Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Suy niệm Lời Chúa "HÃY YÊU K.Ẻ T.H.Ù" (Mt 5, 43-48) Thứ Ba Tuần XI TN




Tìm hiểu TM Mt 5,43-48: “Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?

Bản văn Mt 5,43-48 (NPD/CGKPV)
Đức Giê-su nói với các môn đệ: 43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”



Dẫn nhập:
Có người tự hỏi: Làm thế nào có thể “yêu kẻ thù” là người đã gây ra tai hoạ cho mình và cho người khác? Hơn nữa, yêu thương những người ruột thịt của mình đã là khó, làm sao có thể “yêu kẻ thù” được? Điều này đúng khi đứng trên bình diện trần thế. Trong khi đó, lời dạy “yêu kẻ thù” trong Mt 5,44 được đặt trên bình diện lòng tin. “Yêu kẻ thù” vừa là lời dạy của Đức Giê-su, vừa là cách thể hiện mình là môn đệ, vừa là điều kiện để trở nên con cái của Cha trên trời, bằng cách hoạ lại tình thương của Người.
Có thể nói, Đức Giê-su không thể đòi buộc các môn đệ điều mà họ không có khả năng thực hiện. Ở đây sự “thực hiện” cần hiểu trong mạch văn. Chẳng hạn, đã là con người thì làm sao có thể hoàn thiện như Cha trên trời được? Tại sao Đức Giê-su lại nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Câu này muốn nói với các môn đệ điều gì? Điều quan trọng trong câu này là “TRỞ NÊN HOÀN THIỆN NHƯ…”, chứ không phải là “HOÀN THIỆN NHƯ…” Có thể ý của mạch văn là Đức Giê-su mở ra một con đường, một hướng đi, một cách sống để các môn đệ bước đi, tiến về phía Đức Giê-su đã mở ra. Dù biết rằng suốt cả đời mình vẫn không thực hiện được trọn vẹn lời mời gọi đó, tuy vậy, người môn đệ vẫn bước đi vì đó là con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Bài viết này sẽ đặt đề tài “yêu kẻ thù” trong bối cảnh Tin Mừng Mát-thêu để tìm hiểu ý nghĩa giáo huấn của Đức Giê-su qua các mục sau:
1. Luật “yêu người thân cận và ghét kẻ thù”
2. “Yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm
3. “Kẻ thù” là ai?
a. “Kẻ thù” (ekhthros) có thể là người nhà
b. “Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch
c. “Kẻ thù” (ekhthros) là quỷ
4. “Yêu kẻ thù” là yêu ai?
a. Yêu thương kẻ chống lại niềm tin của mình
b. Yêu thương kẻ thù nghịch vì xung đột quyền lợi
5. “Yêu kẻ thù” là yêu như thế nào?
a. “Yêu kẻ thù” là yêu người người thân cận
b. “Yêu kẻ thù” là hoạ lại tình yêu của Cha trên trời
c. “Yêu kẻ thù” là tin tình yêu sẽ chiến thắng hận thù
d. “Yêu kẻ thù” là cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình  
e. “Yêu kẻ thù” là hành động đức tin



SUY NIỆM:
1. Luật “yêu người thân cận và ghét kẻ thù”
Mt 5,43-48 là một phần của bài giảng trên núi trong Tin Mừng Mát-thêu, từ chương 5 đến chương 7. Nội dung Mt 5,43-48 nói lên điểm độc đáo trong giáo huấn của Đức Giê-su liên quan đến tình yêu. Người nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù” (5,43). Luật này có nguồn gốc ở đâu?
Sách Lê-vi dạy: “Yêu người thân cận (plêsion) như chính mình” (Lv 19,18), còn vế thứ hai: “Ghét kẻ thù” (Mt 5,43b) thì không thấy chỗ nào trong Kinh Thánh nói đến. Khi Đức Giê-su nối kết “yêu người thân cận” và “ghét kẻ thù” (Mt 5,43), có thể Người nhắc lại lời dạy truyền khẩu, chứ không được ghi trong Kinh Thánh. Trong tinh thần Cựu Ước, lời dạy trên có thể hiểu là “Hãy yêu người thân cận (plesion) còn kẻ thù thì được miễn.”
Để tìm hiểu ý nghĩa lời Đức Giê-su dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44), cần bàn đến cách hiểu cặp từ “yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm, trước khi tìm hiểu xem “kẻ thù là ai” trong Tin Mừng Mát-thêu.

2. “Yêu” và “ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm
Trong cách suy nghĩ của người Do Thái, cặp động từ “yêu – ghét” có thể hiểu theo nghĩa mạnh hay nghĩa giảm nhẹ. Tuỳ theo bối cảnh mạch văn, nghĩa mạnh của “yêu” là yêu thương, “ghét” là thù ghét. Theo nghĩa mạnh thì “yêu” và “ghét” đối lập với nhau. Nghĩa giảm nhẹ của cặp động từ “yêu – ghét” được hiểu: “ghét là yêu ít hơn” và ngược lại, “yêu ít hơn là ghét”. Ví dụ hai câu song song Mt 10,37 và
Lc 14,26 sau đây cho thấy nghĩa giảm nhẹ của cặp từ “yêu – ghét” trong Tin Mừng Nhất Lãm:
Đức Giê-su nói với các môn đệ ở Mt 10,37: “Ai yêu (ho philôn) cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu (ho philôn) con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su nói: “Ai đến với tôi mà không ghét (misei) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Trong khi Mát-thêu dùng động từ “thương mến, yêu mến” (phileô) để so sánh “tình yêu gia đình” và “tình yêu dành cho Đức Giê-su” (yêu thương người thân hơn Đức Giê-su thì không xứng với Người) thì Lu-ca lại dùng động từ “ghét” (miseô) để so sánh tương quan giữa “người môn đệ với Đức Giê-su” và “người môn đệ với gia đình mình” (làm môn đệ thì phải “ghét” người thân).
Song song giữa Mt 10,37 // Lc 14,26 cho phép hiểu động từ “ghét” (miseô) ở Lc 14,26 theo nghĩa giảm nhẹ. “Ghét” nghĩa là “thương ít hơn”. Tình thương mà Đức Giê-su so sánh ở đây được hiểu theo nghĩa thần học. Trở thành môn đệ Đức Giê-su và tin vào Người là lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa ban tặng ở đời này và đời sau. Vì thế, lựa chọn làm môn đệ Đức Giê-su được đặt lên trên tình cảm gia đình. Xem phân tích đề tài “yêu – ghét” trong tập sách: Yêu và ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần II, mục: “Yêu (Mt 10,37) - ghét (Lc 14,26)”, tr. 239-243 và mục: “Cách hiểu Sê-mít về ‘yêu – ghét’”, tr. 266-271.
Với hai nghĩa của cặp động từ “yêu – ghét” như trên, có thể hiểu lời Đức Giê-su ở Mt 5,43: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu người thân cận và hãy ghét kẻ thù” theo cả hai nghĩa của động từ “ghét”. Theo nghĩa mạnh “ghét” là “thù ghét” kẻ nghịch với mình đến mức muốn điều không tốt cho họ. Theo nghĩa nhẹ, có thể hiểu: Yêu thương người thân cận, còn kẻ thù thì không thương. Nghĩa là “Hãy yêu người thân cận còn kẻ thù thì được miễn” như đã nói ở trên.
Để “yêu kẻ thù” như Đức Giê-su dạy, cần trả lời câu hỏi: “Kẻ thù là ai?” Theo nghĩa chữ, “kẻ thù” là kẻ đối nghịch, là kẻ muốn làm hại ta. Tuy nhiên, quan sát cách dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) trong Tin Mừng Mát-thêu sẽ giúp xác định rõ hơn khuôn mặt của “kẻ thù”.

3. “Kẻ thù” là ai?
Trong đoạn văn Mt 5,43-48, từ “kẻ thù” (ekhthros) xuất hiện 2 lần (5,43.44). Tiếng Hy Lạp “ekhthros” là tính từ dùng như danh từ. Tính từ “ekhthros” có nghĩa là “ghét”, “thù nghịch”, nếu dùng như danh từ thì có nghĩa là “người ghét”, “kẻ thù nghịch”, “kẻ thù”. Trong Tin Mừng Mát-thêu, tính từ “kẻ thù” (ekhthros) xuất hiện 7 lần, với ba nghĩa khác nhau.
a. “Kẻ thù” (ekhthros) có thể là người nhà
Đức Giê-su dạy các môn đệ ở Mt 10,34-36: “34 Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù (ekhthroi) của mình chính là người nhà.” Từ “ekhthros” (kẻ thù) ở đây hiểu là người không tin vào Đức Giê-su, người chống lại các môn đệ, cho dù đó là người trong gia đình.
Lời Đức Giê-su ở Mt 10,34-36 xem ra nghịch với lời mời gọi sống yêu thương, vì Người đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo (10,34), Người đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha… (10,35). Cần đặt lời này trong bối cảnh mạch văn. Trong đoạn văn dài (Mt 10,17-39) Đức Giê-su báo trước những cuộc bách hại sẽ xảy ra. Người nói với các môn đệ: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ” (Mt 10,17).
Trong hoàn cảnh bị bách hại, người môn đệ được mời gọi can đảm làm chứng về Đức Giê-su. Đây là lúc niềm tin có thể là nguyên nhân
gây chia rẽ và xung đột với người khác, ngay cả xung đột trong gia đình. Đức Giê-su nói: “21 Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét (miseô). Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,21-22). Lời Đức Giê-su nói: “Kẻ thù (ekhthroi) của mình chính là người nhà” (10,36) được đặt trong bối cảnh này. Như thế, theo Tin Mừng Mát-thêu, kẻ thù (ekhthros) có thể là người trong gia đình, những người quanh ta, trong trường hợp có sự xung đột về niềm tin.
b. “Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch
“Kẻ thù” (ekhthros) là quân thù, quân đối nghịch trong các cuộc chiến. Đức Giê-su trích lời vua Đa-vít trong Tv 110,1 ở Mt 22,44: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù (ekhthrous), Cha sẽ đặt dưới chân Con.”
“Kẻ thù” hay “địch thù” (ekhthros) trong câu này hiểu là những dân “thù nghịch” với dân Ít-ra-en. Từ “quân thù”, “thù nghịch” trong các cuộc chiến không hẳn là “thù ghét”, vấn đề là tranh chấp quyền lợi. Khi vua Đa-vít mở mang bờ cõi, đem quân đi đánh các dân lân cận, thì các dân ấy là “kẻ thù” của Ít-ra-en. Kẻ thù ở đây hiểu là kẻ đối
nghịch với mình, kẻ không về phe mình. Như thế, bên này là “kẻ thù” của bên kia và ngược lại.

c. “Kẻ thù” (ekhthros) là quỷ
Trong dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43), Đức Giê-su kể: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất…” (Mt 13,24-25). Khi về nhà, các môn đệ xin Đức Giê-su giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Người nói với họ: “37 Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù (ekhthros) đã gieo cỏ lùng là ma quỷ (diabolos)” (Mt 13,37-39a). Như thế, trong dụ ngôn cỏ lùng, hình ảnh “kẻ thù” (ekhthros) được dùng để chỉ “quỷ” (diabolos).
Tóm lại, Tin Mừng Mát-thêu dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) với 3 nghĩa: 1) Kẻ thù có thể là người nhà, khi họ không tin vào Đức Giê-su và chống lại các môn đệ của Người. 2) Kẻ thù là những kẻ đối nghịch trong chiến tranh, không nhất thiết là “thù ghét” và hai phe là “kẻ thù” của nhau. 3) “Kẻ thù” là “quỷ” (diabolos).

4. “Yêu kẻ thù” là yêu ai?
Tin Mừng Mát-thêu dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) để chỉ ba đối tượng như trên. Tuy nhiên, theo mạch văn, lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” chỉ áp dụng cho con người. Nên “yêu kẻ thù” không có nghĩa là “yêu quỷ”. Vậy, “yêu kẻ thù” là yêu loại “kẻ thù” thứ nhất (có thể là người trong nhà) và loại “kẻ thù” thứ hai (địch thù).
a) Yêu thương những kẻ chống lại niềm tin của mình
Theo nghĩa thứ nhất, kẻ thù có thể là người nhà hay người chung quanh ta, họ xung đột với ta về lòng tin. Họ có thể ghét ta, khi ta tin vào Đức Giê-su. Đối với những người này, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ  không thù ghét họ, mà vẫn dành tình thương cho họ. Biết đâu, vì một lý do nào đó, họ đã hiểu sai, hiểu lầm về giáo huấn của Đức Giê-su.
b) Yêu thương những kẻ thù nghịch vì xung đột quyền lợi.
Theo nghĩa thứ hai, kẻ thù có thể là những kẻ đối nghịch với ta về quyền lợi, đây là nguyên nhân các cuộc chiến tranh (hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng) và xung đột. Trong hoàn cảnh này, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ không “ghét họ”, vì làm như thế là góp phần tạo ra “kẻ thù”. Người môn đệ có quyền tự vệ chính đáng và đấu tranh cho sự công bằng, nhưng bằng con đường “yêu thương”. Đây là cách ứng xử của Đức Giê-su trong sứ vụ công khai của Người. Người thẳng thắn phê phán sự giả hình. Người không thỏa hiệp với tội lỗi, nhưng yêu thương tội nhân. Người đến để kêu gọi những người tội lỗi từ bỏ con đường tội lỗi để được sống. Nhờ tình thương, sự tôn trọng và thẳng thắn đối thoại, người môn đệ có thể làm cho con người hoán cải để cư xử với nhau bằng tình thương và sống với nhau như là con cái của Cha trên trời.
Phân tích vắn tắt trên đây cho thấy Tin Mừng Mát-thêu cho phép xác định ai là “kẻ thù” (ekhthros). Đức Giê-su mời gọi các môn đệ dùng tình thương để cư xử với những kẻ nghịch với mình, dù đó là “kẻ thù” vì xung đột niềm tin hay “kẻ thù” vì xung đột quyền lợi. Khi đã xác định đối tượng “kẻ thù” để yêu thương, phần tiếp theo sẽ tìm hiểu cách thức yêu thương “kẻ thù”.


5. “Yêu kẻ thù” là yêu như thế nào?
Mỗi người có thể tìm ra cách thức riêng để sống điều Đức Giê-su dạy cho phù hợp với khả năng và cá tính của mình. Ở đây xin trình bày một vài ý tưởng để làm cho lời mời gọi “yêu kẻ thù” không phải là quá khó. Những định nghĩa về “yêu kẻ thù” có thể giúp sống lời dạy của Đức Giê-su. Có thể nói “yêu kẻ thù” là yêu thương người thân cận; là hoạ lại tình yêu của Cha trên trời; là xác tín tình yêu sẽ chiến thắng hận thù; là cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình; và trên hết, “yêu kẻ thù” là hành động đức tin.

a. “Yêu kẻ thù” là “yêu người người thân cận”
Bài viết “Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh” đã cho thấy chiều kích mở rộng của điều răn “yêu thương người thân cận” trong Tân Ước. Theo truyền thống Cựu Ước, “yêu thương người thân cận” là yêu thương những người thuộc về dân Ít-ra-en, dân ngoại không phải là người thân cận của Ít-ra-en. Nhưng trong viễn cảnh giao ước mới, lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” có thể hiểu trong sự mở rộng định nghĩa “người thân cận” (plesion) của Cựu Ước. Thực vậy, Ki-tô giáo lấy lại “điều răn yêu thương người thân cận” trong Cựu Ước và mở rộng khái niệm “người thân cận” ra đến toàn thể nhân loại. Đối với người môn đệ Đức Giê-su, yêu thương người thân cận là yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo, kể cả kẻ thù và kẻ ngược đãi mình.
Giáo huấn của Đức Giê-su về “yêu kẻ thù” nằm trong viễn cảnh này. Vì kẻ thù là con người, nên họ cũng là “người thân cận” theo định nghĩa của Đức Giê-su (xem cách trả lời của Đức Giê-su về câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,30-35) ở mục II của bài viết: Ba điều răn yêu thương trong Kinh Thánh). 
            
b. “Yêu kẻ thù” là họa lại tình yêu của Cha trên trời
“Yêu kẻ thù” ở Mt 5,44 là tình yêu theo khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (5,45). Vì thế, “yêu kẻ thù” không phải là chạy theo kẻ thù để nói “tôi yêu anh yêu chị” mà là tôn trọng họ và tương quan với họ bằng lòng thương xót của Cha trên trời. Đức Giê-su mời gọi các môn đệ đối xử với kẻ thù, kẻ làm hại mình, bằng tấm lòng của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa đối xử với những kẻ thù nghịch với Người thế nào, thì các môn đệ cũng được mời gọi đối xử với “kẻ thù” của mình như thế. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Người không muốn người tội lỗi phải chết, phải hư mất. Người nói qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en như sau: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18,32).

c. “Yêu kẻ thù” là tin tình yêu sẽ chiến thắng hận thù
Vì yêu thương con người mà Thiên Chúa muốn con người được sống. Khi dạy các môn đệ: “Hãy yêu kẻ thù”, Đức Giê-su muốn đề cao nguyên lý: Chỉ có yêu thương và tha thứ mới giải thoát con người khỏi hận thù, chỉ có yêu thương mới đem lại sự sống cho con người.
Chính Đức Giê-su đã thực hiện điều đó trên thập giá bằng cách cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời cầu nguyện này là khuôn mẫu của “yêu kẻ thù”. Đến lượt phó tế Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh, thánh nhân đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Thái độ thẳng thắng và đầy lòng thương xót của Tê-pha-nô đối với những kẻ làm hại mình, như đã thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 6–7), là “yêu kẻ thù” theo lời Đức Giê-su dạy.

d. “Yêu kẻ thù” là “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình”  
Trong bối cảnh cộng đoàn các môn đệ bị bách hại, lời mời gọi của Đức Giê-su: “Yêu kẻ thù” và “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (5,44) vừa nối kết chặt chẽ với nhau, vừa soi sáng cho nhau. Có thể nói, “yêu kẻ thù” là “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” và ngược lại, “cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” là “yêu kẻ thù”.
Cụm từ “yêu kẻ thù” nối kết với “cầu nguyện cho  những kẻ ngược đãi” cho thấy lời dạy của Đức Giê-su đặt trong bối cảnh cộng đoàn đang bị ngược đãi, bị thù ghét. Cho dù sự ngược đãi đó đến từ trong gia đình hay từ bên ngoài, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy quảng đại yêu thương để họa lại lòng thương xót của Cha trên trời.


e. “Yêu kẻ thù” là hành động đức tin
Theo suy nghĩ bình thường, “yêu kẻ thù” là ngược với tình cảm tự nhiên của con người. Đức Giê-su mời gọi môn đệ của Người đi xa hơn lòng mến thông thường của “những người thu thuế” (5,46) và “những người ngoại” (5,47) để  trở nên con cái của Đấng yêu thương mọi người không loại trừ ai (5,45) và để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (5,48).
Đức Giê-su so sánh người môn đệ với “người thu thuế”, và “người ngoại”. “Người thu thuế” ở đây là người tội lỗi vào thời đó, họ là những người chưa tin vào Đức Giê-su. Còn “người ngoại” ám chỉ dân ngoại. So sánh như trên cho thấy cách yêu thương của người môn đệ Đức Giê-su là lời mời gọi thuộc lãnh vực đức tin. Cách yêu thương này trở thành dấu chỉ để phân biệt môn đệ Đức Giê-su với những người chưa tin.
Lời dạy “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” luôn là lời chất vấn người môn đệ trong cuộc sống hằng ngày. Có thể nói, “yêu kẻ thù” là một hành động đức tin, là sống lòng tin. Vì lời mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha trên trời vượt ra ngoài khả năng và sức lực con người, người môn đệ chỉ có thể sống điều đó nhờ niềm tin.
Khi mà con người không thể đạt được sự hoàn thiện như Cha trên trời thì lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” trở thành mục đích và lý tưởng của người môn đệ. Suốt cả cuộc đời người môn đệ sẽ hướng về đó, sẽ đi theo hướng đó, nghĩa là đi theo con đường mà Đức Giê-su đã vạch ra, dù biết rằng mình không bao giờ thực hiện được sự hoàn thiện này cách trọn vẹn.

 Hướng đi đã có, con đường đã sẵn, vấn đề là có dám lên đường, dám yêu thương, dám cậy trông và phó thác vào Cha trên trời hay không.
Vấn đề là có dám tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng hận thù hay không, cho dù có lúc sự dữ xem ra thắng thế, bóng tối lấn lướt ánh sáng, như lúc Đức Giê-su bị bắt và bị chết treo trên thập giá. Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó.


Kết luận
Phần trên đã tìm hiểu lời dạy của Đức Giê-su: “Hãy yêu kẻ thù” trong Mt 5,44 bằng cách phân tích cặp từ “yêu - ghét”. Trong cách suy nghĩ của người Do Thái (văn hóa Sê-mít), cặp động từ này được hiểu theo nghĩa mạnh và nghĩa giảm nhẹ. Kế đến là tìm hiểu cách dùng từ “kẻ thù” (ekhthros) trong Tin Mừng Mát-thêu, để từ đó trả lời hai câu hỏi: “Yêu kẻ thù” là yêu ai? Và “yêu kẻ thù” là yêu như thế nào? Đây là một đề tài phức tạp vì liên quan đến tình cảm yêu và ghét của con người. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Đức Giê-su mời gọi các môn đệ cư xử theo lòng thương xót của Cha trên trời. Người môn đệ đã được Cha yêu thương, hãy sống tình thương đó và làm nó lan toả đến mọi người.
“Yêu kẻ thù” luôn luôn là một thách đố của người môn đệ Đức Giê-su. Thiết nghĩ, để có thể bắt đầu “thực hiện” (LÀM) lời dạy “yêu kẻ thù”, người môn đệ có thể “KHÔNG LÀM” một số điều:
-   Không nuôi hận thù trong lòng mình.
-   Không để sự thù ghét hướng dẫn hành động của mình.
-   Không lên án “kẻ thù” hay “kẻ ngược đãi mình” vì biết đâu chính mình là nguyên nhân sâu xa của sự thù ghét.
-   Không tìm cách trả thù, vì khi trả được mối thù này, chính mình lại tạo ra mối thù khác.    
Không làm bốn điều trên đây là đã bước đầu sống lời Đức Giê-su dạy: “Yêu kẻ thù”. Khi “yêu thương kẻ thù” là dám tin tình yêu sẽ chiến thắng sự thù ghét. Trong thực tế cuộc sống, lòng mến và sự tha thứ là giải pháp tốt nhất để giải quyết hận thù và tranh chấp. Hơn nữa, lời Đức Giê-su dạy “yêu kẻ thù” không đặt trên bình diện trần thế mà đặt trên bình diện thần học và tâm linh: “Yêu kẻ thù” là một hành động biểu lộ đức tin. “Yêu kẻ thù” là cách xử sự của người môn đệ, là cách sống của con cái Cha trên trời. Chính Đức Giê-su đã chiến thắng sự thù ghét bằng tình yêu và Người mời gọi các môn đệ bước theo Người và sống như Người đã sống.
Dù khó khăn đến đâu đi nữa, lời dạy “yêu kẻ thù” của Đức Giê-su vẫn là đỉnh cao khát vọng của nhân loại: Mọi người biết sống yêu thương nhau và giải quyết các xung đột bằng con đường tôn trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đôi bên. Cách giải quyết này dựa trên khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời dành cho “kẻ xấu cũng như người tốt”, “người công chính cũng như kẻ bất chính”. Đây không phải là thứ tình yêu dung túng sự dữ, mà là tình yêu nhằm mục đích đem lại sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại./.

Ngày 17 tháng 06 năm 2011.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/06/tim-hieu-tm-mt-543-48-hay-yeu-ke-thu.html
Email: josleminhthong@gmail.com
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét