Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Ăn bao nhiêu tùy ý – Suy niệm Lời Chúa CN XVII TN B - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Lời Chúa Ga 6, 1-15

Suy niệm:
Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh, chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời sau, mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy, mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc. Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn, và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.

Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan, bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống. Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt. Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ. Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu:
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng. Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7). Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó. Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn. Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này. Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra. Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ, Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ. Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân. Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều. Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra. Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt. Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người. Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi. Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy. Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, không còn những cô gái đứng đường hay những người ăn xin.
Con mơ ước những người thợ được hưởng lương xứng đáng, các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, và xanh của bao niềm hy vọng nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. A men.
Nguồn: Trích Tập Manna B của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
CN XVII / TN / B 29-7-2018

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

VỊ MỤC TỬ LÝ TƯỞNG - Suy niệm Lời Chúa CN XVI TN / B 22-7-2018


Chủ đề của Chúa Nhật XVI Thường Niên năm B này có thể được gọi là “Tấm Lòng của Vị Mục Tử đích thật”.
Gr 23: 1-6
Lên án các vị mục tử vô trách nhiệm khiến dân Ít-ra-en phải lâm vào cảnh nước mất nhà tan, ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đích thân nắm giữ vận mệnh dân Ngài và sẽ ban cho họ một vị mục tử đích thật, thuộc dòng dõi Đa-vít, Đấng ấy sẽ chăn dắt dân trong công minh chính trực. 
Ep 2: 13-18
Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô cho thấy Đức Ki-tô chính là Đấng quy tụ dân Do thái và lương dân trong bình an và hòa giải để chỉ có một dân duy nhất và một thân thể duy nhất.
Mc 6: 30-34
Trong bài trình thuật của thánh Mác-cô, Đức Giê-su hành xử như một vị mục tử đích thật, vị mục tử Mê-si-a được loan báo trong Bài Đọc I. Thương đám đông dân chúng “bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt”, Đức Giê-su quy tụ họ, trước tiên nuôi dưỡng họ bằng lời hằng sống của Ngài, và sau đó cho họ được no thỏa bằng hóa bánh ra nhiều, tượng trưng bàn tiệc Thánh Thể.

BÀI ĐỌC I (Gr 23: 1-6)
Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a sống vào giai đoạn bi thảm nhất của vương quốc Giu-đa, dưới những cuộc tấn công của đạo quân Ba-by-lon, vào đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.
Sấm ngôn của chương 23 này được định vị giữa hai cuộc tấn công của quân Ba-by-lon vào Giê-ru-sa-lem. Cuộc tấn công thứ nhất vào năm 597, thành đô Giê-ru-sa-lem bị chiếm lần thứ nhất và cuộc lưu đày lần thứ nhất; cuộc tấn công thứ hai vào năm 587, thành đô Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền Thờ bị phá hủy và những cuộc lưu đày mới.
Trái với ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không bị lưu đày; ông vẫn ở Giê-ru-sa-lem và cực lực tố cáo các vị lãnh đạo, đời cũng như đạo, phải chịu trách nhiệm về tai họa bi thảm này. Tuy nhiên, ngay ở giữa lòng thành đô tang thương này, vị ngôn sứ thắp lên ngọn lửa hy vọng: Thiên Chúa vẫn trung tín, Người không bỏ rơi dân Người; đến thời đến buổi, Người sẽ sai phái một vị Mục Tử đích thật đến chăn dắt họ.
1. Những mục tử vô trách nhiệm
Đó là các vua vương quốc Giu-đa mà vị ngôn sứ nhắm đến trước tiên (tước hiệu mục tử được ban cho các vị vua ở Đông Phương xưa). Ông trách cứ họ là đã không trung thành với sứ mạng của mình, đã “hành xử như những nhà chính trị chứ không như những con người của Thiên Chúa”. Đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay là phần đầu của chương 23, chương kết thúc “sách chống lại các vua”. 
Nhưng bên kia các vua, Giê-rê-mi-a ngỏ lời với toàn thể tầng lớp lãnh đạo, đời cũng như đạo, những người mà nhiều lần vị ngôn sứ gọi họ tước hiệu mục tử này (2: 8; 10: 21; 25: 34). Như ngôn sứ đã nói trước đó, những vị lãnh đạo dân đã coi thường quyền lợi và công bình; họ đã sống một cuộc sống hưởng thụ phù phiếm; họ đã xây cho mình những dinh thự đền đài tráng lệ mà không ngó ngàng gì đến cuộc sống của dân chúng (22: 3, 13; v.v...). Cuối cùng, họ đã đưa dân chúng lâm vào cảnh lầm than nước mất nhà tan và phải tản mác khắp nơi: “Khốn thay những mục tử đã làm cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tản lạc chết chóc”. Không chỉ những người phải bị lưu đày ở đất khách quê người, nhưng cũng biết bao người đã phải rời Giê-ru-sa-lem tỵ nạn ở miền quê hẻo lánh, vài người trốn chạy sang tận bên Ai-cập. 
“Ta sẽ hỏi thăm các ngươi về những hành vi ngang trái của các ngươi”. Quả thật án phạt đã không chậm trễ. Vua Giơ-hô-gia-khin bị dẫn đi giam cầm ở Ba-by-lon. Thành phần ưu tú bị lưu đày lần thứ nhất vào năm 597 trước Công Nguyên (2V 24: 10-16).

2. Sứ điệp tràn đầy hy vọng: vị Mục Tử Mê-si-a
Sau bản cáo trạng nghiêm khắc này, vị ngôn sứ công bố một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Bởi vì các vị mục tử đã không chu toàn sứ mạng của mình, Thiên Chúa sẽ can thiệp: Người sẽ đích thân đảm nhận việc chăn dắt dân Người; Người sẽ tập hợp đàn chiên của Người bị phân tán khắp nơi và đưa chúng về đồng cỏ của chúng. 
Đây là một trong những giấc mơ lớn lao đã làm nức lòng dân chúng; họ mong chờ thời Mê-si-a đến để thống nhất quốc gia Ít-ra-en. Việc phân tranh giữa các chi tộc miền Bắc và các chi tộc miền Nam, mặc dầu đã xa xưa, nhưng vẫn còn để lại nỗi đau trong lòng mọi người. Cuộc sụp đổ của vương quốc miền Bắc đã kéo theo một cuộc tản mác đầu tiên, hoặc do phải trốn chạy hoặc do bị lưu đày ở Át-sua. Cuộc sụp đổ vương quốc miền Nam gây nên những hậu quả còn thậm tệ hơn.
Trong lời sấm của vị ngôn sứ, chính Đức Chúa sẽ đảm nhận vai trò của vị mục tử nhân lành, Người sẽ tập hợp đàn chiên của Người vào trong đồng cỏ của chúng. Sấm ngôn loan báo viễn cảnh của cuộc hồi hương trở về từ chốn lưu đày và từ những nơi dân phải lưu lạc tha hương. Đức Chúa sẽ đem lại cho dân Người niềm vui hưởng cảnh thái bình thịnh trị. 
3. Chân dung của vị mục tử lý tưởng
Sau cùng, sấm ngôn loan báo vị mục tử lý tưởng: “Này đây sẽ đến thời kỳ Ta khiến mọc lên cho nhà Đa-vít một Mầm Non công chính”. Biểu thức: “Này đây sẽ đến những thời kỳ” mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a rất tâm đắc được dùng để giới thiệu một thị kiến tương lai. Có thể ông mượn biểu thức này từ ngôn sứ A-mốt (Am 4: 2; 8: 11; 9: 13). Tước hiệu “Mầm Non” đã trở thành tước hiệu Mê-si-a. Tước hiệu này đã xuất hiện trước tiên tại I-sai-a (4: 2); Giê-rê-mi-a đã trích dẫn tước hiệu này hai lần (một ở đây và một nơi khác: 33: 15); chúng ta sẽ gặp lại tước hiệu này ở ngôn sứ Da-ca-ri-a (3: 8; 6: 12).
Dưới triều đại vua Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít này, “miền Giu-đa sẽ được cứu thoát, miền Ít-ra-en sẽ an cư lạc nghiệp”. Giu-đa và Ít-ra-en được nêu lên như hai miền của chỉ một vương quốc, như vào thời vua Đa-vít, dân Thiên Chúa chỉ là một dân tộc duy nhất. Người ta sẽ gọi vị mục tử Mê-si-a này là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta”. Ngài sẽ phân xử toàn dân trong công minh chính trực. 

BÀI ĐỌC II (Ep 2: 13-18)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-xô. Trong đoạn trích của Chúa Nhật trước, thánh Phao-lô đã trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Ki-tô. Trong đoạn trích hôm nay, thánh nhân mô tả sự hòa giải mà Đức Ki-tô thực hiện: chết cho mọi người, cả người Do thái lẫn lương dân. Như vậy, Đức Ki-tô muốn kiến tạo một nhân loại mới và quy tụ họ vào trong Giáo Hội của Ngài.
1. Người Ki-tô hữu gốc lương dân
Trước tiên, thánh Phao-lô ngỏ lời với những người Ki-tô hữu gốc lương dân, họ chiếm đa số trong các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á. Thánh nhân dùng thành ngữ “xa-gần” đã được I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ hậu lưu đày, sử dụng rồi (Is 57: 19). Dụng ngữ này đã trở nên phổ biến trong Do thái giáo. Qua dụng ngữ “xa-gần” này, thánh nhân muốn nói rằng những người Ki-tô hữu gốc lương dân, trước kia là những người xa lạ, bây giờ trở thành những người nhà của Thiên Chúa, vì từ nay họ được dự phần vào những lời hứa của Giao Ước, bởi vì chính họ cũng được ban ơn tha thứ tội lỗi. 
2. Một dân duy nhất
Vì thế, những người Ki-tô hữu, dù gốc lương dân hay gốc Do thái, đều có thể nói: Đức Ki-tô “là sự bình an của chúng ta”. Chúng ta khó mà đo lường được việc liên kết giữa những người Ki-tô hữu gốc lương dân và những người Ki-tô hữu gốc Do thái đã đem lại tính cách mạng đến mức độ nào cho các cộng đoàn Ki-tô hữu, ở đó vốn nảy sinh biết bao sự ngộ nhận và lời qua tiếng lại ở giữa đôi bên. 
Những Ki-tô hữu gốc Do thái ý thức mình là một dân được tuyển chọn và được tách riêng ra, dân cưu mang Mặc Khải. Họ tự hào về nét đặc thù tôn giáo của họ, việc tuân giữ lề luật giúp họ khỏi những uế nhiễm của dân ngoại; họ tránh giao tiếp với những kẻ không chịu cắt bì chừng nào có thể. Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, có một lan can bằng đá cẩm thạch ngăn chia khuôn viên dân ngoại khỏi khuôn viên dân Ít-ra-en. Khi nói: “Bức tường ngăn cách là sự thù ghét”, thánh Phao-lô ám chỉ đến bức lan can phân cách này. Chắc chắn thánh nhân đã nghĩ đến những kẻ xách động đồng bào Do thái bắt ngài được tường thuật trong sách Công Vụ 21: 28: “Hỡi đồng bào Ít-ra-en, giúp một tay nào! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh này! Nó còn đem cả mấy người Hy lạp vào cả Đền Thờ mà làm cho Nơi Thánh này ra ô uế”.  
Ngược lại, những thái độ bài Do thái thường xảy ra, như được chứng thực trong nhiều thành phố chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp, kể cả thành phố A-lê-xan-ri-a. Chúng ta đừng quên sách Khôn Ngoan được soạn thảo vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, thời kỳ những người Do thái bị chính quyền quấy nhiễu. Thái độ bài Do thái này cũng gặp thấy trong thế giới Rô-ma, ở đó người ta không ưa những người Do thái vốn không làm việc vào ngày thứ bảy, cũng như không chỉ đường cho những ai không chịu cắt bì hỏi đường (như thi sĩ Junéval kể ra vài ví dụ trong bài thơ châm biếm của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên).
Đức Ki-tô đã hủy bỏ bức tường ngăn cách này: tinh thần duy luật khiến những kẻ thực hành tỉ mỉ Lề Luật tự thu mình lại vào trong thế giới của riêng mình. Luật Mới không còn chia cách nữa, nhưng hòa giải.
3. Một thân thể duy nhất
Thánh Phao-lô thật táo bạo khi khẳng định rằng: đôi bên, người Ki-tô gốc lương dân và người Ki-tô hữu gốc Do thái, hình thành nên chỉ một con người duy nhất, một người mới. Người Ki-tô hữu là một con người được tái tạo và tất cả những người Ki-tô hữu được quy tụ hình thành nên những chi thể của một thân thể duy nhất, thân thể của Đức Ki tô.
Thánh Phao-lô đã sử dụng từ vựng thần học này rồi trong các thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô và Cô-lô-sê. Đây là đề tài chủ đạo của thư gửi tín hữu Ê-phê-sô này, diễn tả ơn gọi phổ quát của Giáo hội.
4. Bình an và hiệp nhất, công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi
Cuối cùng, thánh Phao lô cho thấy rằng nhờ Đức Ki tô, “cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”. Nhờ Đức Ki-tô, con đường đến cùng Chúa Cha rộng mở cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con, dẫn đưa các tín hữu vào trong cung lòng cuộc sống Ba Ngôi.
Cảm thấy tâm hồn cô đơn, cuộc đời tuyệt vọng

TIN MỪNG (Mc 6: 30-34)
Chúa Nhật tuần trước tường thuật cho chúng ta Đức Giê-su đã sai các tông đồ ra đi thi hành sứ vụ khắp miền Ga-li-lê. Bây giờ, thánh Mác-cô tường thuật những diễn biến khi họ trở về. Thánh Mác-cô cho chúng ta bài tường thuật đầy tình tiết sống động. Vị thánh ký này luôn luôn cho chúng ta những đường nét nêu bật con người của Đức Giê-su.
1. Các tông đồ tụ họp quanh Đức Giê-su
Danh xưng “tông đồ” được dùng để chỉ nhóm Mười Hai chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng của ông. Cách dùng này được biện minh: các tông đồ đã “được Đức Giê-su sai đi”. Xin được nhắc lại điều đã được nói trước đây, các tác giả Tin Mừng chung tránh dùng danh xưng “tông đồ” này cho nhóm Mười Hai, bởi vì chỉ mình Đức Giê-su xứng với tước hiệu này: Đấng được Chúa Cha sai đi thi hành sứ vụ. 
Nhóm Mười Hai quy tụ lại chung quanh Đức Giê-su, chắc chắn ở Ca-phác-na-um, thành phố mà Đức Giê-su chọn làm bản doanh cho sứ vụ của Ngài. “Các ông kể lại cho Ngài biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy”. Đây là hai khía cạnh của một sứ vụ đã được trao gửi cho các ông: lời giảng dạy kèm theo các dấu chỉ, theo gương Thầy mình. Vào ngày hôm ấy, Đức Giê-su sắp đưa ra cho các ông một mẫu gương: sau khi đã giảng dạy đám đông dân chúng nhiều điều, Ngài sẽ cho họ được ăn no nê, khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, một trong những dấu chỉ quan trọng bậc nhất của thừa tác vụ của Ngài.
“Kẻ lui người tới quá đông”, trong số đó có những kẻ hiếu kỳ còn muốn hỏi các ông thêm nhiều điều nữa. Trong bối cảnh đó, các ông khó thuật lại cho Đức Giê-su sứ vụ mà họ vừa mới thi hành theo lệnh của Ngài. Thánh Mác-cô không xác định khung cảnh, nhưng chỉ ghi lại một chi tiết theo ông có ý nghĩa nhất “nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.
Ấy vậy, các tông đồ mệt mỏi. Đức Giê-su lưu ý sự mệt mỏi của các ông, vì thế, nếu cứ ở lại đây, họ không tài nào thoát khỏi đám đông quấy nhiễu này: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Thái độ của Đức Giê-su nói lên tấm lòng của một vị thầy ân cần quan tâm đến các môn đệ mình. Các môn đệ đồng thuận và xuống thuyền lánh xa một nơi hoang vắng. 
2. Lánh xa một nơi khác
Đây không là lần đầu tiên Đức Giê-su tìm cách lánh xa đám đông để được ở lại một mình với các môn đệ và dạy riêng cho họ. Trước đây, thánh Mác-cô ghi nhận, sau khi giảng dạy cho đám đông nhiều dụ ngôn, “khi chỉ có Thầy trò với nhau, thì Ngài giải thích hết cho họ” (4: 34). Nhưng việc thầy trò lánh đi như vậy không phải luôn luôn là dễ dàng. Thánh Mác-cô cũng đã viết: “Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Ngài lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê người ta lũ lượt đi theo Ngài” (3: 7). Cũng xảy ra đúng y như vậy trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
3. Tấm lòng của đám đông dân chúng
Việc dân chúng lũ lượt kéo nhau đến với Đức Giê-su là một trong những nét tiêu biểu của Tin Mừng Mác-cô, như chúng ta đã ghi nhận rồi. Sự kiện này không phải là không có liên hệ với sự thành công sứ vụ của Ngài. 
Thánh Mác-cô không cho chúng ta biết địa danh, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ của đám đông với Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài. Theo Lu-ca, Đức Giê-su “đem các ông đi riêng ra với mình, lui về thành kia gọi là Bết-xai-đa” (Lc 9: 10), đây là thành phố ở phía đông nam Biển Hồ, bên kia sông Giô-đan, dòng sông đổ nước vào Biển Hồ. Từ thành Ca-phác-na-um đến thành Bết-xai-đa khoảng 12 cây số, vì thế có lẽ đám đông cùng nhau theo đường bộ vượt qua một quảng đường như vậy đến trước cả các ngài. Cách diễn tả: “nhiều người hiểu ý” gợi lên một mối tương quan gần gũi thân thiết giữa đám đông dân chúng với Đức Giê-su như theo cách nói của Tin Mừng Gioan: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10: 14). 
4. Tấm lòng của vị Mục Tử Mê-si-a
Lòng nhiệt thành này của đám đông dân chúng trái với ý muốn của Đức Giê-su và các môn đệ là được lánh riêng một nơi thanh vắng. Ấy vậy, thay vì bực mình, Đức Giê-su “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Ở đây phảng phất chủ đề căn bản của Cựu Ước. Dân Ít-ra-en là đoàn chiên thương mến của Đức Chúa. Người đã trao gửi đoàn chiên của mình cho các vị mục tử Ít-ra-en chăn dắt. Nhưng những vị mục tử vô trách nhiệm này chỉ nghĩ đến tư lợi của riêng mình mà không quan tâm đến cảnh sống của đàn chiên Người, khiến đàn chiên của Người phải bơ vơ lạc lõng. Đức Giê-su sẽ ân cần săn sóc họ và chứng tỏ mình là vị Mục Tử Mê-si-a được ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo. Công việc của người mục tử là tìm kiếm cho đàn chiên của mình cánh đồng cỏ tốt tươi. Lương thực mà Ngài trao ban cho đám đông này trước hết là Lời Ngài. Chính cái đói này phải được đáp ứng trước tiên: “Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Phép lại bánh hóa nhiều nối tiếp theo sau. Từ xưa Giáo Hội đã ghi nhận điều này là luôn luôn nối kết “hai bàn tiệc” với nhau: trước hết là Lời Chúa, tiếp đó là Thánh Thể.
Khi ngỏ lời với đám đông suốt ngày hôm ấy quên cả nghĩ ngơi, Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài một giáo huấn rõ ràng: “người mục tử nhân lành là người hiến dâng trọn vẹn bản thân của mình cho đàn chiên”. 
Bài tường thuật của Mác-cô chứng tỏ Đức Giê-su ân cần săn sóc các môn đệ mệt mỏi của Ngài sau khi họ hoàn thành sứ vụ, cũng như đám đông dân chúng sau khi họ đi một quảng đường xa đến gặp Ngài. Đây là một trong số các bài tường thuật cho thấy ở nơi Đức Giê-su một tấm lòng từ bi nhân hậu: vừa có độ nhạy cảm sâu xa của con tim nhân loại vừa có tấm lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa trước nỗi khốn khổ của đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng, tìm nương tựa ở nơi Ngài. Đó cũng là mẫu gương cho tất cả các vị mục tử của Giáo Hội Ngài, không tìm cách trốn tránh dưới chiêu bài này hay chiêu bài khác, nhưng tìm cách đáp trả nỗi khốn khổ đau của đoàn chiên, bởi vì: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10: 11). 
 Lm. Inhaxio Hồ Thông
------------------------ 
BÀI ĐỌC THÊM:

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB 
Người chạnh lòng thương

            Tông đồ Gio-an đã cho ta một định nghĩa rất tuyệt vời về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu”, rồi sau đó ông cố gắng giải thích cho ta hiểu tình yêu đó là như thế nào (1 Ga 4:7-11). Đức Giê-su cũng giảng giải cặn kẽ cho ông Ni-cô-đê-mô biết về thứ tình yêu ấy: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3:16-18). Các lời giải thích trên thật siêu việt và đầy tính thuyết phục ngay cả đối với một bậc ráp-bi trong dân, tuy nhiên tình yêu không phải là điều gì thuần tư duy; tình yêu thuộc lãnh vực cảm nghiệm và biểu lộ nhiều hơn. Biểu lộ vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa chính là cái chết thập giá của Đức Giê-su, do đó cảm nghiệm của ta chỉ trở nên sâu sắc khi vào sâu trong cái chết tự hiến của Người. Thế nhưng tình yêu, ngoài biểu lộ đỉnh điểm và mãnh liệt trên Thập Giá, vẫn còn có thể biểu lộ bằng nhiều cách khác, bình dị hơn nhưng không kém phần sâu sắc mặn mà. Tác giả Mác-cô, qua đoạn văn Tin Mừng ngắn gọn và giản dị hôm nay, muốn chúng ta chạm được tới thứ tình yêu rất nhân bản đầy tình người đó.
            Các tông đồ mệt nhọc sau chuyến đi truyền giáo trở về, hẳn sẽ nghiệm thấy một tình cảm nồng ấm như thế nào khi nghe Thầy Giê-su ân cần: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Các ông có lẽ đã không ngờ những lời đậm đà như thế lại được thốt ra từ môi miệng một bậc thầy được thiên hạ kính nể với những lời giảng dạy cao siêu đầy uy lực, ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư’ (Mc 1:22). Các ông càng không thể ngờ được rằng, nếu Thầy Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể gần gũi và ân cần chăm sóc tới từng chi tiết của cuộc sống đời thường của con người đến thế?
Cựu Ước đã nhiều lần cho thấy Đức Chúa chăm sóc dân riêng tới từng chi tiết cuộc sống; trong thời xuất hành, Ngài hàng ngày chu cấp cho họ Man-na, thịt chim trời và nước uống trong mát (Xh 16:17), cho mây che ban ngày và cột lửa chiếu sáng ban đêm (Xh 13:21). Tuy nhiên đó vẫn là một Đức Chúa quyền uy cao vời, và dân Híp-ri phải luôn kính phục. Thế cho nên cái cảm nghiệm về một Thiên Chúa sống giữa loài người đầy ắp yêu thương thì chưa ai từng đã có bao giờ. Là các thủ lãnh tương lai của Giáo Hội, chắc chắn các tông đồ cần phải biết tới cảm nghiệm này: và mọi phần tử của Hội Thánh qua các thời đại cũng cần phải có nữa. Riêng các Ki-tô hữu, không trừ một ai, trong một mức độ nào đó, cũng cần nghiệm thấy như thế trong cuộc sống hàng ngày của mình, nhất là khi họ mở miệng tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên giống con người mọi đàng, và cư ngụ giữa chúng ta (xem Pl 2:6-8). Lúc đó, phải, chỉ lúc đó, thực tế này không còn chỉ là một suy tư thần học, một mầu nhiệm cao vời, mà phải trở thành một kinh nghiệm sống ngọt ngào thường ngày.
            Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt’.
Cựu Ước hầu như muốn dành sự chăm sóc của Đức Chúa cho riêng dân Do Thái của Ngài mà thôi. Các tiên tri sau này chỉ dám ám chỉ xa xa rằng Thiên Chúa cũng quan tâm tới các dân tộc khác và muốn qui tụ họ (xem Is 2:2). Phần các môn đệ, sau cảm nghiệm riêng tư thân mật, các ông đã được dẫn tới một trải nghiệm khác: sự quan tâm nhân ái của Thầy Giê-su mở rộng cho hết mọi hạng người, nhất là những ai bơ vơ vất vưởng. Chuyến đi truyền giáo cho các ông cái kinh nghiệm đầu tay về việc thiết lập một dân riêng mới, nhưng dân này sẽ không hề có tính biệt loại (exclusive). Vừa cảm thấy được Thầy Giê-su ân cần chăm sóc, các ông liền được cho biết, cõi lòng từ nhân của Người mở rộng cho hết mọi hạng người, nhất là cho các kẻ tội lỗi lầm lạc. Sau này rất nhiều lần khác nữa, Người không ngừng khẳng định điều này…, và đây mới chính là đặc điểm không thể nhầm lẫn của đoàn dân mới là Hội Thánh (xem Mc 9:38-40; Lc 9:49-55). Như Phao-lô đã từng khẳng định, mọi Ki-tô hữu cần nhận thức điều này: phe phái, biệt loại dưới bất kì hình thức nào, đều đi ngược lại với cõi lòng từ nhân của Đức Ki-tô, vì Người tới để phá bỏ mọi bức tường ngăn cách (xem Gl 3:27-28).

            Tôi có thể đi tới kết luận cho chính bản thân mình rằng: càng có được cảm nghiệm riêng tư về lòng nhân ái Chúa, do được ưu ái chăm sóc cách đặc biệt (như khi nhận được ơn gọi Ki-tô hữu, tu sĩ SDB, linh mục…hay gặt hái được thành công…, vượt qua được thử thách…), tôi càng phải biết mở rộng cõi lòng hơn để vượt thắng mọi hình thức phân rẽ: lương - giáo; triều - dòng; tu - đời, đạo đức - khô khan; tốt - xấu.., để trên hết, lòng từ bi thương xót Chúa phải bao trùm trên tất cả trong tôi. Nếu cõi lòng tôi chưa được như thế, thì có nghĩa là cảm nghiệm về lòng thương xót Chúa nơi tôi chưa thật sự chân thành và sâu sắc.

            Lạy Thầy Giê-su từ bi và nhân hậu, xin đừng để con run sợ trước các cảm  nghiệm về sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa, hay sự cao siêu bóng bẩy trong các học thuyết Người loan truyền. Lòng con khao khát hơn một cảm nghiệm nồng ấm vì thấy mình được chăm sóc mến thương, nhất là được xót thương tha thứ. Xin cho con có được mỗi ngày vài giây phút gần gũi thân mật trong tâm tình và cảm nghiệm: mình được Chúa yêu thương chăm sóc. A-men.
Nguồn: http://loichua.donboscoviet.net/index.php/suy-nie-m-chu-a-nha-t/muathuongnien/thuo-ng-nien-nam-b/item/894-ch%C3%BAa-nh%E1%BA%ADt-16-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-ni%C3%AAn-b-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%A1nh-l%C3%B2ng-th%C6%B0%C6%A1ng
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Ngài gọi và sai đi - Suy niệm Tin Mừng CN XV TN/ B 15-7-2018



Suy Niệm
Đức Giêsu là người làm nên Nhóm Mười Hai.
Sau một thời gian ở với Ngài (x. Mc 3,14), họ đã được Ngài sai đi rao giảng.
Người được sai đi phải là người có đời sống gần gũi thiết thân với Chúa.
Đức Giêsu sai họ lên đường. Ngài trao cho các ông những quyền năng Ngài có: quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ. Đó là hành trang lên đường của các ông. Mọi hành trang khác chỉ là phụ thuộc: một chiếc áo đang mặc, một cây gậy và đôi dép khi đi đường.
Đức Giêsu cấm các ông không được mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc… Không lương thực đi đường nên có thể bị đói. Không bao bị nên không thể để dành. Không tiền bạc nên không thể mua sắm. Ngài muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào lòng tốt của Thiên Chúa và của con người.
Ra đi mà không có một chút bảo đảm. Các môn đệ đã đi từ nơi nọ đến nơi kia, lê gót qua các làng mạc và thành phố. Họ không đóng đô ở một nơi, dù gặp thành công, vì họ nhớ lời của Thầy: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (x. Mc 1,38)
Tính cơ động là đặc tính thiết yếu của người tông đồ. Sẵn sàng đến và cũng sẵn sàng đi.
Các môn đệ loan báo về Nước Thiên Chúa đang đến. Đó là một tin vui, nhưng đòi con người hoán cải.
Hoán cải là điều chẳng ai ưa. Người tông đồ cần can đảm nói điều phải nói. Không làm nhẹ đi những đòi buộc của Tin Mừng, không bóp méo Tin Mừng để tìm thành công cá nhân, cũng không mỵ dân để vuốt ve dư luận. Người tông đồ phải chấp nhận được tiếp đón một cách nồng hậu hay lạnh nhạt.
Họ chỉ là những người phục vụ cho Tin Mừng.
Chúng ta cần cảm nghiệm niềm vui của các môn đệ. Những người đánh cá nay trở thành nhà rao giảng. Những người ít học, bình dân, nay trừ quỷ và chữa bệnh. Họ đem đến cho con người niềm vui, sự giải phóng toàn vẹn cả hồn lẫn xác.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn sai ta đến trong thế giới. Đi từng hai người hay từng nhóm để nâng đỡ nhau. Chúng ta có thể mang theo nhiều đồ trang bị hơn xưa, nhưng không vì thế mà bỏ rơi cậy dựa vào Chúa. Thế giới hôm nay vẫn có nhiều bệnh tật: bệnh tuyệt vọng chán chường, bệnh hoài nghi khép kín… Ước gì chúng ta chữa lành những nỗi đau hôm nay.

Gợi Ý Chia Sẻ
Lên đường là ra đi, nhưng cũng là ở lại môi trường mình đang sống. Bạn thấy làm chứng cho Chúa tại nơi bạn học hành, làm việc, có khó không? Đâu là những cản trở?
Thế giới hôm nay là thế giới bị nô lệ dưới nhiều hình thức. Bạn thấy được những hình thức nào? (nô lệ cho vật chất, tiện nghi, chức vị, xác thịt…)

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin sai chúng con lên đường; nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Trích Tập Manna B của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA GIỮA ANH EM (CN 14 TN / B 8.7.2018)


Lời Chúa: (Mc 6, 1-6)
1 Hồi ấy, Ðức Giêsu trở về quê nhà, có các môn đệ đi theo. 2 Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

Suy Niệm
Ðức Giêsu giảng dạy ở hội đường tại quê nhà.
Phản ứng của dân làng là hết sức ngạc nhiên
trước sự khôn ngoan trong lời Ngài giảng.
Nếu họ chân thành tìm kiếm
họ có thể nhận ra khuôn mặt thật của người họ quá quen.
Tiếc thay người làng Nazareth đã không đủ vô tư.
Họ bị ám ảnh bởi quá khứ của Ngài,
và họ không sao ra khỏi những định kiến sẵn có.
“Ông ta không phải là bác thợ sao?”
Một bác thợ sống bằng đôi tay như bao người.
Một bác thợ trong làng, âm thầm và khiêm tốn,
sống bao năm ở đây không một chút hào quang.
Họ cũng bị ám ảnh bởi cái hiện tại trước mắt:
Bà Maria và các anh em, chị em của ông,
tất cả vẫn đang sống rất đỗi bình thường,
như những người láng giềng gần gũi.
Một quá khứ và hiện tại như thế
đã khiến họ vấp phạm.
Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ,
lại càng không thể tin Ngài là Mêsia,
và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng
mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Không chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nazareth.
Hôm nay chúng ta vẫn có thể bị đóng khung
trong một cái nhìn nào đó về Ðức Kitô,
khiến chúng ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài.
Có những người chúng ta rất quen, sống sát bên ta,
nhưng chúng ta chẳng hiểu mấy về họ.
Những gì tôi biết về họ là đúng,
nhưng không đủ.
Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời.
Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng
để gặp được mầu nhiệm tha nhân,
để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.

Chúng ta thường nói đến một Thiên Chúa toàn năng,
nghĩa là Ðấng làm được mọi sự.
Nhưng Ðức Giêsu tại Nazareth lại cho ta thấy
hình ảnh một Thiên Chúa yếu đuối và bất lực.
Ngài bó tay trước sự cứng lòng của con người.
Ðức Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào ở đó.
Thế mới hay con người có khả năng cản trở Thiên Chúa,
có thể dùng chính tự do Ngài ban để khước từ Ngài.
Phép lạ là quà tặng cần được đón nhận với lòng tin.
Phép lạ không phải là phù phép áp đặt trên người nhận.
Có bao điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho đời ta,
mà Ngài không làm được, vì không được làm.
Nên thánh là để cho Ngài yêu thương ta,
để cho Ngài tự do hoạt động trong đời ta.
Lúc đó đời ta sẽ trở nên một kỳ công của Thiên Chúa,
và nhờ Ngài, ta có thể làm được những kỳ công.

Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn: https://dongten.net/2018/07/07/khong-lam-duoc-phep-la-08-7-2012-chua-nhat-14-thuong-nien-nam-b/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------ 
Video: (Xin bấm nghe)
Suy Niệm Lời Chúa CN 14 TN B 8-7-2018
Mác-cô 6, 1-6