Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

NGƯỜI CHA NHÂN HẬU (Lc 15) - CN IV MÙA CHAY NĂM C

Người cha nhân hậu


TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32

(1) Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và các Kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này. (11) “Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho Cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với Người: ”Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, (19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. (23) Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại. Đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của ông đang ờ ngoài đồng. Khi anh ta về gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì.. (27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.




Người Cha nhân hậu

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)
Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết, vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta, hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu khi kể dụ ngôn này có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha, đối lại với cảnh nhóm pharisiêu và các kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì đã ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời cho họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi ba dụ ngôn: Con chiên bị mất; Đồng bạc bị mất; và Người cha nhân hậu. Nội dung của dụ ngôn này có thể được chia ra làm hai màn.
Màn thứ nhất: Người cha và đứa con út. Màn thứ nhất này cho thấy sự tương phản sâu xa giữa lối suy nghĩ và hành động của đứa con với suy nghĩ và hành động của người cha. Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài. Ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến việc vun quén riêng, không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa, không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm, khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cho cha mẹ mau chết đi. Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con, nó tiêu tiền mà không nghĩ đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ, nó tiêu tiền chỉ để thỏa mãn dục vọng, nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân, khi có tiền nó chẳng nghĩ gỉ đến ai nên khi hết tiền chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về. Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ, không hề nghĩ đến tình thương, nó chỉ nghĩ đến cái bụng, về nhà để ăn cho no, chỉ có thế. Nó còn một chút lương tri để hiểu rằng nó không xứng đáng làm con nữa. Tuy nhiên, nó không tha thiết đến quyền làm con, chỉ mong sao có ăn no bụng là được, thật là ích kỷ đến tận xương tủy.

Nếu đứa con út ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, thì trái lại người cha hoàn toàn quên mình vì con. Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng. Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp. Nhưng con ra đi chẳng hề nhớ nhung gì đến cha mà cha thì chẳng phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi Cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của mà chỉ cần có con. Cảm động nhất và cũng là chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ, một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha, “anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”, khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ già nhòa dòng lệ vì thương nhớ, thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng trái tim, trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con chẳng còn yêu thương nên nhìn mà chẳng thấy cha, trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù lòa, trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã lòa rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa. Ông chạnh lòng thương, trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tụy rách rưới, yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động. Chạy lại ôm cổ con, lại một cử chỉ lạ lùng, cha không chờ con tới cho đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quí của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông chạy đi như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già, vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân nhưng lại bằng trái tim, ông bay bằng tình yêu, tình yêu chấp cánh cho ông. Hôn lấy hôn để, chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào của ông dành cho nó, ông ôm chặt như để giữ cho nó không ra đi nữa. Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì cha đã có bốn động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện bốn động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí, ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về, ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dàng, ông đã phung phí khi đem áo mới, giày mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc có cả đàn hát múa may nhảy nhót để đón đứa con trở về. Làm thế, chẳng sợ hàng xóm cười cho. Nói tóm lại, ông đã phung phí tình yêu thương, yêu thương quá độ, yêu thương đến vô lý. Có lẽ nào giải nghĩa được yêu thương, chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó. Đó là người cha nhân hậu.

Mùa chay luôn mời gọi chúng ta biết trở về với Chúa bằng cách từ bỏ con người tội lỗi của mình. Sám hối và trở về với Chúa bằng những việc làm cụ thể, chẳng hạn tôi quyết tâm bỏ bớt đi tật hay nói dối, hay chửi thề nói tục, hay cãi lại cha mẹ. Và sống con người mới là người con của Chúa biết yêu thương người khác, biết tha thứ cho anh chị em, và mau mắn chạy đến với Chúa qua bí tích giải tội khi chúng ta lầm lỗi. Khi làm như thế đó là chúng ta đang sống trong tâm tình là người con của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con kiên trì sống cuộc đời mới trong tình mến Chúa nồng nàn, xa tránh mọi dịp tội, tích cực tập luyện nhân đức và nhiệt tâm với phần rỗi mọi người để mãi mãi xứng đáng là con cái Chúa. A men.
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/loi-chua-moi-ngay/13875-chua-nhat-iv-mua-chay-nam-c.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

HÃY MAU QUAY VỀ CÙNG CHÚA (Lc 13, 1-9) - CN III MÙA CHAY / C 24-3-2019



BÀI ĐỌC I: Xh 3, 1-8a. 13-15

"Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: "Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi".
Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: "Môsê! Môsê!" Ông thưa: "Dạ con đây!" Chúa nói: "Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh". Chúa lại nói: "Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp". Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: "Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật".
Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: "Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: 'Tên Người là gì?', con sẽ nói sao với họ?" Thiên Chúa nói với Môsê: "Ta là Đấng Tự Hữu". Chúa nói: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: 'Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em' ".
Thiên Chúa lại nói với Môsê: "Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: 'Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em'. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ".
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 11
Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
3) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
4) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12
"Đời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.
Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.
Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2
Này là lúc thuận tiện, này là ngày cứu độ.


PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".
Đó là lời Chúa.


Suy niệm



“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Từ hai câu chuyện thời sự: một số người Galilêa bị Philatô sát hại và mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu điều chỉnh lại quan niệm đương thời: “các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác sao?” Sự dữ xẩy ra cho người này kẻ khác từ nhiều nguyên nhân chứ không hẳn là do trách nhiệm của họ. Vì thế, khi chứng kiến những biến cố như thế, Chúa lưu ý các người môn đệ ‘trông người mà gẫm đến ta’: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.
Vượt trên tất cả lỗi lầm của con người là lòng xót thương, nhẫn nại của Thiên Chúa. Dụ ngôn cây vả không sinh trái bị kết án chặt đi, nhưng nhờ lời bầu cử của người làm vườn mà án được hoãn lại một năm giúp ta suy gẫm về lòng xót thương này, để sớm hoán cải, ăn năn trở về.
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con tim của con nên giống Trái tim của Chúa, để mỗi ngày khi chúng con chứng kiến những nỗi đau của người khác trong các vụ tai nạn giao thông, lao động, đau bệnh, tật nguyền… thì biết thống hối ăn năn về những lỗi phạm của mình; đồng thời biết chung tay góp sức với nhau: an ủi, nâng đỡ, xoa dịu nỗi đau của người bị nạn. Amen.
Nguồn: http://www.giaoducconggiaohdgm.org/bai-viet/suy-niem-tin-mung-chua-nhat-iii-mua-chay-nam-c
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------------------- 
VIDEO THÁNH CA MÙA CHAY:
QUAY VỀ CÙNG CHA
Thể hiện: Hoàng Anh Nguyễn & Anh Xám
Ca đoàn Tân Hương, Kon Tum
Xin bấm để nghe: 
CN III Mùa Chay / C 24.3.2019

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Thiên Chúa là Đấng khiêm hạ - CN II MÙA CHAY / C - +TGM Giuse Vũ Văn Thiên


Phúc Âm: Lc 9, 28b-36
"Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Ðó là lời Chúa.

SỰ KHIÊM HẠ CỦA THIÊN CHÚA
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - NĂM C
(Lc 9, 28b-36)
Kinh Thánh là mạc khải của Thiên Chúa cho con người. Hành động mạc khải của Chúa giống như “vén một bức màn” để chúng ta là người trần mắt thịt có thể nhìn thấy Ngài. Trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ mình cho ông Abraham và cho dân tộc Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để tiếp tục ngỏ lời với con người và để cho con người được gặp gỡ Thiên Chúa. Việc tỏ mình trong Cựu ước và mầu nhiệm Nhập thể thời Tân ước đều nói lên sự khiêm hạ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa khiêm hạ khi chấp nhận ký kết giao ước với con người. Thông thường, người ta ký kết những giao ước giữa hai người ngang hàng với nhau về quyền lực, về khả năng kinh tế hay về trình độ bằng cấp. Sách Sáng thế đã ghi lại giao ước giữa Thiên Chúa với Ông Abraham (Bài đọc I). Ông Abraham đại diện cho cả nhân loại để ký kết giao ước với Chúa. Nội dung của giao ước là lòng trung tín của cả hai bên. Nếu Abraham và con cháu giữ lời giao ước và sống ngay thẳng đẹp lòng Thiên Chúa, thì Ngài sẽ làm cho dòng dõi của ông “đông như sao trên trời và như cát dưới biển”. Qua việc ký kết này, Thiên Chúa khiêm nhường, đã hạ mình trở thành đối tác của con người. Thiên Chúa cũng tự giới hạn mình để chấp thuận những ràng buộc với con người trong giao ước với họ. Lời giao ước này được truyền cho các thế hệ, và đã trở thành một công thức quen thuộc: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp....”
Sự khiêm nhường của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể qua chính Chúa Giêsu. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã hạ mình để sống thân phận thụ tạo. Khi mặc lấy thân phận con người, Người đã “ẩn mình đi”, đã giấu vinh quang của mình để sống như người phàm nhân. Thánh Luca kể lại sự kiện Chúa Giêsu tỏ vinh quang đích thực của Người cho các môn đệ (Bài Tin Mừng). Sự kiện này được gọi là “biến hình”, vì Chúa thay đổi hình dạng, không giống như thường ngày. Qua sự kiện biến hình này, ba môn đệ là Phêrô Gioan và Giacôbê được thấy vinh quang của Chúa. Các ông ngất ngây chiêm ngắm và không muốn rời những giây phút huy hoàng đó. Chúa Giêsu tỏ vinh quang huy hoàng để giúp các ông có quan niệm chính xác hơn về sứ vụ thiên sai của Người. Trước đó, Chúa Giêsu loan báo cho các ông biết, Người sẽ phải chịu khổ nạn, phải loại bỏ và sẽ bị giết chết (x. Lc 9,22). Trước sự lo lắng đến mức hoảng loạn này, Chúa đã biến hình để an ủi và khích lệ các ông, đồng thời khẳng định rằng: Người là Đấng quyền năng, có quyền trên sự sống và sự chết.

Sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu được khẳng định với hai chứng nhân. Ông Môisen và ông Elia là hai nhân vật quan trọng của Cựu ước. Ông Môisen tượng trưng cho Lề luật, ông Elia đại diện cho truyền thống Ngôn sứ. Chi tiết các tông đồ được thấy hai vị này đàm đạo với Chúa Giêsu, vào lúc Người biến hình, giúp các ông vững tin hơn vào sứ mạng của Thày mình. Trong Cựu ước, ông Môisen và ông Elia cũng đã phải trải qua nhiều thử thách gian nan trong khi thi hành sứ mạng, nay các tông đồ cũng phải đối diện với những nghịch cảnh, nếu muốn trung thành với Chúa để thi hành sứ vụ Người trao. Sự hiện diện của hai nhân vật quan trọng trong Cựu ước giúp các ông vững niềm xác tín ấy, đồng thời tự chuẩn bị cho mình để sẵn sàng đón nhận biến cố thập giá của Thày, cũng như gian nan mà họ sẽ gặp.
Thiên Chúa là Đấng khiêm hạ. Sự khiêm hạ của Ngài thể hiện nơi Đức Giêsu. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục khiêm nhường hiện diện âm thầm trong Bí tích Thánh Thể. Người cũng khiêm nhường hiện diện nơi những người nghèo khó và đau khổ, đến mức đồng hóa với họ, để rồi, ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa, ai xúc phạm họ là xúc phạm Chúa. Trong khi Thiên Chúa là Đấng cao cả tự nguyện hạ mình, thì con người vốn bản tính tội lỗi lại muốn kiêu ngạo. Câu chuyện ông Ađam bà Evà vẫn là câu chuyện của chúng ta hôm nay. Thánh Phaolô đã phê phán một số người tham lam, kiêu ngạo. Họ đam mê trần thế đến mức bỏ Chúa và coi cái bụng mình như một vị thần! Muốn trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô, mỗi chúng ta hãy tìm vinh quang Thiên Chúa chứ không phải vinh quang tạm thời. Sống giữa thế gian này, nhưng lòng chúng ta hướng về quê trời, để chờ đợi và đón chào Đức Giêsu Kitô trở lại. Sự kiện Đức Giêsu trở lại, cũng được gọi là ngày quang lâm, tức là Người sẽ đến trong vinh quang quyền uy, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Chính vì vậy, người tín hữu được mời gọi sống vững vàng, kiên trì trong gian nan, với xác tín rằng Chúa là Đấng quyền năng và nhân hậu (Bài đọc II).
Nếu vào thời Cựu ước, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với ông Abraham bằng của lễ toàn thiêu gồm bò, dê, cừu, chim gáy và bồ câu; thì vào thời sau hết, Thiên Chúa lại ký kết giao ước mới (hay là Tân ước) bằng chính máu Chúa Giêsu đổ ra trên Thập giá. Vì vậy chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại. Khi giới thiệu chân dung Đức Giêsu biến hình vinh quang, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay vừa khuyên chúng ta hãy sống khiêm nhường, vừa kêu gọi chúng ta hãy biến đổi chính mình để xứng đáng hơn với danh hiệu Kitô hữu. Biến đổi canh tân, đó chính là mục đích của hành trình Mùa Chay.
“Tôi tin chắc rằng tình yêu thương và sự khiêm nhường là những thành tựu cao nhất trong trường học của Đức Kitô và là minh chứng rõ ràng nhất rằng Ngài thực sự là Giáo sư của chúng ta”  (John Newton).
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15313-su-khiem-ha-cua-thien-chua-chua-nhat-ii-mua-chay-c-duc-tgm-giuse-vu-van-thien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Phương thế chiến thắng cám dỗ - Chúa nhật I mùa Chay C - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An


Phúc Âm: Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
Ðó là lời Chúa.



PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY 
Lc 4, 1-13
Tông huấn Hãy Vui mừng và Hân hoan - Gaudete et Exsultate, về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành vào đúng ngày lễ trọng kính thánh Giuse 19.3.2018 và sau đó được giới thiệu rộng rãi với mọi người trong cuộc họp báo vào ngày lễ Truyền tin 9.4.2018. Đây là tông huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau hai tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium, 24.11.2013) và Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, 19.3.2016). Tông huấn này có 5 chương với chương mở đầu là lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi bậc sống, trong đó Đức Thánh Cha cảnh báo về một vài sự hiểu lầm liên quan đến con đường nên thánh.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc nên thánh không phải là cái gì đó cao siêu, khác thường, nhưng được thực hiện trong cuộc sống bình thường, với tất cả những giới hạn và yếu hèn của con người. Ngài cũng đã chỉ ra rất nhiều con đường nên thánh và nhiều mẫu gương thánh thiện trong cuộc sống thường nhật.[1]
Tuy nhiên, con đường nên thánh không hề dễ tí nào, nó được nhắc đến như một cuộc chiến lâu dài chống lại ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ, với những chướng ngại do ma quỷ đặt ra.“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Nó đòi hỏi sức mạnh và can đảm để kháng cự những cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin mừng. Cuộc chiến đấu này cao đẹp bởi vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi lần Thiên Chúa chiến thắng trong cuộc đời của ta”.[2]
Để có thể chiến thắng trong trận chiến này, Tông huấn mời gọi các tín hữu phải biết tỉnh thức và phân định, không phải để khám phá xem ta có thể kiếm lợi thêm được những gì ở đời này, nhưng để biết được một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ?[3]


1. Ma quỷ là có thật
Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, ma quỷ không phải là một nhân vật huyền thoại nhưng có thật. “Hãy coi chừng ma quỷ! Ma quỷ có đó! Nó hành động trong bóng tối, thao túng tâm trí và ăn mòn con tim. Ma quỷ đang hiện diện đó! ngay cả trong thế kỷ XXI này. Anh chị em đừng ngây thơ.”[6].“Thật chính xác để tin chắc rằng quyền lực ác độc này đang hiện diện giữa chúng ta, nó cho chúng ta hiểu được sự dữ đôi khi lại có sức tàn phá đến như thế”. Và “chúng ta không nên nghĩ ma quỷ như một huyền thoại, một biểu tượng, một vai diễn, một nhân vật được phóng đại hay một ý tưởng. Sai lầm này khiến chúng ta mất cảnh giác, bất cẩn, không đề phòng và kết cuộc dễ bị tấn công hơn.”[7]
Thật vậy, ma quỷ là có thật, và chúng ta đang chứng kiến sự hủy hoại đến mức kinh khủng của nó đang diễn ra từng ngày trong thế giới hôm nay. “Đã quá đủ khi mở tờ tạp chí, chúng ta thấy sự dữ đang hiện diện xung quanh chúng ta, “thần dữ” đang hoạt động tích cực”.[8] Truyền thống Kinh thánh và Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta thấy sự hiện diện rõ ràng và những hoạt động đầy mưu mô của ma quỷ trong thế gian.[9] “Ma quỷ không nhất thiết phải chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, ghen ghét, thất vọng và trụy lạc”.[10] Khi chúng ta khước từ mọi thứ bảo vệ mình, ma quỷ sẽ tấn công để phá hủy cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta. “Chúng như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).[11]
2. Cám dỗ của ma quỷ
Trong bài giảng sáng thứ sáu ngày 13/10/2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến các hành động cám dỗ của ma quỷ, rất ngọt ngào và quyến rũ; nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: “gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự”; nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục; nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó.[13] Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.”
Ma quỷ không bao giờ biến mất vĩnh viễn, cho đến ngày tận thế, nó luôn tìm mọi cách để chống lại chúng ta. Mục tiêu của nó là làm cho chúng ta mất niềm hy vọng, hằng ngày gieo hạt giống bi quan và cay đắng trong tâm hồn chúng ta; nó cũng là kẻ gieo cỏ lùng để tạo nên sự chia rẽ. “Có một cám dỗ mà quỷ rất thích: cám dỗ chống sự hiệp nhất […] tạo ra chiến tranh nội bộ, một loại chiến tranh dân sự và tinh thần”… Satan là tên khuyến dụ, người đặt bẫy và người quyến rũ: “Nó khéo léo, trình bày mọi chuyện theo kiểu những chuyện này là tốt, nhưng chủ ý của nó là muốn hủy hoại tất cả.”[14]
Hành động của ma quỷ thể hiện chủ yếu trong “tinh thần bại hoại”, đó là một loại chất độc tồn tại nơi con người cốt yếu để làm u mê các giác quan thiêng liêng. Tinh thần bại hoại được diễn tả trong sự uể oải và buồn bã; trong tăm tối của cái nhìn thiêng liêng, không còn khả năng để thấy sự dữ cũng như không thể chống lại nó. Hay nói cách khác, tinh thần bại hoại là sự trì trệ và thất bại không thể tránh được trong cuộc chiến hướng đến sự thánh thiện.“Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!”[15]. Không còn nghi ngờ gì nữa vì cuộc sống chúng ta phải đối mặt với cám dỗ của ma quỷ và trong nhiều trường hợp chúng ta ngập ngừng trước những thử thách. Lời Chúa rõ ràng mời gọi ta “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của Ác Thần” (Ep 6,16).[16]
Chúng ta đang sống trong một thế giới chất đầy những khủng hoảng về đời sống đức tin và luân lý, cùng với những học thuyết lọc lừa, dối trá, khiến lắm người ngây ngất trong lầm lạc, đặc biệt “nhiều người trẻ có những nỗi lo sợ và có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo”.[49] Đối mặt với những cám dỗ của “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, khép mình trong vỏ sò, nghiện ngập, cố chấp, rập khuôn, giáo điều, sống trong quá khứ, bi quan, nấp dưới các luật lệ và quy tắc”[50]; đối mặt với “một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay”[51].


3. Phương thế chiến thắng cám dỗ
Sách Giáo lý Hội thánh bảo đảm rằng: “Sức mạnh của satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa.”[12]
Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn mọi kitô hữu phải biết phân định và bảo vệ tâm hồn mình để phân biệt đâu là những gì đến từ Thiên Chúa và đâu là những gì xuất phát từ các tiên tri giả. Thật vậy, phân định là phương tiện nhằm giúp họ tìm ra những cách thế vốn có để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của họ.[52]
Để đạt được điều đó điều cần thiết nơi mỗi người tín hữu là biết ở lại trong Chúa Giêsu bằng cách mở cửa lòng mình cho Ngài. Nhất là noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.
a. Lời Chúa
Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỷ đưa ra một chước cám dỗ thì Ngài lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa. (Lc 4,5)
- Có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người. (Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi. (Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39b); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.


b. Ăn chay cầu nguyện
Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta!
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời. Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.
Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An


Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan. 
Cầu xin cho mỗi người chúng con biết noi gương Chúa để đối chọi với những cám dỗ trong đời sống thường ngày của chúng con. Amen.
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15288-phuong-the-chien-thang-cam-do-chua-nhat-i-mua-chay-c-lm-giuse-nguyen-huu-an.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

QUẢ VÀ CÂY - SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VIII TN - NĂM C 3-3-2019



Lc 6: 39-45

Bài suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên:
Mỗi người sống ở đời đều được Thiên Chúa trao ban một sứ mạng. Trường thọ hay đoản thọ, giàu có hay nghèo nàn, sống ở thành phố hay thôn quê, mỗi chúng ta đều phải chu toàn sứ mạng đó. Nếu cuộc đời này được sánh ví như một thửa vườn, thì mỗi chúng ta là một cây Thiên Chúa trồng trong đó. Dù mọc ở miền đất nào, cây phải sinh hoa kết trái và đem hương sắc cho đời. Trong cuộc sống có những người lười biếng không chu toàn sứ mạng được trao. Trong vườn đời, cũng có những cây cằn cỗi, không sinh hoa trái. Cũng như người chủ vườn luôn mong muốn mọi cây đều kết trái sinh hoa, Chúa cũng muốn cho đời sống của chúng ta đem lại phúc đức dồi dào. Sinh hoa trái và kiên tâm bền vững là điều Chúa Giêsu kỳ vọng nơi người môn đệ: “Chính Thày đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại...” (Ga 15,16).
Người mù không thể dắt được người mù
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tổng hợp những lời giảng dạy của Chúa Giêsu ở nhiều dịp khác nhau. Tất cả đều nhấn mạnh đến những đức tính cần thiết để giúp chúng ta nên hoàn thiện giữa cuộc sống bon chen tính toán hằng ngày.
Trước hết, Chúa mời gọi mỗi người phải cố gắng hoàn thiện bản thân, trước khi giúp đỡ người khác hoàn thiện. Người mù không thể dắt được người mù. Bản thân mình còn yếu kém không thể dạy dỗ người khác. Cái rác và cái xà là hai vật chênh lệch rất lớn. Cái rác thì rất nhỏ bé và nhẹ nhàng, trong khi cái xà thì to lớn và nặng nề. Từ sự chênh lệch này, Chúa muốn ám chỉ những người thường lên tiếng chỉ trích người khác dựa vào những lỗi lầm nhỏ mọn, trong khi bản thân mình đang mắc những lỗi lầm nghiêm trọng. Sửa lỗi cho anh em là một trong những hành vi của đức bác ái. Tuy vậy, nó cũng phải thể hiện trong đức bác ái, để không làm tổn thương người khác.
Một khi chăm lo hoàn thiện bản thân, mỗi chúng ta sẽ rèn luyện và trau dồi các nhân đức. Đó chính là hoa trái thiêng liêng, nhờ ơn Chúa ban và với sự cộng tác của cá nhân. Hoa trái thiêng liêng mà Chúa nói ở đây, không phải là hình thức bóng bẩy giả tạo chóng phai tàn, nhưng là một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng, thể hiện qua việc làm cụ thể. “Xem quả biết cây”, người ta dựa vào những việc tốt lành ấy để đánh giá chúng ta. Người ta cũng dựa vào những việc tốt lành mà nhận ra chúng ta là con của Cha trên trời.
(Bài đọc I). Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, khi Người khẳng định: Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra". Trong những tội lỗi mà chúng ta phạm hằng ngày, phần lớn nhà những tội lỗi do lời nói. Có thể đó là lời xúc phạm, lời nói dối, lời vu khống, lời ca tụng mình quá đáng hoặc những ngôn từ lèo lái mưu mô nhằm trục lợi cá nhân. “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, cổ nhân đã nhận định như vậy. Cái lưỡi tuy nhỏ, nhưng gây bao tổn hại cho người khác, khi nó thiếu trung thực.
Người mù không thể dắt được người mù
Để lượng giá về tư cách của một cá nhân, người ta thường quan sát khi người đó gặp thử thách. Sách Huấn Ca dạy: “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính”. Chính trong thử thách, người ta hiểu rõ hơn về nhân cách của một con người, nhất là về lòng trung thành của họ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa” (Bài đọc II).
“Chính Thày đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại...”. Kitô hữu là người được Chúa sai vào lòng cuộc đời, để tỏa hương thánh thiện và đơm hoa bác ái. Mỗi phút giây trong cuộc sống đều đáng quý. Nếu biết trân trọng và nếu có thiện chí, thì mỗi phút giây ấy chúng ta đều có thể sinh hoa trái cho đời, nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp, nhân ái và yêu thương.
Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột
Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời
Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng
Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc (Khuyết danh)
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15238-qua-va-cay-chua-nhat-viii-thuong-nien-c-duc-tgm-giuse-vu-van-thien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường