Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

SUY NIỆM LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT (Ga 20, 19-31) - CN II PS C


LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TỒN TẠI ĐẾN MUÔN ĐỜI
SUY NIỆM CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
(Ga 20, 19-31)
Khởi đi từ năm 1931, lòng thương xót Chúa đã mạc khải cho nữ Thánh Faustina về lòng tôn sùng lòng thương xót Chúa; mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định thiết lập lễ kính lòng thương xót Chúa vào Chủ Nhật thứ II sau Phục Sinh khi phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000 và phổ biến Thông điệp đó trên toàn cầu.
Suy niệm đoạn Tin Mừng (Ga 20, 19-31) Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần  (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Đức Thánh Cha Phanxicô xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới  ngày 18-10-2014).
Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/video/video-suy-niem/15544-video-long-thuong-xot-chua-ton-tai-den-muon-doi-chua-nhat-ii-phuc-sinh-lm-anton-nguyen-van-do.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Tình yêu không trì hoãn - Chúa Nhật Lễ Chúa Phục sinh năm C



Lời Chúa: Ga 20, 1-9
 
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20,1)


Suy niệm: 
Niềm xác tín của các Tông đồ vào sự Phục sinh của Đức Kitô dựa trên hai kinh nghiệm; có thể nói là chúng hình thành nên “hai giai đoạn.”
Trước tiên, việc khám phá ngôi mộ trống là mặc khải gây choáng váng đầu tiên, phải nói là kinh nghiệm về sự “trống rỗng”; kinh nghiệm này đã mở đôi mắt của họ và khai lòng mở trí họ để hiểu Kinh Thánh.
Tiếp đó, ngay từ cùng ngày hôm đó, “những lần hiện ra” của Đức Giêsu mang đến bằng chứng khả giác về một con người thực sự đang sống, tuy nhiên, các môn đệ không thể nào thấu hiểu mầu nhiệm tôn vinh của Ngài. Nhưng thân xác của Đấng Phục sinh rõ ràng là thân xác đã biến mất khỏi ngôi mộ, thân xác mang lấy những dấu đinh cuộc tử nạn của Ngài. Vì thế, không cốt là một bóng ma, không là một hình hài giả tạo. Hai kinh nghiệm tăng cường cho nhau, bổ túc cho nhau. Các Tông đồ làm chứng về niềm xác tín tuyệt đối của mình cho đến phải hy sinh tính mạng của mình.

1. Ngày thứ nhất trong tuần
Từ cuộc khám phá ngôi mộ trống, Tin Mừng Thứ Tư tường thuật cho chúng ta một câu chuyện sống động, chính xác, câu chuyện của nhân chứng nhãn tiền. Và như luôn luôn trong Tin Mừng Gioan, những chi tiết mặc khải những ý nghĩa thâm sâu.
Ngày Sabát đã chấm dứt vào buổi chiều hôm qua, vì thế, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã bắt đầu, Ngày Thứ Nhất này sẽ trở thành ngày Chúa Nhật của chúng ta, “Ngày của Chúa,” nói chính xác vì đó là ngày Chúa Phục sinh. Thánh Gioan nói: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ.” Bà Maria Mácđala là một trong các người phụ nữ đã lấy của cải của mình mà giúp Đức Giêsu và các môn đệ Ngài trong những cuộc hành trình của Ngài (Lc 8, 1-3); cùng với Đức Trinh Nữ, bà can đảm đứng bên Thập Giá vào những giây phút sau cùng của Đức Giêsu (Ga 19, 25), và bà đã đế ý nhìn ngôi mộ và xem xác Ngài được đặt như thế nào (Lc 23, 55). Bây giờ, sau ngày hưu lễ, bà đi viếng mộ. Tin Mừng chỉ cho thấy rằng bà ra đi đến mộ sáng sớm “lúc trời còn tối”: tình yêu và niềm tôn kính của bà khiến bà ra đi không trì hoãn để được ở bên cạnh thi thể của Chúa chúng ta.

2. Bà Maria Mácđala
Thánh Gioan chỉ nêu tên một mình bà Maria Mácđala, tuy nhiên, tự văn bản, xem ra còn có các bà khác cùng đồng hành với người phụ nữ nầy, vì bà Maria Mácđala nói: “Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Quả thật, thánh Mátthêu kể ra hai người: bà Maria Mácđala và một bà khác cùng tên là Maria (Mt 28,1), còn thánh Máccô kể ra ba: bà Maria Mácđala, bà Maria, mẹ của ông Giacôbê, và bà Salômê (Mc 16,1), theo thánh Luca, còn có nhiều hơn nữa (Lc 24,1) ; nhưng bà Maria Mácđala luôn luôn được trưng dẫn.
Tại sao bà Maria Mácđala được nêu tên duy nhất? Chắc chắn vì trong số các bà trung thành này, kỷ niệm của người phụ nữ này đặc biệt nhất (thánh Gioan viết Tin Mừng của mình với một hoài niệm nào đó); và vì chính bà là người được ân ban đón nhận lần hiện ra đầu tiên trong số các lần hiện ra của Đấng Phục sinh mà các sách Tin Mừng kể ra.

3. Thánh Phêrô và thánh Gioan
Khi bà Maria Mácđala loan báo cho hai ông Phêrô và Gioan, hai ông có thể cư ngụ dưới cùng một mái nhà. Cả hai ông thường được nêu tên cùng nhau và hoạt động cùng nhau (Cv 3,1-11 ; 4,1-22). Họ đã là hai nhân chứng về cuộc Biến Hình, chắc chắn kinh nghiệm này giúp họ hiểu biến cố mà họ trải qua vào sáng nay.
Thánh Phêrô thì lớn tuổi hơn, vì thế ông không thể chạy theo kịp thánh Gioan. Thánh Gioan đến mộ trước nhưng chỉ đứng ngoài mà liếc nhìn vào bên trong ngôi mộ. Để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi, thánh Gioan đứng đợi và nhường cho thánh Phêrô vào mộ đầu tiên; thánh nhân nhận ra ở nơi thánh Phêrô địa vị cao hơn. Quyền lãnh đạo của thánh Phêrô đối với các Tông đồ sẽ được khẳng định chỉ sau khi gặp gỡ Đấng Phục sinh bên bờ hồ Tibêria (Phêrô, con có yêu mến Thầy?), nhưng được hàm chứa rồi ở nơi việc đổi tên mà Đức Giêsu đã ban cho thánh Phêrô: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy…”
Tin Mừng Thứ Tư làm rõ ra rằng dù các người phụ nữ, đặc biệt bà Maria Mácđala, đến mộ trước tiên, các Tông đồ là những người đầu tiên đi vào trong ngôi mộ và chứng kiến ngôi mộ trống, bằng chứng đầu tiên về việc Đức Giêsu phục sinh. Điều này rất quan trọng, vì theo luật Do Thái, một sự kiện chỉ được chứng thực nếu có tối thiểu hai nhân chứng. Một ngày kia, Đức Giêsu đã nhắc lại luật này cho những người Pharisêu: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8,17). Ngoài ra, theo Luật, lời chứng của các người phụ nữ thì không có giá trị.

4. Khăn và vải liệm được xếp đặt ngăn nắp
Không chỉ chứng kiến ngôi mộ trống, cảnh tượng băng vải còn ở đó và khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi càng đánh động sâu xa các Tông đồ. Nếu thi thể bị đánh cắp, băng vải liệm có lẽ đã bị vất bừa bãi hỗn độn rồi. Thế mà, mọi sự vật đều được xếp gọn gàng ngăn nắp.
Mặt khác, làm thế nào không nghĩ đến ông Lazarô, thi thể được sống lại ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn? Ông Lazarô được sống lại để rồi một ngày kia lại chết. Đức Giêsu thì tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của cái chết này, nghĩa là tử thần không còn có quyền gì trên Ngài nữa. Chắc chắn hai vị Tông đồ đã hiểu dấu chỉ nầy và bị chấn động đến mức mà thánh Gioan “đã thấy và đã tin”: rõ ràng dụng ngữ này diễn đạt quá trình từ “thấy” đến sự gắn bó trọn vẹn với Đấng Phục sinh.
Ánh sáng bừng lên ở nơi người môn đệ này trước ngôi mộ trống và vải liệm được xếp gọn gàng ngăn nắp. Nếu niềm tin của ông đã có thể bị lung lay ít nhiều bởi những biến cố đau thương, thì tình yêu của ông đã không hề suy giảm, như ông đã bày tỏ cho đến mức theo bước chân Thầy cho đến nhũng giây phút cuối cùng của Thầy bên cạnh Thập Giá. Cường độ của tình yêu dẫn ông đến niềm tin ngay tức khắc. Chính cũng độ nhạy bén của tình yêu này mà vài ngày sau đó ông có thể nhận ra Thầy mình trên bờ hồ trong sương sớm trong khi những người khác không nhận ra. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ thấy cái tối thiểu, tuy nhiên ông tin tối đa. Độ nhạy bén của con tim giúp ông hiểu biết con người và sự vật.


5. Theo Kinh Thánh

Nếu đức tin có thể trước hết đến từ độ nhạy bén của con tim: “quen hơi bén tiếng,” tuy nhiên nó cần được tâm trí soi sáng. “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải chỗi dậy từ cõi chết” ám chỉ đến tiến trình các môn đệ hậu Phục sinh giải thích cuộc Phục sinh của Đức Kitô nhờ ánh sáng Cựu Ước; hơn nữa, Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí của họ để hiểu nội dung Kinh Thánh, chưa được ban cho (Ga 14, 26 ; Lc 24, 45).
Các bản văn Kinh Thánh lại hiện ra trong tâm trí các ông… Người ta có thể phỏng đoán rằng họ nghĩ đến Tv 16, vì, vài tuần sau đó, chính Thánh vịnh này mà thánh Phêrô sẽ trích dẫn cho đám đông ở Giêrusalem để đưa ra những khẳng định của mình liên quan đến biến cố Phục sinh (Cv 2, 24-31).
Quả thật, chúng ta đọc trong Tv 16 những hàng này: “Thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành để mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung nầy hư nát trong phần mộ.” Ấy vậy, truyền thống đã áp dụng Thánh vịnh này vào Đấng Mêsia.


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết được một lần cúi đầu trước tình thương của Người, để cuộc đời của chúng con nhận ra chính Người là Đấng Cứu Độ chúng con. Xin cho chúng con mọi ngày sống trong hồng ân cứu độ của Chúa.
Mừng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng con, chúng con xin Ngài cho chúng con biết sống như Ngài: sống cho Chúa và sống cho mọi người anh em. Amen.

Lm. Ignatiô Hồ Thông
Nguồn: http://tgpsaigon.net/suy-niem/20100403/4448
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Phó mình trong tay Chúa Cha - Chúa nhật Lễ Lá C - Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên


Với nghi thức nhắc lại sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, phụng vụ dẫn đưa chúng ta vào Tuần Thánh. Thánh lễ hôm nay nhằm chuẩn bị tâm hồn các tín hữu, giúp họ tham dự tích cực vào việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, để cùng hiệp thông với Người, sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời. Trình thuật về cuộc thương khó của Chúa, giúp chúng ta theo Chúa Giêsu từ phòng tiệc ly đến chân thánh giá. Trong biến cố này, có sự phản bội của Giuđa, sự hận thù ghen ghét của các kỳ mục Do Thái, sự thay lòng đổi dạ của quần chúng đám đông. Nhưng trên hết, đó là sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với thánh ý của Chúa Cha. “Người đã yêu thương đến cùng” – Thánh Gioan nói với chúng ta như vậy (Ga 13,1). Đức Giêsu như một người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa được loan báo trong ngôn sứ Isaia. Người mang trên đôi vai mình tội lỗi của nhân loại. Người không dùng bạo lực đối lại với bạo lực, không dùng lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Người là con chiên vượt qua mà người Do Thái vẫn giết trong Đền thờ vào dịp lễ để kỷ niệm cuộc xuất hành khỏi Ai Cập. Máu của Người đổ ra là hy lễ xá tội muôn dân.


Trước biến cố thập giá, Chúa Giêsu luôn phó thác nơi cánh tay Chúa Cha. Người  sẵn sàng đón nhận cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng. Người đến trần gian để thực hành thánh ý của Chúa Cha. Người chấp nhận mọi sự, miễn là ý của Chúa Cha được thành tựu. Lời cầu nguyện: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” đã diễn tả niềm tín thác kỳ diệu ấy. Trong sa mạc, đã có lần ma quỷ thách thức Người gieo mình từ trên nóc Đền thờ xuống. Nếu khi ấy, Người đã không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ, thì giờ đây, Người lại hoàn toàn phó thác mà gieo mình vào lòng Chúa Cha. Người không tính toán, không băn khoăn, nhưng một niềm tin tưởng nơi Chúa Cha.
Thập giá là trung tâm điểm của nghi thức phụng vụ Tuần Thánh. Hai mươi thế kỷ đã qua, các tín hữu được mời gọi nhìn lên thập giá để cảm nhận lòng xót thương của Thiên Chúa. Thập giá là một mầu nhiệm mà trí khôn loài người không thể suy thấu. Quả thật, làm sao có thể lý giải được việc Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết? Làm thế nào để hiểu sự kiện một Thiên Chúa quyền năng lại chấp nhận chịu bắt bớ, hy sinh và cuối cùng phải chết một cách nhục nhã trên cây thập giá? Quyền năng Thiên Chúa ở đâu nơi thập giá?


Có một câu trả lời duy nhất và ngắn gọn, đó là tình thương. Cũng như chỉ có tình thương mới giúp người mẹ hy sinh khuya sớm để chăm sóc đứa con bệnh tật lâu năm mà không một lời phàn nàn oán trách, chỉ có tình thương mới dẫn đưa Đức Giêsu đến việc chấp nhận khổ đau và chết trên thập giá. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Vụ án Chúa Giêsu không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nhưng là của ngày hôm nay. Tại một số nước Hồi giáo, vẫn có các Kitô hữu bị thảm sát, là nạn nhân của mối thù hận. Đây đó trên thế giới, vẫn còn những người vô tội bị giết. Bóng thập giá vẫn phủ ngang qua mọi mảnh đời bất hạnh, phá vỡ hạnh phúc, sói mòn niềm tin. Đấng Cứu thế vẫn đang bị hành hình nơi những người nghèo khổ, người di dân lánh nạn và người cô thế cô thân. Thập giá là tiếng kêu hãy ngưng bạo lực và đối xử với nhau cho xứng tình người. Một điều lạ lùng là, chính  khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá là lúc mọi người nhận ra Người là Con Thiên Chúa, trong khi trước đó họ nhạo báng Người. Viên đại đội trưởng là đại diện cho dân ngoại, và dân chúng có mặt lúc bấy giờ đều đấm ngực ăn năn. Họ đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Công chính. Khi chiêm ngưỡng và suy ngắm mầu nhiệm thập giá, chúng ta cũng hãy nhận ra nơi con người chịu treo trên thập giá là Đấng Cứu độ trần gian. Thập giá cũng mời gọi chúng ta noi gương Chúa Giêsu, phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống trần gian. Đó là niềm tín thác trọn vẹn của người con nơi cha mình, biết rằng bao giờ cha cũng muốn những điều tốt lành cho con và làm mọi sự để con được sống vui và hạnh phúc.


Bài Thương Khó kết thúc trong bầu khí trầm lắng suy tư. Mỗi người chúng ta có thể nhận ra mình là một nhân vật trong “vở kịch thương khó” mà tác giả Luca đã thuật lại. Dù chúng ta là nhân vật nào đi nữa, lời mời gọi nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa vẫn đang thôi thúc chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA! Suy niệm Lời Chúa CN V MÙA CHAY / NĂM C



ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA (*) – Chú giải của Noel Quesson

Còn Đức Giêsu thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Ngài có thói quen, nhất là trong tuần lễ cuối cùng, đến vườn Ghếtsêmani và trải qua đêm tại đó, để tìm sự yên tĩnh và cầu nguyện.
Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.
Vừa tảng sáng, Đức Giêsu đã ngồi trong sân Đền thờ, có đám dân vây quanh Ngài. Tự nhiên, ở đằng kia ồn ào nổi lên. Một nhôm người Pharisêu cố kéo một phụ nữ đang vùng vẫy. Đám đông giãn ra và làm thành vòng tròn. “Người ta đã bắt gặp người phụ nữ này nơi nhà một người đàn ông… Chị ta phản bội chồng mình… Chị ta đáng chết… luật lệ đã rõ ràng” (Đnl 22,22-24; Lv 20, 10). Làm sao họ chỉ dẫn đến có một người đàn bà? Trong bất cứ một vụ ngoại tình nào, cũng có đàn ông nữa chứ và luật lệ cũng lên án đàn ông rõ ràng, như đàn bà vậy! Nhưng chúng ta biết rằng, các Thánh sử (nhất là Luca, vì theo thủ bản cổ nhất, có lẽ ông là tác giả trang Tin Mừng này hơn là Gioan). Không ngừng nhấn mạnh về thái độ mới lạ của Đức Giêsu trước quan niệm đương thời về phụ nữ. Trong khi phụ nữ bị xã hội khinh bỉ và gạt bỏ ra ngoài, thì Đức Giêsu lại làm tăng giá trị và luôn phục hồi danh dự cho họ.


Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.
Quả thực, ngoại tình là một lỗi nặng, mà mọi nền văn minh đều lên án cách nghiêm khắc. Một xã hội không thể coi thường lâu đài vấn đề này mà không tự huỷ diệt. Có cần bao dung cho sự dữ và bất công mà một người phối ngẫu phải chịu không? Trong một bối cảnh quá phóng túng và lệch lạc về dục tính như thế, nếu gia đình, con cái có thể phát triển mà không gặp thương tổn sao?
Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?
Mọi người đều biết rằng, Đức Giêsu tái biểu dương tính bất khả phân ly của hôn phối để cứu tình yêu khỏi những tình trạng bất trung (Mt 5,31-32). Đức Giêsu đã dứt khoát và mạnh mẽ lên án việc ngoại tình bằng cách khẳng định, dù chỉ ưng thuận trong lòng đối với ý muốn xấu xa đó thì đã có tội rồi: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Lòng nhân lành của Đức Giêsu không có nghĩa là Ngài chấp nhận tình trạng phóng đãng.
Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người
Những người pharisêu và kinh sư biết rằng, Đức Giêsu thương yêu các tội nhân và họ cũng yêu thương Người. Họ vì giao du với người tội lỗi. “Ông ấy ăn uống với người tội lỗi”. Thực sự, vụ xét xử người đàn bà ngoại tình chỉ là cớ để họ lên án Đức Giêsu, để họ gài bẫy Người. Nếu người lên án tử hình người đàn bà này, Ngài sẽ xoá bỏ hình ảnh xót thương mà Người đã để lại trong tâm trí kẻ tội lỗi: Nhờ đó, Người được quần chúng mến phục, vì tình yêu, vì sự tốt lành của Người. Nếu người tha bổng người đàn bà tội lỗi này, Người sẽ vi phạm luật Chúa, và cổ thể bị tử hình vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã cấm phạm tội này. Như vậy, đây là “vụ xử án của Đức Giêsu” đang diễn ra sau vụ xử án người đàn bà này.


Vụ án biểu tượng:
Bị cáo: Một người phụ nữ.
Người tố cáo: Kinh sư và những người pharisêu
Tội phạm: Ngoại tình, bị phạt theo luật Môsê.
Bản án: Tử hình
Vụ án thực sự:
Bị cáo: Đức Giêsu
Người tố cáo: Cũng nhóm kinh sư và Pharisêu
Tội phạm: Phạm thượng
Bản án: Tử hình
Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.
Sự im lặng này khởi đầu cho sự im lặng quan trọng của Đức Giêsu trong vụ xử án chính Người.
Nhưng ở đây, phản ứng trên rất gây ngạc nhiên. Người không làm gì cả. Người không trả lời gì hết. Người đang vẽ, như thể một người muốn lờ đi không có gì chung quanh mình. Đó không phải là một thứ tế nhị sao? Người không ngước mắt lên nhìn người đàn bà, vì Người biết chị ta xấu hổ. Nhưng cũng nhận ra việc Đức Giêsu khước từ phán quyết các biến cố dựa trên những phân tích của con người. Chẳng hạn, Người đã có thể điều tra, đặt câu hỏi, tìm xem những trách nhiệm? Liệu có những trường hợp giảm khinh hay không? Quá khứ của người đàn bà này có giải thích được thái độ của chị ta không? Chồng chị đối xử với chị như thế nào? Có nên phân biệt trường hợp ngoại tình trơ trẽn, công khai và lâu dài thường xúc phạm, làm nhục người phối ngẫu, làm con cái đau khổ…Với trường hợp ngoại tình kín đáo, tuy cũng có tội nhưng do yếu đuối chóng qua, chỉ gây nhục nhã trong tâm hồn? Luật lên án tử hình một tội như vậy có quá đáng chăng? Người ta có nên mở một chiến dịch để xin bãi bỏ luật này không? Những câu hỏi như thế, con người và xã hội vẫn thường đặt ra. Nhưng Đức Giêsu tự ý đặt mình trên một bình diện khác. Hình như Người không quan tâm gì. Người đang viết trên cát. Đó có phải là một thái độ thoái thác không? Hẳn là không. Vì Đức Giêsu sắp đề cập đến “lãnh vực khác”.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ.
Chính họ cứ vẫn hỏi mãi. Lạy Chúa, Chúa đã giữ im lặng bao lâu? Lúc này, con đang hình dung ra Chúa đưa mắt nhìn từng người trong bọn họ. Con ngắm nhìn đôi mắt đang di động, khi Chúa ngửa mặt lên. Trước tiên, Chúa nhìn người đàn bà đáng thương, rồi những người tố cáo, rồi tới đám đông…
Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!
Chúa đòi hỏi họ phải trở về với lương tâm của mình. Cũng ngày nọ, người ta tìm thủ phạm trong cuộc “Philatô tàn sát những người Galilê” hay trong tai hoạ do “tháp Silôa” đổ xuống.
Đức Giêsu đặt cuộc tranh luận trên một bình diện khác: Dưới mắt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân, và cần phải được tha thứ? anh em hãy có lòng nhân từ, như cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,36-38). Vâng, lạy Chúa, con đang cần lòng nhân hậu thương xót của Chúa và của kẻ khác. Vậy xin Chúa hãy ban cho con, một trái tim biết thương xót.
Ngôn sứ Hôsê (2,4-25) đã so sánh dân ít-ra-en với một người vợ được Chúa yêu thương mà lại “ngoại tình” bằng những hành động “điếm đàng”. Mọi sự lìa bỏ Thiên Chúa đều là một thứ ngoại tình, vì xúc phạm đến một Thiên Chúa dễ bị tổn thương và si tình. Nhưng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương một cách không mệt mỏi và tha thứ cho người vợ bất trung, là nhân loại tội lỗi. Đó là điều khác hẳn với những cuộc tranh cãi nới toà án, dù những cuộc tranh cãi đó hữu ích đến đâu cũng thế. Tội lỗi của tôi đã gây tổn thương cho Chúa, cho Đấng yêu mến tôi. Chính Đức Giêsu đã nói điều đó. Ngài đã đến để mạc khải như thế!
Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi
Lạy Chúa Giêsu, lần thứ hai này, Chúa đã giữ im lặng bao lâu? Lạy Chúa, thực sự Chúa chứng tỏ lòng thương xót với những người Pharisêu nữa. Chúa cũng không nỡ ném đá họ. Sau này, trên thập giá Chúa sẽ cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Ôi! Sâu thẳm thay lòng Chúa. Thay vì lột mặt nạ họ ở chỗ công khai, Chúa đã cho phép họ “lần lượt” âm thầm rút lui, nhờ thái độ im lặng của Chúa.
Trong một lúc lâu im lặng, người đàn bà cũng có thời giờ suy nghĩ vì tội lỗi của mình. Nhiều điều đang diễn ra trong đầu óc của Chị. Có thể chị đã không bao giờ thực sự nhận ra tính nặng nề của tội chị phạm?
Nhưng tình yêu xót thương của Thiên Chúa, “không lên án” chị, sẽ phút chốc mạc khải cho chị biết thế nào là tình yêu thực sự. Giờ chị đang nhìn Đức Giêsu. Ngài là một con người nhân hậu. Có lẽ chị ta đang khóc… Chị ta đã thoát chết… Chị không còn là người “ngoại tình” nữa. Chị ta đã được thanh tẩy.


Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa
Sự “khốn khổ” đối với “lòng xót thương”, Thánh Âu-tinh đã bình luận như vậy. Đó là một hình tượng mà con muốn chiêm ngắm lâu giờ. Lạy Chúa Giêsu, xin tạ ơn Chúa.
Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
Tất cả những người tội lỗi khác, các kinh sư và người pharisêu đều không hiểu gì nổi Đức Giêsu, không hiểu gì nơi Thiên Chúa cả! Nếu họ ở lại với Đức Giêsu hẳn là họ cũng được tha thứ như người đàn bà này. Vì Đức Giêsu vẫn thường nói: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,l5). “Tôi đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ ” (Ga 3,17).
Lạy Chúa, con cũng vậy, lúc này con đang cầu xin Chúa, con cần được cứu độ. Con ở lại với Chúa. Trong cuối Mùa Chay này, con sẽ lãnh nhận dấu chỉ nhạy cảm và hữu hiệu, đó là bí tích tình yêu thương xót của Chúa. Con muốn nghe từ nơi vị đại diện của Chúa, như thể chính Chúa, những lời sau đây: “Tôi không lên án anh chị, cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thầy và là người Anh của chúng con, Chúa tốt lành và hài hoà tế nhị biết bao! Chúa vô cùng thông cảm và đối xử nhân hậu với chúng con, là những người tội lỗi. Xin tạ ơn Chúa! Chúa tuyệt đối không thoả hiệp với tội lỗi và sự ác.
“Đừng phạm tội nữa”. Tạ ơn Chúa! Chúa là Đấng không bao giờ giam hãm chúng con trong quá khứ. Đứng tước người này người nọ mà chúng con thường nói tới. “Không thể làm gì cho hắn được nữa… Tôi đã thử hết cách rồi…Đành chịu thôi… ” Thì chắc Chúa sẽ dừng lại trước con người đó với lòng tin cậy, Chúa sẽ thương yêu người đó với thái độ trìu mến, Chúa sẽ nhìn họ với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, đến nỗi có thể làm phát sinh trong họ một trái tim mới. Vậy Chúa là ai mà yêu thương chúng con như thế? Là Đấng vô cùng cao cả, là Đấng rất dễ bị tổn thương, là Đấng hết sức nghèo nàn ư? Chúa là tình yêu vô biên. Chúa là tình Yêu!
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

----------------------------- 
Video Nhạc Thánh Ca:
CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ 2000 NĂM TRƯỚC
(Xin bấm để nghe)