh Chúa Giêsu, nhưng anh ta càng kêu to hơn. Chúa Giêsu nhận ra anh ta, Người đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !”. Lúc này dù mắt anh ta không thấy gì nhưng với niềm tin mạnh mẽ, “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu”, một hành động chỉ dành cho những người khỏe mạnh mới có thể làm được như vậy. Nhưng, với ánh sáng niềm tin thôi thức từ tâm hồn, anh ta tin vào Chúa Giêsu, tin vào lòng thương xót Chúa, anh đứng dậy vứt đi chiếc áo choàng là thứ che đậy sự mặc cảm, che đậy những đôi mắt khinh khi của bao người đang soi mói anh. Chúa Giêsu đã cảm nhận được sự thống khổ của anh ta, và quan trọng hơn Người nhận ra nơi anh ta dù bị mù lòa nhưng có đức tin rất mạnh mẽ, với lòng thương xót vô bờ Người đã chữa lành anh ta: “lòng tin của anh đã cứu anh “ trước sự ngỡ ngàng của đám đông có con mắt sáng nhưng mắt tâm hồn lại mù lòa.
Mắt sáng nhưng tâm hồn tối
Không ai phủ nhận giá trị của đôi mắt thể xác, nhưng trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta nhìn nhận con người và sự việc chỉ bằng giác quan và lý trí, rồi khẳng định đó là đúng, là chân lý thì quả là thiển cận và thiếu sót. Bởi vì, cái nhìn của giác quan có thể sai lầm: câu chuyện Khổng Tử trách nhầm người đệ tử thân tín là Nhan Hồi về việc ăn vụng là một ví dụ điển hình.
Thật vậy, đôi khi giác quan ta thấy những con người, những sự việc trừng trừng trước mắt nhưng sự thật lại không phải như ta thấy. Bởi con người là một huyền nhiệm, một kiệt tác của Thiên Chúa, nên chúng ta không thể quan sát và nhận xét một cách toàn diện về mình cũng như người khác được. Còn sự vật là các phần tử của vũ trụ đa chiều và hỗn tạp, nên chúng ta cũng không thể có cái nhìn chính xác qua nhãn quan mắt thường, nhưng phải đúc kết hay tổng hợp cả ánh sáng của đôi mất và ánh sáng tâm linh hay cả đức tin và lý trí họa may mới có thể thấu hiểu một phần nào đó về mình, thiên nhiên và vạn vật.
Vì vậy, khi đánh giá về con người và sự việc ngoài ánh sáng của giác quan ta cần phải có ánh sáng tâm linh soi chiếu để cảm thấu được một phần nào đó về con người và sự việc, vạn vật quanh ta.
Đám đông trong Bài Tin Mừng hôm nay tất cả đều có đôi mắt sáng nhưng mắt tâm hồn của họ bị mù lòa; họ nhìn thấy anh Bartimê mù lòa nghèo khổ ngồi ăn xin bên vệ đường nhưng lại không quan tâm hay xem như không thấy. Có lẽ họ chỉ quan tâm tới Chúa Giêsu để mảy may tìm được phúc lợi gì đó cho mình. Không những thế, những người này còn tìm cách ngăn cản không cho anh mù tiếp cận với Chúa Giêsu khi anh ta kêu cầu Chúa Giêsu: “Nhiều người mắng anh bảo im đi”. Đám đông này có mắt cũng như mù, nói đúng hơn là thiếu ánh sáng tâm hồn, họ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không hề để ý đến những người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khổ, kém may mắn. Tâm hồn họ mù lòa, chai đá nên họ sống thiếu bác ái yêu thương. Họ không chỉ không thương xót anh mù đang ngồi bên vệ đường ăn xin mà họ còn tìm cách ngăn cản anh ta chạy đến với lòng thương xót Chúa.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có đôi mắt sáng nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù lòa. Chúng ta chọn sự hiếu kỳ để nhìn, hoặc chỉ chú tâm đến những cái đẹp cái tốt, hay chỉ để mắt những người mà ta cho là dễ thương, dễ mến, nhưng lại ít khi để tâm đến những người bất hạnh, những người đau yếu, bệnh tật, hay những người đang gặp trắc trở trong cuộc sống. Không những thế, nhiều khi chúng ta còn hành xử chẳng khác gì đám đông trong Tin Mừng ngày hôm nay; chúng ta dùng đôi mắt sáng để soi mói, tỏ ý giận giữ hay lườm nguýt anh em mình mà chúng ta không biết rằng chỉ cần một vài ánh mắt giận dữ, thiếu thiện cảm hướng về anh em mình, dễ làm cho người anh em rơi vào tình trạng lo lắng, sợ sệt. Và một cái nhìn khinh khi vô tình làm cho anh em mình rơi vào mặc cảm tự ty hay rơi vào sự lo âu, tuyệt vọng. Hoặc một vài ánh mắt vô tâm của chúng ta trước người anh em cần mình quan tâm giúp đỡ, vô tình có thể làm cho anh em mình rơi sự cô đơn, buồn bã.
Vì vậy, ngoài ánh sáng từ đôi mắt thể xác là cơ quan giúp chúng ta tiếp nhận con người và cảnh vật đất trời, chúng ta cần phải có đôi mắt tâm hồn, đôi mắt đức tin để chúng ta có cái nhìn khách quan, trung thực hơn đối với con nguời và sự vật mà chúng ta đang sống. Vì, đôi mắt đức tin là đôi mắt tình yêu, đôi mắt đồng cảm, chia sẻ và tha thứ. Người ta thường nói: “Mắt thấy lòng dấy”. Chính đôi mắt đức tin khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta những nỗi niềm trong cuộc sống; sự đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh, lòng thương xót, trắc ẩn trước những người khổ đau. Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót trước người mù ở Giêrikhô trong Tin Mừng hôm nay thì chúng ta cũng được mời gọi sống như vậy. Chúng ta hãy nhìn đời bằng cả trái tim, đừng nhìn vội qua ánh mắt thường, để cảm nhận cuộc sống, để nếm thử cuộc sống và để trải nghiệm với cuộc sống. Đừng nhìn vội như đám đông trên kia để rồi lãng quên những người bên cạnh mình, nhưng hãy nhìn đời bằng đôi mắt đức tin như anh mù Giêrikhô đã nhìn để được cứu thoát.
Lạy Chúa, xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa không chỉ bằng đôi mắt thường của chúng con nhưng bằng cả con tim của chúng con nữa, để chúng con đến gần Chúa hơn. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết đón nhận nhau qua ánh mắt trìu mến và tấm lòng xót thương.
----------------------
BÀI ĐỌC THÊM:
TỪ BÓNG TỐI ĐẾN ÁNH SÁNG
Gioan Thánh Giá
Bi kịch đời người luôn là cuộc chiến giữa ánh sáng và tối tăm. Bởi lẽ, ánh sáng luôn chiếu soi thế gian tối tăm và “thế gian” tội lỗi luôn cố gắng dập tắt ánh sáng. Sống làm sao để từ bóng tối, ra khỏi, tìm đến, sống trong ánh sáng vẫn luôn là thao thức của bao người. Đặt trong bối cảnh Tin Mừng Mc 10,46-52, với việc người mù Ba-ti-mê đến xin Đức Giê su chữa lành: Thưa Thầy xin cho tôi được thấy (c51), chúng ta cùng tìm hiểu:
Ở trong bóng tối
Theo thánh sử Mác cô, Ông Ba-ti-mê, con ông Ti-mê, ăn xin bên vệ đường, là người tình trạng mắt thể lý bị mù mù lòa. Mặc dù thánh sử không nói rõ người này bị mù lòa về “tâm linh”, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ, liên hệ tới tình trạng mùa lòa về tâm linh của những người đang ở trong đêm tối của tội lỗi.
Đã hẳn, sinh ra, mọi người đều thuộc về cõi tối tăm vì tội nguyên tổ. Mặt khác, trong đời sống luân lý, người ta vẫn làm những sự vô đạo, sự ác, sự dữ… Đó là tình trạng bóng tối, tội lỗi thống trị thân phận con người. Ngoài ra trường hợp có những người cũng ở trong bóng tối “trí khôn bị mù tối” trước ân sủng của Thiên Chúa mà lại không hay biết (x. Ep 4, 18).
Như thế, với bản chất thân phận hữu hạn, con người luôn bị ảnh hưởng của tội lỗi, ở trong bóng tối. Tuy nhiên, xem là phi lí, nhưng ngay ở trong tình trạng “những người được cho là đạo đức, lành thánh”, họ vẫn dễ bị mù tối trước ân sủng của Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá sánh ví như loài dơi mùa lòa trước ánh sáng của mặt trời thế nào thì trí khôn con người cũng bị mù lòa trước ánh sáng Thiên Chúa như thế. Lý do, theo thánh nhân, con người với dục vọng, ham muốn những gì thuộc về vật chất, những thứ tình tiền tài, danh vọng… che khuất đi ánh sáng ân sủng của Thiên Chúa. Ngay đến cả những ân huệ ban của Thiên Chúa người ta lầm tưởng là Thiên Chúa.
Tìm đến ánh sáng.
Trong Tin Mừng trình thuật, người mù Ba-ti-mê kêu lên: “Lạy ông Giêsu con vua Đa-vit, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,47). Để đáp lại khát khao chữa lành của ông Ba-ti-mê: “Thưa Thầy xin Cho tôi thấy được” (c 51). Đức Giê-su đã chữa lành và Người xác quyết: “Lòng tin của anh đã cứu anh”.
Nếu như nhiều người đã sống trong bóng tối của tội lỗi, thì ánh sáng vẫn chiếu soi. Ánh sáng làm bừng lên trong họ ơn được giải thoát. Anh mù được chữa lành cũng là một quá trình tiệm tiến ở trong bóng tối, ra khỏi bóng tối tìm đến ánh sáng. Đó là một quá trình đấu tranh liên lỉ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa làm những điều lành và điều dữ trong một con người, cũng như loài người.
Giải thích cho quá trình đó, chúng ta cũng chân nhận: phải có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu dọi vào lương tâm, thức tỉnh con người, họ mới bước ra khỏi vực thẳm của thân phận con người, của tình trạng đời sống tự nhiên, đến đời sống luân lý tâm linh… và đời sống ân sủng. Để diễn tả kinh nghiệm bước ra từ đêm tối đến ánh sáng, Thánh Vịnh đã minh chứng : “Lạy Chúa nhờ ánh sáng của Ngài chúng con mới nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36, 10).
Cùng một xác tín như Thánh Vịnh, thánh Phaolô cũng cho biết kinh nghiệm mà ngài với thân phận con người tội lỗi, ở trong đêm trường bóng tối tội lỗi, nay được Ánh Sáng giải thoát. Chính Đức Ki -tô là ánh sáng, chính Thiên Chúa đã gọi chúng ta từ tối tăm vào ánh sáng diệu kỳ của Người (x.1P 2,9). Xưa chúng ta ở trong tối tăm, nay trong Đức Ki-tô chúng ta đã được chiếu soi. Xưa kia chúng ta là tối tăm, nhưng nay trong Chúa chúng ta là ánh sáng (Eph 5, 8).
Như thế, bằng kinh nghiệm của Thánh Vịnh, cũng như thánh Phao-lô, và hôm nay cụ thể người mù Ba-ti-mê, chúng ta nhận ra, tìm đến, sống trong ánh sáng, như là một lẽ đương nhiên. Bởi ý định cứu độ của Thiên Chúa, Người khởi xướng, ban quyền năng, kêu gọi con người sống trong Ánh Sáng để được cứu độ. Về phía con người, họ cũng cần thức tỉnh, khao khát được giải thoát, chữa lành như người mù Ba-ti-mê.
Cuộc sống từ bóng tối đến ánh sáng, người ta không đo bằng được bằng gang tấc, centimét, hay là quãng đường bao nhiêu. Người ta chỉ phần nào lượng giá được bằng đời sống, sống như Đức Giê-su đã truyền dạy, điều quan trọng là đừng để ánh sáng nội tâm của mình bị lu mờ, cũng giống như phải săn sóc con mắt là đèn soi thân xác (x.Mt 6,22). Phải mặc lấy khí giới ánh sáng và vất bỏ những việc tối tăm (x. Rm 13,12). Một cách cụ thể, với tình yêu huynh đệ, người ta nhận ra mình ở trong tối tăm hay trong ánh sáng (x. 1Ga 2,8-11). Khi sống như thế, chúng ta sống như con cái ánh sáng đích thực, chiếu giãi cho mọi người ánh sáng thần linh chiếu sáng thế gian (Mt 5,14).
-----------------------
Nguồn: http://danvienphuocly.com/suy-niem-moi-ngay/chua-nhat-xxx-thuong-nien-nam-b-doi-mat-mu-tam-hon-sang-m-bao-hanh-1276.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
-----------------------------------
VIDEO: XIN MỞ CHO CON ĐÔI MẮT - Lm. Xuân Thảo
Thể hiện: Ca Đoàn QUÊ HƯƠNG
(Xin bấm để nghe)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét