Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

QUÂN BÌNH SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG - Suy niệm Lời Chúa Lc 10, 38-42 ngày 10-10-2017

 Trang Tin Mừng Lc 10, 38-42 hôm nay trình thuật một cuộc đón tiếp khác – cuộc đón tiếp Đức Giêsu ở nhà chị em Macta và Maria – một cuộc đón tiếp không được chuẩn bị trước, không nhạc kèn, trống phách.
Trang Tin kể về câu chuyện của hai chị em Mácta và Maria trong tương quan với Chúa Giêsu, để rồi tưởng nghĩ ta nên suy nghĩ một chút về sự dung hòa giữa những xao động cuộc sống và sự “ngồi bên chân Chúa” của người môn đệ Chúa Giêsu. Và rồi trong cuộc sống, làm sao dung hòa giữa việc cầu nguyện và đời sống hoạt động tông đồ, nhất là bối cảnh xã hội hiện đại với những thách đố và cám dỗ của một cuộc sống luôn biến động thật đa dạng và thật hấp dẫn?
Cầu nguyện và hoạt động như 2 trục chính của bánh xe, làm sao dung hòa “bánh xe” vận hành của đời người một cách hiệu quả? Vòng bánh xe này không khéo sẽ bị phình-xẹp không thể vận hành tốt trong hành trình đức tin của người Kitô hữu.
Kinh nghiệm về đời sống sinh lý của từng cá thể, từng hơi thở: “hít vào –thở ra” của nội tại, cần thiết lắm phải có một sự quân bình nhất định để ít ra là kềm giữ một trạng thái bình yên cho tâm thức, và như thế mới giữ thân xác khỏe mạnh. Kinh nghiệm sống đạo cũng thế, chỉ có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình một khi họ biết bám rể sâu trong đời sống cầu nguyện, vì những ai ở trong Giêsu và Giêsu ở trong họ, họ có thể toát lên một sức thuyết phục kỳ lạ “hữu xạ tự nhiên hương”.
Một khi nền tảng chiều sâu nội tâm hời hợt, thật khó có thể yêu thương và sống hòa hợp với tha nhân một cách chân thành.Vì thế, rất cần thiết cho người tông đồ thường xuyên nhìn lại những hoạt động phục vụ tông đồ: phục vụ vì mục đích gì? Kinh doanh? đánh bóng tên tuổi? vì chính đối tượng phục vụ hay bản thân v. v…?
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động dồn dập và dồn dập, lắm lúc tưởng chừng như muốn ngộp thở. Những khác biệt về công việc, thu nhập, vị trí, trách nhiệm, những thay đổi…làm cho mỗi người dễ rơi vào tình trạng so sánh, cảm thấy không hài lòng, bất an…Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng mà ngày nay hôm bao giờ hết người ta hay nói nhiều đến từ stress.
Cuộc đón tiếp Đức Giê-su và các môn đệ hôm nay chỉ có hai người: một người lo tiếp chuyện và một người tất bật lo nấu nướng phục vụ bữa ăn (ít nhất cho 13 người). Thật là thật là nhiêu khê và nan giải nhưng cũng thật là vinh dự cho hai chị em Macta và Maria. Tuy nhiên, có cái gì đó không ổn giữa hai chị em. Macta cảm thấy mình quá vất vả và bận rộn mà Maria thì lại ‘như cái gai trong mắt’ chẳng chịu làm gì cả, chỉ biết ngồi say sưa nghe Chúa nói chuyện – (Thật là bất công mà!) – Macta đã xin Chúa phân xử ‘cho vụ này’: “Thầy coi, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? (Macta trách Chúa rồi) Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (c.40). Đức Giêsu là một con người rất tinh tế, Ngài không chê tấm lòng, không phụ sự tất bật phục vụ của Macta, nhưng Ngài xác định “Maria đã chọn phần tốt nhất” phần mà “không ai có thể lấy mất được” (c.42).
Đã hẳn Chúa Giêsu không bao giờ chê bai công việc phục vụ. Vì Người đã nói: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Cả cuộc đời của Ngài dùng để phục vụ – phục vụ Thiên Chúa, phục vụ con người. Trong suốt 33 năm tại thế, Ngài đã sống 30 năm âm thầm, ẩn dật. Đây là 30 năm học hỏi, 30 năm của hiệp thông, kết hợp và nhận định ý Cha. Ngài chỉ dành 3 năm để rao giảng và chữa lành; để công khai thực thi sứ vụ Cha trao.
Và trong 3 năm này Ngài vẫn không thôi hiệp thông với Cha trong cầu nguyện. Ngài đã dành những thời gian rất riêng tư để trò chuyện, phân định và lãnh hội ý Cha, kín múc từ nơi Cha năng lực và sức mạnh cho những hoạt động của Người. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Ngài đã khẳng định với tên cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).
Và Ngài còn cho biết: “lương thực Ta dùng là thi hành thánh ý Chúa Cha” (Ga 4,34). Vì vậy, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa luôn là việc quan trọng hàng đầu; Vì đó là điều kiện tất yếu cho việc thực thi thánh ý của Người. Do đó, tư thế ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người của Maria là tư thế học hỏi của người môn đệ: lắng nghe và chiêm ngắm, để lời Chúa thấm vào tâm hồn, đi vào trái tim và chuyển thành hành động đã được Đức Giê-su khen ngợi ‘Maria chọn phần tốt nhất’. Phần Macta, bởi có lẽ thiếu sự lắng nghe Lời, nên có thể cũng thiếu đi lòng vị tha, thiếu sự tinh tế trong phần ‘tiếp khách’ (ai mà bỏ khách đó để chỉ đi lo công việc chứ?), mà có thể chỉ muốn khoe trương, trổ tài bếp núc, bực bội với Maria, trách Chúa; thành ra Macta đã chuyển mình thành trung tâm chú ý chứ không phải là Chúa. Hậu quả thật tai hại!
Trong cuộc sống, người ta thường lấy Macta và Maria làm biểu tượng cho hai mặt chiêm niệm và hoạt động (có dòng tu chuyên về chiêm niệm, có dòng tu chuyên hoạt động). Tuy nhiên, thực ra thì hai mặt chiêm niệm và hoạt động không thể tách rời nhau. Làm việc tông đồ mà không cầu nguyện, lắng nghe Chúa, thì công việc đó trở thành xác không hồn, đó là một thứ dịch vụ, một công việc tìm thỏa mãn hoặc hư danh cho chính bản thân. Những người ấy, dễ chán nản bỏ cuộc khi gặp thử thách, dễ tự ái và nhiều khi trở thành kẻ chống đối, phá hoại khi gặp trái ý hay bị xúc phạm….
Người cầu nguyện nhiều, nhưng không yêu thương, không muốn quan tâm đến tha nhân, không muốn phục vụ thì đó là một thứ đạo đức trá hình, một đức tin chết. Vì thế, cũng như tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đã được Đức Giê-su đặt làm quan trọng như nhau (x. Mt 22, 37 – 39), thì đời sống yêu mến gắn bó với Thiên Chúa qua cầu nguyện và đời sống yêu thương phục vụ tha nhân là một tương quan hai chiều không thể thiếu bất cứ bên nào. Càng sống gắn bó, yêu mến Thiên Chúa, người môn đệ đích thực của Đức Giê-su càng khát khao phục vụ Người qua tha nhân; đồng thời qua đời sống phục vụ yêu thương anh em, người môn đệ mang những nỗi đau thương, cùng khốn của cuộc đời trao vào tay Thiên Chúa để Người băng bó những thương tích và chữa lành.
          Nói đến nhân chứng cụ thể về cuộc sống tông đồ và cầu nguyện hiện nay không thể quên được mẫu gương Mẹ Chân Phúc Têrêsa Calcutta. Một gương mẫu hết sức sống động trong việc sống đời sống nội tâm và hoạt động tông đồ, vì thế, cuộc đời Mẹ Thánh đã trổ sinh hoa trái đích thực. Phải chăng đây là một hình ảnh mà Chúa muốn dùng Mẹ Têrêsa như một lời nhắc nhủ cho con cái của Ngài phải biết sống thế nào trong một thế giới xao động hôm nay?
Huệ Minh.
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/quan-binh-suy-nghi-va-hanh-dong/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------- 
VÀI HÌNH ẢNH PHỤC VỤ
NGÀY LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ
XÂY DỰNG NHÀ THỜ PLEI JƠDRÂP,
GIÁO PHẬN KON TUM 6 & 7/10/2017


 Cha Chính xứ Vinh Sơn khai mạc Đêm Hoan Ca 6/10/2017
 Suốt đêm 6/10/2017, Nhóm ACE tích cực chuẩn bị các món ăn cho bữa tiệc trưa 7/10/2017 cho hàng ngàn thực khách

Ảnh: MTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét