Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Ở lại với Người - Suy niệm Lời Chúa CN II TN / B 14-1-2018

Hãy đến mà xem!
Tin mừng Ga 1: 35-42: Chúa Giêsu hỏi : Các ngươi tìm gì? Họ thưa: Thưa Ráp-bi (nghĩa là lạy Thầy), Thầy đi đâu ?”  Người đáp : “Hãy đến mà xem.”  Và họ đã đến xem chỗ của Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy...

Kính thưa Cộng Đoàn.

Trong trang Tin Mừng, có thể ta nói rằng rất ngắn mà Thánh Gioan thuật lại . Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo CHÚA Giêsu đang đi và nói: «Đây là Chiên THIÊN CHÚA». Hai môn đệ nghe ông nói và rồi liền đi theo CHÚA Giêsu. Thấy một cách rất lạ lùng khi người ta đi theo mình , thì Chúa Giêsu hỏi : Các ngươi tìm gì? Họ thưa: Thưa Ráp-bi (nghĩa là lạy Thầy), Thầy đi đâu ?”  Người đáp : “Hãy đến mà xem.”  Và họ đã đến xem chỗ của Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. 

 Sau đó chúng ta thấy các môn để đó, đã đi theo Chúa Giêsu suốt cả cuộc đời của mình. Có nghĩa là ở lại với Chúa Giêsu, ở trong với Chúa Giêsu không phải ngày hôm nay, ngày hôm ấy,  mà là suốt cả cuộc đời và chúng ta thấy: cái cái động từ ở lại mang rất nhiều nghĩa phong phú. Nó diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời của con người và cách riêng là  cuộc đời người Kitô hữu. 

Ở trong thánh sử Gioan, và trong cái thư của mình nữa, thì ngài đã sử dụng cái động từ này 68 lần trên tổng số 118 lần của Tân Ước. Và chúng ta  thấy đây là cái tâm tình rất là tuyệt vời, mà Chúa Giêsu cũng như các môn đệ muốn bày tỏ. Trước khi Chúa Giêsu đi xa,  thì Chúa Giêsu mời gọi các Môn Đệ:  «Hãy ở lại trong tình yêu của thầy», và ngày hôm nay các môn đệ đã ở lại với thầy của mình.

Nói tới đây con nhớ đến cuộc đời của một vị linh mục rất là tuyệt vời!  Linh mục ấy là linh mục Pierre-Antoine Alaimo 44 tuổi. Thì ở tại nhà thờ Đức Bà phù hộ ở Nice, miền bắc nước Pháp,  thì đức cha Andre Micro đã truyền chức phó tế cho thầy trước khi lãnh sứ vụ linh mục.  44 tuổi mới lãnh sứ vụ phó tế thì phải nói đây là một ơn gọi rất là muộn của một người đã trải qua nhiều kinh nghiệm khác nhau, kể cả trong quân đội, kể cả cái cuộc sống lam lũ vất vả của mình. Thì thầy phó tế kể lại rằng là:  cuộc đời của thầy rất là khó khăn. Thầy sinh năm 1971 và lớn lên ở thành phố Grenoble nhưng rồi sau đó rời quê hương năm 18 tuổi, và rồi Chúa đưa thầy đến Alpes-Maritimes và sau cùng dừng chân ở thành phố thuộc giáo phận Nice.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên là 16 tuổi thì thầy sáu đã phải rời gia đình để đi làm trong tiệm bánh ngọt và rồi công việc ở đây thì quá nhiều, để rồi mất lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng và những ngày cuối tuần. Sau đó thì đành phải nghỉ việc để mà đi  làm thợ hồ, thợ thạch cao, rồi làm người hầu bàn, rồi làm đầu bếp. Cho đến năm 22 tuổi thì thầy đi lính. Thầy kể lại là ban đầu thì thầy muốn trốn lính, nhưng rồi thầy thi hành nghĩa vụ quân sự và sau một năm rưỡi thì ghi danh gia nhập vào đội binh, ở lại đó phục vụ 10 năm.  

Thời gian này thì thầy khám phá ra nhiều hạng người khác nhau, từ những người đến từ những nước gọi là Đông Âu và chính những người này đã để lại ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời của thầy qua những năm tháng khá khó khăn. Họ có những cái cách suy nghĩ và hành động khác nhau và đặc biệt để lại cho thầy cái tình huynh đệ chi binh thật cao cả trong quân đội. Và người ta thường nói rằng là làm lính một ngày là làm lính mãi mãi. Và thật vậy, khi mà một người lính rời khỏi quân ngũ thì khi mà đã khoác áo lính thì suốt đời vẫn là lính. Nhìn lại cuộc đời của mình thì thầy 6 cảm thấy mình đã có đủ thứ nghề. Và rồi một cái ơn hoán cải đến rất bất ngờ. Trong quân đội khi mà thầy bị thương ở khuỷu tay nên  được chuyển vào làm quán bar giải khát.

Bỗng một hôm có một người bạn đưa cho thầy cái quyển sách là « Niềm vui tri thức» của triết gia người ĐỨC Friedrich Nietzsche (1844- 1900) rồi khi mà thầy đọc sách thì thầy cũng không biết ông là một triết gia bài trừ Kitô Giáo.  Và rồi đến một buổi chiều ngày nọ, khoảng 3 giờ chiều thầy thấy một sĩ quan bước vào quán bar và với cái vóc dáng và điệu bộ bên ngoài và đặc biệt với các nhánh ôliu luôn gắn trước ngực thì thầy biết đây là linh mục.

Linh mục ấy người Pháp và thầy có thiện cảm ngay với ngài, khi mà ngài gặp thầy và thầy mời ngài dùng ly cà phê. Và rồi vị linh mục ấy đã mở lời với thầy sáu: - một hạ sĩ Lê dương mà đọc sách của triết gia Nietzsche  là điều tôi chưa từng thấy nếu mà anh thích đọc loại sách này thì chúng ta có thể gặp riêng để hàn huyên. Và rồi thầy đã chấp nhận lời đề nghị và nhờ qua cha, thầy đã khám phá ra cuộc đời có nhiều cái đẹp mà nhiều cái đẹp lúc đó chưa hề biết. Sự kiện này thì để cho thầy sống, thầy mở lòng ra từ giây phút ấy. Từ lúc thầy  gặp cha thì thầy thay đổi và thầy thường xuyên đến gặp cha tuyên úy của mình.

Cha bắt đầu dạy giáo lý cho thầy và cùng với nhau uống một ly Whisky và hãy kể lại đây là một kinh nghiệm, một kỷ niệm khó quên giúp cho thầy xây dựng đời sống tâm linh của thầy trong vòng 3 năm. Và sau khi rời quân ngũ đến phục vụ buổi tối cho người nghèo nơi khu phố Arien của thành phố Nice do hội từ thiện MIR tổ chức. Đến đây thầy lại gặp cha Patrick Bruzzone và thầy đã làm việc trong hội từ thiện này một năm.

Phục vụ với người nghèo và phục vụ những người không nhà không cửa và qua hành trình phục vụ này thầy đã tự nhủ rằng: có lẽ mình được ơn kêu gọi trở thành linh mục để phục vụ người nghèo, để hiến dâng cho người nghèo. Và khi phục vụ cho người nghèo thì thầy mới nhận ra rằng, khám phá rằng chính người nghèo đã ban tặng cho chúng ta Đức Giêsu Kitô. Và rồi chính vì cái gặp gỡ người nghèo này đã làm cho cuộc đời của thầy thay đổi. Và thầy bỏ nghề nhà binh để đi theo Chúa trong đời tận hiến làm linh mục. 

Chúng ta thấy một Giêsu vẫn sống giữa cuộc đời này, nơi người nghèo, nơi những người cô thế, cô thân, đặc biệt đó!  Để rồi, thầy sáu đã cảm nhận được, thầy sáu Alaimo đã cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người nghèo và đã đổi đời. Rõ ràng là trong cái hoàn cảnh sống, thầy Alaimo đã gặp được cha tuyên úy, rồi gặp được một cha phục vụ người nghèo, và nơi đó thầy bắt gặp được hình ảnh của Chúa Giêsu. Và chính các môn đệ ngày xưa cũng vậy, đã đến và ở lại với Chúa Giêsu và đã phát hiện ra, đã gặp ra một tình yêu Giêsu. Và thầy sáu, Alaimo  cũng đã gặp được Chúa Giêsu nơi vị linh mục tuyên úy và nơi linh mục phục vụ cho người nghèo. 

Việc quan trọng là cuộc đời của chúng ta, chúng ta có chấp nhận để lên đường để bỏ đi tất cả những cái gọi là bám víu cuộc đời của mình, kể cả cái nghề nghiệp của mình, để mà đi theo Chúa Giêsu, đã đến và ở lại với Chúa Giêsu hay không ?

Và khi mà mình ở lại với Chúa Giêsu thì mình sẽ khám phá ra một tình yêu Giêsu. Và Chúa Giêsu đã mời gọi:  “ Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

Và Ngài cũng đề nghị một giới răn là giới răn yêu thương: Đây là giới răn của thầy : “ Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em.” chúng ta không chỉ hiệp thông với Chúa mà còn hiệp thông với anh chị em bằng tình yêu nhân loại, bằng tình mến sống động cho tình mến Chúa.

Thánh Gioan nói rõ rằng: Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.

Ai yêu thương anh em mình thì lại ở trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.(1 Ga 2: 9- 10)

Và rồi chúng ta thấy giới răn yêu thương là cốt lõi của người Công Giáo, của đạo Công Giáo. Nhờ yêu thương mà người ta nhận ra chúng ta là Môn Đệ của Chúa. Giữa một xã hội đầy tội ác, đầy tham nhũng, đầy dối trá, rất cần chứng tá tình yêu của Chúa Giêsu, cần chứng tá của chúng ta.

Và những ước mong rằng, mỗi người chúng ta hãy ở lại với Chúa Giêsu để cảm nhận sự tình yêu của Chúa Giêsu  như các môn đệ, như thầy sáu và sau này là linh mục Alaimo.  Chúng ta đáp lại cái ơn gọi, cái lời gọi của Chúa nơi chúng ta như thế nào? Cái câu trả lời ấy, mỗi người chúng ta trả lời với Chúa như thế nào, để rồi trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta có đến và ở lại trong thầy hay không; nhiều lần nhiều lúc chúng ta lăn tăn nhiều chuyện quá chúng ta làm lăn tăn quá nhiều chuyện để chúng ta không có giờ dành cho Chúa, để chúng ta không cảm nghiệm được Tình Yêu mà Chúa dành cho mọi người chúng ta. Tình Yêu phát xuất từ sự ở lại. 

Chúng ta thấy 1 thánh Têrêsa Calcutta, dẫu rằng bận bịu với biết bao nhiêu công việc của người nghèo nhưng mẹ Têrêsa Calcutta vẫn ở lại dưới chân của Chúa khi mẹ đi làm việc bác ái . 

Và với thánh giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, biết bao nhiêu công việc của Giáo Hội trên cương vị là một vị giáo hoàng, nhưng rồi Thánh Gioan Phaolô 2 vẫn ngồi dưới chân Chúa lắng nghe tiếng Chúa để nghe Chúa nói với mình. 

Đặc biệt thánh Vinh Sơn Đệ Phaolô chỉ lo cho người nghèo cũng vậy.  Biết là bao nhiêu việc lo cho người nghèo nhưng ngài vẫn dành giờ ngồi dưới chân Chúa. 

Hay là thánh Anphongsô, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế cũng vậy. Mỗi ngày, ngài dành 8 tiếng đồng hồ để ngồi dưới chân Chúa để mà ở lại trong tình yêu của Chúa. 

Và chính Tình yêu cứ phát xuất tình yêu. Và chúng ta thấy người nào càng kết hợp với Chúa thì lại càng cảm nhận được cái tình yêu Chúa . Và khi đó lại chia sẻ tình yêu Chúa cho người khác.  

Còn khi chúng ta quá ồn ào, chúng ta quá náo nhiệt, chúng ta quá lăn tăn, chúng ta hoạt động nhiều quá! chúng ta hoạt náo nhiều quá! Chúng ta không có chắc chúng ta không ở lại trong tình yêu của thầy như không sinh hoa kết quả như Chúa nói: Anh em hãy ở lại với thầy ! Anh em hãy gắn bó với thầy , như cành nho gắn bó với cây nho và như thế sẽ sinh ra nhiều hoa quả”.  

 Ngày hôm nay khi nhìn lại gương của các môn đệ khi đã bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu, đi tìm Chúa Giêsu, đến ở lại với Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta biết bớt bỏ những lo toan của cuộc đời, những gánh nặng của cuộc đời, để chúng ta đến với Chúa! để chúng ta tìm được cái sự bình an trong Chúa đích thực! 

Như các môn đệ tìm được sự bình an, như mẹ thánh Têrêsa, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, Thánh Vinh Sơn Phaolô. Chỉ khi chúng ta ở lại trong Chúa, chúng ta kết hợp trong Chúa thì chúng ta mới có  bình an thật sự. Và khi đó chúng ta mới có một tình yêu Chúa thật sự . Amen.


Huệ Minh
----------------------- 
Nguồn: https://giaophanphucuong.org/suy-niem-chua-nhat/den-va-o-lai---suy-niem-chua-nhat-ii-thuong-nien-b-10281.html
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét