Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Về Chuyện Đất Đai Cho Đức Mẹ Ở Măng Đen, Kon Tum


Tượng Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen, Kon Tum (Ảnh minh họa - MTC)

Ban mục vụ Truyền thông Giáo Phận Kontum xin gởi đến bà con trong Giáo Phận TÂM TÌNH  của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông Tổng Đại Diện
VỀ CHUYỆN ĐẤT ĐAI CHO ĐỨC MẸ Ở MĂNG ĐEN”.
Nội dung rất rõ ràng,  trình bày lịch sự, nhẹ nhàng nhưng khẩn thiết.
 Cha Tổng Đại Diện mới đề cập một chuyện bức xúc “CHUYỆN ĐẤT ĐAI CHO ĐỨC MẸ Ở MĂNG ĐEN”, nhưng còn nhiều chuyên bức xúc khác nữa Ngài chưa đề cập như  TRƯỜNG CUÊNOT NƠI ĐÀO TẠO GIÁO PHU BỊ TRƯNG DỤNG, CÁC NHÀ THỜ BỊ CHIẾM GIỮ BẤT CÔNG, MỘT SỐ NƠI NỮ TU Ở BỊ TỊCH THU CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT, NGHĨA TRANG CÁC LINH MỤC  2 LẦN BUỘC DI CHUYỂN ĐI NƠI KHÁC, NHƯNG ĐẾN NAY CHƯA GIẢI QUYẾT….
Ngài mời gọi mọi người tín hữu bất cứ ở nơi nào, cầu nguyện cho Giáo phận,
yêu mến ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN : 
” (…) Tôi thật tâm cầu nguyện và mong muốn một ngày nào đó gần đây thôi, chúng ta có thể nhìn thấy một Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen thật bề thế, thật xin đẹp, tại một “thành phố Du lịch KonPlong”. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ là một điểm thu hút những người yêu mên Đức Mẹ và qua đó tìm đến những cảnh đẹp của KonPlong, của Kontum và của Việt Nam.
Xin cầu nguyện cho nhau để tất cả chúng ta cùng nhận được những điều tốt đẹp nhất do Thiên Chúa ban cho”.
GPKONTUM (31.07.2014) KONTUM
.
XIN KÍNH MỜI

Tượng Đức Mẹ Măng Đen (Ảnh chụp 30-6-2014, Mẹ đang đứng giữa vùng rừng sâu núi cao đã qua nhiều năm, chưa được có mái che mưa, nắng - MTC)
.
VỀ CHUYỆN ĐẤT ĐAI CHO ĐỨC MẸ Ở MĂNG ĐEN
Tâm tình của một linh mục Giáo Phận Kontum.
.
Tôi là Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, Sinh năm: 1941, Trên giấy tờ sinh năm 1943, như thế là 74 tuổi! Gia đình, ông bà tổ tiên thuộc tỉnh Bình Định.
Giáo Phận Kontum có giáo dân sinh sống trong hai tỉnh: Kontum và Gialai. Tổng số giáo dân khoảng 300 ngàn: 100 ngàn là người kinh và 200  ngàn là đồng bào các sắc tộc thiểu số. Giáo dân sắc tộc thiểu số có 8 thứ tiếng khác nhau.Tôi là linh mục Tổng Đại Diện của Giáo Phận Kontum đang làm việc tại tỉnh Gialai. Mỗi khi giáo dân có thắc mắc gì, có khó khăn gì trong đời sống đức tin, đời sống xã hội cũng thường chạy đến tôi. Tôi cùng hay góp ý, hướng dẫn giải thích… để mọi việc được sáng tỏ hơn. Vấn đề đất đai cho Đức Mẹ ở Măng Đen cũng thế…
Trước khi tỏ bày tâm sự, tôi xin được xác nhận:
* Với tuổi đời hơn 70, tôi đã sống qua nhiều chế độ tại quê hương đất nước mình, tôi cũng biết nhận định, biết phân biệt… và luôn nhận định với nhãn quan của một người tin vào Thiên Chúa toàn năng và làm chủ lịch sử.
* Là một linh mục Việt Nam, tôi yêu Hội Thánh Chúa và yêu quê hương đất nước tôi. Yêu nước là yêu thương đồng bào mình, yêu thương và giúp đỡ người nghèo, đau yếu và bệnh tật, làm sao cho người Việt được sống đạo đức, ăn ở ngay lành, đùm bọc lẫn nhau… để được nở mày nở mặt với thiên hạ năm châu.
* Giáo lý Công giáo dạy phải biết tôn trọng chính quyền. Chính quyền là do Chúa cắt đặt để lo cho dân, vì Chúa là chủ của lịch sử. Không tôn trọng chính quyền là không đúng với giáo lý Chúa dạy. Cho nên tôi xác định: Tôi luôn luôn tôn trọng chính quyền.

Khu vực Hành hương Đức Mẹ Măng Đen ( bên phải đường lộ, còn nguyên là rừng cây cao nguyên sinh, chỉ mới được phát quang, dọn sạch để có đủ chỗ đứng cho hàng vạn khách hành hương vào các dịp Lễ lớn - Ảnh MTC)

Và sau đây là tâm sự của tôi:
  1. Tượng đài Đức Mẹ Măng Đen hiện nay:
a. Mỗi ngày đều có người đến cầu nguyện cùng Mẹ. Đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo không ai ngăn cản được. Tự do tôn giáo là ước mong chung của con người trong mọi nơi và mọi lúc.
b. Hằng năm vào ngày lễ ở Măng Đen: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15/9, thường là mưa gió vì tháng 9 đang trong mùa mưa ở Tây Nguyên, nhưng vẫn có trên 20 ngàn con người không ngại mưa gió: Người Kinh, người Thượng, người trong Giáo Phận, ngoài Giáo Phận, xe lớn, xe nhỏ… hân  hoan tập trung về mừng kính Mẹ ở Măng Đen. Năm sau lại nhiều hơn năm trước.

Hàng ngày vẫn có nhiều lượt khách hương kính viếng Đức Mẹ Măng Đen Kon Tum (Ảnh MTC)

  1. Chủ trương cấp đất của Nhà nước cho nơi tượng đài Đức Mẹ.
Ai cũng vui mừng khi nghe tin Nhà Nước quyết định cấp đất. Ai cũng bảo có chủ trương của cấp trên, chắc mọi sự dễ được thi hành suông sẻ. Thông tin này được thông báo cho  mọi người, con cái trong giáo phận, người ngoài giáo phận dễ chừng cũng được mấy năm rồi…
Có những cuộc họp cấp này, cấp nọ của cả hai bên: 1 bên là chính quyền, 1 bên là Giáo phận Kontum.  Mọi sự tưởng chừng như sẽ hết sức dễ dàng vì đã có chủ trương của cấp trên, nhưng cho đến nay thì chưa phải như vậy. Phải chăng “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” không biết tại ai, nhưng thiệt thòi thì người dân gánh chịu, đến ngày mừng lễ là phải đứng dưới mưa! Lễ đài làm xong lại phải tháo bỏ ngay.

Dịp Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15-9-2012 tại Măng Đen với trên 20 ngàn giáo dân về tham dự ( Ảnh MTC)

Nghe đâu bên giáo phận đã làm hết mọi sự được đề nghị. Có khi còn xót điều gì chưa làm nữa chăng?
Theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo: Giám mục cai quản giáo phận, các linh mục chăm sóc các giáo xứ cũng có thời gian nhất định. Bất cứ dự án nào của giáo phận được đưa ra, phải có ý kiến của Hội Đồng linh mục, ý kiến của giáo dân Kinh Thượng, nếu được chấp thuận thì có thể được thực hiện trong nhiều đời giám mục, nên dự án nào cũng phải được xây dựng, quy hoạch với tấm nhìn và phát triển xa đến 50-100 năm, để không phải thay đổi nhiều trong tương lai.
Tâm lý thông thương: một bên là “xin”, một bên là “cho”, một bên là “cấp”, một bên là “nhận”, thì bên “cho”, bên “cấp” được coi là bên có quyền! Ở đây, xét cho kỹ thì hai bên đều được coi là bên “cho”, bên “cấp”.Hãy nhìn các nơi được coi là trung tâm hành hương của các tôn giáo trong nước. Bái Đính ở Ninh Bình, La Vang ở Quảng Trị, Tà Pao ở Bình Thuận, mộ cha Trương Bửu Diệp ở An Giang… đã đem lại rất nhiều lợi ích cho con người và sự phát triển ở các địa phương đó. Trước tiên là mặt tinh thần: Tôn giáo đều dạy người ta ăn ngay ở lành. Con người vẫn cần ơn trời: “Lạy Trời mưa xuống…”. Xét về mặt xã hội nhờ những đoàn du khách và giáo dân, tín đồ trong và ngoài người tìm về; người dân địa phương của những nơi đó được hưởng lợi nhiều hơn về kinh tế, thu nhập nhiều hơn cho đời sống gia đình mình.
Trên thế giới, những nơi như Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha… vốn dĩ là những vùng quê hẻo lánh, nhưng hàng năm đã thu hút một lượng du khách khổng lồ về cho Nước Pháp và Bồ Đào Nha, mang về cho Đất nước họ một lượng ngoài tệ không nhỏ.

Dịp Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 17-9-2013 tại Măng Đen với trên 30 ngàn giáo dân về tham dự ( Ảnh MTC)

  1. Nên cấp ít hay nhiều?
Theo tinh thần của Nhà Nước bây giờ: đất đai là của toàn dân, Nhà nước quản lý. Các tôn giáo đều có đền đài, miếu mạo để thờ phượng … Vì thế đều có nhu cầu về đất để xây dựng các công trình tôn giáo.
Đất nơi có tượng đài Đức Mẹ Măng Đen là đất rừng, huyện Konplong là một huyện “vùng sâu, vùng xa”, nghe đâu là Huyện chỉ có 20 ngàn dân. Cả tỉnh Kontum có khoảng 480 ngàn. Tỷ lệ giáo dân Công Giáo của tỉnh Kontum là cao nhất nuớc: 35% (so với cả nước: 7%). Người công giáo trong tỉnh Kontum là 160 ngàn: Kinh khoảng 25 ngàn, Thượng khoảng 135 ngàn.
Người Thượng có đạo ở tỉnh Kontum hầu như chỉ theo 2 tôn giáo Công Giáo và Tin Lành, không theo một tôn giáo nào khác.
Rừng núi mênh mông, tỉnh Kontum có đến gần 10.000 Km2. Huyện Đăk Glei lớn gấp rưỡi tỉnh Hưng Yên! (Đăk Glei: 1.495 km2, Hưng Yên: 923 km2)
Nghe đâu, khi được hỏi, Giáo Phận Kontum tỏ ý muốn được nhận 20 hecta. Xin như vậy là nhìn đến tương lai xa, đủ diện tích để xây dựng: Tượng Đài, nhà thờ, nhà xứ, nhà hành hương, nhà tĩnh tâm, nơi đậu xe, khuôn viên cây cảnh yên tĩnh để tâm hồn gặp được Chúa, để suy nghĩ, để cải tà quy chánh…
Đã có nhiều cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi… Nghe đâu ban đầu được quyết định cấp 10 hecta, đã được 2 bên xác định  vị trí, đo đạc. Nghe thế gần 300 ngàn giáo dân trong 2 tỉnh Kontum và Gialai đều vui mừng chờ đợi. Nỗi vui mừng chẳng được bao lâu! Rồi lại nghe sẽ cấp còn gần 8 hecta! Rồi bây giờ nghe nói chỉ còn chưa tới 4 hecta!!! Hy vọng đó chỉ là những lời đồn đại không có cơ sở!
Ở Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), Nhà Nước sẵn sàng dành cho một quỹ đất hơn 20 hecta. Ở Măng Đen, một vùng rừng núi mênh mông, một quỹ đất dành cho Đức Mẹ Măng Đen phải 10 hecta trở lên mới là thích đáng và phù hợp với sự phát triển của “Thành Phố KonPlong” trong 50, 100 năm sau. Hãy nhìn về một tương lai phát triển của KonPlong!

Giáo dân đứng dưới các lều bạt để tham dự thánh lễ & cầu nguyện (Ảnh MTC)

  1. Nên cấp 1 lần:
Hội Thánh Công Giáo đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử, có những công trình xây dựng hàng 100 năm mới xong. Lịch sử giáo phận Kontum đến nay là 166 năm (1848 – 2014). Ngay trong thành phố Kontum, những công trình xây dựng như: Nhà Thờ Gỗ 1913 (100 năm), Chủng viện Thừa Sai 1934 (80 năm) … đều là những địa điểm rất được du khách trong nước và ngoài nước chú ý tham quan. Sau này Trung Tâm Đức Mẹ Măng Đen cũng thế. Phải có vài thế hệ, nhiều đời Giám Mục góp công xây dựng độc đáo của các tôn giáo luôn góp phần tô điểm cho đất nước tươi đẹp. Cho nên quỹ đất của Trung Tâm Đức Mẹ Măng Đen nên được cấp một lần là cần thiết cho quy hoạch lâu dài.

17-9-2013- Dịp hành hương Lễ Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen trong mùa mưa, hàng vạn giáo dân tìm về đây kính viếng Mẹ (Ảnh MTC)

  1. Đức Mẹ Măng Đen là nơi của niềm tin tôn giáo:
Dứt khoát không được xem coi nơi này là nơi chỉ để tham quan du lịch mà thôi. Mọi người có niềm tin tìm tới Đức Mẹ xin ơn an bình, kể cả người ngoài Công giáo. Họ tìm đến với Đức Mẹ không phải là để tham quan du lịch. Tham quan du lịch là đi thưởng lãm cảnh đẹp.hoặc di tích lịch sử mỹ thuật, không ai tìm tới bước tượng cụt tay, không mỹ thuật để gọi là đi du lịch.
Thị Trấn KonPlong sẽ có rất ít người tìm đến hơn nếu không có tượng Đức Mẹ Măng Đen. Đó là điều hiển nhiên. Nhiều người ở xa tìm về, nhiều người ở nước ngoài cũng tìm đến, kể cả người ngoại quốc tìm đến với Mẹ Măng Đen. Vì sao? Vì niềm tin!
Nơi hành hương nào của người Công Giáo cũng có thánh lễ, có cầu nguyện. Vì thế, phải có linh mục, có nhà thờ, nhà xứ, nhà cho người phục vụ, cho khách hành hương, những công trình phục vụ, ánh sáng, nước sạch, nhà vệ sinh, cho số đông người là rất cần thiết. Nhưng nơi tượng đài Đức Mẹ hiện nay chưa đáp ứng được những nhu cầu cần thiết này.
  1. Quyết định mọi việc trong giáo phận:
Mỗi giáo phận trên thế giới đều có một Giám mục cai quản, như một người làm chủ trong gia đình. Chung quanh Giám Mục luôn có linh mục đoàn, có Ban Tư vấn của Giáo Phận gần kề Giám Mục để góp ý với Giám mục trong mọi vấn đề của Giáo Phận. Vai trò của người giáo dân trong giáo phận cũng rất quan trọng, cũng giống như tổ chức xã hội và thường được nghe như: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các linh mục chánh xứ phải thông tin cho giáo dân biết rõ ràng mọi việc trong Giáo phận hoặc trong Hội Thánh. Người giáo dân là những quan xét xử gắt gao nhất. “Trăm đâu đổ đầu tằm”. Chính Giám mục là người có tiếng nói quyết định, sau khi trao đổi, bàn bạc với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận.

17-9-2013- Dịp hành hương Lễ Đức Mẹ Sầu Bi Măng Đen trong mùa mưa, hàng vạn giáo dân tìm về đây kính viếng Mẹ (Ảnh MTC)

  1. Phải tin nhau:
Một trong những điều quan trọng và cần thiết nhất cho việc hợp tác là lòng tin. Lòng tin được xây dựng và củng cố là nhờ việc 2 bên thực hiện đúng những cam kết với nhau. Khi 2 bên cùng cố gắng thực hiện tốt nhất những quyết định đã đề ra, thì việc bồi đắp lòng tin với nhau ngày càng tốt hơn. Cả hai bên sẽ đưa mối quan hệ ngày càng tin tưởng và hiểu nhau hơn.
Như một hành động chứng tỏ thiện chí, để hấp dẫn các nhà đầu tư đến với huyện Kon Plong, các cấp chính quyền cần phải tin tưởng và mạnh dạn trao cho Giáo Phận Kontum quỹ đất cần thiết để xây dựng một Trung Tâm Hành Hương như mọi người mong ước.

Đường lên kính viếng Mẹ Măng Đen trong sương mù của núi rừng thâm u (Ảnh MTC)
  1. Cầu nguyện cho nhau:
Mọi vài suy tư, một vài tấm lòng yêu mến Đức Mẹ, yêu mến con người và cảnh vật của Tây Nguyên. Tôi thật tâm cầu nguyện và mong muốn một ngày nào đó gần đây thôi, chúng ta có thể nhìn thấy một Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen thật bề thế, thật xinh đẹp, tại một “thành phố Du lịch KonPlong”. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ là một điểm thu hút những người yêu mên Đức Mẹ và qua đó tìm đến những cảnh đẹp của KonPlong, của Kontum và của Việt Nam.
Xin cầu nguyện cho nhau để tất cả chúng ta cùng nhận được những điều tốt đẹp nhất do Thiên Chúa ban cho.
Pleiku 07/2014
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

http://gpkontum.wordpress.com/2014/07/31/ve-chuyen-dat-dai-cho-duc-me-o-mang-den/

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

MỪNG LỄ THÁNH ANPHONG, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH ngày 01/8 & GIỚI THIỆU NHÀ THỜ DCCT HUẾ

Thánh Anphongsô đệ Liguôri, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế

Mt 13, 36-43
VỊ THÁNH KHÔNG ĐỂ PHÍ PHẠM BẤT CỨ PHÚT GIÂY NÀO TRONG ĐỜI

Thánh là người để Thiên Chúa chiếu dọi mọi ngõ ngách con người của mình. Mỗi vị thánh một kiểu, mỗi vị thánh một cách, nhưng tựu trung họ đều có một mẫu số chung:”hoàn toàn thuộc về Chúa”. Thánh Anphongsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế luôn để ý đến những người nghèo, yêu thương người nghèo và sống chết cho người nghèo khổ, tất bạt, bơ vơ. Ngài đã làm một lời thề hứa:” Không để mất đi vô ích bất cứ một giây phút nào trong cuộc đời mình”.

Thánh Anphongsô đệ Liguôri, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế
MỘT CON NGƯỜI MỘT CUỘC ĐỜI: Thánh Anphongsô sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 trong một gia đình giầu có, quí phái và đạo đức tại Marinella gần Naples nước Ý Đại Lợi. Ngài là con trưởng của một gia đình gồm 7 anh chị em. Ngài có đầu óc rất thông minh và trái tim hết sức nhạy cảm. Cha Ngài làm việc trong triều đình . Mẹ của Anphongsô là người nhân đức và giầu lòng bác ái. Anphongsô ngay từ tấm bé đã học rất giỏi và đầu óc minh mẫn, biện phân các sự việc rất phân minh. Anphongsô có tấm lòng quảng đại nhưng tính tình nóng nảy và cương quyết, nên Ngài đã thắng vượt được nhiều thử thách, thăng trầm giăng mắc, bủa vây đời sống của Ngài. Tuổi đời mới lớn lên, Anphongsô đã chứng tỏ Ngài là một sinh viên ưu tú, xuất sắc, Ngài đã được ban giám khảo miễn trừ cho 3 tuổi, do đó, mới 16 tuổi đầu, Anphongsô đã đậu hai bằng tiến sĩ luật đạo và trở thành vị luật sư trẻ lúc mới có 20 tuổi đời. Với tuổi trẻ, với hai mảnh bằng tiến sĩ, với vóc dáng tươi đẹp, Anphongsô đã là đối tượng của nhiều cô gái say mê Ngài. Và quả thực, trái tim Ngài đã chinh phục được một cô gái nhà giầu trẻ đẹp, nhưng một biến cố đã làm đảo lộn tất cả. Ngài biện hộ cho một thân chủ trong một vụ kiện đáng lẽ Ngài đã thắng một cách dễ dàng, nhưng chỉ một sơ sót nhỏ đã làm Ngài bị thua…Bị nhục, Anphongsô vào phòng và đóng cửa nằm đó mấy ngày, không ăn uống, Ngài nghiền ngẫm sự thất bại mà Ngài gặp phải trong vụ kiện này. Việc gì Thiên Chúa làm Thiên Chúa đã làm theo ý của Ngài :” Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được” ( Rm 11, 33 ). Thiên Chúa đã đưa Anphongsô đi vào khúc ngoặt của cuộc đời Ngài. Nhân một dịp đi thăm bệnh nhân, Anphongsô đã nghe một tiếng nói:” Anphongsô, Anphongsô, ngươi còn ở ngoài đời làm gì nữa ?”. Anphongsô quay phất lại, nhưng Ngài không thấy gì. Lần thứ hai, Anphongsô lại nghe tiếng nói ấy. Ngài vẫn không thấy gì. Bất chợt, Anphongsô được Chúa soi sáng và Thánh Thần tác động bên trong. Ngài bước vào một ngôi thánh đường lân cận được thánh hiến cho Đức Trinh Nữ Maria. Anphongsô quyết định sẽ trở thành linh mục và trở thành nhà hùng biện thuyết giảng Tin Mừng. Ngài đã đặt thanh bảo kiếm tượng trưng cho dòng tộc quí phái và quyền uy dưới chân Đức Mẹ Ban Ơn.

Thánh Anphongsô đệ Liguôri, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế
Ngài làm cử chỉ ấy như một lời thề với Chúa:” Lạy Chúa, con đây. Chúa hãy dùng con như Chúa muốn. Con đặt hết dưới chân Chúa cuộc đời của con “. Trở ngại cam go nhất là gia đình. Cha của Anphongsô không đồng ý cho Ngài dâng mình cho Chúa. Thế nhưng trước ý chí cương quyết của Anphongsô, người Cha cũng đã phải nhượng bộ. Điều này hoàn toàn đúng như lời thánh Phaolô viết:” Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau   Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Chúa đến muôn đời “ ( Rm 11,34-36 ).Anphongsô đã học thần học và dành nhiều thời giờ để làm việc tông đồ. Anphongsô chịu biết bao khổ nhục, biết bao khinh miệt do các bạn gây ra. Tuy nhiên, với Chúa giúp, Ngài đã luôn vui lòng chịu đựng để trở nên giống Chúa hơn. Anphongsô được trao sứ vụ linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1726. Cha Anphongsô luôn chuyên chú tới việc rao giảng và khuyên nhủ người ta tiến bước trên đường nhân đức. Chính lời rao giảng của Anphongsô đã đánh động tâm hồn chai cứng của cha Ngài. Ông ôm chầm lấy Anphongsô và nói:”Ôi con yêu dấu, con đã làm cho cha nhận biết Thiên Chúa. Anphongsô con cha, giờ đây cha rất vui sướng vì thấy con đã ôm ấp được một lý tưởng cao quí. Cha xin lỗi con vì trước kia cha đã làm phiền lòng con và dám chống lại ý Chúa “.

Thánh Anphongsô đệ Liguôri, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế

Vào năm 1732, thánh Anphongsô đã thiết lập Dòng Chúa Cứu Thế, một Dòng chuyên lo cho những con người bơ vơ tất bạt. Dòng Chúa Cứu Thế đã giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội. Các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế chuyên lo giảng giải Tin Mừng, đặc biệt lo cho những người nghèo khó, neo đơn, bơ vơ, tất bạt và truyền bá lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Năm 1762, Ngài được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận thánh Agatha Gothorum. Ngài đã để rất nhiều giờ viết nhiều sách đạo đức, thần học và luân lý rất có giá trị. Những năm cuối đời, Ngài gặp rất nhiều thử thách: bị bách hại, bị xao xuyến, bị lo âu…nhưng cuối cùng Ngài đã lấy lại được bình an và ra đi an bình, thánh thiện trong tay Chúa và anh em trong Dòng ngày 01/8/1787.
Đức Thánh Cha Pio IX đã phong Ngài làm tiến sĩ Giáo Hội năm 1871, và Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý.


THÁNH ANPHONGSO HỨA KHÔNG BỎ PHÍ MỘT GIÂY PHÚT NÀO: Thánh Anphongsô đã luôn sống đúng điều Ngài đã thề hứa với Chúa. Dám sống không bỏ phí bất cứ một giây phút nào trong cuộc đời quả thực là một lời thề hứa khó khăn. Nhưng người ta có thể thấy suốt cuộc đời của Ngài là một cuộc chiến không ngừng. Ngài làm việc không biết mệt mỏi. Ngay từ lúc làm linh mục, Ngài đã miệt mài, chuyên chăm làm việc. Tất cả cho các linh hồn, tất cả cho những người nghèo khó, bơ vơ…Ngài dậy học các lớp học về đêm cho kẻ chăn dê, chăn cừu, những kẻ khốn cùng đầu đường xó chợ. Ngài cử hành thánh lễ, ban các bí tích, đi thăm người nghèo, người đau ốm bệnh tật. Ngài viết sách không ngừng. Nhìn vào các pho sách Ngài để lại, không ai có thể tưởng tượng nổi sức làm việc của Ngài bền bỉ đến thế nào và trí óc của Ngài thông minh đến mực nào. Ngài lập Dòng với bao khó khăn từ mọi phía, Ngài kiên trì cầu nguyện và chấp nhận mọi khó khăn như ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời Ngài. Trên Tòa Giám Mục, Ngài điều khiển địa phận, lo cho Dòng và viết sách. Ngài làm việc từ sáng tới tối, từ tối tới sáng. Ngài rất ít giờ nghỉ ngơi, ngủ nghỉ. Ngài thấm thía lời của thánh Phaolô tông đồ:” Không làm việc thì đừng ăn”. Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa:” Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như cha Ta “ Những lời của Kinh Thánh đã đánh động tận đáy lòng của Ngài và thánh Anphongsô đã thực hiện trong cuộc đời của Ngài lời thề hứa mà sau này chúng ta không thấy bất cứ một cha một thầy nào trong Dòng Chúa Cứu Thế dám noi gương bắt chước Ngài…Một lời thề rất khó thực hiện, nhưng thánh Anphongsô đã hoàn thành các tốt đẹp nhất.
Ngày hôm nay trên toàn thế giới Dòng Chúa Cứu Thế đang phát triển không ngừng và đã giúp ích cho Giáo Hội rất nhiều. Mọi sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế luôn hạnh phúc và hãnh diện vì có Đấng Thánh lập Dòng sống thánh thiện đến nỗi không bao giờ dám bỏ phí một giây phút nào mà không làm lợi và làm vinh danh Thiên Chúa. Với những pho sách khổng lồ về Thần học, Luân Lý, Tín Lý và Thiêng Liêng thánh Anphongsô đã minh chứng cho mọi người tin:” Thánh Anphongsô quả đã không phí phạm một giây phút nào trong cuộc sống của Ngài”.

Thánh Giê-ra-đô, DCCT, mừng ngày 16-10
Lạy Cha Thánh Anphongsô xin đốt lên trong tâm hồn các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn.
Xin thắp lên ngọn lửa đức tin để các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế  luôn đi đúng hướng Vị Thánh Lập Dòng đã vạch ra.
Xin Thánh Anphongsô cầu thay nguyện giúp cho chúng con các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế luôn cao rao lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh như một cây nho chính tay Chúa trồng và săn sóc từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.
Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại; Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn.
Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT
----------------------------

VÀI HÌNH ẢNH CÁC CƠ SỞ 
DÒNG CHÚA CỨU THẾ TRONG NƯỚC
---oOo---

Nhà thờ DCCT Saigon
Dòng Chúa Cứu Thế  Đà Lạt ( Nhà Nước đang tạm chiếm làm Viện nghiên cứu thực vật Tây Nguyên)

Nhà thờ DCCT Plei Chuet, Gia Lai - Việt Nam
Nhà thờ DCCT Huế - Việt Nam
Thánh lễ mừng kính Thánh An-Phong-Sô (01-8)
tại Nhà thờ DCCT Huế
Nhà thờ DCCT Thái Hà - Hà Nội - Việt Nam

-------------------------
TÌM HIỂU THÊM VỀ
NHÀ THỜ DÒNG CHÚA CỨU THẾ HUẾ

Tham quan thành phố Huế nhiều lần nhưng có lẽ chúng ta chưa biết rõ về thánh đưởng Dòng Chúa Cứu Thế, Huế. Thầy  Giuse Trần Văn Duy, Lớp thần học I, niện khóa 2010-2011, Đại chủng viện Huế, sẽ tổng hợp thông tin giúp đở chúng ta. Xin chân thành cám ơn.

SÀI  GÒN 13/5/2011.

Lm An tôn Nguyễn Trường Thăng.

NHÀ THỜ DÒNG CHÚA CỨU THẾ, HUẾ

Theo đường quốc lộ 1A từ Nam ra miền Trung, ngay khi vừa vào trung tâm thành phố, nếu rẻ trái vào đường Nguyễn Huệ (Đường Nguyễn Huệ nối liền với tòa Tổng Giám Mục Huế và nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam), cũng trục đường thẳng lên Ga Huế, chỉ chừng 300 m, bạn sẽ thấy Cung An Định (nơi nghỉ dưỡng của Vua Khải Định) phía bên tay trái, và trước mắt bạn ngôi giáo đường Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế. Đón bạn là tượng Trái Tim Chúa Giêsu khá lớn, đang dang rộng đôi tay như muốn ôm trọn muôn người. Bức tượng Trái Tim đứng ngay ngã ba, giao nhau giữa đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến (chạy dọc hai bên nhà thờ) với những hàng phượng vĩ đan xen lẫn nhau. Hai hàng cây lâu năm này trước đây nằm trong khuôn viên nhà thờ. Sau bao lần mở đường, nay nó nằm trên vỉa hè lát đá của hai con đường này. Ngôi thánh đường này hằng năm được đón tiếp rất nhiều khách hành hương từ mọi miền đất nước hành hương về Đất Mẹ La Vang, ghé thăm nhà Dòng, ở lại và tham quan thành xưa Huế cổ. Riêng ngôi thánh đường này đã là một điểm đáng tham quan.
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế hay Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một công trình công giáo đồ sộ, có giá trị kiến trúc cao tại thành phố Huế. Một ngôi thánh đường đẹp lộng lẫy theo đúng nghĩa của phẩm từ này.
Đôi Nét Lịch Sử: Ngày 14 tháng 10 năm 1925, theo lời mời gọi của Toà Thánh, ba vị thừa sai tiên khởi từ Canada lên đường lập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đó là cha Hubert Cousineau (1890-1964), cha Eugène Larouche (1892-1978) và thầy Barnabé St-Pierre (1883-1961). Ngày 30 tháng 11năm 1925, khi đến Huế, Giám mục Eugène Marie Allys đã tiếp đón và mời cư trú tại Nhà Chung.
Các vị thừa sai đã chọn ngày ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8 tháng 12) năm 1925, là ngày khai sinh cộng đoàn Tu Viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúptại Huế.
Ngày 13 tháng 9 năm 1927, Cộng Đoàn mua một đám đất – chỗ hiện nay là địa điểm của Tu Viện – và ngày 18 tháng 3 năm 1928, khởi công xây Tu Viện. Ngày 8 tháng 1 năm 1929, lễ khánh thành Tu Viện được tổ chức và đến ngày 13 tháng 3 năm 1929, Toà Thánh ký văn kiện cho phép thành lập Tu Viện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế. Ngày 25 tháng 3 năm 1929- là ngày Lễ Truyền Tin cho Đức Mẹ- cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế tuyên bố chính thức thành lập.
Song song với việc xây cất cơ sở, các hoạt động tông đồ vẫn được thực hiện. Từ năm 1929, các cha đã bắt đầu tổ chức hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cha Patrice Gagné đã bắt đầu tổ chức diễn thuyết cho lương dân. Ngày13 tháng 1 năm 1933, một nguyện đường được khởi công xây dựng và được sử dụng cho đến năm 1962. Để đáp ứng nhu cầu mục vụ, hiện nay (03.2011), tòa nhà cũ nối liền nhà nguyện đã nhường chỗ cho một “Nhà Mục Vụ Giáo Xứ” đang được xây dựng ngay vị trí này.
Ngày 5 tháng 6 năm 1954 Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra đời trên cơ sở một bản hợp đồng ký kết giữa Giáo phận Huế và Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Sau đó, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế được khởi công vào tháng 1 năm 1959 và khánh thành vào tháng 8 năm 1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc. Ngày 12 tháng 8 năm 1962, giám mục Ngô Đình Thục đã hiến thánh nhà thờ và bàn thờ.
Một số hình ảnh về ngôi thánh đường này “từ những ngày xưa ấy…
 
Đang trong quá trình xây dựng (ba tháp lầu chuông). 1961.
 
Nhà Thờ sau mùa Xuân 1968 vẫn còn hầu như nguyên vẹn.

 Trước nguy cơ của sự tàn phá (chiến tranh). Giáo Đường là hình ảnh của Giáo Hội (!)
Về kiến trúc
Kiến trức sư Nguyễn Mỹ Lộc thuộc nhóm các kiến trúc sư danh tiếng đương thời: KTS Ngô Viết Thụ, KTS Nguyễn Mỹ Lộc, KTS Phạm Quỳnh Lân, KTS Vũ Tòng… KTS Ngô Viết Thụ và nhóm các KTS phụ tá, trong đó có KTS Nguyễn Mỹ Lộc, đã đảm nhận nhiều công trình rất giá trị cho Đà lạt như: Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, Chi cục thuế, Trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Nhà ga xe lửa Đà Lạt, Phân viện sinh học, Nhà Thủy Tạ, Viện nghiên cứu hạt nhân, Chợ Đà Lạt… và không riêng gì Đà lạt mà còn rất nhiều công trình đồ sộ khác từ Nam ra Bắc.
Kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc học dở dang Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp kiến trúc sư ở Pháp, văn bằng kiến trúc sư DPLG Paris. Về nước ông thiết kế một số công trình được giới kiến trúc ở Sài Gòn và Huế đánh giá cao, đậm đà bản sắc dân tộc, ảnh hưởng phong cách kiến trúc Đông Dương. Tác phẩm nổi tiếng được dư luận khen ngợi nhất có lẽ chính là ngôi thánh đường Đức Mẹ hằng cứu giúp này. Vào thời điểm đó mới có nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình do Cha Sáu (Cụ Lục) thiết kế xây dựng; nhà thờ Vĩnh Trị, Nam Định do Cha Phaolô Cẩm thiết kế; nhà thờ Cửa Bắc do kiến trúc sư Ernes Hébrad thiết kế là những công trình theo xu hướng tìm tòi, khai thác kiến trúc dân tộc Việt Nam, còn hầu hết các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác đều du nhập phong cách kiến trúc châu âu như Gothique, Romanesque…
Nhà thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp ở Huế có mặt bằng đối xứng qua trục trung tâm. Bố cục mặt bằng có nhiều đổi mới: Không gian hành lễ và cung thánh ở mặt trước, giữa có cánh phụ trồi ra hai bên và nổi bật ở giữa một tháp chuông cao vút, phòng thánh (phòng áo) ở phía sau, bao quanh hình cánh cung. Hình thức kiến trúc mái sảnh vào chính, mái lớn gian hành lễ, mái nhỏ hai bên cánh và trên các lớp tường giật cấp, mái xoè rộng trên các tầng tháp đều mang đường nét kiến trúc truyền thống ViệtNam. 
Về Xây Dựng
Tu sĩ Dominico Bùi Văn Khắc là người thực hiện trực tiếp việc xây dựng nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế với 150 tay thợ lành nghề. Triển khai kết cấu do Nhà Địa chính Huế lúc bấy giờ giúp, nhưng việc thi công do chính ông đảm đương. Khi còn là tu sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế, ông Bùi Văn Khắc đã cống hiến đời mình cho nhiều công trình xây dựng lớn bé của Nhà Dòng từ Huế trở vào Sài Gòn. Khi đã rời khỏi Nhà Dòng ông vẫn còn thao thức với công việc chung, nên đã trở lại tiếp tục xây dựng các công trình khác cho Nhà Dòng.
Dominico Bùi văn Khắc
sinh năm 1925, tại Nam Định
Nhập Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam năm : 1945
Ông vào nhà tập năm : 1946 tại : Hà Nội
Khấn Dòng năm : 1947
Tên dòng quen gọi là thầy Henry
Sau nhiều năm phục vụ trong Dòng, ông hồi tục năm 1976, Trú ngụ tại 130 Bùi Hữu Nghĩa Gia Định.
Ông được biết là một người có nhiều tài năng, đặc biệt trong lãnh vực xây dựng và cơ khí, tuy không theo học bất cứ một khóa học về kỹ thuật nào, không tốt nghiệp từ bất kỳ một trường đào tạo nào, nhưng ông có khả năng tuyệt vời khi đảm nhận nhiều công tác kỹ thuật trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế là một công trình khó, thi công trên một vùng đất sình lầy, hoàn cảnh kỹ thuật lúc đó còn thô sơ, thiết kế phức tạp về kết cấu và kiến trúc. Với tất cả lòng nhiệt thành và đầy sáng kiến, ông Bùi văn Khắc đã chỉ huy thi công trong một thời gian nhanh nhất, phối hợp nhiều nhà thầu nhiều lãnh vực, đặc biệt với nhà thầu Eiffel thi công tháp chuông rất đồ sộ, nhà thầu Nhật thi công lắp đặt chuông theo một bài nhạc nổi tiếng Kìa Bà Nào của cố linh mục nhạc sĩ  Hoàng Diệp CSsR. Người ta thấy ông chế tạo máy đóng cừ từ giàn máy khoan đất, đưa nhanh tốc độ xử lý cừ trên nền đất không chân.
Hoàn thành Nhà thờ Chúa Cứu Thế Huế, một tác phẩm nghệ thuật hiện đại mang đậm đường nét Á Đông, ngay cửa ngõ thành phố Huế hướng từ miền nam ra, ông vâng lời Bề trên di chuyển vào Sài Gòn. Tại Sài Gòn, năm 1965 ông xây dựng trường Trung học Cứu Thế, trước năm 75 quen gọi là Cứu Thế Học Đường. Năm 75, chính quyền mới tịch thu đổi tên là trường Trung học Cơ sở Kỳ Đồng. Hoàn thành Trường Cứu Thế Sài Gòn, năm 1966 ông ra Nha Trang…
(trích từ -“Sài Gòn – Một người anh em vừa ra đi” của Lm Nguyễn Minh Sang CSsR)
 

Nhà Thờ, Nhà Dòng và Nhà Nguyện.
Bên kia đường Nguyễn Huệ là Nhà Sách “Gió Lành” Và “L’Accueill” . Cả hai đã bị tịch thu sau 1975.
  
“Tượng Thánh Tâm dang rộng đôi tay như muốn ôm choàng mọi con dân Đất Việt
Kiến trúc Thánh Đường
Hiện nay, nhà thờ thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Khuôn viên nhà thờ rộng và có hình tam giác, đỉnh là giao của ngã ba đường Nguyễn Huệ vàNguyễn Khuyến. Phía trước có tượng Chúa, phía sau, bên trái là hang Đức Mẹ. Mặt bằng kiến trúc chính sâu 70m, bề ngang từ 15-37m. Vật liệu chính xây nhà thờ là Bê tông và đá xanh, mái lợp ngói đất nung.
  

Mái nhà thờ cao 32m, chính giữa nhà thờ là tháp chuông (điều khiển bằngđiện) gồm ba tầng và một chóp có độ cao 53m. Đỉnh chóp nhọn vươn thẳng kết hợp với phần thân lợp ngói có mái, kiến trúc của nhà thờ là sự tổng hòa kiến trúc đông – tây. Một tổng thể vừa đồ sộ, vừa thanh tao, vừa góc cạnh, mềm mại trong chi tiết, đơn giản trong các hoa văn. Ngay tầng tháp thứ nhất, bên cạnh chiếc thang sắt, có một cánh cửa kính để thông gió cho bên trong gian chính. Lúc trước vẫn thường mở, sau này đóng lại vì  những chú chim (nhất là chim én) vẫn thường vào nhà thờ qua cửa này.
“Mái nguyện đường, thánh ca chim hát
 Dưới hiên dài, cánh gió nghe kinh”
Hành lang hai bên dài 26m, rộng 4,2m. Thông với lòng nhà thờ qua 7 cánh cửa gỗ lớn khiến ta có cảm giác nhà thờ không có vách. Trên mỗi cửa là mỗi chặng  Đàng Thánh Giá rất đẹp, nối dài lên tận vòm mái bằng một khung kính nhiều màu sắc làm cho nhà thờ luôn tràn ngập ánh sáng
Cung Thánh sâu 8,5m, bàn thờ chính giữa làm từ đá cẩm thạch được khai thác từ Ngũ Hành Sơn với kích thước 3,6 x 1,25 x 0,3m. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ cũng làm bằng loại đá quý này. 
Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách. Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở rộng cửa, vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường.
Phía trên hoàn toàn là những khung gương kéo lên tận vòm mái với nhiều màu sắc khác nhau, tách khỏi chặng Đàng Thánh Giá bên dưới bằng một hình thánh Giá cách điệu, thông với phần mái bên ngoài. Có mười hai hình Thánh Giá được chạm trên mười hai tấm cẩm thạch rất đẹp, gắn trên mười hai cột trụ (mười trụ dưới gian chính và hai trụ đầu của gian Cung Thánh), tượng trưng cho mười hai thánh Tông Đồ. Dưới mỗi thánh giá có một đèn chầu. 
Bước vào thánh đường, ta có cảm giác ở đây không có cột, không có vách, không hệ thống điện… bên trong luôn có đủ ánh sáng tự nhiên. Nội thất nhà thờ rộng 38m, dài 72m luôn được chiếu sáng bởi hệ thống những tấm kính màu cỡ lớn trên các mảng tường.
Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở rộng cửa. Vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường. 
Giờ hành lễ của nhà thờ Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Huế:
  • Chủ nhật: 5h30; 8h và 16h30
  • Thứ bảy: 5h15 và 14h30 (việc kính Đức Mẹ và Thánh Lễ)
  • Ngày còn lại: 5h15 và 17h30
 Một cửa bên nhà thờ, phía ngoài. Trước đây không có cửa sắt này, vì nhiều lí do, Cố linh mục Micae Nguyễn Đình Lành đã cho lắp thêm phần cửa này.
 Những cánh cửa lớn đem lại cảm giác giáo đường không có vách”.
Những mái ngói xô lệch rất Á Đông, những đường cong mái kết hợp những bậc cấp hết sức hợp lí và hài hòa. Ô thông gió cùng những họa tiết đơn giản nhằm phá vỡ những mảng tường lớn đem lại sự nhẹ nhàng và duyên dáng cho toàn bộ công trình. Những cuốn góc giả ở các bậc nhảy phản phất hình ảnh các mái đình làng quê ViệtNam
Nhìn từ tầng tháp thứ nhất về phía Tiền Đường, con lương đỉnh mái dài chừng 50m, rộng 30dm, những người “gan lớn” vẫn đi theo con lương này để bắt đèn điện vào các dịp lễ…
 Hệ thống mái tầng tầng lớp lớp với độ xuôi rất lớn. Mặt hai bên có cấu trúc tương đồng với Tiền Đường, ở mỗi mặt phía trên cao đều có một tượng thánh khá lớn. Toàn công trình rất đồng bộ.
 “Hình thức kiến trúc mái sảnh vào chính, mái lớn gian hành lễ, mái nhỏ hai bên cánh và trên các lớp tường giật cấp, mái xoè rộng trên các tầng tháp đều mang đường nét kiến trúc truyền thống Việt Nam”.
 Kết cấu sắt cho ba tầng tháp do công ty Eiffel (Pháp) lãnh thầu.
 Tháp chuông nhà thờ cách mặt đất 30m, phía trong ba tầng tháp, là nơi treo 4 quả chuông lớn, trên mỗi chuông đều có những họa tiết nổi rất đẹp, thánh giá và Thánh Trinh Nữ…

                               Bốn quả chuông nặng 1.5 tấn. 
 Nhà Tạm được ghép từ hai tám đá Cẩm Thạch mài hình vòng cung áp lấy nhau, hai lá cửa bằng đồng. Hai mặt phía trước và sau đều giống nhau.
 NHÌN TỪ TRÊN CAO: 
Nhìn lên phía nhà thờ Phủ Cam, ta có thể thấy cầu Lò Rèn và sông An Cựu.                                 An Cựu khuất sau hàng cây.
 Nhà Nguyện cũ. “Ngày 18 tháng 3năm 1928, khởi công xây Tu Viện và Nhà Nguyện”
Bàn Thờ Phụ (Phía Nữ). Ảnh Mẹ Hằng cứu Giúp và bức phù điêu con thuyền vượt sóng bằng đá cẩm thạch.
 Một ngày chầu Mình Thánh Chúa(Thứ Năm hàng Tuần).
Chiêng và Trống mang đậm tính phụng tự Á Đông.
Mặt trước của Bàn Thờ:
Bức phù điêu “Bữa Tiệc Ly” trên đá cẩm thạch, theo mẫu của Leonard Da Vinci.
Hai bức trang trí phía trên hai bàn thờ phụ, bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Tâm. 
 Hai trong số 14 bức phù điêu lớn của Chặng Đàng Thánh Giá, mỗi bức rộng 1.8m x 1.4 m, với nhiều nhân vật chạm nổi rất đẹp
                                                 Cung Thánh Mùa Noel.

Những đồ vật thờ tự do hoàng hậu Nam Phương tặng cho nhà Dòng. Ba cặp Đôn, Bàn, Giá, nhiều đồ sành sứ… những đường nét chạm trổ tinh vi, khảm sà cừ rất tinh xảo. Hình tượng Lân, Long, Phụng, Hạt; Mai, Lan, Cúc, Trúc… thể hiện tài hoa một thời của những tay thợ đất Thần Kinh.
 Những cành mai mềm mại vây lấy bốn chân của giá gỗ từ trên xuống dưới. Hai giá gỗ giống nhau cao 1m50, đường kính 50 dm, bốn mặt đều giống nhau.

Hai giá sơn màu vàng thấp hơn, cao 80 dm, đường kính 50 cm
“Giải Khăn Sô Cho Huế”

Trước giờ quay cảnh chính trong “Giải Khăn Sô Cho Huế” tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế: Từ trái, Trịnh Công Sơn ngồi trước Vân Quỳnh, Bích Hợp; Hà Thúc Cần (đội mũ), phía sau là Xuân Hà và Lưu Nguyễn Đạt. Người đứng: nhạc sĩ Lê Thương trong vai Linh mục Phục; đứng kế là Kim Cương, vai bà mẹ điên hát ru xác con.

Tài liệu tham khảo
1. Nguồn ảnh của người viết (trừ một số ít tìm trên Net)
2.“Sài Gòn – Một người anh em vừa ra đi”, Lm Nguyễn Minh Sang CSsR
4. Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Chúa Cứu Thế, Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hóa, 2000, tr 583.
6. “Ngậm Ngùi Huế Mậu Thân Kỷ Niệm Với Đất Khổ” Nguyễn Xuân Nghĩa .
7. “Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương”
Giuse Trần Văn Duy
http://antontruongthang.com/than-h%E1%BB%AFu-chung-s%E1%BB%A9c/nha-th%E1%BB%9D-dong-chua-c%E1%BB%A9u-th%E1%BA%BF-hu%E1%BA%BF/