Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Tình yêu không trì hoãn - Chúa Nhật Lễ Chúa Phục sinh năm C



Lời Chúa: Ga 20, 1-9
 
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20,1)


Suy niệm: 
Niềm xác tín của các Tông đồ vào sự Phục sinh của Đức Kitô dựa trên hai kinh nghiệm; có thể nói là chúng hình thành nên “hai giai đoạn.”
Trước tiên, việc khám phá ngôi mộ trống là mặc khải gây choáng váng đầu tiên, phải nói là kinh nghiệm về sự “trống rỗng”; kinh nghiệm này đã mở đôi mắt của họ và khai lòng mở trí họ để hiểu Kinh Thánh.
Tiếp đó, ngay từ cùng ngày hôm đó, “những lần hiện ra” của Đức Giêsu mang đến bằng chứng khả giác về một con người thực sự đang sống, tuy nhiên, các môn đệ không thể nào thấu hiểu mầu nhiệm tôn vinh của Ngài. Nhưng thân xác của Đấng Phục sinh rõ ràng là thân xác đã biến mất khỏi ngôi mộ, thân xác mang lấy những dấu đinh cuộc tử nạn của Ngài. Vì thế, không cốt là một bóng ma, không là một hình hài giả tạo. Hai kinh nghiệm tăng cường cho nhau, bổ túc cho nhau. Các Tông đồ làm chứng về niềm xác tín tuyệt đối của mình cho đến phải hy sinh tính mạng của mình.

1. Ngày thứ nhất trong tuần
Từ cuộc khám phá ngôi mộ trống, Tin Mừng Thứ Tư tường thuật cho chúng ta một câu chuyện sống động, chính xác, câu chuyện của nhân chứng nhãn tiền. Và như luôn luôn trong Tin Mừng Gioan, những chi tiết mặc khải những ý nghĩa thâm sâu.
Ngày Sabát đã chấm dứt vào buổi chiều hôm qua, vì thế, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã bắt đầu, Ngày Thứ Nhất này sẽ trở thành ngày Chúa Nhật của chúng ta, “Ngày của Chúa,” nói chính xác vì đó là ngày Chúa Phục sinh. Thánh Gioan nói: “Sáng sớm, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ.” Bà Maria Mácđala là một trong các người phụ nữ đã lấy của cải của mình mà giúp Đức Giêsu và các môn đệ Ngài trong những cuộc hành trình của Ngài (Lc 8, 1-3); cùng với Đức Trinh Nữ, bà can đảm đứng bên Thập Giá vào những giây phút sau cùng của Đức Giêsu (Ga 19, 25), và bà đã đế ý nhìn ngôi mộ và xem xác Ngài được đặt như thế nào (Lc 23, 55). Bây giờ, sau ngày hưu lễ, bà đi viếng mộ. Tin Mừng chỉ cho thấy rằng bà ra đi đến mộ sáng sớm “lúc trời còn tối”: tình yêu và niềm tôn kính của bà khiến bà ra đi không trì hoãn để được ở bên cạnh thi thể của Chúa chúng ta.

2. Bà Maria Mácđala
Thánh Gioan chỉ nêu tên một mình bà Maria Mácđala, tuy nhiên, tự văn bản, xem ra còn có các bà khác cùng đồng hành với người phụ nữ nầy, vì bà Maria Mácđala nói: “Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Quả thật, thánh Mátthêu kể ra hai người: bà Maria Mácđala và một bà khác cùng tên là Maria (Mt 28,1), còn thánh Máccô kể ra ba: bà Maria Mácđala, bà Maria, mẹ của ông Giacôbê, và bà Salômê (Mc 16,1), theo thánh Luca, còn có nhiều hơn nữa (Lc 24,1) ; nhưng bà Maria Mácđala luôn luôn được trưng dẫn.
Tại sao bà Maria Mácđala được nêu tên duy nhất? Chắc chắn vì trong số các bà trung thành này, kỷ niệm của người phụ nữ này đặc biệt nhất (thánh Gioan viết Tin Mừng của mình với một hoài niệm nào đó); và vì chính bà là người được ân ban đón nhận lần hiện ra đầu tiên trong số các lần hiện ra của Đấng Phục sinh mà các sách Tin Mừng kể ra.

3. Thánh Phêrô và thánh Gioan
Khi bà Maria Mácđala loan báo cho hai ông Phêrô và Gioan, hai ông có thể cư ngụ dưới cùng một mái nhà. Cả hai ông thường được nêu tên cùng nhau và hoạt động cùng nhau (Cv 3,1-11 ; 4,1-22). Họ đã là hai nhân chứng về cuộc Biến Hình, chắc chắn kinh nghiệm này giúp họ hiểu biến cố mà họ trải qua vào sáng nay.
Thánh Phêrô thì lớn tuổi hơn, vì thế ông không thể chạy theo kịp thánh Gioan. Thánh Gioan đến mộ trước nhưng chỉ đứng ngoài mà liếc nhìn vào bên trong ngôi mộ. Để tỏ lòng kính trọng người lớn tuổi, thánh Gioan đứng đợi và nhường cho thánh Phêrô vào mộ đầu tiên; thánh nhân nhận ra ở nơi thánh Phêrô địa vị cao hơn. Quyền lãnh đạo của thánh Phêrô đối với các Tông đồ sẽ được khẳng định chỉ sau khi gặp gỡ Đấng Phục sinh bên bờ hồ Tibêria (Phêrô, con có yêu mến Thầy?), nhưng được hàm chứa rồi ở nơi việc đổi tên mà Đức Giêsu đã ban cho thánh Phêrô: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy…”
Tin Mừng Thứ Tư làm rõ ra rằng dù các người phụ nữ, đặc biệt bà Maria Mácđala, đến mộ trước tiên, các Tông đồ là những người đầu tiên đi vào trong ngôi mộ và chứng kiến ngôi mộ trống, bằng chứng đầu tiên về việc Đức Giêsu phục sinh. Điều này rất quan trọng, vì theo luật Do Thái, một sự kiện chỉ được chứng thực nếu có tối thiểu hai nhân chứng. Một ngày kia, Đức Giêsu đã nhắc lại luật này cho những người Pharisêu: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8,17). Ngoài ra, theo Luật, lời chứng của các người phụ nữ thì không có giá trị.

4. Khăn và vải liệm được xếp đặt ngăn nắp
Không chỉ chứng kiến ngôi mộ trống, cảnh tượng băng vải còn ở đó và khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi càng đánh động sâu xa các Tông đồ. Nếu thi thể bị đánh cắp, băng vải liệm có lẽ đã bị vất bừa bãi hỗn độn rồi. Thế mà, mọi sự vật đều được xếp gọn gàng ngăn nắp.
Mặt khác, làm thế nào không nghĩ đến ông Lazarô, thi thể được sống lại ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn? Ông Lazarô được sống lại để rồi một ngày kia lại chết. Đức Giêsu thì tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của cái chết này, nghĩa là tử thần không còn có quyền gì trên Ngài nữa. Chắc chắn hai vị Tông đồ đã hiểu dấu chỉ nầy và bị chấn động đến mức mà thánh Gioan “đã thấy và đã tin”: rõ ràng dụng ngữ này diễn đạt quá trình từ “thấy” đến sự gắn bó trọn vẹn với Đấng Phục sinh.
Ánh sáng bừng lên ở nơi người môn đệ này trước ngôi mộ trống và vải liệm được xếp gọn gàng ngăn nắp. Nếu niềm tin của ông đã có thể bị lung lay ít nhiều bởi những biến cố đau thương, thì tình yêu của ông đã không hề suy giảm, như ông đã bày tỏ cho đến mức theo bước chân Thầy cho đến nhũng giây phút cuối cùng của Thầy bên cạnh Thập Giá. Cường độ của tình yêu dẫn ông đến niềm tin ngay tức khắc. Chính cũng độ nhạy bén của tình yêu này mà vài ngày sau đó ông có thể nhận ra Thầy mình trên bờ hồ trong sương sớm trong khi những người khác không nhận ra. Người môn đệ được yêu và đang yêu này chỉ thấy cái tối thiểu, tuy nhiên ông tin tối đa. Độ nhạy bén của con tim giúp ông hiểu biết con người và sự vật.


5. Theo Kinh Thánh

Nếu đức tin có thể trước hết đến từ độ nhạy bén của con tim: “quen hơi bén tiếng,” tuy nhiên nó cần được tâm trí soi sáng. “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải chỗi dậy từ cõi chết” ám chỉ đến tiến trình các môn đệ hậu Phục sinh giải thích cuộc Phục sinh của Đức Kitô nhờ ánh sáng Cựu Ước; hơn nữa, Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng tâm trí của họ để hiểu nội dung Kinh Thánh, chưa được ban cho (Ga 14, 26 ; Lc 24, 45).
Các bản văn Kinh Thánh lại hiện ra trong tâm trí các ông… Người ta có thể phỏng đoán rằng họ nghĩ đến Tv 16, vì, vài tuần sau đó, chính Thánh vịnh này mà thánh Phêrô sẽ trích dẫn cho đám đông ở Giêrusalem để đưa ra những khẳng định của mình liên quan đến biến cố Phục sinh (Cv 2, 24-31).
Quả thật, chúng ta đọc trong Tv 16 những hàng này: “Thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành để mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung nầy hư nát trong phần mộ.” Ấy vậy, truyền thống đã áp dụng Thánh vịnh này vào Đấng Mêsia.


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết được một lần cúi đầu trước tình thương của Người, để cuộc đời của chúng con nhận ra chính Người là Đấng Cứu Độ chúng con. Xin cho chúng con mọi ngày sống trong hồng ân cứu độ của Chúa.
Mừng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng con, chúng con xin Ngài cho chúng con biết sống như Ngài: sống cho Chúa và sống cho mọi người anh em. Amen.

Lm. Ignatiô Hồ Thông
Nguồn: http://tgpsaigon.net/suy-niem/20100403/4448
Sưu tầm: P. Mai Tự Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét