Phúc Âm: Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
Ðó là lời Chúa.
PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
SUY NIỆM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Lc 4, 1-13
Tông huấn Hãy Vui mừng và Hân hoan - Gaudete et Exsultate, về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành vào đúng ngày lễ trọng kính thánh Giuse 19.3.2018 và sau đó được giới thiệu rộng rãi với mọi người trong cuộc họp báo vào ngày lễ Truyền tin 9.4.2018. Đây là tông huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau hai tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium, 24.11.2013) và Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, 19.3.2016). Tông huấn này có 5 chương với chương mở đầu là lời mời gọi nên thánh dành cho tất cả mọi bậc sống, trong đó Đức Thánh Cha cảnh báo về một vài sự hiểu lầm liên quan đến con đường nên thánh.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc nên thánh không phải là cái gì đó cao siêu, khác thường, nhưng được thực hiện trong cuộc sống bình thường, với tất cả những giới hạn và yếu hèn của con người. Ngài cũng đã chỉ ra rất nhiều con đường nên thánh và nhiều mẫu gương thánh thiện trong cuộc sống thường nhật.[1]
Tuy nhiên, con đường nên thánh không hề dễ tí nào, nó được nhắc đến như một cuộc chiến lâu dài chống lại ma quỷ, thủ lãnh của sự dữ, với những chướng ngại do ma quỷ đặt ra.“Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Nó đòi hỏi sức mạnh và can đảm để kháng cự những cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin mừng. Cuộc chiến đấu này cao đẹp bởi vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi lần Thiên Chúa chiến thắng trong cuộc đời của ta”.[2]
Để có thể chiến thắng trong trận chiến này, Tông huấn mời gọi các tín hữu phải biết tỉnh thức và phân định, không phải để khám phá xem ta có thể kiếm lợi thêm được những gì ở đời này, nhưng để biết được một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ?[3]
1. Ma quỷ là có thật
Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, ma quỷ không phải là một nhân vật huyền thoại nhưng có thật. “Hãy coi chừng ma quỷ! Ma quỷ có đó! Nó hành động trong bóng tối, thao túng tâm trí và ăn mòn con tim. Ma quỷ đang hiện diện đó! ngay cả trong thế kỷ XXI này. Anh chị em đừng ngây thơ.”[6].“Thật chính xác để tin chắc rằng quyền lực ác độc này đang hiện diện giữa chúng ta, nó cho chúng ta hiểu được sự dữ đôi khi lại có sức tàn phá đến như thế”. Và “chúng ta không nên nghĩ ma quỷ như một huyền thoại, một biểu tượng, một vai diễn, một nhân vật được phóng đại hay một ý tưởng. Sai lầm này khiến chúng ta mất cảnh giác, bất cẩn, không đề phòng và kết cuộc dễ bị tấn công hơn.”[7]
Thật vậy, ma quỷ là có thật, và chúng ta đang chứng kiến sự hủy hoại đến mức kinh khủng của nó đang diễn ra từng ngày trong thế giới hôm nay. “Đã quá đủ khi mở tờ tạp chí, chúng ta thấy sự dữ đang hiện diện xung quanh chúng ta, “thần dữ” đang hoạt động tích cực”.[8] Truyền thống Kinh thánh và Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta thấy sự hiện diện rõ ràng và những hoạt động đầy mưu mô của ma quỷ trong thế gian.[9] “Ma quỷ không nhất thiết phải chiếm hữu chúng ta, nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, ghen ghét, thất vọng và trụy lạc”.[10] Khi chúng ta khước từ mọi thứ bảo vệ mình, ma quỷ sẽ tấn công để phá hủy cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn của chúng ta. “Chúng như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).[11]
2. Cám dỗ của ma quỷ
Trong bài giảng sáng thứ sáu ngày 13/10/2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến các hành động cám dỗ của ma quỷ, rất ngọt ngào và quyến rũ; nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: “gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự”; nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục; nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó.[13] Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.”
Ma quỷ không bao giờ biến mất vĩnh viễn, cho đến ngày tận thế, nó luôn tìm mọi cách để chống lại chúng ta. Mục tiêu của nó là làm cho chúng ta mất niềm hy vọng, hằng ngày gieo hạt giống bi quan và cay đắng trong tâm hồn chúng ta; nó cũng là kẻ gieo cỏ lùng để tạo nên sự chia rẽ. “Có một cám dỗ mà quỷ rất thích: cám dỗ chống sự hiệp nhất […] tạo ra chiến tranh nội bộ, một loại chiến tranh dân sự và tinh thần”… Satan là tên khuyến dụ, người đặt bẫy và người quyến rũ: “Nó khéo léo, trình bày mọi chuyện theo kiểu những chuyện này là tốt, nhưng chủ ý của nó là muốn hủy hoại tất cả.”[14]
Hành động của ma quỷ thể hiện chủ yếu trong “tinh thần bại hoại”, đó là một loại chất độc tồn tại nơi con người cốt yếu để làm u mê các giác quan thiêng liêng. Tinh thần bại hoại được diễn tả trong sự uể oải và buồn bã; trong tăm tối của cái nhìn thiêng liêng, không còn khả năng để thấy sự dữ cũng như không thể chống lại nó. Hay nói cách khác, tinh thần bại hoại là sự trì trệ và thất bại không thể tránh được trong cuộc chiến hướng đến sự thánh thiện.“Sự hủ bại tinh thần còn tồi tệ hơn việc một người sa ngã phạm tội, vì đó là một thứ thoải mái và tự mãn mù lòa, chuyện gì cũng coi như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tìm mình khác rất tinh vi, vì “chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!”[15]. Không còn nghi ngờ gì nữa vì cuộc sống chúng ta phải đối mặt với cám dỗ của ma quỷ và trong nhiều trường hợp chúng ta ngập ngừng trước những thử thách. Lời Chúa rõ ràng mời gọi ta “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và “dập tắt mọi tên lửa của Ác Thần” (Ep 6,16).[16]
Chúng ta đang sống trong một thế giới chất đầy những khủng hoảng về đời sống đức tin và luân lý, cùng với những học thuyết lọc lừa, dối trá, khiến lắm người ngây ngất trong lầm lạc, đặc biệt “nhiều người trẻ có những nỗi lo sợ và có cảm tưởng mình phải sống khác với những gì trong thực tế, vì thế họ thấy cần phải thích ứng với kiểu mẫu giả tạo, sửa sang hình ảnh của mình, nấp sau những mặt nạ và căn tính giả tạo”.[49] Đối mặt với những cám dỗ của “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, khép mình trong vỏ sò, nghiện ngập, cố chấp, rập khuôn, giáo điều, sống trong quá khứ, bi quan, nấp dưới các luật lệ và quy tắc”[50]; đối mặt với “một cảm thức hoang mang, đôi khi bạo lực, gây phân tán và suy nhược; tính chất tiêu cực và bi lụy; tính tự mãn sinh ra từ chủ nghĩa tiêu thụ; xu hướng cá nhân chủ nghĩa; và tất cả những hình thức linh đạo thay thế chẳng liên quan gì tới Thiên Chúa và đang chi phối khung cảnh tôn giáo hiện nay”[51].
3. Phương thế chiến thắng cám dỗ
Sách Giáo lý Hội thánh bảo đảm rằng: “Sức mạnh của satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa.”[12]
Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn mọi kitô hữu phải biết phân định và bảo vệ tâm hồn mình để phân biệt đâu là những gì đến từ Thiên Chúa và đâu là những gì xuất phát từ các tiên tri giả. Thật vậy, phân định là phương tiện nhằm giúp họ tìm ra những cách thế vốn có để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của họ.[52]
Để đạt được điều đó điều cần thiết nơi mỗi người tín hữu là biết ở lại trong Chúa Giêsu bằng cách mở cửa lòng mình cho Ngài. Nhất là noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.
a. Lời Chúa
Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỷ đưa ra một chước cám dỗ thì Ngài lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa. (Lc 4,5)
- Có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người. (Lc 4,8)
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi. (Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39b); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
b. Ăn chay cầu nguyện
Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta!
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời. Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.
Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đã chiến đấu và đã chiến thắng cạm bẫy của Xatan.
Cầu xin cho mỗi người chúng con biết noi gương Chúa để đối chọi với những cám dỗ trong đời sống thường ngày của chúng con. Amen.
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15288-phuong-the-chien-thang-cam-do-chua-nhat-i-mua-chay-c-lm-giuse-nguyen-huu-an.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét