Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

24-6 - MỪNG SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ, CON NGƯỜI KỲ DIỆU


Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật. Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu (25.12), Sinh nhật của Đức Maria (8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6) .
Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu, nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.
Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
1 .Sinh nhật kỳ diệu
Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan "Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời" (Lc 1,14).
a. Dacaria bị câm 
Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình (Lc 1,5-23)
b. Khỏi Tội Nguyên tổ
Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm,vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ (Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần (Lc1,15).Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria, cả nhân loại không ai có được.
c. Son sẻ mà có con
Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa, nhưng họ lại không con, vì Bà Isave là người hiếm hoi, cả hai đều đã cao niên (Lc 1,6-7).
Vậy mà Bà đã sinh con " Bà sinh hạ một con trai, nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà" (Lc1,57-58). Trong Cựu ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy. Bà Sara mẹ Isaac (St 11,30;21,1-7). Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop (St 25,21-26). Bà Rakhel mẹ của Giuse (St 29,21; 30,22-24). Bà Anna mẹ của Samuel (1Sm 1,2-20).
d. Tên Gioan và hết câm
Gioan sinh được tám ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng "Không, phải đặt tên cháu là Gioan". Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả. Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng tức thì miệng lưỡi ông được mở ra, ông hết câm và nói lại được như trước kia (Lc 1,59-65).
Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì " Quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em" ( Lc 1,66).
Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2 . Ơn Gọi kỳ diệu
a Ngôn sứ Isaia loan báo
" Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" ( Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3). Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.
b. Ngôn sứ Malakia tiên báo
" Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu"(Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27). Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến .
c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận
Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria, đứng bên phải hương án, xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả "Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa"( Lc1,17).
e. Thân phụ Dacaria
Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng "Benedictus" về ơn gọi của người con trai mình "Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" ( Lc 1,76- 77).
f. Gioan khẳng định
Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon, gần Salem thuộc miền Giuđê, chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình : "Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài" (Ga 3,28).
Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan, Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.
Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.
Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu.
Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: "Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả"(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.
Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ "Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian" (Ga 15,18 -19 )
Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa, Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu. Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưởi ích kỷ, vụ lợi, hưởng thụ sa đọa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.
Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống. Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan: Ngài phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã cho thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên trần gian. Ngài chính là mẫu gương cho chúng con về việc thi hành sứ vụ. Xin cho chúng con biết quý trọng sự hiện hữu của mình và biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để sống đời chứng nhân cách nhiệt thành và anh dũng. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-moi-ngay/1801-thanh-gioan-tay-gia-con-nguoi-ky-dieu.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------ 
BÀI ĐỌC THÊM:

SUY NIỆM LỜI CHÚA CN XII TN Năm B
Thầy không lo sao?
(Trích trong 'Manna' B)

Suy Niệm
Các môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển. Họ kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng. Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió, họ đã đánh thức Đức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.
Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố?
Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên, nhưng giông tố lại giúp ta nhận ra mình: yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực, không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.
Giông tố đưa ta đến với Đức Giêsu, và phó thác cho sự trợ giúp của Ngài. "Chúng con chết mất!"
Cái chết thể lý và cái chết tinh thần. Cái chết của bản thân và của tập thể mình gắn bó. Cái chết của những công trình mình xây dựng.

Chúa là sự sống, sao Chúa lặng yên để chúng con chịu chết? Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới? "Mà Thầy không lo sao?". Một lời trách móc?
Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy. Có vẻ Chúa quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ. Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.
Đức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển: "Câm đi! Im đi!". Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.
Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng. Nỗi kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.
Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời. Điều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.
Lòng lặng không phải vì biển lặng, mà lặng ngay giữa lúc biển động. Đó là một phép lạ lớn hơn nhiều, và đó cũng là thái độ Chúa muốn ta phải có.
Tại sao các anh lại kinh sợ? Sóng gió làm gì được các anh khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền?
Đức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.
Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh, vậy mà các anh vẫn chưa có lòng tin ư? Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.
Đức tin chỉ lộ ra khi biển động. Và có thể nói, biển động giúp hình thành đức tin. Đức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.
Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả. Nó chỉ êm ả khi về tới bến. Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên, ngay cả khi Ngài không thức dậy, dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét. Ta tin rằng Ngài sẽ cứu ta theo cách của Ngài.

Gợi Ý Chia Sẻ
Điều gì khiến bạn sợ hơn cả trong cuộc sống? (Sợ thất nghiệp, sợ thi rớt, sợ không được yêu, sợ mất uy tín, hay sắc đẹp...). Sự sợ hãi có làm đời bạn bớt vui không? Có làm bạn bớt tự do không?
Khi bạn bị căng thẳng, lo âu, mất bình an, bạn thường làm gì để trở lại bình thường? Cầu nguyện có giúp gì cho bạn không?

Cầu Nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

Thánh Vịnh 106, 28-32
Khi gặp bước ngặt nghèo,
họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ
ra khỏi cảnh gian truân. (28)
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng, (29)
họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ. (30)
Ước chi họ dâng lời cảm tạ
vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công
Chúa đã thực hiện cho người trần. (31)
Ước chi họ tán dương Người
nơi nhóm họp toàn dân
và ca tụng giữa hội đồng bô lão. (32)
------------------- 
SUY NIỆM LỜI CHÚA BẰNG AUDIO
CHÚA NHẬT XII TN NĂM B

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

SỨC MẠNH KỲ DIỆU CỦA HẠT GIỐNG (Mc 4, 26-34) - CN XI TN / B 17-6-2018



PHÚC ÂM:  Mc 4, 26-34

"Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết".
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa". Người còn phán: "Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được". Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tùy sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.  Đó là lời Chúa


SỨC MẠNH KỲ DIỆU CỦA HẠT GIỐNG
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM B
 (Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34)
Ngày 19 – 06 – 2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hân hoan khai mạc Năm Thánh, kỷ niệm 30 năm ngày phong thánh cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành ân sủng và đức tin của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì điều này mà trong thư công bố Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Năm Thánh 2018 mời gọi mọi tín hữu chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài”; bên cạnh đó, “Năm Thánh 2018 nhắc nhở và thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. 
Đại Lễ phong 117 Thánh Tử đạo VN tại Rôma 19-6-1988

Bằng cái chết của mình, Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là ‘kho tàng chôn giấu trong ruộng’ và ‘ngọc quý vô giá’ nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để ‘mua thửa ruộng và ngọc quý đó’ (x. Mt 13,44-46). Ngày nay, các Kitô hữu cũng được kêu gọi sống tinh thần hi sinh, từ bỏ theo bậc sống của mình để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng Nước Trời”.
Khi tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như vậy, Giáo Hội ca ngợi sự hy sinh cao quý của các thánh. Bởi vì các ngài đã chấp nhận trở thành hạt giống gieo vào lòng đất, thối đi và mọc lên để trở thành những cây to lớn mang lại hoa trái dồi dào cho Giáo Hội. Các ngài đã hy sinh tất cả, đánh đổi tất cả để làm vinh danh Chúa và phần rỗi của các linh hồn.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Có thể nói: các ngài chính là những hạt giống âm thầm, bền bỉ, trung kiên, nhỏ bé nhưng mãnh liệt.
1. Ý nghĩa các dụ ngôn
Hôm nay, qua Bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời.
Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì của người gieo và sức mạnh nội tại của hạt giống. Ngài nói: Hạt giống được gieo xuống đất, đêm hay ngày, người gieo dù ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mc 4, 27-28).

Khi khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn dạy cho dân chúng và nhất là các môn đệ bài học về sự sống tiềm tàng của hạt giống. Người gieo phải kiên trì, khiêm nhường và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Lòng nhiệt tình của người nông phu sẽ được đền đáp xứng đáng. Bởi vì, việc hạt giống mọc lên và sinh hoa kết trái vượt ra xa khỏi tầm kiểm soát của con người.
Sống trong một hoàn cảnh như thế, người môn đệ sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa để cậy trông vào Người. Đây là tiến trình trưởng thành của đức tin. Điều này phù hợp với giáo huấn của thánh Phaolô: “Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (1Cr 3,6)”.

Thứ đến, Đức Giêsu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Trời. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác! Hạt cải nhỏ bé ở đây chính là Giáo Hội. Một Giáo Hội khởi đi từ nhóm người hết sức nhỏ bé vỏn vẹn chỉ có 12 người. Rồi hạt cải ấy bị biết bao khó khăn trù dập…. Ấy thế mà hạt cải vẫn lớn lên và to cao lạ thường, đến nỗi chim trời đến làm tổ và cư ngụ ở đó cách an toàn.
Điều kỳ diệu này cũng được tiên tri Ezekien nói đến trong bài đọc I hôm nay, ngài nói:
“Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (x. Ed 17, 22 - 24).
Lời tiên báo này, vị tiên tri muốn nói đến đường lối của Thiên Chúa thật phi thường không ai có thể ngờ được.
Còn với thánh Phaolô, qua Bài đọc II, ngài đã xác định yếu tố cần thiết để hạt giống đức tin được lớn lên và trưởng thành, đó là: hãy ra khỏi thân xác ích kỷ và hưởng thụ, để được gần Thiên Chúa và thuộc về Người. Nói cách khác, thánh nhân nhấn mạnh đến việc: hạt giống  tâm hồn của chúng ta được lớn lên là nhờ ơn Chúa và sự nỗ lực không ngừng. Một sự hy sinh liên lỉ. Tất cả những công góp đó, làm cho đức tin lớn mạnh và vững vàng….

Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã từng chịu muôn vàn cực hình đau đớn trước lúc bị hành quyết dã man tại pháp trường

2. Bài học cho người Kitô Hữu
Dựa trên ý nghĩa hai dụ ngôn, chúng ta lần giở lại lịch sử cứu độ, nhất là lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hẳn ai cũng thấy: có những lúc Giáo Hội luôn gặp những thử thách từ nhiều phía. Thế nhưng, sự kiên trì và dũng cảm của các bậc tiền nhân đã làm cho hạt giống đức tin được lớn mạnh không ngừng và trổ sinh hoa trái thật xum xuê như hiện nay.
Sự lớn mạnh như vậy, không hệ tại nơi con người như trong bài Tin Mừng Đức Giêsu đã nói: hạt giống cứ âm thầm mọc lên. Chỉ cần có cơ hội là mở tung, phá vỡ vỏ hạt để đâm chồi nảy lộc.


Mỗi người Kitô Hữu cũng là những hạt giống mà Chúa đã gieo vào lòng đất Việt qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Hạt giống của mỗi người chúng ta đã biết bao lần gặp phải sóng gió, phong ba, bão táp ập đến. Nhưng  nhờ ơn Chúa, hạt giống đức tin ấy vẫn lớn lên ngay trong những thử thách và đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao hạt giống chưa chịu bức phá ra khỏi cái vỏ hạt xù xì xấu xa của mình để vươn lên đón ánh mặt trời và lớn lên như những hạt giống khác.
Sự khác biệt giữa mọc lên và nằm yên chính là việc có chấp nhận vượt ra khỏi vỏ bọc ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để sẵn sàng bung ra với sự kiên trì, can đảm, nhằm đạt được những hoa trái thánh thiện và tốt lành của những đức tính như bác ái, từ bi, nhân hậu hay không?
Có sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến cá nhân, bảo thủ, để nghĩ đến người khác như: vợ chồng, con cái biết nghĩ, biết sống cho nhau và vì nhau? Mái nhà của gia đình có thực sự là nơi an toàn để mọi thành viên hưởng nếm sự ngọt ngào của yêu thương, sự quan tâm và lòng liên đới hay là nơi cắn xé, chửi bới, la rầy nhau?
Bao lâu trong mái nhà ấy, mỗi thành viên chưa nghiệm thấy và đụng chạm được sự bình an, hạnh phúc và niềm vui, thì bấy lâu gia đình ấy là hỏa ngục, nơi chôn giấu những hạt giống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng, kiêu ngạo.
Ngược lại, mỗi người hãy làm cho gia đình mình chan chứa niềm vui khi mỗi người là những cành yêu thương, hoa nhân ái và quả đạo đức.
Được như vậy, mỗi gia đình là cung thánh của lòng thương xót, để nơi ấy, tình thương của Thiên Chúa được diễn đạt rõ nét cho anh chị em xung quanh. Là nơi an toàn cho những cánh chim đang mỏi mệt, thất vọng. Nói cách khác, khi sống xứng đáng là người Kitô Hữu thực thụ với những đặc tính yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi, những người cô thế cô thân, những người bị áp bức bóc lột, đói khát bần cùng. Trở thành điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai đang đánh mất niềm tin, đang xa đọa vào những con đường tội lỗi để dẫn đưa họ về với Chúa.


Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho Nước Chúa lan rộng khắp nơi và lớn mạnh không ngừng như hạt cải tuy nhỏ bé, nhưng lớn lên vĩ đại.
Lạy Chúa Giêsu, hạt giống nơi tâm hồn mà Chúa đã gieo vào lòng mỗi người ngày chúng con lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Chúa mong ước cho hạt giống ấy mọc lên để thành những cây cao lớn làm nơi nương ẩn cho những ai cần đến.
Tuy nhiên, chúng con đã hồ đồ, ích kỷ, kiêu ngạo và không kiên định, nên làm cho hạt giống mà Chúa đã tin tưởng gieo vào tâm khảm chúng con bị chết nghẹt nơi thửa đất cằn khô sỏi đá. Xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức, để chúng con kiên trì, can đảm vươn ra khỏi những vỏ bọc an toàn tạm thời để làm cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến trên khắp hoàn cầu. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/suy-niem/suy-niem-chua-nhat/14166-suc-manh-ky-dieu-cua-hat-giong-chua-nhat-xi-thuong-nien-b-ngoc-bien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

13-6 - Kính Thánh Antôn Pađôva, Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh (1195-1231)


Thánh Antôn Pađôva, Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Antôn Pađôva sinh ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone thủ đô nước Bồ Đào Nha vào năm 1195. Vì được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy tình bác ái, nên ngài đã sớm nhận ra được tiếng Chúa mời gọi. Chính vì thế, đầu tiên ngài xin nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó. Tuy nhiên, vì cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn, và nhất là ngài ao ước được đi truyền giáo cho dân ngoại và mong ước được phúc tử đạo, nên ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220. Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Moors ở ở Ma rốc bên Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, khi vừa tới Phi Châu thì ngài ngã bệnh nặng và phải quay trở về để điều trị. Trên đường về quê, tàu ngài bị bão thổi dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.
Tượng Thánh An-Tôn Pađôva tại giáo xứ Đắk Giấc, Giáo phận Kon Tum
Nhờ vào tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và lòng thánh thiện, nên Antôn Pađôva được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Vì được Chúa Thánh Thần tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Đồng thời Thiên Chúa cũng đã củng cố lời giảng của thánh nhân bằng nhiều phép lạ kèm theo. Với một đời sống làm việc không mệt mỏi và không ngơi nghỉ, ngài đã có sự ảnh hưởng rất đối với nhiều người, đặc biệt là tại Ý và Pháp.
Bên cạnh đó, vì được công nhận là một người siêng năng cầu nguyện và có một sự hiểu biết sâu về Kinh Thánh và thần học, nên ngài là thầy dòng đầu tiên được dạy thần học cho các thầy khác. Đồng thời với kiến thức uyên thâm, ngài cũng được Thiên Chúa dùng để rao giảng cho những người lạc giáo và hoán cải những kẻ lầm lạc trở về với Chúa. Cũng như với một đời sống khiêm nhường và kết hợp với Thiên Chúa, nên thánh nhân đã làm nhiều phép lạ ngay cả khi ngài còn sống.
Với một lòng nhiệt thành tông đồ hăng say không ngơi nghỉ đã khiến cho thánh nhân làm việc không kể ngày đêm, nhiều khi quên ăn quên ngủ nên sức lực ngày một hao mòn. Cho đến năm 1231, sau Lễ Hiện Xuống ngài buộc lòng phải lui về Camposan Pietro, một nơi cô tịch gần Pađôva để dưỡng sức. Tại đây tình trạng sức khỏe của ngài cũng lại giảm sút một cách rất mau chóng, đến nỗi ngài cảm thấy giờ Chúa gọi đã gần kề nên ngài xin anh em đưa về nhà dòng tại Pađôva để được từ giã anh em trước khi về chầu Chúa.
Thánh nhân đã từ trần ở Arcella gần Pađôva nước Ý vào ngày 13 tháng 6 năm 1231, khi ngài chỉ mới 36 tuổi. Và với những phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện trong khi ngài còn sống cũng như lúc đã lìa trần, nên chỉ sau một năm, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh.
Người ta thường vẽ thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Đức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh An tôn là người hiểu biết sâu rộng, nhất là về Kinh Thánh, do đó Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là tiến sĩ Hội Thánh.
Xin thánh Antôn cầu thay nguyện giúp cho chúng con biết luôn lắng nghe Lời Chúa qua những vị ngôn sứ của Thiên Chúa, để đời sống chúng con luôn được sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa trong cuộc sống thường ngày. Cũng như xin ban cho chúng con biết can đảm chia sẻ và làm chứng về Lời Chúa cho mọi người chúng con gặp gỡ trong suốt cuộc đời của chúng con.
Phêrô Dương Hải Văn SDB
------------------------ 
BÀI ĐỌC THÊM:
ÔNG THÁNH HAY LÀM PHÉP LẠ 

Người ta thường gọi thánh Antôn Pađua là "ông thánh hay làm phép lạ". Ngài là linh mục tiến sĩ Hội Thánh. Có lẽ, bạn đang đọc những dòng này, đã lần nào đó nhận được ơn lạ ngài ban sau khi khẩn cầu với Ngài. Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu. Chính sự khiêm nhượng cộng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên phép lạ. 

Mở mắt chào đời vào năm 1195 tại Lisbon, thủ đô Bồ Ðào Nha, Ngài được đặt tên là Phênanđô. Thuộc dòng dõi sang trọng và đạo hạnh, Phênanđô được mẹ ân cần dạy dỗ ngay từ tấm bé. Giêsu Maria là những tiếng Phênanđô bập bẹ đầu tiên trong đời. Ngay từ nhỏ, Phênanđô đã khấn giữ mình đồng trinh theo gương Ðức Mẹ. Cậu đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Lên 10 tuổi, Phênanđô được mẹ trao phó cho cha bác huấn luyện chữ nghĩa và đường đạo đức. 

Một lần Phênanđô đang sốt sắng quì cầu nguyện trước Ðức Mẹ thì bị ma quỉ nổi cơn ghen lôi đình, hắn nhẩy lên vai và bóp cổ cậu cho chết. Cổ họng bị tắc nghẽn không sao kêu tên Giêsu Maria được. Phênanđô liền dùng ngón tay vẽ hình thánh giá trên bậc đá. Ma quỉ vô cùng khiếp sợ, hắn buông cậu ra, vội biến mất. Chúa đã làm phép lạ khiến đá ra mềm, in sâu hình Thánh Giá cậu vẽ vào bậc đá. 

Năm 17 tuổi, Phênanđô từ giã thế gian, vào tu dòng thánh Augustinô tại Lisbon. Sau 2 năm, thầy xin đến một tu viện khác, xa nhà quê để dễ bề tu trì. Bề trên sai thầy tới Cônimbriga. Tại đây thầy học hành rất thông giỏi và nổi tiếng nhân đức. Nhưng thầy luôn xưng mình là vô dụng, và chỉ muốn làm những công việc hèn hạ. 

Sau khi khấn dòng, nhiệm vụ của thầy Phênnanđô là coi sóc bệnh nhân. Thầy rất yêu thích nhiệm vụ này vì có dịp hãm mình và tỏ lòng yêu thương anh em. Một lần, nhân dịp Lễ Chúa Giáng Sinh, vì ngăn trở giúp bệnh nhân nên thầy không thể dự lễ chung với nhà dòng. Khi nghe chuông báo hiệu dâng Mình Thánh Chúa, thầy liền quì gối quay về phía nhà thờ. Bỗng nhiên bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và phòng y tế nứt ra, dành chỗ cho thầy chiêm ngắm Mình Thánh Chúa trên bàn thờ. 



Năm 25 tuổi, thầy Phênanđô trở thành một linh mục dòng Augustinô. Nhưng cha lại cảm mến gương lành và cuộc sống thánh thiện của thầy dòng Phanxicô lúc đó mới được thành lập, nhất là vô cùng cảm phục gương 6 thầy Phanxicô mới chết vì đạo. Ðược ơn trên soi dẫn, cha đến xin bề trên chuyển sang dòng Phanxicô. Bề trên chấp thuận sau khi biết rõ Thánh Ý Chúa. Trong dòng Phanxicô, cha Phênanđô được đổi tên là Antôn. 

Thời gian đầu tại dòng Phanxicô, người ta chưa biết tiếng nhân đức và sự thông thái cha Antôn, nên cha được trao cho nhiệm vụ rửa bát đĩa và quét nhà. Nhưng không bao lâu, danh tiếng cha được biết đến. Chính cha thánh Phanxicô sai cha đi giảng đạo khắp miền Bắc Ý rồi qua cả nước Pháp. 

Thiên Chúa đã dùng cha Antôn làm nhiều phép lạ để xác nhận những chân lý và mầu nhiệm trong đạo Công Giáo. 

Một người giầu có, nhưng sống đời hà tiện, tham lam của cải. Sau khi ông chết, cha Antôn trưng lời Chúa Kitô đã phán: "của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó?, đồng thời sai người đi mở két vàng của người quá cố thì thấy một trái tim bằng thịt đang nằm chình ình trong két! Vàng bạc bạn ở đâu, con tim bạn cũng ở nơi đó! 

Một lần cha Antôn giảng về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Có người lạc đạo không tin, đến thưa với Ngài: 

-Nếu xem thấy phép lạ, tôi mới tin! 

Cha Antôn nói với anh: 

-Hãy để con lừa của anh nhịn đói 3 ngày, rồi đem nó tới cửa nhà thờ, anh sẽ thấy phép lạ. 

Ðúng ngày hẹn, người kia đem còn lừa đã nhịn đói ba ngày và thúng đồ ăn đến trước cửa nhà thờ, thấy thúng đồ ăn trước mắt, nó vội vàng chạy tới ăn lấy ăn để. Nhưng vừa lúc đó, cha Antôn kiệu Mình Thánh Chúa tới cửa nhà thờ. Lạ lùng thay, con lừa đột nhiên bỏ ăn, đến trước Thánh Thể Chúa: Nó quì gối, cúi đầu lạy ba lần. Người lạc đạo đã tin, và sau đó trở lại Công Giáo. 

Lần khác, ngài giảng ngoài bãi biển. Nhiều người rối đạo cũng hiện diện, nhưng họ lấy tay bịt tai không nghe lời giảng. Cha Antôn liền quay ra biển: "loài người không thèm nghe lời giảng. Vậy các ngươi hãy đến đây mà nghe!" 

Lập tức, muôn vàn cá lớn cá bé nhô đầu lên khỏi mặt nước để nghe lời Ngài. Cha Antôn nói với chúng: 

-Các ngươi hãy cảm tạ Thiên Chúa đã gìn giữ và nuôi dưỡng các ngươi. 

Bầy cá gật đầu tỏ dấu nghe lời Ngài. Sau đó cha ra hiệu cho bầy cá giải tán, chúng lần lượt chìm dần trong làn nước biển. 

Một hôm, có người đến xưng tội với Ngài, nhưng vì quá xúc động, ông ta không thể nói lên lời. Cha Antôn bảo ông viết các tội vào giấy rồi đưa cho Ngài xem. Sau khi ban ơn Xá Giải, cha Antôn trao lại tờ giấy cho ông. Về tới nhà, ông đem tờ giấy đã viết tội đi đốt, nhưng lạ lùng thay, khi mở ra, chỉ còn là một tờ giấy trắng bóc! Trở lại gặp cha Antôn, ông thưa Ngài đầu đuôi câu truyện, Ngài nói với ông: 

-Chúa đã làm phép lạ để chứng nhận quyền tha tội của các vị linh mục. 

Ngày khác, ba của cha Antôn tại Lisbon bị cáo gian về tội giết người. Dù đang ở xa quê hương, Thiên Chúa đã soi lòng cho cha biết giúp đỡ. Bỗng nhiên cha thấy mình có mặt tại Lisbon. Cha xin quan đem xác người chết tới công đường, rồi Ngài truyền cho xác chết sống lại và hỏi: 

-Có phải ba tôi đã giết anh không? 

Anh ta trả lời "không phải" rồi lại lăn đùng ra chết! Cùng lúc đó, cha Antôn thấy mình đang ở nhà dòng. Ba của Antôn đã được giải oan. 

Có lần, cha Antôn vào trọ tại một gia đình. Giữa đêm, chủ nhà thấy phòng cha tự nhiên rực sáng. Ngó vào trong phòng, ông bỡ ngỡ thấy cha đang ẵm bế Chúa Hài Nhi, âu yếm hôn kính và thưa truyện với Ngài. 

Năm 1231, cha Antôn thấy mình yếu sức, nên xin về thành Pađua dọn mình chết. Ngài lìa bỏ đời này cách êm ái ngay năm đó, sau khi đã sốt sắng chịu các Phép và hớn hở hát bài ca ngợi khen Ðức Mẹ. Ngài chết khi mới được 36 tuổi. Người ta lũ lượt tới viếng xác ngài ba ngày ba đêm liên tục. Sau đó ngài được an táng trong nhà thờ thành Pađua. 

Chúa đã làm vô vàn phép lạ do công nghiệp và lời bầu cử của cha Antôn, nên chỉ một năm sau khi qua đời, Giáo hội đã phong thánh cho ngài. Chính ngày phong thánh cho cha Antôn, chuông các nhà thờ thành Lisbon tự nhiên đồng loạt kêu vang, mặc dù không có ai kéo. Hai mươi ba năm sau, người ta cải mộ Ngài đưa vào nhà thờ mới. Lúc đó, lưỡi Ngài vẫn còn tươi tốt như khi còn sống, chiếc lưỡi Ngài đã dùng để rao giảng lời Chúa và cứu giúp anh em đồng loại. Hằng năm Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày 13 tháng 6. 

Chính lòng khiêm nhượng, yêu Chúa, mến Ðức Mẹ và thương người của cha Antôn đã biến Ngài thành vị đại thánh, một vị thánh hay làm phép lạ.

http://tusach.vietnhim.com/


Kính mừng Lễ Thánh An-Tôn Pađôva,
Bổn Mạng Xóm giáo An-Tôn, GX. Tân Hương, GP. Kon Tum
Nguồn: http://www.loichua.donboscoviet.net/index.php/suy-nie-m-ca-c-nga-y-le/chu-tha-nh/item/262-ng%C3%A0y-13-th%C3%A1ng-6-th%C3%A1nh-ant%C3%B4n-pa%C4%91%C3%B4va
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường