Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Yêu thương và tha thứ cho kẻ thù - CN VII TN / C 24-02-2019


PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38
"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
Đó là lời Chúa.


 Yêu thương
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: “Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ”.
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những anh em được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu ước, bất cứ ai không thuộc về dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạ, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mặc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu:
Thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa.
Thứ hai: tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng lại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.


Suy nghĩ và cầu nguyện
Yêu thương kẻ thù và tha thứ cho kẻ thù là hành vi của duy Thiên Chúa nên loài người không thể làm được. Nhưng Thiên Chúa đã cho con người khả năng có thể yêu thương kẻ thù và tha thứ kẻ thù khi Người cho chúng ta một con người mẫu là Chúa Giê-su. Vậy tôi đã học nơi Chúa Giê-su ở những điểm này chưa? Tôi có kết hiệp với Người để yêu thương và tha thứ kẻ thù của tôi không? Nếu không, thì tôi phải làm gì để kết hiệp với Chúa Giê-su?
Ai là kẻ thù gần nhất của tôi? Hoàn cảnh thù ghét như thế nào? Tôi có cách thức cụ thể nào để yêu thương và tha thứ người ấy?
Tôi tập cách nào để không lên án và xét đoán người khác?
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận người khác là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.” 
- Trích trong PRIER
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 112)
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15200-55-bai-suy-niem-chua-nhat-vii-thuong-nien-nam-c.html#s8
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------------------- 
THÁNH CA:
BÁC ÁI CA - ĐAN TRÌNH - CA ĐOÀN THÁNH TÂM, TÂN HƯƠNG, KON TUM

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

"Chúc lành và chúc dữ" - CN VI TN C 17-02-2019 - Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên


Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Lc 6: 17, 20-26
Bài suy niệm của Đức TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài đọc Cựu ước và bài Tin Mừng của Chúa nhật này đều bao gồm những lời chúc lành và chúc dữ. Thực ra, những lời được gọi là “chúc dữ” không hẳn là những lời nguyền rủa khi người ta giận dữ và muốn “trù ẻo” người khác. Thiên Chúa tự bản chất là Đấng tốt lành, không lẽ Ngài lại buông những lời nguyền rủa đối với con người, mặc dù họ xấu xa và tệ hại đến mấy đi nữa. Đúng hơn, phải hiểu đây là những lời than vãn và luyến tiếc cho những con người đáng lẽ ra họ phải sống tốt lành, nhưng trong thực tế lại không phải như vậy. Đây là những lời than vãn vì thấy trước những nguy hiểm đang chờ đợi họ ở tương lai, là kết quả của lối sống vô tín đối với Chúa và vô trách nhiệm đối với tha nhân.
Nguyên nhân của những than vãn hay của những lời chúc dữ ấy là gì? đó là sự cậy dựa vào sức mạnh phàm nhân. Theo lời Chúa Giêsu, đó còn là sự kiêu ngạo, cậy vào của cải trần thế. Họ là những người giàu có, no nê và đang vui cười. Dường như họ không cần đến Thượng Đế, vì họ tự cho mình có sức mạnh vô song, có khả năng làm mọi sự. Có một thời, ở Việt Nam, người ta cho rằng niềm tin vào Thượng Đế đã lỗi thời và “cổ hủ”. Vì vậy, con người có thể “thay trời làm mưa”. Người ta cũng thường rêu rao “bàn tay ta làm nên tất cả”. Đây là lối suy nghĩ ảnh hưởng thuyết vô thần duy vật, coi con người như những “thượng đế” và tự quyết định tương lai, không cần đến thần linh hay Đấng Cao cả nào khác. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy một xã hội loại trừ Thiên Chúa sẽ trở nên bất hạnh như thế nào. Hậu quả là bạo lực, dối trá, lường gạt và phi luân lý tràn lan mọi lãnh vực cuộc sống.
Chúa Giêsu đã cảm thương và coi những người kiêu ngạo cậy mình, là những người bất hạnh. Cách nói “Khốn cho các ngươi”, như đã nêu ở trên, không phải là lời nguyền rủa, nhưng là một lời than vãn, tựa như khi ta nói: Thật bất hạnh thay, những kẻ cậy vào của cải, những kẻ cho rằng mình tự làm được mọi sự, và những kẻ đang vui cười, vì tương lai của họ thật đen tối và thảm hại!
Những hình ảnh được dùng để minh họa người hạnh phúc và người bất hạnh cũng rất cụ thể và dễ hiểu. Đó là những cây được trồng để sinh hoa kết trái. Người đặt niềm tin ở người đời mà lãng quên Thiên Chúa thì giống như cây mọc trong sa mạc cằn cỗi, quanh năm khô cháy vì chỉ có gió và nắng nóng. Trái lại, người đặt niềm tin nơi Chúa thì giống như cây trồng bên suối, quanh năm bốn mùa sinh hoa trái tốt tươi.


Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, mỗi người tự vấn lương tâm, để xem cuộc đời và tương lai của mình đang đặt nền tảng trên cái gì. Trong cuộc sống đầy bon chen toan tính, chúng ta có nguy cơ phủ nhận Thiên Chúa để tìm cho mình những nguồn trợ lực trần gian. Những nguồn trợ lực ấy, có thể đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của chúng ta, hoặc có thể đem lại cho chúng ta những niềm vui nhất thời, nhưng không bền vững và nhất là không đem lại cho chúng ta niềm vui siêu nhiên. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng lấp đầy những khát vọng của chúng ta. Người là Cha nhân hậu, hiểu biết nỗi lòng và nguyện vọng của chúng ta. Người cũng thấu hiểu những băn khoăn trăn trở của chúng ta và ra tay cứu giúp, nếu chúng ta tin tưởng phó thác nơi Ngài.
Nhiều người nản lòng vì họ cầu nguyện mà dường như Chúa không nhận lời. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy kiên trì và hy vọng kể cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Thực thế, mầu nhiệm Phục sinh là một bằng chứng cho quyền năng của Thiên Chúa. Ngôi mộ là một kinh nghiệm đen tối nhất của kiếp con người. Vậy mà Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, bước ra khỏi mộ vinh quang. Người tin vào Chúa Giêsu là người sống niềm hy vọng, kể cả những lúc cơ cực nhất. Họ không chỉ chờ đợi những lợi lộc trần gian, mà còn hướng tâm hồn về trời, là phần thưởng tối hậu cao quý Chúa dành cho những ai yêu mến cậy trông Người. Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (Bài đọc II).
Mỗi người trong chúng ta có một môi trường sống: gia đình, văn phòng, công ty, phố chợ, công trường... Trong những môi trường ấy, mỗi chúng ta đều là một cây do Thiên Chúa trồng. Những ai cậy trông nơi Ngài, sẽ quanh năm trổ lá sinh hoa, đem lại hoa thơm trái ngọt cho đời. Chúng ta được hưởng lời chúc lành hay chúc dữ, đó không phải là một định mệnh, nhưng là do chúng ta tự do chọn lựa, thể hiện qua lối sống của mình. Xin Chúa giúp chúng ta luôn kiên trung bền bỉ, cậy trông vào Chúa, để nhờ suối ân sủng của Ngài, chúng ta luôn sinh hoa kết trái.
“Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa” (Thánh Phanxicô de Salê)
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15185-chuc-lanh-va-chuc-du-chua-nhat-vi-thuong-nien-c-duc-tgm-giuse-vu-van-thien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------------- 
Video: TÁM MỐI PHÚC THẬT (Xin bấm nghe)

Kon Tum, CN VI TN / C 17-02-2019
MTC

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Suy Niệm:Thánh thiện và tội lỗi -CN V TN / C - ĐTGM. Giuse VŨ VĂN THIÊN



PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.


Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Đó là lời Chúa.


Suy Niệm:Thánh thiện và tội lỗi

Thánh thiện và tội lỗi là hai phạm trù đối lập nhau. Thánh thiện thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người. Hai nhân vật được nêu trong Lời Chúa hôm nay, một trong Bài Cựu ước và một trong Bài Tin Mừng, đã khẳng định sự tách biệt này. Khi được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa với lời tung hô ba lần “Thánh! Thánh ! Thánh”, ngôn sứ Isaia đã thốt lên: "Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh". Về phần ông Phêrô, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, đã khiếp đảm thú nhận: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Phản ứng của hai nhân vật trên đây cho thấy quan niệm của Do Thái giáo về sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người, vì Thiên Chúa là Đấng Chí thánh và con người là kẻ phàm hèn tội lỗi. Sự khác biệt này đã tạo một khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Khoảng cách ấy ngặt nghèo đến nỗi, nếu con người lỡ nhìn thấy Chúa, thì phải chết.


Nếu con người lo sợ và mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa lại chủ động đến với họThiên Chúa trong Cựu ước đã trấn an ông Isaia: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xóa bỏ, và tội của ngươi được thứ tha". Đức Giêsu trong Tân ước thì lại nói với ông Phêrô: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Thật lạ lùng! Thiên Chúa không những bỏ qua thân phận tội lỗi của con người, mà còn chọn gọi họ như những cộng sự viên thân cận của Ngài. Ông Isaia và ông Phêrô không những không phải chết, mà còn được gọi và sai đi để loan truyền giáo huấn của Thiên Chúa, giúp cho nhiều người nhận biết Ngài. Quả thật, ông Isaia và ông Phêrô đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở nên ngôn sứ và tông đồ của Ngài.
Thiên Chúa đã lấp đầy khoảng cách giữa Ngài với chúng ta. Không chỉ chủ động đến gần con người tội lỗi, Chúa Cha còn sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để sống thân phận con người. Người thánh thiện, mà chấp nhận hòa mình vào đám đông tội nhân đang xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa. Người là Đấng vô tội mà bị kết án như một kẻ bất lương. Người là nguyên lý của sự sống mà đã phải mang lấy cái chết trên thập giá. Qua Đức Giêsu, nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người tội lỗi được trở nên con Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Đây là sự trao đổi nhiệm màu: Con Thiên Chúa mang lấy tội lỗi của con người để con người được làm con Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa đã làm người để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Từ nay, không ai còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa. Hết thảy đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi làm sứ giả của Ngài giữa lòng thế giới. Thánh Phaolô là một bằng chứng: ông thú nhận mình đã từng giết hại các tín hữu, nhưng khi được Chúa quy phục, ông đã ăn năn sám hối và cuộc đời của ông đã sang trang. Ông tâm sự: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (Bài đọc II). Đó là điều kỳ diệu của tình thương. Phaolô luôn tâm niệm điều này và ông thấy có bổn phận làm cho vương quốc của Chúa sớm được thực hiện nơi trần gian.


Isaia, Phêrô, Phaolô, ba con người xuất thân từ ba hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng có chung một lý tưởng và một ơn gọi: làm sứ giả của Chúa và nhiệt thành loan báo lời Ngài. Hôm nay, Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta. Đừng mặc cảm cho rằng mình bất xứng hay bất tài. Ơn của Chúa sẽ phù giúp và ban cho chúng ta sức mạnh. Về phía chúng ta, chúng ta cần đáp lại lời mời gọi của Chúa, bằng tâm tình yêu mến, nhiệt thành và thiện chí. Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên những dụng cụ hữu ích trong Giáo Hội của Người. Qua những dụng cụ bé mọn ấy, Chúa tiếp tục làm nên những mẻ cá kỳ diệu, và làm cho cuộc sống này nở hoa.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: https://www.tgphanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15153-thanh-thien-va-toi-loi-chua-nhat-v-thuong-nien-nam-c-duc-tgm-giuse-vu-van-thien.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV T. N. / C của Lm Pet. Trần Bảo Ninh


 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 4, 21-30)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà góa trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà góa tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.


 Suy niệm

Chúa nhật thứ 4 trở về trong niềm vui của những ngày cuối năm âm lịch, như là lời nhắc cho mỗi người tín hữu, bước vào năm mới với ơn gọi của mình, với hoàn cảnh sống, hãy là những ngôn sứ đích thực của Thiên Chúa, của Tin Mừng cứu độ.
 
“Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”. Quả là một lời than xem ra phũ phàng và xót xa cho ơn gọi sứ giả của Tin Mừng cứu độ. Sau những ngày lên đường đến với muôn dân, Đức Giêsu trở về quê quán, thăm hỏi gia đình, bạn hữu và mọi người, sau đó, Ngài cùng với họ vào hội đường, chung chia bàn tiệc thiêng liêng vào mỗi ngày Sabath. Nơi đó, Ngài được đọc lời Thiên Chúa qua bản văn của Ngôn sứ Isaia. Qua bản văn đó, Ngài nhìn ra sứ mạng của mình rõ nét hơn với sự hướng dẫn của Thánh Thần, Ngài phải lên đường, đến với muôn dân, đặc biệt là những người bất hạnh. Thế nhưng, khi Ngài gợi mở cho mọi người biết đó cũng là ơn gọi của họ, họ đã lên tiếng phản đối, bởi gốc gác của Ngài chỉ là con ông thợ mộc quèn trong làng nghèo thôi. Dầu vậy, chúng ta cũng tìm hiểu thêm về sứ mạng của Ngài, để từ đây, ơn gọi mỗi người rõ nét và trở nên sinh động hơn, dù có những lúc bị khinh miệt và chối từ.
 
Trong vai trò là một con người, Đức Giêsu từng ngày khám phá sứ mạng của mình là thực hiện chương trình Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ơn gọi đó được xác nhận từ biến cố Ngài chịu phép rửa của Gioan. Sứ mạng đó là đem ơn cứu độ cho nhân loại qua mọi thời và mọi nơi. Thế nhưng, chỉ vì gia đình thuộc tầng lớp nghèo đói trong xã hội, nên sứ điệp của Ngài bị chối từ, không có trọng lượng nào trong cộng đoàn, thậm chí bị khinh miệt chỉ vì cái nghèo. Họ nghĩ rằng muốn chuyển tải một sứ điệp nào, người nói phải là người có uy tín trong cộng đoàn, là người có gia thế trong xã hội, có địa vị trong hội đường nữa, mới có thể thuyết phục được người khác đón nhận sứ điệp của mình. Đức Giêsu đã gặp thất bại ngay từ những ngày đầu của sứ mạng đặc biệt. Thất bại đó không làm chùn bước Ngài, càng gặp chống đối, càng gặp thất bại, Đức Giêsu càng lên dùng nhiều phương cách khác nhau để mở đôi mắt của họ thấy được tình thương của Chúa Cha, mở đôi tai của họ để nghe được tiếng nói của Thánh Thần và mở trái tim của họ để cảm nghiệm được hơi ấm của tình trời. Phương cách cuối cùng Đức Giêsu đã thực hiện đó là đón nhận cái chết để diễn tả tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho con người.
 
Với hình ảnh một Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu đã hiểu được tham vọng của con người. Dù được chọn là một dân riêng, được hướng dẫn, nuôi dưỡng qua bao thế hệ, nhưng họ chưa nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Tương quan giữa Thiên Chúa và dân riêng của Ngài luôn là một tương quan Cha – Con với nhau. Thiên Chúa cúi xuống đón lấy con người từ hố sâu tội lỗi vươn lên, hơn thế nữa, Ngài đã đi vào trong lịch sử con người để hòa mình vào nhịp sống của con người, để cảm thông và chia sẻ, để song hành và yêu thương. Thế nhưng, thay vì được con người tin nhận và tôn thờ, Thiên Chúa đã bị con người khước từ, thậm chí đã đóng đinh chính người Con duy nhất của Người trên thập giá. Một ngôn sứ sẽ không được đón nhận nơi gia đình của các gia nhân.
 
Hiện trạng đó nay còn tiếp diễn trong thế giới này, Con Thiên Chúa vẫn bị khinh miệt, bị chê bỏ, bị loại trừ trong chính con người mang danh Ngài là Kitô hữu khi họ muốn tìm một thế lực thực dụng có thể đem đến cho họ địa vị, quyền lực và của cải vật chất, còn với Thiên Chúa, có thể chỉ là một nhu cầu, một phương tiện đáp ứng mọi cái lúc cần thiết. Thiên chúa hôm nay còn được ở lại trong mỗi gia đình nữa không hay chỉ là một vị khách bất đắc dĩ trong các gia đình, đặc biệt là gia đình Kitô giáo, vì Ngài luôn quấy rầy họ, làm phiền họ. Giữa các xứ đạo, người tín hữu còn thực sự là chọn Thiên Chúa làm lẽ sống cho mình, hay chỉ chọn công việc của Chúa để phục vụ, để mưu cầu lợi ích cho cá nhân và gia đình. Thiên Chúa còn được đón tiếp thực sự nơi mỗi xứ đạo như là người bạn, như là người anh, người chị hướng dẫn họ sống tốt ơn gọi làm người giữa đời, sống tốt ơn gọi sứ giả tin mừng trong hiện tại nữa không? Có những lúc vô tình, chúng ta đã loại trừ Con Thiên Chúa nơi cộng đoàn khi khinh miệt những đóng góp, những chia sẻ của những anh chị em giáo dân. Dù hoàn cảnh bản thân hay gia đình họ ra sao, nhưng họ muốn trái tim họ có chỗ dừng chân cho Thiên Chúa, vậy mà chúng ta đã đóng cánh cửa đó, ngăn cấm Thiên Chúa đến với tha nhân.


 
Cộng đoàn là mái ấm gia đình thứ hai của ơn gọi dâng hiến. Nơi đó hội tụ những con người tội lỗi, cá tính, để giúp nhau nên thánh và hoàn thiện ơn gọi làm người. Trong mái ấm đó, mỗi người được Thánh Thần hướng dẫn với những công việc khác nhau, những trách vụ khác nhau, và cả những hy sinh khác nhau, thế nhưng, mỗi thành viên đã thực sự đón nhận ơn gọi ngôn sứ của mỗi thành viên cộng đoàn cách chân thành, hay chỉ là sự ganh tị, hiềm khích và nhận chìm lẫn nhau, để tiến thân, để thống trị và để phân biệt đẳng cấp? Nếu một ngày nào đó, Đức Giêsu ghé thăm cộng đoàn, liệu rằng Ngài có lên tiếng: Tại sao các ngươi lại khinh bỉ Ta? Họ là anh chị em của Ta đó, chúng ta sẽ trả lời cho Ngài thế nào?
 
Lạy Chúa Giêsu, bước vào lịch sử nhân loại, Ngài đã bị khước từ, bị truy đuổi và xua đuổi, bởi con người chỉ muốn ngụp lặn trong tham vọng, trong tính ích kỷ và ganh tị, chưa mong bước vào thế giới của sự thật, công lý và tình thương. Xin Chúa giúp mỗi người luôn thấy được sự hữu hạn của mình, để đón nhận tha nhân.

 Xin giúp chúng con biết ý thức khi đón nhận tha nhân là đón nhận Thiên Chúa làm người. Chúa làm người để chúng con được làm con Thiên Chúa. 
Xin giúp mỗi người nhận ra được mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là để đưa chúng con ra khỏi bóng đen tội lỗi và sự chết, từ đó, Ngài sẽ dẫn chúng con vào quê hương đích thực của mỗi người là Nước Trời. Amen.
 
Lm Pet. Trần Bảo Ninh
Nguồn: http://gpbanmethuot.com/tin-mung-chua-nhat---le-trong/tin-mung-chua-nhat-iv-thuong-nien---nam-c-46415.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường