Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

THIÊN ĐÀNG - HỎA NGỤC - ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên - LỄ CÁC THÁNH 1.11

Tháng Mười Một dương lịch khởi đầu bằng hai ngày lễ nối tiếp nhau: ngày mồng một, chúng ta hân hoan vui mừng chiêm ngưỡng cộng đoàn đông đảo các thánh nam nữ trên trời. Trong số này, trước hết phải kể đến Đức Trinh nữ Maria, “Nữ vương các thánh”, rồi Thánh Giuse, các thánh Tông đồ và các thánh nam nữ trải qua suốt bề dày của lịch sử cứu độ. Các ngài đã không ngừng cố gắng và hy sinh để diễn tả sự thánh thiện ngàn đời của Thiên Chúa. Cùng với các thánh đã được tôn phong, trong cộng đoàn các thánh được kính nhớ còn có ông bà, cha mẹ và anh chị em chúng ta, là những người khi còn sống đã yêu mến và phụng thờ Chúa và nay được hưởng phúc Thiên đàng.
Ngày kế tiếp, mồng hai tháng Mười Một, Phụng vụ mời gọi chúng ta cảm thông và cầu nguyện cho các tín hữu còn bị giam cầm nơi Luyện ngục. Họ là những người còn vướng mắc nhiều hậu quả của tội và đang được tinh luyện chờ ngày xứng đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Những người nào cho đến chết mà dứt khoát từ chối lòng thương xót của Chúa và cố tình thù ghét tha nhân thì hậu quả cuộc đời họ sẽ là Hỏa ngục. Đây là tình trạng khổ đau vĩnh viễn, vắng bóng Thiên Chúa, không có tình thương. Chúa Giêsu đã diễn tả Hỏa ngục là nơi đau khổ, những kẻ bị giam cầm sẽ khóc lóc nghiến răng và chịu lửa thiêu không hề tắt.
Hai ngày lễ đều được cử hành để nhớ tới những người đã khuất, nhưng ngày thứ nhất cử hành trong hân hoan chiến thắng, ngày thứ hai được nhớ tới với niềm thương cảm xót xa. Một ngày lễ mừng những người lữ hành đã đến đích, còn ngày kia tưởng nhớ những ai còn đang phải đọa đày. Cũng một kiếp người, có người được phúc diện kiến Chúa, có người phải trải qua khổ đau chờ ngày được thanh luyện, thậm chí có người phải giam trong Hỏa ngục đời đời. Trong truyền thống Công giáo, Thiên đàng và Hỏa ngục là hai trong “Bốn sự sau” các tín hữu thường xuyên suy gẫm, tức là Sự chết, Phán xét, Thiên đàng và Hỏa ngục. Năng suy gẫm “Bốn sự sau” của đời người sẽ giúp ta sống tốt lành hơn.
Sinh ra trên trần gian, ai cũng được hướng tới hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng thất bại hay thành công, một phần lớn do sự chọn lựa của mình. Chúa không bắt ép ai phải nên thánh. Ngài không tạo dựng con người giống như một khuôn đúc sản xuất dây chuyền, nhưng như những chủ thể tự do, có khả năng chấp nhận hay từ chối, kể cả phủ nhận Chúa. Nhân sinh quan Kitô giáo diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người là mối tình Cha - Con. Thiên Chúa yêu con người như người cha người mẹ yêu thương đứa con chính mình đã sinh ra. Dù đứa con ấy có khiếm khuyết bất toàn thế nào đi nữa, cha mẹ không nỡ từ bỏ con mình. Tình yêu thương của cha mẹ luôn đồng hành theo sát con cái, kể cả khi chúng đã khôn lớn, hay khi chúng bất hiếu phản nghịch. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa mong muốn cho con người được hạnh phúc. Hạnh phúc nơi con người còn diễn tả vinh quang của Thiên Chúa, như Thánh Irênê đã viết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”. Hạnh phúc Thiên đàng là phần thưởng bất diệt Thiên Chúa ban cho những ai suốt đời thành tâm yêu mến Ngài.
Thiên đàng và Hỏa ngục là hai kết cục cuối cùng của thân phận con người. Người ta không sống mãi ở trần gian. Cuộc sống đời này, dù sang hèn đến mấy cũng có thời có buổi. Sau khi kết thúc cuộc đời trần thế, Thiên đàng hoặc Hỏa ngục chính là hai đích điểm tương ứng với hạnh kiểm của con người khi họ sống nơi dương gian. “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, “Gieo gió gặt bão”, Ông Bà ta đã dạy thế và lời dạy này rất phù hợp với giáo huấn của Chúa. Người công chính sẽ được hạnh phúc Thiên đàng, kẻ bất lương sẽ lãnh chịu Hỏa ngục.
Thiên đàng và Hỏa ngục không phải là do Thiên Chúa định trước. Đừng gán cho Thiên Chúa là tác giả và nguyên nhân của sự ác. Thiên Chúa là vị Trọng tài khôn ngoan và công bằng. Người trả cho chúng ta xứng với những điều chúng ta đã làm. Thiên Chúa cũng là vị Thẩm phán đầy lòng nhân hậu bao dung. Vì thế, không bao giờ là quá muộn đối với những tội nhân biết thành tâm sám hối và quay đầu trở lại. Người cha nhân hậu trong Tin Mừng (x. Lc 15, 11-32), mặc dầu đau buồn về sự ra đi của đứa con, nhưng vẫn mòn mỏi trông đợi nó trở về. Ông chuẩn bị sẵn, để khi nào nó trở về thì làm tiệc thết đãi hàng xóm. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng thương xót từ bi và sẵn sàng tha thứ, nếu chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình và hối cải. Có thể nói, khi sống ở đời này, chính chúng ta đang chọn lựa cho mình hạnh phúc Thiên đàng hay trầm luân Hỏa ngục.
Thiên đàng hay Hỏa ngục, không phải đến lúc kết thúc cuộc đời ta mới nhận thấy. Ngay trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng có thể nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng hay bị nghiền nát do hình phạt Hỏa ngục. Khi đối xử với nhau chân thành ngay thẳng, trái tim chúng ta có Thiên đàng ngự trị; khi sống mưu mô lường gạt người khác, trái tim chúng ta có Hỏa ngục đọa đày. Trái tim có Thiên đàng tràn đầy niềm vui; Trái tim mang Hỏa ngục chất chứa hận thù. Thiên đàng là nơi có Chúa; Hỏa ngục là nơi vắng bóng Ngài. Đâu có Chúa, ở đó có niềm vui và hạnh phúc; Đâu vắng bóng Ngài, là đau khổ ngục tù. Có những gia đình đang tồn tại trên thế gian mà đã bị so sánh như hỏa ngục, vì ở đó chỉ có sự chia rẽ và hận thù. Có những cộng đoàn Đức tin, thay vì làm chứng cho sự hiện diện hồng phúc của Thiên Chúa, lại trở thành Hỏa ngục vì tồn tại những bè phái xung đột tranh chấp khôn nguôi.
Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành những người xây dựng Thiên đàng ngay tại thế gian này. Quả vậy, nếu Thiên đàng là nơi có Chúa ngự, thì mỗi khi chúng ta đem Chúa đến nơi nào, thì nơi ấy có Thiên đàng. Nếu Thiên đàng là nơi ngày đêm vang lên lời tôn vinh cảm tạ Chúa, thì mỗi khi giúp cho một người biết tôn vinh cảm tạ Chúa là chúng ta mang Thiên đàng đến với họ. Nếu Thiên đàng là nơi phản ánh vinh quang vĩnh cửu của Chúa, thì mỗi khi làm cho ánh sáng Tin Mừng và sự thánh thiện phản chiếu qua cách sống của chúng ta, là chúng ta làm cho Thiên đàng hiện diện trên trần gian. Tiếc thay, có những người không xây dựng Thiên đàng mà lại đi gieo rắc hỏa ngục; thay vì nối kết con người trong tình liên đới yêu thương, lại đi xây những bức tường ngăn cách. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”, tức là xin Chúa cho Thiên đàng được khởi đầu ở trần thế này. “Nước Chúa” là vương quốc của yêu thương, hòa bình, lòng nhân hậu bao dung và quảng đại. Ai xây dựng hòa bình và lòng nhân ái là xây dựng Nước Chúa.
Nên thánh hay trở thành ma quỷ, hạnh phúc Thiên đàng hay hình phạt Hỏa ngục, đó chính là chọn lựa của chúng ta. Có thể chúng ta sẽ nói: điều đó khó quá, sao tôi có thể làm được. Chúa Giêsu trấn an chúng ta: đối với con người thì như vậy, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, miễn là chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn phù trợ của Ngài (x. Mt 19,26).
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định với chúng ta: ai cũng có thể nên thánh. Ngài viết: “Sự thánh thiện là điều có thể đối với hết mọi người, mọi tuổi tác cũng như mọi hoàn cảnh, vì mỗi chúng ta đều lãnh nhận ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận một ơn huệ là sự thánh thiện, và hãy cố gắng sống những đòi hỏi của ơn đó. Chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa biến đổi do tác động của Chúa Thánh Thần, và làm cho chúng ta nên giống thánh ý Ngài. Theo bước các thánh, mỗi chúng ta hãy trở nên một phần nhỏ trong bức tranh ghép diễn tả sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã tạo nên trong lịch sử” (Zenit 13-4-2011).
(Nguồn: WHĐ)
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20151030/32600
---------------------------------------
TÌM HIỂU LỄ CÁC THÁNH NAM NỮNgày 1/11
All-Saints.jpg

Trước hết đây là lễ các Thánh tử đạo. Vào đầu thế kỷ V, Đức giáo hoàng Bonifaciô IV đã nhận từ tay hoàng đế một đền thờ ngoại giáo, đền Panthéon. Được dựng để tôn vinh các thần. Ngài đã biến thành đền thờ dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh tử đạo. Xác các thánh an nghỉ trong các hang toại đạo được chuyển về nhà thờ trong một cuộc lễ huy hoàng. Mỗi năm các tu viện đều nhắc lại kỷ niệm này. 

400 năm sau, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IV quyết định rằng việc tôn kính long trọng này phải hướng về các thánh nam nữ đã được tôn phong hay chưa được biết đến vì không có sự đặc biệt nào của các Ngài chói sáng trên trần thế, nhưng ý chí và việc làm lành thánh của các Ngài được Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng biết đến. 

Trong thánh lễ hôm nay, Phúc âm kể ra những người chiếm hữu được hạnh phúc chân thật, những người có tinh thần nghèo khó hiền lành biết thương xót, có lòng trong sạch ăn ở thuận hòa, sẵn sàng bách hại vì sự công chính. Tất cả đều vui sướng vì phần thưởng bội hậu chờ đón họ trên trời. Lễ các thánh là lễ của người muốn nên lành thánh. 


* LỊCH SỬ 

Lễ các thánh nam nữ đã có từ thế kỷ thứ IV. Thánh Ephraim người Syrie và thánh Gioan Kim Khẩu đều biết đến một ngày lễ mừng các thánh tử đạo vào ngày 13.5 hằng năm. hay rõ hơn là Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này vẫn còn trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp và được gọi là Chúa nhật chư thánh. 

Trong Giáo Hội Tây Phương cũng có một thánh lễ từ thế kỷ thứ VII, lễ toàn thể các thánh tử đạo mừng vào ngày 13.5. Đó là ngày lễ thánh hiến đền Panthéon của Rôma, để Kính Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh tử đạo vào ngày 13.5.609. 

Lễ chư thánh (toàn thể các thánh, chứ không dành riêng cho các thánh tử đạo) được mừng vào ngày 1.11 hằng năm, chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII do các thầy Dòng Irland, và Anh Quốc, khi sang truyền giáo ở Âu Châu đã đem theo và trong thời gian ngắn đã phổ biến rộng khắp Âu Châu.  

(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
http://conggiao.info/news/2301/19506/cac-thanh-nam-nu.aspx
--------------------------------------------------------
SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 1/11

TIN MỪNG : Mt 5, 1-12a

          1 Một hôm, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2Người mở miệng dạy họ rằng:3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.  5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.7Phúc thay ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.  8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12a Anh em hãy vui mừng hớn hở,vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.



MỪNG KÍNH CÁC THÁNH

          Gần đến cuối năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng kính Các Thánh với hàm ý : những ai suốt năm đã được Phụng Vụ nuôi dưỡng, họ sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu hơn lòng mong ước. Họ được danh là Thánh.

  • Thánh là gì?
  • Lương thực Các Thánh dùng ?
  • Sinh hoạt Các Thánh nhằm mục đích nào?
  • Có những động nào đưa ta lên Thiên Đàng?
  • Các Thánh gồm những thành phần nào?

I. THÁNH LÀ GÌ?

          Ta phân biệt :

  • Đối với Thiên Chúa : Ngài là Đấng Rất Thánh, Thiên thần Sêraphim tung hô Ngài trong Đền Thờ : “Thánh, Thánh, Thánh” (x Is 6,3). Có nghĩa Ngài là Đấng siêu phàm, tuyệt hảo, hoàn toàn khác biệt với mọi loài thụ tạo. Sự tốt đẹp nơi loài thụ tạo là do Thiên Chúa thông ban.
  • Đối với loài người : Ai được gọi là Thánh, người ấy đã được Chúa lấy từ trong thế gian để họ hoàn toàn thuộc về Ngài, chứ không còn thuộc về thế gian (x Ga 17,6.14). Họ được dành riêng cho Thiên Chúa sử dụng làm những việc Ngài muốn. Với nghĩa này thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là Các Thánh (x 1 Cr 1,2 ; 2 Cr 1,1b ; Ep 1,1b ; Pl 1,1b ; Cl 1,2).
  •  
II. LƯƠNG THỰC CÁC THÁNH DÙNG?

          Trong mỗi loài có sự sống đều có lương thực riêng, thì Các Thánh cũng có của ăn khác với mọi động vật :

  1. Sống bởi lòng sám hối tội lỗi vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa Cứu Độ (x Rm 1,17 ; Lc 18,13t ; Lc 23,43 ; Ep 2,4-5).
  2. Sống bởi con tim biết nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (x Mt 4,4 ; Ga 4,34).
  3. Sống bởi kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể  (x Ga 6, 35-57).
  4. Sống bởi biết chia sẻ cho đồng loại vươn lên (x Mt 25,31-46 ; Tb 4,10-11).
  5. Sống bởi đủ của dùng mỗi ngày, không thừa không thiếu (x Cn 30,8-9).


III. SINH HOẠT CÁC THÁNH NHẰM MỤC ĐÍCH NÀO?

          Mọi sinh hoạt của Các Thánh nói cách chung là “dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Nhưng để thể hiện lòng mến cao nhất đối với Chúa và đồng loại là, hãy sống Lời Chúa và tích cực loan báo Tin Mừng, mới làm vinh danh Chúa nhất. Đan cử như thánh Phaolô :

  • Khi còn sống ở trên đời là nhằm hoạt động cho Tin Mừng, như lời thánh Phaolô nói : “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả (trong việc rao giảng Tin Mừng), thì tôi không biết phải chọn đàng nào.” (Pl 1,21-22 : Bản dịch NTT). Có thế mối lợi sau khi chết là được về Thiên Đàng nghe Lời khôn tả (x 2 Cr 12,4).
  • Đã được sống trong Chúa khi nhắm mắt lìa đời, không phải là bị tận diệt, nhưng là được thuộc trọn về Chúa, để tiếp tục phục vụ, như Lời Thánh Kinh nói : “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,để loan báo những công việc Chúa làm.” (Tv 118/117,17).

Chính Đức Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, suốt 13 năm trong ngục tù xem ra ngài không còn điều kiện để loan báo Tin Mừng. Nhưng trong thời gian đó Ngài đã làm cho rất nhiều cán bộ gần gủi ngài bị cảm hóa. Lúc đầu Trung ương Đảng cho một số cán bộ canh gác ngài, thì cả nhóm ấy bị nhiễm “mê tín Công Giáo”, thấy thế Thủ trưởng rút nhóm đó về chỉ cho một anh đến và thay phiên nhau, mỗi tuần một người. Nhưng anh nào đến cũng bị “hủ hóa”. Cấp trên không còn cách nào khác, không cho thay luân phiên người gác, thà rằng mất một!

Nay Hội Thánh mở Án phong Thánh cho Đức Hồng y Thuận, chắc chắn những anh cán bộ bị ngài “đầu độc Công Giáo” sẽ nói về Chúa thay cho ngài nhiều hơn và rất sống động. Rõ ràng Hồng y Phanxico Thuận không chết mà vẫn sống loan báo Tin Mừng.


IV. CÓ NHỮNG ĐỘNG LỰC NÀO ĐƯA TA LÊN THIÊN ĐÀNG ?

          Có ba động lực :

     1- Quan trọng nhất và đứng hàng đầu là ta nhờ tình  thương và công nghiệp của Chúa Giêsu, khởi đi từ lúc ta nhận ấn tích của Bí tích Thánh Tẩy. Thánh Gioan được thị kiến : “Tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn Thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả, rằng “xin đừng phá hoại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta” (Kh 7,2-3 : Bài đọc I). “Phía mặt trời mọc” chính là Chúa Giêsu  (x Lc 1,78). “Họ là những người được giặt và tẩy áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14b : Bài đọc I), tức là được thanh tẩy bởi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

     2- Được hưởng nhờ công đức của Các Thánh, gọi đó là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công. Cũng trong thị kiến ông Gioan nói : “Tất cả các Thiên thần đều đứng chung quang ngai, chung quanh các kỳ mục và bốn sinh vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng : “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh đến muôn thuở muôn đời. Amen”(Kh 7,11-12 : Bài đọc I).   

          Thánh Irênê nói : “Vinh quang của Thiên Chúa là cộng lại những người được Chúa Kitô cứu độ”. Những người này được các Thiên thần phù hộ, các kỳ mục là những chủ chăn trong Hội Thánh giúp đỡ, dựa vào bốn Tin Mừng qua hình ảnh bốn con vật ông Gioan nhìn thấy. Con vật thứ nhất hình người có cánh : đó là Tin Mừng Matthêu ; con vật thứ hai là hình sư tử có cánh : đó là Tin Mừng Marco ; con vật thứ ba là hình con bò có cánh : đó là Tin Mừng Luca ; con vật thứ tư là chim phượng hoàng : đó là Tin Mừng Gioan.

     3- Cuối cùng là công đức của mỗi người. Trong thị kiến thánh Gioan nói : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7,14a : Bài đọc I). Có khi phải mất mạng vì Tin Mừng như Các Thánh Tử Đạo.

          Vì thế lễ Các Thánh được đặt trước lễ Các Linh Hồn có ý nhấn mạnh : ta được làm Thánh là nhờ ơn cứu độ nhưng không bởi công nghiệp của Con Một Ngài ; còn Lễ cầu cho Các Linh Hồn đặt sau lễ Các Thánh có ý nhấn mạnh: ta được cứu độ còn là nhờ sự hiệp thông với mọi thành phần trong Hội Thánh. Bởi vì “Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT số 9).



V. CÁC THÁNH GỒM  NHỮNG THÀNH PHẦN NÀO?

          Các Thánh trong Nước Thiên Chúa gồm bốn thành phần :

  1. Hồn xác Mẹ Maria và hồn những người công chính ở trên trời.
  2. Các linh hồn của những người đã chết trong Chúa đang được thanh luyện.
  3. Những người Công Giáo sống Đức Ái (x HCHT số 14).
  4. Những người sống lành theo lương tâm, vì vô tình không biết Tin Mừng Chúa Kitô và Hội Thánh (x HCHT số 16).

Những thành phần Các Thánh trên đây đông vô số kể, họ là một cộng đoàn dân Chúa chọn từ dân Israel. Israel cũ do 12 chi tộc của ông Giacob là hình bóng Israel mới, do 12 môn đệ của Đức Giêsu. Đúng như trong thị kiến thánh Gioan nói : “Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn : 144 ngàn người được đóng ấn, mọi chi tộc con cái Israel” (Kh 7,4 : Bài đọc I). Số 144 là bình phương của số 12 ; số ngàn là thời đại Thiên Chúa thi ân (x Xh 20,6 ; Gr 32,18 ; Tv 90,4 ;  Tv 84,11).

          Các vị này trong thời cánh chung hồn xác được sống lại vinh hiển như Thiên Chúa, đúng như lời thánh Gioan nói : “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2 : Bài đọc II). Vì các vị này đã sống tám mối Phúc, được Chúa Giêsu chúc lành.

  • Mối phúc I : Sống tinh thần nghèo khó (Mt 5,3). Bản chất cái nghèo là một sự dữ. Nhưng nghèo được Chúa chúc phúc, là người sống giống Chúa Giêsu : “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Người sống tinh thần nghèo như Chúa Giêsu vì đã chọn Chúa làm gia nghiệp (x Tv 16/15,5).
  • Mối phúc II : Người sống hiền lành (Mt 5,4) phải là sống giống Chúa Giêsu khi bị treo trên thập giá, Ngài hiền đến nỗi đã xin Chúa Cha tha tội cho kẻ giết Ngài (x Lc 23,34). Phó tế Stêphanô đã nên giống Chúa Giêsu, khi bị ném đá, ông đã cầu nguyện cho kẻ hại ông với nội dung giống hệt lời cầu của Chúa Giêsu (x Cv 7,60). Bởi thế ai làm ơn cho kẻ hại mình, người đó được đồng danh với Chúa Giêsu, vì cùng là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32 = Lc 6,35).
  • Mối phúc III: Người sống ưu phiền (Mt 5,5), ưu phiền vì tội đã phạm, chỉ trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, hầu được theo Ngài như tên trộm lành trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (x Lc 23,43).
  • Mối phúc IV : Người khao khát sự công chính (Mt 5,6) là người phải sống giống như ông Simon và bà Anna, đêm ngày hằng mong đợi Đấng Cứu Thế, nên được Thánh Thần thúc đẩy đến Đền Thờ, và họ đã được phúc ôm lấy Đấng mà họ mong chờ. Niềm vui này làm cho ông Simeon phải thốt lên : “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” (x Lc 2,25-38).
  • Mối phúc V :  Người biết thương xót (Mt 5,7). Đức Giêsu muốn ta bắt chước người Samari nhân hậu thương xót kẻ bị cướp đánh để nửa sống nửa chết vất bỏ dọc đường, là hình bóng người bị sa vào tay Satan, phải đưa họ vào Hội Thánh là Quán Trọ của Thiên Chúa để được chăm sóc chu đáo (x Lc 10,29-37).
  • Mối phúc VI : Người có lòng trong sạch (Mt 5,8). Đức Giêsu đã gọi họ như những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng trong tay đi đón chàng rể vào dự tiệc cưới (x Mt 25,1-13). Trinh nữ ở đây có nghĩa là người đã biết Giáo Lý của Chúa, thì chỉ tôn thờ Ngài là Chúa duy nhất, không tin thờ vào ngẫu tượng nào, cả con người của họ để Chúa sử dụng. Vậy mỗi người Công Giáo hãy nhớ giữ tâm hồn thanh sạch ngay thẳng, nhất là từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, để khỏi bị Chúa phiền trách : “Ta oán trách ngươi điều này: ngươi đã bỏ lơ lòng mến thuở ban đầu. Ngươi hãy lo nhớ lại, ngươi đã sa đọa từ đâu, và hãy hối cải mà làm các việc thuở ban đầu” (Kh 2,4-5a)
  • Mối phúc VII: Người biết tác tạo hòa bình (Mt 5,9),chính là người ngăn cản không để cho sự bất công, gian ác tồn tại. Đan cử như ông Nicôđêmô ngăn cản các đầu mục Do Thái không được kết án Đức Giêsu khi chưa nghe Ngài nói (x Ga 7,50-51) ; hoặc như ông Gamaliel lên tiếng cản các kỳ mục Do Thái không được hành hạ các môn đệ của Đức Giêsu, vì biết đâu các môn đệ đang làm việc của Thiên Chúa, kẻ nào chống sẽ vô ích lại còn mang họa (x Cv 5,34t).
  • Mối phúc VIII: Người bị bắt bớ sỉ nhụcbị nói xấu đủ điều vì Tin Mừng (Mt 5,10-11). Đan cử như các thánh Tử Đạo. Cha Don Bosco bị Đức Tổng Giám mục Ricacardi cấm dâng Lễ và Giải Tội ; thánh nữ đầu tiên của Nước Úc là Maria Mackillop bị rút Phép Thông Công năm 1871.

Tất cả những người trên đây “hãy vui sướng hân hoan, vì phần thưởng thật lớn lao ở trên trời” (Mt 5,12 : Tin Mừng). Vì đã được Chúa Giêsu nâng đỡ như Ngài nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28 : Tung Hô Tin Mừng). Đấy “chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Người” (Tv 24/23,6 : Đáp ca).

Thánh Augustin nói : Ông kia bà nọ nên thánh, sao tôi lại không?

http://phaolomoi.net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
 ------------------------
THÁNH CA MỪNG KÍNH CÁC THÁNH NAM NỮ
ĐOÀN DÂN KHẢI HOÀN của Sơn Ca Linh


Lửa thanh luyện
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
1/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét