Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Y phục xứng kỳ đức - Chúa Nhật XXVIII TN / A 15-10-2017 - Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng hôm nay là sự nối kết của hai dụ ngôn "hai người con" (CN 26 A) và "các tá điền sát nhân" (CN 27 A) thành một đề tài giáo huấn về tính phổ quát của ơn cứu độ, con người cần phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi vì gọi thì nhiều mà chọn thì ít.
1. Tính phổ quát của ơn cứu độ
Câu chuyện Tin mừng gồm hai phần rõ rệt. Nhà vua mời thực khách dự tiệc cưới của hoàng tử (câu 1-10) và người khách không mặc y phục lễ cưới (câu 11-14).
a. Điều khó hiểu
- Thái độ của khách mời: Bình thường khi được các bậc vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện. Ở đây nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử. Vậy mà các khách được mời đều từ chối. Thánh Mátthêu ghi lại hai lý do: "người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Thánh Luca thì ghi tới ba lý do: "Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được" (Lc 14,18-19). Họ khước từ vì lo làm ăn và hưởng thụ cá nhân. Họ bận rộn, mải mê kiếm sống, không còn giờ cho tình người. Một số khách được mời nóng nảy quá khích, đã không dự tiệc vua mời còn bắt đầy tớ của vua, đánh đập, sỉ nhục và giết chết.
- Hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giàu nghèo.Thế nhưng, khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới ông đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Người đọc cảm thấy thật khó hiểu: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc.
b. Ý nghĩa dụ ngôn
Nên nhớ, đây là một dụ ngôn nằm trong chuỗi ba dụ ngôn theo cùng một chủ đề mà Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục Do thái khi họ đến chất vấn Người về thẩm quyền của Người (x. Mt 21,23). Hai Chúa Nhật trước qua hai dụ ngôn "hai người con" (21,28-32) và "các tá điền sát nhân" (21,33-43). Dụ ngôn “tiệc cưới” (22,1-14) là câu trả lời cho những thái độ của các thượng tế và pharisiêu.Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, tượng trưng cho cách sống. Những người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.
2. Được mời dự tiệc là niềm vinh dự và là hạnh phúc
Người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài để chuẩn bị ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng, họ đã từ chối đặc ân. Họ thờ ơ, không đếm xỉa gì đến lời mời gọi dự tiệc cưới :người thì đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, người khác thì bắt đầy tớ nhục mạ và giết đi...
Con người có thái độ thờ ơ, lãnh đạm và coi thường như thế bởi vì họ không yêu mến Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa. Nếu yêu thương, tôn trọng người chủ tiệc thì chắc chắn cho dù có vướng bận đến đâu họ cũng sẵn sàng sắp xếp công việc, thời gian để đi dự tiệc. Được mời là một vinh dự, nhưng đáp lời mời là biểu lộ tình cảm của bản thân dành cho gia chủ. Cũng thế, Thiên Chúa mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc Nước Trời là do tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, còn đáp lời mời này để hân hoan tiến vào Nước Chúa là lời đáp trả tình yêu của con người với Thiên Chúa.
Thiên Chúa mời con người đến tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là tiệc vui tươi, chúc mừng tình yêu của cô dâu chú rễ. Chúa Giêsu là chàng rễ, Giáo hội là cô dâu. Thiên Chúa đã mời gọi các Kitô hữu đền bàn tiệc để chia sẽ niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài (GLCG # 1384).
Được mời và đón nhận lời mời là một biểu lộ của tình yêu từ hai phía, Thiên Chúa và con người dành cho nhau. Thế nhưng, trong cuộc sống Kitô hữu ngày hôm nay, thái độ từ chối Thiên Chúa, thờ ơ với lời mời gọi của Ngài vẫn còn tiếp diễn nơi nhiều người.
Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai... nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu... nhiều người đã bỏ lễ Chúa nhật.
Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, để khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta cần xét mình về thái độ của bản thân trước những lời mời gọi dấn thân vì Nước Trời, vì tha nhân của Chúa. Đừng lấy lý do tôi quá bận rộn với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo đến linh hồn mình. Bận rộn chỉ là bình phong che đậy những lười biếng, những tiêu cực. Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi bận bịu.
Thánh lễ chính là tiệc cưới Nước Trời mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Vậy chúng ta hãy dẹp bỏ đi mọi lo toan của công việc, mọi vướng bận của cuộc sống đời thường để hân hoan tiến đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.
3. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới
Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời.
Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: "Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh."
Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.

Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.
Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ mình kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.
Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi; y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.
Rất nhiều khi chúng ta đã coi thường bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến nhà Chúa với một tâm hồn không chuẩn bị gì, chẳng có tâm tình cầu nguyện, và cũng không chịu lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ khinh thường đó rằng: “Trói chân tay nó lại, ném nó vào nơi khóc lóc nghiến răng ! Vì những kẻ được mời gọi thì nhiều, còn những người được chọn thì ít”.
Y phục phải xứng với kỳ đức. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa, lòng mến đối với anh chị em đồng loại.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô)
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/12694-y-phuc-xung-ky-duc-chua-nhat-xxviii-thuong-nien-a-lm-giuse-nguyen-huu-an.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
VIDEO LỜI CHÚA CN XXVIII TN /A 15-10-2017
(Xin bấm xem):

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Các con hãy xin thì sẽ được - Lc 11, 5-13 - Thứ Năm tuần XXVII TN 12-10-2017



BÀI ĐỌC I: Ml 3,13 – 4,2a 
“Đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa”.
Bài trích sách Tiên tri Malakhi.
Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: “Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu?” Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát”. Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: “Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người”. “Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả”, Chúa các đạo binh phán như vậy. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa.
1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
ALLELUIA: Lc 4, 18-19
All. All. – Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. – All.
PHÚC ÂM: Lc 11, 5-13
“Các con hãy xin thì sẽ được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Đó là lời Chúa.
--------------------- 
Thứ Năm tuần XXVII TN, Lc 11, 5-13
 Cuộc sống hôm nay có nhiều thứ cho con người lựa chọn nên họ dễ dàng từ bỏ những gì khó khăn, không mang lại kết quả trước mắt. Thái độ thực dụng này có thể thấy cả trong đời sống cầu nguyện khi các tín hữu muốn Chúa thực hiện một cách mau chóng những gì họ cầu xin và theo cách thức họ nghĩ. Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta cần kiên trì hơn trong cầu nguyện với trọn tâm tình vì tấm lòng cần tương xứng với của cho.
Điểm mới lạ trong Tin Mừng mà chúng ta nghe hôm nay, là thử thách và kiên trì rất gần gũi với đời thường. Qua hình ảnh người hàng xóm có bạn đến trong đêm khuya: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”.
Chúa Giêsu khởi đi từ chính kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày nơi mỗi người: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?”. Vâng! đó là một sự thật hiển nhiên trong tình yêu cha con. Qua đó, chúng ta thấy được lời cầu xin của người thụ ân và của ban tặng của Đấng thi ân, có lẽ, cũng phần nào tương xứng với nhau. Quy chiếu vào kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giêsu không ngừng lặp lại lời mời gọi: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn ban ơn cho những ai kêu cầu Ngài. Như Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Chúa Giêsu minh họa điều Ngài nói qua câu chuyện người bạn quấy rầy, trong câu chuyện này có ba nhân vật: người đi lỡ đường, người bạn và người hàng xóm đã lên giường ngủ. Tương quan giữa ba nhân vật đáng kính phục, vì diễn tả nét đẹp của tình bạn và tình làng nghĩa xóm khi biết tương trợ lẫn nhau.
Vậy nếu: “Các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên Trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11, 13). Chúa ban Thánh Thần tức là ban sức mạnh của Ngài, chúng ta có được Chúa nghĩa là có tất cả. Tuy nhiên để có được điều này người xin cần có sự quảng đại trong nguyện cầu, cụ thể siêng năng tham dự Thánh Lễ với lòng sốt mến, thực tâm dâng những hy sinh, hãm mình, làm việc lành phúc đức,… và Thiên Chúa là Đấng sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngài rộng lòng ban ơn cho những ai chạy đến kêu xin Ngài.
Một đề tài mà Chúa Giêsu đưa ra rất thú vị, đề tài này làm cho người nghe phải suy nghĩ. Một đàng theo luật Do thái, là không được phép từ chối khách bộ hành khi họ gặp phải vấn nạn về cái đói cái khát, hay nói cách khác là sự hiếu khách. Apraham đã từng mời ba vị khách lỡ đường nghỉ dưới gốc cây để ông dọn bữa mời họ. Một đàng theo tập tục Palestin, khi trong nhà đã tắt đèn thì hiểu rằng họ không còn tiếp khách, hơn nữa khó khăn của chủ nhà là những thành viên trong gia đình đã ngủ, việc trỗi dậy lấy bánh sẽ đánh động cả nhà khi họ đã yên giấc.
          Chúa Giêsu gợi lên mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là tương quan cha con. Khi con cái xin cha điều gì thì người cha sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con mình xin cá lại cho nó con rắn…” (Lc 11, 11). Nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta. Thiên Chúa sẽ ban ơn theo cách của Ngài, nghĩa là theo ý Chúa chứ không theo ý chúng ta. Chúa ban cho chúng ta theo ý Chúa thì chắc chắn điều đó đẹp lòng Chúa và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, vấn đề là chúng ta có nhận ra hay không? Nếu Chúa ban theo ý chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ dễ kiêu căng, tự phụ để rồi ơn cứu độ của Chúa sẽ không đến với chúng ta.
Trong khi những thính giả của Chúa Giêsu đang chọn lựa đáp án nào cho hợp luật nhất thì chính Chúa Giêsu đã có đáp án làm họ ngỡ ngàng: “Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó”. Một đáp án ra khỏi luật lệ, tập tục. Nhưng không dừng ở đó, Chúa Giêsu tiếp tục nhất sâu vào chủ đề: “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.
Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta khi nói: cứ xin thì sẽ được? Cắc chắn không phải, Chúa Giêsu làm sao gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thật ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhậm lời. Nhưng vì lợi ích của chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa
Bài học dụ ngôn này là không phải là ép buộc Thiên Chúa, nhưng là kiên trì trong cầu nguyện, trong thực hành đạo. Đức tin của người Công giáo phải đạt tới tầm mức rằng: Lời thỉnh cầu với mục đích ngay lành, hẳn là không phải lúc nào cũng suông sẻ, thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản lòng, buông suôi. Nhưng ở đây muốn cố võ cho sự chuyên chăm cầu nguyện, bởi Thiên Chúa biết rõ những gì chúng ta cần thiết và biết rõ lúc nào thì Ngài ban thương cho ta.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/kien-tri/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

QUÂN BÌNH SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG - Suy niệm Lời Chúa Lc 10, 38-42 ngày 10-10-2017

 Trang Tin Mừng Lc 10, 38-42 hôm nay trình thuật một cuộc đón tiếp khác – cuộc đón tiếp Đức Giêsu ở nhà chị em Macta và Maria – một cuộc đón tiếp không được chuẩn bị trước, không nhạc kèn, trống phách.
Trang Tin kể về câu chuyện của hai chị em Mácta và Maria trong tương quan với Chúa Giêsu, để rồi tưởng nghĩ ta nên suy nghĩ một chút về sự dung hòa giữa những xao động cuộc sống và sự “ngồi bên chân Chúa” của người môn đệ Chúa Giêsu. Và rồi trong cuộc sống, làm sao dung hòa giữa việc cầu nguyện và đời sống hoạt động tông đồ, nhất là bối cảnh xã hội hiện đại với những thách đố và cám dỗ của một cuộc sống luôn biến động thật đa dạng và thật hấp dẫn?
Cầu nguyện và hoạt động như 2 trục chính của bánh xe, làm sao dung hòa “bánh xe” vận hành của đời người một cách hiệu quả? Vòng bánh xe này không khéo sẽ bị phình-xẹp không thể vận hành tốt trong hành trình đức tin của người Kitô hữu.
Kinh nghiệm về đời sống sinh lý của từng cá thể, từng hơi thở: “hít vào –thở ra” của nội tại, cần thiết lắm phải có một sự quân bình nhất định để ít ra là kềm giữ một trạng thái bình yên cho tâm thức, và như thế mới giữ thân xác khỏe mạnh. Kinh nghiệm sống đạo cũng thế, chỉ có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình một khi họ biết bám rể sâu trong đời sống cầu nguyện, vì những ai ở trong Giêsu và Giêsu ở trong họ, họ có thể toát lên một sức thuyết phục kỳ lạ “hữu xạ tự nhiên hương”.
Một khi nền tảng chiều sâu nội tâm hời hợt, thật khó có thể yêu thương và sống hòa hợp với tha nhân một cách chân thành.Vì thế, rất cần thiết cho người tông đồ thường xuyên nhìn lại những hoạt động phục vụ tông đồ: phục vụ vì mục đích gì? Kinh doanh? đánh bóng tên tuổi? vì chính đối tượng phục vụ hay bản thân v. v…?
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động dồn dập và dồn dập, lắm lúc tưởng chừng như muốn ngộp thở. Những khác biệt về công việc, thu nhập, vị trí, trách nhiệm, những thay đổi…làm cho mỗi người dễ rơi vào tình trạng so sánh, cảm thấy không hài lòng, bất an…Điều đó làm cho cuộc sống con người trở nên mất cân bằng, dễ rơi vào tình trạng căng thẳng mà ngày nay hôm bao giờ hết người ta hay nói nhiều đến từ stress.
Cuộc đón tiếp Đức Giê-su và các môn đệ hôm nay chỉ có hai người: một người lo tiếp chuyện và một người tất bật lo nấu nướng phục vụ bữa ăn (ít nhất cho 13 người). Thật là thật là nhiêu khê và nan giải nhưng cũng thật là vinh dự cho hai chị em Macta và Maria. Tuy nhiên, có cái gì đó không ổn giữa hai chị em. Macta cảm thấy mình quá vất vả và bận rộn mà Maria thì lại ‘như cái gai trong mắt’ chẳng chịu làm gì cả, chỉ biết ngồi say sưa nghe Chúa nói chuyện – (Thật là bất công mà!) – Macta đã xin Chúa phân xử ‘cho vụ này’: “Thầy coi, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? (Macta trách Chúa rồi) Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (c.40). Đức Giêsu là một con người rất tinh tế, Ngài không chê tấm lòng, không phụ sự tất bật phục vụ của Macta, nhưng Ngài xác định “Maria đã chọn phần tốt nhất” phần mà “không ai có thể lấy mất được” (c.42).
Đã hẳn Chúa Giêsu không bao giờ chê bai công việc phục vụ. Vì Người đã nói: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Cả cuộc đời của Ngài dùng để phục vụ – phục vụ Thiên Chúa, phục vụ con người. Trong suốt 33 năm tại thế, Ngài đã sống 30 năm âm thầm, ẩn dật. Đây là 30 năm học hỏi, 30 năm của hiệp thông, kết hợp và nhận định ý Cha. Ngài chỉ dành 3 năm để rao giảng và chữa lành; để công khai thực thi sứ vụ Cha trao.
Và trong 3 năm này Ngài vẫn không thôi hiệp thông với Cha trong cầu nguyện. Ngài đã dành những thời gian rất riêng tư để trò chuyện, phân định và lãnh hội ý Cha, kín múc từ nơi Cha năng lực và sức mạnh cho những hoạt động của Người. Ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Ngài đã khẳng định với tên cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).
Và Ngài còn cho biết: “lương thực Ta dùng là thi hành thánh ý Chúa Cha” (Ga 4,34). Vì vậy, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa luôn là việc quan trọng hàng đầu; Vì đó là điều kiện tất yếu cho việc thực thi thánh ý của Người. Do đó, tư thế ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người của Maria là tư thế học hỏi của người môn đệ: lắng nghe và chiêm ngắm, để lời Chúa thấm vào tâm hồn, đi vào trái tim và chuyển thành hành động đã được Đức Giê-su khen ngợi ‘Maria chọn phần tốt nhất’. Phần Macta, bởi có lẽ thiếu sự lắng nghe Lời, nên có thể cũng thiếu đi lòng vị tha, thiếu sự tinh tế trong phần ‘tiếp khách’ (ai mà bỏ khách đó để chỉ đi lo công việc chứ?), mà có thể chỉ muốn khoe trương, trổ tài bếp núc, bực bội với Maria, trách Chúa; thành ra Macta đã chuyển mình thành trung tâm chú ý chứ không phải là Chúa. Hậu quả thật tai hại!
Trong cuộc sống, người ta thường lấy Macta và Maria làm biểu tượng cho hai mặt chiêm niệm và hoạt động (có dòng tu chuyên về chiêm niệm, có dòng tu chuyên hoạt động). Tuy nhiên, thực ra thì hai mặt chiêm niệm và hoạt động không thể tách rời nhau. Làm việc tông đồ mà không cầu nguyện, lắng nghe Chúa, thì công việc đó trở thành xác không hồn, đó là một thứ dịch vụ, một công việc tìm thỏa mãn hoặc hư danh cho chính bản thân. Những người ấy, dễ chán nản bỏ cuộc khi gặp thử thách, dễ tự ái và nhiều khi trở thành kẻ chống đối, phá hoại khi gặp trái ý hay bị xúc phạm….
Người cầu nguyện nhiều, nhưng không yêu thương, không muốn quan tâm đến tha nhân, không muốn phục vụ thì đó là một thứ đạo đức trá hình, một đức tin chết. Vì thế, cũng như tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đã được Đức Giê-su đặt làm quan trọng như nhau (x. Mt 22, 37 – 39), thì đời sống yêu mến gắn bó với Thiên Chúa qua cầu nguyện và đời sống yêu thương phục vụ tha nhân là một tương quan hai chiều không thể thiếu bất cứ bên nào. Càng sống gắn bó, yêu mến Thiên Chúa, người môn đệ đích thực của Đức Giê-su càng khát khao phục vụ Người qua tha nhân; đồng thời qua đời sống phục vụ yêu thương anh em, người môn đệ mang những nỗi đau thương, cùng khốn của cuộc đời trao vào tay Thiên Chúa để Người băng bó những thương tích và chữa lành.
          Nói đến nhân chứng cụ thể về cuộc sống tông đồ và cầu nguyện hiện nay không thể quên được mẫu gương Mẹ Chân Phúc Têrêsa Calcutta. Một gương mẫu hết sức sống động trong việc sống đời sống nội tâm và hoạt động tông đồ, vì thế, cuộc đời Mẹ Thánh đã trổ sinh hoa trái đích thực. Phải chăng đây là một hình ảnh mà Chúa muốn dùng Mẹ Têrêsa như một lời nhắc nhủ cho con cái của Ngài phải biết sống thế nào trong một thế giới xao động hôm nay?
Huệ Minh.
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/quan-binh-suy-nghi-va-hanh-dong/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
----------------- 
VÀI HÌNH ẢNH PHỤC VỤ
NGÀY LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ
XÂY DỰNG NHÀ THỜ PLEI JƠDRÂP,
GIÁO PHẬN KON TUM 6 & 7/10/2017


 Cha Chính xứ Vinh Sơn khai mạc Đêm Hoan Ca 6/10/2017
 Suốt đêm 6/10/2017, Nhóm ACE tích cực chuẩn bị các món ăn cho bữa tiệc trưa 7/10/2017 cho hàng ngàn thực khách

Ảnh: MTC

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018)


WHĐ (01.10.2017) – “‘Chân lý sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8,32). Tin giả và nền báo chí vì hòa bình”: đó là chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018) được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố trên trang Twitter của ngài (@Pontifex) hôm thứ Sáu 29-09-2017.
Qua chủ đề này, sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới sẽ đề cập đến những tác hại của tin giả đối với nền báo chí vì hòa bình.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là Ngày duy nhất được Công đồng Vatican II kêu gọi cử hành trên toàn thế giới, qua Sắc lệnh Inter Mirifica năm 1963 của Công đồng Vatican II. Theo đề nghị của các giám mục trên toàn thế giới, ngày này được ấn định vào Chúa nhật trước Lễ Hiện xuống trong hầu hết các quốc gia (năm 2018 là ngày 13 tháng Năm).
Theo truyền thống, chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 29 tháng Chín, lễ kính các Tổng lãnh thiên thần  Michael, Raphael và Gabriel; và Sứ thần Gabriel là vị bổn mạng của ngành truyền thông.
Cũng theo truyền thống, Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được ban hành vào ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiôbổn mạng các nhà văn và các nhà báo, để giúp các Hội đồng Giám mục, các văn phòng giáo phận và các tổ chức truyền thông có thời gian chuẩn bị các tài liệu nghe nhìn và các tài liệu khác cho các cử hành ở cấp quốc gia và tại địa phương.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 07-05-1967, dưới thời Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng mong muốn mọi người quan tâm đến các phương tiện truyền thông và sức mạnh to lớn của truyền thông trong việc thay đổi văn hóa.

Sứ thần Gabriel là vị bổn mạng của ngành truyền thông

Đóng góp của Giáo hội
Giải thích về chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới, Đức ông Dario Edoardo Viganò, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông nói rằng tin giả góp phần gây ra sự phân cực mạnh mẽ các quan điểm và làm tăng thêm sự phân cực ấy. Điều này thường bao gồm việc bóp méo các sự kiện, có thể “tác động đến thái độ ứng xử của cá nhân và tập thểKhi các nhóm truyền thông xã hội, các tổ chức và giới chính trị hiện đang phản ứng với hiện tượng này - Đức ông Viganò nói - “Giáo hội muốn góp phần bằng cách đưa ra một suy tư về những nguyên nhân, logic và hậu quả của thông tin sai lạc trên các phương tiện truyền thông và giúp thúc đẩy nền báo chí chuyên nghiệp, luôn tìm kiếm sự thật, đó là một nền báo chí vì hòa bình, cổ võ sự hiểu biết giữa mọi người.

Minh Đức
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-phanxico-cong-bo-chu-de-cua-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-52-nam-2018/9141.57.7.aspx
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường