Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15) - Suy Niệm CN III TN / B 21-1-2018


 Mc 1,14-20
 
A. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hai sự việc Chúa đã làm vào lúc khởi sự cuộc đời công khai của Người.
 
1. Tuyên bố về nội dung sứ vụ của Ngài nơi trần thế.
 
2. Gọi 4 môn đệ đầu tiên.
 
Nếu chỉ nhìn một cách thoáng qua thì xem ra như hai sự việc này chẳng có liên hệ gì với nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì chúng ta sẽ thấy chúng có liên hệ rất mật thiết
 
B. Nếu nghiên cứu Tin Mừng mừng một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta sẽ thấy Chúa xuất hiện không như một chuyên viên làm phép lạ.
 
Những phép lạ được ghi lại trong Tin Mừng của Marcô rất ít nhưng những người được thụ hưởng phép lạ của Chúa thì Marcô nói tới một con số rất nhiều.
 
Mục đích quan trọng nhất và chính yếu nhất trong cuộc đời của Chúa là loan báo cho con người một Tin mừng. Và Tin Mừng này có một nội dung rất rõ rệt đó là Nước Trời, nước Thiên Chúa.
 
Với bài Tin Mừng ngày hôm nay Chúa nói: "Nước trời đã gần đến"(Mc 3,2)
 
Vào khoảng giữa cuộc đời công khai của Chúa thì Chúa lại bảo: "Nước Trời đang ở giữa anh em"(Lc 17,19)
 
Trong Luca cuối đoạn 17 Chúa lại khẳng định: "Nước Trời ở trong lòng anh em" (Lc 17,21)
 
Tại sao lại có sự khác biệt trong ba lời loan báo như thế?.
 
Rõ rệt là Chúa muốn nói đến những kết quả mà lời rao giảng của Chúa đã đạt được. Những người được nghe rao giảng đã dần dần hiểu ra rằng Nước Trời mà Chúa rao giảng không phải là một nước theo kiểu của trần thế mà là một thực tại cao cả hơn, siêu việt hơn. Nước đó sẽ đem lại cho con người công lý, sự an bình - tình thương - và hy vọng...nếu con người trở thành công dân trong nước ấy.
 
* Nhưng để trở thành một người công dân của Nước Trời thì con người phải làm gì?. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra 2 con đường: Sám hối và tin vào Tin Mừng.
 
+ Sám hối là gì thì trong suốt mùa vọng vừa qua, chúng ta đã nghe Gioan Tẩy giả nói.
 
- Sám hối đơn thuần không phải chỉ là một tác động đau lòng ăn năn về những lỗi lầm tội lỗi của mình. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì việc sám hối mới chỉ là một hành vi có tính cách tiêu cực. Sám hối như thế chưa phải là sám hối của Tin Mừng.
 
- Sám hối theo tinh thần của Tin Mừng còn phải là một cuộc quay trở về với Thiên Chúa. Tin Mừng dùng chữ metaloia - một sự trở về sau khi đã bỏ ra đi giống như người con hoang đàng trong Tin Mừng của Luca 15.
 
+ Thêm vào đó hay xa hơn thế là Tin vào Chúa.
 
- Tin không chỉ là một hành vi chấp nhận một mớ những chân lý của Chúa. Tin như thế chưa phải là tin đích thực.
 
- Tin còn phải là một cái gì hơn nữa. Tin là đi theo Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ I bảo:"Tin là liều mạng theo Chúa"
 
Con đường theo Chúa không phải là dễ dàng. Chúa Giêsu đã diễn tả con đường khó khăn này bằng một khẳng định làm cho nhiều người cảm thấy phải sợ: "Ai muốn theo Tôi mà không từ bỏ cha mẹ, nhà cửa, vợ con và cả mạng sống mình thì không xứng đáng là môn đệ của Tôi".(Lc 14,26) Đòi hỏi gắt gao thật. Một cách nào đó nó cho chúng ta thấy tích cách nghiêm chỉnh của vấn đề.
 
+ Chúng ta cứ nhìn vào cuộc đời của 4 môn đệ đầu tiên của Chúa chúng ta sẽ thấy điều đó.
 
- 4 môn đệ mà Tin Mừng hôm nay kể tên là những môn đệ đặc biệt. Ngoại trừ Anrê, còn thì ba người kia là Phêrô, Gioan và Giacôbê là 3 môn đệ có thể nói là "ruột" của Chúa. Ba người này gần gũi Chúa một cách đặc biệt. Chúa cũng tỏ ra ưu ái cách riêng với bộ ba này.
 
- Thế nhưng thử hỏi con đường theo Chúa đối với họ có dễ dàng hay không?
 
Tin Mừng cho chúng ta thấy con đường theo Chúa thực không dễ dàng chút nào cả. Có rất nhiều trường hợp Chúa buồn với bộ ba này.
 
Lúc đầu khi mới theo Chúa, cái chất "người" trong họ còn rất cao. Chúa phải rất vất vả lắm mới cải tạo được họ. Đôi khi Chúa cũng cảm thấy buồn vì họ.
 
 * Gioan và Giacôbê thì Chúa gán cho họ cái biệt danh là "con của sấm sét".
 
  * Còn Phêrô thì có lần Chúa đã rủa là "Đồ Satan".
 
- Con đường Chúa chinh phục những con người này quả là một quá trình nhọc mệt và vất vả. Có lần Chúa đã phải than:"không biết Thầy còn phải ở với chúng con cho đến bao giờ nữa?"(Mt 17,17)
 
- Bằng việc kêu gọi họ Chúa đã làm cho các môn đệ của Chúa dần dần biết lìa xa đầu óc trần thế. Nghiên cứu Tin Mừng chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
 
- Rồi bằng cuộc sống cũng như lời dạy nhất là bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài đã làm cho họ thuộc hẳn về Ngài để cuối cùng họ đã liều mạng vì Ngài, dám chết cho Ngài.
 
Như vậy chúng ta thấy con đường mà các môn đệ của Chúa đi vào để trở thành những công dân ưu tú của Nước trời, làm tông đồ của Chúa không phải là con đường nào xa lạ. Đó cũng là con đường có tên là sám hối và tin vào Chúa. Các Tông đồ đã xoay lưng lại với danh - lợi - thú của trần gian để tìm đến với Chúa, quay về với Chúa. Và sau khi đã quay về với Chúa, họ đã để cho Chúa biến đổi cuộc đời của họ, làm cho họ trở nên những con người mới - những con của Thiên Chúa. Và bằng đời sống dấn thân quảng đại với niềm tin yêu vô hạn vào Chúa, họ đã trở thành những chứng nhân sống động cho Ngài....và họ đã được lịch sử ca ngợi là những con người "đã làm thay đổi cả lịch sử nhân loại và làm cho bộ mặt của địa cầu đẹp hơn".


 
C. Vâng kính thưa anh chị em,
 
Đó là câu chuyện của ngày xưa...nhưng xưa không có nghĩa là nó chỉ còn tồn tại như một kỷ niệm mà như một tấm gương cho hậu thế. Giáo Hội đã rất có lý khi nói rằng: "Các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội". Đây không phải là một nền tảng bằng đá, bằng bê tông cốt sắt mà là bằng cuộc đời và sự nghiệp các Ngài để lại. Cuộc đời của các tông đồ của Chúa Giêsu vẫn còn là tấm gương cho những thế hệ tiếp theo, mai sau và mãi mãi. Cuộc đời các Ngài vẫn còn là tấm gương cho chúng ta. Các Ngài đã cho chúng ta biết thế nào là hy sinh, thế nào là quên mình, thế nào là từ bỏ, thế nào là tin, thế nào là một cuộc đời có ý nghĩa. Các Ngài cũng dạy cho chúng ta biết làm cách nào để "cướp" được Nước trời. Đó chính biết liều mạng để đi theo Chúa.
 
Vào một buổi chiều năm 1953 các ký giả và một số nhân viên chính phủ tụ tập nhau lại tại một nhà ga xe lửa ở Chicago để chào mừng người vừa được giải thưởng Hòa bình Nobel năm đó trở về quê quán của mình.
 
Người vừa xuống khỏi xe là một người đàn ông to lớn, tóc ngắn, chòm râu cắt rất gọn ghẽ.
 
Các máy hình chớp liên hồi. Còn các nhân vật cao cấp của thành phố thì  mở rộng vòng tay chuẩn bị  đón chào người con yêu quí của quê hương.
 
Người được giải Nobel đưa tay chào mọi người và rồi ngay lâp tức ông đưa mắt hướng về hướng bên phải của  sân ga. Sau đó ông xin kiếu mọi người vài phút rồi đi thẳng về hướng đó. Mọi người đều nghĩ là chắc ông để quên một cái gì chăng.
 
Ông băng qua đám đông đi thẳng đến chỗ một người đàn bà lớn tuổi đang khệ nệ với hai cái "valises" nặng hai bên. Ông giơ tay đỡ lấy một cái, mỉm cười với bà và dẫn bà ra một chiếc xe búyt gần đó. Sau khi giúp người đàn bà lên xe xong, ông chúc bà thượng lộ bình an. Rồi quay lại với những người đang chờ chào đón ông, ông  nói với họ: "Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị phải chờ đợi"
 
Người mà tôi vừa nói đó là Bác sĩ Albert Schweitzer, một nhà truyền giáo nổi tiếng đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ những người nghèo tại Phi châu. Chính vì những phục vụ vô vị lợi và cao cả của ông mà ủy ban Nobel đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm đó cho Ông.
Chứng kiến cử chỉ bình thường nhưng cũng rất cao thượng đó, một người trong ban tổ chức lễ đón tiếp đã nói với các ký giả như thế này "Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi".
-------------------------- 
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20180115/41295
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

SỐNG PHÙ HỢP VỚI TIN MỪNG - Mc 2: 18-22 - Thứ Hai 15-1-2018


Thứ Hai tuần II TN / Năm B - Mc 2:18-22
Rượu mới và bầu mới là chính Đức Giêsu và lề luật của Ngài. Lề luật của Ngài là luật yêu thương. Yêu thương đến hiến thân mình cho người mình yêu giống như Ngài. Ngày nay cũng có rất nhiều người dám hy sinh bản thân mình vì một lý tưởng, vì người mình thương. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã hy sinh thân mình cho người tội lỗi, những kẻ luôn phản bội Ngài và cũng là những kẻ đôi khi là người thù địch với Ngài là chính chúng ta. Đây mới là tình yêu tuyệt đối mà mỗi người chúng ta phải luôn hướng tới trong cuộc sống và trong ơn gọi mà mình đang mang trên người là ơn gọi của một con người thật sự, ơn gọi của một Kitô hữu hay ơn gọi thánh hiến.
Chúa Giêsu đến thế gian là để mang lại một nguồn sống mới, một luật lệ mới và một ơn Cứu độ của Thiên Chúa Tình Yêu. “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!” (Mc 2, 21-22).
Trang Tin Mừng hôm nay, ta bắt gặp có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh để so sánh và giải thích cho họ hiểu rõ tinh thần của việc giữ luật ăn chay.
Ta thấy hình ảnh tiệc cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”.
Khi khẳng định điều này, Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi nhưng Người so sánh việc giữ chay giống như niềm vui của thực khách khi dự tiệc cưới. Theo quan niệm của người phương Đông, hôn lễ là ngày “đại hỷ”, là thời gian đặc biệt chứa chan niềm vui. Những vị khách cụ thể là những bạn hữu của chú rể phải góp phần tạo niềm vui cho đôi tân hôn.
Vì thế khách mời mà giữ chay khi dự tiệc cưới là không xứng hợp.Theo lối nhìn của các nhà chú giải Kinh Thánh, hôn lễ còn ám chỉ thời cứu độ của Thiên Chúa đã nói trong sách Isaia: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (61,10). Khi thời Cứu Độ đến mọi người sẽ hớn hở vui mừng, áo quần xúng xính chỉn chu như cô dâu chú rể trong ngày tân hôn.
Một lần nữa thánh sử Maccô nhấn mạnh về thời cứu độ đó là lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ban niềm vui và hạnh phúc cho muôn dân. Chúa Giêsu đến khai mạc thời cánh chung, mở ra chân trời mới đầy hy vọng. Khi có Chúa Giêsu hiện diện, các môn đệ sẽ tận hưởng được niềm vui và còn lan tỏa niềm vui ấy cho mọi người nên họ sẽ không ăn chay. Chúa Giêsu sẽ đến thiết lập trời mới đất mới, khải hoàn vinh thắng, lúc ấy mọi tạo vật reo vui vì không còn phải “rên xiết mong ngóng chờ ngày cứu độ”.
Kế đến, ta bắt gặp hình ảnh rượu chứa trong bầu da. Chúa Giêsu dùng hình ảnh rất quen thuộc về cách chứa rượu của người Do Thái. Thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Và sau cúng, với hình ảnh vá áo, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một người lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Bằng cách lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng.
Có thể nói đây là một bước tiến, một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ luật nặng nề để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Rõ ràng rằng việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì chẳng có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì việc ăn chay cũng chỉ là thái độ giả hình.
Với tất cả những điều trên, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).
Trong đời sống thường ngày, ta thấy ắt hẳn không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Ta không thể phủ nhận rằng đời sống xã hội hôm nay đang từng ngày đổi thay, và như vậy, Giáo Hội cũng luôn trăn trở đi tìm cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng hầu cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Giáo hội Chúa Kitô phải là giáo hội của người nghèo, luôn lắng nghe và đồng cảm với người nghèo. Sở dĩ Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận vì cách rao giảng của chúng ta có phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tâm linh nơi con người. Ước gì mỗi ki-tô hữu biết đến với mọi người bằng cung cách phục vụ khiêm tốn như Chúa Giêsu, bằng niềm hân hoan của thực khách trong đại tiệc hôn lễ, bằng nỗi khao khát hướng đến điều trọn lành.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến giải thoát con người khỏi sự trói buộc cũ kỹ của mọi tính hư nết xấu và tội lỗi. Như thế, ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta được biến đổi nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần để có thái độ sống đạo linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.
Huệ Minh
Nguồn: http://giaoxutanviet.com/song-phu-hop-voi-tin-mung-3/
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
---------------------- 

Bên trong thì giá trị hơn bề ngoài (Mc 2, 18-22)

THỨ HAI 1/14/2018 1:09:53 PM

LoiChua.jpg
Đã rất nhiều lần người Pharisêu dùng biện pháp “nhất tiễn diệt song điêu” để gài bẫy Đức Giêsu. Hôm nay, cũng chiêu thức ấy, họ tìm cách đưa cả thầy lẫn trò vào tròng khi cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Tại sao môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu ăn chay, trong khi đó muôn đệ của ông lại không ăn chay?”.

Họ hỏi Đức Giêsu về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay, nhưng thực ra họ đang tìm cách trách móc Đức Giêsu! Nếu Đức Giêsu trả lời các môn đệ không cần ăn chay, thì vô hình chung Ngài chống luật Môsê; còn nếu Đức Giêsu thuận theo và yêu cầu các môn đệ ăn chay theo ý của những người Pharisêu, thì quả thực, Ngài đang phủ nhận sự hiện diện của mình, bởi tất cả mọi điều mà dân Israel mong đợi, thì nay Ngài đến, Ngài đang là hiện thân của niềm hy vọng đó. Vậy ăn chay là để mong đợi, nay điều mong đợi đó đã đến, thì không có lý do gì phải ăn chay nữa!

Biết được ý đồ thâm độc của họ, nên Đức Giêsu đã lấy một ví dụ qua hình ảnh vải mới vá vào áo cũ và rượu mới đổ bầu da cũ để thấy được điều nghịch lý nơi câu hỏi của nhóm người Pharisêu. Đây cũng chính là câu trả lời gián tiếp đầy khôn khéo, khiến họ không thể bắt bẻ được Ngài điều gì!

Trong cuộc sống thực tế, có khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Pharisêu khi xưa!

Nhiều khi đọc kinh rất nhiều, nhưng bảo tha thứ cho người làm phiền chúng ta thì không bao giờ! Hay đi lễ thường xuyên, nhưng có khi anh chị em cần đến sự giúp đỡ thì lại là điều xa vời với ta! Hoặc cũng có những người tham gia hội đoàn này hội đoàn kia chỉ để chỉ trích và bới bèo ra bọ mà không hề thay đổi lối sống cho tốt hơn!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy chú tâm đến nội dung bên trong hơn là những chuyện bề ngoài. Đừng vì những điều phụ thuộc mà đánh mất đi giá trị của nội dung.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con biết chú trọng đến lối sống đạo hơn là hình thức. Một trái tim biết yêu thương thực sự thay cho lối sống giả tạo trên đầu môi chóp lưỡi. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Nguồn: http://conggiao.info/ben-trong-thi-gia-tri-hon-be-ngoai-d-43952
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Ở lại với Người - Suy niệm Lời Chúa CN II TN / B 14-1-2018

Hãy đến mà xem!
Tin mừng Ga 1: 35-42: Chúa Giêsu hỏi : Các ngươi tìm gì? Họ thưa: Thưa Ráp-bi (nghĩa là lạy Thầy), Thầy đi đâu ?”  Người đáp : “Hãy đến mà xem.”  Và họ đã đến xem chỗ của Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy...

Kính thưa Cộng Đoàn.

Trong trang Tin Mừng, có thể ta nói rằng rất ngắn mà Thánh Gioan thuật lại . Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo CHÚA Giêsu đang đi và nói: «Đây là Chiên THIÊN CHÚA». Hai môn đệ nghe ông nói và rồi liền đi theo CHÚA Giêsu. Thấy một cách rất lạ lùng khi người ta đi theo mình , thì Chúa Giêsu hỏi : Các ngươi tìm gì? Họ thưa: Thưa Ráp-bi (nghĩa là lạy Thầy), Thầy đi đâu ?”  Người đáp : “Hãy đến mà xem.”  Và họ đã đến xem chỗ của Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. 

 Sau đó chúng ta thấy các môn để đó, đã đi theo Chúa Giêsu suốt cả cuộc đời của mình. Có nghĩa là ở lại với Chúa Giêsu, ở trong với Chúa Giêsu không phải ngày hôm nay, ngày hôm ấy,  mà là suốt cả cuộc đời và chúng ta thấy: cái cái động từ ở lại mang rất nhiều nghĩa phong phú. Nó diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của con người và cách riêng là  cuộc đời người Kitô hữu. 

Ở trong thánh sử Gioan, và trong cái thư của mình nữa, thì ngài đã sử dụng cái động từ này 68 lần trên tổng số 118 lần của Tân Ước. Và chúng ta  thấy đây là cái tâm tình rất là tuyệt vời, mà Chúa Giêsu cũng như các môn đệ muốn bày tỏ. Trước khi Chúa Giêsu đi xa,  thì Chúa Giêsu mời gọi các Môn Đệ:  «Hãy ở lại trong tình yêu của thầy», và ngày hôm nay các môn đệ đã ở lại với thầy của mình.

Nói tới đây con nhớ đến cuộc đời của một vị linh mục rất là tuyệt vời!  Linh mục ấy là linh mục Pierre-Antoine Alaimo 44 tuổi. Thì ở tại nhà thờ Đức Bà phù hộ ở Nice, miền bắc nước Pháp,  thì đức cha Andre Micro đã truyền chức phó tế cho thầy trước khi lãnh sứ vụ linh mục.  44 tuổi mới lãnh sứ vụ phó tế thì phải nói đây là một ơn gọi rất là muộn của một người đã trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau, kể cả trong quân đội, kể cả cái cuộc sống lam lũ vất vả của mình. Thì thầy phó tế kể lại rằng là:  cuộc đời của thầy rất là khó khăn. Thầy sinh năm 1971 và lớn lên ở thành phố Grenoble nhưng rồi sau đó rời quê hương năm 18 tuổi, và rồi Chúa đưa thầy đến Alpes-Maritimes và sau cùng dừng chân ở thành phố thuộc giáo phận Nice.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên là 16 tuổi thì thầy sáu đã phải rời gia đình để đi làm trong tiệm bánh ngọt và rồi công việc ở đây thì quá nhiều, để rồi mất lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng và những ngày cuối tuần. Sau đó thì đành phải nghỉ việc để mà đi  làm thợ hồ, thợ thạch cao, rồi làm người hầu bàn, rồi làm đầu bếp. Cho đến năm 22 tuổi thì thầy đi lính. Thầy kể lại là ban đầu thì thầy muốn trốn lính, nhưng rồi thầy thi hành nghĩa vụ quân sự và sau một năm rưỡi thì ghi danh gia nhập vào đội binh, ở lại đó phục vụ 10 năm.  

Thời gian này thì thầy khám phá ra nhiều hạng người khác nhau, từ những người đến từ những nước gọi là Đông Âu và chính những người này đã để lại ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời của thầy qua những năm tháng khá khó khăn. Họ có những cái cách suy nghĩ và hành động khác nhau và đặc biệt để lại cho thầy cái tình huynh đệ chi binh thật cao cả trong quân đội. Và người ta thường nói rằng là làm lính một ngày là làm lính mãi mãi. Và thật vậy, khi mà một người lính rời khỏi quân ngũ thì khi mà đã khoác áo lính thì suốt đời vẫn là lính. Nhìn lại cuộc đời của mình thì thầy 6 cảm thấy mình đã có đủ thứ nghề. Và rồi một cái ơn hoán cải đến rất bất ngờ. Trong quân đội khi mà thầy bị thương ở khuỷu tay nên  được chuyển vào làm quán bar giải khát.

Bỗng một hôm có một người bạn đưa cho thầy cái quyển sách là « Niềm vui tri thức» của triết gia người ĐỨC Friedrich Nietzsche (1844- 1900) rồi khi mà thầy đọc sách thì thầy cũng không biết ông là một triết gia bài trừ Kitô Giáo.  Và rồi đến một buổi chiều ngày nọ, khoảng 3 giờ chiều thầy thấy một sĩ quan bước vào quán bar và với cái vóc dáng và điệu bộ bên ngoài và đặc biệt với các nhánh ôliu luôn gắn trước ngực thì thầy biết đây là linh mục.

Linh mục ấy người Pháp và thầy có thiện cảm ngay với ngài, khi mà ngài gặp thầy và thầy mời ngài dùng ly cà phê. Và rồi vị linh mục ấy đã mở lời với thầy sáu: - một hạ sĩ Lê dương mà đọc sách của triết gia Nietzsche  là điều tôi chưa từng thấy nếu mà anh thích đọc loại sách này thì chúng ta có thể gặp riêng để hàn huyên. Và rồi thầy đã chấp nhận lời đề nghị và nhờ qua cha, thầy đã khám phá ra cuộc đời có nhiều cái đẹp mà nhiều cái đẹp lúc đó chưa hề biết. Sự kiện này thì để cho thầy sống, thầy mở lòng ra từ giây phút ấy. Từ lúc thầy  gặp cha thì thầy thay đổi và thầy thường xuyên đến gặp cha tuyên úy của mình.

Cha bắt đầu dạy giáo lý cho thầy và cùng với nhau uống một ly Whisky và hãy kể lại đây là một kinh nghiệm, một kỷ niệm khó quên giúp cho thầy xây dựng đời sống tâm linh của thầy trong vòng 3 năm. Và sau khi rời quân ngũ đến phục vụ buổi tối cho người nghèo nơi khu phố Arien của thành phố Nice do hội từ thiện MIR tổ chức. Đến đây thầy lại gặp cha Patrick Bruzzone và thầy đã làm việc trong hội từ thiện này một năm.

Phục vụ với người nghèo và phục vụ những người không nhà không cửa và qua hành trình phục vụ này thầy đã tự nhủ rằng: có lẽ mình được ơn kêu gọi trở thành linh mục để phục vụ người nghèo, để hiến dâng cho người nghèo. Và khi phục vụ cho người nghèo thì thầy mới nhận ra rằng, khám phá rằng chính người nghèo đã ban tặng cho chúng ta Đức Giêsu Kitô. Và rồi chính vì cái gặp gỡ người nghèo này đã làm cho cuộc đời của thầy thay đổi. Và thầy bỏ nghề nhà binh để đi theo Chúa trong đời tận hiến làm linh mục. 

Chúng ta thấy một Giêsu vẫn sống giữa cuộc đời này, nơi người nghèo, nơi những người cô thế, cô thân, đặc biệt đó!  Để rồi, thầy sáu đã cảm nhận được, thầy sáu Alaimo đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người nghèo và đã đổi đời. Rõ ràng là trong cái hoàn cảnh sống, thầy Alaimo đã gặp được cha tuyên úy, rồi gặp được một cha phục vụ người nghèo, và nơi đó thầy bắt gặp được hình ảnh của Chúa Giêsu. Và chính các môn đệ ngày xưa cũng vậy, đã đến và ở lại với Chúa Giêsu và đã phát hiện ra, đã gặp ra một tình yêu Giêsu. Và thầy sáu, Alaimo  cũng đã gặp được Chúa Giêsu nơi vị linh mục tuyên úy và nơi linh mục phục vụ cho người nghèo. 

Việc quan trọng là cuộc đời của chúng ta, chúng ta có chấp nhận để lên đường để bỏ đi tất cả những cái gọi là bám víu cuộc đời của mình, kể cả cái nghề nghiệp của mình, để mà đi theo Chúa Giêsu, đã đến và ở lại với Chúa Giêsu hay không ?

Và khi mà mình ở lại với Chúa Giêsu thì mình sẽ khám phá ra một tình yêu Giêsu. Và Chúa Giêsu đã mời gọi:  “ Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

Và Ngài cũng đề nghị một giới răn là giới răn yêu thương: Đây là giới răn của thầy : “ Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em.” chúng ta không chỉ hiệp thông với Chúa mà còn hiệp thông với anh chị em bằng tình yêu nhân loại, bằng tình mến sống động cho tình mến Chúa.

Thánh Gioan nói rõ rằng: Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.

Ai yêu thương anh em mình thì lại ở trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.(1 Ga 2: 9- 10)

Và rồi chúng ta thấy giới răn yêu thương là cốt lõi của người Công Giáo, của đạo Công Giáo. Nhờ yêu thương mà người ta nhận ra chúng ta là Môn Đệ của Chúa. Giữa một xã hội đầy tội ác, đầy tham nhũng, đầy dối trá, rất cần chứng tá tình yêu của Chúa Giêsu, cần chứng tá của chúng ta.

Và những ước mong rằng, mỗi người chúng ta hãy ở lại với Chúa Giêsu để cảm nhận sự tình yêu của Chúa Giêsu  như các môn đệ, như thầy sáu và sau này là linh mục Alaimo.  Chúng ta đáp lại cái ơn gọi, cái lời gọi của Chúa nơi chúng ta như thế nào? Cái câu trả lời ấy, mỗi người chúng ta trả lời với Chúa như thế nào, để rồi trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta có đến và ở lại trong thầy hay không; nhiều lần nhiều lúc chúng ta lăn tăn nhiều chuyện quá chúng ta làm lăn tăn quá nhiều chuyện để chúng ta không có giờ dành cho Chúa, để chúng ta không cảm nghiệm được Tình Yêu mà Chúa dành cho mọi người chúng ta. Tình Yêu phát xuất từ sự ở lại. 

Chúng ta thấy 1 thánh Têrêsa Calcutta, dẫu rằng bận bịu với biết bao nhiêu công việc của người nghèo nhưng mẹ Têrêsa Calcutta vẫn ở lại dưới chân của Chúa khi mẹ đi làm việc bác ái . 

Và với thánh giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, biết bao nhiêu công việc của Giáo Hội trên cương vị là một vị giáo hoàng, nhưng rồi Thánh Gioan Phaolô 2 vẫn ngồi dưới chân Chúa lắng nghe tiếng Chúa để nghe Chúa nói với mình. 

Đặc biệt thánh Vinh Sơn Đệ Phaolô chỉ lo cho người nghèo cũng vậy.  Biết là bao nhiêu việc lo cho người nghèo nhưng ngài vẫn dành giờ ngồi dưới chân Chúa. 

Hay là thánh Anphongsô, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế cũng vậy. Mỗi ngày, ngài dành 8 tiếng đồng hồ để ngồi dưới chân Chúa để mà ở lại trong tình yêu của Chúa. 

Và chính Tình yêu cứ phát xuất tình yêu. Và chúng ta thấy người nào càng kết hợp với Chúa thì lại càng cảm nhận được cái tình yêu Chúa . Và khi đó lại chia sẻ tình yêu Chúa cho người khác.  

Còn khi chúng ta quá ồn ào, chúng ta quá náo nhiệt, chúng ta quá lăn tăn, chúng ta hoạt động nhiều quá! chúng ta hoạt náo nhiều quá! Chúng ta không có chắc chúng ta không ở lại trong tình yêu của thầy như không sinh hoa kết quả như Chúa nói: Anh em hãy ở lại với thầy ! Anh em hãy gắn bó với thầy , như cành nho gắn bó với cây nho và như thế sẽ sinh ra nhiều hoa quả”.  

 Ngày hôm nay khi nhìn lại gương của các môn đệ khi đã bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu, đi tìm Chúa Giêsu, đến ở lại với Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta biết bớt bỏ những lo toan của cuộc đời, những gánh nặng của cuộc đời, để chúng ta đến với Chúa! để chúng ta tìm được cái sự bình an trong Chúa đích thực! 

Như các môn đệ tìm được sự bình an, như mẹ thánh Têrêsa, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, Thánh Vinh Sơn Phaolô. Chỉ khi chúng ta ở lại trong Chúa, chúng ta kết hợp trong Chúa thì chúng ta mới có  bình an thật sự. Và khi đó chúng ta mới có một tình yêu Chúa thật sự . Amen.


Huệ Minh
----------------------- 
Nguồn: https://giaophanphucuong.org/suy-niem-chua-nhat/den-va-o-lai---suy-niem-chua-nhat-ii-thuong-nien-b-10281.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Gia tộc có ba vị anh hùng tử đạo trong một ngày 13-01- 1859

Ngày 13/01

Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm

(1780-1859)

Thánh Giuse Phạm Trọng Tả

(1800-1859)

Thánh Luca Phạm Trọng Thìn

(1820-1859)

Gia tộc có ba vị anh hùng tử đạo trong một ngày[1] 

---------------------------- 

 

Trong giờ phút cầu nguyện này, chúng ta dâng lên Chúa những tâm tình cảm mến tri ân và ngập tràn vui mừng tự hào; vì từ trong lòng đất Việt, chúng ta có một mẫu gương gia tộc rất đạo hạnh; trong gia tộc ấy ba người Tử Đạo trong cùng một ngày, ba người được phong Chân Phước trong cùng một ngày, ba người được phong Hiển Thánh cũng trong cùng một ngày. Các vị thánh ấy là: Đa Minh Phạm Trọng Khảm; Giuse Phạm Trọng Tả và  Luca Phạm Trọng Thìn.

Ba vị thánh này sống dưới chế độ phong kiến. Đặc điểm chung của chế độ phong kiến là sự phân chia giai cấp, giai cấp thống trị ra sức bóc lột dân nghèo. Gia tộc cụ Đa Minh Phạm Trọng Khảm giàu có nổi bật trong làng Quần Cống, Nam Ðịnh; Cụ Khảm được triều đình cho làm Chánh Án; con trai cụ Khảm là Luca Phạm Viết Thìn (còn gọi là Luca Phạm Trọng Thìn) giữ chức Cai Tổng; người em con của chú là Đa Minh Phạm Trọng Tả cũng là cựu Cai Tổng. Tuy họ thuộc giai cấp trên, giữ những chức vụ quan trọng dưới chế độ phong kiến, nhưng cả ba thành viên trong gia tộc này đều hết lòng bác ái yêu thương dân làng nghèo khổ.


Ba vị thánh này đều là Hội Viên Dòng Ba Đa Minh, là những người phục vụ đắc lực trong Giáo xứ. Mọi người đều công nhận ba vị là người đạo đức, giàu lòng bác ái và nhiệt tình trong những trách vụ chung. Nơi Giáo xứ các vị cộng tác đắc lực với cha xứ trong việc điều hành tổ chức. Nơi xóm làng, các cụ là những người đức độ, quan tâm đến nhu cầu của mọi người, sẵn sàng chia sẻ của cải cho người nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những cuộc bách hại. Gia phả con cháu cụ Án Khảm ghi lại rằng: "Gia nhân phải kiếm người nghèo khó vào ăn chung thì cụ mới ăn cơm..."

Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Đức cha Sampedro Xuyên và ba người khác phải ẩn trốn tại gia tộc của cụ Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn. Ngày nọ, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại. Họ cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi người lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại, dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Quan cho lệnh bắt trói cụ Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn là những giới chức lãnh đạo và một số người khác. Tuy nhiên, tất cả những tù nhân của làng Quần Cống hẹn thề với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn đều bị kết án xử giảo.


Sống trong chế độ phong kiến, giữa lúc giai cấp thống trị ra sức bóc lột dân nghèo, giữa lúc vua ra lệnh bắt đạo gắt gao; Các cụ Án Khảm, Cai Thìn và Cai Tả như những nhân chứng sống động. Đối với các ngài, không chỉ cái chết mới là bằng chứng tình yêu, nhưng là cả cuộc sống của các ngài. Các ngài sống như Chúa và cuối cùng, các ngài cũng bị bắt, cũng bị hành hạ khổ nhục, và bị giết như Chúa. Các ngài xứng đáng với lời chúc phúc của Chúa: “Phúc cho những ai bị bách hại vì chính đạo vì nước trời là của họ”.

Lạy Chúa Giêsu, không phải ai cũng bị hành hạ và chết treo thập giá như Chúa; không phải ai cũng bị buộc bước qua Thánh Giá như ba vị tử đạo anh dũng cha ông của chúng con. Nhưng tất cả chúng con đều được mời gọi hy sinh hằng ngày, tử đạo hằng giờ: trong công sở, chúng con được mời gọi sống chứng tá; nơi gia đình, chúng con được mời gọi hãm dẹp những lời nói xấu, thể hiện những cử chỉ yêu thương. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.

Nguồn: http://daminhrosalima.net/cac-thanh-dong/ngay-1301-thanh-da-minh-kham-giuse-ta-luca-thin-18303.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường
------------------ 
TÌM HIỂU THÊM  VỀ TIỂU SỬ
VÀ HẠNH TÍCH CỦA BA VỊ THÁNH TỬ ĐẠO


---oOo--- 
Ngày 13 tháng 1
Thánh Đaminh PHẠM TRỌNG KHẢM Quan án - (1780-1859)
Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống tại làng Xã Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc Giáo phận Bùi Chu). Thân phụ ông là cụ Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, anh vâng lời song thân kết hôn cùng cô Anrê phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành. Con trai ông là Cai Thìn cũng làm đến chức Chánh Tổng, được mọi người kính nể và kiên trung làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha của mình. Ba người con gái của ông là bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch cũng được đi học như các con trai, nổi tiếng lanh lợi tháo vác.
Khi bị bắt, vợ cụ An Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng vừa là hội viên dòng ba, kiêm chức Trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và lòng nhiệt tình trong những trách vụ. Các thừa sai, cả các Giám Mục cũng biết tiếng và cũng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn. Với giáo xứ cụ cộng tác đắc lực với cha sở trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng cụ là một người đức độ, quan tâm đến nhu cầu mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho kẻ nghèo khó, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ đi lại rằng : "Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm."
Vì sẵn của cải, cụ chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các hẻm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.
Khi quân lính đến bao làng Quần Cống, cụ tập họp mọi người lại, khuyên họ bền chí. Để khích lệ những người nhát đảm, cụ nói : "Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh Giá khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu". Thế rồi cụ bị bắt, và trên đường áp giải những tín hữu "cố chấp" về Nam Định, cụ Án được tách riêng, nhốt ngay trong thuyền của quan để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Nhưng suốt thời gian tù, cụ vẫn là chỗ dựa là nguồn an ủi, là người khích lệ và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho các bạn tù.

NGÀY 13 THÁNG 01
Thánh Giuse PHẠM TRỌNG TẢ Chánh tổng - (1800-1859)
Thánh Luca PHẠM TRỌNG THÌN Chánh tổng - (1820-1859)
Cuộc đời của hai ông Cai Tả, Cai Thìn tuy cách biệt nhau 20 tuổi đời, nhưng đã hòa lẫn với nhau trong cùng bối cảnh lịch sử thời tử đạo, một vị là cựu, một vị là Chánh Tổng làng Quần Cống. Phải làm gì bây giờ chắc chắn hai ông đã phải bàn luận với nhau rất nhiều, để cùng với sự ủy thác của đức Cha Sampedro Xuyên, giám mục giáo phận Trung khi đó, hai ông chọn giải pháp hòa bình bằng phương thế đối thoại. Một mặt với uy tín riêng, các ông trấn an các tín hữu. Mặt khác quan hệ với quan tổng đốc để gợi lên quan tấm lòng nhân ái và quãng đại. Rất tiếc, đường lối đó không đạt như sở nguyện, nên hai ông đã trả giá cho sứ mạng hòa giải bằng chính mạng sống của mình.
Giuse Phạm Trọng Tả sinh khoảng năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân trường tỉnh Nam Định. Cai Tả là anh em thúc bá với thánh Án Khảm, là con Đaminh Phạm Thăng. Khi bị bắt ông đã 60 tuổi, là một kitô hữu đạo đức, một hội viên dòng ba Đaminh và là cựu chánh tổng đã chu toàn chức vụ của mình. Phụ lực với cháu Cai Thìn, ông tìm cách giúp mọi người sống đạo trong hoàn cảnh khó khăn. Gia phả con cháu ghi rằng : "Đầy tớ ông rất đông, chưa tết ông đã đi thăm viếng từng nhà và cho tiền mừng rất hậu. Số tiền ấy thường gấp đôi số quà cáp họ biếu xén ông trong năm. Tiền thóc gia nhân vay mượn ông thường cho một nửa, nếu túng quá thì cho luôn. Công nợ của dân trong làng cũng châm chước như thế. Khi bà cai lên tiếng cằn nhằn, ông thản nhiên trả lời 'mình quên nợ người, Chúa quên tội mình'".
Luca Phạm Trọng Thìn là con trai cụ An Khảm, sinh khoảng năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Như ta đã biết về cụ An Khảm, dưới mái nhà gia giáo và khá giả này, cậu Thìn đã lớn lên trong bầu khí đạo đức, được ăn học thành người. Nhờ trí khôn thông minh nhanh nhẹn và chăm chỉ chuyên cần chẳng bao lâu anh đã "công thành danh toại". Khi bị bắt ông Cai Thìn khoảng 40 tuổi và đang là Chánh Tổng, vừa quyền thế vừa uy tín. Thực ra khi mới lên chức vụ này, vì giao tiếp với quan lại nhiều, có thời kỳ ông có vợ nhỏ là cô Trung người Trà Lũ, nên thờ ơ việc đạo nghĩa (vợ chính ông Cai Thìn là bà Maria Tâm). Nhưng sau nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành tâm sám hối. Từ đó ông trở thành một mẫu gương thánh thiện, một gia trưởng và một hội viên dòng ba Đaminh đạo đức, một thủ lãnh đáng tin cậy.
Năm 1858, tình hình bắt đạo đang gia tăng, và liên quân Pháp-Tây Ban Nha đang đe dọa dân Việt ở Đà Nẵng, vua Tự Đức thêm phẫn nộ ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành các sắc chỉ nhắm vào đạo gia tô. Nhưng thực tế việc thi hành này lệ thuộc nhiều vào các quan địa phương có sốt sắng hay không. Lợi dụng điều đó, Đức Cha Sampedro Xuyên đã ủy thác cho Cai Tả và Cai Thìn trọng trách sứ giả hòa bình, vì cũng thuộc thành phần lãnh đạo, dễ dàng tiếp xúc với cấp trên.
Hiểu ý Đức Cha và nắm tình hình các tín hữu Quần Cống, hai ông đã đến gặp trực tiếp Tổng Đốc Nam Định, xin ông nương tay cho các tín hữu được bình an, và hứa kêu gọi dân chúng trung thành với đức vua. Cuộc thương thuyết sắp thành công, nhưng không ngờ lúc ấy tại Cao Xá, một người vì bất mãn chính sách của nhà vua, đã xúi dục một nhóm người nổi loạn chống lại các quan địa phương. Thế là vị Tổng Đốc liền đổi ý, ra lệnh tiếp tục truy lùng các thừa sai, các đạo trưởng và các giáo hữu có uy tín trong dân. Quan kết án Cai Tả, cai Thìn là lừa dối và tìm dịp để bắt hai ông. Chúng ta sẽ biết cơ hội để quan thực hiện ý đồ đó trong phần sau.
Ba lần ra trước tòa, cả ba lần hai ông đều cương quyết không bước qua Thập Giá, dù bị dọa nạt đánh đập. Khi quan yêu cầu hai ông viết những suy nghĩ của mình lên giấy, Cai Thìn đã viết bảng tuyên xưng Đức Tin rõ rệt và can đảm như : "Tôi là một Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này Luca Thìn".
Ông Cai Tả không cương quyết không xúc phạm Thánh Giá, ông còn khuyên bảo mọi người đừng phạm thứ tội mà ông gọi là "ghê tởm" đó .
Nếu Đức Giêsu Hoàng Tử Bình An đã dùng Thánh Giá khổ nhục để hòa giải nhân loại bạc bẽo với Chúa Cha thì cuối cùng, hai ông Cai Tả và Cai Thìn sẽ mãi mãi là sứ giả Hòa Bình bằng cái chết để chứng tỏ lòng mình luôn trung tín với Thiên Chúa và trung thành với Giáo Hội.
*
Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn 5 cuộc bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhà vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các vị thừa sai Âu Châu và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những kẻ chứa chấp họ. Thế là các Ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này qua làng khác. Quần Cống là một nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là người Công Giáo, và chính họ sẵn sàng đón tiếp các Ngài. Đức cha Sampedro xuyên, đại diện tông tòa giáo phận Trung dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã chủ phong giám mục phó cho Đức cha Valentino Vinh ngày 14-06 tại Ninh Cường, hai cha Riano Hòa và Carrerras Hiển là phụ phong. Sau đó cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ An Khảm, Cai Tả và Nhiêu Côn.
Quan An sát Nam Định được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân lính đến vây bắt. Nhưng cụ An Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng. Đức cha Vinh và hai Linh mục qua làng Trà Lũ. Đức cha Xuyên đi qua Kiên Lao (ngày 08-07 mới bị bắt). Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng : "Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng : người nào quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng." Rồi cụ tụ tập dân lại khích lệ họ.
Sau đó, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và rồi gọi cụ An Khảm ra trình diện và nói : "Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây dương và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng. Nếu bất tuân lão sẽ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ bị thiêu hủy, còn chính lão sẽ bị kết tội chống cưỡng nhà vua." Cụ An Khảm hết sức bình tĩnh vì biết chắc các thừa sai đã trốn xa rồi, cụ mạnh bạo trả lời : "Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được."
Thế là quân lính chia nhau lục soát khắp cả nhà, dĩ nhiên là không tìm thấy một linh mục. Nhưng lính lại phát hiện được một số tượng ảnh, áo lễ nên chủ nhà bị kết tội là chứa chấp đạo trưởng. Cụ An đã đứng ra nhận là mình đã mua những thứ đó. Tuy vậy quan vẫn ra lệnh bắt trói cả nhà.
Trở lại nơi tập trung dân làng, quan An sát cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi người lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão có lẽ vì quá sợ, run rẩy tiến lên vài bước, định thi hành lệnh quan, nhưng cụ An nhanh chân hơn cản lại và khiển trách. Viên quan tức giận quát lên rằng : "Ta sẽ mất chức nếu không kết tội được An Khảm và bọn người vô phúc này." Thế rồi quan lại bắt trói An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định, riêng cụ An được chở đi trong thuyền của quan.

Chúng tôi được nước Thiên Đàng
Về tới Nam Định, hai cha con cụ An Khảm được gặp nhau trong những lần ra tòa, và sau này được giam chung. Hai cha con vui mừng và xúc động khuyến khích nhau chịu khổ vì lòng kính mến Chúa Kitô.
Tất cả những tù nhân Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ An Khảm đã nhiều lần đại diện cả nhóm trả lời với quan, đã tìm cách giảng giải giáo lý trong đạo.
Một hôm sau khi bắt được Đức Cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức Cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không dấu được niềm vui gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy thế quan phỏng đoán và kết tội các ông chứa chấp vị thừa sai này. Tuy thực sự Đức Cha đã ở nhà mình, cụ An Khảm tìm cách trả lời chung chung : "Là người tín hữu, chúng tôi tôn kính và yêu mến bất cứ một linh mục nào, dù chưa hề quen biết."
Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị đều bị kết án xử giảo. Ông Cai Thìn hỏi lại án đã kết tội gì, quan cho hay là tội chống lại nhà vua. Ông Thìn cực lực phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được viết thêm bốn chữ "bất khẳng quá khóa"; nghĩa là tội không chịu bước qua Thập Giá. Các ông vui mừng hân hoan vì được chết cho Đức Kitô. Và trong những ngày còn lại, các ông chuẩn bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo.
Ba vị chứng nhân đức tin đã cảm nghiệm sâu xa lời Đức Kitô chúc phúc cho những người bách hại vì danh Ngài. Đối với ba vị, bị bắt chịu khổ nhục, bị giết vì danh Đức Kitô là niềm vinh phúc lớn lao. Các vị đã hân hoan đón chờ nó, đồng thời khích lệ an ủi các tín hữu khác. Và khi nghe báo giờ xử tử đã tới, cụ An Khảm vui vẻ nói với mọi người : "Cha con chúng tôi hôm nay được nước Thiên Đàng". Cả ba vị đã sẵn sàng giã từ trần gian để về hợp đoàn với hàng ngũ các thánh Tử Đạo, và mở rộng đôi tay đón nhận phần thưởng vinh phúc Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của Ngài.
Ngày 13-01-1859, ngoài ba vị An Khảm, Cai Tả và Cai Thìn còn có bảy giáo hữu làng Quần Cống khác được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi các vị lớn tiếng đọc kinh. Đến nơi xử các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và nhiều lần kinh Ăn Năn Tội chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu Chúa Giêsu.
Quân lính mạnh tay xô các vị té ngửa trên đất, rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi người bị hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống rước các vị đưa về quê mình, và tổ chức an táng trọng thể.
Đức Piô XII đã suy tôn ba anh hùng tử đạo : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả, Luca Phạm Trọng Thìn lên bậc chân phước ngày 29-04-1951. Ngày 19-06-2002, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các Ngài lên hàng hiển thánh.
-------------------- 
Nguồn: http://hddmvn.net/tusach/tusach/117tdvn/kham-gd.htm
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường ( 13-01-2018)

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Hãy là ánh sao nhỏ - Suy niệm Lễ Hiển Linh, năm B 7-1-2018


A. DẪN NHẬP
Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh có những điểm giống nhau: lễ Giáng sinh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái qua các mục đồng ; còn lễ Hiển Linh Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua các vị đạo sĩ là đại diện. Thánh Phaolô cho tín hữu Êphêsô biết rằng Thiên Chúa mới mạc khải “mầu nhiệm” được giữ kín từ lâu. Mầu nhiệm ấy là hết mọi dân tộc trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
Những bài học của ngày lễ hôm nay thôi thúc chúng ta hãy trở thành những người nhiệt tâm thâu họp muôn dân về với Đức Kitô, không phân biệt mầu da, chủng tộc hay văn hóa, hầu tạo thành dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể của Chúa”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1Is 60,1-6
Dân Israel phải đi lưu đầy ở Babylon 70 năm. Mặc dầu đang sống trong cảnh lưu đầy, tiên tri Isaia đã mơ thấy ngày hồi hương. Thành Thánh được tái thiết, Đền thờ được xây dựng lại, mọi dân tộc từng đoàn lũ tiến về ánh sáng rực rỡ trên thành. Trong khi cả trái đất chìm ngập trong tăm tối, thì Giêrusalem lại bừng sáng, nơi thu hút muôn dân, vì có Chúa là ánh sáng đang ngự đó.
Đây là mơ ước của tiên tri Isaia, nhưng Giêrusalem đâu có được đúng như Isaia mơ ước. Giêrusalem đích thực, chính là Hội thánh được Đức Giêsu thiết lập. Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thâu họp lại bởi Hội thánh và trong Hội thánh để trở  thành Dân Thiên Chúa.
+ Bài đọc 2Ep 3,2-6
Trong đoạn thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô, Ngài cho biết Thiên Chúa ủy thác cho Ngài loan báo cho họ biết một mầu nhiệm đã được giữ kín từ lâu mà nay Thiên Chúa đã dùng Thần  Khí mà mạc khải cho các Tông đồ và ngôn sứ của Ngài. Mầu nhiệm đó là: hết mọi dân trên địa cầu đều được kêu mời hưởng nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
Chính Đức Kitô đã mặc khải mầu nhiệm sâu kín đó cho các môn đệ và trao cho các ông  loan báo cho toàn thế giới biết. Kể từ đó, mọi dân nước đều được mời gọi trở thành Dân Thiên Chúa mà thánh Phaolô gọi là: “Thân thể của Chúa”.

+ Bài Tin mừngMt 2,1-12
Thánh Matthêu cho chúng ta biết: Khi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, miền Giuđê, có mấy vị chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế qua sự xuất hiện của ngôi sao lạ. Nhiều người gọi những nhà chiêm tinh này là những “đạo sĩ”. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon, phía đông xứ Palestine. Họ tin tưởng rằng, ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng Cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao chỉ dẫn và tìm đến Đấng Cứu thế mà dân Do thái đang mong chờ.
Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi họ không khỏi gặp những gian lao thử thách, nhất là lúc ngôi sao vụt tắt khi các ông đến Giêrusalem. Nhưng nhờ sợ kiên trì và can đảm, ánh sao đã xuất hiện lại và đã dẫn họ đến chiêm bái Chúa Cứu thế.
Như thế, những người ngoại quốc tức thế giới ngoại giáo đã khám phá ra Đức Kitô, trong khi những người Do thái, tuy đã được các tiên tri báo trước, vẫn có thái độ dửng dưng hiềm thù và từ chối Đấng Cứu thế. Như thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Sức mạnh của một cây nến
I. HAI NGÀY LỄ SONG SONG
Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển Linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng Sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thổ lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bày. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại. Vì thế, lễ này được gọi là “Lễ của Chư Dân”.
Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn  qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài Nhi. 
II. CÁC ĐẠO SĨ ĐI TÌM CHÚA
1. Các “đạo sĩ” là ai?
Người ta cho rằng các “đạo sĩ” (magi) là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Có người lại cho rằng “đạo sĩ” là tên gọi các Tư tế Ba tư, nhưng thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh. Dựa theo lễ vật, người ta đoán có ba đạo sĩ đến gặp Hài nhi Giêsu.
Đối với chúng ta, dường như việc các đạo sĩ từ Đông phương lên đường đi tìm vua là một việc khác thường. Nhưng thật lạ lùng, ngay lúc Chúa Giêsu Giáng sinh, trong thế giới bấy giờ cũng có những sự ngưỡng vọng kỳ lạ về một vị vua sẽ đến. Về điều này sử gia Suetonus của La mã đã viết: “Khắp Đông phương có một niềm tin phổ thông rằng vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế gian”.
Còn Josephus, sử gia Do Thái viết: “Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xảy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa nung nấu lòng người. Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.

2. Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi
Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: “Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau. Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”. Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi?
Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông”(Mt 2,2). Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì  tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra  sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).
Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách, nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài nhi.
3. Lễ vật dâng Chúa Hài nhi
Khi ngôi sao dừng lại trên nhà Hài nhi “các ông vào nhà, thấy Hài nhi với Thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bao tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược  dâng tiến” (Mt 2,11-12).
Những lễ vật này đều có ý nghĩa tượng trưng.
a) Vàng: Ông Seneca cho biết chẳng ai vào chầu vua mà không có lễ vật. Ngày xưa người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Chúa Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ.
 b) Nhũ hương: Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương trong việc phụng tự và trong việc dâng lễ vật. Hương thơm và làn khói bay lên  trời cao, khiến họ liên tưởng đến thần linh, đến Thiên Chúa. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho thần tính của Đức Giêsu. Chức vụ tư tế sẽ là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.
 c) Mộc dược: Ngày xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì thế, món quà bằng mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nó nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng dòn, dễ bị thương tổn vì Ngài là người như chúng ta.

III. LỄ HIỂN LINH VÀ CHÚNG TA
 1Cuộc hành trình đức tin
Cuộc hành trình của các đạo sĩ được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Trong cuộc hành trình cũng có những bước thăng trầm: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc vụt biến mất. Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì tiến bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.
Nhưng đức tin của chúng ta  phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết”. Nhiều khi chúng ta phải can trường lướt thắng bản thân, phải liên lỉ chiến đấu hy sinh, phải anh dũng biểu lộ lòng tin.
Đức hồng y Fulton Sheen khẳng định: “Để trắc nghiệm đức tin của chúng ta, cần phải xem phản ứng trước đau khổ và thử thách, chứ không phải là lúc đời lên hương, thuận buồm xuôi gió”.
Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
2. Món quà dâng Chúa.
Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi 3 lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao qúi hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả.
------------------- 
Truyện: Vị đạo sĩ thứ tư
Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh họa cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài.
Bởi vì trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc quí giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai  thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.
Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông: “Con đã dâng cho Ta món quà qúi giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.
3. Hãy là một ánh sao
a) Hiển linh và truyền giáo
Lễ Hiển linh là lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhắc chúng ta đến việc truyền giáo. Nhờ ngôi sao mà các đạo sĩ đã tìm ra Chúa Cứu thế; chúng ta cũng hãy là những ánh sao sáng thu hút những tâm hồn đang khao khát tìm kiếm Chúa.
Những gì được Đức Giêsu  khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết “Tin Mừng” này là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử, không phải chỉ để cứu độ người Do thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại nữa.
b) Hãy là ánh sáng trần gian
Chúa Giêsu đã bảo chúng ta: “Các con là ánh sáng trần gian” (Mt 5,14) thì đó là một vinh dự vô cùng lớn lao, nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề.
Nếu thế gian đang đi trong bóng tối của giả dối, hận thù; chúng ta hãy là những ánh sao chân thành, phục vụ và yêu thương.
Nếu thế gian đang chìm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng; chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.
Chúng ta đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng: nến sáng của tin yêu và hy vọng, của bác ái và vị tha, để cả trái đất này tràn ngập ánh sáng tình yêu Chúa.
-------------- 
Truyện: Ánh sáng lan tỏa
Truyện cổ của người Phi châu có một câu chuyện rất hay:
Một cụ già nọ có ba người con trai, ông yêu thương tất cả các con như nhau. Tuy không xuất thân từ gia đình giầu có nhưng với sự khôn ngoan và cần cù làm việc, ông đã tậu được những mảnh đất rất phì nhiêu. Khi đã về già, biết mình đã gần đất xa trời, ông muốn để phần gia tài cho người con nào thông minh và khôn ngoan.
Một hôm, đang trên giường bệnh, ông nghĩ ra một cách thử xem ai là người thông minh và khôn ngoan nhất. Ông gọi ba người con đến trao cho mỗi người 5 đồng và bảo họ đi mua bất cứ cái gì có thể làm đầy trong phòng khách gần như trống rỗng. Mỗi người nhận tiền rồi ra đi.
Người con trưởng nghĩ là việc quá dễ dàng nên ra chợ mua ngay một bó rơm với giá 5 đồng. Người con thứ hai sau một lúc suy nghĩ liền vào tiệm mua một túi lông gà với những mầu sắc trông rất đẹp mắt. Còn người con út chậm rải đi khắp các cửa tiệm vừa đi vừa suy nghĩ đắn đo. Một lúc sau mắt cậu sáng lên, cậu đã tìm ra vật vừa rẻ tiền lại vừa đẹp ý cha mình. Cậu bước vào một tiệm nhỏ bé và hỏi mua một cây nến với một bao diêm. Cậu sung sướng trở về nhà, trong lòng phân vân không biết hai anh đã mua những gì rồi.
Ngày hôm sau, cả ba người con đến bên giường của cha, mỗi người đem theo những gì đã mua được với 5 đồng. Người con cả đem bó rơm trải trên sàn nhà, nhưng chỉ đủ phủ kín  một góc phòng mà thôi. Người con thứ mở túi lông gà nhiều mầu sắc, nhưng cũng chỉ đủ rải rác qua loa. Người cha nhìn hai người con lớn với nét mặt buồn buồn, rồi ông quay sang hỏi người con út xem đã mua được cái gì khá hơn chăng? Cậu bé rút ra cây nến với bao diêm. Bật diêm lên đốt, vừa đốt cây nến lên lập tức ánh sáng phủ đầy khắp căn phòng.
Cha với hai anh mỉm cười nhìn cậu sung sướng, cha cậu rất  hài lòng với sự lựa chọn của cậu út. Ông chia phần gia tài lớn nhất cho cậu, bởi vì ông hiểu rằng cậu là người thông minh hơn cả, sẽ biết tận dụng gia tài để lại cho cậu.
Câu chuyện cổ của người Phi châu này giúp ta chúng ta nghĩ đến vai trò của ánh sáng. Chúa Giêsu là ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Đã là ánh sáng thì phải lan tỏa khắp nơi. Người tín hữu Kitô phải đem ánh sáng của chân lý, của sự thật để soi sáng những ai còn ngồi trong bóng tối u mê, của ngờ vực và của kém lòng tin. Hãy thắp lên một tia sáng tình thương đầy hy vọng cho những người chung quanh chúng ta.
c) Ít ra là một ngọn nến nhỏ
Nếu chúng ta thấy mình yếu đuối, kém cỏi làm sao có thể là ánh sáng chiếu toả và soi sáng cho những người chung quanh, thì ít ra chúng ta cố gắng trở thành một ngọn nến nhỏ soi sáng trong đêm tối. Ngọn nến nhỏ của chúng ta cứ việc chiếu sáng trong đêm tối, còn việc chiếu sáng đến mức nào, việc ấy ta để dành cho Chúa.  Với sự trợ giúp của ơn Chúa, ngọn nến của đời  ta sẽ có thể chiếu sáng rộng rãi.
--------------------- 
Truyện: Sứ mệnh của một ngọn nến nhỏ
Vào một đêm mưa rào, ngọn đèn hải đăng bị mất điện tắt ngúm. Người phụ trách hải đăng vội vã đốt lên một cây nến nhỏ và cầm cây nến theo đường cầu thang leo lên sân thượng để đốt đèn lên.  Bấy giờ cây nến mới lên tiếng hỏi người phụ trách rằng:
– Ông đem tôi đi đâu vậy?
Ông ta trả lời:
– Ta mang nhà ngươi lên sân thượng để chiếu sáng giúp tầu bè từ ngoài khơi biết đường trở về và cập bến an toàn.
Cây nến lại nói:
– Nhưng tôi chỉ là cây nến nhỏ bé thế này thì tầu bè ở tận ngoài khơi làm sao nhìn thấy ánh sáng của tôi được?
Người phụ trách trả lời:
– Bây giờ ta chỉ cần nhà ngươi đừng bị gió thổi tắt là được. Còn các chuyện khác thì đã có ta lo liệu.
Khi cả hai leo lên đến nơi, thì người phụ trách đã dùng cây nến châm lửa và trong giây lát ánh sáng từ cây đèn lồng rực lên chiếu tỏa ra chung quanh. Chiếc đèn lồng này đã được thiết kế để khi cần có thể sử dụng thay bóng đèn điện. Ánh sáng của nó có sức chiếu ra tận ngoài khơi, hầu giúp tầu bè dễ dàng định hướng để quay về cập bến an tòan.
Mỗi người chúng ta cũng là một cây nến nhỏ trong bàn tay Chúa quan phòng. Bổn phận của chúng ta là phải làm hết khả năng Chúa ban và phó thác kết quả vào trong tay Chúa định liệu.
Để kết thúc, chúng ta hãy suy nghĩ về câu nói của L. Éliot:
Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong giáo lý Năm Thánh 2000 có viết: “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc hiển linh trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Nguồn: http://cursilloxuanlocvn.com/suy-niem-le-hien-linh-nam-b-hay-la-anh-sao-nho/
Sưu tầm: P.Mai Tự Cường
----------------- 
VIDEO THÁNH CA GIÁNG SINH:

ÁNH SAO XƯA - Trần Hùng Dũng