Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Các con hãy xin thì sẽ được - Lc 11, 5-13 - Thứ Năm tuần XXVII TN 12-10-2017



BÀI ĐỌC I: Ml 3,13 – 4,2a 
“Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa”.
Bài trích sách Tiên tri Malakhi.
Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: “Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu?” Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát”. Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: “Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người”. “Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả”, Chúa các đạo binh phán như vậy. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa.
1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
ALLELUIA: Lc 4, 18-19
All. All. – Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – All.
PHÚC ÂM: Lc 11, 5-13
“Các con hãy xin thì sẽ được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Đó là lời Chúa.
--------------------- 
Thứ Năm tuần XXVII TN, Lc 11, 5-13
 Cuộc sống hôm nay có nhiều thứ cho con người lựa chọn nên họ dễ dàng từ bỏ những gì khó khăn, không mang lại kết quả trước mắt. Thái độ thực dụng này có thể thấy cả trong đời sống cầu nguyện khi các tín hữu muốn Chúa thực hiện một cách mau chóng những gì họ cầu xin và theo cách thức họ nghĩ. Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cần kiên trì hơn trong cầu nguyện với trọn tâm tình vì tấm lòng cần tương xứng với của cho.
Điểm mới lạ trong Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay, là thử thách và kiên trì rất gần gũi với đời thường. Qua hình ảnh người hàng xóm có bạn đến trong đêm khuya: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”.
Chúa Giêsu khởi đi từ chính kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày nơi mỗi người: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?”. Vâng! đó là một sự thật hiển nhiên trong tình yêu cha con. Qua đó, chúng ta thấy được lời cầu xin của người thụ ân và của ban tặng của Đấng thi ân, có lẽ, cũng phần nào tương xứng với nhau. Quy chiếu vào kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giêsu không ngừng lặp lại lời mời gọi: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn ban ơn cho những ai kêu cầu Ngài. Như Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Chúa Giêsu minh họa điều Ngài nói qua câu chuyện người bạn quấy rầy, trong câu chuyện này có ba nhân vật: người đi lỡ đường, người bạn và người hàng xóm đã lên giường ngủ. Tương quan giữa ba nhân vật đáng kính phục, vì diễn tả nét đẹp của tình bạn và tình làng nghĩa xóm khi biết tương trợ lẫn nhau.
Vậy nếu: “Các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên Trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11, 13). Chúa ban Thánh Thần tức là ban sức mạnh của Ngài, chúng ta có được Chúa nghĩa là có tất cả. Tuy nhiên để có được điều này người xin cần có sự quảng đại trong nguyện cầu, cụ thể siêng năng tham dự Thánh Lễ với lòng sốt mến, thực tâm dâng những hy sinh, hãm mình, làm việc lành phúc đức,… và Thiên Chúa là Đấng sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngài rộng lòng ban ơn cho những ai chạy đến kêu xin Ngài.
Một đề tài mà Chúa Giêsu đưa ra rất thú vị, đề tài này làm cho người nghe phải suy nghĩ. Một đàng theo luật Do thái, là không được phép từ chối khách bộ hành khi họ gặp phải vấn nạn về cái đói cái khát, hay nói cách khác là sự hiếu khách. Apraham đã từng mời ba vị khách lỡ đường nghỉ dưới gốc cây để ông dọn bữa mời họ. Một đàng theo tập tục Palestin, khi trong nhà đã tắt đèn thì hiểu rằng họ không còn tiếp khách, hơn nữa khó khăn của chủ nhà là những thành viên trong gia đình đã ngủ, việc trỗi dậy lấy bánh sẽ đánh động cả nhà khi họ đã yên giấc.
          Chúa Giêsu gợi lên mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là tương quan cha con. Khi con cái xin cha điều gì thì người cha sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con mình xin cá lại cho nó con rắn…” (Lc 11, 11). Nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta. Thiên Chúa sẽ ban ơn theo cách của Ngài, nghĩa là theo ý Chúa chứ không theo ý chúng ta. Chúa ban cho chúng ta theo ý Chúa thì chắc chắn điều đó đẹp lòng Chúa và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không? Nếu Chúa ban theo ý chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ dễ kiêu căng, tự phụ để rồi ơn cứu độ của Chúa sẽ không đến với chúng ta.
Trong khi những thính giả của Chúa Giêsu đang chọn lựa đáp án nào cho hợp luật nhất thì chính Chúa Giêsu đã có đáp án làm họ ngỡ ngàng: “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó”. Một đáp án ra khỏi luật lệ, tập tục. Nhưng không dừng ở đó, Chúa Giêsu tiếp tục nhất sâu vào chủ đề: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta khi nói: cứ xin thì sẽ được? Cắc chắn không phải, Chúa Giêsu làm sao gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thật ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhậm lời. Nhưng vì lợi ích của chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa
Bài học dụ ngôn này là không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là kiên trì trong cầu nguyện, trong thực hành đạo. Đức tin của người Công giáo phải đạt tới tầm mức rằng: Lời thỉnh cầu với mục đích ngay lành, hẳn là không phải lúc nào cũng suông sẻ, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản lòng, buông suôi. Nhưng ở đây muốn cố võ cho sự chuyên chăm cầu nguyện, bởi Thiên Chúa biết rõ những gì chúng ta cần thiết và biết rõ lúc nào thì Ngài ban thương cho ta.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/kien-tri/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét