Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

TÌNH YÊU NHẬP THỂ (Lc 1, 39-45) - CN IV Mùa Vọng / C 23-12-2018



BÀI ĐỌC I: Mk 5, 2-5a (Hr 1-4a); Dt 10, 5-10; Lc 1, 39-45
TÌNH YÊU NHẬP THỂ
          Mở lại những trang Kinh Thánh, có lần qua môi miệng các ngôn sứ, Chúa đã phán: Tư tưởng và đường nẻo của Ta không phải tư tưởng và đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng sẽ cao hơn tư tưởng và đường lối của các ngươi bấy nhiêu.
          Trải qua dòng lịch sử, Ngài đã thực hiện đúng như thế. Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy, Đavít chỉ là một trẻ nhỏ đi chăn chiên tại Bêlem, thế nhưng Chúa đã chọn và đặt Đavít lên làm vua, chiến thắng được đạo quân hùng mạnh của Goliat và dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim.
          Trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia cũng vậy. Lúc bấy giờ ông mới chỉ là một em nhỏ còn nói cà lăm, thế nhưng Chúa đã chọn ông làm ngôn sứ để chuyển đạt thánh ý của Ngài cho toàn dân Do Thái.
          Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang. Khi chấp nhận làm người, Con Thiên Chúa cần một người mẹ. Ngài được thụ thai cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ, và Ngài đã lớn lên bình thường trong dạ mẹ. Dạ mẹ là mái nhà êm ấm đầu tiên, là Đền Thánh trước khi Con bước vào thế giới.

          Và rồi nhiều lần nhiều lúc ta cũng thấy Chúa đã hành động như vậy. Trước mặt người đời thì Đức Maria và bà Isave là hai người không có hy vọng sinh con. Đức Maria thì khấn giữ mình đồng trinh. Còn bà Elizabeth thì vừa son sẻ, lại vừa cao niên. Quan niệm dân Do Thái cũng giống như quan niệm của người Việt Nam ngày xưa, coi sự kiện đông con nhiều cháu là một phúc lành do trời trao ban vì thế trong những dịp đầu xuân năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau: đa tử đa tôn đa phú quý, đông con nhiều cháu và giàu sang. Bởi đó son sẻ và đồng trinh sẽ bị người đời cười chê, vì phải chăng đó là dấu bị Chúa chúc dữ? Phải chăng đó là dấu chỉ tương đường với sự chết bởi vì nếu chết là hết sống, thì son sẻ và đồng trinh là hết chuyển thông dòng sự sống.
          Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hòa chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.
          Bà Elizabeth đang có mang lần đầu tiên trong lúc tuổi già và bà biết nhờ thiên thần đã nói với Giacaria chồng bà rằng: “Người con trai của bà sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần từ trong lòng mẹ và người con đó sẽ đi trước Chúa để dọn đường cho Chúa”. Niềm vui đó tràn trề khi Maria chào bà, làm bà phải kêu lên trong hân hoan ngây ngất: “Bởi đâu mà tôi được diễm phúc là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi!”

          Nguyên nhân chính yếu của sự vui mừng hôm nay đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu, dầu Người mới tượng thai vài tuần trong lòng Mẹ Maria. Chúng ta có thể mở ngoặc một chút ở đây, để nhìn thấy sự kiện trong Phúc Âm hôm nay là một bằng chứng hùng hồn để tôn trọng đời sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Mới có vài tuần trong lòng Mẹ, Chúa Giêsu đã là Thiên Chúa thật, đã mang niềm vui đến cho mọi người nhất là đem ơn thánh hóa đến cho Gioan cũng còn trong lòng mẹ. Và rồi ta đặt trọng tâm suy niệm vào niềm vui được ơn cứu độ, niềm vui gặp được Chúa. Cùng với Elizabeth và Gioan ước gì chúng ta cảm thấy được niềm vui Chúa đến với chúng ta, và cùng với Mẹ Maria ước gì chúng ta biết đem niềm vui đến cho mọi người.
          Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người.
          Chính vì tình yêu vô biên phổ quát của Ngài, Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Nhưng hiện nay Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.

          Thiên Chúa muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta.
          Qua ta, Thiên Chúa muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.
          Cùng với Mẹ Maria, mỗi người chúng ta biết mở rộng lòng ra để đón nhận niềm vui đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và lên đường mang niềm vui ấy đến với những người xung quanh. Cầu mong cho tình liên đới hiệp thông giữa từng người trong chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ý nghĩa vì chính chúng ta cùng đón nhận và chia sẻ niềm vui đích thực, niềm vui Ngôi Hai Thiên Chúa trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới.
          Ta hãy mừng vui ngây ngất trước nhan Mẹ! Nhưng còn mừng vui hơn nữa trước một Thiên Chúa dám chọn con đường của phàm nhân để bắt liên lạc với nhân loại.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/tinh-yeu-nhap-the-3/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

ANH EM HÃY VUI LÊN! Suy niệm Tin Mừng Lc 3, 10-18 - CN III MÙA VỌNG C 16-12-2018


Phúc Âm: Lc 3, 10-18
"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
« Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! ...vì Chúa đã gần đến»
Bước vào Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta là : « Hãy tỉnh thức », thì Chúa nhật thứ III Mùa Vọng gọi là « Gaudete» Hãy vui lên, mời gọi chúng ta hãy vui mừng, tỉnh thức nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi : « Anh em hãy vui luôn trong Chúa...vì Chúa đã gần đến» (Ph 4,4-5). Với những lời trên của Thánh Phaolô Tông Đồ, Phụng vụ mời gọi chúng ta vui lên. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động của Chúa Giêsu.
Giờ đây ngày lễ Giáng Sinh của Chúa đã gần bên. Bước vào năm Đức Tin, Giáo Hội lấy làm của mình sứ điệp hy vọng và công bố cho mọi người biết, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta hãy đến kín múc lấy nguồn mạch ân sủng là chính chúa Giêsu Kitô, Ðấng vừa là Thiên Chúa-vừa là con người, Ðấng cứu chuộc con người và trung tâm của lịch sử.
Mùa Vọng là mùa của niềm vui, bởi vì khoảng khắc thời gian này làm cho con người sống lại sự kiện hạnh phúc nhất trong lịch sử khi chờ đợi Chúa đến đó là : sự ra đời của Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Vì biết rằng, Thiên Chúa không ở xa, nhưng rất gần gũi con người, Ngài không phải là không quan tâm, nhưng đầy lòng từ bi, Ngài không phải là một người lạ nhưng là một người Cha đầy lòng thương xót, Ngài chăm sóc chúng ta với cả tình yêu, tôn trọng sự tự do của chúng ta, đây là những lý do khiến chúng ta thấy thật là vui.


Một điều độc đáo của niềm vui Kitô giáo là nó có thể cùng tồn tại với đau khổ, bởi vì nó được dựa hoàn toàn vào tình yêu. Đúng như thế, Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi với chúng ta, đến nỗi Ngài đã trở thành một người, để trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui của tình yêu thương. Đây là cách duy nhất chúng ta hiểu được niềm vui thanh bình của các vị tử đạo ngay cả trong đau khổ, các ngài vẫn nở nụ cười với gương mặt thánh thiện khi đối diện với ân sủng, trong lúc khổ đau, một nụ cười mà không bị tổn thương nhưng đầy an ủi. « Vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà » (Lc 1:28): lời truyền tin của sứ thần cho Đức Maria là một lời mời để vui lên.
Niềm vui cho Israel vì có Chúa, khi Sophonia kêu gọi dân : « Hỡi thiếu nữ Sion, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án người và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel ở giữa ngươi, người không còn sợ khổ cực nữa. »
Chúng ta ngày hôm nay, để có được niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa và có Chúa ở cùng. Chúng ta cũng hỏi Gioan Tiền Hô : « Vậy chúng tôi phải làm gì? » Chắc ngài sẽ chỉ cho chúng ta những việc phải làm.
Ước chi Lễ Giáng Sinh nay đã gần, năm Đức Tin, thôi thúc chúng ta khắp nơi trên trần thế canh tân niềm tin của mình vào Thiên Chúa và vào Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, đồng thời chuẩn bị một nơi xứng đáng để đón tiếp Chúa Kitô.
Lạy Mẹ Maria, xin đồng hành với chúng con, và dẫn chúng con tiến về Ðêm Thánh; Mẹ là Ðấng gìn giữ bí quyết sống an vui; Tâm hồn Mẹ tràn đầy niềm vui vì Chúa Ngự Ðến hoàn tất những lời Hứa của Người. Xin Mẹ Maria giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn để đón rước Chúa Giêsu.
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/4659-anh-em-hay-vui-len-suy-niem-chua-nhat-iii-mua-vong-nam-c.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------------- 
Thánh Ca Mùa Vọng năm C:
VUI LÊN ANH EM 
Nhạc & Lời: Lm. Thành Tâm, CSsR
Ca Đoàn Thánh Tâm


14-12: Thánh GIOAN THÁNH GIÁ - Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1542-1591)


Gioan de Yepes sinh tại Phontiveros, gần Avila. Tây Ban Nha ngày 24 tháng 6 năm 1542. Cha Ngài làm thợ dệt, bị gia đình giàu có làm nghề buôn bán loại trừ vì đã cưới một người vợ kém hơn. Mẹ Ngài là một người đàn bà thánh thiện, trở thành góa phụ sau khi sinh Gioan.
Không nguồn lợi, với 3 đứa con, bà đã làm thuê cho một thợ dệt. Bé Gioan dần dần đã học nghề thợ mộc, may vá, điêu khắc, hội họa trong tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.
Trong mọi việc, Ngài có thói quen tự hỏi: - "Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì ?"
Ngài không trốn tránh một hy sinh nào. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của Ngài bao la: tư hồi còn niên thiếu, Ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văn phạm và triết học nơi các cha dòng Tên.
Năm 1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567 Ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Avila. Thánh nữ đã khuyên Ngài thực hiện việc cải tổ dòng Carmêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với Ngài : - "Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ".
Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Carmêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và đây là nguồn gốc của dòng Carmêlô canh tân đi chân không, Ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, Ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.
Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Carmêlô ở Alcala de Hélenrés, Ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm, thánh nữ Têrêxa giới thiệu với con cái mình : - "Cha là vị thánh".
Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến Ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thày dòng Carmêlô chước giảm chống lại các thày dòng Carmêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, Ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với Ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa Ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng Ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của Ngài. Đáp lại, Ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, Ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn "Thánh ca thiêng liêng" (cantiques spirituelles).
Được 9 tháng thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, Ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về "hạnh phúc của đau khổ" và bỗng Ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho Ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo... thánh Têrêxa nói : - "Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo".
Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì thánh linh như muốn nâng Ngài lên. Khiêm tốn, Ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng Ngài lên tới trần nhà. Têrêxa ở trước mặt Ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.
Đức Thánh cha và vua Philipphê II ủng hộ những cuộc cải cách và bây giờ Gioan phải nhận nhiều trọng trách. Ngài làm bề trên dòng Calvariô. Ngài lập cộng đoàn Carmêlô Baeza và 3 năm sau được chọn làm tu viện trưởng ở Grenade. Đi đường qua các thành Tây Ban Nha, Ngài chinh phục các linh hồn về cho Chúa Kitô, chính Ngài đã xây dựng một thủy lộ, một tu viện. Trong 15 ngày, Ngài đã viết cuốn "ngọn lửa tình yêu sống động" (la vive flamme d'amour). Cuối cùng Ngài trở thành Tổng đại diện Andalousia.


Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho Ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát nhiều người bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá Ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, Ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến Ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác, Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà Ngài gọi là "đêm tối của tâm hồn". Nhưng Ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.
Thường nhà dòng nghèo khó đến độ có ngày không có bánh ăn. Tập họp ở nhà ăn, thánh nhân nói với các tu sĩ về hạnh phúc được chịu khổ vì Chúa Giêsu Kitô. Họ khóc vì nhiệt tâm và lui ra. Bỗng chuông reo, một người vô danh đã đem bánh cho nhà dòng. Các tu sĩ trở lại phòng ăn. Lần này, thánh nhân khóc và nói: - "Ôi, vậy là Chúa đã thấy sự yếu đuối của chúng con không chịu thử thách được lâu. Ngài đã sớm thương hại chúng ta".
Lần kia, Ngài đã trả lời Chúa Giêsu khi Ngài hỏi về phần thưởng Ngài muốn rằng : - "Lạy Chúa, xin cho con được chịu khổ và bị khinh miệt vì Chúa".
Và Ngài đã xin ba ơn này là: đừng có ngày nào mà không được chịu đau khổ, đừng là bề trên vào lúc chết và được chết trong khiêm hạ. Thiên Chúa đã nhận lời Ngài.
Những tháng bị giam cầm, với bao đau khổ dữ dằn người ta đối xử, đã hủy hoại thân thể Ngài. Mệt nhọc vì du hành tới Andalousia, làm thánh nhân bị thiêu đốt ở chân, các vết thương mở rộng. Ngài chịu đau đớn kinh khủng đến nỗi lần kia Ngài nói với người đối thoại: - "Xin lỗi, tôi không trả lời nổi. Tôi bị đay nghiến và đau nhức".
Thánh nhân được chọn một trong hai nơi để chữa bệnh, hoặc ở Baeza, nơi người ta qúi mến, hoặc ở Ubeda, nơi tu viện trưởng có ác cảm với Ngài. Ngài đã chọn tu viện Ubeda. Những cư xử nghiêm nhặt làm cho Ngài đau đớn thêm. Nhưng Ngài càng ôm chặt thánh giá vào lòng. Vị tu viện trưởng cảm động vì sự dịu dàng không mệt mỏi, vì lòng bác ái sâu xa của bệnh nhân, cuối cùng đã hiểu và xin Ngài tha thứ.
Gioan báo trước mình sẽ chết đêm 14 tháng 12 (năm 1591). Các tu sĩ đọc kinh phó linh hồn, Ngài xin đọc sách Diễm tình ca. Các cơn đau không ngừng gia tăng khi chuông reo giờ kinh sáng, Ngài cầm thánh giá nói : - "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa".
Ngài còn nhìn các tu sĩ, hôn Chúa Kitô và tắt thở. Ngài đã viết: - "Vào xế chiều cuộc sống này, bạn được phán xét về tình yêu".
Gioan Thánh Giá để lại nhiều sách luôn được suy gẫm như: Đường lên Carmêlô, đêm tối tâm hồn, Ngọn lửa tình yêu sống động, thánh ca thiêng liêng. Ngài được tuyên thánh năm 1726. Và Đức Piô XI đã đặt Ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1962.
Nguồn: http://www.betrenthuongcap.net/ngay-14-thang-12-thanh-gioan-thanh-gia-linh-muc-tien-si-1542-1591.html?fbclid=IwAR2C4zhG6-VGdnZZeh_JzZswC7YbFnw-8nkr_k1hUTgncPrbi5VBHhpMBJM#.XBJDPyKwKyA.facebook
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

8/12/2018 - THỨ BẢY. LỄ ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI



PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38 
“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”. 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét,  đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà  Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.


NÉT ĐẸP TUYỆT VỜI CỦA MẸ MARIA



Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Chúa Giêsu và là mẹ nhân loại, chính vì thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ nhiều đặc ân mà trên trần thế không ai được như Mẹ. Mẹ được ơn trinh thai, một ân huệ đặc biệt chỉ mình Mẹ mới có. Thiên Chúa còn cho Mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội nghĩa là Thiên Chúa đã gìn giữ linh hồn Đức Mẹ không vướng phải vết nhơ tội nguyên tổ. Và sau khi Mẹ qua đời, Thiên Chúa lại đưa cả hồn lẫn xác Mẹ về trời.
 
NÉT ĐẸP TUYỆT VỜI CỦA NGƯỜI NỮ TỬ SION CÓ TÊN MARIA:


Ađam và Evà đã phản nghịch cùng Chúa:hai ông bà đã ăn trái cấm,nghịch lại lệnh của Chúa. Quả thực, trái cây mà hai ông bà tổ tiên đã ăn chẳng đáng gì, nhưng sở dĩ hai ông bà nguyên tổ bị Chúa giáng phạt vì họ đã không vâng lời Chúa. Đây là tội phản bội.Tội này đã mang sự chết vào trần gian và tội tổ tông đã truyền cho con cái qua muôn thế hệ. Tuy nhiên, chỉ riêng mình Mẹ Maria vì được Thiên Chúa chọn để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ cách riêng không mắc tội tổ tông truyền. Vì vậy, không một giây phút nào trong cuộc đời của Mẹ phải lệ thuộc ma quỉ, lệ thuộc tà thần hung ác. Đức Mẹ ngay từ lúc mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, linh hồn Đức Mẹ đã được tràn đầy thánh sủng, và các nhân đức siêu nhiên, đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần. Cho nên, khi thiên thần Gabrien đến truyền tin cho Đức Mẹ, thiên thần đã cất tiếng:” Kính chào trinh nữ đầy ơn phước”(Lc 1,28). Đức Mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội vì Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ là Mẹ Đấng cứu chuộc, nên Mẹ phải trong trắng vẹn tuyền, không vương tì ố của tội nguyên tổ và tội riêng mình làm. Đây là nét đẹp tuyệt vời của người nữ tử Sion có tên là Maria. Một tên gọi dịu dàng, nhưng mang ý nghĩa cao vời. Tên Maria gói trọn tất cả. Trong tên gọi của Người đã gồm tóm cả nhân loại và đem lại cho từng người, cho nhân loại, cho lịch sử cứu độ niềm hạnh phúc vô biên. Hạnh phúc chỉ có thể có nơi thập giá sau này của Con Mẹ sẽ sinh ra cho trần gian. Mẹ Maria đã sống trọn nét đẹp sâu xa nhất Thiên Chúa dành để cho mẹ. Với những nét đẹp tuyệt diệu nhất Thiên Chúa chỉ để cho mẹ. Tên Maria quả là cuốn sách chứa đựng toàn những điều quí hóa nhất. Đó là bình sành quí giá tuyệt vời Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.
 
MẸ MARIA LÀ MỘT TRONG NHỮNG ANAWIM CỦA THIÊN CHÚA:
 
Nếu đoạn sách khởi nguyên 3, 9-15.20 cho biết tại sao lại có tội và rằng Thiên Chúa không chịu khuất phục sự tội, Ngài quyết tuyên chiến với sự ác, sự tội và Ngài đã dự liệu để chiến thắng tội lỗi. Dân chúa chọn quả có nhiều người phản nghịch với Chúa, nhưng bên cạnh ấy còn có nhiều người không chịu cúi đầu lệ thuộc sự tội, nhưng họ  đang đẩy lui sự tội, đạp dập đầu con rắn là ma quỉ. Những con người quí hiếm ấy là các ngôn sứ, các người đạo đức, biết nghe và tuân giữ lời Chúa, những người nghèo khao khát Chúa. Mẹ Maria là một người trong nhóm người nghèo của Thiên Chúa. Mẹ đơn sơ, khiêm nhượng, đạo hạnh, vì vậy đoạn Tin Mừng trích đọc hôm nay Thiên sứ Gabrien gọi Mẹ là đầy ơn huệ, đầy ơn phước của Chúa. Mẹ là nữ tử Sion đầy cảm kích Thiên Chúa để ý và tuyển chọn giữa muôn vàn người nữ. Mẹ là Anawim của Thiên Chúa vì cả cuộc đời của Mẹ đã luôn nói lời xin vâng cảm phục Thiên Chúa và tuân theo ý Chúa. Vì cả đời Mẹ là lời xin vâng, cho nên ơn vô nhiễm nguyên tội mà Thiên Chúa ban cho Mẹ ngay lúc mẹ còn ở cung lòng bà Anna luôn còn nguyên vẹn. Mẹ là mẫu mực cho toàn nhân loại vì con người được Thiên Chúa tiền định để hưởng ơn cứu độ và trở nên con cái của Người. Đồng thời, nhân loại cũng được sinh ra như lời thánh Phaolô viết là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Con của Mẹ.
 
Mừng lễ Mẹ vô nhiễm nguyên tội trùng với Mùa Vọng, chúng ta hãy nhớ tới ơn huệ tuyệt hảo Thiên Chúa dành cho mỗi người là có Mẹ vô nhiễm, do đó chúng ta phải có lòng sám hối, ăn năn để sống xứng đáng là Con của Mẹ Maria vô nhiễm. 

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con, được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa”( lời nguyện nhập lễ, lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nguồn: simonhoadalat.com

Nguồn: http://giaophannhatrang.org/vi/news/Phung-Vu-343/08-12-le-duc-me-vo-nhiem-nguyen-toi-bon-mang-giao-phan-nha-trang-16965.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường



Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

MỞ CỬA TÂM HỒN ĐÓN CHÚA ĐẾN - CN I MÙA VỌNG C 02-12-2018

Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả

Phúc Âm: Lc 21, 25-28, 34-36
"Giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm Lời Chúa Lc 21, 34-36
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi: Chúa đã đến chưa? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng: Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng Trinh; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết: « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: «Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống».
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.

Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến

Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo: Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).
Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.

Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu
- Chúa nhật I Mùa Vọng: Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng: Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng: Gaudete ... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng: Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)


Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai: “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).
Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì  biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Hơn bao giờ hết, con người thời nay hết sức đau buồn vì nạn khủng bố gây ra. Các kitô hữu ở nhiều nơi kêu la thảm thiết. Biển gầm lên, đất rung chuyển tại Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc và nhiều nơi khác thiêu hủy biết bao sinh mạng con người. Phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?
Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).

Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!

Sống Mùa Vọng
Thế giới dường như đang cạn kiệt tình thương, nên loài người giết hại nhau, hủy hoại môi sinh, khiến thiên nhiên nổi nóng chống lại con người. Sách Khải Huyền viết: “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta: “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình bạn của Chúa đến cho chúng ta.
Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, vì Người sinh ra hòa bình trong trái tim chúng ta. Người đến thế gian bằng tình yêu và lòng mến, với sự cảm thông dịu hiền của một Vì Thiên Chúa là Cha. Lợi dụng cơ hội này, chúng ta phải ý thức mình là người mang tình yêu, hòa giải và an bình, sẵn sàng trao ban và tha thứ cho nhau, liên đới trong tình huynh đệ, giúp đỡ lẫn nhau, đồng tâm chia sẻ vui buồn, khổ đau với đồng loại.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con bước vào Mùa Vọng và hăm hở đón mừng Chúa Giêsu Con Mẹ ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/14875-mo-cua-tam-hon-don-chua-den-chua-nhat-i-mua-vong-nam-c-lm-anton-nguyen-van-do.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Chúa Giêsu, Vua vũ trụ - CN XXXIV TN / B 25-11-2018


Phúc Âm: Ga 18, 33b-37
"Quan nói đúng: Tôi là Vua".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".
Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"
Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".
Ðó là lời Chúa.


NƯỚC CỦA SỰ THẬT
SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA KI-TÔ VUA
(Ga, 33b-37)
Tôn vinh Chúa Giêsu là Vua, Giáo hội công bố bài Tin Mừng Gioan: Vua Giêsu đang bị trói, bị điệu đến trước mặt quan Philatô và bị đối xử như một tội phạm. Philatô hỏi: Ông là vua sao? Sao lạ vậy? Vua Hêrôđê còn sống sờ sờ đó mà. Vua gì mà chẳng có quân có tướng hộ vệ? Vua gì mà chẳng có vương miện cẩm bào? Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu mang chiếc áo loang lổ máu đào, tả tơi. Phải chăng Philatô nhận ra Chúa có một tác phong uy quyền cao cả một một vị đế vương. Và trong chiều sâu tâm hồn, Philatô thán phục đánh giá cao vị vua này!
Chúa Giêsu đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Rồi Chúa giải thích thêm: Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Như vậy, Chúa xác nhận Ngài là Vua, vì có một nước để Ngài thống trị. Đó là nước của sự thật: Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng Chúa; đó là nước của tình yêu: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu này để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.” (Ga 13,35); đó là nước của sự sống: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24).


1. Nước của Sự Thật
Nước của Vua Giêsu là nước của sự thật và “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế. Nước trần gian do con người thiết lập bằng sức mạnh, thường đem lại sự giàu sang và vinh quang. Đức Giêsu từ chối loại nước huy hoàng do Satan đề nghị: "Nếu ông quỳ gối thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông mọi nước làm sản nghiệp". Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: "chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không?" Đức Giêsu đáp: của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa.
Nước của Vua Giêsu là nước của sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nước của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn nước của Đức Giêsu chiếm trọn lòng người.Thế lực của Xêza là quân đội khí giới nhà tù. Sức mạnh nước của Đức Giêsu là niềm tin yêu thương tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn, còn nước của Đức Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng đã và đang chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza, chỉ còn nước sự thật và niềm tin là tồn tại muôn đời.
Chúa Giêsu là vị vua của Sự Thật và sứ mạng của Ngài là làm chứng cho sự thật. Là vua sự thật, Chúa đến thế gian để chỉ cho con người về sự thật và dạy cho con người sống sự thật. Vua Giêsu đã chỉ cho con người thấy Thiên Chúa là chân lý và là sự thật. Vua Giêsu còn chỉ cho con người thấy bộ mặt thật gian dối của thế gian, sự xảo trá của ma quỷ và thế lực của bóng tối. Nó đang tìm cách tách con người ra khỏi sự thật và gieo sự gian dối vào trong tâm hồn con người.
Kitô hữu là thần dân của nước sự thật nên dám nói lên sự thật, dám can đảm sống theo sự thật, dám chết cho sự thật.


2. Nước của Tình Yêu
Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Chính tình yêu là sức mạnh của nước Ngài thiết lập. Đức Kitô là vua, nhưng lại rất khác với các vua trần thế ở chỗ: để cai trị, các vua thế gian dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (Ga 10,11-16). Luật pháp trong nước của Ngài là sống trong Tình Yêu. Một Tình Yêu trọn vẹn trong chiều dọc, đối với Đấng dựng nên mình là Thiên Chúa. Một Tình Yêu chan hòa trong chiều ngang đối với đồng loại của mình.
“Khi một mình đối diện với những ghen ghét thù hận của đám đông, Đức Giêsu muốn dạy ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa trên trần gian. Vì yêu thương mà Ngài đã xuống trần gian. Ngài đã yêu thương cho đến chết vì yêu. Đó là tình yêu lớn lao nhất như lời Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Dù những thù hận vây bọc, nhưng Đức Giêsu vẫn yêu thương. Hôm nay đơn thân độc mã trong vòng vây của hận thù, Đức Giêsu vẫn xưng vương để cho ta thấy: tình yêu thương đã chiến thắng. Hận thù đem lại chết chóc, chỉ có tình yêu thương mới cứu được thế giới. Đức Giêsu đã chiến thắng. Ngài là Đấng đầu tiên từ trong kẻ chết sống lại. Với chiến thắng, Đức Giêsu mở cửa nước của Ngài. Đó là nước của Sự Thật. Chỉ những ai thuộc về sự thật mới được vào. Và những ai thuộc về sự thật phải biết chiến thắng sự giả trá. Sự giả trá đó là sự chết, đó là những vinh hoa phú quý trần gian và đó là lòng thù hận ghen ghét. Hiểu biết sự thật, đập tan sự dối trá, ta mới tiến vào Nước Sự Sống theo bước Đức Giêsu Kitô. Với chiến thắng Ngài thật sự là Đường dẫn đến Sự Thật và Sự Sống muôn đời”. (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt).


Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Vua Giêsu đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.
Tình yêu chi phối mọi sinh hoạt cuộc đời. Con người đau khổ vì không có tình yêu. Chúa là tình yêu. Chỉ những ai biết tìm đến với Ngài, được Ngài thông truyền cho tình yêu, họ mới biết mở mắt để nhận ra được mọi người anh em, như thế mới có thể yêu thương. Bản tính của tình yêu là cho đi điều tốt lành. Ai sống yêu thương thì thuộc về Chúa, là thần dân của Ngài. Nước của Chúa Kitô Vua là nước của tình yêu. Muốn vào nước ấy, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.


3. Nước của Sự Sống
Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ "(Ga 11, 25-26). Thật là đại tin mừng: "Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng" ( Ga 1,4-5).
Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống nên nước của Ngài không còn bóng dáng cái chết. Khi còn ngày rộng tháng dài, Đức Giêsu không xưng vương. Nay cận kề cái chết Ngài mới xưng vương để dạy cho ta biết nước của Ngài “không thuộc thế gian này”. Sự sống trần gian này chẳng đáng giá gì so với sự sống trong Nước Chúa. Vì thế muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.
Chúng ta lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban sự sống ấy. Chúa Cha đã trao cho Chúa Con quyền này, và đặt vào tay Chúa Con, nên Chúa Con là Vua Sự Sống.
Con người tiếp nhận sự sống từ chính nguồn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời.Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Thiên Chúa thì không thể có sự sống.Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài. Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi con người đều là hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ xuyên qua niềm tin và tình thương con người mới đến được với Thiên Chúa. Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong nước Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.
Nhưng ai thuộc về sự thật thì nghe Đức Kitô và ai thuộc về Đức Kitô thì hãy để Người sống và lớn lên trong cuộc đời mình và chấp nhận để Người biến đổi toàn diện. Đồng thời, chính mình cũng cần nỗ lực “làm chứng” sao cho niềm tin luôn luôn vươn lên, mà cũng không quên nhiệt tình tông đồ là làm cho những người lân cận nhận biết và tin yêu Chúa Kitô nữa.


Ở Bãi Dâu - Vũng Tàu, có một tượng Chúa Kitô Vua thật lớn dựng trên triền núi quay mặt ra biển, đôi tay giang rộng như ôm lấy cả trùng dương. Ngư dân quanh đó kể lại rằng những khi ra khơi, họ vẫn căn cứ vào đó để mà định hướng đi về, và nhiều lần sóng gió họ cũng hướng về đó để mà cầu nguyện xin ơn bình an.
Giữa trùng dương cuộc sống, Kitô hữu biết rằng Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện như một chuẩn đích để định hướng tin yêu hy vọng. Xin Người cũng làm Vua quy tụ mọi sự trong Nước vĩnh cửu của Người.
Mừng lễ Chúa Giêsu - Vua Vũ Trụ - Vua Sự Thật - Vua Tình Yêu - Vua Sự Sống, chúng ta hãy để cho Vua Giêsu chiếm trọn tất cả con người mình, từ tư tưởng lời nói cho đến việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện công lý và tình yêu hòa bình (Kinh Tiền Tụng).
Giêsu, lạy Chúa từ nhân,
Tâu Vua vinh hiển, thần dân kính mừng!
Duy Ngài là lẽ cậy trông,
Là trung tâm điểm của dòng thời gian.
Quyền uy thống trị vũ hoàn,
Chúng con tình nguyện làm dân con Ngài.
                                     (Thánh Thi Kinh sáng lễ Chúa Kitô Vua)
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/14849-nuoc-cua-su-that-le-chua-kito-vua-nam-b-lm-giuse-nguyen-huu-an.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường