Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

6-8: MỪNG LỄ CHÚA HIỂN DUNG - SUY NIỆM


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô 9: 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM LỜI CHÚA


Có lẽ nếu ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan hiểu được ý nghĩa qua cuộc hiển dung của Thầy mình, thì các ông đã không giữ thắc mắc trong lòng mãi đến sau này: "Từ trong kẻ chết sống lại nghĩa là gì?" Cái ý nghĩa hiển dung hay biến hình (tức biểu lộ bản thính Thiên Chúa của Chúa Giêsu) hoàn tất việc từ kẻ chết sống lại, và rất giống với sự biểu lộ bản tính Thiên Chúa trong bản tính nhân loại mà Chúa Giêsu tỏ ra cho ba tông đồ chiêm ngắm. Và điều gì đã xảy ra, hay đúng hơn đã biến đổi các tông đồ?

Đây là tất cả ước muốn tột đỉnh của các tâm hồn ngất ngây trong Chúa: "Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều . . ." Tuy nhiên điều các ông nói chỉ đúng với thực trạng giới hạn trong thân phận nhân loại, đúng như Thánh Kinh xác định sau đó: Các ông nói mà chẳng biết mình đang nói gì! Bởi vì ở đây là ở đâu? Và cũng bởi vì chỉ trong chốc lát, các ông đã không còn nhìn thấy vinh quang sáng láng ấy nữa, nhưng đã trở về với trạng thái ban đầu "từ trong kẻ chết". Các ông đã "ở đây" ngay từ giây phút Chúa Giêsu gọi các ông theo Ngài, nhưng các ông đã không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa trong Ngài cho đến khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại.

Nhưng dù có nói những điều xem ra "ngớ ngẩn" đi nữa, thì chính ba tông đồ hiện diện trong cuộc hiển dung của Chúa Giêsu lại biểu lộ hành trình đức tin quí giá cho chung ta trong cuộc biến đổi cuộc đời "từ trong kẻ chết sống lại". Điểm thứ nhất biểu lộ thực tại thân phận con người giới hạn và yếu đuối trong chúng ta, đó là dù đã học biết và tin tưởng vào Chúa Giêsu, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự cảm nghiệm được bản tính Thiên Chúa của Ngài hiện thân trong bản tính nhân loại của mình. Nói cách khác, chúng ta đang có Ngài trong thân phận mình và trong thế giới này, nhưng vẫn ước vọng và cầu xin Ngài "ở đây" qua nhưng điều mình mộng ước theo nhu cầu và ý riêng mình. Và điều này cũng xác định chặng đường quan trọng của đức tin: chặng đường đêm tối đức tin trong cuộc đời. Chặng đường này dài lắm, sẽ kêu chúng ta luôn cần phải tiếp xúc với Chúa Giêsu để sống trong cuộc hiển dung với Ngài hằng ngày.

Điểm thứ hai chúng ta học được từ ba tông đồ trong cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, là chính Chúa biến đổi toàn diện cuộc sống con người một cách tự động và tuyệt đối khi họ tiếp xúc với Ngài. Ba tông đồ mới chỉ tham dự vào cuộc hiển dung như những người chiêm ngưỡng, thì mắt các ông đã nhìn các thực tại về Chúa Giêsu và sự vật chung quanh hoàn toàn khác hẳn: Lạy Thầy ở đây thì tốt lắm. Tốt bởi vì quá sáng láng, vinh quang và thỏa mãn tất cả, không còn thèm khát bất cứ sự gì nơi trần thế nữa. Chính điều này xác định một thực tế biến đổi tâm hồn xảy ra nơi vô số các vị thánh nhân và những người tội lỗi; hoặc xảy ra cho bất cứ ai đang mong muốn gặp Chúa và để Chúa hành động hoàn toàn trong tâm hồn họ. Đây cũng là khía cạnh tin tưởng tuyệt đối của đức tin trên hành trình đức tin cuộc sống con người.

Và điểm thứ ba biểu lộ trong cuộc hiển dung của Chúa Giêsu cho ba tông đồ: Đó là cái thực tại "từ trong kẻ chết" sẽ kéo dài hết đời ta cho đến khi "sống lại". Sự hiển dung của Chúa Giêsu chỉ thực hiện được trong bản tính nhân loại mà thôi. Nếu không có bản tính nhân loại, thì Ngài đâu cần hiển dung; vả lại các tông đồ cũng sẽ không bao giờ được diễm phúc thấy cảnh huy hoàng ấy. Môsê trong cựu ước đã chứng kiến "ánh lửa" tượng trựng sự hiện diện của Thiên Chúa, mà mặt ông đã tràn đầy ánh sáng, bởi trong thực tế, thân phận con người giới hạn và hay chết không thể nhìn thấy Thiên Chúa vô cùng toàn năng được, phải chờ cho đến khi sống lại mới có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Người. Do đó, tình trạng Thiên Chúa hiển dung trong bản tính nhân loại của chúng ta giống như tình trạng luôn bị che dấu qua các dấu chỉ thời đại, tức dấu chỉ của chính sự sống và các biến cố cuộc đời, nhất là qua các dấu chỉ của sự đau khổ tượng trưng cho tình trạng "từ trong kẻ chết", một sự tiềm ẩn của vinh quang sự sống. Và trong tình trạng tiềm ẩn vinh quang này, chúng ta sẽ có dịp đóng góp phần mình vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng đã dùng sự chết trong thân phận con người để biểu lộ sự phục sinh và lên trời vinh hiển, như con đường cứu chuộc nhân loại và là mẫu mực cho từng thân phận con người. 



Quả thực cuộc hiển dung của Chúa Giêsu chứa đựng tất cả hành trình đức tin được biểu lộ trong cuộc sống. Chúng ta có thể nhìn vào đó để bước đi từng ngày mà không sợ lạc lõng, nhất là trong các biến cố cuộc sống tiềm ẩn chặng đường đêm tối đức tin, bởi vì biết chắc chắn mình sẽ được từ trong kẻ chết sống lại cùng với Chúa Giêsu trên nước hằng sống.

http://www.cuocdoidanghien.com/index.php?option=com_content&view=article&id=884&lang=vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét