Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Thánh Thể dấu chỉ tình yêu - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô - Năm C



Ăn uống là nhu cầu tất yếu để cho sự tồn tại và phát triển thể xác của một con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa không những cho con người có thể xác mà còn có linh hồn, đó là điểm cơ bản để con người hơn hẳn các sinh vật khác. Đoạn Tin Mừng được chọn đọc Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, không những được ăn no nê mà còn dư thừa, đó là dấu chỉ Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều nầy có liên hệ gì tới Bí Tích Thánh Thể, tới Mình Máu Thánh Chúa? Thưa đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại, và đây cũng là phép lạ công khai trước một số đông người. Từ năm chiếc bánh và hai con cá ban đầu biến thành lương thực, thực phẩm cung cấp cho trên năm ngàn người ăn mà vẫn còn dư thừa! Cách ghi chép của Thánh Luca về phép lạ này có thể so sánh với việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (x. Mt 26 và song song), như:
– Phép lạ xảy ra vào lúc ngày tàn; sau này Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể cũng vào lúc cuối ngày.
– Trong phép lạ này những hành động của Đức Giêsu như: cầm lấy bánh và cá đọc lời chúc tụng, bẻ ra, phân phát; sau này Đức Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể, Người cũng có những hành động giống như vậy.
Qua phép lạ hóa bánh, cá ra nhiều này và Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập. Đức Giêsu muốn nói lên, muốn dạy ta điều gì? Thưa qua đó cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu dành cho mọi người chúng ta và Chúa cũng đòi hỏi chúng ta cũng phải lấy tình người đối với nhau.

Trước hết, phép lạ nầy và Bí Tích Thánh Thể cho ta thấy dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã cứu chữa những ai cần được cứu chữa. Rồi khi trời đã xế chiều, rất có thể Người giải tán đám đông để họ tự túc đi vào các làng mạc gần đó để mua thức ăn cho khỏi bận tâm như lời đề nghị của các Tông Đồ. Thế nhưng chúng ta thấy Chúa không đồng ý với đề nghị này mà Người lo liệu cho họ có của ăn bằng phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.
Không những lo cho dân chúng được no đủ về thể xác, mà quan trọng hơn bằng việc tự hiến bản thân của mình để ban của ăn thiêng liêng cho loài người. Vì Người là Đấng quyền năng, có thể dùng những phương thức khác để nuôi sống linh hồn con người, nhưng Người đã chọn con đường tự hiến máu thịt của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Tình thương của Người dành cho chúng ta không những một lần thôi, mà mỗi khi Thánh Lễ được cử hành là tái diễn việc hy sinh của Đức Giêsu, và hiệu quả của việc hy sinh này tiếp tục được thực hiện, như lời Đức Giêsu đã hứa: Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời(x. Ga 6,51-58).
Kế đến, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều và Bí Tích Thánh Thể còn là dấu chỉ tình yêu thương của con người phải có đối với nhau. Khi các Tông Đồ đề nghị giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn, thì chính Đức Giêsu đã nhắc nhở các ông: “Chính anh em, hãy cho họ ăn” (Ga 9,13). Vâng “chính anh em”, “chính các con” phải có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc cho anh chị em mình chứ không đợi một ai khác!
Rồi cảnh tượng bữa ăn lạ lùng thật vui, trên 5.000 người cùng chia sẻ lương thực thực phẩm với nhau. Một hình ảnh nói lên sự yêu thương và hợp nhất. Thật vậy, một buổi tiệc dù vui hay buồn (sinh nhật, cưới, tang…), thì những người tham dự cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, qua đó nói lên sự yêu thương, hợp nhất. Buổi ăn nơi hoang dã này càng đượm ý nghĩa hơn khi Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.
Bàn tiệc Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập dưới hình thức một bàn tiệc hiệp thông huynh đệ. Vì vậy, Thánh lễ, qua đó Bí Tích Thánh Thể được cử hành là bàn tiệc thánh, thiêng liêng, mọi người không phân biệt giai cấp, già trẻ, sang hèn… đều được mời gọi tham dự, chia sẻ. Thánh Phaolô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).
Như vậy quả thật Bí Tích Thánh Thể không chỉ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người mà còn là dấu chỉ của tình người cần phải có đối với nhau.

Nhân ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, và qua những suy nghĩ trên, chúng ta có quyết tâm gì?
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình Chúa, chúng ta phải siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ, để đáp trả tình yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời nhờ ơn Chúa giúp để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đời nầy và nhất là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời.
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình người, mỗi chúng ta phải cố gắng sống yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Không phải chúng ta chỉ hiệp nhất và yêu thương trong việc thờ phượng Chúa, trong Thánh lễ… mà còn phải thực sự hiệp nhất và yêu thương nhau trong cuộc sống. Đức Giêsu phán: “Anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), chắc hẳn Chúa không chỉ muốn chúng ta chỉ cử hành lại Bí Tích Thánh Thể mà thôi, mà còn muốn chúng ta yêu thương, giúp đỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ theo gương của Người. Bởi đời ta là Thánh lễ nối dài và như lệnh truyền của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét