Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

21/09 - Mừng Lễ Kính Thánh Mattêô, Tông đồ Thánh sử

Viết bởi **   
 

Ít có ai chuộng người thu thuế. Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối. Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do Thái chấp nhận, vì họ làm việc cho lương dân.
Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại ra khỏi xã hội. Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường ý kiến của dân chúng.
Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế. Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và là địa bàn của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: “Hãy theo Ta” và ông đứng dậy đi theo Ngài” ( Mc 2,14)

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t). Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113). Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t). Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ.
Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêô và Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau. Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Matthêô theo tiếng Aram có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6,25t). Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20).
Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô. Simon và Anrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa. Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quĩ của nhóm (Ga 13,29).

Sau khi được gọi, Matthêô không còn được nhắc đến trong Tân Ước ngoài việc để lại tên trong danh sách các vị tông đồ. Chúng ta có được một câu văn của Giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài” (Eusebiô lịch sử Giáo hội III,39).
Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aram cho người Do thái trở lại. Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo thánh Matthêô”. Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha. Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.
Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mc và Lc hay như thuế đền thờ…

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa:

- “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13,52).
- Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo Hội ưa chuộng. Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24,265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta lưỡng lự giữa những truyền thống khác nhau.
Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ. Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, những ý kiến cũng không được đồng nhất. Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ. Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Thánh sử Matthêô đã để lại cho chúng ta gương sáng về cuộc đổi đời, sự thay đổi tận căn. Ước gì chúng ta cũng biết để cho ơn Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta.

http://danchuahiepthong.com/index.php?option=com_content&view=article&id=7373:2109-thanh-mattheo-tong--thanh-s&catid=91:truyn-cac-thanh&Itemid=537

Thánh sử Matthêô đã để lại cho chúng ta gương sáng về cuộc đổi đời, sự thay đổi tận căn
Lạy Chúa, xin giúp biến đổi tận căn đời sống và tư tưởng của chúng con theo đường lối của Chúa, như Chúa đã kêu gọi Lêvi, người thu thuế tội lỗi, trở thành vị Tông đồ Thánh sử làm chứng nhân rạng ngời cho Nước Chúa. A men

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét