Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Khôn Ngoan Như Rắn Và Dịu Hiền Như Bồ Câu


27TH. 5
Phạm Thị Hoài, XCAFE - 26.5.2013: Cơn bão truyền thông tại Việt Nam xung quanh Nick Vujicic, nhà truyền bá Phúc âm đến từ phương Tây, đủ sức khiến ngôi sao diễn giả duy nhất trong các nhà truyền giáo cộng sản bản địa hiện tại, ông Nguyễn Bá Thanh, phải ghen tị và báo chí phương Tây phải ngỡ ngàng. 

Một bài trên Huffington Post dẫn lời Nick Vujicic nói với bé Linh Chi trong cuộcgiao lưu tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, trước 25.000 người, về tình yêu Chúa: “Do you know why I love God? Because heaven is real. And one day when we get to heaven, we are going to have arms and legs. And we are going to run, and we are going play, and we are going to race.” (Em có biết vì sao tôi yêu Chúa không? Vì thiên đường là có thật. Và một ngày kia, khi lên thiên đường, chúng ta sẽ có tay có chân. Và chúng ta sẽ chạy nhảy, vui đùa, chúng ta sẽ chạy thi.) Những lời ấy chẳng những không bị truyền hình nhà nước kiểm duyệt, mà diễn giả còn được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng huy hiệu và kỉ niệm chương. Điều gì đang xảy ra tại quốc gia mà quan hệ giữa nhà nước và nhà thờ vẫn đầy căng thẳng này? Bài báo dẫn tiếp lời một tín hữu Thiên chúa, ông Nguyen Dat An, người tổ chức chuyến đi của Nick Vujicic [i]: “This was a miracle in Vietnam. God is the general director of this event.” Phép mầu ở Việt Nam do Chúa trời làm tổng đạo diễn. 

Theo kịch bản của Đấng Toàn năng, nhân vật anh hùng Nick Vujicic biết rõ rằng “ở Việt Nam có những giới hạn về việc nói hay không nói về đức tin của mình như thế nào” và đến một số nơi thì phải “khôn ngoan như rắn và dịu hiền như bồ câu”, cũng theo Huffington Post. Chiến lược này giúp ta hiểu hơn, vì sao chàng trai phi thường ấy khuyên người Việt làm theo gương Bác Hồ. Hãy kính Bác và yêu Chúa, thông điệp cuối cùng và bí quyết thủy chung để người Việt Nam đầu thế kỉ 21 vượt qua số phận kém ưu đãi của mình có thể là như thế, từ chỗ đứng đặc biệt của nhà truyền giáo Nick Vujicic. Song cho đến giờ phút này anh chưa tiết lộ cho đông đảo công chúng Việt Nam rằng số phận của anh chính là do ý muốn và sự sắp đặt của Chúa. Trong cả buổi giao lưu ở sân Mỹ Đình, anh chỉ trực tiếp truyền bá Phúc âm duy nhất qua mấy lời về tình yêu Chúa đã dẫn. 

Song chỉ mấy lời tương đối “bồ câu” ấy cũng đủ khiến người phiên dịch bị bất ngờ và lúng túng. Và chính tôi cũng bị bất ngờ khi đọc đến chi tiết này trong bài báo, cho đến khi được biết lí do qua ngả khác, từ thông tin đáng chú ý của ông Vũ Hữu Hùng, tức Francis Hùng, một chuyên gia huấn luyện kĩ năng sống nhiều uy tín và quen thuộc với công chúng Việt Nam, người lẽ ra được chọn làm phiên dịch cho Nick Vujicic nhưng cuối cùng đã không đóng vai trò ấy. Yêu cầu của Ban Tổ chức là phiên dịch viên không được dịch lời của nhà truyền bá Phúc âm nói đến danh Chúa hay nói đến tôn giáo, trong khi Francis Hùng là một tín hữu Thiên chúa. 

Tổng đạo diễn vắng mặt, nhưng phép mầu vẫn xảy ra theo cách nào đó. Bằng sự khôn ngoan của rắn và sự dịu hiền của bồ câu, hay bằng hoặc bất chấp một điều khoản không chính thức ghi trong hợp đồng? Lạy Chúa, có trời biết rằng Chúa không phải là thứ duy nhất ở Việt Nam phải chịu kiểm duyệt. 

© 2013 pro&contra

_______________ 

Phụ lục 

Bạch hóa của ông Vũ Hữu Hùng (Francis Hùng) 

Như đã hứa trả lời cho công chúng lý do tại sao ban tổ chức sự kiện Nick mời tôi phiên dịch chính thức cho tất cả buổi nói chuyện của Nick nhưng cuối cùng tôi lại không tham gia. Trước sự kiện tôi có hứa là sẽ trả lời ngay sau khi sự kiện diễn ra, tối qua nếu các bạn có xem truyền hình trực tiếp thì đã phần nào biết được lý do. Và đây là sự thật: 

Buổi họp cuối cùng trước khi sự kiện diễn ra có đại diện của Nick tại Việt Nam, công ty truyền thông và ban lãnh đạo Tôn Hoa Sen, có sự tham dự của anh Vũ người sáng lập Tôn Hoa Sen và là “chủ xị” của sự kiện. Tất cả phiên dịch viên đều phải dự phỏng vấn và trải qua bài kiểm tra dịch trực tiếp từ Video trước khi được xác nhận ai là phiên dịch chính trên sân khấu và ai sẽ là phiên dịch dự phòng. Tôi hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra, thỏa mãn yêu cầu của ban tổ chức. 

Buổi họp cuối cùng tôi đến trễ có thông báo trước, khi bước vào phòng họp, sau vài câu xã giao thì anh Vũ nói với ban tổ chức: Tôi muốn các bạn bố trí em Hùng này là phiên dịch chính cho toàn bộ buổi nói chuyện trên sân khấu của Nick. Tôi thấy em Hùng phù hợp. 

Anh quay sang tôi nói tiếp: Hùng phải chuẩn bị lúc nào cũng có 3 bộ đồ để thay, đồ vest, sơ mi và quần Jean áo thun để phù hợp với bối cảnh, đây là sự kiện quan trọng mà chúng tôi đã tốn rất nhiều tiền để sự kiện được diễn ra”. Tôi nói, “dạ vâng”. 

Anh Vũ nói tiếp: Có một điều kiện bắt buộc Hùng phải chấp thuận thì Hùng mới dịch được, điều kiện đó là “KHÔNG ĐƯỢC NÓI ĐẾN DANH CHÚA, KHÔNG NÓI ĐẾN TÔN GIÁO, KỂ CẢ TRONG TRƯỜNG HỢP NICK NÓI THÌ ANH CŨNG PHẢI DỊCH KHÁC ĐI HOẶC LÀM THINH KHÔNG ĐƯỢC PHÉP DỊCH.” 

Sau đó anh tiếp tục thảo luận về mức phí tôi đưa ra, tôi nói với anh Vũ rằng: Em đã giảm một tỷ lệ % rất lớn mức phí để phục vụ cho sự kiện, và đây là mức phí phiên dịch của em… Tuy nhiên, trong trường hợp ngân sách ban tổ chức eo hẹp không đủ tiền, thì em sẵn sàng hỗ trợ theo ngân sách của ban tổ chức. 

Anh Vũ nói: Ban tổ chức có thừa tiền, không bao giờ thiếu, tuy nhiên mức phí của em là không thể chấp nhận được, em làm cái này là vì cộng đồng hay là vì kinh doanh? 

Tôi trả lời: Nếu phục vụ cộng đồng mà kèm theo mức phí tượng trưng thì vẫn tốt và vui hơn (vì cách em cống hiến cho cộng đồng rất khác so với cách của anh – tôi nghĩ thầm), anh vừa xác nhận với em là ban tổ chức thừa tiền chứ không thiếu. Một giờ nói chuyện của em đã là… $, ở sự kiện này em chỉ nhận tượng trưng… $ cho mỗi bài diễn thuyết của Nick, tuy nhiên anh đã quyết định ngân sách dành cho phiên dịch chỉ là… $ cho mỗi bài nói chuyện, em chấp thuận để cho sự thành công của chương trình tốt hơn. 

Anh Vũ hỏi: Lý do nào mà Hùng nghĩ có thể dịch thành công cho Nick? 

Tôi trả lời: Trước hết em là một diễn giả chuyên nghiệp, em hiểu cảm xúc sân khấu của một diễn giả, khả năng ngoại ngữ của em đã qua các vòng kiểm chứng của ban tổ chức và điều quan trọng nhất là EM CŨNG LÀ NGƯỜI TIN CHÚA NÊN SẼ DỊCH CHÍNH XÁC KHI NICK NÓI VỀ CHÚA. 

Khuôn mặt của anh Vũ biến sắc, anh vội nói: Lần này không hợp tác được với anh Hùng, lần khác vậy. (Mặc dù trước đó chưa đầy 15 phút anh chỉ đạo cho ban tổ chức là chọn tôi dịch chính cho sự kiện). Anh Vũ theo đạo Phật nên tôi có thể hiểu. 

Các bạn thân mến, 
Là một Cơ-Đốc nhân, tôi muốn làm chứng về việc Chúa cứu tôi khỏi phạm tội trước Ngài thông qua sự kiện này là như thế này: 

• Nếu tôi hứa với anh Vũ không được phép dịch Danh của Chúa kể cả trong trường hợp Nick nói đến Danh của Chúa, mà tôi vẫn dịch thì tôi phạm tội không trung tín trong lời hứa. 

• Nếu tôi đồng ý với anh Vũ là sẽ không dịch, hoặc dịch khác đi khi Nick nhắc đến Chúa thì tôi sẽ phạm tội chối Chúa trước hàng triệu người. Lời Đức Chúa Jesus Christ đã nói rõ “Ai chối Ta trước mặt thế gian, Ta sẽ chối người đó trước mặt Cha”. Điều tuyệt vời Chúa cứu tôi là Ngài khiến cho anh Vũ không chọn tôi trước khi tôi đưa ra quyết định, lời cầu nguyện “Xin giữ con khỏi mọi sự dữ” mà Chúa dạy cho chúng ta cầu nguyện, tôi thấy Ngài thực hiện điều đó (gìn giữ tôi khỏi sự dữ) thật là quá tuyệt vời. Cảm tạ Cha. 

Và sự việc chưa dừng lại ở đây, theo kế hoạch ngày 26/5 (Sáng Chúa Nhật), Nick muốn đến thăm và có buổi nói chuyện ở nhà thờ Tin Lành Gia Định, ban tổ chức nói với tôi là nếu Bộ Công An và phía An Ninh cho phép, họ sẽ mời tôi dịch cho Nick ở nhà thờ Gia Định. Khi ở trong nhà thờ, thì Nick thoải mái nói về Chúa và tôi thoải mái dịch. Các anh chị em Cơ-Đốc nhân tiếp lời cầu nguyện cho sự kiện này có thể diễn ra nhé. Cho đến ngày hôm nay, phía An Ninh vẫn chưa đưa ra quyết định là có cho phép hay không. 

Ai chứng kiến chương trình tối qua thì sẽ thấy Danh Chúa Jesus Christ đã không được dịch, câu nói của Nick nói sau khi nữ khán giả chơi xong bản nhạc và Nick chào tạm biệt cô ấy là“God Bless You”, phiên dịch viên đã không dịch câu này. Người phiên dịch viên không phải là con cái Chúa. 

Toàn bộ sự việc đã diễn ra như vậy. Trong chương trình tối qua, khi Nick bị hạn chế không được diễn đạt đức tin của mình thì Nick “không có gì nhiều để nói”, nhưng nếu Nick được thoải mái giảng lời Chúa thì bài nói chuyện sẽ khác đi, sẽ sinh động sẽ đầy sự khôn ngoan. Cho nên sáng Chúa Nhật này ngày 26/5 từ 6-8 giờ sáng tại nhà thờ Gia Định đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, nếu sự kiện diễn ra bạn sẽ bắt gặp một Nick hoàn toàn khác, bạn sẽ học được nhiều điều sâu sắc hơn thay vì những câu khẩu hiệu suông trong chương trình tối qua. 

Nguồn: VietCatholic News, 23-5-2013

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

PHÁT HIỆN LOÀI DẠ HỢP BIDOUP MAGNOLIA BIDOUPENSIS ở VQG BIDOUP – NÚI BÀ, LÂM ĐỒNG



Dr Vũ Quang Nam - Trường đại học Lâm Nghiệp - Xuân Mai - Hà Nội

Hai nhà khoa học Việt Nam và Trung quốc TS. Vũ Quang Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và Dr Nian He Xia, Vườn thực vật Nam Trung quốc đã phát hiện và công bố loài Dạ hợp Bidoup Magnolia bidoupensis trên tạp chí chuyên ngành Annales Botanici Fennici (Ann. Bot. Fennici 48: 525-527) (http://www.sekj.org/AnnBot.html), Helsinki, Phần Lan (ISSN 0003-3847, print; ISSN 1797-2442, online) vào tháng 12 năm 2011.

Loài thực vật mới có tên khoa học là Magnolia bidoupensis Q.N. Vu. Tên loài được lấy theo tên địa danh nơi phát hiện ra loài: “Bidoup – Núi Bà”nơi được tìm thấy ở đỉnh Hòn Giao, thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, nơi có trạng thái rừng lùn đặc trưng. Loài vừa được Loài thân gỗ nhỏ, cao cỡ 8-10 m, đường kính 10-18 cm, có đặc điểm hình thái nổi bật dễ nhận biết: lá cứng, dày, phiến lá hình xoan lớn với gốc lá tròn rộng, chóp lá tù; hoa nhỏ, màu trắng, thơm; nhị hình chùy với phần phụ do trung đới kéo dài tù, noãn có dạng 3 cánh đặc trưng.

Dạ hợp Bìdoup Magnolia bidoupensismọc tự nhiên trong rừng lá rộng, thường xanh, ở độ cao 1650-1910 m so với mặt nước biển, mọc hỗn giao với các loài như Calophyllum balansaeGordonia sp. và một số loài thuộc họ Ericaceae.
 
 
 
 
Dạ hợp bidoup Magnolia bidoupensis - Ảnh - Vũ Quang Nam
 

Đây là loài mới thứ 2 thuộc họ Ngọc lan Magnoliaceae được phát hiện và công bố ở Việt Nam trong năm 2011. Trước đó vào tháng 9 năm 2011 loài Mỡ là dày Manglietia crassifolia ở Vườn quốc gia Hoàng Liên – Việt Nam

RẮN, SẮC MÀU CỦA THIÊN NHIÊN VIỆT NAM



Bài ảnh: Phùng Mỹ Trung, Nguyễn Thiên Tạo, Nguyễn thị Liên Thương, Lê Anh Tuấn.

Xin vui lòng liên hệ tác giả nếu sử dùng bài và hình ảnh

Với hơn 200 loài rắn đã được tìm thấy và công bố ở Việt Nam trong đó gồm 22 loài rắn biển và 184 loài rắn sống trên đất liền đã cho thấy sự đa dạng không chỉ về số lượng mà còn chủng loại rắn phân bố khắp nơi ở Việt Nam.
Rắn được xem như là loài động vật độc ác, qủi quyệt và chết chóc đối với con người. Nhưng trong y học loài rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Trong biểu tượng của ngành dược học cũng sử dụng con rắn này nhưng nó quấn quanh một cái ly có chân cao. Chiếc ly tượng trưng cho chén thuốc của Nữ thần sức khỏe Hygia, bên trong có chứa đựng chất dịch được chiếc xuất từ các loại cây cỏ. Con rắn tượng trưng cho sức khỏe và sự trẻ trung. Đối với các nhà nghiên cứu Bò sát loài rắn không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, là đối tượng nghiên cứu để phân loại, tìm kiếm, phát hiện ra những loài mới cho khoa học, mà nó còn là mắt xích sinh học cực kỳ quan trọng, đóng một vai trò cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái của chúng ta. Thực tế cho thấy, các loài rắn ở Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 30 loài có nọc độc chết người sống trên đất liền và 22 loài rắn biển. Số còn lại không phải là loài rắn độc hoặc ít độc đối với con người.
Nhân dịp năm con rắn (Quí Tỵ) Website Sinh vật rừng Việt Nam xin giới thiệu một số loài rắn có màu sắc ấn tượng được ghi lại trong thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam. Qua đó nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học đối với thiên nhiên Việt Nam.

1. Rắn sọc đốm đỏ Oreocryptophis porphyraceus
Được xem như một trong những loài rắn có sắc màu rực rỡ nhất ở Việt Nam và cũng là loài sống ở những nơi gần với nóc nhà của chúng ta. Loài này thường kiếm ăn ở bìa rừng dọc theo các con suối thuộc vùng núi cao. Thích hoạt động vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Thức ăn chủ yếu là các loài lưỡng cư và thú gặm nhấm nhỏ. Đẻ khoảng 2 - 7 trứng. Trứng thuôn dài có vỏ dai màu trắng. Chính vì vẻ đẹp rực rỡ của chúng và hoàn toàn vô hại với con người đã khiến chúng bị săn đổi ráo riết để buôn bán và nuôi làm cảnh. Hiện nay loài này đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.
 
Rắn sọc đốm đỏ Oreocryptophis porphyraceus
 

2. Rắn lục miền nam Viridovipera vogeli
Kẻ săn đêm siêu phàm và khôn ngoan nhất trong các loài rắn được mang danh loài rắn lục miền nam Viridovipera vogeli. Giữa bóng đêm mịt mùng của các cánh rừng mưa nhiệt đới loài rắn lục này dùng khả năng cảm nhiệt trong đêm tối để bắt các con mồi. Nó tìm kiếm một gốc cây nhỏ cuộn tròn vào các cành cây nằm gần sát mặt đất và kiên nhẫn chờ đợi con mồi đi ngang qua. Chi với một cú đớp những chiếc răng sắc nhọn của nó sẽ khiến con mồi không có cơ hội thoát thân. Đây là loài rắn độc và rất nguy hiểm không chỉ đối với con người mà ngay cả một con nai rừng ngơ ngác.
 
Rắn lục miền nam Viridovipera vogeli
 

3. Rắn lục núi Ovophis monticola
Là một loài rắn cực độc đối với các loài động vật máu nóng, nhưng kẻ mù màu này lại tỏ ra hết sức khờ khạo dưới ánh sáng ban ngày nên chúng ta rất khó có cơ hội gặp chúng. Lẩn trốn ban ngày và kiếm ăn ban đêm nơi các vũng nước nhỏ đọng trong các khu rừng thường xanh là phương cách tồn tại hữu hiệu nhất mà tổ tiên của chúng đã truyền lại. Với nhiều màu sắc thay đổi khác nhau theo từng sinh cảnh sống ở các khu vực có độ cao trên 800m. Nhưng những vệt vảy đen trên đỉnh đầu của nó rất khó để nhầm lẫn với bất cứ loài nào thuộc giống Oviphis ở Việt Nam.
 
Rắn lục núi Ovophis monticola
 

4. Rắn hổ mây gờ Pareas carinatus 
Ở Khu BTTN Vĩnh Cửu  khi nhiệt độ ban đêm giảm xuống, cơ thể con người đã bắt đầu cảm nhận được cái lạnh của màn sương đêm buông xuống, thì cũng là lúc loài này bò ra khỏi hang nơi nó lẩn trốn ban ngày đi kiếm ăn. Những loài ếch cây Rhacophorus và các loài nhái nhỏ sẽ là những miếng mồi ngon lành của nó. Loài này rất ít gặp ban ngày nhưng rất dễ nhận diện loài rắn không độc này trong đêm với lớp vảy màu nâu nhạt, lớp vảy nằm sát phần bụng có màu nâu đậm, viền mắt ngoài màu đỏ rực khi ánh đèn phản chiếu trong đêm tối. Là loài rắn có kích thước nhỏ, nhút nhát, phân bố rộng nhưng số lượng cá thể của loài này không còn nhiều trong tự nhiên.
 
Rắn hổ mây gờ Pareas carinatus
 

5. Rắn rào ngọc bích Boiga jaspidea
Nữ hoàng sắc đẹp của các loài rắn chắc chắn sẽ nhận được phiếu bầu cho loài rắn rào ngọc bích Boiga jaspidea vì những màu sắc, hoa văn trên cơ thể của nó được tạo hoá trang điểm hết sức hài hoà. Trong bóng đêm sự phản chiếu của các lớp vẩy màu bởi ảnh đèn flash càng làm nó nổi bật. Mặc dù là loài rắn không độc nhưng nó có khả năng bắt trước một số loài rắn độc khi bị đe doạ bằng cách phình to phần đầu ra để hù doạ kẻ thù và phát ra những âm thanh đe doạ để tìm cách lẩn trốn.
 
Rắn rào ngọc bích Boiga jaspidea
 

6. Rắn cườm Chrysopelea ornata
Loài rắn nhỏ có chiều dài khoảng 130cm này đầu màu xanh lục có vệt màu đen; cằm và phía trên mép màu ngà voi. Thân màu vàng xanh lục nhạt. Mỗi vảy thân trơn bóng có viền đen; vài vảy đen hoàn toàn, tạo thành vạch ngang. Bụng màu xanh lục với các chấm tròn đen kế mỗi vết khía hình V. Loài rắn nhỏ bé và nhút nhát này thường dung chiêu thức lẩn trốn ‘tẩu vi thượng sách’ khi gặp kẻ thù đây có lẽ phương pháp hữu hiệu nhất của chúng vì “biết mình sức yếu”. Là loài hoạt động, kiếm ăn ban ngày, thức ăn chính được biết đến chỉ là các những loài thằn lằn nhỏ lẩn trốn các thảm mục thực vật. Đôi khi chúng mò vào tận các ngôi nhà hoang hay những ngôi nhà nằm sát bìa rừng để bắt những con thạch sùng nhà  Hemidactylus. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có cơ hội nhìn thấy nó gồng mình thị uy một cách mạnh mẽ khi gặp kẻ yếu hơn mình.
 
Rắn cườm Chrysopelea ornata
 

7. Rắn lục mắt đỏ Trimeresurus stejneger
Chậm chạp, lặng lẽ trong bóng đêm mịt mùng các khu rừng thường xanh nhưng chỉ một cú đớp của loài rắn độc này cũng có thể giết chết bất cứ loài động vật nào lớn hơn nó gấp nhiều lần. Nọc độc của nó sẽ tấn công các tế bào trong cơ thể gây phù nề, hoại tử nếu không kịp chữa trị và nếu như bạn không hiểu về tập tình, cách tấn công của nó thì đừng có dại dột mà để ống kính chụp hình cách nó 2 m trừ khi bạn không muốn nhìn thấy mặt trời vào ngày hôm sau.
 
Rắn lục mắt đỏ Trimeresurus stejneger
 

8. Rắn hổ đất nâu Psammodynastes pulverulentus
Đầu hình tam giác rõ rệt và do đó loài hổ đất nâu này thường bị nhầm lẫn với các loài rắn có nọc độc khác, tuy nhiên nó là loài rắn hoàn toàn vô hại. Với một đường nổi chạy dài từ mắt đến mõm, mắt to, đồng tử đứng. Thân hình trụ, vảy trơn láng. Màu nền là nâu hay đỏ nhạt, phần bụng nâu nhạt hoặc hồng chúng rất dễ nhận diện trong tự nhiên tuy hoa văn thường hay biến đổi theo sinh cảnh sống cho phù hợp với việc săn mồi và lẩn trốn kẻ thù tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là thằn lằn và ếch và chúng săn mồi cả ngày lẫn đêm. Mỗi lứa đẻ từ 5 – 10 con, rắn con dài 15 - 1 8cm trông giống rắn trưởng thành. Loài này phân bố trên khắp vùng Đông nam châu Á sang Nepal, Đài Loan và Philippines.
 
Rắn hổ đất nâu Psammodynastes pulverulentus
 

9. Rắn hoa cỏ nhỏ Rhabdophis subminiatus
Rực rỡ sắc màu ở phần đầu và cổ không chỉ trang điểm thêm cho vẻ đẹp gợi tình của các chàng rắn được trong mùa giao phối nhằm thu hút bạn tình mà còn giúp nó đe dọa kẻ thù vì những màu sắc ‘chết chóc’ này. Có thể chúng vô hại với con người và một số loài động vật máu nóng khác nhưng chúng là ác mộng với các loài máu lạnh lưỡng cư trong các khu rừng. Loài này thường phân bố ở độ cao thấp và bóng đêm luôn đồng hành với nó trong việc tìm kiếm thức ăn và tìm bạn tình trong mùa giao phối. Mới đây các nhà khoa học phát hiện ra loài này có độc được tích lũy trong cơ thể khi chúng ăn những loài có độc.
 
Rắn hoa cỏ nhỏ Rhabdophis subminiatus
 

10. Rắn lệch đầu kinh tuyến Dinodon meridionale
Chiếc lưỡi thò ra, thụt vào của hầu hết các loài rắn không chỉ nhằm mục đích đe doạ kẻ thù mà còn giúp chúng đánh hơi được con mồi, cũng như thời tiết vì hầu hết các loài rắn đều là những kẻ cận thị nặng, nhất là trong đêm tối mịt mùng. và để tấn công con mồi hay tự về bản năng của loài rắn được di truyền bằng cách co mình lại và phóng nhanh, mạnh ra phía trước để đớp con mồi. Dinodon meridionale cũng vậy nó được xem là ông vua của tốc độ khi nó ‘xuất chiêu’ một cách khó lường.
 
Rắn lệch đầu kinh tuyến Dinodon meridionale
 

11. Rắn sọc quan Elaphe mandarina 
Tạo hóa đã ban tặng cho loài rắn sọc quan này một sắc màu và những hoa văn đẹp nhất trong họ hàng nhà rắn ở nước ta. Loài rắn không nọc độc này có đầu không phân biệt rõ với cổ. Lưng màu hồng điều, chính giữa cổ và lưng có một dãy hình quả trám mầu đen, ở giữa có vết màu vàng nằm ngang. Có một vết màu xám đen chạy ngang qua mõm, một vết thứ hai chạy ngang đỉnh đầu qua hai mắt, một vết thứ ba làm thành hình L ở gáy. Bụng màu vàng có những vết to màu xám đen nằm ngang so le với nhau. Sống ở trong rừng bên bờ suối hoặc trong bãi cỏ trên đồi, núi. ăn chủ yếu gặm nhấm, thằn lằn. Đẻ khoảng 5 - 10 trứng. Trứng thuôn dài có vỏ dai màu trắng. Vì màu sắc rực rỡ khiến chúng bị khai thác, săn bắt đến cạn kiệt phục vụ cho nhu cầu nuôi cảnh và xuất khẩu. Hiện nay loài này đã được đưa vào sách đỏ nhằm bảo vệ sự tồn tại của chúng trong hoang dã.
 
Rắn sọc quan Elaphe mandarina
 

12. Rắn hổ xiên mắt Pseudoxenodon macrops
Kẻ ngụy trang và lừa đảo nhất trong các loài rắn ở Việt Nam. Rắn hổ xiên mắt khi bị đe dọa, loài rắn vô hại này ngóc đầu, cổ lên và phình cổ nó ra để bắt chước dáng vẻ của rắn hổ mang bành Naja naja hù đoạ kẻ thù. Đầu rắn khác biệt; mắt to với đồng tử tròn. Thân hình trụ có vảy gồ lên. Có một vạch màu đen trên cổ hình chữ V và đỉnh ở về phía đầu. Đâu và thân màu nâu chuyển sang xám. Có những đốm tròn màu vàng nhạt hoặc đỏ nhạt dọc theo mép bụng và các đốm tròn đen hai bên thân. Rắn hổ xiên mắt thường sống ở trong rừng rậm gần các dòng suối và ở độ cao khoảng 150 đến 200m so với mực nước biển. Thức ăn chủ yếu của loài này là ếch, nhái. Mỗi lứa đẻ khoảng 10 trứng.
 
Rắn hổ xiên mắt Pseudoxenodon macrops
 
13. Rắn hai đầu Calamaria septentrionalis
Có phần đầu và phần đuôi rất giống nhau, hoa văn trên cơ thể của nó được tạo hoá trang điểm hết sức hài hoà đây chính là vũ khí tối thượng để thoát thân của loài rắn này. Khi bị kẻ thù tấn công chúng khó có thể phân biệt được đâu đầu và đâu là đuôi vào thời điểm bong đêm đã bao trùm trên các khu rừng nên cơ hội trốn thoát của chúng rất lớn. Loài này thường sống chui rúc dưới các thảm mục thực vật và thức ăn của chúng là  các loài côn trùng đất như kiến, mối non béo ngậy. Trong bóng đêm sự phản chiếu của các lớp vẩy màu bởi ảnh đèn flash càng làm nó nổi bật nhưng dưới ánh sáng ban ngày màu sắc của chúng chỉ là một xám xịt.
 
Rắn hai đầu Calamaria septentrionalis
 
14. Rắn lục jerdoni Protobothrops jerdonii
Những chiếc vảy màu vàng rực rỡ được xắp xếp rất chi tiết tạo thành những vòng hoa văn khép kín và nổi bật trên nền vảy đen nhánh. Loài rắn chậm chạp, lặng lẽ trong bóng đêm mịt mùng các khu rừng thường xanh núi cao nơi Nóc nhà của Việt Nam – Dãy núi Hoàng Liên Sơn. Nhưng chỉ một cú đớp của loài rắn độc này cũng có thể giết chết bất cứ loài động vật nào lớn hơn nó gấp nhiều lần. Nọc độc của nó sẽ tấn công các tế bào trong cơ thể gây phù nề, hoại tử nếu không kịp chữa trị và nếu như bạn không hiểu về tập tình, cách tấn công của nó thì đừng có dại dột mà để ống kính chụp hình cách nó 2 m trừ khi bạn không muốn nhìn thấy mặt trời vào ngày hôm sau.
 
Rắn lục jerdoni Protobothrops jerdonii
 

15. Rắn rồng đầu đen Sibynophis collaris
Lẩn trốn ‘tẩu vi thượng sách’ khi gặp kẻ thù là phương pháp hữu hiệu nhất của loài rắn nhỏ bé và nhút nhát này. Mặc dù là loài hoạt động, kiếm ăn ban ngày nhưng thức ăn của loài này được biết đến chỉ là các những con mối sữa béo ngậy trong các thảm mục thực vật. Đôi khi gặm những loài thằn lằnSphenomorphus nó cũng thị uy một cách mạnh mẽ mặc dù biết rằng sức mình có hạn. Đây là loài rắn khó có cơ hội được gặp trong tự nhiên đối với ngay cả những nhà nghiên cứu vì chúng ít khi thoát ra khỏi lớp thảm mục thực vật dày đặc trong các khu rừng thường xanh vì không muốn mình làm miếng mồi ngon cho kẻ khác.
 
Rắn rồng đầu đen Sibynophis collaris
 

16. Rắn dẻ Dryocalamus davisoni
Thoạt nhìn bạn rất dễ nhầm loài rắn chuyên leo cây này với loài rắn Cạp nia nam Bungarus candidus cực độc thường sống ở các thảm thực vật nhờ khả năng bắt trước tài tình đến từng chi tiết nhỏ của loài rắn được xem như vô hại này. Nhưng nếu không phải là chuyên gia về rắn bạn không được xem thường khi chưa biết chắc chúng có phải là Rắn dẻ Dryocalamus davisoni hay không trước khi có ý định chụp hình. Nơi thích hợp nhất cho nó kiếm ăn và lẩn trốn là những bọng cây khô bị bóp chết bởi loài Đa bóp cổ hay các cây si già lâu năm bên bờ suối.
 
Rắn dẻ Dryocalamus davisoni
 

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Bài Giáo Lý Về Kinh Tin Kính Của ĐTC Phanxicô: Công Việc Của Chúa Thánh Thần




Paul Phạm Xuân Khôi, VietCatholic - 16.5.2013;  “Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 15 tháng 5 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lwww.giaoly.org/vn/ghi-danhhoặc www.nhatinhtamlethithanh.org/ghidanhdhgl.html.
ý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Được biết Năm Đức Tin cũng là trọng tâm của Đại Hội Giáo Lý Việt Nam Toàn Quốc Hoa Kỳ lần thứ XII được tổ chức tại Baton Rouge, Louisiana từ ngày 21 đến 23 tháng 6, 2013. Muốn ghi danh tham dự Đại Hội hoặc muốn biết thêm chi tiết xin vào

* * *



Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn tập trung vào hành động mà Chúa Thánh Thần thực hiện trong việc hướng dẫn Hội Thánh và mỗi người chúng ta đến Chân Lý. Chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: Chúa Thánh Thần “sẽ dẫn các con đến toàn thể chân lý” (Ga 16:13), chính Ngài là “Thần Khí Chân Lý” (x. Ga 14:17; 15:26, 16:13).

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà trong đó người ta một phần nào hoài nghi về Chân Lý. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói nhiều lần về thuyết tương đối, tức là khuynh hướng tin rằng không có gì là chung quyết, và nghĩ rằng chân lý phát sinh từ sự đồng thuãn hoặc từ những gì chúng ta muốn. Câu hỏi được đặt ra là: thực sự có “chân lý” không? Chân lý là gì? Chúng ta có thể biết nó không? Chúng ta có thể tìm thấy nó không? Ở đây tôi nhớ đến câu hỏi của Thủ Hiến Phongxiô Philatô khi Chúa Giêsu tiết lộ cho ông ý nghĩa sâu xa của sứ mệnh của Người: “Chân lý là gì?” (Ga 18:37.38). Philatô không hiểu rằng “Chân lý’ đang ở trước mặt ông, ông không thể nhìn thấy trong Chúa Giêsu dung nhan của Chân Lý, là dung nhan của Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu chính là Chân Lý: Chân Lý “đã trở thành nhục thể”, trong thời viên mãn, (Ga 1,1.14), đã đến giữa chúng ta để chúng ta biết Chân Lý ấy. Không thể nắm bắt Chân Lý như nắm bắt một sự vật. Chân Lý phải được gặp gỡ. Nó không phải là một vật sở hữu, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị.

Nhưng ai sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là “Lời” Chân Lý, Con Một Đức Chúa Cha? Thánh Phaolô dạy rằng “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần” (1 Cor 12:3). Chính Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng làm cho chúng ta nhận ra Chân Lý. Chúa Giêsu gọi Ngài là “Đấng Bảo Trợ”, nghĩa là “một Đấng đến để giúp đỡ chúng ta”, Đấng đứng về phía chúng ta để nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình đến hiểu biết; và trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng Chúa Thánh Thần sẽ dạy các ông mọi sự và nhắc nhở các ông những điều mà Người đã nói (x. Ga 14:26).

Như thế hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta và trong đời sống Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta đến Chân Lý là gì? Trước hết, Ngài nhắc nhở và ghi khắc trong tâm hồn các tín hữu những lời mà Chúa Giêsu đã nói, và chính qua những lời này, Lề Luật của Thiên Chúa - như đã được các ngôn sứ của Cựu Ước công bố - được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và trở nên trong chúng ta một nguyên tắc để đánh giá những lựa chọn và hướng dẫn trong những hành động hàng ngày, nó trở nên một nguyên tắc của đời sống. Lời tiên tri cả thể của ngôn sứ Edêkiel được nên trọn: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi khỏi mọi ô uế và mọi ngẫu tượng của các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, và đặt trong các ngươi một tinh thần mới... Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta trong các ngươi, và làm cho các ngươi sống theo giới luật của Ta, và tuân giữ cùng thực hành các phán quyết của Ta” (36:25-27). Thực ra, các hành động của chúng ta được nảy sinh từ chính tận thâm tâm chúng ta: chính quả tim cần phải được hoán cải trở về với Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần biến đổi nó nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài.

Vậy, Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, hướng dẫn chúng ta “vào tất cả Chân Lý” (Ga 16:13); Ngài không những chỉ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, sự viên mãn của Chân Lý, mà còn hướng dẫn chúng ta “vào” Chân Lý, làm cho chúng ta đi vào sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa Giêsu, cho chúng ta hiểu biết về những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không thể đạt được điều này bằng sức riêng của mình. Nếu Thiên Chúa không soi sáng nội tâm chúng ta, việc làm Kitô hữu của chúng ta sẽ hời hợt. Truyền Thống của Hội Thánh khẳng định rằng Thần Chân Lý hoạt đông trong tâm hồn chúng ta bằng cách làm dậy lên “cảm thức đức tin” (sensus fidei) này, mà qua đó, như Công đồng Vaticanô II xác quyết, Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, gắn bó bền chặt với đức tin được truyền lại, và đào sâu nó bằng phán đoán đúng, cùng áp dụng nó cách trọn vẹn hơn trong đời sống (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12). Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, tôi có cầu xin Ngài ban cho tôi ánh sáng, làm cho tôi nhạy cảm hơn với những gì thuộc về Thiên Chú không? Đây là một kinh nguyện mà chúng ta cần phải đọc mỗi ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần xin làm cho tâm hồn con mở ra cho Lời Chúa, cho tâm hồn con mở ra cho sự thiện, cho tâm hồn con mở ra cho vẻ đẹp của Thiên Chúa mỗi ngày.” Tôi muốn đề ra một câu hỏi cho tất cả mọi người: có bao nhiêu người trong anh chị em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày? Có lẽ là ít người, nhưng chúng ta phải đáp ứng mong muốn này của Chúa Giêsu và cầu nguyện mỗi ngày cùng Chúa Thánh Thần, ngõ hầu Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta ra cho Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Maria là Đấng “đã giữ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19.51). Sự đón nhận những lời và những chân lý đức tin để chúng có thể trở nên sự sống, xảy ra và phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, chúng ta phải học từ Đức Mẹ Maria, sống lại lời “xin vâng” của Mẹ, hoàn toàn sẵn lòng đón nhận Con Thiên Chúa vào cuộc đời Mẹ, mà từ giây phút ấy cuộc đời Mẹ đã được biến đổi. Nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con đến ở với chúng ta; chúng ta sống trong Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Nhưng cuộc sống của Chúng ta có thực sự được sinh động hóa bởi Thiên Chúa không? Chúng ta đặt bao nhiêu điều lên trước Thiên Chúa?

Anh chị em thân mến, chúng ta cần phải để cho mình được tràn ngập bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để Ngài đưa chúng ta vào Chân Lý của Thiên Chúa, Đấng là Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta. Trong Năm Đức Tin này, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta đã đi những bước cụ thể nào để biết thêm về Đức Kitô và Chân Lý đức tin, qua việc đọc và suy niệm Thánh Kinh, học Giáo lý, và trung thành tiếp cận các Bí Tích. Nhưng đồng thời cũng hãy tự hỏi xem chúng ta đã đi những bước nào để làm cho đức tin hướng dẫn toàn thể cuộc đời chúng ta. Một người không thể là một Kitô hữu “bán thời gian”, ở những thời điểm nào đó, trong những hoàn cảnh nào đó, trong một số chọn lựa. Một người không thể là một Kitô hữu như thế. Một người là Kitô hữu trong mọi gây phút! Toàn diện! Chân lý của Đức Kitô, mà Chúa Thánh Thần dạy chúng ta và ban cho chúng ta, phải mãi mãi và hoàn toàn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài thường xuyên hơn, để Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường làm môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài mỗi ngày. Tôi đề nghị cùng anh chị em điều này: chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày, để Chúa Thánh Thần đem chúng ta đến gần Đức Chúa Giêsu Kitô hơn.

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

"NHỮNG ĐIỀU (NGAY CẢ) HARVARD CŨNG KHÔNG DẠY BẠN"



Một vụ cướp ngân hàng

Trong vụ cướp nhà băng một tên cướp hét lên: 
"Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về chúng mày!"

Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.

Điều này được gọi là: "Cách thức khai tâm - Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn"

Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên:
"Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!"

Điều này được gọi là "Hành xử chuyên nghiệp - Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!"

Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn (có bằng MBA) nói với tên cướp già hơn (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông):
"Đại ca, có phải đếm xem chúng ta cướp được bao nhiêu?".
Tên cướp già gằn giọng:
"Mày ngu lắm, bao nhiêu tiền, đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!"

Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn giấy tờ, sách vở"

Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài:
"Đợi đã, hay để 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số bị băng cướp lấy mất!"

> Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi"

Người giám đốc tự nhủ:
"Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!"

Điều này được gọi là: "Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất"

Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng rất giận dữ:
"Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó lãnh đạo chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!"

Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức thì giá trị như vàng"

KẾT LUẬN: Trong cuộc sống luôn có những điều chúng ta có thể nhanh chóng nhìn ra, có những điều không như chúng ta thấy từ bên ngoài, và chân lý chỉ mang tính tương đối.
Quan trọng nhất là thái độ đối với cuộc sống này, hay cách nhìn chúng ta lựa chọn để mang lại vui vẻ, hạnh phúc cho bản thân, cho những người thân xung quanh mình.

From: Hoa Nguyen <nguyenduchoa@hotmail.com>

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Tìm một biểu tượng mới về Chúa Thánh Thần


Đức Giáo Hoàng Phanxicô I & Chim bồ câu trắng, biểu tượng của Chúa Thánh Thần

“Gió muốn thổi đâu thì thổi. Không ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu.” (Ga 3,8) Chỉ một câu này thôi đã đủ để diễn tả tính chất huyền nhiệm trong hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không lạ gì khi Kinh Thánh nói về Chúa Thánh Thần bằng những hình ảnh và biểu tượng hơn là bằng những định nghĩa: hơi thở, khí, gió, lửa, nước, dầu xức…

Những hình ảnh và biểu tượng ấy được rút ra từ thiên nhiên và có sức diễn tả hết sức phong phú. Đáng tiếc là con người của thời đại kỹ thuật ngày càng xa dần thiên nhiên, và vì thế, cũng không cảm nhận được sự phong phú của những biểu tượng trên. Vậy thì với con người của thời đại kỹ thuật số, liệu có thể tìm thấy một biểu tượng nào giúp họ hiểu và cảm nhận được sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần?
Thật ngỡ ngàng và thích thú khi mới đây nghe một tác giả giới thiệu công cụ tìm kiếm sự hướng dẫn từ vệ tinh (Satellite navigation device - sat nav), và từ đó suy tư về Chúa Thánh Thần. Công cụ tìm kiếm này đón nhận những tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System - GPS) để nhận biết vị trí của mình trên trái đất. Khi sử dụng công cụ này, người lái xe nhìn thấy trên màn hình bản đồ hướng dẫn đường đi, đồng thời nghe được tiếng nói chỉ đường. Nếu người lái xe không làm theo chỉ dẫn, tiếng nói ấy cứ lặp đi lặp lại, tuy nhiên, không hề ép buộc mà chỉ nhắc nhở. Lạ hơn nữa là nếu người lái xe cứ tiếp tục đi theo con đường sai của mình, thì tiếng nói ấy lại tiếp tục chỉ dẫn một lộ trình khác để đi về đích. Điều duy nhất cần làm là mở máy, đợi một chút cho máy nóng lên, nhìn vào màn hình, nghe hướng dẫn, rồi tự mình quyết định theo hay không theo.

Chính công cụ kỹ thuật này là hình ảnh cụ thể giúp chúng ta hiểu về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống mình. Ngài là Thần chân lý và là Đấng ban sự sống. Ngài chỉ cho con người nẻo đường sự thật dẫn đến sự sống phong phú và trọn vẹn. Tiếng nói của Ngài vẫn vang vọng trong lòng người nhưng không bao giờ ép buộc. Kể cả khi chúng ta cố tình chọn nẻo đường lầm lạc, tiếng nói ấy lại tìm một cách thế khác để dẫn đưa ta về với sự thật và sự sống.

Đừng ngồi đó tự hỏi “Có Chúa Thánh Thần hay không?” nhưng hãy trở về trong thinh lặng và lắng nghe. Vì hoạt động của Chúa Thánh Thần được ví như gió thổi - gió nhẹ nhàng mà mãnh liệt - nên bạn cần lắng nghe để nhận ra sự hiện diện và tiếng nói của Ngài. Bạn chỉ cần nhấn vào địa chỉ NƯỚC TRỜI, thầm thĩ cầu nguyện “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” và lắng nghe. Tiếng nói ấy sẽ chỉ đường cho bạn đến sự sống viên mãn của Nước Trời.

Trong hành trình rong ruổi, cũng như người lái xe đường trường, bạn cần tỉnh thức và kiên nhẫn. Nóng vội chỉ dẫn đến tai nạn khôn lường. Sách Công vụ kể về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, họ yêu thương và hiệp nhất với nhau đến độ san sẻ của cải cho nhau. Thế nhưng ngay sau đó, sách Công vụ cũng không giấu giếm những thói xấu trong cộng đoàn: gian dối, lừa đảo. Thế nên không chỉ đón nhận Thánh Thần một lần là đủ, nhưng cần kiên nhẫn lắng nghe và hành động theo sự chỉ dẫn của Ngài trong từng giây phút, người tín hữu mới vững bước trong ánh sáng của sự thật và sự sống. 
 
HTT
Nguồn: WHĐ

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Thần Linh nối kết trời đất



Có ai đó nói rằng: “Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách”. Nhưng nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người. Ngài hiện diện giữa con người. Ngài trở nên gần gũi với con người. Nhờ Thánh Linh mà con người có thể tiếp xúc với Thiên Chúa một cách thân tình, gần gũi trong tình cha con. 
 
Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh, nhờ Thần Khí Chúa mà thế gian hết u minh; bóng tối bị đẩy lùi. Thiên Chúa đã viếng thăm trái đất và ở lại cùng trái đất. Thần Linh Chúa đã làm nên sức sống cho địa cầu. Thần Linh Chúa bay lượn trong cõi u minh và nhờ đó mà mọi loài được đi vào trật tự, vào quy trình của sự sống, và Thiên Chúa đã và đang hoạt động trên mọi loài Ngài đã dựng nên nhờ Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa.

 
Qua Tân ước, cũng nhờ quyền năng của Thánh Linh mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Từ nay, Thiên Chúa trở nên con người giống như con người. Thiên Chúa lưu lại nơi con người qua thân xác con người. Thiên Chúa trở thành Emanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người, khi Ngài dấn thân phục vụ mọi người, khi Ngài ban phát ơn lành đến cho mọi người. Nhờ Thánh Linh mà con người nhận lãnh được biết bao ơn huệ của Thiên Chúa ban xuống cho con người. Cũng chính nhờ Thánh Linh đã phục sinh Đức Kitô từ cõi chết sống lại. Nhờ Thánh Linh mà Đức Kitô đã vinh thăng khải hoàn về trời.
 
Ở thời đại này, người ta tin ở tài năng của con người, ở kỹ thuật của con người, ở tiền vàng đô la hơn là tin ở quyền năng vô biên của Chúa Thánh Linh. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn tin rằng: sự hình thành và phát triển của mình là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Thử hỏi, sau khi Đức Kitô về trời, Hội Thánh tiên khởi vỏn vẹn chỉ có 12 tông đồ, với hai bàn tay trắng và một số vốn kiến thức không đáng gì, nhưng các ông đã ra đi trong lòng tin vào Chúa Thánh Linh. Thế mà chưa đầy 30 năm sau, Tin Mừng đã đi đến tận cùng trái đất khởi đầu từ Giêrusalem - dọc Địa Trung Hải - lan toả khắp Châu Âu... Dù rằng nhân sự không được đào tạo như hôm nay, để trở thành một linh mục cũng mất hơn 10 năm, Thế nhưng, ngày đó, “trong mỗi Hội Thánh, các ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, các ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin” (Cv 14,23), vì các Tông đồ tin rằng chính Thiên Chúa đã mở cửa đức tin cho dân ngoại chứ không phải các ngài. Chính Chúa Thánh Linh đào tạo con người tông đồ và sai đi.
 
Là người Kitô hữu chúng ta phải tin vào sự hiện diện của Thánh Linh đã làm nên Hội Thánh. Một Hội Thánh kiên vững giữa thế gian đầy gian ác luôn muốn loại trừ Hội Thánh. Một Hội Thánh tinh tuyền dù rằng sống giữa thế gian đầy bóng tối của dâm ô, sa đoạ. Chúa Thánh Linh đã được ban xuống cho các Tông đồ qua Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu Phục Sinh đã “thổi hơi trên các Tông đồ, ban Thánh Thần và bình an”. Và nhờ Thánh Thần liên kết họ lại với nhau trong một Giáo hội Công giáo - Duy nhất - Thánh thiện và Tông truyền. Nhờ Chúa Thánh Linh mà Giáo Hội đã quy tụ muôn dân gồm đủ mọi sắc tộc, màu da thành một cộng đoàn những người tin theo Chúa Kitô và cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
 
Như thế, sứ mạng của Chúa Thánh linh là nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nhờ Thánh Linh mà con người được dìm mình trong lòng thương xót của Chúa. Nhờ Thánh Linh mà con người được sống sung mãn trong nguồn ân thánh của Thiên Chúa. Cũng nhờ Thánh Linh mà con người trở nên một gia đình của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau và cùng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh đó, hoa trái của Thần Khí chính là “yêu mến, vui mừng, bình an, quảng đại, tốt lành, lương thiện, tín trực…”. Kitô hữu nào đón nhận Thánh Thần Chúa Kitô, thì có khả năng thông ban sự vui mừng, bình an của ơn cứu độ sang người khác. Vì thế, nơi nào có Thần Khí Chúa Kitô Phục Sinh, thì nơi đó có yêu mến, vui mừng và bình an. Nơi nào không có Thần Khí Đức Kitô, thì nơi đó chỉ có xôn xao, gay gắt, ganh tị, dè chừng lẫn nhau và mất bình an vô tận.
 
Thế nên, là người Kitô hữu chúng ta phải được lãnh nhận Chúa Thánh Linh. Nhờ Thánh Linh mà ta có thể đón nhận Đức Kitô và trở nên sứ giả hoà bình của Đức Kitô. Ước gì chúng ta biết nhận ra hồng ân của Chúa Thánh Linh để luôn dâng lời tạ ơn Chúa, đồng thời biết sống theo sự dẫn dắt của Thánh Linh mà bước theo chân lý vẹn tuyền để trở thành một sứ giả của bình an, hoan lạc cho thế gian.
 
Nguyện xin Chúa Thánh Linh ngự đến tràn đầy trong tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con thần trí của Chúa để chúng con luôn biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian mau qua. Xin cho chúng con luôn tràn đầy Chúa Thánh Linh để chúng con hân hoan ra đi gieo rắc niềm vui và bình an đến cho muôn người. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hơn 800 Hiển Thánh



VATICAN - Sáng Chúa Nhật 12-5-2013, ĐTC Phanxicô đã ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội hơn 800 vị Hiển Thánh mới. Đây là Lễ Tôn phong Hiển Thánh đầu tiên trong triều đại của Đức Phanxicô.

- Đứng đầu là Thánh Antonio Primaldo và 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ giết hại cách đây hơn 530 năm vì không chịu bỏ đức tin Công giáo để theo Hồi giáo.
Hồi đó, quân Ottoman của Thổ Nhĩ kỳ hùng hậu vây hãm thành Otranto và chiếm được thành vào ngày 11-8-1480. Nhiều người bị giết chết và 3 ngày sau đó viên chỉ huy ra lệnh tảo thanh càn quét tất cả những người còn sống sót trong thành Otranto, những người nam từ 15 tuổi trở lên. Tổng cộng có 800 người bị bắt. Họ bị đặt trước hai lựa chọn: một là bỏ đạo Kitô để theo Hồi giáo, hay là chịu chém đầu. Cụ già Antonio Pezzulla, cũng gọi là Primaldo, làm nghề thợ may, thay mặt tất cả mọi người trả lời: "Chúng tôi tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và vì Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi sẵn sàng chịu chết. Cho đến nay chúng tôi đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc và cứu vãn tài sản cũng như mạng sống của chúng tôi; giờ đây chúng tôi cần chiến đấu cho Chúa Giêsu Kitô, để cứu vãn thiện ích và linh hồn của chúng tôi."

Thế là các tù nhân bị chia thành từng nhóm 50 người và dẫn lên đồi Minerva ở ven thành, nay được gọi là "Đồi các vị Tử đạo”. Tại đây tất cả đều bị chém đầu, trước sự hiện diện của những người thân thích họ hàng. Lịch sử còn ghi lại rằng trong cuộc tàn sát các vị tử đạo, một người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Bersabei đã trở lại đạo khi chứng kiến lòng can đảm của những người thành Otranto chịu chết vì đức tin. Cả ông Bersabei cũng chịu tử đạo do tay của các bạn đồng ngũ.

- Đứng thứ hai trong danh sách là nữ chân phước là Laura Thánh nữ Catarina Siena Montoya, người Colombia, sáng lập dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, và Thánh nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi.

Khi được 35 tuổi, chị Laura, được mẹ tháp tùng, đã cùng với 4 nữ thừa sai giáo lý viên cho thổ dân rời bỏ thành Medellín để đi tới Dabeiba hẻo lánh vào ngày 5-5-1914, thi hành công tác giáo dục và giảng dạy giáo lý cho các thổ dân thuộc bộ lạc Cuna.

Mặc dù bị bệnh và phải ngồi xe lăn trong 9 năm cuối đời, Mẹ Laura Thánh nữ Catarina tiếp tục hướng dẫn và linh hoạt hội dòng. Mẹ qua đời năm 1949. Lúc đó dòng đã được 500 nữ tu và khoảng 100 tập sinh, phục vụ 22 sắc tộc thổ dân khác nhau. Về sau số nữ tu gia tăng quá gấp tội và hiện nay dòng có 850 nữ tu hoạt động tại 21 quốc gia, phần lớn tại châu Mỹ Latinh, nhưng cũng có tại hai nước Phi châu và Âu châu như Italia và Tây Ban Nha.

- Sau cùng là nữ Chân phước Maria Guadalupe García Zavala, người Mexico, đồng sáng lập dòng các Nữ tỳ thánh Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo, qua đời năm 1963, thọ 85 tuổi.

Thánh nữ quen gọi là Lupita, sinh trong trong một gia đình thân phụ là một thương gia. Vốn là một thiếu nữ đẹp và dễ thương, đính hôn năm 23 tuổi, nhưng rồi Lupita cảm thấy tiếng gọi dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì, đặc biệt quan tâm đến những người bệnh tật và nghèo khổ. Với sự trợ giúp của cha linh hướng, chị Lupita thành lập dòng "Nữ tỳ Thánh nữ Margarita Maria và người nghèo".


Chị Lupita rất quan tâm đến các bệnh nhân và thường dạy các nữ tu "hãy săn sóc người bệnh như săn sóc chính Chúa Kitô". Mẹ cũng là một phụ nữ tốt lành, khiêm tốn và có lòng kính mến Thiên Chúa hết lòng, và tôn sùng Thánh Tâm và Thánh Thể Chúa.

Trong thời bách hại tại Mexico, Mẹ Lupita cùng với một số nữ tu đã liều mạng giấu kín trong nhà thương một số linh mục và cả Đức cha Francisco Orozco y Jimenez, TGM Giáo phận Guadalajara là giáo phận lớn thứ hai tại Mexico. Lúc sinh thời, Mẹ Lupita đã thành lập 11 cơ sở của dòng tại Mexico, và sau khi Mẹ qua đời, dòng tiếp tục phát triển và hiện nay Dòng các Nữ tỳ Thánh nữ Margarita và người nghèo có 22 cơ sở tại Mexico, Pêru, đảo Iceland, Hy Lạp và Italia.

Mẹ Lupita là phụ nữ thứ hai người Mexico được phong hiển thánh.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Sức Mạnh Từ Trời Cao - CN VII PS - LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

http://cuantunguyg.blogspot.com/2013/05/suc-manh-tu-troi-cao-cn-vii-ps-le-chua.html

Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm C (12-05-2013)
Sức Mạnh Từ Trời Cao


 X Lời Chúa: (Lc 24,46-53)
Khi ấy, Ðức Giêsu hiện ra với các môn đệ và bảo: 46 "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, 47 và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân của những điều này.
49 "Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống".
50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. 52Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.


 X Suy Niệm
Ðức Giêsu được đưa về trời khiến cả nhân loại hoan hỷ.
Con Thiên Chúa làm người, long đong với phận người,
nếm cái nghèo đói, nhọc nhằn, nếm nỗi khổ đau, cay đắng.
Cuộc đời Ngài tưởng như là một thất bại ê chề.
nhưng rồi Ngài đã được phục sinh, đã hiện ra,
và được khải hoàn đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Ngài từ Cha mà đến và lại trở về với Cha.
Sứ mạng Cha giao, tuy khó khăn, nhưng Ngài đã hoàn tất.
Ta cần chiêm ngắm giây phút Ngài được siêu thăng.
Ngài giơ tay chúc lành cho các môn đệ như vị thượng tế.
Ngài về trời trong tư thế đang chúc lành.
Chúc lành cho trái đất mà Ngài đã sống.
Chúc lành cho mọi người là người như Ngài.
Hôm nay chúng ta vui vì biết mình có người Anh trưởng
đã được nâng lên đến tột đỉnh vinh quang thần linh.
Con người đầu tiên với tất cả nhân tính như ta
đã được siêu tôn trên trời, dưới đất và nơi âm phủ.
Sự thành công của Ðức Giêsu là niềm hy vọng cho ta.
Cùng đi với Ngài trên con đường cheo leo ấy,
Chúng ta tin mình sẽ đến nơi mà Ngài đã đến.


Ðức Giêsu về trời sau khi hoàn thành sứ vụ dưới đất.
Ngài muốn ta trưởng thành và gánh lấy trách nhiệm.
Bước chân Ngài mới chỉ đi hết xứ Palestina bé nhỏ.
Còn cả một thế giới mênh mông ngút ngàn.
Còn bao dân tộc xa gần chưa hề nghe rao giảng.
Ngài muốn ta làm chứng nhân của Ngài đến tận thế.
Thiên thần bảo chúng ta không được khoanh tay nhìn trời,
vì còn quá nhiều việc phải làm trước mắt.
Chúng ta phải nhiệt tình xây dựng quê hương này
huynh đệ hơn, công bằng hơn, bác ái hơn, văn minh hơn,
để nó xứng đáng đón ngày Ngài trở lại.
Chúng ta không được khoanh tay nhìn trời,
nhưng lòng chúng ta lại phải thường xuyên hướng lên trời.
Xây dựng trái đất mà không hướng lòng về trời,
thì sẽ không tìm được câu trả lời tối ưu.
Chúng ta cần sức mạnh từ trên cao của Thánh Thần
để giải quyết những vấn đề chằng chịt của trái đất:
ma túy, trụy lạc, tham nhũng, ô nhiễm, nghèo đói
và nhất là vấn đề xây dựng con người.


Khoa học kỹ thuật tiến bộ làm cuộc sống nhẹ nhàng
nhưng cũng thường làm con người thêm nặng nề.
Con người như bị dính vào những sản phẩm mình tạo ra,
bị nô lệ cho những nhu cầu không có thực.
Trái đất này vẫn có sức thu hút ghê gớm
khiến ta muốn chọn nó làm quê hương vĩnh hằng,
và quên rằng quê thật của ta ở trên trời cao (Pl 3,20).
"Hãy tìm kiếm những điều trên cao" (Cl 3,1).
Ðừng dập tắt nỗi khát khao những điều cao cả.
Ước gì Chúa Giêsu, Ðấng được đưa lên cao,
kéo ta lên khỏi cái tầm thường ô trọc mỗi ngày.


 X Gợi Ý Chia Sẻ
Tiền bạc, tiếng tăm, khoái lạc làm người ta nặng nề. Còn bạn, bạn thấy mình nặng nề vì điều gì? Có cách nào thoát được không?
Ðời sống là một nỗ lực "bay lên cao" khỏi sức kéo xuống của vật chất và của cái tôi trì trệ. Có khi nào bạn được nhẹ nhàng mà bay lên khỏi sức kéo đó không?


 X Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.


Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Nguồn: Tập Manna C của Lm. An Tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ