Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Chim Bồ câu – biểu tượng truyền tin và hòa bình


Tàu Nô-ê (hay Noah) là con thuyền được nhắc đến ở chương 6 đến chương 9 của Sách Sáng thế (Sáng Thế Ký)trong Kinh Thánh. Văn bản đó mô tả việc ông Nô-ê đóng con tàu này là để tự cứu ông và gia đình, bảo tồn thế giới động vậtthực vật khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhận ra rằng, loài người càng sinh sôi nhiều thì họ càng phạm tội đến nỗi không thể cứu chữa. Thiên Chúa hối hận vì đã tạo ra loài người nên quyết định sẽ hủy diệt tất cả thế giới bằng trận đại hồng thủy. Tuy nhiên, Thiên Chúa thấy ông Nô-ê là người công chính nên không nỡ loại trừ cả ông. Thiên Chúa phán truyền cho ông Nô-ê:“Ngươi sẽ làm tàu thế này: chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên.” (Sáng Thế 6:15-16).
Ngoài ra, Thiên Chúa cũng hướng dẫn ông Nô-ê cách thức để sinh tồn và bảo tồn giống động thực vật trong tàu: “Trong mọi sinh vật, mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ngươi; phải có một con đực và một con cái. Trong mỗi loại chim, mỗi loại gia súc, mỗi loại vật bò dưới đất, mỗi loại một đôi sẽ đến với ngươi, để ngươi giữ cho chúng sống. Phần ngươi, hãy lấy mọi thứ ăn được và tích trữ cho mình; đó sẽ là lương thực của ngươi và của chúng.” (Sáng thế 6:19-21).

Sau trận lụt kinh hoàng, nước rút dần khỏi mặt đất thì ông Nô-ê thả một con chim bồ câu bay ra khỏi tàu xem tình hình bên ngoài. Lần thứ nhất, con bồ câu không tìm được chỗ đậu chân vì nước chưa rút, nên nó bay về lại tàu. Bảy ngày sau, con bồ câu lại được thả ra lần nữa, và lần này nó bay trở về, trên mỏ ngậm cành lá ô liu tươi. Ông Nô-ê biết là nước đã giảm xuống, các nhành cây đã nhô lên khỏi mặt nước mặt đất dần lộ ra vì Thiên Chúa đã thôi cơn thịnh nộ. Ông tiếp tục thả con bồ câu ra, lần này thì nó bay đi không quay trở về nữa. Giai đoạn này hình ảnh chim bồ câu ngậm cành ô liu chỉ có nghĩa là vùng đất an lành mà thôi.
Trận hồng thuỷ kéo dài 150 ngày, ngập chìm tất cả núi cao và nhà cửa, làm chết vô số người, chỉ riêng có gia đình Noe và các cặp đôi động vật là được an toàn, vô sự.

Đến những năm 30 thế kỷ XVII, ở châu Âu nổ ra một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm trời, làm cho châu Âu, đặc biệt là nhân dân Đức chìm trong đau thương trầm trọng. Thời bấy giờ, tại một số thành thị ở nước Đức, lưu hành một thứ khăn kỷ niệm, trên vẽ hình con chim bồ câu ngậm một nhành trám, phản ánh nguyện vọng mong chờ hoà bình của nhân dân, vì thế con chim bồ câu và nhánh trám đã tượng trưng cho hoà bình.
Năm 1940, quân Đức chiếm đóng thủ đô Pariscủa  nước Pháp, bọn chúng đến đâu là hàng loạt dân lương thiện ở đó bị giết hại. Một hôm nhà danh họa Pablo Picasso đang ngồi trầm tư trong phòng tranh. Bỗng cánh cửa bật mở, một ông già hàng xóm đem đến xác con chim bồ câu, vừa bước vào phòng vừa khóc vừa nói: “Đứa cháu tôi đang chơi với con chim câu, liền bị bọn phát xít bắn chết, cả con chim câu cũng bị chết theo. Ngài Picasso, tôi van ngài hãy vẽ cho tôi con chim câu, để kỷ niệm ngày đứa cháu tôi bị lũ phát xít giết hại”. Picasso vừa an ủi ông già đáng thương, vừa mang bút vẽ ngay con chim bồ câu. Năm 1949 nhà danh họa Pablo Picasso tặng bức tranh chim câu cho hội đồng Hòa Bình Thế Giới tạiParis, hình ảnh chim bồ câu ngậm cành lá trở thành biểu tượng của hòa bình từ đó. Cũng theo tính cách điệu của nghệ thuật như khi người ta vẽ trái táo đỏ tượng trưng cho “trái cấm” nguyên thủy thời ông Adam – người ta vẽ dấu chân chim bồ cây 3 nhánh thay vì vẽ nguyên con bồ câu cũng có ẩn ý như vậy.
Nhưng có một điều khác dựa vào ngôn ngữ học cũng có thể giải thích vấn đề này. Nhiều người trong chúng ta vẫn quen gọi “chim bồ câu” trong Anh ngữ là “Dove” mà chúng ta quên rằng “chim bồ câu” trong Anh ngữ theo cách gọi thông thường là “pigeon”. Bên cạnh đó, “Dove” trong Anh ngữ còn được chỉ đến “người đem tin mừng đến” hay “vị sứ giả của hòa bình”, “người yêu quí”…Như vậy, thứ nhất là vì vấn đề trùng âm tiết mà hình tượng “chim bồ câu” được “nhân cách hóa” theo hướng ngôn ngữ; và thứ hai là trong các thánh kinh, các sứ giả của Thượng đế, các thiên thần cánh trắng phần lớn là ở trong hình tượng của loài chim trắng cùng với những thuật ngữ “tin lành, tin mừng hay phúc âm”…nên “chim bồ câu” mới  có thể được xem như một biểu tượng “sứ giả của hòa bình”
Bồ câu đưa thư:

Bồ câu cũng đã đáp lễ con người từ xa xưa. Đó là một sự kỳ diệu của tạo hóa: bồ câu đưa thư. Chúng ta từng được biết chuyện bồ câu vượt ngàn dặm để đưa thư như tướng Trần Nguyên Hãn thời Lê Lợi chống quân Minh đã từng sử dụng bồ câu đưa thư vượt qua các vòng vây nghiêm ngặt của giặc. Mới đây, đọc tin trên báo Tuổi Trẻ, thật bất ngờ và thích thú khi được biết có một cuộc đua 410 km của bồ câu từ Bình Định về Tp. HCM: “… Ga Sài Gòn chiều 17/12/2010, 42 chú chim bồ câu được nhốt cẩn thận vào lồng, khóa lồng cũng được niêm phong, và theo chuyến tàu S6 chạy suốt đêm để đến ga Diêu Trì khi trời vừa sáng. Tại nhà ga của thị trấn trung tâm huyện Tuy Phước (Bình Định), những chú bồ câu sẽ bắt đầu hành trình vượt qua vùng phía nam miền Trung và Đông Nam Bộ để tìm về đích là những ngôi nhà của gia chủ tại Tp. HCM. (…) Đúng 15 giờ 20 chiều 18/12, “tay đua xám trống” (…) đã về nhất sau 8 giờ 55 phút chinh phục đường bay 410 km. (…) Ngay trong chiều 18/12, có thêm 2 bồ câu về tổ. Các chú bồ câu còn lại do trời tối đã nghỉ đêm đâu đó dọc đường và trong buổi sáng hôm sau đều đồng loạt bay về tổ ấm an toàn.
Để thực hiện cuộc đua này, chủ nhân của bồ câu đã cho bồ câu thử thách những chuyến đi xa và luyện khả năng nhớ đường về. Để bồ câu có thể đưa thư, người ta buộc thư vào chân nó tại điểm xuất phát, chở nó đến nơi nhận thư. Hành động đó lặp lại nhiều lần, bồ câu sẽ nhớ lộ trình. Do đâu mà bồ câu có khả năng kỳ diệu đó? Người ta đã giải thích về khả năng của bồ câu “đưa thư”, đại để là nhờ khứu giác bắt mùi, nhờ có hạt từ tính nơi mỏ nên nó có “la bàn” định vị,… Nói chung, giải thích nào cũng thiếu rốt ráo, và có lẽ ta chỉ bằng lòng với đáp án là ở năng lực kỳ diệu nơi chim bồ câu.
Thông điệp của hình tượng chim bồ câu không chỉ là hòa bình giữa con người với con người, mà là con người tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cuộc sống của chúng sinh, yêu cây cỏ, chim chóc, sinh vật. Yêu chim chóc, say mê tiếng hót, không phải là bắt chim về làm của riêng để làm đẹp cho nhà mình, để hót cho mình nghe trong cảnh giam cầm,  mà yêu chim tung cánh, yêu tiếng hót thênh thang, là tôn trọng tự do, là thích trời cao biển rộng. Yêu hòa bình, yêu tự do, và hòa bình đi đôi với tự do.
Biên soạn tổng hợp Wikipedia – Huy Hóa và các tài liệu khác
Đức Quảng