Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Hỏi đáp Y học: Đau ruột thừa


Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Nguyễn Anh Tuấn ở Ðồng Nai gởi thư đến câu hỏi sau đây:

“Xin hỏi bác sĩ về đau ruột thừa.

Cách đây không lâu, anh Hai tôi, 50 tuổi, đi làm rẫy ở xa trong rừng, thường thì đi cả tuần hơn mới về lại nhà ở xã một lần để lấy thức ăn, muối mắm. Chiều tối hôm đó anh Hai tôi phát đau bụng, đau ở phần bụng dưới thắt lưng. Người làm rẫy chung kể lại là anh tôi càng lúc càng đau dữ dội, nhưng phải chờ đến sáng mấy người làm chung mới dìu lên xe máy để chở về y tế xã. Ðường rừng, thường phải mất nửa ngày mới về tới xã. Nửa đường đi thì anh Hai tôi mất.

Nhiều người biết về thuốc, và các cán bộ y tế xã nói là anh tôi bị đau ruột thừa, không mổ kịp, đã dẫn đến tử vong.

Xin bác sĩ giải thích:

1.    Nguyên nhân gây ra chứng đau ruột thừa, cách chữa trị và phòng ngừa;
2.    Lứa tuổi nào dễ bị đau ruột thừa?
3.    Có phải ở những nơi nghèo, chế độ dinh dưỡng kém, vệ sinh kém thì dễ bị ruột thừa hơn ở những nước văn minh?
4.    Các binh sĩ ở biên cương, những nhà thám hiểm, ở xa các phương tiện y tế, phòng ngừa đau ruột thừa như thế nào?

Cám ơn Bác sĩ."

Ảnh Google

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Lắng nghe giải đáp của bác sĩ

Ảnh Google

  • Trả lời câu hỏi về viêm ruột thừa:

Thật ra trường hợp anh ông hỏi chưa chắc đã do ruột thừa. Một người đàn ông 50 tuổi, đau bụng đột ngột một đêm thì chết, có thể do nhiều nguyên nhân khác, ví dụ vỡ một khúc động mạch chủ bị phình ra (rupture of an aortic aneurysm), lủng ruột,v..v...Sau đây chúng ta bàn về viêm ruột thừa( appendicitis):


Ảnh Google

1) Ruột chúng ta gồm ruột non (small intestine) nơi phần lớn các chất dinh dưỡng được tiêu hoá hấp thụ và ruột già (large intestine, colon) là nơi phình lớn ra, hơi thắt lại ở các nấc, thức ăn đã được tiêu hoá được tích tụ ở đây, nước được hấp thụ trước khi được bài tiết.

Ruột non nằm ở giữa bụng, ruột già như một chữ U ngược nằm chung quanh. Phía bên tay phải chúng ta, vùng bụng dưới là nơi hai khúc ruột này nối với nhau. Ở đó, có một túi cùng của ruột già là coecum, nối với đoạn cuối của ruột non tên là ileum. Coecum có một cái đuôi nhỏ, dài chừng 2-10 cm. Vì chúng ta không biết nó dùng làm việc gì, nên chúng ta gọi nó là ruột dư (ruột thừa).

Ảnh Google

Ruột thừa là một bộ phận sống. Vách nó có nhiều lớp, từ ngoài vào trong: lớp thanh mạc (serosa), lớp cơ (muscle layer), và một lớp niêm mạc (mucosa) với các tuyến tạo nên những chất tiết, có nhiều mô lympho (lymphoid tissue). Nếu bất cứ lý do gì, lòng ruột dư bị nghẽn, các chất tiết này ứ đọng lại, làm ruột thừa sưng lên, các mạch máu nuôi ruột thừa bị tắt nghẽn, các vi trùng sinh sôi nẩy nở, tế bào bạch cầu đến đông đảo để chống lại, làm mủ, sinh ra áp xe (abscess). Lúc đầu bệnh nhân thấy đau ở vùng rốn, giữa bụng (giống như đau bụng do viêm ruột thông thường, sau đó mới dời qua bên phải bụng bệnh nhân(right lower quadrant). Lúc đó bệnh nhân thường đau ở điểm McBurney ( nằm nơi tiếp giáp đoạn 1/3 ngoài và đoạn 2/3 trong giữa của  đường nối mấu trước của xương  chậu với rốn (McBurney’s point). Nếu áp xe vỡ ra, nhiễm trùng sẽ lan ra vào phúc mạc (peritoneum, màng lót trong ổ bụng), làm viêm phúc mạc (peritonitis) và nhiễm trùng máu (septicemia). Lúc đó, bệnh nhân đau khắp bụng, và bs mới đặt tay lên bụng để sờ, các bắp cơ bụng co cứng lại để bảo vệ các bộ phận trong bụng đang bị đe doạ (abdominal guarding, [Phap] defense abdominale ).

Ảnh Google

2) Nguyên do gây nghẽn lòng ruột dư:

-Nhiễm trùng tại chỗ
-Nhiễm trùng toàn thân, bệnh viêm làm cho các tuyến lympho trong ruột dư sưng to lên
-Ký sinh trùng, vd sán kim
-Phân khô đóng cục nghẹt lòng ruột dư (fecaliths)
-Các vật lạ nuốt vào
-U bướu

Ảnh Google

3) Hiện nay, chữa trị chính, tiêu chuẩn (standard treatment) là phẫu thuật, cắt bỏ ruột dư bị viêm (appendectomy). Kỹ thuật giải phẫu nội soi giúp mổ nhanh hơn, ít thẹo hơn và bệnh nhân về nhà nhanh hơn. Có một số nhà khoa học đang nghiên cứu chữa bằng kháng sinh mà không mổ, nhưng chưa được y giới chính thống chấp nhận. Có thể nghĩ đến phương thức bảo thủ này trong những trường hợp đặc biệt không mổ được, hoặc không có phương tiện mổ. (1)

Ảnh Google

4) Tuy trẻ sơ sinh có thể bị viêm ruột dư (rất hiếm), tuổi trung bình người được mổ viêm ruột dư là 22 tuổi.

Người Á đông và người châu Phi ít bị viêm ruột thừa hơn người Tây phương, vì thức ăn có nhiều chất xơ hơn (dietary fiber), thức ăn và phân đi qua ruột già nhanh ơn (decreased bowel transit time), không bị ứ đọng lại.

Tuy nhiên gần đây, trào lưu này có phần đảo lộn: một số người châu Á và Phi đổi qua lối ăn uống nhiều thịt, ít chất sợi của người Âu Mỹ; ngược lại bên Âu Mỹ người ta đã bắt đầu đổi cách ăn uống cho hợp vệ sinh hơn, nghĩa là nhiều trái cây, nhiều chất xơ, ít thịt và các chất tinh bột đã được xay và tẩy trắng.

Vệ sinh và môi trường sống cũng ảnh hưởng nhiều, ví dụ cùng châu Á nhưng viêm ruột thừa ít xảy ra ở Thái Lan hơn là Hồng Kông. Các điều kiện vệ sinh (nước uống, phòng vệ sinh) làm thay đổi khả năng bị nhiễm trùng virus, nhiễm trùng đường ruột, ký sinh trùng đường ruột, là những điều kiện có thể giúp cho ống của ruột thừa bị tắc nghẽn, đi đến viêm ruột thừa.

Tóm lại, không có biện pháp rõ rệt ngừa viêm ruột thừa. Biện pháp vệ sinh chung về ăn uống (như tránh quá nhiều thịt và tinh bột,nên ăn nhiều rau xanh, cà chua, trái cây, tránh bón) cũng như cải thiện vệ sinh nơi sinh hoạt (tránh ô nhiễm nước uống, thức ăn để tránh nhiễm trùng ruột cũng như các bệnh virus nơi trẻ em, thanh thiếu niên) là những yếu tố có thể làm giảm tỷ số viêm ruột thừa trong một cộng đồng nào đó. Một số người đi mạo hiểm đến nơi không có phương tiện y khoa có thể nghĩ đến cắt ruột thừa trước khi đi (preventive appendectomy).

Tuy nhiên, với các phương tiện hiện nay, đa số các bác sĩ nghĩ rằng không cần phải dùng biện pháp này, kể cả các chuyến bay không gian gần hoặc thám hiềm nam cực.

Ngoại lệ có thể là các chuyến du hành vũ trụ xa, lúc đó một phi hành gia trong thời gian kéo dài có cơ nguy bị viêm ruột thừa nhiều hơn, cũng như thiệt hại đối với chuyến đi cũng nhiều hơn. (3)

Chúc thính giả may mắn.

Tài liệu tham khảo:
(1) Wilms IM, de Hoog DE, de Visser DC, Janzing HM.Appendectomy versus antibiotic treatment for acute appendicitis. (http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22071846.)
(2) Sulu B.. Demographic and Epidemiologic Features of Acute Appendicitis.
http://cdn.intechopen.com/pdfs/25845/InTech-Demographic_and_epidemiologic_features_of_acute_appendicitis.pdf
(3) Stuster J.. Bold Endeavors: Lessons from Polar and Space Exploration. p.339


Bác sĩ Hồ văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

http://www.voatiengviet.com/content/hoi-dap-y-hoc-dau-ruot-thua/1612079.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét