Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

15-7 - Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục tiến sĩ hội thánh


1. Tiểu sử – Phụng vụ
Thánh Bônaventura qua đời trong nhà dòng Phan Sinh, ngày 15 tháng Bảy năm 1274, ở tuổi năm mươi ba. Được phong thánh năm 1482, Ngài được tuyên bố là “vị tiến sĩ thiên thần” (docteur séraphique) năm 1588. Tên thật của Ngài là Gioan, nhưng người ta quen gọi Ngài là Bônaventura, vì theo một giai thoại, Thánh Phanxicô Assise vừa trông thấy Ngài, đã buộc miệng la lên: "O bona ventura !”.
Thánh Bônaventura sinh năm 1221, tại Bagnorea gần Viterbe nước Ý. Nhập dòng Phanxicô, Bônaventura sang Paris để học triết lý và thần học. Là đồ đệ của Alexandre de Halès, vị “tiến sĩ không thể phủ nhận”, Ngài cũng đã trở thành đại sư (maitre) vào năm 1253 và đã xuất bản cuốn Sách về các châm ngôn của Pierre Lombard.
Dòng Phanxicô năm mươi năm sau ngày thành lập đã có gần hai mươi ngàn thành viên và đã nhận được từ Thánh Bônaventura một cách tổ chức vững chãi dung hòa những khuynh hướng chia rẽ đã bộc lộ nơi các tu huynh. Được chọn làm bề trên tổng quyền dòng Phanxicô từ năm 1257 đến năm 1274, Thánh Bônaventura có ảnh hưởng lớn lao trên toàn dòng đến nỗi người ta xem Ngài như Đấng sáng lập thứ hai; tại tổng công hội ở Narbonne năm 1260, Ngài đã công bố bản Hiến Pháp của Dòng.
Vừa khước từ chức tổng giám mục York, Ngài buộc phải chấp nhận tước vụ hồng y giám mục Albano. Sau đó trong tư cách sứ thần, Ngài được sai sang dự Công đồng chung ở Lyon. Công đồng được triệu tập nhằm mục đích hiệp nhất hai Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài vui mừng thấy sự đoàn kết được thực hiện tại Lyon ngày 28 tháng Sáu năm 1274, nhưng chỉ chóng vánh, vì mười bảy ngày sau, Ngài qua đời trong yên ủi trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện của ngày nhấn mạnh “những sự phong phú trong giáo huấn” của Thánh Bônaventura và “đức ái nồng nhiệt” của Ngài. Quả thế Ngài từng là một nhà thần học sâu xa, đã xây dựng một sự tổng hợp về khoa học dưới ánh sáng Phúc Âm. Châm ngôn của Ngài là: “Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa”. Là đồ đệ Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô Assise, Thánh Bônaventura trước tiên là một nhà thần bí. Trong cuốn Đường tâm hồn hướng về Chúa, trong đó giải thích rằng khoa sư phạm của tình yêu muốn đạt tới Thiên Chúa, phải dựa trên triết lý và thần học, Ngài tuyên bố: “Trên chặng đường này, nếu muốn nên trọn hảo ..., hãy hỏi nơi ân sủng chứ không phải nơi kiến thức, hỏi hứng khởi sâu xa nơi cõi lòng chứ không phải hỏi trí tuệ, nghe tiếng rên rỉ của lời cầu nguyện chứ không phải niềm đam mê đọc sách; hãy hỏi Đấng Phu Quân chứ không phải hỏi giáo sư ...”. (Xem Phụng vụ Bài đọc).
Các tác phẩm khác của Thánh Bônaventura, như cuốn Cây trường sinh hoặc Năm đại lễ của Hài Nhi Giêsu vốn tạo nhiều thích thú ở thời Trung Cổ, thì dựa trên học thuyết cao siêu đặt ước vọng trên trí tuệ. Ở Paris, năm 1269, Ngài viết cuốn Biện minh cho người nghèo, nhằm chống lại những kẻ phản bác tinh thần khó nghèo Phan Sinh và năm 1273, Ngài có một loạt các bài Thuyết trình về Hexanméron nhằm chống lại thuyết Averoes La Tinh vốn chủ trương xây dựng nền triết lý thành môn học độc lập với Thánh Kinh.
Cuốn Tiểu sử Thánh Phanxicô do Ngài viết nhằm thúc đẩy sự thống nhất nơi các tu sĩ Phan Sinh, cho chúng ta thấy tinh thần hòa giải của vị “tiến sĩ thiên thần” chủ ý hòa hợp các khuynh hướng khác nhau nơi các môn đệ Thánh Phanxicô, lo lắng về việc trung thành với tinh thần hơn với chữ viết của Đấng sáng lập Dòng.
Trong cuốn Divina Comedia, Dante đặt Thánh Bônaventura trong số các vị thánh Thiên Đình (XII, 127), vì Ngài đã coi trọng tinh thần hơn vật chất.
Enzo Lodi
Lời nguyện hiệp lễ:
Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô. Xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh Bô-na-ven-tu-ra để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành, bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. A men.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

“Hãy đi và làm như thế” (Lc 10, 25-37) - CN XV TN Năm C 14-7-2019


Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN LÀNH
(Lc 10, 25-37)
1. Để trả lời câu Chúa Giêsu hỏi: “trong lề luật đã chép như thế nào?”, người luật sĩ trích dẫn đoạn đầu kinh Shéma hay lời tuyên xưng đức tin mà người Do thái mỗi ngày phải đọc hai lần: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết trí khôn ngươi” (Đnl 6,5). Và ông thêm: “và yêu thương cận nhân như chính mình” (Lv 19,18), là câu không có trong kinh Shéma cổ truyền. Cách chú giải này chắc chắn không có trái với lề luật, vì Cựu ước đã minh nhiên dạy phải yêu thương tha nhân, dù họ không phải là người Do thái (Lv 19,34; Đnl 10,9). Tuy nhiên, các thày Rabbi không theo lối chú giải đó, vì họ chỉ thương yêu anh em đồng chủng thôi. Thực ra, trong Cựu ước không có liên kết hai giới luật này, như người luật sĩ đã làm, và đây là một trong những nét đặc sắc của Chúa Giêsu, người đầu tiên đã liên kết hai giới đó, bằng cách đơn giản hóa khoản luật của Cựu ước. Vậy phải chăng nhà luật sĩ chất vấn Chúa Giêsu là một trong những người Do thái đạo đức đã trung thành sống tinh thần lề luật, thay vì sống theo lối ích kỷ hạn hẹp của các thày rabbi? Điều này không chắc vì nhà luật sĩ tra vấn Chúa Giêsu để “thử” Ngài (c.25) và tranh luận với Ngài. Có lẽ nên coi nhà luật sĩ là người đã nhiều lần nghe Chúa Giêsu dạy về tính cách bác ái huynh đệ, nên bây giờ khi trả lời Chúa Giêsu ông đã tạm thời nói theo quan điểm của Ngài. Và khi thấy câu trả lời của mình chấp nhận, ông đã muốn chất vấn và làm Chúa Giêsu lúng túng khi xin Ngài định nghĩa tha nhân là ai. Quả thực, câu hỏi này đã gây nhiều khó khăn và tranh luận trong giới rabbi.

2. Nhiều giáo phụ và các tác giả hiện đại đã hiểu dụ ngôn người Samaritano nhân lành theo hai cách khác nhau. Các giáo phụ xem đây là một dụ ngôn biểu trưng, nghĩa là một mạc khải các bí nhiệm của Nước Trời. Theo lối chú giải này, người Samaritano là hình ảnh Đức Kitô, người bị kẻ cướp bóc lột là biểu trưng cho giáo hội. Đối lại, tất cả các nhà chú giải hiện đại (trừ Hoskyns, Van den Eynde và có lẽ cả Daniélou nữa) đã hiểu dụ ngôn này theo nghĩa tự nguyện, như là một ví dụ cụ thể để giúp hiểu một chân lý tổng quát. Chúng ta đứng trước hai lối chú giải khác nhau, một có tính cách thần bí, một có tính cách luân lý.
Vì thời gian và khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi không thể dứt khoát phê bình hai lối chú giải này, vì lối nào cũng có nhiều đặc điểm độc đáo riêng. Tuy nhiên chúng tôi theo lối chú giải hiện đại vì hai lý do. Trước hết, theo giáo huấn giáo hội thường dạy, kể từ thông điệp Divine Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII, các nhà chú giải trước hết phải cố công khám phá và xác định... Nghĩa tự nguyện (le sens littéral) (Ds 2293) của Thánh kinh. Trong trường hợp chúng ta đang gặp, dựa theo mạch văn của dụ ngôn, chắc chắn nghĩa tự nguyện là nghĩa luân lý mà khoa chú giải hiện đại đã khám phá. Thứ hai, dụ ngôn không có nghĩa thần bí, ít nhất là trong nghĩa nguyên thủy của nó. Thực vậy, dụ ngôn không đưa ra một chi tiết nào trích từ Cựu ước nói lên ý nghĩa biểu trưng cả. Bằng chứng là các giáo phụ đã chú giải rất khác nhau khía cạnh ẩn dụ của dụ ngôn. Tuy nhiên chớ kết luận là khi giảng dạy ta không thỉnh thoảng ẩn dụ hóa dụ ngôn trong một giới hạn nào đó. Nhưng giảng thuyết là một chuyện, chú giải là một chuyện khác: nếu khoa chú giải là cơ sở của giảng thuyết, thì giảng thuyết cũng có thể vượt lên trên khoa chú giải tùy trường hợp đặc biệt, cụ thể của phụng vụ. Mutatis mutandis, những nhận xét vừa nói có thể áp dụng cách tổng quát cho nhiều trang phúc âm, mà không cần xác định từng trường hợp một đâu là mối liên hệ giữa khoa chú giải hiện đại và lối chú giải của các giáo phụ.

3. Dụ ngôn có nhiều điểm đơn giản. Trên đường vắng vẻ, một người vô danh, không ai biết chức vụ địa vị, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo của y, bị rơi vào tay bọn cướp bóc lột và gây trọng thương. Thày tư tế và trợ tế Lêvi lần lượt đi qua nhưng đã không thèm ngó ngàng gì đến y. Tình cờ người Samaritanô đến, trông thấy y và động lòng thương săn sóc giúp đỡ y. Chúa Giêsu kết luận: “Theo ông nghĩ ai trong ba người đó là cận nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp? ” (c.36)
Thoạt nhìn, câu hỏi của Chúa Giêsu không đáp ứng câu người luật sĩ hỏi: “Ai là cận nhân của tôi?”. Qua đó ông muốn hiểu: “Ai là đối tượng của đức ái mà luật dạy: người đồng hương, đồng đạo, người lương dân, người ngoại kiều cư ngụ tại Israel? Tôi phải yêu ai mới gọi là giữ lề luật?” Dù Chúa Giêsu trả lời cách nào, người luật sĩ cũng có thể hoặc nhân danh lề luật hoặc một truyền thống đã có, bắt bẻ Ngài, vì người ta không thể lưu tâm hay giúp đỡ một người ô uế, thờ ngẫu tượng. Phần Chúa Giêsu không những không định nghĩa cận nhân là gì, nhưng dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng đưa ra một vấn nạn mới: phải cư xử thế nào mới gọi là cư xử trong tình anh em? Ai trong ba người bộ hành đã xự thế trong tình anh em, ai đã thành người cận nhân (gegonenai) của kẻ vô danh.
Nhiều nhà phê bình cho rằng cuộc đối thoại với nhà luật sĩ (cc.25-28) và dụ ngôn (cc.30-37) ngay từ đầu là 2 tài liệu độc lập. Có lẽ Lc đã dùng cuộc đối thoại với nhà luật sĩ như là lời dẫn nhập vào dụ ngôn, nối kết bằng câu 29 “ai là cận nhân của tôi” Nhiều nhà phê bình khác trả lời rằng dụ ngôn đã trả lời câu hỏi cách trung thực: cận nhân là mọi người đang trong cảnh túng thiếu. Nói như thế là đúng nhưng không phải là nghĩa câu hỏi cuối cùng của Chúa Giêsu: ai trong ba người bộ hành đã tỏ ra mình là cận nhân của người xấu số?
Hình như điều mâu thuẫn ngoại tại này sẽ biến mất, nếu một đàng ta chú ý đến thực tại sống động hơn là mặt chữ, và đàng khác nếu ta bỏ qua lối lý luận khô khan của người Hy lạp và phương tây để hiểu não trạng tình tiết phương đông đầy bí ngữ, dụ ngôn và ngạn ngữ. Do đó, đừng quá chú ý đến ý nghĩa của một chữ hay một câu mà phải nhận ra điều hình ảnh gợi lên, và đoán ngay ra tư tưởng thầm kín của người đối thoại.
Trước tiên cần ưu ý điểm này: “dụ ngôn” người Samatritanô không phải là một so sánh, một lý chứng nhằm giúp xác tín, nhưng là một ví dụ, nghĩa là một trường hợp cụ thể, cá biệt nhằm làm sáng tỏ học thuyết là ví dụ đưa ra làm kiểu mẫu cho đời sống tôn giáo hay luân lý ta phải bắt chước noi theo.
Đúng ra, nhà luật sĩ, với thiện ý hay ác ý - đã đến hỏi điều các ông phải làm để sống đời đời. Mất mặt vì chính ông phải trả lời câu hỏi mình nêu lên, ông muốn tranh luận về lý thuyết, nhưng Chúa Giêsu đã lèo lái câu chuyện theo ý Ngài. Ngài đã chú ý đến câu hỏi của nhà luật sĩ, vì Ngài luôn quan tâm đến việc cứu rỗi các linh hồn. Giống như trường hợp tha tội cho người đàn bà tội lỗi, Ngài đã tìm cách đánh thức tâm hồn ông Simon trước giá trị của lòng biết ơn (7,36-50); ở đây cũng vậy, Ngài ban cho nhà luật sĩ ánh sáng sự sống, chứ không phải một câu định nghĩa chuyên môn. Vì điều cốt yếu không phải là biết ai là cận nhân, nhưng là bác ái hành động giúp kẻ khác, dù họ là ai mặc lòng (2 câu 37 và 36 đều nói đến động từ làm, hành động (pôieô). Vì thế, dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng của Chúa Giêsu thực sự đã trả lời câu hỏi đầu tiên của nhà luật sĩ: “Tôi phải làm gì để sống đời đời?”
Cũng không chắc câu hỏi tis estis mou plêsion (c.29) có nghĩa: “Ai là cận nhân của tôi?”. Vì plêsion là một trạng từ và không có mạo từ đi trước như ở câu 27. Sự khác biệt về hình thức tạo nên sự khác biệt về ý nghĩa. Nếu hiểu là “Ai là cận nhân của tôi” hoặc “đối với tôi cụ thể mà nói, ai là một cận nhân?”, phải thú nhận rằng dụ ngôn đã trả lời vấn nạn luân lý trên bình diện thực tiễn: người Samaritanô là người duy nhất đã cảm thấy và tỏ ra mình là cận nhân của kẻ xấu số; do đó, chính tình yêu làm ta thành cận nhân; nhờ tình yêu ta thành anh em của mọi người, dù họ gần hay xa ta, về phương diện máu mủ, quốc tịch, tôn giáo... Chúa Giêsu “không trả lời”, nhưng đã “lèo lái” cuộc đối thoại, theo ý hướng ban đầu: để sự sống đời đời, phải... yêu tha nhân như chính mình (c.27). Trong lúc nhà luật sĩ muốn hiểu rõ từ ngữ “tha nhân”, Chúa Giêsu xác định từ ngữ “yêu”, như Ngài đã làm trong dụ ngôn ở đồng bằng (chương 6). Là tiên tri của giao ước mới, Ngài xác định ý nghĩa âgâpê (tình yêu) mà Thiên Chúa đòi buộc. Chứng cớ cho thấy đó là thực tại đề cập đến, và tha nhân định nghĩa bằng các phạm trù pháp lý, chứng cớ ấy là: nhà luật sĩ đã chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu (c.37), khi mà ông có thể bắt bẻ Ngài đã không trả lời đúng câu hỏi.
Do đó, phải công nhân không những trình thuật này đồng nhất mà còn là một trong các giáo huấn cô đọng nhất của phúc âm về tình bác ái Chúa Giêsu mời ta suy nghĩ: “Theo ông, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c.36). Thực ra trong ba người, chỉ có người Samaritanô là có liên hệ. Thày tư tế và thày trợ tế Lêvi, đại diện hàng giáo phẩm Do thái, nhắc đến để nói lên sự đối nghịch giữa óc vị luật của Cựu ước với tinh thần của Tân ước. Họ có lý do tránh né người bị thương tích và biện minh việc họ từ chối giúp đỡ người vô danh đang gặp hiểm nguy. Là nạn nhân của bọn cướp, người này có thể bị Thiên Chúa phạt, nên phải vui lòng cam chịu (Giop 6,14.21; 7,8; 16,11); đến gần người đó có thể mắc tội ô uế theo lề luật và do đó không thể cử hành các nghi lễ tế tự (x.Ds 19,11.14). Dĩ nhiên, thái độ của hai nhà tư tế là một thái độ hờ hững, nhưng thật ngạc nhiên không thấy Chúa Giêsu chê trách phàn nàn họ gì cả. Chính Chúa Giêsu đã chấp hành tốt luật bác ái trước khi giảng về bác ái.

4. Thật có ý nghĩa, khi Chúa Giêsu chọn người Samaritanô trong dụ ngôn nói về tình bác ái huynh đệ. Dù là người lạc giáo, người ngoại quốc không biết gì về lề luật như nhà luật sĩ, không có phẩm cách tế tự như thày tư tế và trợ tế Lêvi, ông đã tỏ ra là người thật nhân bản và đạo đức. Đã chấp hành tốt hai giới luật lớn của Cựu ước và của Thiên Chúa sau này nói về tình bác ái. Trong ba khách bộ hành ông là khuôn mặt người Do thái đích thật. Hơn nữa, trong bài giảng ở đồng bằng, Chúa Giêsu đã đòi các môn đệ Ngài đừng hạn hẹp tình yêu của họ trong phạm vi bà con quen biết. Nhưng nhờ yêu thương tất cả mọi người, mà người Kitô hữu khác với “người tội lỗi” (Lc 6,32-34) và trở thành (hay tỏ ra) là Con Đấng tối cao. Và này, người Samaritanô khi giúp một kẻ vô danh trở thành kiểu mẫu của tình bác ái đích thực. Phải chăng ngoài tôn giáo chính thức, cũng có thể có người con đích thực của Thiên Chúa, mà Chúa Cứu thế đến tập họp lại (Gio 11,52)? Chính với một người nữ xứ Samaria, mà Chúa Giêsu đã mạc khải việc tế tự trong tinh thần và chân lý, gạt bỏ mọi phân biệt chủng tộc và nghi lễ (Gio 4,23-24). Phải chăng tình bác ái đã tạo nên việc thờ phượng đẹp lòng Chúa Cha? Quả thực, văn mạch dụ ngôn dạy rằng chính bác ái mới chiếm hữu sự sống vĩnh cửu (cc.25.28.37), và đó cũng là học thuyết mà thánh Phaolô và thánh Gioan hết sức nhấn mạnh.
KẾT LUẬN
Để thay thế một vấn nạn có thể gây ra nhiều tranh luận về các loại cận nhân khác nhau, Chúa Giêsu đã chất vấn về các thực tại sống động. Nhà luật sĩ không thể chạy trốn bài học trước mắt: ai lâm cảnh thiếu thốn đều có quyền đòi yêu thương, thể hiện bằng hành động. Họ là cận nhân của ta, và ngược lại ta là cận nhân của họ. Cũng như người Samaritanô nhân hậu đã cảm thông yêu thương người không thân thích, không có người đồng bào, đồng đạo; không gì có thể ngăn cản tình yêu của ông đối với tha nhân.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Cách cư xử của người Samaritanô nói lên một đức ái hoàn hảo bộc phát và nhanh nhẹn. Dù đã biết luật bác ái huynh đệ, người ký lục cũng hỏi Chúa Giêsu về trường độ của tình yêu. Ông chỉ yêu và vì trong giới hạn luật buộc. Còn người Samaritanô yêu, dù không biết khoản luật đó, cũng như không biết đối tượng tình yêu của mình.
2. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đòi người ta đừng chỉ yêu vì đã yêu. Người Samaritanô, không là người đầu tiên yêu thương mà tình yêu của ông còn là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu hiến dâng trọn vẹn... Cho nên đừng phân biệt trong nhân loại ai là người ta có thể yêu mến, nhưng hãy bắt đầu yêu, với tình yêu phổ quát.
3. Đối nghịch với sự từ chối dấn thân của người đi trước lòng bác ái của người Samaritanô có tính cách cá vị, tích cực và thiết thực. Ông đã bỏ dở cuộc hành trình, để băng bó người bị thương và trang trải mọi phí tổn. Không những ông đã quảng đại đem tiền bạc ra giúp đỡ, mà chính ông đã dấn thân phục vụ người anh em.
4. Dụ ngôn còn nói lên điều này: đức ái bao hàm lòng cảm thông và thương xót. Người Samaritanô có thể đoán kẻ bị thương trên đường Giêrusalem về Giêricô là một người Do thái, nghĩa là một kẻ thù không đội trời chung. Thế mà này không ông đã giúp đỡ, mà còn cảm động khi thấy anh ta bị ngược đãi như vậy! Đó là điểm Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn cả: liền sau khi thấy người bị thương, ông đã động lòng thương. Đây là tình cảm tinh tuyền, chân thật khiến ông đã “đối xử đẹp”, khác với thày tư tế và trợ tế Lêvi.
5. Yêu mến Thiên Chúa trong nhà thờ chưa đủ (thày tư tế và thày Lêvi trong dụ ngôn vừa rồi rời Giêrusalem, là nơi họ đã chu toàn bổn phận tế tự trong đền thờ, nhưng hình như họ chưa sống đạo), nếu không yêu mến Ngài trên đường đi và trong người anh em (thày tư tế, thày Lêvi, người công giáo ngoan đạo ngày hôm nay, đã làm ngơ tránh xa, trong khi người Samaritanô - người tin lành hay Phật tử - dừng lại chăm sóc người khốn khổ). Tế tự, mà không yêu tha nhân, đối với Thiên Chúa là một điều ghê tởm đáng ghét, như các tiên tri đã dạy.
6. Đức Kitô đã là người Samaritanô tốt lành đối với chúng ta. Ngài đã rời bỏ Giêrusalem thiên quốc để đến băng bó và chữa lành các vết thương mà tội lỗi và sự chết gây ra cho nhân loại. Đoạn Ngài ra đi, để nhân loại trong quán trọ là giáo hội Ngài. Bây giờ đến lượt chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ người Samaritanô nhân lành bên cạnh tất cả ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ băng bó các vết thương của họ (nghèo nàn, chết chóc, đau yếu, cô đơn...) chính với chúng ta mà Chúa Giêsu ban huấn lệnh cấp bách này: “hãy đi và làm như thế”. Nếu luôn nghe tiếng Ngài, chúng ta “sẽ sự sống đời đời” (c. 25)
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

13-7 Kính Thánh Hen-ri-cô - Thông điệp & Tính thời sự


1. Tiểu sử – Phụng vụ
Henri II là quận công Bavière và hoàng đế nước Đức, qua đời ngày 13 tháng Bảy năm 1024 tại Bamberg (Đức quốc), được phong thánh năm 1146. Hồi ức cho thấy ngài là một vị hoàng đế siêu vời, với đường lối chính trị đôi khi tạo ra những phản ứng quan trọng, thậm chí gặp cả chống đối của phía Giáo Hội. Chẳng hạn ngài đã liên minh với các dân ngoại, như dân Liutizes và dân Redars, để chống lại vị quận công công giáo và sau này sẽ là Boleslas I vua nước Ba Lan đang tìm cách hợp nhất các dân gốc Slaves ở phương Tây. Ngài sinh tại Bavière năm 973, là con của Henri I biệt danh Hay Gây Hấn và là anh của bốn người em, trong đó Bruno sau này là giám mục Augsbourg, Gisêla sẽ kết hôn với Stêphanô nước Hungari và Brigitte về sau là viện mẫu Saint Paul ở Ratisbonnes. Henri được giáo huấn đạo hạnh hầu hết là trong các tu viện, được Thánh Wolfgang dạy dỗ (vị tu sĩ gốc Einsiedeln sau này sẽ là giám mục ở Ratisbonne và là tông đồ truyền giáo ở Hungari), Henri quyết tâm bảo vệ Giáo Hội và đã cộng tác chặt chẽ với nhiều tu viện trong việc cải tạo kỷ luật hàng giáo sĩ.
Được bầu làm quận công Bavière, Henri tháp tùng vua Othon III sang Italia năm 996 để trấn áp cuộc nổi dậy của dân Roma chống lại Đức Giáo Hoàng. Người kết hôn với một phụ nữ đạo đức tên là Cunégonde ở Luxembourg (được phong thánh năm 1200). Sau bảy năm cai quản lãnh thổ quận công và sau khi Othon III qua đời, Henri được chọn kế vị ngai hoàng đế. Lễ đội vương miện được cử hành ở Mayence năm 1007, rồi ở Đền Thờ Thánh Phêrô do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô VIII, năm 1014. Nhân dịp này, đây là lần đầu tiên ở Tây phương, Ngài nhận được quả địa cầu hoàng đế, trên có chiếc vương miện và cây thập tự.
Henri hầu như suốt đời chỉ giao tranh. Trước hết là để trấn áp những cuộc nổi dậy trong đế quốc rộng lớn của Ngài vốn gồm phần lớn nước Đức, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo và miền Bắc Ý. Sau đó là đương đầu với Boleslas, quận công Ba Lan. Sau nhiều cuộc chiến chinh chỉ đưa lại chán chường, năm 1018, Henri ký một hòa ước công nhận thực tế sự độc lập của nước Ba Lan. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô VIII triệu sang Italia; tại đây, năm 1021, cùng với Đức Giáo Hoàng, và với sự đồng ý của vua nước Pháp là Robert biệt danh Đạo Đức, Ngài đã giúp hoàn tất công cuộc cải tổ Giáo Hội. Trở về Đức, Ngài qua đời ở tuổi năm mươi mốt tại hoàng cung ở Grona; theo yêu cầu của Ngài, thi hài được chôn trong Nhà thờ Chánh Tòa Gottingen đã được Ngài xây cất.
2. Thông điệp và tính thời sự
Theo lời nguyện của ngày, Chúa “đã ban cho Thánh Henri tràn đầy Ơn của Người để thánh nhân biết quản cai vương quốc mình”. Thực vậy, đứng đầu một phần đế quốc bao la của Charlemagne đầy lộn xộn và chia rẽ, Henri đã thu phục được các vương hầu phản loạn thuộc các tỉnh miền Bắc trước khi xuôi Nam tới Italia để được phong vương năm 1004 ở Pavie. Mặc dầu bận bịu các cuộc chiến chinh, Ngài luôn lưu tâm đến các quyền lợi của Giáo Hội bằng cách tham dự các công đồng miền và lựa chọn những giám mục đạo đức. Ngài cũng cộng tác với các tu viện như Cluny, núi Cassin, Camaldoli để cải tổ giáo sĩ, lắng nghe ý kiến các vị đạo đức như Thánh Odilon ở Cluny và Chân Phước Richard de Saint Vanne. Trong bài diễn từ đọc tại đại công đồng Thionville lần I (1003), Ngài đã trách cứ các giám mục quá nhu nhược trước những đám cưới hỏi loạn luân, và năm 1023, Ngài đã hỗ trợ cuộc cải cách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô VIII trong việc thải hồi các linh mục và lên án việc mua bán chức thánh.
Thánh Henri cũng xây dựng nhiều đại giáo đường, cải tạo nhiều nhà thờ, lập thêm các tòa giám mục, chẳng hạn Tòa Giám Mục Bamberg, phục hồi Tòa Giám Mục Merseburg và cải cách tu viện Saint Maximin ở Trèves. Ngài là một vị hoàng đế thánh thiện luôn nêu gương tận tụy với Chúa và với Giáo Hội trong một giai đoạn đầy nhiễu nhương. Ngài cũng biểu lộ một lòng trung thành lạ lùng, một sự xả kỷ trọn vẹn cho bổn phận đối với đất nước, trong một lương tâm ngay thẳng và đạo đức. Phụng vụ Bài đọc trích từ bức thư thiết lập Tòa Giám Mục Bamberg in trong một cuốn Tiểu sử do một tác giả thời cổ viết: “Thánh Kinh dạy chúng ta những lời cứu rỗi, đã nhắc nhở và cảnh báo chúng ta điều này rằng: ... vinh quang hiện thời chỉ chóng qua và vô bổ, nếu trong khi chiếm hữu nó, chúng ta quên nghĩ tới quê Trời vĩnh cửu”. Vậy nên, trong lời nguyện của ngày, chúng ta cầu nguyện thế này:“Lạy Chúa, ... nhờ lời cầu khẩn của Người, xin dạy chúng con biết dẫu ở giữa những chuyển biến của thế giới, chúng con vẫn hướng về Chúa với tâm hồn đơn sơ”.
Enzo Lodi
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

KHÓ KHĂN VÀ THÁCH ĐỐ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 10, 16-23)


PHÚC ÂM: Mt 10, 16-23 - Thứ Sáu Tuần 14 TN 12-7-2019
“Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con”.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
“Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến”.

Suy Niệm:
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH ĐỐ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Tin mừng Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Chúa Giêsu cho biết những khó khăn nguy hiểm trên hành trình truyền giáo: “Như chiên ở giữa sói rừng”. Song song với đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách đối diện với những khó khăn.
Và ta thấy Chúa Giêsu biết trước trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, các Tông đồ sẽ gặp bách hại, thất bại, ghen ghét và chống đối. Sự chống đối này còn xảy ra ngay trong gia đình nơi thân thương gần gũi với mình. Nên Ngài không những trấn an các ông đừng lo sợ vì có Thiên Chúa ở cùng nâng đỡ mà còn dạy các ông cần phải biết Khôn ngoan như rắn và đơn sơ như Chim câu. Điều này đòi hỏi người môn đẽ phải luôn có đời sống cầu nguyện và tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, rắn là loài vật luồn lách rất giỏi, tinh ranh và khôn ngoan, quỷ quyệt (St 3). Nó có thể cắn chết người (rắn lửa trong sa mạc) và cứu người (con rắn đồng của Môi sê). Xưa cũng như nay, người ta còn dùng rắn để chữa nhiều bệnh. Chúa Giêsu mượn hình ảnh con rắn để dạy các môn đệ cũng như những ai muốn làm môn đệ Ngài khi thi hành sứ vụ phải biết khôn ngoan cẩn trọng nhưng không quỷ quyệt, luồn lách, thâm độc, Sự khôn ngoan này phải xuất phát từ tấm lòng từ bi chân thành, ngay thẳng, đơn sơ như chim bồ câu.

Nói đến chim câu là nói đến sự trung thành (St 8, 8-12), hiền lành, trong trắng, đơn sơ là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, của hòa bình, an lành. Chúa Giê su dùng hình ảnh này không những để khuyến khích các tông đồ mà cả chúng ta nữa, những người muốn theo Chúa, làm môn đệ Chúa phải luôn thành thực, tín trung và phó thác vào tình yêu Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Thật vậy, thời nào cũng có những cuộc bách hại gây khó khăn cho người môn đệ. Nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại đầy dẫy những bất công, con người chỉ muốn sống tự do, hưởng thụ an nhàn tự tại cho riêng mình. Thời đại mà người công chính, lương thiện, người bênh vực chân lý thì mất dần tiếng nói trong xã hội, trong các công sở. Nếu không khôn ngoan như con rắn để phân định sự kiện. Nếu không đơn sơ như chim câu mở rộng tâm hồn đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trung thành, tín thác vào tình yêu của Chúa. Người môn đệ dễ bị chán nãn thất vọng trước những thất bại, chống đối ghét ghen, phản bội, kết án của xã hôi, bạn bè và ngay cả chính những người thân trong gia đình.
Vậy trước tình hình đất nước, cuộc sống và nhân tình thế sự hôm nay, là người môn đệ của Chúa, bạn đã, đang và sẽ có những dự định như thế nào để sống xứng danh là người yêu quê hương , yêu đất nước ,yêu dân tộc và là người môn đệ trung thành, tín yêu của Chúa trong Giáo Hội, Giáo xứ và gia đình thân yêu của bạn?

Chúa đã nói: môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ. Cả cuộc đời rao giảng của Chúa đầy dẫy những bách hại, chống đối nhưng Chúa đã vượt qua bằng chính tình yêu dấn thân phục vụ và hy sinh cả tính mạng mình vì loài người chúng con. Bởi vậy, là môn đệ Chúa mang danh Kitô hữu, có Chúa trong con làm sao chúng con không nên giống Chúa được ? Làm sao chúng con không rao giảng làm chứng cho Chúa được? Đó là điều Chúa mong muốn và cũng là khát vọng của mỗi người chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con đức tin đủ mạnh để dù gặp khó khăn thử thách dù bị thiệt thòi trong cuộc sống, chúng con vẫn bền đỗ yêu Chúa, tín thác vào Chúa đến cùng và không ngừng gắn bó với Chúa. Có như vậy chúng con mới chu toàn bổn phận là người kitô hữu, người môn đệ Chúa và đáng hưởng phần thưởng Chúa ban cho cả đời này và đời sau.
Những khó khăn đó là người môn đệ sẽ bị nộp cho công nghị, bị đánh đập và bắt bớ, bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa. Tiếp đến, khó khăn lớn đối với người môn đệ chính là việc bị những người thân chống đối: anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái chống lại cha mẹ. Chúa Giêsu cho các môn đệ biết những khó khăn không phải để các ông nản chí, sờn lòng hay bỏ cuộc. Nhưng Chúa muốn các môn đệ dùng chính những khó khăn như cơ hội để làm chứng cho Chúa. Chúa cũng dạy các môn đệ cách đối diện với nguy hiểm, đó là phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Khôn ngoan như rắn là “khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”. Đơn sơ như bồ câu là biết tín thác vào Chúa, dù khi bị bắt nộp cho người đời, người môn đệ cũng không lo nghĩ phải nói gì vì chính lúc ấy: “Thánh Thần của Cha các con sẽ nói trong các con”.
Tin mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài.
Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi.

Là chứng nhân của Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với Kitô hữu. Như Chúa Giêsu đã báo trước, thánh giá sẽ quyện lấy cuộc đời người làm chứng cho Chúa. Thánh Phêrô và Gioan đã bị người Do Thái giam giữ và cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu Kitô trước khi được thả về. Tuy nhiên, hai thánh tông đồ đã dõng dạc tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm và các ngài tiếp tục loan báo Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ, dù bị đe dọa tính mạng.  Người Kitô hữu thời đại hôm nay vẫn đang bị sự cấm đoán vô hình đến nỗi không dám mang theo mình một cuốn Thánh Kinh, không dám làm dấu thánh giá trước mặt mọi người trong một đám tiệc.
Là người môn đệ theo Chúa, người Kitô hữu được Chúa sai đi loan báo tin mừng cho mọi người bằng lời nói và đời sống chứng tá của mình. Dù khó khăn hiểm nguy, người kitô hữu vẫn được mời gọi can đảm bước theo Chúa Giêsu, sống và làm chứng cho Chúa. Họ cần tín thác vào Chúa, ngoan ngoãn để Thánh Thần hướng dẫn và tin vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.
Mỗi ngày sống là mỗi cơ hội Chúa ban cho chúng ta để làm chứng cho Chúa. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian thách thức đức tin của chúng ta vào Chúa và thách đố lòng trung thành của chúng ta vào việc làm chứng cho Chúa.
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

TA MUỐN LÒNG NHÂN (Mt 9, 9-13) - Thứ Sáu Tuần 13 TN

Chúa kêu gọi ông Lêvi thu thuế (Mátthêu) đi theo Chúa
Tin Mừng Mt 9:9-13
Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."


Suy Niệm:

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu rao giảng rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Chúa không thụ động chờ đợi con người ăn năn sám hối, nhưng luôn tìm kiếm những người tội lỗi để mời gọi họ đổi mới đời sống của mình. Chúa gọi Matthêu, một người thu thuế, trở nên tông đồ của Chúa. Chúa đồng bàn với những người tội lỗi để thánh hóa cuộc đời của họ. Nhờ tiếp xúc với Chúa Giêsu, Matthêu đã dứt khoát với quá khứ tội lỗi của mình và biết bao nhiêu con người tội lỗi khác cũng nhận được ơn thứ tha để hoán cải. Tất cả đều do tình yêu của Chúa Giêsu đối với các tội nhân. Chúa đi bước trước và đến tìm gặp con người trong vũng lầy tội lỗi. Chúa tạo nên cơ may để tội nhân làm lại cuộc đời. Phần của con người là đón nhận lời mời gọi của Chúa để làm mới lại cuộc sống mình.

Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.


Đến với Chúa, Matthêu tìm được ý nghĩa đời mình ; đến với Chúa, bọn thu thuế và tội lỗi tìm lại phầm giá của người con ; đến với Chúa, ta được sống dồi dào, sống trọn vẹn, sống đời đáng sống nhờ lãnh nhận thần lực Thánh Thể và Lời hằng sống, nhờ yêu bằng trái tim của Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ đi trên lối nẻo của Đấng là Đường và Sự Thật. Nhưng, làm sao nghe được tiếng gọi ân tình của Chúa ? Làm sao ý chí ta đủ mạnh, tâm tư ta đủ sáng để dứt khoát đứng dậy, rời khỏi nơi ta đang ở để đến với Ngài ?

Điều Thiên Chúa cần nơi con người là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. Chính lòng mến chân thành làm nên giá trị con người trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng đánh giá cao người đàn bà góa nghèo dâng cúng chỉ có hai đồng tiền kẽm nhưng với tất cả tấm lòng chân thành (x.Mc 12, 41-44). Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Matthêu, một người bị giới lãnh đạo Do thái giáo loại trừ và xem là hạng người tội lỗi, để làm môn đệ của Ngài. Vì Chúa thấu rõ con người ông hơn bất kỳ ai và ông cũng đã biết mau mắn, chân thành đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái cốt lõi chính là tình yêu.

Đời sống Kitô hữu vẫn luôn có nguy cơ vụ hình thức hơn là đời sống mến Chúa chân thành. Có người cố gắng giữ đúng lề luật Chúa để được Chúa nhận lời mình xin hơn là để đẹp lòng Chúa. Có người tự mãn vì thấy mình hoàn tất mọi việc một cách trọn vẹn trước mặt Chúa và người khác, nhưng lại không thực lòng yêu mến Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình để biết đến với Chúa với cả tấm lòng, để dành cho Chúa chỗ nhất trong cuộc đời mình. Chính Chúa phải vượt lên trên công việc của Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng đang được Chúa mời gọi canh tân con người cũ của mình. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sám hối ăn năn. Không ai trong chúng ta dám tự phụ cho rằng mình là người công chính không cần hối cải. Thiên Chúa luôn dủ lòng xót thương những con người tội lỗi. Ngài vẫn dang rộng đôi tay để đón chờ sự trở lại của mỗi người chúng ta. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta hãy chân thành nhìn nhận những tội lỗi của mình, can đảm xưng thú tội lỗi và sẵn lòng để Chúa đến biến đổi đời ta. Chính khi có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ trở nên con người mới, nên con cái trong nhà Chúa.

Hẳn sẽ rất cần nơi ta, nơi bạn một tâm hồn khiêm tốn và thẳng thắn đủ để thấy rõ và chấp nhận thân phận tội lỗi của mình, để ý thức nhu cầu cần đến lòng xót thương hải hà của Chúa, để nhận ra sự thúc bách phải điều chỉnh lối sống, phải hoán cải, phải rời khỏi những gì ta đang bám víu, mà rất có thể đó là một suy nghĩ, một hành động, một chương trình sống, một mối tương quan, một thói quen, một cử chỉ hay thái độ nào đó. Ta cùng mở lòng đón đợi Lời Gọi Yêu Thương của Chúa trong giờ suy niệm này và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.  



Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.


Huệ Minh

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Tội con được tha rồi - Mt 9, 1-8 - Thứ Năm Tuần XIII TN 4-7-2019




Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 9: 1-8)


Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự xấu trong lòng?". Bảo rằng: "Tội con được tha rồi", hay nói: "Hãy chỗi dậy mà đi", đàng nào dễ hơn?". Nhưng để các ngươi biết rằng, trên đời này Con Người có quyền tha tội, bấy giờ Chúa Giêsu nói với người bất toại: "Con hãy chỗi dậy vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa, đã ban cho loài người quyền năng như thế.



SUY NIỆM 

    Đức tin và đời sống đạo của người này có thể cứu được người kia. Đó là điều chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Người bại liệt đã được những người thân hay bạn bè đưa đến gặp Chúa Giêsu, và nhờ lòng tin của những người này mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành cho anh ta. 

     Một thanh niên Canada 23 tuổi đã thuật lại hành trình được cứu chữa nhờ tình thương của cha mẹ mình như sau. Anh kể: “Vì cảm thấy cô đơn và trống rỗng, tôi đã lao đầu vào ma túy và nghe nhạc kích động. Thế là tôi đánh mất tuổi trẻ tươi đẹp của mình, hủy diệt niềm hy vọng của cha mẹ đặt nơi tôi. Chỉ có một điều may mắn mà tôi luôn giữ vững đó là niềm tin vào Chúa, một niềm tin mà cha mẹ tôi truyền đạt cho tôi như cơm bánh hằng ngày. Lúc nhỏ, vì không có bạn thân để thổ lộ tâm tình, tôi thường bày tỏ tâm sự với Chúa Kitô. Nhưng giờ đây, tôi đã dìm mình trong ma túy và sa đọa.

Một buổi tối, tôi đang ở nơi ăn chơi thường ngày, bỗng cha mẹ tôi đến, cha tôi nói: “Thường thì vào giờ này, bố mẹ đi dự buổi cầu nguyện chung. Nhưng tối nay, bố mẹ thấy sự hiện diện của bố mẹ là cần thiết cho con. Nếu con bằng lòng thì trở về gia đình, bố mẹ hứa sẽ lo đủ mọi điều mà con cần”. Trong mấy phút suy nghĩ về những lời của cha tôi, tôi tâm sự với Chúa và lúc ấy tôi nghe Chúa nói: “Muốn thoát khỏi gông cùm của ma quỷ, phương thuốc công hiệu nhất là tình gia đình. Con phải chấp nhận sự chỉ dạy của cha con. Thế là tôi trở về nhà”.

Nhưng dứt hẳn mọi thứ xấu xa ngay, đâu có phải là chuyện dễ làm, ít lâu sau tôi lại đi vào con đường ma túy như cũ. Một hôm, tôi đi chơi về khuya lắm. Tôi thấy cha mẹ tôi đang cùng cầu nguyện. Cha tôi nói chuyện với Chúa về tôi. Tôi lắng nghe và đã nhận ra tình thương của cha mẹ dành cho tôi. Hôm ấy, tiếng sét của tình thương và ơn thánh đã quật ngã tôi. Thế là tôi nhất định dứt khoát với tội lỗi và dĩ vãng ma túy của mình. Đêm hôm đó, tôi còn giữ trong túi số lượng ma túy trị giá 1.000 đôla, nhưng tôi không ngần ngại liệng nó vào đống rác. Tôi nhận ra rằng khoảng trống trong tâm hồn tôi chỉ có thể được lắp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa và của cha mẹ tôi. Kể từ đó tôi đã từ bỏ hẳn ma túy và sống cuộc đời ngập tràn yêu thương”.



     Như người bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay được gặp Chúa, được Chúa cứu là nhờ sự giúp đỡ và đức tin của những người thân và bạn bè, thì chàng thanh niên nghiện ma túy trong câu chuyện kể trên cũng được cứu nhờ đức tin và sự giúp đỡ của chính cha mẹ của anh. Quả thật, đức tin và lòng đạo sốt sắng của người này có thể giúp đỡ cho người khác. Đức tin và lòng sốt sắng của cha mẹ có thể cứu được con cái, cũng như đức tin và lòng sốt sắng của con cái cũng có thể cứu được cha mẹ. Bằng đức tin và đời sống cầu nguyện, chồng có thể cứu được vợ và vợ cũng có thể cứu được chồng. Anh em, bạn bè, bà con láng giềng cũng có thể cứu được nhau bằng đức tin và lòng sốt sắng đạo đức.

Cầu Nguyện:

    Lạy Chúa, xin Chúa ban thêm đức tin và lòng sốt sắng cho chúng con để nhờ đức tin và lòng sốt sắng đó chúng con có thể không những cứu được chính mình mà còn cứu được những người thân quen và bạn bè của chúng con. Amen.




GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

3-7: Mừng Kính Thánh TÔMA Tông Đồ

Thánh Thomas (Tôma) Tông Đồ hay cũng còn được gọi là là Đi-đy-mô, xuất thân từ một gia đình nghèo túng tại Galilea, Do-thái. Tuy nhiên, không ai biết về ngày tháng năm sinh của Ngài, cũng không ai biết Ngài đã sinh ra tại địa điểm cụ thể nào ở Galilea. Theo tương truyền,

Thomas.jpg

Ngài đã đến Mailapur, một khu vực thuộc thánh phố Madras của Ấn-độ ngày nay, và đã chết tại đó vào năm 72 sau Chúa Ki-tô với tư cách là một vị Tử Đạo. Ngài là một trong nhóm 12 Tông Đồ, tức những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giê-su, đã đồng hành với Chúa Giê-su suốt ba năm trường với tư cách là những người bạn và những môn sinh (xc. Ga 15,15). Tên của Ngài được đặt theo tiếng Aram: ta'am (Thomas), có nghĩa là „một cặp“ hay „người được sinh đôi“. Vì thế, trong Kinh Thánh, Thomas cũng được gọi là Didymos, vì từ Thomas được dịch sang tiếng Hy-lạp là δίδυμος (didymos). Theo truyền thống Syria, Thánh Nhân cũng còn được gọi là Judas Thomas, vì tại đó, Thomas được hiểu là tên đệm, hay tục danh.

Trong các Giáo hội Công giáo, Chính thống giáo và Anh giáo, Thánh Thomas được tôn kính với tư cách là vị Thánh Tông Đồ Tử Đạo. Trong các Giáo hội Tin Lành cũng có ngày tưởng nhớ tới Ngài.



1.Hình ảnh của Thánh Thomas trong Kinh Thánh:

Thánh Thomas được cả bốn Tin Mừng nhắc tới trong bảng danh sách các Tông Đồ. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tức ba cuốn Tin Mừng đầu tiên, Ngài đứng bên cạnh Thánh Mát-thêu - viên quan ngành thuế (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, người ta thấy Ngài đứng bên cạnh Tông Đồ Philiphê (Cv 1,13). Tin Mừng theo Thánh Gio-an đã cung cấp một số chi tiết đặc biệt về Thánh Nhân, mà những chi tiết đó đã mô tả một cách rõ nét về những tính cách nơi con người Ngài.

a.Thomas là người đa nghi:

Trước tiên, con đường dẫn tới việc tuyên xưng Đức Tin vào Con Thiên Chúa được trình bày nơi Thánh Thomas, dựa trên nền tảng căn bản phát xuất từ mối tương quan cá nhân của Ngài với Chúa Giê-su. Tin Mừng theo Thánh Gio-an (xc. Ga 20,19-29) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn như thế:

Vào chiều ngày ấy, tức ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

„Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

Sở dĩ Thánh Thomas bị gọi là người „đa nghi“ là vì, như được trình bày trong đoạn văn Kinh Thánh nêu trên, trước khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giê-su Phục Sinh thì Ngài đã nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa, cho tới khi chính Ngài tận mắt thấy được những vết đanh trên người của Đấng Phục Sinh.



b.Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống“:

Một chi tiết tiếp theo về Thánh Thomas được ghi lại trong trình thuật về Bữa Tiệc Ly (xc. Ga 14,4). Trong Bữa Tiệc này, sau khi loan báo về cái chết đang đến gần của Ngài, Chúa Giê-su đã nói rằng, Ngài sẽ đi để dọn chỗ cho các Môn Đệ, để Ngài ở đâu thì các ông cũng sẽ được ở đó với Ngài; và Ngài đã giải thích cho các ông rằng: „Thầy đi đâu thì anh em cũng đã biết đường đến đó rồi“ (Ga 14,4). Nhưng Thánh Thomas đã xen vào và nói: „Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?“ (Ga 14,5). Câu hỏi của Thánh Nhân đã tạo điều kiện cho Chúa Giê-su tuyên bố một lời rất nổi tiếng: „Thầy chính là đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14,6).

c.“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!:

Thánh Thomas lại xuất hiện một lần nữa trong Tin Mừng trước khi Chúa Giê-su làm cho La-gia-rô phục sinh. Trong một khoảnh khắc đầy nguy ngập đối với cuộc sống của Ngài, Chúa Giê-su đã quyết định đi tới Bê-ta-ni-a để làm cho La-gia-rô được sống lại, và như thế, Ngài đã lên đường trong sự nguy hiểm, vì Bê-ta-ni-a nằm rất gần Giê-ru-sa-lem, nơi các thủ lãnh của dân đã quyết định làm mọi cách để khử trừ Chúa Giê-su (xc. Ga 10,22-39), do đó, chỉ cần nói tới đi đến Giê-ru-sa-lem thôi thì tất cả các môn đệ của Chúa Giê-su lẫn những người đi theo Ngài đều cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi (xc. Mc 10,32). Trước sự quyết tâm của Chúa Giê-su và trước nỗi do dự của các Tông Đồ khác, Thánh Thomas đã nói với họ: „Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!



2.Thánh Thomas đã nghi ngờ về cuộc Thăng Thiên của Đức Maria:

Theo tương truyền, Thánh Thomas cũng là một Tông Đồ duy nhất đã không có mặt trong cuộc Thăng Thiên của Đức Maria. Khi được các Tông Đồ khác thuật lại cho biết sự kiện vừa nêu, Ngài cũng đã tỏ ra nghi ngờ giống như Ngài đã từng nghi ngờ về cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su. Vì thế Đức Mẹ đã hiện ra với kẻ đa nghi này và trao cho Ngài dây thắt lưng của Mẹ như là bằng chứng về việc cả hồn lẫn xác của Mẹ đều đã được nghinh đón trên Thiên Đàng. Do đó, trong nền kiến trúc Barock, hình ảnh Đức Maria cầm dây thắt lưng chính là một Mô-típ rất được yêu chuộng và phổ biến trong nghệ thuật Ki-tô giáo.

3.Những tương truyền về hoạt động tông đồ của Thánh Thomas:

Cuốn Didache, tức cuốn Giáo Lý của các Thánh Tông Đồ - một trong những tác phẩm Ki-tô giáo cố nhất ngoài 27 cuốn sách của Tân Ước – xuất hiện vào khoảng năm 100 sau Chúa Ki-tô, chứa đựng những bằng chứng cổ nhất bằng văn bản về hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại Ấn-độ. Theo cuốn sách này, Ngài đã thành lập Giáo hội tại Ấn-độ và tại những khu vực lân cận.

Khoảng một trăm năm sau, những tài liệu được gọi là những văn kiện về Thánh Thomas mới xuất hiện. Những tác phẩm này đã tường thuật lại một cách khá giống nhau về những công việc của Thánh Thomas, nhưng được thêu dệt thêm bởi rất nhiều những tình tiết giầu tính tưởng tượng, và có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều bởi ngộ đạo thuyết.

Giáo phụ Ô-ri-gen cho biết rằng, trước tiên Thánh Thomas đã đến loan báo Tin Mừng tại Irak và Iran. Sau đó Ngài mới đến miền Nam Ấn-độ để hoạt động Tông Đồ, và vì những hoạt động truyền giáo của mình, nên Ngài đã bị giết tại Mailapur – một khu vực thuộc miền Nam Ấn-độ - vào năm 70 của thế kỷ thứ nhất. Người ta vẫn còn giữ được nhiều văn bản nói về những hoạt động của Thánh Thomas tại Ấn-độ, nhưng những văn bản đó xuất hiện sau thời Ô-ri-gen. Trong đó có những bản văn của Thánh Hieronymô (347-420), và của những người sống cùng thời với Ngài là Thánh Gaudentiô thành Brescia và Thánh Paulinô thành Nola (354-431).

Thánh Grêgôriô thành Tours (538-594) đã không chỉ cho chúng ta biết rằng, Thánh Thomas Tông Đồ đã hoạt động và chết tại Ấn-độ, nhưng còn cho biết thêm là, Ngài đã được mai táng tại đó trong một thời gian dài, và sau đó, các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới Edessa, nhưng nơi có ngôi mộ nguyên thủy của Ngài vẫn còn được tiếp tục tôn kính tại Ấn-độ. Thánh Isidor thành Sevilla (560-636) cũng nói tương tự như thế về Thánh Thomas, và cũng nói về cách thức lãnh nhận ơn Tử Đạo của Ngài tại Ấn-độ.

Một truyền thống khác phát sinh tại Nam Ấn-độ, và có nguồn gốc từ thời các Thánh Tông Đồ, và luôn tồn tại từ đó tới nay, đã cho biết về những hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại đó, và cho biết rằng, Ngài đã thành lập 7 giáo đoàn đầu tiên tại vùng duyên hải Malabar, cũng như cho biết về cuộc Tử Đạo của Ngài tại Mailapur nằm đối diện với vùng duyên hải Coromandel. Ngay cả truyền thống có tính địa phương của Ấn-độ về Thánh Thomas cũng xác nhận về việc các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển một phần lớn về Edessa, mà tại đây, trong các cuộc khai quật sau sau này, người ta đã phát hiện ra một ít Thánh Tích vẫn còn sót lại của Ngài.

Ibas Edessa đã cho xây dựng một ngôi Thánh Đường tại quê hương của ông để tôn kính các Thánh Tích của Thánh Thomas. Còn hộp sọ được cho là của Thánh Thomas thì hiện tại đang được bảo quản trong Nhà Thờ Chính Tòa Sioni tại Tiflis, Giorgia, và được tôn kính tại đó bởi Giáo hội Tông Truyền Chính thống Giorgia như là Thánh Tích. Trong cuộc Thập Tự Chinh vào năm 1258, phần lớn Thánh Tích của Thánh Thomas đều được chuyển từ Edessa về Ortona, Ý, và những Thánh Tích đó vẫn đang được bảo quản tại đó cho tới tận ngày nay, trong một hòm đựng Thánh Tích đặt trong Nhà Nguyện nằm bên dưới Vương Cung Thánh Đường Ortona. Ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Thoams tại Ấn-độ hiện đang là một điểm hành hương có sức lôi cuốn rất mạnh. Ngoài Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Thomas được xây dựng ngay trên ngôi mộ trước đây của Ngài tại Mylapore, thuộc thành phố Chennai, thì tại khu vực phía Nam Ấn-độ cũng còn vô số những điểm hành hương khác, mà những điểm hành hương này đều có liên quan đến Thánh Thomas cũng như liên quan tới những hoạt động truyền giáo của Ngài tại đó. Sau đây là một số địa điểm nổi tiếng nhất:

1.Thánh Đường kính Thánh Thomas trên núi Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Ngài đã Tử Đạo tại đó;

2.Thánh Đường kính Thánh Thomas nằm trên một ngọn núi nhỏ khác tại Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Thánh Thomas đã đến ẩn náu tại đó trước khi chịu Tử Đạo;

3.Núi và Thánh Đường Malayattoor tại Kerala: đây là nơi được cho là Thánh Thomas đã đến sống ẩn dật tại đó trong một thời gian dài để cầu nguyện và suy niệm;

4.Thánh Đường Codungallur: theo tương truyền, nơi đây đã từng là một thành phố cảng nổi tiếng, và vào năm 52, Thánh Thomas đã cập bến tại đây, và là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy do Thánh Thomas thành lập. Một cánh tay của Thánh Nhân đang được tôn kính tại đây. Cánh tay này đã được chuyển đến từ Ortona, nước Ý, như là một món quà của Đức Pi-ô XII nhân dịp mừng kỷ niệm 1900 năm Ngày thánh Thomas đặt chân tới Ấn-độ.

5.Thánh Đường Palayur: đây là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy tại vùng duyên hải Malabar, và nguyên là một đền thờ của người Ấn giáo. Sau khi hầu hết các Giáo sĩ Bà-la-môn gia nhập Giáo hội Công giáo, Thánh Thomas đã biến ngôi đền này thành một ngôi Thánh Đường.

Theo một số truyền thống khác, mà những truyền thống này có lẽ có nguồn gốc từ ngộ đạo thuyết và từ phái Manichê, Thánh Thomas được coi là người anh em song sinh của Chúa Giê-su.

Thánh Thomas còn bị gán là tác giả của một cuốn Tin Mừng và của nhiều tác phẩm khác. Nhưng tất cả các tác phẩm này đều bị liệt vào số các sách Ngụy Thư.



4.Việc tôn kính Thánh Thomas:

Tại Châu Âu, ngoài việc được tôn kính với tư cách là Thánh Tông Đồ Tử Đạo, Thánh Thomas còn được tôn kính với tư cách là vị Bổn Mạng của những người làm nghề thợ nề và thợ mộc. Bên cạnh đó, Ngài còn được tôn kính là Bổn Mạng của các Thần Học Gia.

Trước đây Giáo hội mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12, nhưng từ năm 1969, với cuộc cải tổ Phụng Vụ, Giáo hội đã mừng kính Ngài vào ngày mồng 03 tháng 07 với bậc Lễ Kính, tức Lễ Bậc II. Ngày mồng 03 tháng 07 được coi là ngày di chuyển các Thánh Tích của Thánh nhân từ nơi Ngài được phúc Tử Đạo, tức từ Kalamina về Edessa hồi thế kỷ thứ III.

Giáo hội Chính Thống giáo mừng kính Thánh Thomas vào ngày mồng 06 tháng 10.

Còn các Giáo hội Tin Lành thì vẫn tiếp tục mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

Và Giáo hội Anh giáo cũng mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Sưu tầm: P. Mai Tự Cường