Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

“Hãy theo tôi” Mt 8: 18-22 - 01-7-2019 Thứ Hai Tuần 13 TN



Lời Chúa: Mt 8: 18-22

Thấy  xung quanh có đám đông, Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “ Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đức Giêsu trả lời: “ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Một môn đệ khác thưa với Người : “ Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Đức Giêsu bảo “ Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”




Suy Niệm 1: CÁI GIÁ CỦA SỰ THEO THẦY - Huệ Minh
 
Trang Tin Mừng ta vừa nghe thật ngắn ngủi nhưng chứa đựng sứ điệp quan trọng và phác họa hướng sống nền tảng cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, muốn làm môn đệ Ngài. Sứ điệp và hướng sống ấy biểu hiện khá rõ nơi bản văn:

Trước hết, với khẳng định con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu, Chúa Giêsu mở ra viễn ảnh cuộc sống người môn đệ: không vinh vang hoặc dư tràn lợi lộc, nhưng là sự nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ và thiệt thòi.

Kế đến, qua mệnh lệnh dứt khoát hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải chọn làm điều tốt Chúa muốn anh làm, chọn việc của Chúa ; không làm điều anh muốn (cho dù đó là việc rất tốt), không chọn việc cho Chúa.

Ta thấy Chúa nhắc cho ông biết cái giá phải trả để đi theo Ngài làm môn đệ. Đó là cuộc sống bấp bênh, lang thang, nay đây mai đó. Trên bước đường rao giảng, Đức Giêsu sống như kẻ vô gia cư. Ngài tạm trú ở nơi nhà của người mở lòng đón nhận. Chẳng rõ sau câu trả lời thẳng thắn của Đức Giêsu, vị kinh sư có còn muốn theo Ngài nữa không?

Và ta thấy Chúa không đưa ra một lối nào để đi, một điểm nào để đến. Câu trả lời của Ngài có vẻ chẳng ăn nhập gì: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu.” Thật ra, đó là bài “sát hạch”, Đức Giêsu không đưa ra một lời dụ dỗ kẹo ngọt; trái lại, đó là một thái độ từ bỏ để sống “khó nghèo” và siêu thoát. Vì thế, theo Thầy Giêsu không phải là đi đến chỗ này chỗ kia nhưng là theo một Con Người và sống rập theo mẫu của Người. 

Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ và tất cả những ai muốn theo Ngài một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn; Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào. Qua những đòi hỏi ấy, Chúa Giêsu muốn nhắc lại cho chúng ta giới răn cơ bản: mến Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Đây không phải là một điều không tuởng, cũng không phải là một lý tưởng cao vời, mà là một mệnh lệnh. Quả thật, con người chỉ thực sự đạt được ơn gọi làm người của mình, khi nó sống trọn vẹn cho Thiên Chúa; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi họ thuộc trọn về Chúa. Những việc làm như hy sinh, hãm mình, khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị, nếu chúng ta được thực thi như một cố gắng dốc cạn chính mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích cuộc đời người kitô hữu.

Chúa Giêsu xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa?

Có thể nói, sứ điệp và hướng sống trên quả là thách đố lớn cho những tâm hồn thiện chí. Thách đố là vì việc theo Chúa không phải là phương tiện để kiếm bạc tìm tiền, cũng chẳng phải là cái bệ để thăng quan tiến chức như lối suy tính phàm trần. Thách đố là vì việc báo hiếu là phải đạo làm con, là đáng làm, là cần làm, nhưng Chúa lại muốn kẻ theo Chúa phải biết dành chỗ ưu tiên cho việc khác.

Cũng như thách đố là để vượt qua, ? Nghi vấn này đẩy ta tìm hiểu sâu hơn về ơn gọi theo Chúa và chiêm suy kỹ hơn tác động của Chúa trong cuộc đời người môn đệ.

Đã hẳn Chúa luôn lên tiếng gọi và rất có thể Người hồi hộp chờ đợi lời đáp trả từ phía con người như trong câu chuyện chàng thanh niên giàu có (Mc 10, ...), nhưng Người cũng đã làm điều Người muốn như Người đã chụp bắt Saolô trên đường Đamas (x. Cv )

Biết bao lần nghe Lời Chúa, nôn nóng muốn thực thi Lời Chúa, nhưng chưa đủ: cần chờ đợi và lắng nghe thêm để xem Chúa muốn tôi làm gì, chứ không chỉ dừng lại ở việc nhận ra ước muốn của tôi. 

Và ta thấy xác tín của thánh Gioan tông đồ, người môn đệ cảm thấu hiểu sâu nghĩa tình thầy – trò sẽ giúp ta có cái nhìn đúng đắn hơn: không phải anh em đã chọn thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em (Ga). Không phải con người muốn định đoạt.

Vì đã chủ động gọi và chọn người Chúa muốn, nên Ngài đương nhiên có toàn quyền để cắt đặt và sai môn đệ ra đi (Ga ).

Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ, mà là một con người. Niềm tin của chúng ta thiết yếu không phải là một giáo điều, mà là một con người. Cuộc sống của chúng ta thiết yếu không phải là một chuỗi những cố gắng làm điều thiện tránh điều ác, mà là một con người. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng một giáo lý, mà đòi hỏi mọi người phải theo Ngài. Theo Ngài vô điều kiện, theo Ngài một cách dứt khoát.

Tin Mừng này cho thấy cái giá phải trả để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Có người xin đi theo Thầy khắp mọi nơi Thầy đi. Nhưng đi vào Vườn Dầu, đi lên Núi Sọ, ít người dám theo Thầy. Có người đã là môn đệ rồi, nhưng lại băn khoăn vì nghĩa vụ. Anh phải nghe được tiếng gọi mới của Thầy: “Hãy theo tôi” (c. 22). và đơn sơ đặt sứ mạng lên trên hết. Thân phận người môn đệ xưa nay đều giống nhau. Theo Thầy là phải chịu long đong, thiếu thốn, bị từ chối và bách hại, thậm chí phải chấp nhận cái chết. Nhưng hạnh phúc vẫn chờ họ, chỉ vì họ đã cùng thân phận với Thầy.

Huệ Minh

Suy niệm 2:
TỪ BỎ ĐỂ THEO CHÚA

“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
Sau khi chứng kiến những phép lạ chữa lành cho người phong cùi, người đầy tớ của viên đại đội trưởng và mẹ vợ ông Phêrô, liền có hai người xin đi theo Chúa Giêsu để làm môn đệ Người. Lời thỉnh nguyện chân thành của cả hai muốn Chúa Giêsu chấp nhận, nhưng Người lại muốn nhường sự quyết định ấy cho các ông tự lựa chọn khi nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).
Một con chồn mà không có cái hang ẩn nấp thì làm sao trốn tránh được trước sự tấn công của những con thú dữ khác. Một con chim mà không có tổ ấm thì làm sao sống sót trước bão táp phong ba. Một con người mà không có một mái ấm thì làm sao lớn lên và hoà nhập vào cuộc đời cách hoàn hảo.Thành thử, một cái hang đối với con chồn, một cái tổ với con chim và một chỗ gối đầu với con người là những nhu cầu tối thiểu. Nhưng, với Đức Giêsu, “Con Người không có chỗ tựa đầu”. Phải chăng đó là một đòi hỏi quá đáng đánh mất tính nhân bản? Không phải thế! Chúa Giêsu muốn nói đến bản năng tự nhiên của con người thích tìm kiếm sự thoải mái và tiện nghi. Tuy nhiên, người môn đệ muốn theo Chúa phải từ bỏ những sở thích tự nhiên theo kiểu thế gian đó. Vì chúng là những thứ nặng nề và cồng kềnh cản bước người môn đệ đi theo Chúa.

Đã nhiều lần ta hứa bỏ nhiều thứ thuộc về thế gian để quyết tâm theo Chúa hơn. Chẳng hạn như trong nghi thức Rửa Tội, Thêm Sức, ta hứa từ bỏ ma quỷ và những việc làm của chúng nhưng dần dần ta lại quay đầu trở lại với các việc làm và những con đường ấy. Lời Chúa hôm nay, một lần nữa nhắc nhở chúng ta nhìn lại con người của mình để chúng ta quyết tâm làm mới lại mình bằng cách buông bỏ những gì làm cản đường ta đến với Chúa.
Lạy Chúa, sống giữa một xã hội ưa chuộng lối sống hưởng thụ và tiện nghi, xin cho chúng con luôn biết chăm chú dõi nhìn theo Chúa, biết từ bỏ những gì cản đường ngăn lối chúng con đến với Chúa. Amen.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

--------------------------------------- 
VIDEO : Lời Chúa Mt 8, 18-22

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

CÂY TỐT THÌ SINH TRÁI TỐT (Mt 7, 15-20) - Thứ Tư Tuần 12 TN

Suy Niệm Lời Chúa: Thứ Tư Tuần XII Thường Niên

Lời Chúa: Mt 7,15-20
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: ‘Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao ? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”.
Suy niệm
HÃY TỰ HỎI: TÔI LÀ AI?
“Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng” (Mt 7,20).
Kinh nghiệm đời thường cho chúng ta thấy: Một cây dù tươi tốt, đẹp mắt, nhưng không đơm hoa kết trái, hoặc hoa trái xấu, thì sẽ bị chặt đi (x. Mt 3,10. 7,19; Lc 3,9), vì cây nào trái đó. Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc này để mời gọi chúng ta tránh lối sống giả hình và nỗ lực sống đúng tâm thế là con cái Thiên Chúa.
Giả hình là người sống không đúng sự thật về mình. Họ bao bọc bề ngoài bằng những hình thức của sự tốt lành thánh thiện, thậm chí làm một vài việc xem ra đạo đức trước mặt người đời, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ không có những điều đó (x. Mt 23,5). Bởi thế, những việc đạo đức này thường không bền lâu, không đưa đến sự sống thật, nhưng đưa đến sự chết. Đức Giêsu đã nhiều lần phê phán lối sống đó. Cụ thể hôm nay “Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé” (Mt 7,15). Đức Giêsu cảnh giác chúng ta đừng bị lừa bởi những kẻ giả hình, đừng theo lối sống đó, nhưng hãy sống là con cái Chúa.

Người Kitô hữu là con Thiên Chúa như lời thánh Gioan quả quyết “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Do đó, lẽ tự nhiên chúng ta là cây tốt, sinh trái tốt. Những hoa trái đó là: những tư tưởng, lời nói, việc làm… Nói chung cung cách sống của người Kitô hữu phải góp phần thăng tiến con người, xây dựng hòa bình và dẫn đưa con người tới Thiên Chúa. Tuy nhiên, một thực tế là không ít lần cung cách sống của ta vô tình hay hữu ý gây chia rẽ bất hòa, làm tổn thương tha nhân, và không dẫn đưa họ tới gần Chúa. Những người đầu tiên hứng chịu điều đó là chính những người yêu thương, gần gũi với ta nhất. Đó là: cha – mẹ, vợ – chồng, con cái… Bởi thế, chúng ta được mời gọi hãy đổi mới chính con người mình theo lời Chúa soi dẫn, hầu có thể sinh những hoa trái tốt lành, bởi “cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 7,19). Đồng thời, là con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy là những chứng nhân của Ngài: “Chính anh em là chứng nhân”(Lc 24,48). Lời chứng tin cậy nhất chính là một đời sống tốt lành thánh thiện. Chính khi đó, chúng ta thật sự được nhận biết là người thuộc về Đức Kitô, là con cái Thiên Chúa, vì “coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng” (Mt 7,20).
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì đã sinh ra con và cho con được làm con Chúa. Chúa muốn con luôn sống xứng hợp là người con của Chúa, để qua đó ngày càng thêm những người nhận biết Chúa và biết họ là con cái Chúa. Tuy nhiên, nhiều khi đời sống của con lại làm lu mờ hình ảnh Chúa, gây trở ngại cho tha nhân đến gần bên Chúa. Xin Chúa ban ơn để con có đủ khiêm tốn nhận biết những lỗi lầm trong cung cách sống của con, và xin giúp con luôn cảm nếm được sự hiện diện của Chúa trong mọi cảnh huống cuộc đời, hầu đời con thực sự là cây trái tốt mà Chúa đã gieo trồng giữa thế gian. Amen.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Cửa và đường đưa tới sự sống - Phút Suy Niệm Ngày Thứ Ba Tuần 12 TN


Suy Niệm Tin Mừng: Thứ Ba Tuần XII Thường Niên



Lời Chúa: Mt 7, 6. 12-14
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Ðó là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.



Suy niệm

“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (x. Mt 7,12)
“Cho” và “nhận” là hai hành động gắn liền với con người. Cuộc sống là chuỗi sâu kết những đón nhận và cho đi mỗi ngày. Không ai sống mà không nhận lãnh điều gì cũng như không ai keo kiệt đến nỗi chưa từng cho ai cái gì. “Cho” và “nhận” đặt chúng ta vào mối tương quan với người khác. Người nhận càng nhiều, khi ý thức được nó, sẽ thấy mình quá hạnh phúc vì được yêu. Người hay cho đi, theo thời gian, sẽ làm cho đời sống của mình được lớn lên và phong phú trong tương quan liên đới với tha nhân. Thánh Phaolô Tông đồ đã nói “cho thì có phúc hơn là nhận” (x.Cv 20,35). Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Thực tế, chúng ta đã nhận được rất nhiều điều tốt lành, cao quý từ lòng quảng đại của người khác, nhưng lại dễ keo kiệt, ích kỷ, không cho anh chị em mình những của tốt của lành, thậm chí gây đau khổ cho họ bằng điều xấu.
Động lực để người Kitô hữu có thể “cho nhiều” chính là tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương ban sự sống cho con người. Đặc biệt, Ngài đã trao ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Trong Người Con ấy chúng ta lãnh nhận sự sống thần linh qua hy tế Thánh giá và Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ mỗi ngày. Ý thức được mình đã đón nhận muôn hồng ân từ Chúa thúc đẩy chúng ta thông hiệp với anh chị em mình để cho họ thật nhiều điều tốt lành. Khởi đi từ những người thân thiết và quan trọng trong cuộc đời đến những người ta gặp gỡ hằng ngày. Điều tốt ấy thật đơn giản, đó là lời cầu nguyện, lời hỏi thăm, nụ cười, sự giúp đỡ, lời dạy bảo hay chia sẻ, những bông hoa, món quà nhỏ trong dịp lễ hay ngày kỷ niệm đặc biệt… Khi thực hiện được như vậy là chúng ta đang sống đức ái Kitô giáo theo lời dạy của Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).



Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, bài học yêu thương và tự hủy của Chúa con đã thuộc lòng. Do sự ích kỷ, “con đã nhận nhiều song cho chẳng bao nhiêu”. Nguyện xin Chúa dẫn con ra khỏi đường đời rộng thênh thang với ích kỷ cá nhân và hưởng thụ để dấn thân vào đường hẹp yêu thương và quảng đại. Amen.

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Thánh Thể dấu chỉ tình yêu - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô - Năm C



Ăn uống là nhu cầu tất yếu để cho sự tồn tại và phát triển thể xác của một con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa không những cho con người có thể xác mà còn có linh hồn, đó là điểm cơ bản để con người hơn hẳn các sinh vật khác. Đoạn Tin Mừng được chọn đọc Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, không những được ăn no nê mà còn dư thừa, đó là dấu chỉ Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nầy có liên hệ gì tới Bí Tích Thánh Thể, tới Mình Máu Thánh Chúa? Thưa đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại, và đây cũng là phép lạ công khai trước một số đông người. Từ năm chiếc bánh và hai con cá ban đầu biến thành lương thực, thực phẩm cung cấp cho trên năm ngàn người ăn mà vẫn còn dư thừa! Cách ghi chép của Thánh Luca về phép lạ này có thể so sánh với việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (x. Mt 26 và song song), như:
– Phép lạ xảy ra vào lúc ngày tàn; sau này Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể cũng vào lúc cuối ngày.
– Trong phép lạ này những hành động của Đức Giêsu như: cầm lấy bánh và cá đọc lời chúc tụng, bẻ ra, phân phát; sau này Đức Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể, Người cũng có những hành động giống như vậy.
Qua phép lạ hóa bánh, cá ra nhiều này và Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập. Đức Giêsu muốn nói lên, muốn dạy ta điều gì? Thưa qua đó cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu dành cho mọi người chúng ta và Chúa cũng đòi hỏi chúng ta cũng phải lấy tình người đối với nhau.

Trước hết, phép lạ nầy và Bí Tích Thánh Thể cho ta thấy dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã cứu chữa những ai cần được cứu chữa. Rồi khi trời đã xế chiều, rất có thể Người giải tán đám đông để họ tự túc đi vào các làng mạc gần đó để mua thức ăn cho khỏi bận tâm như lời đề nghị của các Tông Đồ. Thế nhưng chúng ta thấy Chúa không đồng ý với đề nghị này mà Người lo liệu cho họ có của ăn bằng phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.
Không những lo cho dân chúng được no đủ về thể xác, mà quan trọng hơn bằng việc tự hiến bản thân của mình để ban của ăn thiêng liêng cho loài người. Vì Người là Đấng quyền năng, có thể dùng những phương thức khác để nuôi sống linh hồn con người, nhưng Người đã chọn con đường tự hiến máu thịt của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Tình thương của Người dành cho chúng ta không những một lần thôi, mà mỗi khi Thánh Lễ được cử hành là tái diễn việc hy sinh của Đức Giêsu, và hiệu quả của việc hy sinh này tiếp tục được thực hiện, như lời Đức Giêsu đã hứa: Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời(x. Ga 6,51-58).
Kế đến, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều và Bí Tích Thánh Thể còn là dấu chỉ tình yêu thương của con người phải có đối với nhau. Khi các Tông Đồ đề nghị giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn, thì chính Đức Giêsu đã nhắc nhở các ông: “Chính anh em, hãy cho họ ăn” (Ga 9,13). Vâng “chính anh em”, “chính các con” phải có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc cho anh chị em mình chứ không đợi một ai khác!
Rồi cảnh tượng bữa ăn lạ lùng thật vui, trên 5.000 người cùng chia sẻ lương thực thực phẩm với nhau. Một hình ảnh nói lên sự yêu thương và hợp nhất. Thật vậy, một buổi tiệc dù vui hay buồn (sinh nhật, cưới, tang…), thì những người tham dự cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, qua đó nói lên sự yêu thương, hợp nhất. Buổi ăn nơi hoang dã này càng đượm ý nghĩa hơn khi Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.
Bàn tiệc Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập dưới hình thức một bàn tiệc hiệp thông huynh đệ. Vì vậy, Thánh lễ, qua đó Bí Tích Thánh Thể được cử hành là bàn tiệc thánh, thiêng liêng, mọi người không phân biệt giai cấp, già trẻ, sang hèn… đều được mời gọi tham dự, chia sẻ. Thánh Phaolô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).
Như vậy quả thật Bí Tích Thánh Thể không chỉ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người mà còn là dấu chỉ của tình người cần phải có đối với nhau.

Nhân ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, và qua những suy nghĩ trên, chúng ta có quyết tâm gì?
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình Chúa, chúng ta phải siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ, để đáp trả tình yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời nhờ ơn Chúa giúp để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đời nầy và nhất là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời.
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình người, mỗi chúng ta phải cố gắng sống yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Không phải chúng ta chỉ hiệp nhất và yêu thương trong việc thờ phượng Chúa, trong Thánh lễ… mà còn phải thực sự hiệp nhất và yêu thương nhau trong cuộc sống. Đức Giêsu phán: “Anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), chắc hẳn Chúa không chỉ muốn chúng ta chỉ cử hành lại Bí Tích Thánh Thể mà thôi, mà còn muốn chúng ta yêu thương, giúp đỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ theo gương của Người. Bởi đời ta là Thánh lễ nối dài và như lệnh truyền của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Nguyện danh Cha vinh hiển (Mt 6, 7-15) - Thứ Năm Tuần XI TN


Lời Chúa: Mt 6,7-15
Một hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
 xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
 ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con,
 như chúng con cũng tha
 cho những người có lỗi với chúng con ;
13  xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
 nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

 Suy Niệm
Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết :
“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
nhưng cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều còn dang dở…  
   
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười và nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
Nếu đời sống con cái của Chúa
Cứ tiếp tục y như cũ?

Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa
Trở nên máu thịt của chúng con,
Trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó
Lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
Và đòi buộc chúng con,
Làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,
Sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
Bình an sâu xa,
Thứ bình an khác hẳn,
Đó là bình an của Chúa.

(Helder Camara)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường